Hôm sau Cừu Thiên Hiệp đã hết hơi độc, chỉ còn chưa được phục sức thôi, còn Tuyệt tình kiếm thì vẫn còn mê man chưa tỉnh.
Hoa khôi lệnh chủ Bích Lệ Hồng tuy đã biết Cừu Thiên Hiệp sức khỏe không có gì đáng ngại cả, nhưng cũng theo chàng săn sóc cả đêm.
Sau bữa cơm, thước y du long Thượng Quan Kiệt nói với Cừu Thiên Hiệp:
- Trong giới hạn giang hồ hiện nay tuy yên ổn không có gây nên sóng gió, nhưng bên trong ngấm ngầm sát khí. Lần này mi về phía bắc tìm cha, là một điều hiếu đạo ta không thể ngăn cản được. Chỉ mong rằng mi sớm trở về, có thể sau này mi là kẻ cầm đầu trong võ lâm.
Cừu Thiên Hiệp miệng nói không dám nhưng trong lòng nổi lên một niềm tự hào.
Hai hôm sau, Thượng Quan Kiệt từ giã ra đi, để Tuyệt tình kiếm ở lại điều trị.
Cừu Thiên Hiệp đã liên tiếp trong hai ngày nói chuyện tâm tình với Bích Lệ Hồng, đôi bên đã hiểu nhau gạt bỏ những thành kiến năm xưa và đã gây dựng một mối tình bất diệt.
Nhưng, hảo cảnh bất thường, dù sao Cừu Thiên Hiệp cũng phải ra đi. Bích Lệ Hồng nhất định cùng đi cho có bạn. Cừu Thiên Hiệp từ chối bằng những lời lẽ khéo léo và từ giã thần y Hoa Tử Phong rời khỏi Tiềm Long cốc.
Cừu Thiên Hiệp ra đi lẻ loi một mình, hồi tưởng những điều tao ngộ từ khi đặt chân trên đường đời. Chàng cảm thấy trừ ra một số ít người xấu, mình đã thọ ân rất nhiều người. Đại trượng phu ân oán phân minh, phen này nếu tìm được cha mẹ thì thân này dù chết dù sống cũng phải làm sáng tỏ thân thế của mình và báo đáp ơn nghĩa đã mang, nhưng ... phải báo đáp cách nào với Bích Lệ Hồng ? Đây là một vấn đề nan giải !
Nghĩ đến đây, chàng đã rời xa thành Hàm Dương. Dọc đường chàng thấy vô số người trong võ lâm lai vãng. Nhưng vì muốn sớm đến Hạ Lan sơn nên đã tìm cách lánh họ. Chàng tìm làng mạc hẻo lánh nghỉ ngơi để khỏi phải sanh ra nhiều chuyện lôi thôi.
Đã hơn một ngày, đeo đuổi cuộc hành trình. Một hôm đã tới vùng núi Hạ Lan.
Hạ Lan sơn lúc bấy giờ đã phủ đầy sương tuyết trắng xóa mênh mông vả nghìn dặm. Nối liền vô số hòn núi trùng điệp và cao vời vợi gió triều lạnh thấu xương tủy.
Nội công của Cừu Thiên Hiệp rất thâm diệu nên dù nóng hay lạnh đến đâu chàng cũng không ngại. Khi đi sâu vào núi thì thấy vắng vẻ vô cùng ... thậm chí cầm thú cũng không có thì làm sao thăm dò được tin tức ? Nhưng chàng vẫn không nản chí, tiếp tục tìm kiếm, chàng nghĩ:
Cha mình là một đời kiếm khách, công lực đã cao, mà mười mấy năm nay không ai hay biết, tất nhiên người phải ẩn cư chốn thâm sơn cùng cốc, nơi mà không người lai vãng. Vì thế chàng tiếng mãi vào sâu, trải qua nửa tháng cũng không thấy manh mối nào, quả là một việc mò kim đáy biển.
Cừu Thiên Hiệp nhìn cảnh tuyết rơi, tay chân chàng sưng phù lên đỏ lói bắt đầu lở da, lần lần chàng đâm ra thất vọng.
Trời tối dần, chàng cảm thấy trong người đã quá mỏi mệt, định tìm một cái hang để nghỉ ngơi, để khỏi bị tuyết phủ.
