Thế Giới Mà Tôi Từng Đối Địch

Chương 8: Lá thư thứ tám: homeland: quê nhà



Phong nhất canh, tuyết nhất canh, quát toái hương tâm mộng không thành, quê nhà vô thử thanh.(*)

(*) Chú thích: Trích bốn câu thơ cuối trong bài “Trường tương tư” của Nạp Lan Tính Đức, bản dịch thơ của Lang Xet Tu, https://www.thivien.net/Nạp-Lan-T%C3%ADnh-Đức/Trường-tương-tư/poem-o_a8hYuvPyFkMpctwsn6Uw

“Gió một canh,

Tuyết một canh,

Xao xác lòng quê mộng chẳng thành,

Vườn xưa tiếng lặng thinh.” 

From: Văn Văn, 25 tuổi, thích ăn cay muốn chết, chưa bao giờ mắc bệnh đậu mùa

To:Tôi của mười năm sau,

Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại phương Bắc.

Cũng chẳng có nguyên nhân gì đặc biệt, khi đăng ký nguyện vọng thi Đại học, tôi chỉ một lòng hướng đến chân trời rộng mở phía trước, quyết chí phải thử bước ra khám phá thế giới bên ngoài, thế là từ miền Nam dời tới phương Bắc. 

Thực ra vừa tới nơi đã thấy hối hận. 

Ngồi tàu hoả mất gần 40 tiếng đồng hồ. Khí hậu nơi này quá khô, tôi tới đây chưa được bao lâu do không hợp khí hậu đã bị chảy máu cam. Khẩu vị ở đây cũng khác biệt, tôi không ăn được những thứ như mì phở, thèm ăn đồ cay cũng không tìm được, sau một tháng đã gầy đi năm cân.

Ở phía Nam, thân hình tôi cũng tạm coi như đạt đến chiều cao trung bình, thậm chí còn có phần nhỏ nhắn đáng yêu, vừa tới phương Bắc lập tức đã thành “người lùn Hobbit”. Trong phòng ký túc xá ngoại trừ tôi ra, ba bạn gái cùng phòng đều cao đến 1m70. Ngay từ đầu tôi đã từ chối đi cùng các cô ấy.

Qua tết Trung thu, trường theo thông lệ phát cho mỗi người chúng tôi một cái bánh trung thu, tôi còn suốt ngày tranh luận với các bạn xem bánh trung thu nhân gì là ngon nhất. Hồi năm thứ nhất, tôi còn chưa có cảm giác gì nhiều, chỉ đi hát karaoke với bạn cùng phòng; tới năm thứ hai, mọi người ai cũng bận việc riêng, tôi đi xem phim một mình; lên năm thứ ba, tối hôm đó tôi ra khỏi thư viện, nhìn đường chân trời phía xa rồi lại nhìn trăng tròn vành vạnh, cuối cùng không kìm được mà bật khóc. Độc tại dị hương vi dị khách, mỗi phùng giai tiết bộ tư thân (*). Tôi hẹn hò với một người bạn trai bản địa, khi thời kỳ yêu đương cuồng nhiệt qua đi mới phát hiện quan niệm sống của hai người quá khác biệt tới mức không thể hoà hợp, trong những chuyện đối nhân xử thế đều không có cách nào nhất trí được với nhau. Chúng tôi đều là kiểu người cứng đầu, cố chấp cho rằng quan điểm của mình mới là đúng đắn, hơn nữa còn không chịu từ bỏ ý định khuất phục đối phương, kết quả là chia tay chẳng vui vẻ gì. 

(*) Chú thích: Trích hai câu thơ đầu trong bài “Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ” của Vương Duy, bản dịch nghĩa https://www.thivien.net/Vương-Duy/Cửu-nguyệt-cửu-nhật-ức-Sơn-Đông-huynh-đệ/poem-beZBZ33RQejrn17600j3Gg  

Một mình ở nơi đất lạ làm khách lạ,

Mỗi khi tới ngày tiết đẹp lại nhớ người thân bội phần. 

Tôi một mình uống rượu, khóc đến chết đi sống lại nhưng khi gọi điện cho người nhà lại ra vẻ chẳng có chuyện gì. Sau này khi tôi ngẫm lại về mối tình này mới nhận ra một điều rằng chuyện môn đăng hộ đối không chỉ nói về vấn đề điều kiện kinh tế mà còn là về hoàn cảnh sống và trưởng thành. 

