Thẻ Đọc Tâm

Chương 44: Tất cả những hạt giống bất hạnh đều được gieo mầm từ thời thơ ấu



So với Liêu Thanh Tùng, Diệp Lệ Sa thực sự không thảm hại như thế.

Chí ít thì cô cũng không phải trải qua những ngày đông tuyết rơi ngập đường, đi đôi giày thể thao đã rách và mặc chiếc áo bông cũ kỹ, đi bộ hai tiếng đồng hồ mới tới trường học. Cũng không phải sống với mức lương hằng tháng là một nghìn hai trăm tệ trong thành phố với giá mua nhà là hai mươi hai nghìn tệ một mét vuông.

Diệp Lệ Sa cảm thấy nỗi khổ của mình chính là mặt tinh thần.

Năm mười tuổi, Diệp Lệ Sa luôn cho rằng mình không có cha mẹ.

Vì cha mẹ của Diệp Lệ Sa ra sức làm ăn ở thành phố lớn, gửi cô cho bà ngoại trên thị trấn chăm sóc.

Cô không nhớ nổi hình dáng của mẹ mà chỉ lưu lại những món đồ chơi và đặc biệt là quần áo đẹp mà cha mẹ cô hay gửi về.

Một đứa trẻ, nếu cảm thấy mình không có cha mẹ thì nó sẽ thực sự cảm thấy mình khác những đứa trẻ khác.

Tự ti cũng giống như một hạt giống, không biết khi nào nó sẽ đâm rễ trong trái tim của Diệp Lệ Sa, rồi còn kết thành những trái quả của sự khép kín, cô đơn, cáu kỉnh...

Bạn học cũng không muốn chơi cùng Diệp Lệ Sa, họ cảm thấy cô khác người. Khi được kiểm tra về sự gian dối trong tập thể, ai cũng viết đáp án là “Diệp Lệ Sa”, cả lớp chỉ có cô là bị điểm 0.

Chuyện này đã khiến Diệp Lệ Sa phải chịu rất nhiều tổn thương, cô cảm thấy cả thế giới này đều đứng ở phía thù địch với mình.

Diệp Lệ Sa cảm thấy mình là một người không được thế giới này hoan nghênh.

Người bạn duy nhất của cô chính là một chú chó có tên là Nhã Miết.

Nhã Miết là chú chó lai, là sự kết tinh bởi tình yêu tự do của hai chú chó khác giống.

Nhã Miêt sẽ giúp Diệp Lệ Sa tha dép.

Lúc cô rửa tay, nó giúp cô lấy khăn.

Khi cô làm bài tập, nó sẽ ngồi yên bên cô.

Lúc cô tan trường, nó sẽ đi đến đầu ngõ để đợi cô.

Nhã Miết làm rất nhiều việc vì Diệp Lệ Sa, tất cả những điều nó muốn chỉ là hằng ngày được ăn hai bữa cơm, có xương gà, đầu cá hoặc những món thịt hay canh thừa cũng được. Không bao giờ than phiền, không bao giờ ghét bỏ, không oán hận, lặng lẽ chăm sóc.

Diệp Lệ Sa rất yêu Nhã Miết, còn hơn cả tình cảm dành cho cha mẹ với những ấn tượng mơ hồ và người bà cáu kinh, độc ác.

Năm mười một tuổi, cha mẹ đưa Diệp Lệ Sa tới thành phố lớn.

Trước lúc đi, Diệp Lệ Sa đã khóc vì muốn đưa Nhã Miết đi cùng. Nhưng cha mẹ cô nói: “Ở thành phố lớn thì không được nuôi chó, đưa Nhã Miết đi theo thì nó sẽ bị người ta đánh chết đây”.

Lời đe dọa đó rất có tác dụng, Diệp Lệ Sa không muốn hại chết Nhã Miết.

Cô nâng đầu Nhã Miết lên và nói: “Nhã Miết, sau này chị sẽ về thăm em”.

Trước khi lên xe, Diệp Lệ Sa bỗng nhớ ra còn bà nội chưa lên xe, cô liền hỏi: “Bà nội đâu? Bà không cùng chúng ta đến thành phố lớn sao?”.

Mẹ cô trừng mắt nhìn và nói: “Thành phố lớn cũng không được phép đưa theo bà đi. Nếu đi cùng, bà nội sẽ bị xe tông đấy”.

Cha không kiềm chế được nữa liền hét lên: “Em đã nói xong chưa? Anh đã đồng ý không đón bà lên ở với chúng ta rồi, em còn nói những lời độc địa đó thì có thể tích được một chút khẩu đức sao?”.

Diệp Lệ Sa cảm thấy giữa cha mẹ đang có xích mích nên không dám nói thêm nữa.

Sau một hồi nghiêng ngả trên ô tô, cuối cùng Diệp Lệ Sa đã đến được thành phố lớn.

