From: Manh Manh, 19 tuổi,sau khi tốt nghiệp chỉ có khả năng đi dời gạch.
To: Tôi của mười năm sau.
Đây không phải là một bức thư quan trọng, bạn không cần trả lời cũng không sao. Tôi viết lá thư này, chủ yếu là muốn nói xin lỗi với bạn. Năm ngoái thi đại học, tôi phát huy vượt xa mức bình thường, thi được điểm số rất không tầm thường. Có thể là bởi vì quá kì diệu nên lúc điền bảng nguyện vọng, cả nhà chủ động bày mưu tính kế cho tôi. Không có hỏi ý kiến của tôi. Sau khi đại chiến ba trăm hiệp, bố tôi vung bút lên, quyết định cho tôi học ngành kiến trúc công trình bằng gỗ. Tôi thà chết chứ không chịu khuất phục, một khóc hai nháo ba tự tử, sống chết phải nói cho bố biết, tôi còn không hiểu công trình bằng gỗ* là cái quái gì cơ mà. Tôi có ước mơ của mình, tôi muốn học văn học Hán ngữ. Bố tôi mặt không đổi sắc hỏi: “Con có nghĩ tới học chuyên ngành này có thể ra làm gì chưa?” Tôi gật đầu như giã tỏi, nói: “Con biết, có thể là cô giáo dạy văn. Có thể làm thư ký! Còn có thể làm tác giả!” Bố tôi không để ý tới tôi mà chỉ nói: “Thích nhịn đói thì nhịn đi, mới bao lớn, con phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, với điểm số này của con, đương nhiên phải học chuyên ngành sốt dẻo nhất.”
* Công trình bằng gỗ: Thật ra chính là dùng gỗ để xây nhà hoặc dùng làm đồ gia dụng trong gia đình ấy các bạn ạ. Có rất nhiều công trình đẹp mọi người google nhé.
Tôi lúc ấy cảm thấy bố tôi có chỗ không đúng, nhưng lại không biết giải thích từ đâu. Sau đó cứ như vậy, người nhà xem sự im lặng của tôi là ngầm đồng ý, tôi tới Thượng Hải học kiến trúc công trình bằng gỗ. Lên đại học, tôi mới biết bố thương tôi thế nào. Cả khoá, cộng thêm cả phụ đạo viên mới có hai nữ sinh. Ngoại hình thường thường như tôi mà cũng thành hoa khôi của lớp, được mọi người yêu quý, vây quanh ủng hộ. Đàn anh khoá trên phụ trách kiểm tra bài tập và bài thi của chúng tôi nói lớp anh chỉ có ba cô gái, một người bám theo bạn trai được vào viện thiết kế, hai người tìm không ra việc, chỉ biết tiếp tục học thạc sĩ, đoán chừng cũng không tìm được việc nên học luôn lên tiến sĩ. Tôi hối hận chết đi được. Huống chi, tôi nào có hiểu trên lớp giảng viên đang nói gì. Tôi hỏi anh: “Về sau ngành chúng ta có thể làm gì vậy ạ?” Anh nói: “Dời gạch chứ còn gì. Em đừng xem thường việc dời gạch nhé, em xem, khoa Công trình Điện khí và Tự động hoá tên vừa dài nghe vừa kêu, tốt nghiệp xong cũng đi chép công tơ điện mà thôi!”
Học nửa kỳ trên lớp, tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ việc chuyển chuyên ngành.
Thế nhưng chương trình học của ngành tôi nhiều đến biến thái, tôi căn bản không có thời gian đi Viện Văn học hun đúc một chút tình cảm. Cuối kỳ có thông báo chuyển chuyên ngành, tôi bèn viết đơn gửi giáo viên phụ đạo. Thầy gọi tôi tới văn phòng, dùng phương pháp liệt kê để tôi hiểu rõ khoa xã hội ở trường tệ như thế nào, ngành kỹ thuật trâu bò bao nhiêu, chúng tôi là người nối nghiệp của xã hội chủ nghĩa, phải trở thành một người có ích đối với xã hội, dân tộc Trung Hoa vĩ đại phục hưng được đặt trên vai những người trẻ tuổi chúng tôi.
Chúng tôi phải xây nên tất cả từ những viên gạch, viên ngói đầu tiên, không thể vì phong hoa tuyết nguyệt nhất thời mà quên đi kiến trúc hạ tầng. Tôi gật đầu, nói sẽ quay về ngẫm lại, sau đó thì không có sau đó nữa. Đầu năm nay, tôi hẹn hò, đối tượng là… một anh chàng học Văn học Hán ngữ. Tôi thấy mình chắc là trúng ngải rồi, không thì sao cứ mãi không qua được cửa này? Lúc mới quen, tôi thấy anh ấy vừa lãng mạn vừa tài hoa, đọc rất nhiều sách nên gì cũng biết, giỏi giang cực kì. Thế nhưng lâu dần tôi thấy anh ấy phiền cực, ngày nào cũng lảm nhảm phàn nàn chuyên ngành của mình, rồi còn hâm mộ sinh viên ngành kỹ thuật chúng tôi. Anh hối hận lúc cấp Ba chọn ban Xã hội, vì rất ít lựa chọn khi vào Đại học, còn phàn nàn chuyên ngành này tỉ lệ việc làm thấp, lương khởi điểm cũng thấp, không có không gian phát triển, thấy mình bụng ôm hoài bão nhưng không làm được gì.
