Mặc Gia trong lời Âu Tử Dạ liệu có phải chính là nhắc tới một tổ chức đạo giáo do Mặc Địch, hiệu xưng Mặc Tử sáng lập. Nghe nói các đệ tử đời sau kế nhiệm được xưng là Cự Tử. Thời Tần, Mặc Gia là gia tộc đứng đầu của Bách Gia Chư Tử, là một lực lượng chống Tần vương.
Mặc Gia còn chuyên về cơ quan thuật, nghe đồn là đối thủ của Công Thâu Gia. Nếu gã Mạnh Chương quả thật là hậu nhân của Mặc gia, thì cũng quá buồn cười, bởi vì gã lại là Triệu Hoán Ngự Thú Sư.Trong khi gã Thuần Vu Chấp Minh lại là kẻ kế thừa khả năng khống chế khôi lỗi.
Về phần Công Thâu Gia, có thuyết cho rằng họ là hậu duệ của Công Du Ban, là một gia tộc được Tần vương xem trọng, giao cho trọng trách quản lý Vạn Lý Trường Thành và xây dựng địa cung Lăng Tần Vương có quy mô vĩ đại nhất lịch sử cổ đại Trung Hoa.
Công Du Ban, vì ông là người nước Lỗ nên còn gọi là Lỗ Ban. Có thể xem ông là tổ sư về kiến trúc xây dựng cũng như thợ thủ công.Tôi cười thầm, tên Công Du Giám Binh đó cũng họ Công Du nha, mặc dù là một Vong Linh Sư.
Tôi vỗ trán một cái u oán. Mạnh Chương lù lù đeo mặt nạ rồng suốt ngày đấy thôi. Tên Giám Binh không phải cũng đeo mặt nạ Bạch Hổ sờ sờ ra đấy, không những thế toàn thân còn mặc tuyền trắng nhá. Duy tên Chấp Minh chính là vị thần thú Huyền Thiên Trấn Vũ đại diện cho sắc đen thì không thấy đeo mặt nạ. Có điều mấy cái này không phải trọng điểm, trọng điểm là...Mấy cái tên này là vô duyên vô cớ được đặt cho bọn họ...Liệu có phải trùng hợp hay là...Phải như thế nào đó mới được kế thừa?
Chúng tôi đi qua một cây cầu gỗ bé nhỏ bắc ngang qua con mương trong vắt soi thấu đáy, vô số cá to cỡ 1, 2 kg bơi lội tung tăng thành đàn thảnh thơi, nước rầm rì chảy mang theo những phiến lá úa vàng đi xa.
Trước mắt hiện ra liên tiếp vô số ngọn đồi, điều đặc biệt ấn tượng ở đây là, chúng như những bậc thang. Chúng tôi vừa chậm rì rì sóng bước vừa lặng lẽ thầm quan sát. Những ngọn đồi bậc thang này đa số uốn lượn mềm mại quanh co dẫn lên trên, hầu hết không quá cao quá dốc. Một số ngoại lệ dựng đứng đi lên cao mãi như muốn vươn chạm trời xanh, rồi thoai thoải đi xuống thật sâu tạo thành một lòng chảo.
Khắp nơi nơi là khoảng không gian thoáng đạt vô cùng rộng lớn, khoa trương tới mức che phủ hết đường chân trời là một thảm thực vật xanh tươi mơn mởn.Quét mắt một vòng, cũng chỉ thấy xen lẫn cây bụi mọc chi chít kín kẽ dày đặc như một tấm thảm nhung ấm áp là những cây thân gỗ như tán ô che nắng mọc sát lối đi, thỉnh thoảng thấp thoáng một vài toà kiến trúc nho nhỏ.
Khai khẩn ruộng bậc thang là cả một quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức.
Tuy nhiên lại có thể từ đó tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng kỳ vĩ treo trên các sườn núi.Những thửa ruộng được kiến tạo độc đáo đến mê người, bạc trên so với bậc dưới chênh nhau độ 0,5m, chúng lớp lớp tầng tầng ôm quanh những quả núi trùng điệp nhấp nhô. Không gian gió mát lưu động, mang theo hương thảo mộc thoang thoảng dễ chịu và mùi đất ngai ngái.
Nếu mọi thứ thật chỉ là ảo ảnh huyễn hoặc ra, vậy bản thân tôi tương tác lên chúng thì sao?Vừa nghĩ xong thì đã chạm lên bắp tay Âu Tử Dạ. Cảm nhận độ ấm dưới da thịt đàn hồi...Chỉ cần nhìn thấy Âu Tử Dạ, tự nhiên trong lòng nảy sinh một cảm giác tín nhiệm, dường như được khơi dậy từ trong tiềm thức nên rất khó lý giải, như là đối với người nhà.
Mọi chuyện trên trần thế này vẫn thường phát sinh như vậy sao? Liều mạng muốn biết việc đó như thế nào xảy ra, truy truy tìm tìm cả đời cũng chưa chắc như ý nguyện, thế mà, cái gì cũng đều không chuẩn bị, ngơ ngơ ngác ngác dấn thân, sự tình liền cứ thế mà diễn ra.
