Thuận Thiên Di Sử

Chương 13: Quốc thống Đại Việt



Y tưởng bọn Tống lấy trộm, không ăn được thì đạp đổ. Y tìm dịp báo cho vua Lý biết. Vua Lý ắt sai cao thủ đón bắt sứ đoàn Triệu Thành lấy lại di thư. Y chờ giữa lúc một bên thắng, một bên bị thương, thừa cơ xuất hiện làm ngư ông hưởng lợi.

Y nghe vua Lý mở yến ở lầu Thúy-hoa, nên tìm cách xuất hiện , báo tin việc Triệu Thành. Nhân đó dùng võ công khống chế triều đình Đại-việt. Hầu sau này bàn việc thống nhất, họ Lý ắt phải chịu dưới vai họ Đoàn. Không ngờ, Huy bị một phụ nữ hầu cận Khai-quốc vương khám phá ra tông tích.

Khai-quốc vương hướng vào Thuận-thiên hoàng đế:

- Tâu phụ hoàng, vị tiền bối đây họ Đoàn tên Huy, hiện giữ binh quyền Đại-Lý. Còn vị này là đại tư đồ Phạm Văn cùng phu nhân có biệt danh Nam-thiên đệ nhất kiếm Hàn Ngọc-Quế.

Thanh-Mai hỏi Đoàn Huy:

- Đoàn vương gia. Không biết tiền bối Chu Minh hiện ở đâu, vương gia có thể cho tiểu nữ tiếp kiến được chăng?

Đoàn Huy thấy tông tích mình đã bị khám phá. Y không biết có nên bịt mặt nữa hay không? Hôm trước Chu Minh về Thăng-long gặp lão, kể những việc xẩy ra ở Thiên-trường. Lão biết Thanh-Mai đi trước một bước trong việc liên minh Đại-Việt, Đại-lý, nhưng như vậy Đại-Việt ở thế thượng phong. Huy không chịu. Y muốn thân giáp mặt hoàng đế Đại-việt, thảo luận thế liên minh. Nhưng theo y, cần hiển lộ võ công cho triều đình nhà Lý bớt kiêu đã.

Nghe Thanh-Mai hỏi Chu Minh, Đoàn Huy trả lời cho qua:

- Đã lâu, tại hạ không được tin tức gì của y.

Mỹ-Linh cười:

- Đoàn vương gia, triều đình Đại-việt thể tình họ Lý, họ Đoàn đều là con cháu vua Hùng, vua Thục, vua Trưng. Cho nên vương gia tới Thăng-long mở Ích-sinh-đường mấy năm nay. Triều đình để nguyên, không bắt tội. Như vương gia biết, luật Đại-việt xử lăng trì bất cứ gian nhân ngoại quốc nào làm tế tác mưu hại xã tắc. Đúng ra khi vương gia vừa đến, đã bị bắt xử lăng trì. Triều đình cho rằng vương gia vốn người Việt, tới Thăng-long làm tế tác cho vua Việt họ Đoàn, không phải làm tế tác cho ngoại quốc, nên không bắt tội đấy thôi.

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Triều đình rộng lượng với vương gia, mà vương gia không biết thế. Hôm nay vương gia còn đục thủng mái lầu Thúy-hoa, tấn công thiên tử, cướp kiếm của người. Vương gia ơi, tại sao vương gia làm thế?

Bảo-Hòa móc trong bọc ra một tập giấy trao cho Mỹ-Linh:

- Vương gia đến Đại-Việt, nào nghiên cứu sông núi, binh tình, nhân vật, lại muốn tìm bộ Lĩnh-Nam vũ kinh... Vương gia làm nhiều việc vô pháp vô thiên quá. Chỉ cần một việc của vương gia, triều đình cũng có thể đem vương gia ra chặt đầu rồi.

Đoàn Huy kinh ngạc:

- Xin công chúa cho biết lão phu vô pháp, vô thiên như thế nào?

Mỹ-Linh móc trong bọc ra tập giấy:

- Đây, bao nhiêu tấu chương của vương gia gửi về Đại-lý, chúng tôi đã tráo bằng một tấu chương khác, còn tấu chương của vương gia thì giữ lại. Xin trả vương gia.

Mồ hôi Đoàn Huy vã ra như tắm. Những bản mật tấu gứi về nước của y thực bí mật đến thần không biết, qủi không hay, làm thế nào Khu-mật viện Đại-việt lấy được? Huy chợt hiểu ra: Cái tráp của y trong thuyền bị mất trên sông Hồng, do Khu-mật viện triều Lý chứ không sai. Huy than thầm:

- Thôi rồi, họ sẽ gửi về Đại-lý những bản tấu chương giả mạo, khiến triều đình Đại-lý ước tính sai về Đại-Việt mất rồi.

Phạm Văn cầm tập giấy coi, quả đúng những tấu chương y soạn theo lệnh Đoàn Huy gửi đi. Bất giác chân tay y run lẩy bẩy.

Thuận-thiên hoàng đế, cùng Khai-thiên vương đều kinh ngạc đến đờ người ra vì những thay đổi của Bình-dương. Trước mắt hai vị, Mỹ-Linh là cô gái ẻo lả, suốt ngày ngồi đọc thơ Đường, phú Hán. Thế rồi, chỉ theo Khai-quốc vương có hơn năm, mà nói năng hành sự mẫn cán khác thường.

Thanh-Mai nói với Phạm Văn:

- Phạm tiền bối võ công trác tuyệt. Hôm trước đây tiền bối đánh nhau với người của bang Nhật-hồ Trung-quốc, bị họ phóng chất độc vào người. Không biết nay đã khỏi chưa? Nếu chưa khỏi, tiền bối còn đợi gì không cầu với hoàng thượng. Hoàng thượng sẽ sai người trị cho tiền bối.

Trong trận đấu trên sông Hồng, Phạm Văn đã bị Chu An-Bình phóng độc dược vào người. Từ hôm đó đến giờ, mỗi ngày y đều lên cơn đau đớn đến chết đi sống lại. Bây giờ nghe Thanh-Mai nói, y biết nàng có thể trị bệnh cho y được. Y kính cẩn nói với Thanh-Mai:

- Cô nương, xin cô nương sinh phúc cứu tiểu nhân. Nguyện không bao giờ quên ơn.

Đến đây độc chất phát tác, Phạm Văn run lẩy bẩy, tay ôm bụng nhăn nhó, mồ hôi toát ra trông cực kỳ thảm não.

Mỹ-Linh cười:

- Phạm tiên sinh ơi, người có lẫn không? Nước có vua, đất có chủ. Người đã làm đến chức Tam-công nước Đại-lý mà sao không hiểu điều đó? Người hiện đang là tội phạm nước Việt, chỉ có hoàng đế Việt mới đủ quyền truyền lệnh sai người trị bệnh cho tiền bối. Còn Long-hoa đường này thuộc Hoàng-thành. Chúa của Hoàng-thành là hoàng hậu. Vậy tiên sinh phải cầu hai vị phúc thánh đó mới mong được cứu trị.

