Khoảnh khắc ấy, Lục Thời Khanh cảm giác như mình đã nhận ra điều gì đó nơi đáy mắt nàng. Nhưng nàng đi quá nhanh, y không nhìn rõ, chỉ đứng thẫn thờ tại chỗ hồi lâu rồi quay đầu đi chăm Trịnh Trạc.
Trịnh Trạc suy sụp hai ngày, mặc kệ mọi chuyện trong ngoài. Sau đó, dù là quan viên dưới trướng hay đối thủ chính trị, không ai nhận ra chỗ bất thường của hắn.
Chỉ có Lục Thời Khanh biết, cách làm việc của hắn tàn nhẫn hơn trước đây nhiều, chuyện vốn có thể nương tay mà hắn vẫn khăng khăng kiên quyết, gặp kẻ đáng chết, mắt hắn còn chẳng nháy lấy một lần.
Lục Thời Khanh biết hắn muốn mau chóng xử lý Khương gia, thậm chí xử lý thánh nhân, nhưng nóng vội nhiều lúc chính là lá bùa đòi mạng, cả mạng của người khác lẫn mạng của chính mình.
Bởi vậy, trong các trao đổi về chính trị, hai người dần xảy ra mâu thuẫn.
May còn có Nguyên Tứ Nhàn. Dẫu Nguyên gia tương kế tựu kế, giả vờ làm căng với Trịnh Trạc, nhưng nàng không hề thật sự bàng quan triều đình. Có lẽ sau khi nghe vài vụ việc chính trị, nàng có cùng suy nghĩ với Lục Thời Khanh, thế là sau vài lần chủ động liên hệ y, nàng nói muốn đến phủ hoàng tử gặp Trịnh Trạc lần nữa.
Suy cho cùng, Trịnh Trạc không phải hoàn toàn bị thù hận làm mờ mắt. Được y và Nguyên Tứ Nhàn ở bên khuyên nhủ, cộng thêm một lần liều lĩnh để lộ nội gián, dần dà hắn cũng trở nên thận trọng khi ra quyết sách.
Song, khi hắn hành sự dè dặt, lấy đại cục làm trọng thì Khương gia càng lộng hành hơn, một tháng sau, họ hớt hải tìm Trịnh Trạc báo tin Khương Bích Xán đã mang thai.
Chuyện đã đến nước này, căn bản chẳng còn cách dây dưa nữa, Trịnh Trạc đè nén ý nghĩ muốn giết Khương Bích Xán, cưới ả về phủ. Hắn dành ra một viện nhỏ trong phủ cho ả ở, từ đầu tới cuối không đụng tới ả dù chỉ một sợi tóc, thậm chí không quan tâm đứa bé trong bụng ả rốt cuộc là của ai.
Phủ hoàng tử có nữ chủ nhân, dù vị hoàng tử phi ấy bị lạnh nhạt đến mức nào, Nguyên Tứ Nhàn cũng không thể tiếp tục đường hoàng đến phủ hoàng tử. Hễ có sự vụ cần thương nghị, Lục Thời Khanh sẽ sắp xếp cho nàng và Trịnh Trạc đến Từ trạch.
Bởi vậy có một dạo, ba người thoạt trông như trở lại những ngày tháng cũ, cùng vây quanh bàn đá châu đầu xem mật báo, xem công văn, thảo bản đồ.
Nhưng chỉ là thoạt trông như thế mà thôi.
Bầu không khí ở Từ trạch ngày càng kỳ lạ.
Nếu không cần thiết, Trịnh Trạc hầu như không chủ động nói chuyện với Nguyên Tứ Nhàn, trời lạnh, thấy nàng ăn mặc phong phanh, hắn cũng phải nhờ miệng Lục Thời Khanh bảo nàng khoác thêm y phục.
Lục Thời Khanh hỏi hắn tội gì phải vậy.
Hắn nói mình không còn mặt mũi, bất kể có phải bẫy hay không, hắn đều đã thành thân.
Lục Thời Khanh nghe lời hắn, ôm tất tần tật chuyện chăm sóc Nguyên Tứ Nhàn, đến giờ ăn trưa sẽ chuẩn bị thức ăn cho nàng, thấy trời u ám sẽ đưa nàng về nhà.
Trước đây giúp Trịnh Trạc thu thập tin tức, y không cẩn thận nhớ hết mọi thứ về nàng. Có điều sự quan tâm của y là vì Trịnh Trạc nhờ vả nên được tiến hành đâu ra đấy hệt như chính vụ, trông chẳng hề có tâm, hệt như câu “không mặn không nhạt”.
Nguyên Tứ Nhàn không thể hiện quá nhiều cảm xúc về việc này. Y tốt với nàng, nàng nhận, nhưng trông chẳng như vui cũng chẳng như buồn.
