Tôi và Thận Vi tuy là bạn học, nhưng lần đầu tiên gặp mặt lại là ở nhà tôi.
Đó là cũng là lần đầu tiên tôi mặc đồng phục mới của đại học Hoa Bắc, áo trên màu trắng, quần dưới màu đen, tôi vui vẻ chạy tới phòng làm việc, đang định khoe quần áo mới với anh cả thì phát hiện trong phòng còn có hai người khách.
Anh cả từ nhỏ đã cưng chiều tôi, không hề để ý tới sự luống cuống vừa rồi, mỉm cười giới thiệu. "Đây là em gái thứ tư của tôi, Bách Nghi. Đây là chú Dương và con chú ấy, Dương Thận Vi."
Tôi nói: "Cháu chào chú Dương, trên tủ nhà cháu có sách của chú đấy."
Thận Vi nhanh chóng đứng dậy hành lễ: "Tứ tiểu thư, xin chào."
Anh vừa nói vừa ngẩng đầu lên, đó là lần đầu tiên tôi thấy được dáng vẻ của anh. Cho dù bộ quần áo anh đang mặc rất bình thường, nhưng vẻ nho nhã lễ độ đó còn hấp dẫn hơn so với bất cứ chàng trai nào tôi từng thấy, có gọi là cử chỉ hào hoa cũng chẳng có gì quá đáng. Tôi cảm thấy trái tim như lỡ mất nhịp đập, tới giờ đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không cách nào quên được nụ cười của anh, đôi môi hơi cong lên, khóe mắt chân mày đều mang theo ý cười, chỉ trong giây lát, cả gian phòng như sáng rực hẳn lên.
Khi đó, anh cả tôi là trợ thủ đắc lực của bộ trưởng Trương, trưởng bộ tư pháp trong chính phủ lâm thời, là người đứng thứ hai trong nhà, chỉ dưới cha tôi, trong trí nhớ của tôi, anh cả luôn luôn bận rộn, những người qua lại không giàu thì sang, đón tiếp hai người chẳng chút danh tiếng như vậy có thể coi là ngoại lệ trong ngoại lệ. Sau này tôi mới biết, nhà tôi với nhà họ Dương cũng có quan hệ sâu xa, nghe nói lúc trẻ cha tôi từng phạm tội, nhờ ông nội Thận Vi nên mới tai qua nạn khỏi, vì vậy cha tôi vẫn luôn cảm kích trong lòng, nhiều năm sau khi đã có thân phận địa vị, lại tình cờ gặp được con cháu của ân nhân cứu mạng, vì vậy bèn mời họ tới đây gặp mặt.
Anh cả tôi nói chuyện với chú Dương, tôi và Thận Vi rời phòng làm việc, tôi ngồi trên xích đu trong vườn hoa, nói chuyện với anh đang đứng cách đó không xa. Tôi nhìn đồng phục và huy hiệu trường của anh rồi hỏi: "Anh cũng là sinh viên trường đại học Hoa Bắc à?"
Anh gật đầu: "Đúng vậy, tôi đang học năm đầu."
Tôi càng mừng rỡ: "Trùng hợp quá, em cũng sắp tới học ở đại học Hoa Bắc."
Anh mỉm cười đáp: "Tứ tiểu thư, sau này chúng ta là bạn học rồi."
Tôi xua xua tay: "Anh Dương, đừng gọi em là tứ tiểu thư, nghe khách khí quá. Cứ gọi em là Bách Nghi đi. sau này trong trường có chuyện gì mong anh giúp cho."
Anh ngừng lại một lát, nhìn tôi, rồi mỉm cười: "Được. Bách Nghi."
Chỉ cần Thận Vi muốn, anh có thể trở thành một người kể chuyện rất giỏi. Chúng tôi quen nhau như vậy. Anh kể cho tôi về thân thế và những chuyện mình đã trải qua. Anh sinh ra trong một gia đình đọc sách, ông nội từng làm chánh sử ở Giang Nam, hồi đó cũng là người có nhiều danh vọng. Cha anh tính cách đạm bạc, sau khi đỗ cử nhân không chịu thi lên tiến sĩ, ở nhà tập trung đọc sách, nghiên cứu lịch sử cổ đại, cũng khá nổi danh trong giới học thuật, tiếc là không giỏi kinh doanh, khiến cho hiện giờ gia cảnh suy tàn. Lúc nói chuyện, vẻ mặt anh lúc ôn hòa lúc phấn chấn nhưng trong giọng nói vẫn đầy khao khát về cuộc sống sau này.
"Cứ thế cho tới năm ngoái, tôi thi đậu đại học Đài Bắc," Thận Vi vừa nói vừa ngẩng đầu lên nhìn bầu trời, ngạc nhiên nói: "Bọn mình ở đây cả chiều rồi? Thế mà không nhận ra nhỉ."
Tôi nhớ lúc đó là cuối hè đầu thu, tôi ngẩng đầu lên, chỉ thấy đến dưới trán anh, ánh chiều tàn vàng rực chiếu qua kẽ lá cây, đọng lại trên hàng mi, rơi xuống trong đôi mắt ấy.
Một thời gian dài sau đó, tôi không ngừng nhớ lại buổi chiều vàng rực đó, nhớ bóng dáng anh khi nói. Đã không còn là trẻ con từ lâu, tôi hiểu vì sao mình lại như vậy.
Viết trong trang nhật ký: Lý Bách Nghi, mi yêu anh ấy rồi.