Thịt Phượng Hoàng

Chương 150: Lời Tiên Tri Bắt Đầu



Phượng loay hoay khiêng đồ ra khỏi thang máy tầng hầm của trung tâm thương mại. Ước lượng độ cồng kềnh của đống đồ trong tay, cô nghĩ khéo buộc đồ lên yên thì mới chất được hết lên xe máy của cô thôi.

Ban nãy nhìn bản mặt muốn cãi mà không bật nổi của Lileen cũng sướng mắt đấy. Tuy nhiên trong lòng cô vẫn có đôi chút hậm hực. Phượng là người gặp chiêu tiếp chiêu. Nhưng đối diện với cái cây đại thụ đứng lặng trước gió lớn như bà Thái Hương, Phượng bỗng tay chân lung túng, chẳng biết phải như nào.

Phượng bỗng nhớ lại lần anh nói cô không cần cố gắng lấy lòng mẹ anh. Lúc ấy, cô đã trề môi ra, hỏi:

“Tại sao? Anh không muốn mẹ anh thích em à?”

Anh cười với cô, đáp rằng bà Thái Hương là chuyên gia trong việc đọc vị người khác. Mà người thông minh thường ghét kẻ giả dối. Vì thế cô tuyệt đối đừng phí tâm tư nịnh bợ bà. Đã có cả đống kẻ tranh nhau làm việc ấy rồi. Tất cả chỉ đổi lại sự coi thường của Thái Hương mà thôi.

Anh nói bản thân cô đã quá tốt, không cần thiết bày vẽ màu mè. Hành vi giả tạo không qua nổi mắt bà Thái Hương đâu. Hãy cứ đối xử với bà bằng cả sự chân thành và thật thà. Bà sẽ dần nhận ra những điểm tốt của cô.

Cô vẫn nhăn nhó.

“Nhưng lỡ mẹ anh không thích em…”

Anh kiên nhẫn cười, sau đó hôn lên má cô.

“Tôi thích em là được.”

Hồi tưởng ánh mắt diu dàng của anh, Phượng nghiêng đầu cười ngờ nghệch giữa đường.

Đúng là con gái khi yêu, đầu óc lúc nào cũng như trên mây. Phượng lắc đầu tự cười chê bản thân. Đây là trung tâm thương mại lớn nên hầm để xe cũng thật đông. Phượng ôm một đống đồ đi lòng vòng, trong đầu trách bản thân không ghi nhớ số thứ tự khu để xe của mình.

Tuy nhiên bây giờ là giữa trưa, hiện quá giờ đông khách rồi. Khu trung tâm thương mại cao cấp này lại tập trung toàn người giàu, nên chỗ để xe máy chỉ thưa thớt vài chiếc. Cả hầm xe vắng ngắt không có một bóng người.

Phượng đi lòng vòng mỏi cả chân mà không tìm thấy xe máy. Đống đồ nặng bắt đầu làm tay cô mỏi.

“Chắc phải đi cầu cứu bảo vệ thôi”, Phượng nghĩ.

Bất chợt, sọ não vang “Cốp” một tiếng đắng chát.

Toàn bộ không gian tối đen. Phượng không còn biết gì nữa.



Máy bay từ Đà Nẵng hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Nội Bài lúc bảy giờ tối. Nhìn sắc trời tím sẫm bên ngoài cửa sổ buồng máy, anh biết mình sẽ không về kịp để cùng cô dự tiệc đầy tháng con của Tiên.

Làm xong thủ tục tại sân bay, lái xe về trung tâm thành phố nhanh cũng phải đến chín giờ tối.

Đây không phải lần đầu anh lỡ những dịp đặc biệt cùng cô. Anh thầm tự trách, và bắt đầu nghĩ mình cần giải quyết vấn đề này thế nào.

Hôm nay việc vận hành của sân bay vẫn diễn ra với tốc độ mọi khi. Giống như hàng nghìn chuyến bay khác anh từng ngồi. Nhưng chẳng hiểu sao, lòng anh có chút bồn chồn. Mà càng lăn tăn về nó, sự bất an ấy càng nở ra.

Anh nghĩ, ngay khi xuống máy bay, việc đầu tiên anh làm sẽ là gọi cho cô.

Vậy mà anh không có cơ hội làm điều ấy.

Sau khi anh mở điện thoại, bên cạnh hàng tá cuộc gọi nhỡ và tin nhắn liên quan đến công việc, anh thấy một tin nhắn của trợ lý Toàn. Là trợ lý cá nhân của anh nên Toàn nắm rõ lịch trình.