Phạm Văn tiến tới trước Thuận-thiên hoàng đế quì gối, rập đầu cộp cộp:

- Hạ thần Phạm Văn, vốn người Việt, thuộc nước Đại-lý. Mong bệ hạ nghĩ tình con Rồng, cháu Tiên ban chỉ dụ cho người cứu hạ thần, hầu thắt chặt tình giao hảo hai nước.

Thuận-thiên hoàng đế thấy Mỹ-Linh biến Phạm Văn đang từ một thích khách kiêu ngạo, không coi triều đình nhà Lý ra gì. Không chừng y còn muốn bắt họ Lý qui phục họ Đoàn... bây giờ y chịu xuống nước xưng người Việt. Long tâm hớn hở. Ngài phán:

- Bình-Dương, Bảo-Hòa, các cháu hãy mở tâm Bồ-đề cứu Phạm tiên sinh một phen.

Bảo-Hòa chỉ Thanh-Mai:

- Xin mợ ra tay. Ông ngoại cháu đã ban chỉ dụ, tức tha tội cho Phạm tiền bối rồi.

Thuận-Thiên hoàng đế thấy một thiếu nữ đi cùng với Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, ngài cho rằng đó là một quận chúa nào. Bây giờ ngài mới nhìn kỹ, trong lòng kinh ngạc:

- Cô gái này là ai, mà nhan sắc thực tươi đẹp hiếm có. Nếu so với Mỹ-Linh khó biết ai đẹp hơn ai. Cứ coi bước đi, dường như nàng thuộc phái Đông-a. Không biết Bồ nhi làm sao mà chiêu mộ được nàng?

Thanh-Mai bắt mạch Phạm Văn rồi nói:

- Phạm tiền bối không hẳn bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, mà chỉ bị trúng độc mà thôi. Chất độc của Phạm tiền bối thuộc Ngũ-độc. Chu An-Bình thuộc bang Nhật-Hồ, nội công y vốn âm nhu. Công lực của y rất yếu, đúng lý ra y không thể đả thương tiền bối được. Vì vậy y phóng chất độc vào người tiền bối. Trong khi tiền bối đánh chiêu Ưng phi sơn lĩnh của phái Thiên-sơn, chiêu này cực kỳ lợi hại, nhưng để hở vùng bụng trên. Đúng lúc đó Chu An-Bình phóng chất độc. Chất độc nhập vào huyệt Thượng-uyển, Trung-uyển, Hạ-uyển. Huyệt Trung-uyển nằm trên Nhâm-mạch, là nơi giao hội của Thủ-thái-dương, Thủ-thiếu-dương, Túc-dương-minh cùng Nhâm-mạch. Vì vậy cho nên độc chất chạy vào cơ thể. Ngay ngày đầu, tiên sinh cứ bị ợ hơi. Ăn xong buồn ngủ. Khoảng một giờ sau bữa ăn, bao tử đau chịu không được. Đáng lẽ bệnh cũng không nặng. Song tiên sinh tưởng bao tử bị hư nhược dùng Phục-linh, Bạch-truật, Nhân-sâm, Quế-chi, Cam-thảo, Thương-truật. Sau khi uống vào, các vị thuốc bổ hoà lẫn với độc tố, phân tán khắp người. Vì vậy tiên sinh mới đau đớn như thế này.

Thanh-Mai nói đến đâu Phạm Văn cùng Hàn Ngọc-Quế gật đầu đến đó.

Đoàn Huy hỏi:

- Cô nương biết bệnh, song liệu có trị được không?

Thanh-Mai móc trong bọc ra một hộp kim. Nàng để kim lên tay búng mấy cái. Kim bay đến ngực Phạm Văn trúng vào các huyệt Trung-uyển, Hạ-uyển, Thượng-uyển, Lương-môn. Hiện diện có hàng chục người biết châm cứu. Thường khi châm, họ dùng môt tay án vào huyệt, rồi tay kia cầm kim. Sau đó dùng hai tay đẩy kim vào. Khi kim đến độ sâu vừa đủ, thì ngừng lại, kích thích kim. Đây Thanh-Mai để hơn chục kim trên bàn tay trái, rồi dùng ngón tay phải, vận sức vào, búng mạnh, kim bay đến ghim vào huyệt.

Quan thái y hiện diện nhìn thủ pháp của Thanh-Mai, ông kinh ngạc:

- Cô nương này học ai, mà đứng xa búng kim, trúng huyệt đã là điều khó. Cô còn tính toán khiến cho kim ngập sâu đúng độ cần thiết, ta chưa từng thấy qua.

Thái y kính phục hỏi:

- Cô nương! Xin cô nương giảng cho tiểu nhân về lý, pháp, phương trong vụ này?

Thanh-Mai giảng:

- Ba huyệt uyển thuộc Nhâm-mạch. Huyệt Thượng-uyển còn là nơi giao hội huyệt của Túc-dương-minh, Thủ-thái-dương và Nhâm-mạch, là nơi cận của vị, hợp với huyệt Lương-môn cũng là cận huyệt của vị. Cận huyệt để kích thích tỳ, vị hoạt động hầu đẩy chất độc ra ngoài.

Nàng lại búng kim. Kim bay đến các huyệt Công-tôn, Nội-quan, Túc-tam-lý, cắm vào. Thanh-Mai tiếp:

- Công-tôn là Lạc-huyệt của Túc-thái-âm tỳ kinh, thông với Túc-dương-minh vị kinh, một trong bát mạch giao hội huyệt thông với Xung-mạch. Xung-mạch tỏa ra vùng ngực bụng. Nội-quan là Lạc-huyệt của Thủ-khuyết-âm tâm bào kinh thông với Thủ-thiếu-dương tam tiêu kinh, một trong bát mạch giao hội huyệt thông với Âm-duy mạch. Mạch Âm-duy buộc chặt các kinh âm lại, phân tán vào ngực. Như vậy cặp Công-tôn, Nội-quan bao trùm khu ngực, bụng trên. Cho nên dùng để trị càc bệnh về tim, về phế, về can, về vị về tất cả các bệnh của lồng ngực. Dùng cặp huyệt này thì trục được độc chất trong tâm, vị của tiên sinh.

Nàng ngừng một lúc , rồi tiếp:

- Tôi dùng thêm huyệt Túc-tam-lý, là Hiệp-huyệt của Túc-dương-minh vị kinh. Phạm tiên sinh ơi, vì chất độc nhập vị, làm vị không hoạt đông được. Dùng Hiệp-huyệt để kích thích vị hoạt động hầu trục chất độc ra ngoài.