Trong mắt Lục Thời Khanh khi đó, thái độ của nàng dành cho y cũng hệt như câu “hời hợt nhạt nhòa”.
Những ngày yên ổn cứ thế trôi qua, mãi đến một ngày khi mới chớm đông, y nhận được mật báo của Hồi Hột nhắc nhở về những hành động lạ thường của Đột Quyết. Qua phân tích tình hình, y nghi ngờ Bình vương và Đột Quyết cấu kết với nhau, chuẩn bị không lâu sau sẽ liên hợp tiến đánh triều đình.
Tình huống nghiêm trọng, y lập tức liên hệ vài vị triều thần thương nghị gấp.
Vào đêm bốn ngày sau, Nguyên Tứ Nhàn và Nguyên Ngọc thay mặt Nguyên Dị Trực đứng ra mượn danh nghĩa bình phẩm rượu để thăm dò thái độ vài võ tướng trung lập trong kinh, xem nếu chiến tranh bùng nổ, họ sẽ nghiêng về phía nào.
Trịnh Trạc không thích hợp ra mặt nên đêm đó, Lục Thời Khanh thay đổi thân phận đi cùng huynh muội Nguyên Tứ Nhàn.
Sau khi yến tiệc kết thúc được một lúc, Lục Thời Khanh và hai huynh muội rời tửu lâu thì bị vài kẻ bám đuôi. Họ liền tùy cơ ứng biến, dùng kế che mắt, để hai tỳ nữ bên cạnh Nguyên Tứ Nhàn lên xe ngựa rời đi trước, thu hút sự chú ý của kẻ theo dõi, kế đó gọi vài võ tướng chia nhau rời đi.
Đến khi các võ tướng yểm trợ xong nơi quan trọng nhất thì lại xuất hiện một nhóm trinh sát.
Theo ý Nguyên Tứ Nhàn, thân phận a huynh nàng nhạy cảm hơn, nên hãy ưu tiên yểm trợ huynh ấy, thế là họ sắp xếp một vũ cơ để Nguyên Ngọc vào tửu lâu với bộ dạng đi tầm hoan hưởng lạc.
Mãi đến khi đêm hôm khuya khoắt, bốn phía an toàn, nàng và Lục Thời Khanh mới cùng lên một chiếc xe ngựa về phủ.
Trước đây khi Lục Thời Khanh đưa nàng về, y đều đi một chiếc xe ngựa khác phía sau xe ngựa nàng, chỉ có đêm nay do tình thế bức bách mới lần đầu tiên đi chung xe ngựa với nàng.
Trong ấn tượng, thoạt đầu không ai lên tiếng, hồi lâu sau, y mới nghe Nguyên Tứ Nhàn ở đối diện chợt hỏi:
– Nếu chiến tranh thực sự nổ ra, điện hạ buộc phải ở lại trong kinh là điều không thể nghi ngờ, thế Lục thị lang sẽ đi Hồi Hột để ổn định tình hình sao?
Trong chuyện sách lược, nàng và y rất dễ tâm linh tương thông, nàng nói đúng ngay điều y đang suy xét gần đây, y gật đầu đáp:
– Chắc vậy.
Nàng hơi cụp mắt im lặng, lát sau ngẩng đầu cười nói:
– Trận chiến này nếu thắng, về sau bốn bể thái bình, thiên hạ không còn phân tranh, lúc đó ngài muốn làm gì?
Y nhìn nàng, nghĩ ngợi rồi đáp thật:
– Có lẽ là quy ẩn.
Nàng nhìn y mỉm cười.
Nụ cười ấy khiến y không kìm được hỏi:
– Còn huyện chúa thì sao?
Nàng chống hai má, nghiêng đầu nhìn y, nói năm chữ giống hệt:
– Có lẽ là quy ẩn.
Khoảnh khắc ấy, tai y ngứa ngáy khó chịu như bị chiếc lông vũ phẩy qua, lòng cũng lăn tăn gợn sóng.
Y suýt hỏi nàng muốn quy ẩn với ai, nhưng vừa há miệng là y dừng lại ngay, cố kiềm chế chính mình.
Có lẽ thấy y bất thường, nàng hỏi y sao thế.
Nhất thời y không tìm được cớ thích hợp, đành đáp bằng hai chữ khó tin nhất:
– Không sao.
Nguyên Tứ Nhàn không truy hỏi, chỉ mỉm cười.
Trong xe rơi vào yên tĩnh suốt quãng đường kế tiếp, y lặng lẽ nhìn phía trước, mãi đến khi xe đột nhiên xóc nảy khi đi phải ổ gà, lúc đó nàng đang gà gật chống tay lên bàn ngủ thiếp đi, cả người va vào thành xe.