Chàng thấy xa xa có một cái đèo tuyết nhô ra trên sườn núi chàng nghỉ ở dưới đèo này có thể tránh được phong tuyết, bèn cong mình thả xuống dưới đèo, nhưng chân chàng vừa chấm đất bỗng thấy như mềm xèo, lại tưởng rằng nội công còn đang chuyển vận chưa dứt, nên không để ý tuyết nổi dưới chân. Chàng thong thả ngồi xuống nghỉ mệt thì bỗng dưng như bị sụp đất tuột sâu xuống chỉ nghe tiếng ùm ! ùm !
Cừu Thiên Hiệp sợ hãi, tung mình toan nhảy vọt lên thì lúc ấy đèo tuyết ở trên sụp xuống nghe ầm ầm như núi thái sơn đè xuống không sức mạnh nào chịu được.
Chàng cố dừng lại, nhưng tốc độ tuột xuống càng nhanh nước đá từ trên tạt xuống như vũ bão, Cừu Thiên Hiệp than thầm:
- Phen này hết rồi !
Bây giờ có cách dùng nội công giữ mình để khỏi bị nước đá đập chết, mặc tình nó tuột xuống mãi.
Ngót một tiếng đồng hồ cái thế trầm xuống vừa dừng lại thì Cừu Thiên Hiệp nhảy lộn người lên để khỏi bị dội. Trong này tuy tối thui nhưng không lạnh bằng bên ngoài.
Chàng đưa tay sờ thử, được biết nơi đây là một cái hang vuông vứt độ năm trượng, phía trên không ánh sáng, bốn bề là vách đất cao vút.
Chàng dựa vào chỗ bằng phẳng, thì nhận thấy hang này do người làm ra chứ không phải thiên tạo. Cừu Thiên Hiệp đặt hy vọng sống còn và nghĩ:
Nếu do người làm ra, thì phải có lối ra.
Nghĩ đoạn chàng bước đi dò khắp nơi bốn bên vách, nhưng ngoài sự tưởng tượng không có một chỗ hở nào cả.
Giờ đây Cừu Thiên Hiệp đứng trước cảnh tuyệt vọng, buồn bã thở than ngồi xuống suy nghĩ:
Không ngờ ta đã không làm nên trò trống gì hết, nay lại vùi mình nơi địa huyệt dưới lớp tuyết. Ối còn gì là thân thế, sư môn, ân nhân, kẻ thù ! ...
Lòng chan chứa thiên sầu vạn thầm, rồi nghĩ đến cái chết, một cái chết bất ngờ, không minh bạch, bỗng chàng đứng dậy hét to:
- Ta không thể chết ! Ta chưa tới ba mươi tuổi, không thể chết một cách vô lý như thế này được !
Tham vọng muốn sống như một ngọn đèn hy vọng được đốt cháy trở lại. Cừu Thiên Hiệp bắt đầu định lấy hành động thực tế đi tìm lối ra. Chàng vận lực vào hai bàn tay ngồi bẹp xuống đất cào móc mãi vào vách đất ... Một lát sau chàng thấy đầu ngón tay mỏi quá và tê buốt, bèn ngừng tay lại sờ thử thì biết mình đã móc được một cái lỗ rộng lớn ba thước, sâu lối năm thước.
Cừu Thiên Hiệp đã kiệt sức, nhờ có mạch nước trong lỗ nhỉ ra. Chàng bụm lấy cả bùn, uống vào cho đỡ khát rồi tiếp tục moi đất. Đến khi mỏi mệt lại nghỉ, nghỉ rồi lại tiếp tục một cách máy móc như vậy không hiểu đã trải qua bao nhiêu ngày tháng, bỗng dưng tay chàng cảm thấy như không còn đụng nhầm vật gì nữa, không có gì chịu lại sức lực đôi tay nữa.
Quả thật chàng đã đào đến nơi rồi, nhưng không biết đến một nơi nào !
Chàng thò tay mò, nổi vui mừng ngoài sức tưởng tượng, phấn khởi tinh thần, chàng đào rộng thêm vài ba thước nữa, nhưng lạ thay, ngoài lỗ hang vẫn đen như mực, chàng đoán chắc lúc này là ban đêm nên mới tối đen như thế. Rồi chàng chui ra ngoài lỗ, nhưng vì sợ nơi đây là một cái đèo cao nên đưa hai chân ra trước thử xem thiệt hư.