Biết sếp hiện đang trên máy bay, không thể bắt máy. Nên Toàn bèn để lại tin nhắn. Tin nhắn viết rằng ba giờ chiều nay anh ta tới nhà Phượng đưa quà, nhưng cô vắng nhà. Đồng thời, anh ta cũng không thể liên lạc được với Phượng.

Chỉ một câu nói, trái tim của anh chầm chậm chìm xuống đáy vực.

Cảm giác hoang mang xâm chiếm lấy anh.

Anh vứt lại hàng lý, để nhân viên thay mình thu xếp. Nhanh chân hướng ra cửa, anh lập tức gọi cho Toàn.

Qua điện thoại, Toàn ngắn gọn giải thích tình hình. Toàn cũng không cung cấp thêm cho anh thông tin gì mới mẻ. Toàn nói rằng mình đã mang quà chuẩn bị cho Tiên đến nhà Phượng – đúng ba giờ như anh và Phượng đã hẹn trước. Toàn gọi cửa nhưng không ai ra mở. Anh ta đứng chờ hồi lâu, gọi điện cho Phượng mà máy không kết nối.

Sau cùng, một bác hàng xóm thấy Toàn đứng chờ lâu trước cổng nhà Phượng nên bèn ra hỏi chuyện. Bà nói Phượng rời nhà từ sáng, chưa về. Vì vậy Toàn mới thông báo cho anh.

Chạy tới cổng đưa đón trước sân bay, anh gấp gáp, thậm chí đã thực hiện hành vi thiếu lễ độ đầu tiên trong đời. Đó là đoạt taxi của một đôi vợ chồng trẻ đã chuẩn bị ngồi lên xe.

Tài xế kinh ngạc trước anh chàng điển trai ngồi bên ghế lái. Mặt anh rét lạnh, ra hiệu.

“Lái về trung tâm thành phố.”

Khí thế của anh điều khiển tài xế thực hiện theo như một cỗ máy. Nửa lời thừa thãi cũng không dám thốt ra.

Trên đường đi, anh liên tục gọi cho cô. Đường dây không thể kết nối. Ấn đường của anh nhăn lại. Hiện đã gần tám giờ tối. Theo như những gì Phượng nói qua điện thoại hôm nay, cô hiện đang ở tiệc đầy tháng của Tiên.

Anh không có số điện thoại của Tiên. Vì thế anh phải gọi cho vài người, rồi chờ người đó gửi số điện thoại của Tiên. Có lẽ vì đang bận rộn mở tiệc, Tiên không nhấc máy ngay. Quãng thời gian chờ đợi chỉ có vài phút. Vậy mà vài phút nóng ruột ấy bào mòn nhẫn nại trong anh.



Đến lần gọi điện thứ hai, Tiên mới bắt máy. Vì không biết người liên lạc là ai, giọng của Tiên khá dè chừng.

“Alo, ai đấy ạ?”

Anh đáp, giọng nói có chút thiếu kiên nhẫn.

“Tôi là An, người yêu của Phượng. Phượng hiện ở chỗ cô không?”

Tiên ngạc nhiên.

“Không. Phượng hẹn tôi bốn giờ chiều sẽ qua mà bây giờ vẫn chưa thấy đến.”

“Phượng có liên lạc với cô không?”

“Không hề. Tôi gọi và nhắn tin cho Phượng cả ngày không được. Có chuyện gì sao?”

Bàn tay anh siết chặt điện thoại. Nghi hoặc trong anh ngày càng phình to, bành trướng. Không ổn.

Anh hỏi.

“Phượng có nói cho cô ngày hôm nay cô ấy sẽ tới những đâu không?”

Tiên chần chừ vài giây để suy nghĩ. Chỉ đôi nhịp kéo dài đã đủ khiến anh sốt ruột. Cuối cùng, câu trả lời của Tiên không đủ thỏa mãn anh.

“Tôi không biết.”

Anh đáp gọn.

“Nếu liên hệ được với Phượng thì báo cho tôi.”

Ngay sau đó anh ngắt điện thoại.

Nhớ tới lịch trình tối chủ nhật của Phượng, anh gọi cho Lợi. Anh không có số điện thoại của những người bạn nữ của Phượng, nhưng riêng Lợi thì có.

Lúc này Phoenix bắt đầu thu xếp để mở cửa. Chưa đến lúc quán đông nên Lợi bắt máy rất nhanh.

“Alo?”

Anh tiếp tục hỏi Lợi theo đúng trình tự giống Tiên. Một lần nữa, câu trả lời của đối phương khiến anh thất vọng.

Trước khi anh kịp dập máy, Lợi nhanh miệng hỏi.