Lúc ấy, tôi thực sự hận nơi này thấu xương. Nhìn lại những bạn cấp ba ngày xưa ở lại tỉnh nhà học Đại học mỗi ngày đều thoải mái dễ chịu, đến cuối tuần còn có thể về nhà ăn bữa cơm mẹ nấu, tôi cực kỳ hối hận về quyết định của mình khi trước.

Tôi càng lúc càng hoài nghi, tôi tới tận đây rốt cuộc là vì cái gì?

Cứ thế bốn năm trôi qua nhanh chóng, vận may của tôi cũng không tệ, sau khi ra trường cũng tìm được việc làm rất nhanh, tiền lương và đãi ngộ đều khá ổn. Lúc ký hợp đồng, tôi đột nhiên rất muốn về nhà, nhưng ý định này cũng chỉ thoáng qua trong chớp mắt, cuối cùng thì danh tiếng công ty lớn cùng tiền lương cao vẫn hấp dẫn tôi hơn, tôi nghĩ hay cứ làm việc 1-2 năm, tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm trước rồi hẵng quay về. Sau khi tốt nghiệp, nhịp sinh hoạt trở nên gấp gáp hơn nhiều. Mỗi ngày thức dậy lúc 7 giờ sáng, trang điểm, bắt tàu điện ngầm, quẹt thẻ vào làm việc, đến trưa ngả vào bàn làm việc nghỉ ngơi một chút, cơm trưa cơm chiều đều gọi cơm hộp bên ngoài. Lúc cuối tuần lại nằm lì trong nhà ngủ cả buổi sáng, thỉnh thoảng hẹn bạn bè đi xem phim hoặc đi dạo phố. Nhiều khi đèn đường sáng rực trong đêm rồi tôi mới ra khỏi công ty, một mình tôi đứng ở trạm xe bus, nhìn những toà nhà cao tầng san sát phía xa xa, không kìm được mà tự hỏi: Những gì tôi muốn, tôi đã đạt được chưa? Mấy năm qua, tôi đã thực sự tích luỹ được bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm rồi? Mỗi khi đứng trước tấm cửa kính lớn của công ty nhìn xuống dưới, tôi đều có cảm giác mình có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào, có thể phải cuốn gói rời khỏi đây bất kỳ lúc nào, từ đó tôi trở nên sợ hãi, có bao nhiêu người mới trẻ trung bước vào công ty này, dường như trong bọn số bọn họ ai cũng tốt nghiệp những trường danh giá từ nước ngoài về. Bất kể là ngành nào, nhân viên cấp cơ sở cũng luôn chiếm số lượng đông nhất. Mỗi người trong chúng tôi đều ôm một lòng nhiệt huyết tràn đầy, ôm một thứ gọi là mộng tưởng để rồi bước chân vào nơi này, ai cũng cho rằng chỉ cần mình nỗ lực đủ nhiều, vất vả đủ nhiều là có thể trở thành người đứng trên mọi người, có thể khoác lên mình quần là áo lượt, có thể ngẩng cao đầu bước vào những nơi ánh đèn rạng rỡ loá mắt. Thế nhưng thực tế thì sao? Là chúng tôi rời xa quê hương, tiền lương mỗi tháng trừ đi tiền thuê nhà, tiền điện tiền nước, tiền đi lại, tiền ăn, cuối cùng cũng chỉ dư ra một chút, nhưng vẫn phải gửi một ít về nhà mới có thể khiến người nhà cảm thấy cuộc sống của chúng tôi ở nơi này cũng kha khá. 

Lúc vui vẻ nhất chính là dịp Tết âm lịch mỗi năm được về nhà. Mẹ chuẩn bị cả một bàn toàn đồ ăn ngon, có thể ngủ một giấc say sưa tới khi mặt trời lên cao. Những lúc trời chạng vạng lại đi dạo trên những con đường quen thuộc, nghe bố mẹ kể có nhà nào đã phá, nhà nào dời đi, có quảng trường hay khu mua sắm nào được tân trang lại. 

Quê nhà chăm cho tôi lớn lên, mà tôi lại chẳng thể dõi theo nó trưởng thành. 