Những tòa nhà cao tầng san sát cùng những chiếc xe con đủ loại bỗng hiện ra trước mắt Diệp Lệ Sa.

Cô bỗng khó có thể hiểu tại sao thành phố trước mắt này lại khác xa quê mình đến thế, trong lòng bỗng xuất hiện hàng nghìn câu hỏi tại sao.

Tại sao các ngôi nhà lại cao như thế, lẽ nào muốn chọc thủng đám mây trên trời sao?

Mọi người đều chen chúc trong một ngôi nhà mà không có hiềm khích gì sao?

Tại sao đường đi lại phải đào nhiều cống rãnh đến thế? Họ muốn đào thủng trái đất sao?

Điều càng làm cô hiếu kỳ hơn chính là xe cộ trên đường. Mọi người tại sao lại không đi bộ hoặc đi xe đạp nhỉ? Tại sao họ đều đứng chen chúc trong chiếc ô tô với đủ loại sắc màu như thế nhỉ? Sau đó lại ngây ngô khởi động xe đi trên con đường cái, xếp thành hàng dài, mấy tiếng đồng hồ không nhúc nhích. Lẽ nào họ đang chơi trò xếp hàng ngồi ăn quả sao?

Những câu hỏi đủ loại đó đã gây khó khăn cho cha mẹ cô. Chính xác, đối với những câu hỏi trẻ con như thế, ngay cả các nhân vật nổi tiếng cũng không biết trả lời thế nào.

Nhà của Diệp Lệ Sa nằm trong một khu vực giá cao. Khu vực giá cao nghĩa là lúc bạn ra vào đều có người mặc đổng phục cúi đầu mở cổng cho bạn. Những loại cỏ cây hoa lá ở đó đều được cắt tỉa đẹp đẽ.

Chiếc xe chở gia đình Diệp Lệ Sa chầm chậm tiến vào khu chung cư trong nụ cười thân thiện của người bảo vệ.

Một người ăn mày ăn mặc rách rưới cũng theo chiếc xe đi vào khu chung cư.

“Đứng lại, đứng lại, bà làm gì đó? Đi ra ngoài kia mà ăn xin, đây là khu chung cư cao cấp! Mau ra đi!”, người bảo vệ khiêm nhường vừa rồi bỗng thay đổi nét mặt.

Bà ăn xin đã bị đuổi ra ngoài.

“Cha mẹ ơi, chú bảo vệ ấy tại sao lúc thì hiền lành lúc lại dữ dằn thế? Họ đang chơi trò ảo thuật à?”, Diệp Lệ Sa không thể hiểu nổi sự việc diễn ra trước mắt.

Ông bà Diệp không nói lời nào. Ai lại đi suy nghĩ về cảnh tượng thường xuyên được chứng kiến như cơm bữa ấy cơ chứ, trong thâm tâm họ cảm thấy rằng sống ở thành phố lớn thật tốt.

Ông Diệp tên là Diệp Tài. Ông vốn chỉ là một lái xe vận tải, hằng ngày duy trì cuộc sống bằng việc vận chuyển hàng hóa cho người khác. Bây giờ ông đã phát tài, công việc của ông chính là mua bán qua mạng.

Đóng góp của trang mạng mua bán là rất lớn, không chỉ nuôi sống vô số các thương hiệu sản xuất hàng hóa giả, mà cũng làm mãn nguyện những người ưa chuộng hàng giả. Còn giúp cho người tài xế vận tải như Diệp Tài có cơ hội tiến quân vào nghề và thành lập công ty chuyển phát nhanh, phất nhanh như diều gặp gió trong vài năm.

Ngày nào Diệp Tài cũng có hàng chưa vận chuyển hết, những hàng chuyển phát nhanh chưa phát xong, những cuộc tranh cãi không dứt và những giao dịch không bao giờ hết. Bởi thế nên tiền vào như nước.

Diệp Tài chỉ trong năm năm ngắn ngủi mà đã xây dựng được nền móng vững chắc trong thành phố lớn và được đứng trong hàng ngũ “giai cấp trung lưu”.

Không cần giải thích xem tại sao một hộ gia đình phát tài lại được gọi là trung lưu, bởi nếu nhiều người cho rằng đúng là như thế thì điều đó đúng.

Đến ở cùng cha mẹ, Diệp Lệ Sa bắt đầu một cuộc sống khác hẳn với trước đây.

Cô được đi học tại trường quý tộc. Những học sinh ở đó ngoại trừ việc học hành chẳng ra gì, nếu không so sánh về nhãn hiệu đồng hồ hay quần áo thì cũng nói đến đẳng cấp chiếc xe hơi của mình. Thành tích học tập của họ là điều kém cỏi nhất nhưng phần lớn trong số họ, tương lai đều đi du học.