Phạm Văn đang đau đớn, sau khi Thanh-Mai phóng kim vào, bao nhiêu cái đau biến mất. Thanh-Mai chỉ vào Thiệu-Thái:

- Tôi chỉ có khả năng dùng kim, trục độc trong vị mà thôi. Nhưng chất độc chạy khắp cơ thể, phải cần người có Thiền-công tối cao nhà Phật mới hóa giải được. Ở đây thế tử Thiệu-Thái có bản lĩnh đó. Ngày mai tiên sinh đến phủ Khai-thiên vương cầu thế tử trị cho.

Thanh-Mai biết Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đang gặp trắc trở duyên tình. Nàng muốn đẩy món ân nghĩa này cho Thiệu-Thái có dịp làm cho Khai-thiên vương hài lòng, nên nàng nói thế.

Thanh-Mai nói với Đoàn Huy:

- Đoàn tiền bối. Hoàng đế Đại-Việt ngồi dự yến, thế mà tiền bối lại ngồi trên nóc điện. Như vậy là tội đại bất kính. Trong khi đó tiền bối bị trúng độc nặng. Tôi tuy biết có người chữa cho tiền bối được, song chưa có chỉ dụ, nên không thể làm gì hơn.

Đoàn Huy cười nhạt:

- Này cô nương. Lão phu thấy nhan sắc cô nương thuộc loại hiếm có trên đời. Mắt cô nương chiếu ra những tia sáng long lanh, đã biết nội công cô nương cao, e rằng hiếm có nữ lưu trong thiên hạ bì kịp. Bước đi của cô nương uyển chuyển, bàn tay xinh đẹp vô cùng. Thủ pháp phóng kim dường như ảnh hưởng của chỉ pháp Đông-a. Trong khi đó lối trị bệnh bằng châm cứu của cô nương lại thuộc phái Sài-sơn. Cô nương không có một chút nào dính dáng với triều Lý. Tại sao một người như thế lại khoanh tay đứng hầu sau Khai-quốc vương? Cô nương là ai? Lão phu dám quyết cô nương chẳng phải phi tần, cung nữ họ Lý.

Bảo-Hòa cười khúc khích:

- Lão tiên sinh thực có con mắt tinh đời. Đúng như tiên sinh nói, sư tỷ Thanh-Mai là học trò yêu của Hồng-Sơn đại phu. Thanh-Mai sư tỷ không những học võ công Đông-a, mà người còn là con gái thiên kim của vị chưởng môn phái này.

Mọi người cùng bật lên tiếng ồ hoặc úi chà. Vì từ lâu, triều đình nhà Lý từng nghe danh phái Đông-a, mà chưa có dịp biết về võ công cũng như hành tung đệ tử phái này. Triều đình chỉ biết phái Đông-a vốn thân với triều Lê. Nên khi Thuận-thiên hoàng đế lên ngôi vua, phái Đông-a không chống, song tuyệt đối bất hợp tác. Bây giờ Thanh-Mai là con gái yêu của vị chưởng môn phái Đông-a lại theo giúp Khai-quốc vương. Hỏi ai không kinh ngạc?

Thuận-thiên hoàng đế đã nói với các em, các con rằng, muốn giữ vững giang sơn, cần phải đoàn kết các võ phái lại như thời vua Bà. Thế nhưng từ khi ngài lên ngôi, phái Đông-a, không hợp tác. Còn phái Sài-sơn thì chống đối ra mặt. Ngài ân cần nhắc nhở: Nếu như trong các em, các con, ai thu phục được võ lâm, thống nhất thành một khối ngài sẽ truyền ngôi cho. Các vị vương tìm đủ cách mua chuộc, liên hệ đến hai phái này, nhưng vô ích. Giờ đây, Thanh-Mai hiện diện trong buổi yến dành cho con cháu họ Lý, mà Khai-quốc vương mời được nàng tham dự, thực cả một kỳ công, ngài không ngờ tới.

Đoàn Huy cười ha hả:

- Lão nghe Đông-a ngũ kiệt võ công kiến thức vô song. Tống thiên tử cho người sang mời đại hiệp Trần Tự-An làm nguyên soái, nhưng đại hiệp từ chối. Không ngờ... không ngờ một vị thiên kim tiểu thư của người lại đi làm tỳ nữ cho Khai-quốc vương.

Bảo-Hòa cười khúc khích lắc đầu:

- Đoàn lão tiền bối. Người chẳng là người Việt đó ư? Phàm đã là người Việt phải hiểu võ đạo Lĩnh-nam chứ? Võ đạo Lĩnh-nam định rằng Việc xã tắc là việc chung của mọi con dân. Xưa kia Phương-chính hầu Trần Tự-Minh, Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung, Cao-cảnh-hầu Cao Nỗ, Vạn-tín-hầu Lý Thân theo vua An-dương đâu có phải làm nô bộc cho người, mà chẳng qua giúp người trong việc trị quốc. Sư tỷ Thanh-Mai tuy là con vị đại hiệp chưởng môn, nhưng cũng là con dân Đại-việt. Bản thân sư tỷ đâu có theo hầu Khai-quốc vương? Sư tỷ theo giúp Khai-quốc vương chẳng qua để giúp người bảo vệ đất nước mà thôi.

Nàng ngừng một lát rồi tiếp:

- Cũng như xưa kia, vua Trưng khởi binh, anh hùng hào kiệt đồng cắp gươm theo người. Đất Đại-lý trước đây thuộc Tượng-quận thời Lĩnh-nam, bấy giờ anh hùng Tượng-quận theo vua Trưng có hàng vạn. Anh hùng theo vua Trưng, đâu phải làm đầy tớ vua Trưng, mà muốn bảo vệ đất tổ vậy. Sư tỷ Thanh-Mai theo Khai-quốc vương, vì Khai-quốc vương dang cầm vận mệnh Đại-việt.

Đoàn Huy xoay qua truyện khác:

- Trần cô nương. Cô nương bảo ta trúng độc. Vậy ta trúng độc gì? Bao giờ? Cô nương nói ra được, Đoàn mỗ xin bái phục.

Kỳ thực cách đây năm năm, trong lần cầm đầu phái đoàn Đại-lý nhập Trung-nguyên tranh hùng với võ lâm nhà Tống. Đoàn Huy thắng hầu hết các đại tôn sư võ lâm. Y chỉ thua có chưởng môn phái Võ-đang về kiếm thuật và thua chưởng môn phái Thiếu-lâm về nội công. Thế nhưng khi đấu với một cao thủ bang Côn-luân. Y tuy thắng, giết chết đối thủ, nhưng bị trúng Thất-trùng ngũ-hoa phấn. Vì nội công y quá cao, chất độc ngấm vào cơ thể không nhiều, nhưng từ đấy, cứ mỗi quí tiết, y lại lên cơn đau đớn đến không chịu nổi. Y tin rằng Thanh-Mai không thể tìm ra bệnh y. Nên y mới đưa ra lời thách thức.

