Thay Lời Vong Linh

Chương 74



Lúc ăn cơm Thích An thương lượng đơn giản với Tùy Uyên một chút, nghĩ ra biện pháp có thể gặp được người cầm đầu tổ chức kia. Thật ra cũng không khó, nhưng vấn đề không phải làm sao để gặp hắn, mà là gặp hắn xong rồi làm gì bây giờ. Đối phương có thể trường sinh bất lão, lại chỉ bằng một ly nước đã làm người bình thường thấy quỷ hồn, vậy hắn hẳn phải rất mạnh? Ngoại trừ hắn, thủ hạ của hắn có tất cả bao nhiêu người?

Tuy đúng là có cách nhìn thấy hắn, nhưng mạo hiểm làm vậy chính là tự đi tìm chết, cho nên trước khi thực hiện, bọn họ cần phải tận lực điều tra về tổ chức đó. Người có thể giúp Thích An biết nhiều tin tức nhất... Trước mắt cũng chỉ có Triệu Nhất mà thôi. Thành viên trong tổ chức sẽ biết được bí mật mà người ngoài không thể biết, nhưng là một thành viên của tổ chức đó, làm sao để Triệu Nhất giúp cô?

Hai người tạm thời chưa nghĩ ra biên pháp gì, vì thế Thích An quyết định tra chút tư liệu đã. Cơm nước xong cô và Tùy Uyên vào tiệm net, tìm tất cả tư liệu về Hề quốc.

Trong lịch sử chuyện ôn dịch cũng không hiếm gặp nên những tư liệu đó đều chỉ ghi qua qua, thậm chí còn không nhắc về thần y. Tuy nói nhiệm vụ của sử quan là ghi chép chân tướng sự thật nhưng chỉ cần hoàng đế ra lệnh ép buộc họ dấu diếm hoặc ghi lại, vì tính mạng người nhà họ không thể không theo. Trong sử sách không ghi không có nghĩa là chuyện chưa từng xảy ra.

Dựa theo miêu tả của Tùy Uyên, thêm chuyện hoàng đế ngu ngốc điên cuồng tìm thuật trường sinh bất lão, đủ thấy sau khi Tùy Uyên chết nhất định đã xảy ra sự kiện gì đó khiến lão hoàng đế phải hết sức xóa bỏ sự tồn tại của họ. Hiện tại, Tỏa Hồn Thạch cũng liên quan đến trường sinh bất lão, có vẻ năm đó sau khi Tùy Uyên chết và thần y sống lại, tin tức về Tỏa Hồn Thạch đã bị lão hoàng đế biết còn suy diễn ra cách để trường sinh bất lão.

Nhưng mà lúc ấy thần y sống lại trước mặt nhiều người như vậy hẳn phải là một sự kiện chấn động lòng người, vì sao trong lịch sử không nói? Chính sử không có thì thôi nhưng sao dã sử cũng không hề nhắc đến? Một chữ cũng không?

Theo đoạn thời gian Tùy Uyên nhớ lại thì chỉ có một việc quan binh phản loạn gây rối hoàng thành, mà sự kiện này gần như trùng với ngày Tùy Uyên chết, chẳng qua đã giấu sạch tình huống cụ thể, không nhắc đến Tùy Uyên và thần y, càng không nói đến chuyện cướp pháp trường gì đó. Thích An thử tìm từ khóa thần y Hề quốc, nội dung chỉ toàn quảng cáo bệnh viện.

Xem ra tin tức tìm trên mạng là không đủ, nếu muốn biết tỉ mỉ phải đi hỏi... Giáo sư hệ sử học trong trường!

Thích An nhớ giáo sư họ Mã, ông ấy bác học đa tài lại vô cùng khiêm tốn, không cần phải là nghiên cứu sinh của ông, chỉ cần có vấn đề về lịch sử muốn hỏi ông đều hỗ trợ nhiệt tình. Kiến thức lịch sử của giáo sư Mã nhiều gấp mấy lần thông tin trên mạng.

Thích An xem giờ, nghĩ nghĩ, gọi Tùy Uyên cùng về, trên đường mua một cây thuốc và quà cho ba người bạn cùng phòng. Ba người nhận quà vô cùng vui vẻ, nguyên nhân không phải vì có quà mà là cao hứng thay Thích An, bởi vì cô "Tìm được một việc gia sư đãi ngộ tốt". Thích An thuận tiện hỏi thăm chuyện về giáo sư Mã, Viên Đan Đan nói mình có bạn học cùng cấp ba hiện đang học H đại khoa lịch sử, nhắn tin hỏi han người đó một chút rồi đưa số điện thoại cho Thích An.