Mấy năm qua, những người bạn xung quanh tôi cứ lần lượt rời đi, có người về quê cũ, có người gả chồng sinh con, chuyển tới thành phố quê chồng. Có lẽ, thành phố này chẳng thể níu chân người. Thế mà tôi lại đem cả thanh xuân của mình dâng hiến cho vùng đất này. Tốt, xấu, ngây ngô, cảm động, đau khổ, mông lung. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy dường như mình chẳng học được chút gì cả, hoàn toàn là hai bàn tay trắng. Mỗi đêm tôi lại quay về căn phòng trọ, bật đèn, nhìn khoảng nhỏ quạnh quẽ này. Giường, ghế tựa, bàn làm việc, rèm cửa nhung, tách trà, quần áo… tất cả rõ ràng đều là của tôi, đều những vật sớm chiều cùng tôi làm bạn, vậy mà tôi vẫn cảm thấy thật xa lạ. Đáy lòng tôi trống rỗng, khổ sở muốn chết đi được. Tôi bỏ ra bao năm tháng thanh xuân của mình cũng chỉ để đổi lại những thứ này hay sao. Đến khi nào tôi mới có thể quay về quê nhà của tôi đây! Chẳng lẽ tôi cứ phải như thế này cả đời, phiêu bạt bên ngoài, không nơi đâu là nhà hay sao?
Reply from:Tôi của mười năm sau:

Tôi đã từng trải qua 18 lần sinh nhật ở nhà mình, hôm nay là lần thứ 17 tôi không đón sinh nhật ở nhà. 

Chỉ còn một năm nữa thôi là hai con số đó sẽ bằng nhau.

Nói cách khác, cứ mỗi năm qua đi, tỷ lệ số ngày tôi được sinh sống tại quê hương mình trong cả cuộc đời sẽ ngày một giảm dần, đến một lúc nào đó, sẽ có một thành phố mới thay thế vị trí của nó.

Năm thứ ba sau khi bạn viết lá thư kia cho tôi, tôi bị viêm ruột thừa. Dịp cuối tuần, tôi một mình đi nhà hàng ăn cơm, trên đường về bụng bỗng quặn đau, tôi còn tưởng là do đồ ăn có vấn đề, sau đó thì đau không thể chịu nổi, tôi đành gọi 120, đến bệnh viện kiểm tra mới biết mình bị viêm ruột thừa.

Tôi một thân một mình ở lại bệnh viện làm phẫu thuật, tối hôm đó đang nằm trên giường bệnh thì nhận được điện thoại của mẹ, mẹ tôi bảo cả ngày hôm nay bà cứ bồn chồn không yên, bà hỏi có phải tôi đã xảy ra chuyện gì hay không.

Khoảnh khắc đó, tôi thực sự muốn cầm điện thoại khóc nức nở, sau đó từ bỏ hết tất cả, lập tức trở về nhà, dù cho có nằm nhà ăn no chờ chết cũng chẳng sao, những thứ lý tưởng mộng ước muốn thành công rực rỡ ngày xưa đều buông hết. Nhưng sau khi cúp máy, bình tĩnh lại, tôi lại chỉ có thể cười ảo não. Tôi đã không còn là đứa trẻ mười tuổi, đâu thể muốn bỏ đi là đi, nếu thật sự đơn giản như thế thì tôi đã trở về từ nhiều năm trước. 

Sau khi tôi xuất viện, cũng không biết có phải do vận mệnh xoay chiều hay không mà cuối cùng tôi cũng được thăng chức, còn được điều đến tổng công ty ở Thượng Hải. 

Tôi cuối cùng cũng nói lời tạm biệt với phương Bắc và trở về phương Nam. Nếu nói về vị trí địa lý, tôi đã trở về gần với quê hương thêm một chút, thế nhưng tôi lại cảm thấy dường như quê hương đang ngày một rời xa mình. 

Bất kể đi đến đâu, khi người ta hỏi tôi “Cô là người phương nào?”, tôi đều sẽ cười và nói tên quê hương của mình. Đa số bọn họ đều chưa từng biết tới nơi này, tôi sẽ kiên nhẫn giới thiệu với họ về vùng đất quê tôi.

Tôi nói với họ về ngọn núi quê nhà, con sông quê nhà, hoa của quê nhà, gió của quê nhà, bốn mùa của quê nhà.

Sau khi được thăng chức, những chuyện vụn vặt linh tinh cũng ít đi, thành ra tôi cũng bớt bận rộn hơn.

Tôi bắt đầu tới phòng tập học yoga, cuối tuần tham gia hoạt động leo núi, tới những hội giao lưu đọc sách, quen được rất nhiều người bạn mới, có những người bản địa cũng có những người từ nơi khác đến. Chúng tôi trở thành bạn bè không phải vì đến từ cùng một nơi mà bởi chúng tôi cùng chung chí hướng. 