Y phản ứng cực nhanh gần như theo bản năng, tức khắc đưa thân ra cản, để nàng ngã lên người y.
Khoảnh khắc ấy, hơi thở của y ngừng lại.
Nguyên Tứ Nhàn tựa như không hề hay biết, vẫn nhắm mắt dựa vào lòng y ngủ tiếp.
Ánh nến trong xe yếu ớt, y cúi đầu cứng ngắc nhìn vòng eo thướt tha, chiếc cổ thanh tú, sườn mặt dịu dàng và hàng mi rậm của nàng.
Người y càng lúc càng cứng, ngọn lửa hừng hực bên trong chẳng mấy chốc lan khắp toàn thân.
Y không kìm lòng được vươn tay giúp nàng vén mấy lọn tóc rối ra sau tai.
Đầu ngón tay chạm vào khuôn mặt lành lạnh của nàng như dính phải ma chướng không dời đi được, khẽ xoa vành tai nàng.
Y cưỡng ép bản thân rụt tay về, quay đầu nhắm mắt không nhìn nàng nữa.
Đáp án mà y mãi không muốn đối mặt, luôn bối rối lảng tránh, cuối cùng vào khoảnh khắc này đã đánh mạnh vào tim y.
Y thích Nguyên Tứ Nhàn.
Và rất có khả năng không phải sau khi nàng và Trịnh Trạc hủy hôn.
Mà từ khi nàng còn là vị hôn thê của người khác, y đã có ý niệm hoang đường này.
Mọi khó chịu vô cớ, nhẫn nhịn tránh né, làm bộ làm tịch, hờ hững thản nhiên… của y đều vì y chột dạ. Y chột dạ đến mức dù chỉ hơi tới gần nàng, hơi chủ động, hơi vượt rào… đều khiến y cảm thấy đang phản bội Trịnh Trạc.
Xe ngựa dừng trước cửa hông Nguyên phủ.
Y khẽ khàng đỡ nàng ngồi ngay ngắn rồi siết chặt nắm đấm, cắn răng toan rời đi, lúc sắp đứng dậy thì bị một đôi tay ngọc ôm eo từ phía sau.
Y kinh ngạc quay đầu, thấy Nguyên Tứ Nhàn nhắm mắt, gò má áp vào lưng y, không nói gì.
Y không biết nàng thức từ khi nào, hay rốt cuộc nàng có hoàn toàn tỉnh táo hay không, y kiềm chế bản thân, hỏi thăm dò:
– Huyện chúa?
Tiếng gọi ấy khiến nàng từ từ mở mắt.
Lúc vừa mở mắt, nàng hơi mờ mịt, nhưng khi ngẩng đầu thấy y liền rụt phắt tay về:
– Xin lỗi, Lục thị lang, ta chưa tỉnh ngủ nên nhận nhầm người.
Nhận nhầm. Vậy ắt phải có người đúng.
Người đó hẳn là Trịnh Trạc. Y nghĩ.
Cũng đúng, trước đây, vào buổi đêm thế này đều do Trịnh Trạc đi cùng xe với nàng.
Y kiềm chế sắc mặt bản thân, cố nói hờ hững:
– Không sao.
Lúc đó Lục Thời Khanh chẳng thể ngờ câu “xin lỗi” và “không sao” ấy lại thành câu đối thoại cuối cùng giữa họ.
Triều đình phong vân biến đổi, chiến tranh bùng phát, Bình vương dẫn binh lên phía bắc, Đột Quyết tiến đánh Hồi Hột, Nam Chiếu chen chân.
Y đi xa đến Hồi Hột, trước khi đi, ngay cả câu “hãy bảo vệ nàng thật tốt” y cũng chưa kịp nhắn cùng Trịnh Trạc.
Y cảm thấy mình không có tư cách, cảm thấy câu ấy thật dư thừa, không cần thiết, không có câu nói ấy của y, Trịnh Trạc vẫn sẽ làm như vậy. Nhưng không ngờ chuyến đi xa hào hùng lẫm liệt của y lại trở thành lỗi lầm mãi mãi không cách nào bù đắp.
Tình thế kinh thành xoay chuyển, lão hoàng đế qua cầu rút ván, triều thần hạch tội Nguyên gia tạo phản, Trịnh Trạc bị ép bất đắc dĩ phải chọn rút củi đáy nồi, diễn trò trở mặt thành thù với Nguyên gia, “giết” Nguyên Dị Trực và Nguyên Ngọc trước mặt mọi người, sau lưng âm thầm đưa họ rời kinh dưỡng thương.