Tối hôm đó Thích An nhắn tin hỏi chuyện, biết giáo sư sáng sớm ngày nào cũng đến công viên gần đây luyện Thái Cực, vì thế ngày chủ nhật cô và Tùy Uyên đến công viên từ sớm chờ. Cô đến cũng sớm, mới 6 giờ thôi mà ngồi chưa được vài phút giáo sư Mã đã đến rồi, đi cùng ông còn có vài cụ ông, nhìn như ngày nào cũng hẹn nhau ra đây luyện tập.

Hai người không tiến lên hỏi chuyện ngay mà tìm một cái ghế đá ngồi xuống, chờ họ tập xong bắt đầu nghỉ ngơi mới đi qua.

Thích An chưa mở miệng, giáo sư Mã đã hỏi: "Bạn học này, em tới tìm thầy phải không?"

Thích An cười cười: "Vâng ạ, giáo sư Mã, em là sinh viên năm hai H đại, tuy không học khoa lịch sử nhưng gần đây có tìm hiểu về lịch sử Hề quốc, đặc biệt là những năm cuối cùng. Nhưng mà thông tin trên mạng quá hỗn độn nên em muốn hỏi thầy, hi vọng không quấy rầy đến thầy."

Giáo sư Mã vẫy vẫy tay, cười với cô chỉ cái ghế đá gần đó ý bảo hai người đi với ông. Ông uống ngụm nước, vừa lau mồ hôi vừa nói: "Ngồi đi. Em nói xem em muốn biết gì? Nếu thầy biết thầy sẽ nói cho em."

Giáo sư quả nhiên dễ tính như trong lời đồn, cây thuốc trong tay Thích An khiến cô hơi xấu hổ không dám đưa qua. Cô chần chờ một chút, nói thẳng: "Là vậy ạ, gần đây em đọc được tư liệu về Dương Đế, hoàng đế cuối cùng của Hề quốc đam mê thuật trường sinh bất lão, phái rất nhiều người tìm kiếm khắp nơi, thậm chí còn có cả bản vẽ. Mà em phát hiện ông ta bắt đầu theo đuổi thuật trường sinh là sau vụ quan binh phản loạn gây náo động hoàng thành, cho nên em nghĩ có phải đợt phản loạn đó cất giấu bí mật gì không muốn cho người ta biết hay không?"

Giáo sư Mã nghe xong có hơi suy nghĩ, thần sắc nghiêm túc nói: "Em nói việc này à, trước kia thầy cũng từng nghĩ tới, còn từng tra cứu tư liệu, nhưng thư tịch Hề quốc đều không ghi lại bất cứ cái gì cả."

Thích An nghe xong thất vọng, nhưng ngay sau đó giáo sư Mã lại nói: "Nhưng Hề quốc không ghi, Tuệ quốc lại có một ít."

Ông cô ý tạm dừng, thấy Thích An lộ ra vẻ tò mò chờ mong mới cười nói tiếp: "Cùng thời kì đó, Tuệ quốc có một vị tướng quân viết một quyển sách, nói theo kiểu bây giờ thì chính là tự truyện. Quyển sách ghi lại những việc của ông ta từ nhỏ tới khi trưởng thành trở thành tướng lĩnh, chiến tích trong đời, trong đó có vài lần nhắc đến một vị tướng quân Hề quốc tên là Tùy Uyên."

"Vị tướng quân Tuệ quốc đó là Trương Đình?" Tùy Uyên nhịn không được hỏi.

Giáo sư Mã nhìn anh, có chút kinh ngạc: "Em nghiên cứu lịch sử Tuệ quốc?"

"Trương Đình là một vị tướng quân giỏi bày binh bố trận, lại có lòng thương người, lấy đức phục người, nếu có nguy hiểm tất đứng mũi chịu sào, tướng lĩnh dưới trướng nghe lệnh không phải vì thân phận tướng quân mà là vì tâm phục khẩu phục."