Sau khi chia tay với anh ta, tôi một mình đi ra ngoài hóng gió thật lâu. Tôi nhận ra mình ghét anh ấy vì nhìn thấy bóng dáng mình ở anh. Đó không phải là tôi sao? Luôn miệng nói mình ghét chuyên ngành hiện tại, thề thốt một hai nói biết mình muốn làm việc gì nhất, thế nhưng căn bản không có dũng khí thực hiện bước mấu chốt nhất. Sợ nếu như có một ngày hối hận, tôi trách cứ mình của bây giờ. Cho nên luôn tìm cho mình thật nhiều lý do, sau đó yên tâm thoải mái duy trì tình trạng hiện tại, để cuộc đời tiếp tục hướng tôi đến tiền đồ tươi sáng, yên ổn bình đạm. Sau đó, lúc không có gì làm, lại phàn nàn vài câu, nhẹ nhàng nói đây không phải điều tôi muốn làm.
Tôi ghét tình trạng hiện tại của bản thân mình. Thế nhưng bất kể có hận bao nhiêu, tôi vẫn một mực cúi đầu trước nội tâm yếu đuối kia, mặc cho cô ta tiếp tục tung hoành ngang ngược. Xin lỗi, là tôi sai, khiến bạn không thể làm được điều mình muốn làm, khiến bạn không vui. Bạn có thể tha thứ cho tôi sao? Tôi thật sự không làm được.Reply from: Tôi của mười năm sau.
Cô bé, biết tôi bây giờ đang làm gì không? Tôi của mười năm sau không đến công trường dời gạch, cũng không trở thành cô giáo dạy văn hay tác giả nổi tiếng. Tôi hiện đang làm biên dịch cho một nhà xuất bản ngoại văn, chủ yếu dịch những sách vở bảo vệ sinh vật biển. Tiền lương rất thấp, chỉ miễn cưỡng đủ nuôi sống chính mình, lượng công việc hàng ngày lại nhiều vô cùng, nhất là đụng phải dạng bách khoa toàn thư như thì nửa năm cũng dịch không xong một quyển. Nghe hơi… Được rồi, tôi thừa nhận, không phải là hơi, mà là quá hoang đường. Đừng cười tôi không làm nên trò trống gì nhé.
Bốn năm đại học đó, tôi lấy thân phận người đứng đầu khoa được trường cử đi học nghiên cứu sinh, trong hai năm nhận được mấy giải thưởng của một số cuộc thi quốc tế khá nổi, thoạt nhìn đúng là tiền đồ xán lạn.
À, tôi còn đi dự thính không ít môn của ngành Văn học Hán ngữ, trong phòng học phần lớn đều là con gái, nhưng các cô ấy đều không nghiêm túc nghe giảng, mà chăm chú chơi điện thoại, đọc tiểu thuyết, truyền giấy nói chuyện phiếm, tôi nhìn mà thấy đau lòng. Về sau tốt nghiệp nghiên cứu sinh, giáo sư đề cử tôi cho một công ty xây dựng ở Pháp, thế là tôi ở nước Pháp thêm ba năm.
Lúc vừa mới đến nước Pháp, tôi trải qua hai tháng không có điện thoại. Tôi cố ý làm vậy xem nếu không duy trì liên lạc thường xuyên với xã hội này thì có chết hay không. Sự thật chứng minh tôi không chết được, thậm chí hai tháng này cuộc sống của tôi còn phong phú muôn màu, lượng sách đọc được còn nhiều hơn cả một năm học Đại học. Nhưng nếu bạn hỏi tôi có vui không, tôi cũng không thể đáp được, chỉ có thể im lặng.
Sau đó, tôi gặp được ông chủ hiện tại khi đến thư viện tìm sách tiếng Trung. Về sau trở thành bạn bè, anh ấy hỏi tôi có muốn thử kiêm thêm việc khác hay không. Lúc vừa bắt đầu tôi chỉ nhận những việc rất đơn giản, làm mãi rồi trở thành như bây giờ. Hiện tại công việc này khiến tôi rất vui vẻ, cảm thấy mình đang làm chuyện có ý nghĩa. Ban đầu lúc từ chức tôi đều không nói với ai, không phải sợ bị mắng, mà lười giải thích, trên thế giới này có đến nửa số người không thể hiểu nổi nửa còn lại.
Thỉnh thoảng tôi vẫn suy nghĩ đến chuyện từ chức để làm việc khác, nhưng sau đó phải làm việc gì còn chưa nghĩ ra, nói không chừng sẽ trở về tiếp tục xử lý công viên có liên quan đến gỗ, cũng chưa biết chừng về nước lấy chứng nhận tư cách giảng dạy, thử xem có năng lực trở thành giáo viên dạy văn hay không.