Tôi cũng gặp lại bạn trai cũ thời Đại học trong một lần họp mặt bạn cũ. Chúng tôi cùng đi uống nước trò chuyện suốt một buổi, sau nhiều năm anh ấy đã thay đổi nhiều, tính tình ôn hoà hơn, những góc cạnh trong còn người đều được mài giũa bớt. 

Anh ấy nói tôi cũng vậy, trước đây tôi ngang bướng chết đi được, tuyệt đối không để lộ sự mềm yếu của mình cho người khác thấy.

Năm đó tôi khăng khăng cho rằng những khác biệt trong quan niệm của hai chúng tôi là do vấn đề vùng miền Nam Bắc, nhưng thực ra điều đó không đúng. Còn có bao nhiêu người khác màu da sắc tộc mà vẫn có thể có được hạnh phúc mỹ mãn, hai chúng tôi chỉ cách nhau một nửa đất nước Trung Quốc này, so ra thật chẳng đáng kể chút nào. 

Chỉ là do chúng tôi chưa biết quý trọng đủ nhiều, chưa cố gắng đủ nhiều, chưa từng nghĩ tới bản thân mình nên thay đổi điều gì vì đối phương, thế nên mặc nhiên lấy lý do là “không phải người cùng một phương”.  

Giống như bạn năm đó rất ghét phương Bắc, nhưng sau khi rời đi, chính tôi lại rất nhớ thương vùng đất này. Nhớ mùa hè của nơi đó, gió hạ luôn khô ráo. Nhớ mùa đông của nơi đó, có lò sưởi giúp cho mỗi đêm đều ngủ thật ngon. Nhớ con người của nơi đó, thật cao lớn biết bao, biến tôi thành một em gái nhỏ luôn được nuông chiều yêu thương. Nhớ khẩu âm của nơi đó, rõ ràng rành mạch, không nói hai lời. Có lẽ con người chính là như vậy đó, nơi trái tim chúng ta hướng về lại là nơi bước chân chúng ta vừa rời khỏi. Chừng nào lòng còn ở đó thì thực ra chúng ta vẫn luôn ở bên nhau. Thừa nhận đi, bạn đã từng nhớ quê nhà da diết đến thế chẳng qua là vì bạn thèm khát cảm giác an toàn mà cha mẹ mang lại. Trong vòng tay bao bọc của họ, bạn vĩnh viễn không cần phải đối mặt với mưa rền gió dữ của thế giới bên ngoài, không cần lo chuyện tiền nhà, tiền xe, chuyện ăn ở, chuyện thất nghiệp… Tuy rằng nói như vậy vừa quá thẳng thắn vừa quá tàn nhẫn nhưng sự thực đúng là như thế. Giờ tôi có trở về quê nhà nhưng lại không quen với đồ ăn ở đó nữa. Người ta thường nói sở thích của cái dạ dày ba lần một ngày đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã rời xa quê hương mất rồi.

Dần dần tôi đã không còn nhớ quê nhà như trước nữa. Bởi tôi không hề yếu đuối cũng chẳng hề cô đơn, tôi ở nơi chốn mới vẫn có thể tìm được hạnh phúc mỹ mãn. Tôi ở giữa thành phố lớn xa lạ cũng không hề tự ti sợ hãi, mỗi khi đồng nghiệp hỏi tôi tan làm rồi sẽ đi đâu, tôi đều có thể chân thành đáp rằng: “Về nhà”. 

Tôi đã có chồng, anh ấy cũng không phải người bản địa, mỗi dịp Tết đến, tôi lại theo anh ấy về quê hương của anh, nghe anh kể những chuyện khi anh còn nhỏ. Sau đó chúng tôi lại có con, ăn cơm xong sẽ đẩy xe đưa đứa nhỏ đi dạo ở quảng trường, nhìn thằng bé bước từng bước chậm rãi, khoảnh khắc đó, tôi thực sự cảm nhận được sức sống đang được truyền lại. Tôi đã có một gia đình mới, tôi phải vì con của mình mà gây dựng một mái nhà. 

Trên thế giới này những mảnh đời đang phiêu bạt ngoài kia có nhiều lắm, tôi chẳng phải là người duy nhất càng không phải là người cuối cùng. Mà quê nhà thực sự kia, dù tôi có trở về được hay không thì nó vẫn ở nơi đó. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.