Chờ đợi, tìm kiếm, lại chờ đợi, lại kiếm tìm.
Lặp đi lặp lại, như một vòng luẩn quẩn không lối thoát, không thể ngừng lại.
Ký ức chìm chìm nổi nổi, như một con tàu mất phương hướng dập dềnh lênh đênh trên biển, mãi cũng không về được bờ.
Truyền thuyết Trung Hoa thường nhắc tới những thanh kiếm linh thiêng bất bại, chém sắt như bùn được rèn từ một loại thiên thạch, từ đó cho phép chủ nhân của nó có được ưu thế siêu nhiên hơn bất kỳ đối thủ nào đương thời. Việc chế tạo một thanh kiếm như vậy kỳ thật nghe có vẻ ngoài tầm khả năng của công nghệ cổ xưa lạc hậu.
Vào năm 1965 nghe nói người ta đã đào được một thanh kiếm bằng đồng, dù bị chôn sâu dưới đất hơn 2.000 năm vẫn cực kỳ sáng bóng chẳng một chút han gỉ, chứng tỏ trình độ rèn kiếm của các nghệ nhân thời đó đã rất điêu luyện.
Trong một cuộc khai quật khảo cổ tiến hành tại công trường xây dựng kênh dẫn nước thứ hai cho hồ chứa sông Chương ở Kinh Châu, Hồ Bắc, người ta đã phát hiện ở Giang Lăng trên năm mươi ngôi mộ cổ có niên đại thời Sở quốc. Kéo dài từ giữa tháng 10 năm 1965 tới tháng 1 năm 1966, cuộc khảo cổ đã thu được trên 2000 đồ tạo tác trong đó đáng chú ý nhất là một thanh kiếm bằng đồng. Thanh kiếm này được tìm thấy vào tháng 12 năm1965 tại một ngôi mộ cách Dĩnh Nam, kinh đô cũ của nước Sở khoảng 7 km, nó được đặt trong bao kiếm bằng gỗ sơn mài cạnh một bộ xương người. Sau khi rút kiếm ra khỏi bao, người ta thấy thanh kiếm vẫn còn sáng bóng bất chấp việc nó nằm trong một ngôi mộ ngập nước ngầm có niên đại trên 2000 năm.[1] Khi thử nghiệm độ sắc bén của thanh kiếm, các nhà khoa học thấy nó vẫn dễ dàng cắt đứt một chồng chừng hai chục tờ giấy.
Trên một mặt của lưỡi kiếm, người ta tìm thấy 8 chữ được viết theo lối "điểu trùng văn" là thứ chữ chuyên dùng để khắc triện thư rất khó đọc. Sau này người ta đã giải mã được 8 chữ là "Việt vương" - "Vua nước Việt" và "tự tác dụng kiếm" - "kiếm tự làm để dùng".
Các nhà sử học cho rằng đó là là tên của Câu Tiễn (496 TCN - 465 TCN), vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử 200 năm của nước Việt.
Các nhà hoá học phân tích, phần thân của lưỡi kiếm có thành phần chủ yếu là đồng. Đồng có tính mềm dẻo và không dễ bị phá hủy, phần cạnh kiếm có tỉ lệ thiếc cao hơn để đảm bảo độ sắc và cứng, thành phần lưu huỳnh giúp kiếm giữ được độ sáng bóng bao bọc phía ngoài toàn bộ thân kiếm.
Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, thanh kiếm có một bao kiếm tốt, gần như kín khí cũng giúp nó giữ được trạng thái bảo quản tốt nhất. Thậm chí soi phóng xạ người ta thấy trong thanh kiếm này còn có chất wolfram, đây là một chất hiếm mà mãi sau này người châu Âu mới tìm ra.
Với công nghệ hiện đại tiên tiến, tưởng rằng có thể tái tạo lại được những thanh kiếm truyền thuyết một cách dễ dàng đơn giản. Tuy nhiên, số nghệ nhân làm được, chẳng đầy một bàn tay.
Theo như hiểu biết của tôi, những thanh kiếm cực kỳ cứng cáp sẽ có chỉ số đo lường trong khoảng từ 58 cho đến 65 theo cân của Rockwell Hard. (Cân Rockwell Hard là một cách tính thông dụng để đo độ cứng cáp của kim loại, được phát triển ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20.) Đục và rìu thường dùng có thể từ 40 đến 45, điều này cho thấy những thanh kiếm cổ xưa có thể đạt tới độ cứng cáp khủng bố như thế nào. Chúng quả thật có thể chém đá làm đôi.
Thật ra một bậc thầy rèn kiếm cũng là chuyên gia hóa học về kim loại, họ nghiên cứu cách thức chế tạo các loại thép tổng hợp từ những kim loại thuần tuý, rồi tôi, rèn, luyện, đập, cán, mài, dũa nó thành một thanh kiếm. Nó cần phải vừa cực kỳ mạnh mẽ vừa thật là uyển chuyển, thậm chí có thể uốn bẻ một góc 60 độ.
Tôi thật sự cực lực tò mò, rốt cuộc cổ nhân luyện thiết thạch như thế nào để tạo ra một sản phẩm khiến bao người ao ước tranh giành?