Thiên Chính Đạo Nhân

Chương 24: Thiên đạo



Dịch: Ly Hạ

***

Trận thế này, Tra Nghiêm Vân muốn làm trái ý trời?

Thật ra thì hắn cũng không có gan lớn tới vậy, mặc dù được truyền lại chức chưởng môn, nhưng sư phụ của Tra Nghiêm Vân mất quá sớm. Hắn chỉ học được một chút da lông về đạo pháp mà thôi, cộng thêm tự học một số sách vở sư phụ hắn trước khi mất lưu lại, thu thập cô hồn dã quỷ không thành vấn đề, nhưng trước mặt hắn lúc này lại là quỷ sai.

Dựa theo logic bình thường thì một người dù là thần đồng, chỉ tự học vài năm mà đòi đánh nhau với bộ đội đặc chủng, có mà nằm mơ.

Nhưng hai tên quỷ sai kia cũng không biết được thực lực của Tra Nghiêm Vân, lại nhìn thấy đại ấn của chưởng môn Mao Sơn nên có chút chột dạ. Lại cộng thêm hai tên quỷ sai này đã bị hắn dụ vào trong trận, cũng tự tin hơn nhiều, nên giờ phút này Tra Nghiêm Vân vẫn ở thế thượng phong.

Kế này của Tra Nghiêm Vân quả nhiên trấn trụ được quỷ sai, hai tên đó nhìn nhau, giống như hạ quyết tâm, cắn môi một cái, nói: "Tiên đạo có chỗ không biết, luân hồi trong tam giới vốn tuân theo quy luật. Nhưng có một số kiếp nạn, lại nằm ngoài tam giới. Thôn này phải chết bảy người cũng không phải là ý của chúng tôi, hai tiểu quỷ như chúng tôi chỉ tuân mệnh phán quan mà làm. Những nhân mạng còn lại trong thôn sau khi bảy người kia chết mà vẫn còn được sống, đó mới là ý trời. Bảy người này, tất cả đều là bảy người chết thay cho người trong thôn bên cạnh. Chúng ta chỉ có thể nói như vậy, thiên cơ bất khả lậu, mong rằng tiên sinh nương tay cho!"

Cuộc đối thoại lần này khiến cho Tra Nghiêm Vân giật mình, vượt qua tam giới là kiếp nạn gì, tại sao bảy người kia phải chết?

Cũng giống như việc coi bói, có rất nhiều thứ thầy bói nói với chúng ta, nhưng có một số điều linh nghiệm, có một số không linh nghiệm. Nhiều khi chỉ đúng nửa phần trước, tới nửa phần sau thì sai.

Thiên ý - tam giới, có thể nhìn thấu những thứ này chính là thứ mà người tu đạo cả đời theo đuổi, mà đạt tới cảnh giới đó tự nhiên đã là bậc thần tiên rồi.

Tự nhận là đã xem qua không ít điển tịch Đạo gia, nhưng đây là lần đầu Tra Nghiêm Vân nghe thấy “kiếp nạn nằm ngoài tam giới”, điều này khiến hắn lâm vào trầm tư thật lâu...

Mọi việc cũng không thể như ý hắn, nén nhang trước mộ Vương phu nhân cũng sắp cháy hết. Tra Nghiêm Vân đành chắp tay, tỏ ý đã làm phiền quỷ sai, hứa hẹn trở về nhất định sẽ đốt thật nhiều tiền giấy cho chúng. Hai tên quỷ sai gật đầu, nói: "Đối thoại giữa chúng ta tối nay, tiên đạo chớ có tiết lộ, nếu không chúng ta cũng không biết có hậu quả gì đối với ngài đâu."

Tra Nghiêm Vân gật đầu một cái coi như là đáp ứng, thu hồi đại ấn, giải trừ trận pháp, cung tiễn hai quỷ sai rời đi. Một luồng gió thổi qua, thổi tắt nén nhang đã cháy tới chân nhang, đồng thời cũng mang theo tâm tư của Tra Nghiêm Vân về nơi vô định.

Sau khi xuống núi, Tra Nghiêm Vân đốt một xấp tiền giấy trước cửa thôi, coi như là hậu lễ cho hai quỷ sai. Hắn ngước nhìn bầu trời đầy sao, cảm ngộ về Đạo lại sâu thêm một chút.

“Vượt khỏi tam giới” mới chính là thiên ý.

Thiên Chính Đạo – Chính Đạo và Thiên ý, chữ Thiên này đơn giản như vậy sao?

Từ cổ chí kim, người tu đạo có rất nhiều, không ít người chắc hẳn cũng theo đuổi Thiên Đạo này đi.

Tra Nghiêm Vân vừa đi vừa trầm tư, cứ thế đi thẳng về nhà Vương lão gia.

Đêm đó trong mộng Tra Nghiêm Vân gặp lại con gái mình, đây là lần thứ hai sau khi con gái hắn mất, cô bé chủ động hiện thân. Cô bé nói với hắn mình rất lạnh, ngâm nước rất khó chịu, hơn nữa cô bé không ngừng đưa tay cầu cứu hắn. Cách cô bé có một con thú đang nhìn chằm chằm vào hai cha con, con thú này chính là thao thiết, giống như nó đang muốn nuốt chửng con gái Tra Nghiêm Vân vậy.