Cụ thể đến lúc đó sẽ nói cho bạn biết sau.
Cuộc đời như vở kịch, gặp rất nhiều việc kỳ lạ, nếu một ngày nào đó có người nói với tôi Bành Vu Yến muốn cưới tôi, có khi tôi sẽ ngất xỉu ngay tại đó mà chẳng thèm chớp mắt.
Cuộc sống được tạo thành từ vô vàn khoảnh khắc, như lần đầu tiên tự mình đi học, lựa chọn học khoa xã hội hay khoa tự nhiên, cầm bút chọn ABCD trên bài thi đại học, đi thành phố nào học trường đại học nào, sau khi tốt nghiệp đại học muốn học Thạc sĩ hay à làm việc…
Càng là lúc còn trẻ, chúng ta càng làm ra quyết định qua loa hoang đường, nghĩ rằng cuộc đời còn rất dài, trước đó chỉ là diễn thử.
Sau đó bạn phải tốn một khoảng thời gian mới có thể ý thức được, tất cả đều không thể thay đổi, lại tốn thêm chút thời gian nữa, nảy ra ý định đi sửa chữa sai lầm phạm phải trước đó, lại tốn thêm chút thời gian nữa, thừa nhận bạn chỉ có thể nhìn về phía trước, lại tốn thêm một chút thời gian nữa, để làm gì?
Không làm gì cả, chỉ ngẩn người.
Bởi vì khi quay về giai đoạn đầu tiên đưa ra quyết định vừa qua loa vừa hoang đường, cách thức suy nghĩ vấn đề càng ngày càng trở nên đơn giản, chính là, tôi vui vẻ, tôi bằng lòng, tôi thích, không hối hận.
Mười năm trôi qua, bạn biến thành tôi của hiện tại.
Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy lúc trước không chọn học văn học Hán ngữ là điều nuối tiếc nhất trong đời, nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi không thích công việc hiện tại.
Chúng ta hãy thành khẩn với nhau đi. Lúc trước bạn không có dũng khí cùng người nhà quyết liệt cả đời không qua lại với nhau để chọn chuyên ngành mình muốn học, vậy có nghĩa là nó không quan trọng đến mức có một không hai, cuộc sống của bạn cũng không phải là không có nó thì không được. Đừng cho rằng tôi nói linh tinh, khi đó nếu bạn thật sự có khi thế đập nồi dìm thuyền, tự mình kiếm tiền nuôi mình, có khi ba mẹ bạn lại lui trước một bước đấy.
Tôi hiện tại càng sống càng phóng khoáng, yêu tự do, nhưng cũng không thể trách bạn khi ấy đã yếu đuối.
Thế này nhé, lúc đó bạn đã trưởng thành hơn nhiều so với bạn cùng tuổi, biết mình muốn làm gì, nhưng kiến thức và kinh nghiệm chưa đủ để phản kháng, để tranh thủ cho bạn thân. Phải giãy giụa thêm mấy năm mới có thể đi đến bước này.
Không biết điều này có an ủi được bạn không. Chúng ta sinh ra là một tờ giấy trắng, rất nhiều chuyện không thử làm sao biết được mình không hợp chứ? Phải từng sai, mới biết được câu trả lời chính xác.
Hơn nữa “Không thay đổi” là quyết định của chính bạn, bạn không lựa chọn “Thay đổi”, nhưng không chứng minh rằng bạn làm sai.
Trên đời này, phàm có câu hỏi khiến bạn tiến thoái lưỡng nan, ắt không có đáp án chính xác, bạn hiểu không?
Khoảng thời gian trước cháu gái điền nguyện vọng thi đại học cũng thế, cô bé nói ngành Điện tử rất hấp dẫn, nhưng cô không muốn học, chỉ muốn học Trung y, thế nhưng ở nghề y càng già mới càng đáng tiền, bèn đến hỏi tôi làm sao bây giờ. Tôi nghe xong cảm khái, mỗi người chúng ta ở tuổi dậy thì đều sẽ đứng trước những hoang mang giống nhau, bởi vì không biết, bởi vì còn nhỏ, bởi vì tuổi trẻ.
Tôi nói với con bé: “Cháu hãy chọn con đường để cháu bây giờ thấy thoải mái nhất đi, dù sao mỗi chúng ta mỗi người đều sống cho hiện tại.”
Tuy nhiên tôi không nói với nó, nếu để cho người hai chín tuổi là tôi lựa chọn, tôi chọn con đường ít ai đi nhất kia, bởi vì như vậy nhìn có vẻ ngầu. Bạn cũng không hiểu, làm người trưởng thành, muốn trông ngầu rất khó.
Đừng ủ rũ nha cô bé, bạn không cần xin lỗi bất kỳ ai cả, dù sao sau này bạn không chỉ làm sai chuyện này đâu.
Dù sau này như thế nào, còn có tôi giúp bạn giải quyết tốt hậu quả cơ mà.