“Cái Phượng gặp chuyện gì sao?”

Thực sự tình hình đang quá gấp gáp, anh không muốn nhiều lời với Lợi. Nhưng Lợi là người tháo vát, biết đâu có thể hỗ trợ, nên anh kiên nhẫn đáp.

“Anh phát hiện ra điều gì bất thường?”

Lợi nhăn mày suy nghĩ.

“Thực ra là không. Vẫn biết con bé Phượng hay vướng vào rắc rối, nên khi nó hát ở Phoenix, tôi luôn chú ý và dặn nhân viên để mắt tới nó. Phượng thường lên sân khấu chơi nhạc xong về ngay. Không có gã khách hàng đáng ngờ nào tăm tia nó hết. Nhưng bây giờ tôi sẽ gọi đám nhân viên lại, kiểm tra cả camera an ninh nữa. Nếu phát hiện ra điểm kỳ lạ nào, tôi sẽ gọi cho cậu.”

“Được.”

Đã gần một năm sau hàng loạt tai nạn xảy ra với nhà Tiến Phước. Tất cả những mối đe dọa của cô giờ đã yên vị sau chấn song nhà tù. Kẻ nhẹ tội nhất là Hoàng Anh, cũng phải hai mươi năm nữa mới mãn hạn.

Toàn bộ thành viên nhà Tiến Phước đã bị tước bỏ toàn bộ quyền lực và sức ảnh hưởng đối với thế giới bên ngoài. Vì thế họ có thể yên tâm vui sống, không lo bị ám toán hay hãm hại bởi những đối tượng này.

Anh không muốn buổi trình diễn ở Phoenix của Phượng kết thúc sau mười giờ và kiên trì đón cô vào mỗi tối chủ nhật chỉ vì một lý do duy nhất. Là tránh để cô đụng trúng phải mấy tên sở khanh gây rối. Vậy thôi.

Lợi cũng cùng suy nghĩ với anh. Vì thế Lợi mới đề xuất điều tra những kẻ lạ mặt từ quán Phoenix.

Nguy cơ ngày một lớn. Cho tới thời điểm này, người cuối cùng liên hệ với cô có lẽ chính là anh.

Lúc ấy là giữa trưa. Còn bây giờ đã tám giờ tối. Tám tiếng trôi qua, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

Không thể chần chừ thêm nữa. Sau khi ngắt kết nối với Lợi, anh liền bấm dãy số kích hoạt đội đặc biệt phản ứng nhanh của CCorp.

Trưa nay anh vừa gọi điện cho cô. Mọi thứ còn bình thường. Nhưng qua điện thoại, cô không hề tiết lộ mình đang ở đâu. Manh mối gần như không có.



Ngồi dưới giàn hoa giấy đỏ rực trong vườn, nhâm nhi tách trà sau bữa tối. Bỗng, bà Thái Hương thấy tín hiệu báo động trên điện thoại phát sáng.

Bà đặt ly trà xuống bàn, bật điện thoại lên.

Quyền điều động đội đặc nhiệm nằm trong tay duy nhất ba người, chủ tịch, phu nhân và người thừa kế của CCorp. Bất cứ ai trong ba người này kích hoạt đội đặc nhiệm thì tín hiệu sẽ lập tức thông báo đến điện thoại của hai người còn lại.

Gia đình họ nuôi binh ba năm, dụng binh một giờ. Sau vụ bắt cóc An năm chín tuổi, đội phản ứng nhanh này được Hoàng Nguyên dựng lên thuần túy nhằm mục đích bảo an. Dù sao cũng sống dưới chế độ pháp trị, họ hiếm khi phải sử dụng đến lực lượng này.

Tuy nhiên không khỏi có trường hợp ngoại lệ. Lần gần nhất con trai bà sử dụng đến đội đặc nhiệm là vào năm ngoài, giữa đêm. Bà còn nhớ rõ, anh vội mang quân đi giải cứu cô gái đó.

Con trai bà không phải người tùy hứng. Nếu anh đã dùng tới đội phản ứng nhanh, tức là tình hình nguy nan.

Là con trai bà gặp chuyện? Hay lần này, vẫn vì cô gái kia?

Thái Hương chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại đỏ rực thông báo khẩn thật lâu.

Mới trưa nay, bà con chạm mặt cô ấy.

“Cô Thái Hương, cô dùng bánh ạ.”

Lileen từ trong nhà bước ra vườn, trong tay bưng khay bánh quy mới ra lò còn chưa nguội.

Bà cười nhẹ với cô ta.