Sơn Hải Kinh – Bắc Sơn Kinh thuật lại: “Trên núi Câu Ngô có nhiều ngọc quý, dưới núi có nhiều quặng đồng. Tại đây có một giống thú thân dê mặt người, mắt nằm dưới nách, răng hổ móng người, tiếng như hài nhi, gọi là Bào Hào, thích ăn thịt người”. Theo chú giải của Quách Phác triều Tấn: “Là loài tham lam, không những hại người còn thích ăn thịt, thường được khắc họa lên vạc, đỉnh”.

Tra Nghiêm Vân muốn đưa tay kéo con gái lại, nhưng con Thao Thiết kia chợt hống lên một tiếng thật to, rồi chạy tới hất vang Tra Nghiêm Vân đi. Lúc này hắn choàng mình tỉnh giấc, phát hiện mặt trời đã lên cao, khóe mắt còn vương lại vài giọt nước mắt.

Hắn dụi mắt một cái, thở dài, mở cửa đi về phía sân trước nhà Vương lão gia. Lúc này giáo sư Hà đã tỉnh giấc, đang ở trong sân rửa mặt. Nhìn thấy Tra Nghiêm Vân trở lại, Giáo sư Hà chưa kịp lau bọt kem đánh răng ở hai bên miệng đã quỳ sụp xuống trước mặt Tra Nghiêm Vân.

Tra Nghiêm Vân ngăn ông lại, hỏi: "Giáo sư Hà làm gì vậy?"

Giáo sư Hà đã lúc này nước mắt đã giàn dụa, kéo tay Tra Nghiêm Vân ngồi xuống bậc thềm, nhỏ giọng nói: "Nghiêm Vân, tối hôm qua ta thấy bà ấy báo mộng đúng như lời cậu nói. Bà ấy dặn dò tôi phải chăm sóc cho bản thân mình thật tốt, còn bảo tôi chuyển lời cho cậu, hết thảy đều là số mạng."

"Số mạng? Tôi cũng không tin ông trời lại coi tính mạng của sinh linh như cỏ rác. Tôi tuyệt đối không tin!"

Tra Nghiêm Vân cắn chặt răng, đấm thẳng xuống nền gạch. Chỉ chốc lát sau máu tươi đã chầm chậm lan theo khe hở giữa những viên gạch, đỏ thẫm cả một mảng.

Không biết là đêm qua do Tra Nghiêm Vân tổn hao tinh thần quá độ hay là do phẫn uất mà lập tức ngất đi. Giáo sư Hà bèn gọi Vương Hâm tới, hai người cùng nhau đưa Tra Nghiêm Vân vào phòng nghỉ ngơi.

Từ sau khi con gái qua đời, Tra Nghiêm Vân cơ hồ không có một giấc ngủ trọn vẹn. Lần này, hắn sốt cao mãi không thuyên giảm, cứ thể mê man một ngày một đêm.

Đúng buổi tối đêm hôm đó, trong thôn lại có thêm một người chết.

Người chết chính là một bà lão ở đối diện với nhà của Vương lão gia, tuổi tác cũng đã ngoài tám mươi. Đối với người trong thôn mà nói, người chết cũng không có gì kỳ lạ, vì hầu hết đều là người già cả ốm yếu.

Bà lão này tắm trong phòng, đã qua nửa ngày mà không thấy đi ra nên cô con dâu mở cửa vào tìm, thì phát hiện bà lão đã ngừng thở, mặt vẫn úp xuống bồn nước. Cô con dâu này thấy vậy lập tức hét lên thất thanh, khiến mọi người trong thôn kinh ngạc chạy tới.

Bà lão này bình thường cũng là người khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, không có bệnh vặt vãnh gì cả. Mặc dù đã tám mươi mấy tuổi, nhưng vẫn có thể làm việc nhà, lại hết sức lanh lẹ, không ngờ lại chết như vậy. Con cháu trong nhà cũng rất thương tâm, bèn vội vàng gọi thầy thuốc trong thôn tới khám. Vị thầy thuốc này nhìn qua bà lão một chút, lại kiểm tra kỹ thân thể, nói với người nhà là bà lão trong khi tắm trúng gió mà bị đột quỵ, mặt úp xuống nước nên bị ngạt nước mà mất.

Bà lão có một người con trai, mọi người trong thôn thường gọi là Trương lão hán. Y mặc dù đã ngoài sáu mươi, nhưng cũng vẫn rất hiếu thuận với mẹ. Bà Trương qua đời khiến y tự trách mình vạn phần, lập tức tuyên bố tang lễ của mẹ mình phải làm hết mức, bù đắp cho bà khi sống không được hưởng.

Y biết ở nhà đối diện có một đạo sĩ trú lại, đạo pháp cũng cao minh, lập tức mang theo rượu, thuốc lá tới mời Tra Nghiêm Vân đứng ra chủ trì tang lễ cho mẹ mình. Vừa bước được một chân vào cửa, y đã bị Vương Hâm ngăn lại, nói Tra Nghiêm Vân đã mê man được một ngày rồi. Dù có gọi thế nào đều không tỉnh, có thể là mệt mỏi, cứ để hắn nghỉ ngơi một chút.

Trương lão hán không biết làm sao, đành tìm một người làm ngỗ (*) trong thôn tới. Đầu tiên làm tiểu liệm cho bà, thay quần áo khác, thu xếp mọi thứ. Trương lão hán lại dỡ một bên cửa chính, ở trước cửa treo hai cái đèn lồng trắng, báo tang sự với mọi người trong thôn. Đám tang của bà Trương cứ như vậy được tổ chức.

(*)ngỗ: người chuyên khám nghiệm tử thi, được phân chức quan thời xưa. Sau khi TQ được giải phóng thì là người chuyên lo liệu việc tang lễ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.