Lúc mới vào trường, chẳng có ai thèm để ý tới Diệp Lệ Sa.

Diệp Lệ Sa có chút thất vọng nhưng rồi cô cũng quen. Dù sao thì cô cũng luôn là đứa trẻ cô độc một mình và không có ai quan tâm đến.

Rồi có một ngày, những bạn gái cùng lớp nhìn thấy mác áo của Diệp Lệ Sa, có bạn kinh ngạc hét lên: “Thương hiệu này chủ yếu sản xuất nội y giúp sửa sang thân hình, hai mươi tám vạn tệ một bộ đấy!”.

Bởi thế ai cũng thay đổi nét mặt với Diệp Lệ Sa. Ngày nào cũng có người mời cô cùng ăn cơm, đi dạo và tham gia các buổi tiệc sinh nhật.

Diệp Lệ Sa không vì thế mà cảm thấy vui mừng, trái lại, cô còn hết sức kinh ngạc.

Bộ nội y này là vào ngày cuối tuần, mẹ đưa cô đi mua. Thân hình chưa trưởng thành khiến cô cảm thấy xấu hổ khi đứng trước những bộ nội y lộng lẫy khiến người ta hoa mắt.

Diệp Lệ Sa ngượng ngùng đi vào trong cửa hàng, cô thà đứng ở ngoài cửa đợi mẹ còn hơn.

Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, mẹ mua hai bộ và mua cho cô một bộ.

“Con lớn rồi, phải mặc nội y vào, là con gái thì phải chăm sóc bản thân một chút”, mẹ nói với giọng điệu có phần bực bội.

Thế sao? Mua bộ nội y mất mấy chục vạn tệ chính là cách chăm sóc bản thân sao?

Diệp Lệ Sa nhớ đến giọng điệu bực bội của mẹ khi nói câu đó, rõ ràng thể hiện cảm giác như muốn báo thù, ngông cuồng trút giận vào một kẻ nào đó.

Mẹ của Diệp Lệ Sa dành phần lớn thời gian cho việc đánh bài, làm đẹp, mua sắm, ở nhà than thở trước gương, việc mua quần áo đắt tiền là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà.

Đương nhiên, khi mẹ mua đồ thì cũng không thể quên con gái Diệp Lệ Sa, tủ quần áo của tiểu cô nương chẳng mấy chốc mà chật cứng.

Có một buổi tối, Diệp Lệ Sa nghe thấy cha mẹ to tiếng ở phòng bên, sau đó mẹ đã khóc rất lâu.

Diệp Lệ Sa nằm trong phòng không dám ra. Cứ mỗi lần cha mẹ cãi nhau là cô lại bị ép buộc: “Mau về phòng của con đi!”. Màn đêm dần dần tĩnh lặng, phòng của cha mẹ cũng không phát ra âm thanh nào nữa.

Lúc đó Diệp Lệ Sa mới đi ra khỏi phòng, ghé sát tai vào trước cửa phòng cha mẹ, bên trong hoàn toàn tĩnh lặng.

Diệp Lệ Sa lại đi đến ban công phòng khách. Ban công phòng khách và ban công phòng ngủ của cha mẹ nối liền nhau.

Cô vươn người sang, muốn lén xem cha mẹ trong phòng còn cãi nhau không.

Không có tiếng cãi cọ.

Mẹ cô đang ngồi trên ban công. Không, là đang ngồi trên thành ban công.

Bà giống như một tờ giấy, ngồi trên thành ban công chỉ rộng có hai mươi centimet.

Phía dưới bà là thế giới náo nhiệt, là sự ấm áp của đèn điện, là nhân gian mà con người tự biết đắng cay ngọt bùi.

Còn Diệp Tài, ông đang đứng đằng sau, không kéo bà lại, không khuyên bà, cũng không cầu xin bà.

Ông đứng đó, lặng lẽ nhìn người vợ đang muốn nhảy lầu của mình, không buồn cũng chẳng vui.

Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Diệp Lệ Sa bịt miệng mình lại, cô sợ quá đến nỗi òa khóc, không biết xoay xở ra sao.

Cuối cùng mẹ cũng nghe thấy tiếng khóc của Diệp Lệ Sa, bà quay người lại rồi bước xuống ban công, đi ra phòng ngủ, ôm lấy Diệp Lệ Sa đang run rẩy trong phòng khách, hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc.

Diệp Tài nhìn hai vợ con bằng ánh mắt căm ghét, ông mở cửa rồi đóng sầm lại, đi khỏi nhà.

Diệp Lệ Sa lau nước mắt cho mẹ rồi nói: “Mẹ, chúng ta đón Nhã Miết về nuôi đi, Nhã Miết sẽ giúp mẹ vui lòng. Thật đấy!”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.