Nhà cô chỉ cách nhà ông trưởng thôn một cái hàng rào xiêu vẹo. Cô thường không thể về nhà với mẹ. Mẹ cô có tuổi, lại có bệnh trong người. Vì thế hữu hảo với hàng xóm vô cùng quan trọng.
Cô mang chùm nhãn của nhà mà cô xước xát hết người mới hái được sang nhà ông trưởng thôn. Trưởng thôn năm nay bảy mươi tuổi, là một ông bác thân thiện. Bác có cô con gái út hơn Phượng vài tuổi.
Hồi nhỏ, bác còn đèo con gái và Phượng trên chiếc xe đạp cà tàng, đưa đón cô đi suốt năm năm tiểu học.
Thấy Phượng ở cổng, bác niềm nở ra đón:
“A, Phượng về rồi hả cháu. Ăn cơm thành phố không ngon hay sao mà gầy đi nhiều thế!”
“Mày chỉ được cái hay bày vẽ. Vào nhà uống miếng nước đi cháu.”
Người lớn tuổi hay kể chuyện cũ, mà cái tính điên ngầm của Phượng có gốc rễ từ bé. Vì thế cô thường phải chịu đựng ngồi nghe người lớn kể những chiến công khó đỡ của bản thân thuở nhỏ.
“Hồi mày mới biết nói, mẹ mày bận làm ruộng nên hay đem mày sang nhờ bác trông hộ. Có lần bác bế mày đi xem tát ao bắt cá. Mấy ông thanh niên xuống ao thì tất nhiên chỉ mặc mỗi quần đùi rồi c.ởi trần. Mày ngồi im xem từ đầu tới cuối. Tao còn nghĩ: hôm nay tự nhiên ngoan đáo để. Thế là lúc người ta lên bờ, mày chỉ vào người ta, nói:
‘Ê, truồng!’
Mấy cậu thanh niên đấy mới buồn cười quá, nói là: ‘Người ta mặc quần đây này. Truồng đâu mà truồng.’
Mày chỉ tay, nói tiếp:
‘Ê, truồng!’”
Ngẫm nghĩ thì đúng phong cách của cô lắm. Nhưng Phượng có nhiều giai thoại đến mức chính bản thân cô nhớ không xuể. Bác trưởng thôn lại hào hứng kể.
“Cả cái hồi mày 5 tuổi nữa. Mày náo loạn cả làng lên. Giữa trưa, mày chạy từ ngoài đồng chạy vào làng kêu gào ầm ĩ, bảo là có người kẹt dưới cổng. Lúc đấy mọi người mới tá hỏa, xô nhau ra xem, cái mương nào cũng rúc đầu xuống tìm mà chả thấy ai cả.
Mẹ mày ngại quá, phải đi xin lỗi từng nhà.”
Vụ này không chỉ trưởng thôn mà chú thím nào gặp cô cũng phải giữ lại bắt nghe vài lần. Đủ để thấy được lúc đó cô náo động thiên cung tới mức nào.
Bởi Phượng là một đứa trẻ vâng lời nên khi cô nói có người kẹt dưới cống chẳng ai nghi ngờ cả. Tuy nhiên sau khi lùng sục tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy ai thì cô bị mọi người mắng một thôi một hồi.
Thỉnh thoảng cô nghịch dại thật, nhưng không bao giờ bịa chuyện, nói dối. Nhiều lúc nghĩ lại chính bản thân Phượng còn thấy lạ nhưng việc đã xảy ra từ lúc cô 5 tuổi. Khi ấy cô còn quá nhỏ và chuyện từ lâu nên bây giờ cô chẳng còn tí ấn tượng nào.
Bác trưởng thôn lại tiếp tục.
“Mày thấy mọi người trách mẹ ghê quá, khóc ầm lên. Khăng khăng bảo: ‘Cháu không nói dối. Có một anh ở dưới cống thật mà. Anh ấy còn cầm bình nước Ong vàng bố mua cho cháu nữa.’
Cả trưa hò hét, xong lại khóc không ai dỗ được. Tối hôm đấy mày sốt cao, mẹ mày nửa đêm chạy sang nhà bác nhờ chở mày lên trạm xá. Trạm xá có cho viên thuốc hạ sốt vớ vẩn rồi cho về. Hai hôm sau mày bỗng dưng không nói được, mẹ mày mới hoảng quá. Bác mới đưa hai mẹ con lên bệnh viện tỉnh. Bác sĩ bảo là mày bị tổn thương dây thanh quản. Sau này dễ thành viêm thanh quản cấp, hay bị tái bệnh.”
Phượng cười ngờ nghệch.
“Thế coi như là mắc bệnh nghề nghiệp sớm bác ạ.”
Tuy mọi sự kiện bác trưởng thôn vừa kể đều không nhớ. Nhưng hồi ức của cô còn mang máng hình ảnh về chiếc bình nước hình Ong vàng. Hồi nhỏ, trên tivi chiếu bộ phim hoạt hình Cuộc phiêu lưu của chú Ong vàng.
Hồi nhỏ Phượng rất yêu thích bộ phim hoạt hình này và đón xem không sót tập nào. Khi ấy bố cô còn sống. Bố rất chiều cô và trong một lần đi lên thành phố, bố đã tìm mua tặng cô chiếc bình nước in hình cậu Ong vàng trong phim.
Phượng mê mẩn cái bình nước hình Ong vàng tới mức ngày nào cũng đeo lủng lẳng trên cổ. Vì thế trong ấn tượng của người làng, cô bé Phượng hồi nhỏ chưa thấy người đã nghe thấy tiếng hát líu lo. Mà khi thấy người thì kiểu gì cũng có chiếc bình nước Ong vàng gật gù bên cổ.
Khi ấy Phượng quý chiếc bình nước đó hơn hết thảy mọi thứ. Ngày nhỏ, khi hỏi về ý nghĩa cái tên của mình, bố cô nói rằng Phượng là tên một loài chim cao quý. Vì vậy, Phượng vẽ hình một con chim xiêu vẹo dưới đáy chiếc bình nước yêu thích để đánh dấu đồ của mình với các bạn trong nhà trẻ.
Sau đó, với bất cứ đồ dùng nào mà cô thích, cô đều vẽ hình một loài sinh vật méo mó tới mức cô phải thuyết minh đó là phượng hoàng thì mọi người mới hiểu thứ ngoằn ngoèo đó là gì.
Vậy mà bình nước Ong vàng cô trân trọng nhất đã mất trong buổi trưa chói chang khi cô năm tuổi. Khi ấy bố cô mới mất chưa đầy năm.
Bác trưởng thôn hỏi:
“Thấy mẹ mày bảo mày đang làm ở nhà hát hả? Kiếm được không cháu?”
Đang chuẩn bị chuyển sang chủ đề Phượng sợ nhất thì bác trưởng thôn nhận được điện thoại của cô con gái út.
Con út của trưởng thôn hiện làm việc tại một sân golf ở tỉnh. Chị quên USB cho buổi thuyết trình ở nhà, nên gọi điện cho bác trưởng thôn mang tới gấp. Bác ấy lại chưa từng tới sân golf đó bao giờ nên khá lúng túng.
Để nịnh bợ hàng xóm, Phượng xung phong nhận trách nhiệm này.