Lileen bám theo Thái Hương nguyên ngày chủ nhật. Sau khi theo chân bà đi khắp các trung tâm thương mại thuộc sở hữu của CCorp, Lileen cùng bà về nhà dùng bữa tối.

Những ngày như hôm nay từng diễn ra nhiều lần. Thái độ của Thái Hương không mời chào, cũng không chán ghét xua đuổi. Lileen dính lấy bà như cái bóng có hay không cũng chẳng khác biệt.

Lileen cũng hiểu cá tính của bà Thái Hương. Cô ta theo sau bà, tận lực không gây phiền toái là được.

Bà Thái Hương dành vài giây suy nghĩ về thông báo khẩn vừa nhận được. Nếu lúc này con trai bà đang bận rộn triển khai kế hoạch với đội đặc vụ, thì bà không nên gọi điện phí phạm thời gian của anh.

Anh vừa xuống máy bay sau chuyến công tác dài liền kích hoạt tình huống khẩn cấp. Thái Hương không loại trừ khả năng là vì công vụ của CCorp, chưa chắc đã liên quan tới Phượng.

Tuy nhiên, theo những gì Thái Hương biết, Phượng từng gặp không ít rắc rối.

Nếu chưa thể hỏi con trai, chi bằng ra tay từ người ngồi ngay cạnh.

Thái Hương cất lời, thanh âm mỏng nhẹ tựa như một câu hỏi vu vơ.

“Cháu biết Phượng bao lâu rồi?”

Lileen đang nhấp trà, nghe thấy câu hỏi này, đột nhiên bị sặc.

Nước trà tràn qua khóe miệng, Lileen vội lấy giấy lau. Hành động đột ngột này làm tách trà trong tay sóng sánh, chút nước rớt qua tay và đùi Lileen. Khiến cô nàng càng thêm chật vật.

Thái Hương nhẹ nhàng rút một tờ giấy ăn đưa cho Lileen. Cô ta nhận lấy, lúng túng lau miệng.

Lileen tự thu xếp xong, ngẩng đầu lên vẫn thấy Thái Hương đang nhìn mình. Bà vẫn đang kiên nhẫn chờ câu trả lời của cô ta.

Lileen dường như không thích chủ đề này, nén miễn cưỡng đáp.

“Cháu biết Phượng được hơn một năm ạ.”

Gần đúng khoảng thời gian Phượng và con trai bà bên nhau. Thái Hương tinh ý nắm bắt được vài thông tin qua câu trả lời này. Bà hỏi thêm.

“Cháu thấy Phượng là người thế nào?”

Lileen cụp mắt. Dưới màng mi mắt, bà Thái Hương thấy con ngươi của Lileen đảo loạn. Bà khẽ nhướng mày.

Lileen mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Đây cũng không phải chuyện lạ. Người ta thường phải cân đo đong đếm rất nhiều thứ trước khi nói bất cứ điều gì trước mặt Thái Hương.

Mãi sau, cô nàng mới trả lời.

“Cháu chưa tiếp xúc với Phượng nhiều. Nên nếu bảo cháu đánh giá con người cô ấy thì có chút phiến diện.”

Rất khéo léo. Ở vị thế của Lileen, chê Phượng trước mặt Thái Hương thì chẳng khác nào phô bày bộ mặt đố kỵ. Lileen đời nào muốn bà Thái Hương phát hiện ra cô ta là kẻ nhỏ mọn, xấu tính. Còn nếu ca ngợi Phượng với Thái Hương, cô ta không làm nổi. Hơn nữa, như thế là quá giả tạo rồi.

Nghe xong câu trả lời không thể lảng tránh vấn đề hơn của Lileen, Thái Hương cũng không nói gì. Bà lặng lẽ thưởng trà, hóng gió.

Không gian an tĩnh, khiến bất cứ động thái dù là nhỏ nhất đều trở nên lộ liễu. Từ khóe mắt, bà Thái Hương tinh tế phát hiện ra biểu cảm lúng túng của Lileen.

Dù Thái Hương đặc biệt khó gần, nhưng Lileen đã quen biết với bà từ nhỏ, chưa từng thấy cô nàng có loại trạng thái này.

Bà Thái Hương yên lặng, nhẫn nại xem tiếp theo Lileen sẽ làm gì. Không ngoài dự đoán, chỉ ba phút sau, Lileen xin phép về trước.

“Cô Thái Hương, cũng gần chín giờ rồi. Con xin phép về trước ạ.”

Thái Hương đặt tách trà lên bàn, khẽ khàng không phát ra một tiếng động.

Bà nâng cầm, nhìn Lileen đang cuống quýt đứng dậy. Thái Hương từ tốn nói.