"Không tồi," giáo sư Mã cười nói: "Nhưng sao bạn học này nói chuyện kiểu văn chương thế? Rất có ý tứ."

Tùy Uyên cười cười, kéo về đề tài cũ: "Không biết trong quyển sách đó Trương Đình viết những gì ạ?"

Giáo sư Mã khụ một tiếng, lại uống một ngụm nước, nói tiếp: "Trong đó ông ta viết về một vị tướng quân Hề quốc tên Tùy Uyên, hai người tuy là kẻ địch nhưng lại luôn thưởng thức nhau, nói là bạn tốt cũng không ngoa. Nhưng trong lịch sử Hề quốc lại không có người này, chỉ có dã sử đề cập vài câu mà thôi. Những chuyện trong quyển sách này của Trương Đình phần lớn đều có khảo chứng nên thầy kết luận ông ta không có khả năng đang viết chuyện thật lại chen vào một đoạn nói dối, mà lời nói dối này cũng không đem lại lợi ích gì, đúng không?"

Thích An nhanh chóng gật gật đầu, ông cười nói tiếp: "Sau đó thầy đối chiếu, phát hiện thời điểm xảy ra chuyện binh lính phản loạn hoàng thành cũng là lúc Trương Đình nhắc tới cái chết của Tùy Uyên, nhưng có vẻ ông ta cũng không biết rốt cuộc xảy ra chuyện gì. Cũng không trách được, ông ta là người Tuệ quốc, không thể biết chuyện ở tận hoàng thành Hề quốc xa xôi. Thầy còn nhớ rõ, Trương Đình viết là ông ta biết được từ miệng người của mình xâm nhập trong lòng dân cư Hề quốc tin Tùy Uyên mất, bi thống không thôi phái nhiều người thăm dò tình huống cụ thể, nghe nói Tùy Uyên có ý đồ xúi giục bộ hạ bức vua thoái vị, bị thân vệ của Dương Đế loạn tên bắn chết ở cửa thành."

Tùy Uyên mím môi, sắc mặt có chút khó coi. Thích An nhẹ nhàng kéo kéo áo anh, nói với giáo sư Mã: "Hóa ra còn có chuyện như vậy. Nói cách khác Tùy Uyên thật sự tồn tại, chỉ không biết vì nguyên nhân gì mà lại bị hoàng đế Hề quốc xóa sạch?"

"Ừm, chuyện này Trương Đình cũng có nhắc tới, nhưng mà đoạn đó... tính chân thực quá thấp, giống như chuyện Dương Đế theo đuổi thuật trường sinh bất lão vậy."

Giáo sư Mã nói tới đây nâng tay xem đồng hồ, nói: "Xin lỗi, cũng không còn sớm nữa, hôm nay thầy có chút việc. Hay là em để lại phương thức liên lạc đi, gặp vấn đề gì cứ trực tiếp hỏi thầy, đỡ phải chạy đến đây xem mấy ông già đánh Thái Cực."

Thích An thấy ông phải đi, vội vàng đưa ra cây thuốc lá: "Hôm nay cảm ơn thầy rất nhiều, những chuyện này đối với em rất quan trọng. Thuốc này là một người bạn của bố em đưa nhưng ông ấy không hút thuốc cho nên em mang đến đây mượn hoa hiến phật, hi vọng thầy đừng ghét bỏ."

Giáo sư Mã tất nhiên không chịu nhận, Thích An đặt thuốc cạnh khăn lông của ông rồi lôi Tùy Uyên chạy mất. Ông gọi vài tiếng mà cô không quay lại, không thể đuổi kịp hai người trẻ tuổi được nên bất đắc dĩ cười cười, cầm thuốc lá trở về nhà.

Sau đó Thích An không tìm ông hỏi nữa, vì cô tìm thấy tự truyện của Trương Đình rồi. Lại nói chuyện này cũng không dễ dàng, Trương Đình tuy là Đại tướng quân nổi dang Tuệ quốc nhưng tự truyện của ông không phải mấy bản dã sử linh tinh dễ tìm. Thích An chạy mấy hiệu sách đều không tìm được, sau đó mới thấy trên mạng có bán. Đợi ba ngày sách về đến tay, cô lập tức lật giở, hết hai phần ba quyển sách mới thấy những chuyện mà giáo sư Mã nhắc tới.

Đoạn sau ông chưa kịp nói cũng tìm được rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.