Thì ra nơi chàng bước sang cũng là mặt đất phẳng lì, tối đen, chàng bước tới vài bước nữa thì cả đến một chút hy vọng cuối cùng cũng tiêu tan mất hết, vì ngoài này bất quá là một cái hanh lớn hơn mà thôi.
Cừu Thiên Hiệp đói quá thốt ra một tiếng than yếu đuối, rồi lại mò tới độ năm ba trượng bỗng giật mình nẩy người kinh hãi.
Thì ra ở góc hang bên kia có đôi mắt chớp nhoáng đang nhìn gắn vào người chàng không nháy, chàng cố giữ bình tĩnh và tập trung tinh thần dòm vào đôi mắt ấy.
Chàng nhận ra người ấy ăn mặc theo lối văn sĩ ngồi khoanh chân trên đống đất, quần áo gần như mục hết. Từ cặp mắt có một tia sáng mạnh mẽ khiếp người, ngoài ra gã như một cái xác chết lâu năm.
Lúc bấy giờ Cừu Thiên Hiệp đã đói đến tối tăm mặt mày. Chàng thụt lùi kêu ú ớ:
- Ai đó vậy ?
Văn sĩ trung niên trạc độ tứ tuần, không trả lời đôi mắt càng ghê rợn hơn, chập chờn đưa tay ngoắc Cừu Thiên Hiệp chàng không dám lại gần, nói gắt:
- Ông là quỉ hay là quái ?
Văn sĩ trung niên vẫn ngoắc tay như thường.
Cừu Thiên Hiệp giận dữ bước tới khoác tay:
- Nếu không nói mãi, thì đừng trách tôi ra tay !
Văn sĩ trung niên nheo mắt một cái khiến chàng cảm thấy hơi lạnh mình.
Cừu Thiên Hiệp hỏi luôn ba tiếng đối phương không đáp, bèn vận công lực cho thân hình dài ra, bàn tay rắn lại như lưỡi kiếm, toan trổ tài Thường thắng bát kiếm của môn tuyệt học thiết thư, tay trái đưa lên phối hợp với thần trí để phân tán nhãn thần của văn sĩ trung niên, tay mặt ngón chỉ và ngón trỏ nhập lại, tủa ra trăm nghìn ảnh ngón tay nhằm trọng huyệt đơn điền của đối phương bất thần mạnh bạo điểm xuất. Chỉ phong lướt nhẹ vào, kích động khí lưu trong huyệt, tạo ra một luồng âm thanh của một tiếng gầm phơn phớt. Chàng ra tay trong hầm quả thật là uy lực vô biên.
Văn sĩ trung niên hình như không ngờ chàng lại có thủ pháp lợi hại như vậy, nên chưa kịp đứng dậy đã phải né qua một bên.
Động tác này cũng quá nhanh nên mới tránh khỏi nếu không sẽ bị trúng thẳng vào đơn điền đại huyệt ngay. Ta nên biết rằng hai bên yếu huyệt đơn điền là phủ sá và sung môn, hai huyệt này dù trúng mạnh hay nhẹ cũng khó toàn mệnh.
Cừu Thiên Hiệp thấy đối phương cũng khá lợi hại nên chàng vẫn giữ nguyên thế không rời đối phương, chân lực bất thu và vận công lực một mực điểm tới.
Bỗng văn sĩ trung niên rú lên một tiếng thất thanh và ngã ngữa ra, đồng thời từ trong người gã vọt ra một tia máu bắn tới người chàng.
Cừu Thiên Hiệp nhận thấy đối phương phản ứng liền lộn qua một vòng rồi nhảy ra để tránh, nhưng khi thấy tia máu trong người văn sĩ vọt ra chàng đã cảm thấy hai lỗ tai lùng bùng và xây xẩm mặt mày ngã bẹp xuống đất bất tĩnh ngay.
Nên biết rằng Cừu Thiên Hiệp bị giam mình trong hang quá lâu đói quá chân lực đã giảm. Nay dùng toàn lực đánh liều, một khi lực đạo đã phát xuất, trong người trở nên mỏi mệt không sao tránh khỏi bị Ẫthoát hưỮ mà ngất đi.
Độ chừng một tiếng đồng hồ chàng tỉnh lại từ từ, thấy toàn thân vô lực, tứ chi nhuyễn nhược, chàng phải nằm nhắm mắt dưỡng thần một hồi lâu mới thấy hơi khỏi một tí.
Bỗng có tiếng nói bên tai chàng:
- Tiểu tử ! Công lực của mi chưa được !
Trong hang lại có tiếng người ? Cừu Thiên Hiệp sợ hãi, nhảy dựng người lên, choáng váng lùi bước tựa vào vách đất.
Trong bóng tối, văn sĩ trung niên vẫn ngồi yên tỉnh như trước, đôi mắt càng sáng rực hơn ban ngày, nhưng miệng lại mỉm cười.
Nụ cười của đối phương đối với Cừu Thiên Hiệp chỉ giống ác quỉ nhe nanh múa vuốt rất khủng khiếp. Chàng ủa lên một tiếng và nghĩ:
Gã mới bị một đòn chí mạng đây mà làm sao sống lại được trong nháy mắt ?
Cừu Thiên Hiệp lạnh xương sống, hai chân như đã mọc rễ xoay chuyển nửa bước cũng không được. Thấy trong hang có vẻ như ma quỉ nhiều lắm, chàng ghê sợ rờn óc rùng mình.
Văn sĩ trung niên lại lạnh lùng nói:
- Cái ngón này nếu có thêm năm phần công lực nữa, thì lão phu có thể chết đấy !
Bấy giờ chàng mới biết rõ ràng là có người ta đang nói chuyện, chỉ trừ giọng nói với hơi lạnh lùng mà thôi, tất cả đều giống như người thường.
Cừu Thiên Hiệp làm gan nạt lớn:
- Thật ra ông là người hay là ma ?
Văn sĩ trung niên cười nhạt:
- Lớn gan thế ! Lại đây ta bảo xem nào !
Cừu Thiên Hiệp đâu dám lại gần ? Chàng chỉ đứng tựa vách to tiếng:
- Oan hồn của ngươi không tan ư ?
Văn sĩ trung niên gắt:
- Ta bảo mi lại đây !
Vừa nói hai tay vừa đưa ra, móng tay gã dài không dưới mười thước chỉ nắm vụn lại trong không gian một cái thì thấy có một sức hút ngấm ngầm khiến Cừu Thiên Hiệp tự nhiên phải chạy về trước ngay.
Cái phép Hư không hấp dẫn này, nếu nhằm lúc bình thường, Cừu Thiên Hiệp không dễ gì bị hút đi tới được, nhưng nhằm lúc này toàn thân chàng không đủ công lực thì làm sao vùng vẫy cho khỏi được ?
Văn sĩ trung niên nói lạt lẽo:
- Để báo đáp ngón tay của ngươi ta trị bụng đói của ngươi trước đã !
Trong khi nói ông búng ngón tay rồi đặt trên đơn điền của Cừu Thiên Hiệp, một tay khác đỡ Ngọc chẩm huyệt của chàng lên mình rồi hội lại thành một luồng hơi ấm chạy vào thân nhọc làm đói khát tiêu tan và tinh thần bừng mạnh như xưa.
Chàng định nhảy vọt ra khỏi tay văn sĩ trung niên, thì lại nghe:
- Nay lão phu dạy ngươi phép trị đói Phích cốc đại pháp, để khỏi phải làm phiền ta nữa ! Nghe đây.
Văn sĩ trung niên lại ho nhẹ một tiếng rồi đọc:
- Minh sát tử ngọ tuyến, qui tức nạp đơn điền, ngũ tạng binh hàn hỏa; minh kinh trần bất tiêm.
Cừu Thiên Hiệp giật mình, nghĩ thầm:
Đây là phép lớn được thấm nhuần giữa hai nhà Phật và đạo bấy lâu nay chỉ nghe lời đồn, chưa hề thấy ai có cái kỳ công này. Văn sĩ này ...
Chàng không dám nghĩ mãi, liền ghi nhớ khẩu quyết này và thực hành đúng đắn, quả thật tinh thần mạnh khỏe cơn đói không còn tồn tại, dù vậy chàng lại càng chứa một mối nghi ngờ không sao đè nén được ở trong lòng, bèn vội hỏi:
- Thật ra ông là ai ? Có thể cho tôi biết được không ?
Văn sĩ trung niên cười gượng nói:
- Việc này không liên can gì đến ngươi, hỏi mà làm gì ? Giờ đây ngươi phải tìm cách thoát khỏi nơi đây là hơn !
Cừu Thiên Hiệp lại tò mò:
- Ban nãy ông bị ngón tay tôi điểm ...
Văn sĩ trung niên nói:
- Nếu bây giờ ngươi điểm ta chết cũng không có gì lạ, ban nãy lực đạo của ngươi chưa đủ.
- Nhưng ông đã trào máu, ngã gục ?
- Hừ !
Văn sĩ trung niên có vẻ rất kích động nói:
- Nói thật với ngươi, lão phu bị người ta làm tê liệt cả động mạch trong người, trước chỉ lực của ngươi ta không cử động được cũng như ta nói không ra lời, chỉ còn có hai tay có thể ráng gượng cựa quậy một vài cái mà hể cử động một cái vậy thì phải dùng công phu một tháng mới bồi bổ lại được.
- Thế thì phải giải bằng cách nào ? Tiền bối cứ bảo tôi biết đi, nếu có thể tôi sẽ giúp tiền bối một tay.
Văn sĩ trung niên nhìn Cừu Thiên Hiệp rất cảm kích, nhưng rốt cuộc ông lắc đầu nói:
- Với ngươi, chưa thể làm nên việc !
- Ông muốn nói công lực của tôi chưa đủ ?
- Công lực ? Ngươi còn nhỏ tuổi mà công lực đã trội hơn nhiều lắm rồi ! Còn muốn nói rằng đủ thì tự nhiên là không đủ !
- Lúc nãy ngón tay tôi điểm trúng tiền bối kiến hiệu chưa đủ sao ?
Văn sĩ trung niên cười xòa trầm giọng đáp:
- Ngón tay của ngươi bất quá cũng như ngòi thuốc nổ đã bắt cháy đến cái công phu của ta rèn luyện không biết tự bao lâu rồi, vì thế mới làm cho hai vai ta cựa quậy được và mở miệng nói chuyện ! Ngươi tưởng đâu chỉ nhờ hai ngón tay của ngươi điểm một cái là tạo thành kết quả khả quan như vầy sao ?
Cừu Thiên Hiệp thẹn đỏ mặt, không thốt ra lời. Văn sĩ trung niên lại dịu dàng nói:
- Dù vậy, ta vẫn cảm kích ngón tay của ngươi đã giúp được cho ta rất nhiều !
Cừu Thiên Hiệp biết mình không giúp được ông ta, bèn ngỏ ý:
- Tại hạ vì công lực không đủ để làm nên việc hữu tâm vô lực thật là hận cả đời !
Văn sĩ trung niên gật đầu nói:
- Lòng dạ của ngươi tốt lắm, ta ghi nhớ đây !
Cừu Thiên Hiệp bỗng nghĩ đến một vấn đề, hỏi:
- Chắc tiền bối biết đây là ở chỗ nào chứ ?
- Hạ Lan sơn đấy !
- Không, tôi nói cái địa huyệt này !
- À !
Văn sĩ trung niên suy nghĩ một hồi rồi nói chậm rãi:
- Đây là một địa ngục do một nhóm nhân sĩ giang hồ tạo nên !
Cừu Thiên Hiệp ngạc nhiên, không hiểu tại sao nhân sĩ giang hồ lại thiết lập địa ngục để làm gì ?
Văn sĩ nói tiếp:
- Ngươi lấy làm lạ lắm sao ? Vả lại địa ngục này là đặc biệt nhằm vào mục đích đối xử với ta !
Cừu Thiên Hiệp còn đang thắc mắc nói:
- Với công lực của tiền bối mà có thể hại được thì nhóm người ấy thật phi thường !
Văn sĩ trung niên nghiến răng nói:
- Là cả một bầy chuột ! Đồ đê hèn !
- Xin cho phép tại hạ nói thẳng, cớ sao họ lại kiềm chế được tiền bối ngoan ngoãn vào sào huyệt ?
- Đó là cả một mánh khóe gian ngoa, chúng đánh lừa ta, xuất kỳ bất ý chụp thuốc độc, thuốc mê, không chừa một thủ đoạn nào !
- Việc này xảy ra được bao lâu rồi ?
Văn sĩ trung niên chưng hửng vổ tay nói:
- À ! Phải, đã bao lâu rồi ?
Ông ta lắc đầu, có vẻ thất vọng nói:
- Thật không biết đã bao lâu rồi ! Vả lại trong huyệt không có ngày tháng, có thể là lâu lắm là phải !
Bỗng dưng, ông ta hình như nghĩ tới điều gì, liền chỉ một chỗ cách trước mô đất hơn một thước mà nói lớn lên:
- Ngươi đào hộ một cái tử thi ở đây lên cho ta xem, có lẽ ta đoán được bao lâu rồi.
- Tử thi ?
Cừu Thiên Hiệp rùng mình, nhưng chàng lại không một chút ngần ngại, dùng hai tay cào đất lia lịa, chỉ mới được chừng ba thước sâu thì đã thấy một bộ xương khô vàng úa, xen vào những sợi tóc dài nên có thể đoán được đây là thi thể đàn bà.
Văn sĩ trung niên ứa lệ xúc động nói:
- Coi không ra rồi, người chết một năm thì da thịt tan rã, còn xương khô thì mười năm hay hai mươi năm thì cũng vậy thôi ! Ôi ! Chuyện qua rồi, cần biết bao lâu mà làm chi !
Cừu Thiên Hiệp xúc động trước vẻ xót xa của ông ta, chàng hỏi:
- Tiền bối ! Thi thể nàng là ...
Văn sĩ trung niên đau thương vô cùng đáp:
- Gia thất ! Một người đàn bà trói gà không chặt !
Nói xong lệ tuôn như mưa, khóc nức nở, giờ đây Cừu Thiên Hiệp nghĩ tới cái gọi là một nhóm nhân sĩ giang hồ cho rằng họ quá độc ác. Động lòng hào hiệp, chàng hô to:
- Tiền bối ! Có thể cho tôi biết tên tuổi những người hại tiền bối chăng ? Tôi sẽ tùy khả năng của tôi, nhất định báo cừu cho tiền bối.
Văn sĩ trung niên đôi mắt sáng lên, chùi sạch nước mắt, chăm chú nhìn Cừu Thiên Hiệp, nhưng một lúc sau lại gục đầu xuống, thở dài ông ta nói:
- Ân liên oán kết biết đến chừng nào mới hết ? Vì thế lão phu không muốn liên lụy đến kẻ khác. Chỉ một lời nói ấy đã đủ cho ta ghi tạc rồi !
Cừu Thiên Hiệp buồn bã nói:
- Tiền bối lại xem rẻ vãn bối thế ư ?
- Không ! Không bao giờ !
Cừu Thiên Hiệp nói:
- Con người sanh trong cõi đời này vốn là đề thân trương chính nghĩa, hà tất phải câu nệ Ở chỗ tự kỹ hay tha nhân ?
- Tốt lắm !
Văn sĩ trung niên đập mạnh đôi tay khen ngợi:
- Chỉ có lời nói này của ngươi, tinh thần võ lâm mới tồn tại mãi mãi trong giang hồ.
Nhưng ta đã chán đường danh lợi thì thử hỏi còn đâu là ân oán ? Nếu ngươi biểu dương được tấm lòng này trong võ lâm thì nó còn vĩ đại hơn báo cừu đấy ! Ha ha ...
không ngờ ta lại gặp được một người đồng đạo chân chính, giờ đây dẫu có thác đi ta cũng can tâm !
Nói xong, ông ta liếc mắt nhìn, hình như muốn đòi hỏi một điều gì ở con người Cừu Thiên Hiệp. Bỗng hô to:
- Lại đây ! Lại gần ta !
Tiếng hô kinh khủng đầy sát khí, làm rung động cả không khí trong huyệt, tiếng dội ong óng, lâu lâu chưa dứt.