Thanh-Mai liếc mắt nhìn một lượt khắp Long-hoa đường, rồi nói:

- Đoàn tiên sinh khéo giả bộ thực. Rõ ràng người bị trúng độc nặng mà còn lờ đi như không hề gì. Bây giờ tiểu nữ với tiên sinh đánh cuộc. Nếu tiểu nữ nói ra được tiên sinh trúng độc gì, tiên sinh phải trở về Đại-lý thuyết phục triều đình liên minh với Đại-việt trong thế bình đẳng. Việt không trên Lý. Lý không trên Việt. Còn ngược lại tiểu nữ tìm không ra bệnh của tiên sinh, tiểu nữ nguyện làm tỳ nữ theo hầu tiên sinh cả đời.

Đoàn Huy là hoàng thúc Đại-lý, võ công cực kỳ cao thâm, kiến thức quảng bác. Y lại được phong tước Trấn-nam vương, tổng đốc binh mã toàn quốc, uy quyền chỉ thua hoàng đế. Có thể nói quyền hành của y ngang với Triệu Thành bên nhà Tống và Lý Long-Bồ bên Đại-Việt. Chính Huy là người soạn thảo ra kế hoạch Phục hồi cố thổ Văn-lang, khuếch trương uy thế Âu-lạc, thống nhất Việt tộc. Mưu trí, tài ba của Huy vang dội khắp Trung-nguyên, Đại-lý. Vì thế dù trong hoàn cảnh nào, y vẫn giữ vững lập trường rằng hoàng đế Đại-lý mới thuộc chính thống, xứng đáng kế tục huyết thống vua Hùng. Cho nên khi biết Thanh-Mai có thể trị bệnh cho mình, nhưng nghĩ đến đại cuộc đất nước, y dè dặt hơn.

Huy hiên ngang nói:

- Cô nương nói lạ. Thời vua An-dương, vua Trưng, Đại-lý thuộc Tượng-quận, Đại-Việt thuộc Giao-chỉ, Quảng-đông lộ thuộc Ngô-Việt. Chúng ta vốn con cháu vua Hùng, vua An-dương, đương nhiên phải lo thống nhất lại đất cũ mới mong đứng vững với Tống. Sau khi vua Trưng tuẫn quốc, anh em bên Tượng-quận chúng tôi sớm khởi binh lập lại tự trị lấy quốc hiệu Đại-lý (Lâm-ấp), truyền ngôi trải đã mấy trăm năm, cho đến nay văn hiến, luật pháp thành hẳn một nước hùng mạnh. Anh em bên Nam-hải lập ra nước Ngô-Việt. Song niên hiệu Thái-bình thứ chín đời vua Đinh của Đại-Việt bên Trung-nguyên niên hiệu Thái-bình hưng-quốc thứ ba đời vua Thái-tông bị nhà Tống thôn tính. Còn bên Giao-Chỉ họ Lý mới lập nghiệp được mười bẩy năm. Bây giờ thống nhất đương nhiên hoàng đế Đại-lý mới xứng đáng kế tục sự nghiệp tổ tiên.

Y nhìn Thuận-thiên hoàng đế để xem xét nét mặt, thái độ rồi tiếp:

- Bàn cho phải, khi vua Trưng làm vua, chia đất nước làm sáu nước nhỏ. Mỗi nước có một vị vương. Bây giờ chúng ta theo gương đó. Hoàng đế Đại-lý tôi đứng trên, vua Lý làm Giao-chỉ vương. Sau này cùng hưng binh, chiếm lại Quảng-đông, Quảng-tây, sẽ phong cho hai vị Quảng-đông vương, Quảng-tây vương, tất cả thống thuộc hoàng đế Đại-lý.

Mỹ-Linh cười khúc khích:

- Đoàn vương gia nói sao lạ tai quá. Bản triều trước sau như một, giữ vững nếp cũ, quốc hiệu Đại-việt. Còn bên quí quốc xưng quốc hiệu Đại-lý, thì đâu xứng đáng kế tục sự nghiệp tổ tiên?

Đoàn Huy cười ha hả:

- Cô nương nói sai, quốc hiệu tuy có đổi, sự nghiệp đâu có gì thay đổi? Vua Hùng lấy quốc hiệu Văn-lang. Đến vua An-dương lấy quốc hiệu Âu-lạc, cũng vẫn kế tục chính thống. Vua Trưng đổi thành Lĩnh-nam, có ai giám bảo ngài không chính thống đâu?

Mỹ-Linh gật đầu:

- Tiên sinh có lý. Bây giờ chúng ta bàn về lẽ chính thống đã. Từ xưa đến giờ, phàm được coi như chính thống, phải thuộc huyết tộc các vị tiên vương. Hoặc giữ được phần đất trung ương của tổ tiên. Như bên Trung-nguyên, ai chiếm được phần đất lưu vực sông Hoàng-hà của tộc Hán mới trở thành chính thống. Cho nên Sở-Bá vương chiếm được Trung-thổ, mà Lưu Bang phải chịu phong. Cho đến khi Quang-Vũ chiếm được Trung-nguyên, các chư hầu như Công-tôn-Thuật, Ngỗi Hiêu phải xưng thần. Lại như cuối đời Hán, Ngô Quyền chiếm giữ Giang-đông, phải xưng thần với Ngụy-Võ đế. Ngay cả con cháu Trung-sơn Tĩnh-vương Lưu Bị trung hưng ở Thục, mà vẫn coi như ngụy vì không chiếm được Trung-nguyên.

Nàng chỉ vào Thuận-thiên hoàng đế:

- Trước đây vua Hùng đóng đô ở Phong-châu, nay thuộc Đại-vệt. Vua An-dương đóng đô ở Cổ-loa nay thuộc ngoại ô Thăng-long. Vua Trưng đóng đô ở Mê-linh nay thuộc Đại-việt. Thế thì ông nội tôi mới xứng đáng kế tục tổ tiên giữ nền chính thống. Trái lại hoàng đế Đại-lý phải tiến cống xưng thần.

Đoàn Huy cười khanh khách, tiếng cười của y làm rung động cả Long-hoa đường, làm mọi người ù tai nhức óc:

- Cô nương nói như thế tức theo điệu vong quốc. Chúng ta là người Việt, hà cớ phải theo người Hán, lấy những tục lệ Trung-nguyên làm tục lệ mình? Bây giờ lão phu dám đề nghị chúng ta dùng võ công để định chính thống hay không chính thống. Họ Đoàn chúng tôi dùng võ nghiệp lập quốc. Họ Lý cũng dùng võ công lập nghiệp. Vậy tôi đề nghị người họ Lý đấu võ với họ Đoàn. Lý thắng thì Lý chính thống. Đoàn thắng thì Đoàn chính thống. Cô nương nghĩ sao?

Lão chỉ vào công-chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa:

- Hồi nãy công chúa đã đồng ý cho bên họ Lý đấu với họ Đoàn. Không lẽ bây giờ sợ hãy rồi sao?

Công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa lùi lại bàn cùng công chúa An-quốc, phò mã Đào Cam-Mộc rồi đưa ý kiến:

- Bàn về võ công, ở đây cao nhất phải kể phụ hoàng. Không lẽ người hạ thể đi đấu với Đoàn Huy? Bản lĩnh sau phụ hoàng là thúc phụ Dực-thánh vương rồi tới anh chị. Vậy chị đấu với Hàn Ngọc-Quế, anh đấu với Phạm Văn. Thúc phụ đấu với Đoàn Huy. Chỉ cần chúng ta thắng hai cuộc coi như thắng.

Dực-thánh vương tiến ra nói với Đoàn Huy:

- Đoàn huynh đã nói vậy, chúng tôi xin được lĩnh giáo mấy cao chiêu của Đại-lý. Bây giờ đêm đã về khuya, đấu võ không có gì làm thú vị. Vậy ngày mười rằm này, giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng vương phi Nguyễn Phương-Dung, tại hạ xin mời Đoàn huynh cùng hai vị đây tới trước đền thờ hai ngài tranh tài. Chẳng hay ý Đoàn huynh thế nào?

Dực-thánh vương lo nghĩ cuộc đấu này chưa chắc bên Lý thắng. Lỡ ra mà bại, còn đâu quốc thể? Vì vậy vương muốn hoãn binh, để tìm ra kế sách an toàn.

Đoàn Huy nghe Dực-thánh vương nói, ý biết ngay đây là kế hoãn binh. Nhưng tự hào vào võ công của mình, y nhận lời:

- Thế thì còn gì bằng. Lão phu cũng đang muốn được thấy binh hùng, tướng mạnh của Đại-việt đây.

Đỗ Lệ-Thanh đưa mắt nhìn Khai-quốc vương như hỏi ý kiến một việc gì. Vương gật đầu. Bà tiến ra chắp tay xá Đoàn Huy:

- Đoàn vương gia. Vương gia đang bị trúng độc. Nếu đấu võ, Lý gia có thắng cũng thắng người bệnh, chẳng vẻ vang gì. Tiểu tỳ nghĩ, vương gia phải trị bệnh trước, rồi đấu thì mới công bằng.

Đoàn Huy lắc đầu:

- Ta chẳng có bệnh họan gì cả.

Đỗ Lệ-Thanh lắc đầu:

- Tại sao tính mệnh của vương gia lâm nguy đến nơi mà vương gia còn chối được ư?

Thanh-Mai chỉ vào tay Đoàn Huy:

- Đoàn tiền bối. Người bị trúng Thất-trùng, ngũ hoa phấn của phái Côn-luân. Nhưng dường như người đấu võ với tiền bối chỉ bắn sang có ít phấn mà thôi, nội lực y quá yếu so với tiền bối, thành ra tiền bối chỉ bị trúng rất nhẹ. Tiền bối bị độc chất nhập lý, ai nhìn qua cũng biết. Tiền bối ơi, trong ngũ tạng thì tâm thuộc hỏa, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, phế thuộc kim, thận thuộc thủy. Mà cả ngũ tạng tiền bối điều bị thương nặng.

Đoàn Huy cười mát:

- Đâu có. Đoàn mỗ vẫn khỏe như thường mà.

Thanh-Mai lắc đầu:

- Có phải tiền bối thường đau nhói ở chỗ huyệt Đản-trung không? Đản-trung là mộ huyệt của tâm. Huyệt Đản-trung đau nhói, tức tâm tạng bị thương rồi vậy. Tiền bối thường bị đau nhức, căng thẳng ở mạn sườn phải, chỗ huyệt Chương-môn, đó là can tạng bị thương. Sau khi ăn xong, tiền bối thường thấy chân tay bị lạnh, buồn ngủ, đó là tỳ tạng bị tổn thương. Tiền bối thường hay ho húng hắng vào lúc giờ Thân, Dậu, đó là phế tạng bị tổn thương. Cuối cùng, tiền bối thường đau ngâm ngẩm ngang lưng chỗ huyệt Thận-du, Chí-thất, đó là thận tạng bị thương. Mỗi tiết khí thay đổi, tiền bối bị một thứ bệnh khác nhau.

Mặt Đoàn Huy tái nhợt. Y im lặng không phản đối Thanh-Mai nữa. Nàng tiếp:

- Hôm qua là ngày đổi tiết khí, không gian bắt đầu chuyển vào tiết Thu-phân. Khí của mùa Thu thuộc kim. Kim khắc mộc. Can thuộc mộc. Can tạng tiền bối bị trúng độc, nên vào tiết khí Thu-phân bệnh can phát mạnh. Y-kinh nói rằng Can tàng hồn, chủ nộ. Bởi vậy từ qua đến giờ tiền bối thường dễ nổi giận vô lý.

Vợ chồng Phạm Văn, Hàn Ngọc-Quế gật gật đầu, tỏ vẻ tán thành những gì Thanh-Mai nói. Nàng tiếp:

- Can chủ cân, quan của can là mắt. Từ qua đến giờ mắt tiền bối thường bị mờ mờ như sương che, gân cốt yếu đuối. Nếu tiền bối không trị đi, tiểu nữ e rằng bằng giờ sang năm tiền bối không được dự lễ Bắc-bình vương đấy.

Mặt Đoàn Huy tím ngắt:

- Tại hạ không hiểu Thất-trùng ngũ hoa là độc chất gì? Không lẽ nó còn nguy hại hơn cả Nhật-hồ chu-sa ngũ độc chưởng hay sao?

Thanh-Mai cười nhạt:

- Mỗi thứ độc một khác. Nhật-hồ chu-sa chưởng thì dùng nội lực, sức mạnh của chưởng đẩy chất độc người ta vào kinh mạch. Mới đây bang Nhật-hồ lại chế ra thuốc, bắn thẳng vào người đối thủ. Còn Thất-trùng ngũ hoa của phái Côn-luân lại khác. Côn-luân vốn thuộc danh môn chính phái, nhưng lại dùng dộc chất là tại sao? Trước hết phải biết nguồn gốc phái này. Tổ sư của phái Côn-luân xuất thân là một Nho-sinh, bị đời hành hạ. Sau đó ông quyết tâm luyện võ, rồi lập phái. Vì vậy ông chủ trương dùng khoan thai cải hóa người. Khi một người cải hóa không được, nên giết bỏ để trừ cho nhân lọai một thứ người tác hại.

Thấy cả triều đình cùng Đoàn Huy im lặng nghe, nàng tiếp:

- Phái Côn-luân dùng năm thứ hoa lan, sen, cúc, hồng, trà, chế ra một thứ phấn, dùng nước hoà vào nhau. Hương các loài hoa thuộc dương. Hương thơm Ngũ-hoa thoang thoảng nhẹ nhàng, vì vậy nó sễ nhập phế, nhập da. Còn thất trùng là gì? Thưa tằm núi, nhện xanh, rắn lục, rết đen, bò cạp trắng, ong vàng, sâu ngũ sắc. Các lọai trên đều thuộc âm tính. Phấn Thất-trùng tán thành bột. Thế rồi trộn lẫn Thất-trùng với Ngũ-hoa thành độc chất. Người ta sẽ dùng loại bột phấn này bắn lên không. Ai hít phải ngày thứ nhất trong người sẽ bị ngứa ngáy như hàng vạn, hàng triệu con kiến cắn, hàng trăm con rắn cắn trong tạng phủ, ngứa ngáy không bút nào tả siết. Ngày thứ nhì người nóng như nhảy vào lò lửa. Ngày thứ ba đau đớn như xẻo từng miếng thịt. Ngày thứ tư lại lạnh như rơi vào một hồ nước mùa Đông. Ngày thứ năm bệnh biến thành chóng mặt như đi trên thuyền.

Đoàn Huy im lặng một lúc, y hỏi:

- Cô nương nói về bệnh của lão phu thực đúng, song không biết cô nương có trị được không?

- Chữa thì chữa được. Nhưng lão tiền bối phải cầu xin Thuận-thiên hoàng đế ban chỉ, tiểu nữ mới có giám trị cho tiên sinh.

Đoàn Huy cẩn thận hơn:

- Cô nương thử nói phương pháp chữa trị của nô nương cho ta nghe trước đã.

Thanh-Mai nhìn Thiệu-Thái, rồi cười:

- Đoàn tiên sinh ơi. Trong thiên hạ này hiện không có thuốc nào giải nổi Thất-trùng ngũ hoa độc cả, ngọai trừ Bồ-tát Sùng-Phạm và Bố-đại hoà thượng có thể dùng thần công thượng thừa đẩy độc chất ra ngoài. Ở đây, tiểu nữ biết, có người được Bồ-tát Sùng-Phạm ban cho cả một trăm năm Thiền-công. Vì vậy người đó cứu được tiền bối. Ngoài ra, nếu người nào luyện Vô-ngã tướng thiền công, mà có tâm Bồ-tát, nguyện hóa giải chất độc trong người tiền bối, cũng cứu được. Tiểu nữ luyện nội công Đông-a vốn thuộc Thiền-công. Sau được sư bá Huệ-Sinh dạy dỗ, cũng có thể cứu được tiền bối.

Đoàn Huy cười rộ:

- Tưởng trị pháp của cô nương tuyệt diệu thế nào, chứ dùng Thiền-công đẩy chất độc ra, bên Đại-lý của lão phu đâu thiếu các cao tăng đắc đạo? Lão phu đã thử rồi. Vô ích.

Thanh-Mai lắc đầu:

- Tiểu nữ lại không biết như thế sao. Địa vị vương gia đâu có nhỏ? Thiếu gì các danh y, thiếu gì những tay nội công cao cường. Nhưng họ không biết cách phối hợp. Phối hợp giữa châm cứu với Thiền-công.

Công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa vẫy tay ra hiệu cho Thanh-Mai im lặng. Bà nói:

- Trên đời này chỉ có bệnh nhân đi cầu thầy thuốc, chứ có đâu thầy thuốc cầu bệnh nhân? Trần muội muội, em khỏi cần đối thoại với người này nữa. Y muốn chết, để cho y chết. Y đã thấy muội muội cứu tên Chu Minh, hôm nay lại cứu tên Phạm Văn, thế mà y còn lằng nhằng rắc rối, thôi để cho y chết.

Bà nói bâng quơ:

- Một chân đã bước vào quan tài rồi, mà còn chối bai bải rằng mình không bệnh tật gì.

Bà bảo Thanh-Mai:

- Muội muội không cần nói với y nữa. Muội muội nói cho ta nghe. Tỷ như muội muội trị bệnh của y, muội muội trị như thế nào?

Thanh-Mai dạ một tiếng:

- Khải tấu vua Bà. Tiểu muội đã trình bày rõ nguyên do Đoàn tiền bối mắc bệnh, thành phần chất độc, cũng như trạng thái bệnh lý. Bây giờ xin trình bày về phương pháp trị. Phương pháp trị có hai phần, đầu tiên dùng châm cứu, đả thông Kỳ-kinh bát mạch, Thập-nhị kinh biệt, vòng Tiểu-chu-thiên. Bởi tiền bối vẫn thường luyện công, dẫn khí theo vòng Tiểu-chu-thiên, cũng như Kỳ-kinh bát mạch. Nhưng chưa đả thông hoàn toàn. Khi kinh mạch thông rồi, cần một vị Bồ-tát đắc đạo, dùng Thiền-công hoá giải chất độc. Nếu như không gặp Bồ-tát đắc đạo phải có người nào đã luyện Vô ngã tướng thiền công mới hoá giải được.

Nghe đến Vô ngã tướng Thiền-công Đoàn Huy đưa mắt nhìn Phạm Văn, Hàn Ngọc-Quế một cái. Hàn Ngọc-Quế hỏi:

- Cô nương, tôi nghe ngày xưa Tăng-gỉa Nan-Đà sang Lĩnh-nam truyền Thiền-công Vô-ngã-tướng cho công chúa Yên-lãng Trần Năng cùng Tiên-yên nữ hiệp. Từ khi hai vị đó tuẫn quốc rồi, Thiền-công này tuyệt tích. Không lẽ nay còn có người biết sao?

Mỹ-Linh đã cùng Trần Tự-An thảo luận rất kỹ về Thiền-công, nàng đỡ lời Thanh-Mai:

- Xưa đức Thích-ca Mâu-ni sau bốm mươi chín ngày ngồi dưới gốc bồ đề đã tìm ra phép Thiền-na, gọi tắt là Thiền. Thiền có bốn loại: Vô-ngã tướng, Vô-nhân tướng, Vô-chúng-sinh tướng và Vô-thọ gỉa tướng. Vô ngã tướng do ngài Tăng-gỉa Nan-Đà truyền sang Lĩnh-nam. Vô chúng sinh tướng truyền sang Tây-tạng. Vô thọ giả tướng truyền sang Đại-lý. Vô nhân tướng do ngài Bồ-đề Đạt-ma truyền sang Trung-nguyên, ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi truyền sang Đại-Việt.

Nghe Mỹ-Linh phân giải, Thuận-thiên hoàng đế, Khai-thiên vương cùng mở to mắt ra kinh ngạc. Hai người, một là ông, một là cha, đều nghĩ như nhau:

- Con bé này, mấy tháng trước đây còn là cô gái ngây thơ, nói năng ngượng ngập. Thế mà theo chú một thời gian, nay đã biết ứng đối mạch lạc, lại có kiến thức rất rộng về lịch sử Thiền. Không biết nó học ở đâu?

Mỹ-Linh tiếp:

- Phật giáo có muôn vàn pháp môn, nhưng thu lại cũng chỉ có một điểm là tính không, đi đến giác ngộ. Thiền cũng thế, tuy phân biệt ra nhân, ngã tứ tướng, nhưng khi đã đắc đạo, tuy biết một, nhưng đạt được cả bốn. Vì vậy sư tỷ Thanh-Mai mới nói cần có vị Bồ-tát đắc đạo, tức đạt tới Vô thượng bồ đề mới đủ công lực hóa giải hết chất độc cho Đoàn vương gia. Hoặc có người luyện Vô ngã tướng Thiền-công cũng đủ sức hóa giải.

Phạm Văn hỏi:

- Công chúa. Xin công chúa giải rõ hơn, tại sao Vô ngã tướng Thiền công lại có khả năng mạnh như vậy?

- Phạm tư không này. Trong kinh Kim-cương, Lăng-gìa đều nói đến Nhân ngã tứ tướng. Bỏ bốn tướng ra thì đi đến đắc đạo được. Thế nhưng trong bốn tướng, chỉ cần bỏ Ngã tướng đi, lập tức không còn Nhân tướng? Đã không có Nhân tướng thì không có nhiều nhân tướng tức Chúng sinh tướng. Khi không có Chúng-sinh tướng ắt không còn Thọ gỉa tướng nữa. Trong phép luyện công cũng vậy. Hễ luyện được Vô ngã tướng coi như xử dụng được cả bốn lọai. Cho nên Trần sư tỷ mới nói rằng cần có người luyện Vô ngã tướng Thiền công mới hoá giải được hết chất độc trong người Đoàn vương gia là thế.

Đoàn Huy đăm chiêu một lúc, rồi hỏi:

- Lão phu nghe nói xưa kia Bắc-bình vương Đào Kỳ đã tự đả thông được Nhâm, Đốc mạch, vì vậy hoà hợp được nội công âm, dương. Sau lại đả thông được Kỳ-kinh bát mạch và Thập nhị kinh biệt. Cho nên chân khí tòng tâm phát ra, sau đó chế ra Lĩnh-nam chỉ pháp. Từ khi ngài tuẫn quốc, thuật này thất truyền. Dường như gần đây Hồng-Sơn đại phu cũng tìm ra cách đả thông kinh mạch, nên trở thành một trong Đại-Việt ngũ long. Nghe Trần cô nương phân giải, dường như cô nương cũng đả thông được kinh mạch?

Thanh-Mai gật đầu:

- Hồi đầu năm, tiểu nữ qua Vạn-thảo sơn trang, được Hồng-Sơn đại phu thu làm đồ đệ, dốc túi truyền nghề cho. Rất tiếc lòng dạ tiểu nữ tối tăm, không thu hết được những gì sư phụ dạy.

Thình lình Đoàn Huy cảm thấy mạn sườn căng đầy, rồi như có con dao đâm vào bụng. Y nghiến răng để khỏi bật thành tiếng kêu. Nhưng mặt y tái mét, chân tay run run. Y muốn nói, mà miệng mở không ra.

Nghiến răng chịu một lát, y bật lên tiếng rên nho nhỏ. Thanh-Mai định cứu trị y. Vua Bà Bắc-biên hỏi y:

- Đoàn vương gia! Vương gia vừa nói rằng vương gia không bệnh tật gì mà? Tại sao vương gia lại rên rỉ như vậy?

Hai hàm răng Đoàn Huy đánh vào nhau lộp cộp. Hàn Ngọc-Quế hành lễ với Thanh-Mai:

- Trần cô nương. Mong cô nương cứu Đoàn vương gia. Nguyện không bao giờ quên ơn.

Thanh-Mai liếc mắt nhìn vua Bà Bắc-biên. Thấy bà gật đầu tỏ ý ưng thuận. Nàng tiến đến cầm tay Đoàn Huy bắt mạch. Trong lòng Đoàn Huy nghĩ thầm:

- Nhỏ này là con gái Trần Tự-An. Nghe nói võ công cao thâm như một đại cao thủ. Ta thử đồn chân khí đánh nó một chiêu, để nó mất cái tính kiêu kỳ đi.

Vì vậy Thanh-Mai vừa để ngón tay lên cườm tay Đoàn Huy. Nàng cảm thấy như tay bị người ta ngoặm một miếng. Biết Huy dùng nội công thượng thừa tấn công mình. Tuy đau điếng, nhưng nàng vẫn nghiến răng chịu, không dụt tay lại. Nội lực Đoàn Huy cuồn cuộn tấn công vào người nàng. Lúc đầu Thanh-Mai cảm thấy lồng ngực như muốn nổ tung ra. Phản ứng tự nhiên, nàng xử dụng lý thuyết dung hoà thủy, hỏa của Huệ-Sinh dạy nàng để chống lại.

Thanh-Mai luyên nội công Đông-a, vốn phát xất từ Thiền-công Tiêu-sơn. Sau được Huệ-Sinh dạy cho phép hóa giải những khó khăn trong việc điều hòa thiên-địa, phong-lôi, thủy-hỏa, tổng hợp được hết khí ngũ tạng, biến thành một thứ chân khí duy nhất. Nàng còn phải chờ từ năm tới mười năm, mới đả thông kinh mạch hầu tùy tâm phát ra từng kinh. Cuối cùng nàng được Hồng-Sơn đại phu dạy học thuyết kinh mạch, vòng Đại-chu-thiên, Tiểu-chu-thiên, do đó đả thông mười hai kinh, Kỳ-kinh Bát-mạch cùng Thập nhị kinh biệt. Vì vậy trong người nàng toàn chân khí dương cương lưu thông. Bây giờ nàng để tay vào ba bộ Thốn, Quan, Xích, trùng với ba huyệt Thái-uyên, Kinh-cự, Liệt-khuyết thuộc thủ Thái-âm phế kinh của Đoàn Huy.

Y kinh nói rằng thủ Thái âm phế kinh là kinh đa khí, vì vậy chân khí Huy như con sông Hồng-hà, đổ vào biển. Nội tức của y cuồn cuộn tuôn ra. Lúc đầu y tưởng Thanh-Mai sẽ phải rung động, tê liệt toàn người. Nhưng một lúc sau, y cảm thấy nội tức ra đi như nước đổ vào hồ. Y định thu nội lực lại, nhưng không kịp nữa.

Về phần Thanh-Mai, nàng thấy nội lực Đoàn Huy theo ba kinh âm trên tay tràn vào người nàng. Biết nguy hiểm, nàng dùng nội công chống lại nhưng không được. Trong lúc nguy nan, cái chết đến trong đường tơ kẽ tóc, đầu óc nàng lóe lên một tia sáng: Ngày xưa khi Khất đại phu Trần Đại-Sinh đấu với sư đệ Lê Đạo-Sinh trong trận hồ Tây. Giữa lúc ông sắp bại thì Bắc-bình vương Đào Kỳ nhắc ông buông lỏng chân khí Thủ-tam-âm kinh, qui liễm chân khí của sư đệ trong đơn điền, rồi chuyển sang Thu-tam-dương kinh đánh trả lại.

Thanh-Mai nghĩ đến đâu, kinh khí tòng tâm theo kinh mạch. Nội lực Đoàn Huy theo ba kinh âm trên tay cuồn cuộn tràn vào người nàng. Nàng thản nhiên qui liễm chân khí. Càng hút nội lực của Đoàn Huy bao nhiêu, sức hút càng tăng thêm. Cho đến lúc Đoàn Huy thấy nguy, thu nội tức lại, thì tay y với tay nàng dính chặt vào nhau.

Hiện diện, kiến thức cao như Thuận-thiên hoàng đế, mà cũng không hiểu được. Còn Long-Bồ, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa tuy có võ công tối cao nhưng chưa có kinh nghiệm, nên không nhận ra cái nguy, để giải cứu. Ai cũng tưởng Thanh-Mai, Đoàn Huy đấu nội lực.

Khoảng ăn xong bữa cơm, nội tức Đoàn Huy bị mất gần hết, gương mặt y cau có, nhăn lại một cách khổ sở. Y muốn lên tiếng van xin Thanh-Mai, mà mở miệng không ra. Nếu y mở miệng, có thể sẽ hộc máu mà chết. Còn Thanh-Mai, nàng muốn giật tay rời khỏi tay Huy, cũng không được.

Thuận-Thiên hoàng đế thấy sự hơi khác lạ. Ngài đứng dậy quan sát. Bỗng ngài nhận ra sự thực, song chưa biết có phản ứng ra sao, thì Đoàn Huy lảo đảo, muốn ngã. Tay lão giật mạnh, khiến Thanh-Mai trở về thực tại. Nàng thu liễm chân khí. Tay Huy với tay nàng rời nhau.

Phạm Văn chạy lại đỡ lão. Y hỏi:

- Vương gia. Cái gì đã xẩy ra?

Đoàn-Huy chỉ Thanh-Mai thều thào:

- Ta bị hút hết nội lực.

Bỗng mặt Thanh-Mai tái nhợt, rồi nàng lảo đảo muốn ngã. Mỹ-Linh đứng cạnh, vội đỡ nàng dậy. Lệ-Thanh lạng người đến bên Thanh-Mai. Bà móc trong bọc ra một hộp nhỏ, lấy ra hai viên thuốc bỏ vào miệng nàng. Bà chỉ tay vào mặt Đoàn-Huy:

- Đoàn vương gia, đường đường là đại tôn sư võ học, lại cầm quyền nghiêng nước, lý ra phải tìm hết cách thu phục nhân tâm thiên hạ, chứ có đâu lấy oán trả ơn? Trần cô nương bắt mạch, trị bệnh cho vương gia, mà vương gia dùng nội công đẩy hết chất độc sang người cô nương. Như vậy cũng gọi bằng tác phong vương giả sao?

Công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa tức vua Bà Bắc-biên, tính tình cương quyết, hành động mẫn tiệp, phản ứng mau chóng. Bà chỉ vào mặt Đoàn Huy:

- Người... người đường đường một đấng vương giả mà lại hành động đốn mạt đến như thế ư? Trần tiểu thư bắt mạch chữa bệnh cho người mà người lại nỡ lòng nào dùng nội lực tấn công, rồi dồn chất độc sang hại tiểu thư. Phụ hoàng ta dù có rộng dung cho người, đến khi người về qua Bắc-biên ta cũng băm vằm người ra từng mảnh.

Bà hô lớn:

- Võ sĩ đâu. Gô cổ nó lại!

Vỗ sĩ dạn ran, từ ngoài ào vào. Bình nhật với bản lĩnh vô địch, Đoàn Huy có coi đám võ sĩ ra gì. Nhưng y vừa bị hút hết nội lực, chân tay cử động nặng nề khó khăn. Y lắc đầu, nói không ra hơi:

- Không phải như thế. Lão phu...

Rồi loạng choạng ngã xuống.

Cả sảnh đường ồn ào, ai cũng muốn băm vằm Đoàn Huy ra như băm chả.

Khai-quốc vương luống cuống hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

- Đỗ phu nhân. Phu nhân có thể trị được bệnh cho Thanh-Mai không?

Đỗ Lệ-Thanh rưng rưng nước mắt:

- Vương gia xá tội, thần chỉ chữa được Chu-sa Ngũ-độc chưởng của Nhật-hồ mà không thể chữa được Thất-trùng ngũ-hoa độc. Mong vương gia thứ tội. Hai viên thuốc vừa rồi, tạm thời giữ cho chất độc không hại được tiểu thư mà thôi.

Thanh-Mai đã tỉnh. Nàng tuy hút hết độc chất của Đoàn Huy, nhưng nhờ nội lực cao thâm, đầu óc vẫn minh mẫn. Nàng biết mình không khéo léo, triều Lý có thể giết chết Đoàn Huy với Phạm Văn e đại kế sách liên kết Việt-Lý cũng như thống nhất lãnh thổ thời Lĩnh-nam khó thành. Nếu bây giờ nàng nói thực ra rằng mình bắt mạch cho Huy, bị Huy dùng chân khí tấn công, rồi trong cơ thể mình có sức hút thu hết chân khí y, ắt nguy cho y. Vì vậy nàng vẫy tay gọi công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa:

- Công chúa. Đoàn tiền bối không có ác ý. Chẳng qua, một thứ tai nạn mà thôi.

Từ khi gặp Thanh-Mai trong lễ tế Lệ-Hải bà vương, công chúa Lĩnh-nam Bảo-hoà đã có rất nhiều thiện cảm với nàng. Mới đây nghe hai con kể lại trong suốt thời gian qua, nàng đã làm nhiệm vụ của một đại thần. Bà hy vọng nàng sẽ thành em dâu mình. Bây giờ trước tai nạn, bà đến bên Thanh-Mai, nắm lấy tay nàng:

- Muội muội. Em có sao không?

- Không sao. Công chúa đừng bắt tội Đoàn tiền bối.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.