“Đừng vội.”

Bà thong thả.

“Tháng sau là sinh nhật chú Hoàng Nguyên. Cô muốn tặng cho chú một đĩa nhạc mà đang phân vân. Liên hiểu nhiều về nhạc, nán lại thêm một chút, giúp cô nhé.”

Nếu là bình thường, chắc chắn Lileen lập tức vui vẻ nhận lời. Nhưng hôm nay, cô ta lại thoáng chần chừ. Dù chỉ một giây, Thái Hương liền bắt được nét dao động trong mắt cô ta.

Bà Thái Hương ra phép thử thứ hai.

“An vừa đi công tác về. Lát nữa nó sẽ qua nhà. Nếu cháu nán lại thêm một chút, thì có thể gặp nó đấy.”

Đột nhiên, ánh mắt Lileen cứng đờ.

Cô ta lắp bắp.

“Thế…thế ạ?”

Lileen cụp mắt vài giây, sau đó nhìn thẳng mắt vào Thái Hương.

“Cháu đương nhiên giúp cô ạ. Nhưng sáng mai cháu có lịch chụp ảnh, nên tối nay phải về sớm ạ.”

Chọn đĩa nhạc có thể mất mấy phút?

Trong nghệ thuật lấy lời khai, đa số tội phạm mắc chung một lỗi lớn. Họ nhìn vào mắt người thẩm tra lâu hơn khi nói thật. Tội phạm cho rằng hành vi không trốn tránh ánh mắt của người đối diện sẽ khiến họ thành thật hơn.

Nhưng họ đã nhầm. Thời gian tiếp xúc bằng mắt với người lấy lời khai dài hơn bình thường là dấu hiệu cho thấy kẻ đó đang giấu diếm hoặc cho lời khai giả.

Lileen đang nói dối.

Mắt Thái Hương lạnh xuống, nhưng bà vẫn dịu dàng nói với Lileen.

“Vậy cô không giữ cháu thêm nữa. Cháu về an toàn.”

Lileen ngoan ngoãn chào bà rồi quay lưng ra cổng chính. Thái Hương chú ý vào đôi chân đang rảo bước của cô nàng.

Lillen đi rồi, Thái Hương quay đầu lại, bắt đầu bấm điện thoại.

Mất ba hồi chuông để bên kia nhận máy.

Không để đầu kia trả lời, bà Thái Hương hỏi gãy gọn.

“Phượng gặp trục trặc?”

Chất giọng trầm nam tính ở bên kia thêm nghiêm nghị.

“Sao mẹ biết?”

Thái Hương đáp ngắn gọn.

“Hôm nay mẹ và Liên vô tình gặp Phượng ở trung tâm thương mại. Lúc mười hai giờ trưa, con bé đang mua đồ tại cửa hàng mẹ và bé ở ô B2. Tình trạng bình thường.”

Mười hai giờ trưa, tức là chỉ sau cuộc gọi với anh vài phút.

Bà Thái Hương vừa cung cấp cho anh một đầu mối quan trọng.

Nghĩa là mười hai giờ trưa, trước cửa hàng tại ô B2 tại trung tâm thương mại là lần cuối có nhân chứng tiếp xúc với Phượng. Anh có thể bắt đầu lần theo dấu vết từ khu trung tâm thương mại.

Bà Thái Hương ngắt dòng suy tư của anh, giọng nói bén nhọn.

“Hôm nay Liên theo sau mẹ tới trung tâm thương mại. Vì thế mỗi người đi một xe riêng. Sau khi chạm mặt Phượng, mẹ và Liên chọn một nhà hàng cách đó năm kilomet để ăn trưa. Mẹ lên cổng chờ trước. Tài xế nhà mình và Liên cùng xuống hầm lấy xe. Tài xế lái xe tới cổng chờ trước nên mẹ lên xe, tới nhà hàng luôn. Liên tới sau, muộn mười bảy phút.

Vừa rồi, Liên chột dạ khi mẹ nhắc tới Phượng. Mẹ nói con sắp tới, Liên liền xin về nhà.”

Thái Hương hiểu rằng riêng đối với con trai mình, bà không cần thiết giải thích lập luận. Thái Hương đưa ra kết luận chắc chắn.

“An, Liên có vấn đề. Bắt đầu từ phía con bé đi.”

Anh đáp ngắn.

“Vâng.”

Rồi dập máy.

Bà Thái Hương nhìn cuộc gọi ngắt kết nối, sau đó ánh mắt sắc bén hất về phía cổng. Kinh nghiệm của bản thân nói cho bà biết, chuyện không đơn giản.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.