Nhưng lão hoàng đế nghi ngờ, theo dõi Trịnh Trạc quá sít sao khiến hắn đưa họ đi thất bại. Nguyên Dị Trực và Nguyên Ngọc bị truy binh bắn chết tại chỗ. Sau đó, Nguyên Tứ Nhàn, a tẩu và mẹ nàng cùng bị bắt giam.
Trịnh Trạc gian nan mạo hiểm cả tính mạng mới cứu được họ ra, không ngờ Khương Bích Nhu là khối u ác tính nhiều năm ở Nguyên gia.
Ả vốn thù oán nặng Nguyên Tứ Nhàn, cộng thêm nam nhân Nguyên gia đều đã chết, ả không cam tâm lên đường lưu vong, bởi vậy chọn nương nhờ hoàng đế để cầu lối thoát, thực không kỳ lạ.
Khi Lục Thời Khanh nhận được tin tức, ngàn dặm chạy về thì đã không còn kịp nữa.
Y như một vị anh hùng, cứu được Hồi Hột, cứu được thiên hạ, nhưng không cứu được nàng.
Quả là trào phúng như một trò hề.
Trong gió mưa vần vũ, Lục Thời Khanh ngửa đầu dựa vào lan can cầu dừng lại, cuối cùng chống tay đứng dậy, siết mảnh giấy trong lòng bàn tay từ từ đi về phía thành Trường An.
***
Hai năm sau, trung thư thị lang đương nhiệm – Lục Thời Khanh tạo phản, ép Huy Ninh Đế thoái vị làm thái thượng hoàng, phò tá thập tam hoàng tử Trịnh Hoằng đăng cơ.
Vào đêm sau đại điển đăng cơ bảy ngày, Lục Thời Khanh ngồi thẫn thờ trong mật đạo Từ trạch, cầm khăn lụa lau một tấm bia mộ.
Tào Ám ở bên cạnh y.
Bàn tay y cầm khăn thực quá gầy, nhìn thoáng qua cứ tưởng tay của ông cụ bảy tám mươi tuổi. Chừng như chỉ cần hơi bóp nhẹ là những ngón tay ấy sẽ gãy ngay tức khắc.
Tào Ám biết y đau khổ. Hai năm nay, đầu tiên là Lan Thương huyện chúa ra đi, sau đó không lâu, lục hoàng tử chết dưới tay lão hoàng đế, y hoàn toàn dựa vào quyết tâm báo thù và tín ngưỡng vì dân vì nước mới có thể chống đỡ đến hôm nay.
Tào Ám bảo y nghỉ ngơi thôi, đừng lau nữa, nhưng y không nghe.
Lục Thời Khanh vẫn cố chấp lau, dù chẳng biết rốt cuộc nó bụi chỗ nào.
Mãi đến sắp bình minh, y mới đứng dậy, cầm lá thư đặt trước bia mộ, nói:
– Dâng lên bệ hạ, xin ngài thay Nguyên gia sửa án.
Giọng y mông lung không có sức, Tào Ám hoảng hốt hỏi:
– Còn lang quân? Bệ hạ vừa thăng ngài làm trung thư lệnh, hôm nay ngài không vào triều sao ạ?
Lục Thời Khanh không đáp, loạng choạng bước về cửa mật đạo, nhưng đi chưa tới bậc trên cùng thì ngã nhào, nôn ra một ngụm máu lớn đỏ tươi.
– Lang quân!
Tào Ám vội vã chạy tới đỡ y.
Lục Thời Khanh mượn sức Tào Ám ngồi dậy, lau máu trên khóe môi, cười nhạt đáp:
– Tào Ám, ta không vào triều, ta muốn nghỉ ngơi.
Nhìn cảnh này Tào Ám còn gì không hiểu, lệ hắn bỗng tuôn như suối, nhưng một câu cũng không thốt được nên lời.
Lang quân khổ quá, quá khổ rồi. Ngài ấy nên giải thoát thôi.
Tào Ám thấy y gian nan đưa tay, lấy từ trong tay áo ra một mảnh giấy.
Hắn nghẹn ngào hỏi:
– Lang quân, đây là gì thế, cần tiểu nhân thay ngài giao cho ai không ạ?
Lục Thời Khanh lắc đầu, cười nói:
– Cái này của ta, đừng giao cho người khác.
Tào Ám đáp được, không giao cho người khác, sau đó hắn cúi đầu nhìn mảnh giấy trong tay y.
Trang giấy đã có chút ố vàng, bên trên là hai dòng chữ ngắn với nét chữ thanh tú: “Chờ kiếp sau ta tới tìm chàng, chàng phải quyết chí sớm đấy.”
Theo ánh mắt Tào Ám, Lục Thời Khanh cũng cúi đầu nhìn dòng chữ ấy, kế đó từ từ nhắm mắt, khóe môi cong lên: