Thương Hải

Chương 53-2: Địch hy (2)



Thi Diệu Diệu hốt hoảng kêu lên:

- Cốc Chẩn, huynh điên rồi sao?

Cốc Chẩn không đáp, gã đưa tay gạt đi nét cười trên môi, trong làn gió biển rì rào, tà áo gã lay động, tưởng chừng nó sắp có thể tung bay phiêu đãng.

Địch Hy dòm chằm chằm vào khuôn mặt cười cợt của Cốc Chẩn, chợt trong lòng hắn trào dâng một nỗi oán ghét khó thể nêu tên. Hơn mười năm trước đây, cái mặt đó đã cười cợt một cách đáng ghét, nét cười như thể hiểu hết mọi chuyện, như thể trào lộng tất cả mọi chuyện, làm như đã xuyên thấu cái tâm tư cực kỳ đen tối bẩn thỉu của hắn.

Hắn vẫn còn nhớ mồn một, đúng giữa mùa hè, hắn lẻn vào nội thất của Đảo Vương, cái nôi trẻ nít đan bằng mây đặt ở bên cạnh giường ngủ, vắng mặt Thương Thanh Ảnh, ả nha hoàn nằm khoèo, ngáy khỏ khò.

Trong nôi, đứa hài nhi không ngủ, đôi mắt nó lóng lánh như hai hòn thuỷ tinh, thấu suốt tận bên trong, khi nó nhìn thấy có người lạ bước vào, môi miệng nó nhoẻn cười, đôi nắm tay nho nhỏ khua loạn trong không, song cước rán cựa quậy, làm như đang thiếu sức lực.

Nhìn thấy đầu lưỡi đầy đặn của đứa bé giữa đôi môi hồng, Địch Hy cảm giác một rúng động không biết tên gọi ra sao, hắn đưa tay kéo đầu lưỡi nó ra, Hai hôm trước đây, hắn cũng đã làm y hệt như vậy, đã giết chết một con thỏ rừng, bằng cách kéo đứt lưỡi con thỏ, làm con vật chết thê thảm, con thỏ lết, kéo một vệt máu dài đến hơn trượng. Hắn âm thầm nhìn con thỏ giẫy chết, cực kỳ khoái trá.

Hắn đã thù ghét đứa hài nhi, thù ghét nét mặt hớn hở của nó, ghét hết tất cả những gì của đứa nhỏ. Chẳng sai, tính mạng hắn do Cốc Thần Thông cứu vớt, Vào lúc cả hai cha mẹ hắn đồng thọ tử, kẻ thù đã trói hắn vào sau ngựa, kéo lê hắn chạy theo đuôi ngưạ hơn ba dặm đường, toàn thân xây xát, hắn đã không hề cất một tiếng kêu rên nào, chẳng hề để rớt ra một giọt nước mắt nào!

Rồi kẻ thù bị chết trong tay Cốc Thần Thông, các vết thương của hắn được chính Cốc Thần Thông chăm sóc, hắn do tay người này đào tạo, hắn luyện được một thân võ công, ngày tiến triển ngàn dặm, ai nấy đều nói, thể nào hắn cũng sẽ trở thành một ngũ tôn của Đông Đảo. Những lời khen đó, gã nghe mà chẳng thấy ưa chút nào. Cốc Thần Thông là ân nhân của hắn, cũng là đối tượng oai hùng của hắn, là người duy nhất mà hắn có thể thoải mái thố lộ tâm tình, hắn hết sức ngưỡng mộ ông, hắn luyện tập võ công ngày đêm, vì ước mong có ngày được kế thừa sự nghiệp của ông, kế thừa toàn bộ võ công cuả ông, tiếp tục quảng bá tinh thần của ông.

Nhưng rồi tất cả đều đã thay đổi! Cốc Thần Thông sanh con trai, ngày càng xa lánh hắn, thành thử, dầu Cốc Thần Thông vẫn yêu thương hắn như trước, nhưng trong lòng hắn, cái tình thương đó đã có phần thay đổi, không còn cái vồn vã làm hắn sảng khoái, mà là những gì làm hắn thấy đau đớn Hắn vốn chỉ muốn ông hoàn toàn thuộc riêng hắn, không muốn chia sẻ ông cùng bất cứ ai. Cái thằng nhỏ hài nhi này thật hay cười, thích cười, Cốc Thần Thông do đó, luôn tìm cách chọc cho nó cười vui, mỗi tiếng cười của thằng nhỏ như những tiếng cú kêu đêm, đếm số giờ sắp tử vong cuả hắn, như những gai nhọn đâm vào tim hắn!

Hắn lập tâm giết chết thằng nhỏ, tay hắn đã chụp được cái đầu lưỡi của đứa nhỏ, chợt nghe từ bên ngoài có tiếng bước chân tiến vào. Địch Hy hoảng hốt, tung mình bỏ chạy, từ nội thất xông ra, gặp đúng phải Cốc Thần Thông. Cốc Thần Thông chẳng nói gì hết, ông đưa mắt liếc sơ qua hắn, ánh mắt thập phần kỳ lạ. Cho tới giờ, Địch Hy vẫn còn nhớ rõ! Ngay đến mười năm sau, mỗi lần nằm mơ thấy lại ánh mắt đó, hắn thể nào cũng thét lên, thức giấc, mồ hôi lạnh đổ đầm dề.

Vì cái ánh mắt đó, Địch Hy đã đem che giấu ý đồ sát nhân suốt mười lăm năm ròng, tình cảm thương yêu dành cho Cốc ThầnThông đã biến thành mối thù hận Hắn có lúc đã tưởng thù hận này giấu được mọi người, nhưng nó đâu có lọt qua được cặp mắt hồ ly của Bạch Tương Dao. Đêm đó, bên thân thể của mụ, hắn đã trở thành nam nhân Nhưng hắn cũng chẳng yêu đương gì mụ, cũng như hắn chẳng thương yêu ai hết, hắn chỉ chăm chăm nuôi ý chí phục thù, mong trả hận cho sự vô tình của Cốc ThầnThông đối đãi hắn. Nhưng hắn đã hiểu rất rõ, Cốc ThầnThông không coi gã ra gì, thị hắn chẳng qua một tên đực rựa phục vụ thoả mãn cho nhu cầu sinh lý Bạch Tương Dao. Địch Hy nản lòng, từ đấy trở đi, hắn làm những chuyện thương thiên hại lý, hắn che đậy thật kỹ, không để sót chút dấu vết gì. Trên đời này, không còn một ai có thể làm bất cứ gì khiến hắn động nộ, bất cứ ở đâu, bất kể chuyện gì, đối mặt tha nhân, Cửu Biến Long vương, bao giờ cũng đứng thanh cao hơn tất cả.

Vậy mà lúc này, tại đây, cái khuôn mặt cười cợt của Cốc Chẩn đã làm tâm thần hắn hoang mang, đã cho rất nhiều đệ tử Đông Đảo lần đầu tiên chứng kiến ý đồ sát cơ hừng hực từ trong ánh mắt, từ khuôn mặt trước giờ hằng lộ vẻ anh tuấn của Địch Hy.

Thi Diệu Diệu quá căng thẳng, nàng chẳng tự chủ, đưa chân tiến một bước ra đàng trước. Hiệp Phạm bèn dang tay ra cản, lắc đầu, nói:

- Cô chớ có bước ra đấy.

Thi Diệu Diệu tức giận:

- Tại sao?

Hiệp Phạm lãnh đạm, đáp:

- Cốc Chẩn nói đúng, ta không có mẽ làm Đảo Vương. Vậy hắn thì sao? Nếu như đến Địch Hy mà hắn còn không thắng được, lấy cái gì mà nói chuyện đương cự Tây Thành?

Thi Diệu Diệu ngơ ngơ ngác ngác, chăm chú nhìn vào, nắng sáng loá mắt đã khoác lên khuôn mặt anh tuấn của Cốc Chẩn một đường nét, một góc cạnh tuyệt vời. Không hiểu từ đâu, trong đầu nàng chợt có một thoáng gợn, một ý nghĩ vụt đến, nàng nhận rất rõ rằng, gã nam tử trước mắt mình đã có một bước nhảy vọt trưởng thành, không còn là thiếu niên ngông cuồng hằng cùng nàng dạo chơi bờ biển ngày nào. Trong một sát na, tâm tư Thi Diệu Diệu chợt trống rỗng, nàng thấy gã ở đấy, rõ ràng thật gần, nhưng sao cảm giác lại đến từ rất xa xôi, một nỗi hân hoan cùng cực, điểm một thoáng cay đắng nho nhỏ! Dần dà nàng hiểu ra, Cốc Chẩn là một phần của nàng, nhưng tự nàng cũng đã từng không biết gã là một phần của nàng, ở chỗ nàng không thấy truớc được rằng gã đang sắp sửa cất cánh bay thật cao, thật xa, bay đến chốn nào, nàng cũng không rõ!

Đôi nhãn châu thâm thấp nước mắt, Thi Diệu Diệu mường tượng đang trôi nổi bồng bềnh trong một đám sương mù mênh mông, bất tri bất giác, con cá chép bạc trong tay tuột ra, rơi xuống, vỡ thành mảnh nhỏ đầy ra đấy, phát âm thanh leng keng leng keng...

Trên làn da trắng nơi vầng trán Địch Hy, thấm đượm một vài hạt mồ hôi li ti, dị cảm trong lòng hắn mỗi lúc một tăng, một mạnh, hắn có trực giác Cốc Chẩn đang chăm chú vào hắn, ánh mắt gã dường soi thấu tâm can hắn, ánh mắt đó xuyên qua, nhắm tới tận đỉnh trời cao trên mặt bể rộng.

"Có lẽ nào hắn ta đã không để mình vào trong mắt hắn?", Mấy lúc sau này, đầu óc Địch Hy hay bị choáng, hắn thường nhớ lại, mười năm về trước, vào cuối hạ! Siêu nước sôi đậy nắp, những sợi khói mảnh bốc lên, từ trong siêu đặt trên hoả lò than cháy đỏ hồng, nước bốc hơi mù mịt, ấm trà bên cạnh toả khói nghi ngút, ngồi đối diện hắn, Cốc ThầnThông khuôn mặt chập chờn ẩn hiện qua làn hơi nước, từa tựa hồn vía đang ở một cõi thế ngoại nào đó.

- A Hy, chuyên cần tập luyện là tốt, nhưng có đôi lúc, chỉ trông vào sự cần mẫn không chưa đủ!

- Xin Đảo Vương dậy bảo cho rõ.

- Khí độ của đại cao thủ phần lớn là thiên bẩm, không bắt chước được, không thể gắng gượng. Ngươi cần mẫn dụng công, dù thiếu đôi phần khí độ, cũng có thể thành nhất lưu cao thủ, nhưng không thể làm hạng siêu quần bạt tuỵ.

- "Khí độ cao thủ" đó là người ra sao vậy?

- "Nhãn không vô vật, sở hướng vô địch, bất dĩ kỷ bi, bất dĩ vật hỉ." ( trong mắt dửng dưng không có gì, chẳng cầu vô địch, chẳng buồn khi mất, chẳng vui khi được!)

- Hai vế sau dễ hiểu, chỉ có hai vế đầu là Hy Nhi thấy khó hiểu.

- Loại cao thủ này, mai đây ngươi đối đầu, trong mắt hắn, ngươi chả là cái gì hết, với hắn, chỉ có sự không vô huyễn ảo, sự chẳng sinh, chẳng diệt. Nói cho dễ hiểu, căn bản là hắn chẳng để ngươi vào mắt!

- Tại sao.... tại sao con không thể làm vậy được?

- Tại vì ngươi còn bám víu, còn nhiều thứ ngươi chưa chịu rũ bỏ!

- Đảo Vương có những cái đó không?

- Ta cũng đã có, nhưng ta đã dám buông bỏ. Còn ngươi? Ngươi lúc nào cũng khăng khăng bám chặt lấy nó, chết cũng không buông. A Hy, ngươi hãy nhớ lấy, chừng nào ngươi đụng phải cao thủ cỡ đó, phải chạy cho lẹ, tránh cho xa. Bằng không, ngươi bại là cái chắc!

Đối thoại tối hôm đó, như sấm giựt, chớp giăng, vụt hiện trở lại trong đầu, hệt như sấm nổ giữa trời xanh. Địch Hy vẫn ngưng trọng, có điều trên người hắn, mồ hôi đang đổ ra như tắm!

Chợt hắn nghe Cốc Chẩn cười, hỏi:

- Địch Long Vương, liệu người ta có thể điều khiển chân khí bản thân không?

Vào lúc sinh tử quan đầu này, hắn hốt nhiên đưa ra một câu hỏi chẳng có gì liên quan hết, mọi người không ai là không thấy ngạc nhiên.

Địch Hy hít vào một chân khẩu khí lớn, lạnh nhạt đáp:

- Nói xàm! Là người tu luyện nội công, ai mà không thể điều khiển chân khí của mình!

Cốc Chẩn nói:

- Nói rất hay! Vậy chân khí có thể điều khiển ngược trở lại con người không?

Địch Hy bất giác sững sờ:

- Cái đó là vớ vẩn! Người là vật sống, dĩ nhiên điều khiển được chân khí của mình, chân khí là vật chết, làm sao điều khiển ngược lại người được?

Cốc Chẩn hơi nhíu mày, lại hỏi:

- Giả thử có cách làm cho chân khí sống động được, thì sao?

Địch Hy lại khựng thêm lần nữa, hai mắt lập tức trợn ngược, hét lên:

- Cốc Chẩn, ngươi có bổn sự gì thì thi thố ra đi, nói chi lung tung những cái nói xàm, nghe thiệt thấy ngu đần đáng mắc cỡ.

Cốc Chẩn cười ha hả. Địch Hy hôt nhiên hiểu ra, hắn đã vô tình vô ý, đã để cho đối thủ bỡn cợt!, Hắn bực bội, thấy rộ lên một cỗ kình khí oán độc trong đầu. Cái gì mà "Nhãn không vô vật, Sở hướng vô địch", ta đây cóc có tin! Nghĩ vậy, Địch Hy buông một tràng cười dài, lập tức xuất thủ "Độn Long" thân pháp, vừa nhanh, vừa huyễn ảo. Chiêu "Thái bạch kiếm tụ" phóng ra mây mù chằng chịt, trong vòng mười trượng, loe loé ánh kim quang.

Thi Diệu Diệu nãy giờ chú ý, dõi mắt đề phòng chiêu này, nàng chợt thấy Cốc Chẩn khẽ khom mình, chân đứng yên, tay chẳng động, nhưng đã từ màn mây mù kim quang đó vọt ra ngoài.

Thi Diệu Diệu kêu "chu choa" một tiếng, vui mừng quá sức. Địch Hy trái lại thì thất kinh tột độ, hắn thật chẳng hiểu bằng cách nào đối phương đã có thể thoát ra ngoài đòn "Long Độn" xuất phát từ tay áo của hắn. Hắn không nghĩ ra được, với sức học như của Cốc Chẩn, lý giải được cái bí ẩn trọng đại chôn sâu trong võ học đó! Làm sao có thể tưởng tượng được rằng, trước lúc quyết đấu này, gã đã đem ra tham khảo hắn, đúng câu hỏi đó, câu hỏi mà Địch Hy đã vô tình trả lời bừa ra, thực sự đã giúp Cốc Chẩn giải được cái nan đề ám ảnh gã từ đã rất lâu.

Trong Chu Lưu lục hư công, kình khí đúng là "hoạt" (vật sống), người sử nó cũng là vật sống, bây giờ, hoạt khí đem điều động vào người, rồi hoạt nhân (người sống) lại ngự ngược trở lại, người và khí hỗ tương, đồng ngự, khí sẽ tăng trưởng không ngừng.

Ba trăm năm trước đây, Tây Côn Lôn Lương Tiêu, trong ba lần luận về Thiên Cơ, đã ngộ ra phương pháp làm cho người ngự được kiếm, để sau đó ngộ ra "Kiếm khí là hữu hình", tuy sắc bén, nhưng thiếu một chút cái phần linh động của kình khí. Nhiều năm sau đó, Lương Tiêu chạy loạn ra ngoài biển, ngày ngày rảnh rỗi, đã sáng chế ra Chu Lưu bát kình, đưa chúng vào thành một thể, tự chúng có linh hoạt. Khi đó, nếu lấy khí làm kiếm, sẽ vượt "lấy kiếm làm hữu hình" thật xa, đi đến tận cùng của cái ý "Người Kiếm hợp nhất", nhưng vào thời điểm này, không thể gọi "Người Kiếm" mà là "Ngươi Khí" hợp nhất!

Nhưng cái gọi Lục Hư, chính là bao gồm trên dưới bốn chiều hư không của vạn vật (không gian ba chiều cộng thời gian), bên ngoài cơ thể và nội thể máu thịt. Ngộ được đến tầng thứ nhất này, Chu Lưu Lục Hư công của Cốc Chẩn coi như đã qua được một bước tiểu thành rồi.

Tuy tiểu thành, nhưng khắp thiên hạ, không mấy người có thể làm đối thủ của gã. Địch Hy xem ra, đang đối đầu một người là Cốc Chẩn, kỳ thực hắn đang đối địch với một người và một lộ khí kình. Cốc Chẩn tâm ngự khí, khí ngự nhân, Chu Lưu bát kình như một thực thể bên ngoài hoà nhập toàn bộ vào gã, vừa chịu sai khiến, vừa chủ động biến hoá, Nhân và Khí cùng điều động, kình khí thúc đẩy chân khí, ở tầng thứ nhất, Cốc Chẩn đạt một mức khí lực, cứ xoay chuyển biến hoá như vậy, đến tầng thứ mười, khí lực gã đã tăng lên gấp mười lần.

Huy động một lượt hai ống tay áo, mù trời mù đất, Địch Hy quyết lòng cầu thắng, thân pháp mỗi lúc một nhanh, bóng người trùng điệp, cuối cùng lẫn vào thành một đạo hào quang mầu đỏ và hoàng kim, quét ngang trời, ngập đất, mái tóc dài của hắn bay phấp phới, phiêu lãng như thần tỉên, nhất cử nhất động không giấu vẻ vô ưu tiêu sái, xem rất bắt mắt. Cốc Chẩn lại không thế, khi nhanh khi chậm, nhanh như chớp giật, cước bộ so dài ngắn cùng bước chân của Địch Hy, chậm thời đứng một chỗ giậm cẳng, tựa ngọn cỏ gió đùa, dựa theo thế công của Địch Hy, khi thì oằn người xuống, khi thì đứng vụt lên, khi thì bò lê bò càng, cử chỉ thập phần hoạt kê, nhưng suốt thời gian tranh đấu, gã luôn tránh, không để bi vạt tay áo quệt trúng.

Đương trường có khá nhiều đại hành gia cấp cao về võ học, họ xem tình hình cuộc đấu, đều chẳng khỏi lấy làm lạ trước sự kiện khó tưởng tượng nổi này, Đa số không phải đệ tử của đảo bản doanh, số ít còn lại là đệ tử chính đảo, cũng không phải đã nhập môn lâu năm, họ chưa từng mục kích uy lực của "Chu Lưu Lục Hư công", nói gì đã được thấy qua sự tương giao kỳ bí giưã Người và Khí.

Nên biết, võ công trên đời nhắm vào một mục đích: xuất một quyền. đả một cước, tập trung đưa lực kích phát sao cho địch thủ vô phương đón đỡ, vô phương tránh né. Vì lí do đó, lúc xuất chiêu, tính toán lực kích phát vừa đủ, cần một thành công lực đủ thắng, quyết chẳng dùng tới hai, tỉ như giết gà không dùng đao mổ trâu, phung phí sức lực một cách vô ích. Nhưng "Nhân khí tương ngự" lại chẳng vậy, Nếu chẳng may Cốc Chẩn dụng lực quá độ, cái phần lực thừa thãi đó sẽ dội ngược trở về bổ trợ vào người, thảng hoặc dùng một thành không đủ, Cốc Chẩn sẽ dùng hai thành. Nếu trong hai thành đó, một thành đủ để đối phó, chõ thừa thãi sẽ tự động quay về, nạp trở vào chân khí bản thân, chẳng phung phí đi đâu cả. Trong võ học, thường nói đến "tá lực đả lực" (mượn sức đánh sức), mượn lực của đối thủ, "Nhân Khí tương ngự" của gã lại chẳng đi mượn người ngoài, chủ yếu tự mượn vừa đủ nơi mình, xem thấy có phần cao minh hơn.

Nội công Cốc Chẩn so với nội công Địch Hy hèn kém hơn nhiều, nếu đánh nhanh đánh mạnh, nhất định gã sẽ bại,nhưng Địch Hy ham thắng, đã dùng quá nhiều sức lực thừa thãi, bất kể lãng phí. Cốc Chẩn dùng "Nhân Khí hỗ ngự", sức lực xuất ra vừa đủ, đôi lúc vì tình thế cấp bách, không tránh khỏi phải lấy nhanh chống nhanh, lấy mạnh chống mạnh, phần lớn thì giờ, gã đem nhược chế cường, lấy chậm chống nhanh, trong mắt người quan chiến, thấy có khi vừa nhanh đấy đã biến sang chậm, vừa chậm đấy đã chuyển thành nhanh, ung dung nhàn nhã.

Hiệp Phạm xem cuộc đấu, lão thầm gật gù, nghĩ bụng nếu lão tranh hơn thua cùng Địch Hy, lão cũng sẽ không dám đem sách lược lấy nhanh chống cái huyễn hoặc của Địch Hy, chẳng lấy tịnh chế động, lấy chậm đối phó với nhanh, nhưng bằng vào Kình Tức công của lão, có thể nhanh chậm tuỳ tâm, công thủ tự động, lão đã không hiểu Cốc Chẩn đã dựa vào cái gì? Hiệp Phạm chăm chú xem một lúc lâu, vẫn không tìm ra đáp án, lão hồi tưởng vừa mới vài tháng trước đây, cái gã này võ công tầm thường, sao bây giờ, lại đạt thành tựu như vậy, không hiểu gã đã dùng cách thức nào mà nhanh chóng luyện được thần thông trong thời gian cực ngắn.

Trong lúc lão còn đang nghi hoặc, Địch Hy vụt lui nhanh về đàng sau, lạnh lùng hỏi:

- Cốc Chẩn, ngươi và ta bữa nay tranh đấu nhằm đoạt cái gì?

Cốc Chẩn đáp:

- Vừa mới nói đây thôi, là tranh ngôi chủ Đông Đảo!

Địch Hy bảo:

- Nếu là tranh chức chúa tể Đông Đảo, phải dùng thần thông của Đông Đảo mà phân thắng bại. Thân pháp của ngươi đâu có phải thần thông cuả Đông Đảo đâu? Trong mắt Địch mỗ, chưa hề thấy ngươi dùng qua thần thông đó một lần!

Cốc Chẩn cười cười:

- Nếu dùng thần thông của Đông Đảo, chẳng quá dễ dàng lắm sao?

Tả cước đứng độc lập, hữu chưởng xuất ra, một chiêu nhẹ nhàng kích vào Địch Hy. Bọn đệ tử Đông Đảo chẳng ai là không ngạc nhiên, chúng hè nhau kêu lớn:

- Phục Long chưởng pháp!

Phục Long chưởng pháp là công phu nhập môn của đệ tử Đông Đảo, đưá trẻ lên ba trên đảo đã được dạy làm bài học luyện võ vỡ lòng.

Hồi còn nhỏ, Cốc Chẩn đã bị bố là Cốc Thần Thông cưỡng bách phải tập luyện. gã chẳng ham học võ công, đa số các môn quyền cước công phu khác gã đều đã quên sạch, chỉ nhớ có mỗi pho chưởng pháp này thôi! Khi nghe Địch Hy kêu rêu, gã bèn thuận tay sử ra.

Phục Long chưởng pháp mục đích tập luyện gân cốt, tăng sức mạnh cơ thể, nói về công, thủ, chống địch, đem so với kỳ môn cơ cảnh thấn tốc Long Độn, như một vực một trời. Bọn đệ tử thấy thế, đều chẳng khỏi lo âu cho Cốc Chẩn. Địch Hy trái lại thì giận điên: "Cái thằng tiểu tử này thiệt hết sức bại hoại, mình mang tước hiệu Cửu Biến Long vương, hắn đem Phục Long chưởng pháp ra xài, chẳng phải muốn hạ nhục mình sao?" Hắn còn chưa tiếp chưởng, hốt nhiên cảm thấy có quái lạ trong ngón chưởng Phục Long đó. Hắn chợt rùng mình, toàn thân mình như được một sợi dây thừng giật ngược, kéo bung người hắn lùi thật nhanh ra đàng sau.

Toàn thể đệ tử giật mình! Hiệp Phạm trông thấy sự lợi hại cuả chiêu đó, trong lòng lão kinh hãi tột độ. Nguyên chiêu thức "Phục Long chưởng pháp" đó, tự nó thật giản dị, tầm thường, không hiểu tại sao, vào tay Cốc Chẩn, nó phát sinh nhiều diệu dụng, muốn thủ thì co, muốn công thì giãn, trong chậm có nhanh, hết sức vi diệu, tinh kỳ, đã thành một công phu võ học cao thâm, siêu đẳng!

Trong lúc đó, Cốc Chẩn xuất liên tiếp mấy chiêu, Địch Hy tuồng như va chạm một cơn hồng thuỷ, hắn chỉ có né tránh, chỉ lo chuẩn bị cho cơn gió lốc kế tiếp sẽ từ tay Cốc Chẩn tống ra, đồng thời hắn không ngừng tìm dịp phản công. Chẳng dè, Cốc Chẩn cứ nhìn theo hắn mà xoay chuyển, cứ liên tục theo thứ tự trước sau của chiêu thức, tuần tự đánh ra, những chiêu "Phục Long chưởng pháp" đó nó cứ tiêu sái, phiêu dật xuất thần, mỗi cái cất tay, giở chân, đều làm cho quần chúng đệ tử thảy thảy khâm phục, tự họ nhận ra rằng, cũng một pho chưởng pháp đó, thủ pháp xuất chiêu thì hệt nhau, nhưng trong tay họ, nó chẳng thể có được cái dáng tự nhiên, hài hoà như gã.

Họ đâu có biết, lộ chưởng pháp đó vào tay Cốc Chẩn, hình dạng vẫn vậy, thần thức vẫn thế, cốt lõi nó đã tàng ẩn "Nhân Khí tương ngự", gã vô tình đạt đến tinh tuý của "Hài chi đạo", bất kỳ võ công nào của thiên hạ, một khi đưa vào tay gã, đều khoác cái thần kỳ đó hết.

Địch Hy liên tiếp lãnh mười chiêu chưởng, chi thấy mỗi cái nhấc tay, mỗi lần động cước của Cốc Chẩn thảy đều hoàn toàn đầy rẫy khí kình, xem từ trong đến ngoài, không có chỗ nào sơ hở để phản kích, hắn chỉ đành thủ kỹ ống tay áo, không sao quét ra được. Trong đời, hắn ngộ địch vô số kể, nhưng lần này, cái cảm giác kỳ quái đó hắn chưa hề nếm qua, cộng vào cảm giác kỳ quái, hắn cảm thấy đang bị làm nhục quá đáng Tim hắn rộ lên, hắn bèn bất chấp, kích ống tay áo dài ra. Cốc Chẩn vẫn chẳng biến chiêu, vung chưởng lên đón, chẳng ngờ, dù những biến hoá tiếp theo của tay áo Địch Hy nhiều vô số kể, nhưng trước ngọn chưởng tầm thường của Cốc Chấn, khi hai chưởng giao nhau, kình khí trong tay áo đột nhiên đứt đoạn, một cỗ chân khí quái lạ đã từ chưởng tâm của Cốc Chẩn theo ống tay áo xung phá ngược lên.

Địch Hy phải mẻ sợ to, hắn vội vàng thu tay áo về. Cốc Chẩn một chiêu chiếm được tiên cơ, gã chẳng nhẹ tay lưu tình, vào lúc ống tay áo còn chưa cuộn về hết, gã sử tiếp một đòn "Phục Long chưởng pháp" nữa, tả chưởng sau lưng, hữu chưởng vung ra. Địch Hy nâng tay áo đón dỡ, chẳng dè, tả chưởng của Cốc Chẩn nhanh chóng chuyển hướng, ra sau mà đến trước, giáng cật lực vào ngực hắn. Dù kiến thức Địch Hy sâu rộng, nhưng hắn đã không sao liệu được biến chiêu đó, hắn vội vội vàng vàng dang tay áo ra ngang ngực để tiếp chưởng, nghe kịch một tiếng, hai chưởng đã trực diện đụng nhau. Thấy có vẻ như Địch Hy vừa đoạt thượng phong, Cốc Chẩn bị đánh văng ra đàng sau. Nhưng Địch Hy lại cảm giác trong một số cỗ kình lực quái lạ đi tiếp theo sau chưởng của Cốc Chẩn, đôi ba cái đã nhức buốt xâm nhập vào kinh mạch, ngũ tạng. Địch Hy cảm giác một sự trì trệ ẩn ẩn hiện hiện trong nội tạng.

Dẫu nội lực Địch Hy cao cường, hắn cũng chẳng thoát khỏi tác động của "Chu Lưu bát kình", mà lần này, dựa theo đặc tính, đó là Phong Kình. Trong khi đó, Cốc Chẩn vận chuyển bát kình, tổn cường bổ nhược, trong khoảnh khắc đã hóa giải xong kình lực của Địch Hy. Gã đã lại tiến lên, xuất song chưởng, vù vù kích vào Địch Hy.

Đòn phản thủ vi công đó của Cốc Chấn, khi Địch Hy nghênh đón, gã lập tức đem nhiều biến hoá đưa vào "Phục Long chưởng pháp", kình lực trong chưởng càng lúc càng cao thâm, người quan chiến không hay biết, nhưng Địch Hy vì đã có nếm qua, hắn nhận thức được hết. Cốc Chẩn khi đi hết pho quyền đó, dần dần chiếm thượng phong.

Địch Hy vưà kinh hãi vừa giận dữ, hắn phát lên một tràng cười lớn, chiêu thức nơi tay áo chợt thay đổi, uốn lượn kỳ lạ, mô phỏng một lộ kiếm chiêu. Hệt như những lộ kiếm pháp khác, đầu mũi kiếm đâm, gió từ ống tay áo lướt ngang bên trên đỉnh đầu Cốc Chẩn, nghe soạt soạt, đã thấy một mảng tóc đen bị chém đứt, tóc vụn tung bay lả tả.

Hiệp Phạm bất giác ồ lên một tiếng, thần sắc kinh khủng.

Thi Diệu Diệu tim đập loạn xạ, vội hỏi:

- Hiệp tôn chủ, gì thế?

Hiêp Phạm lắc đầu, không đáp. Thi Diệu Diệu không tiện hỏi nhiều, nàng chỉ thấy hai luồng kiếm quang uốn lượn dọc ngang, quấn chặt Cốc Chẩn vào bên trong, không còn thấy nhân ảnh gã đâu nữa. Thi Diệu Diệu hết sức bối rối, đôi quyền đầu nắm chặt lại, khắp mình nàng đượm mồ hôi lạnh dầm dề.

"Thái Ất Phân Quang kiếm!", - Hiệp Phạm la lớn - Đúng rồi, đich thị Thái Ất Phân Quang kiếm.

Thi Diệu Diệu hoảng hốt hỏi:

- Lão nói gì thế?

Hiệp Phạm sắc mặt xám xịt, lão run giọng:

- Ta chỉ biết, từ khi Kính Viên tổ sư toạ hóa, cứ tưởng lộ kiếm pháp này đã thất truyền, đâu dè nó vẫn hãy còn lưu lại thế gian. Địch Hy dùng hai tay áo như song kiếm, hắn đang thi triển lộ kiếm pháp đó.

Thi Diệu Diệu nghe lão giải thích xong, nàng như vừa bị té xuống hố băng, khắp thân mình phát rét.

Hiệp Phạm xem qua vài hiệp, lão đột nhiên thở ra, lắc đầu, bảo:

- Coi tình hình này, kiếm pháp đó, Địch Hy chưa luyện thành, y mà cứ tiếp tục dùng, sẽ rất không hay!

Thi Diệu Diệu nghe vậy, cũng thở ra một hơi, rồi hỏi:

- Hiệp tôn chủ làm sao nhìn ra được?

Hiệp Phạm hừ lạnh một tiếng:

- Thái Ất phân quang kiếm là võ công tuyệt thế trong đời, nếu đã luyện thành, sao vẫn không làm khó được Cốc Chẩn?

Hiệp Phạm chăm chú theo dõi hai người, ánh mắt có phần hoang mang, sắc mặt mỗi lúc một thêm ngưng trọng, lão thầm nghĩ, lộ kiếm pháp này, Địch Hy dù chưa đạt mức đăng phong tạo cực, nhưng nếu mà là lão phải đối phó nó, ắt sẽ phần thua nhiều hơn phần thắng. Lão vẫn thường tự kiêu, tự cho mình giỏi, rằng mình võ công số một trong ngũ tôn, đâu có ngờ Địch Hy đã khéo giấu giếm cái tuyệt kỹ lợi hại đó, nói không chừng là để sau này, hắn sẽ đem ra dùng đối phó chính mình! Chuyện làm người ta hoảng kinh hơn, chiêu số võ công Cốc Chẩn sử ra vẫn như cũ, bất kể Địch Hy thay đổi thế nào, gã chẳng hề bị đưa xuống thế yếu. Nghĩ đến đấy, lão chợt thấy thất vọng, đang xem hai người quyết đấu sống còn, lão vụt mất hứng thú, đưa mắt ngẩng nhìn trời cao, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Hiệp Phạm sở liệu không sai, mấy năm trước, Địch Hy tình cờ tìm thấy một quyển kiếm phổ "Thái Ất phân quang" không đầy đủ, hắn âm thầm luyện tập, chưa khi nào thi triển trước mặt người khác. Hắn toan tính, khi Cốc ThầnThông qua đời, đến lúc tranh ngôi đảo chúa cùng bốn tôn chủ kia, hắn sẽ đem ra dùng, bây giờ hắn bất đắc dĩ phải sử ra. Mà pho kiếm phổ của hắn không đủ bộ, vả chăng kiếm pháp đó nếu không do hai người đồng lúc sử ra, sẽ khó hiển lộ đầy đủ uy lực. Địch Hy suốt đời chỉ dựa vào chính mình, chẳng tin cậy ai khác, hắn không muốn cùng người chia sẻ luyện tập pho kiếm đó, thành thử đã không hội đủ hai người, do duy nhất mình hắn thi triển, uy lực kiếm pháp vô hình chung bị suy giảm khá nhiều.

Năm đó, "Chu Lưu lục hư công" vốn là "Hài chi đạo", đã được Lương Tiêu sử dụng trong trận đại chiến "Thái Ất phân quang kiếm", ba trăm năm sau, hai môn tuyệt học đó tái trùng phùng, dĩ nhiên người khác, cảnh khác, cũng không có cái phong quang thưở nào.

Hiệp Phạm bần thần một lúc lâu, lão chợt nghe đám đông cả tiếng hô hoán, làm lão giật mình, khi định thần xem kỹ, thấy trên đấu trường, hai người thoặt vào gần thoặt lui xa, chạy vùn vụt nhanh như sấm giật, khi thì thấy Địch Hy đuổi theo Cốc Chẩn, khi thì là Cốc Chẩn bám theo sau Địch Hy, lúc chạy nhanh quá, thân ảnh trùng lấp vào nhau, chạy nhanh đến ngay cả nhãn lực của Hiệp Phạm cũng có khi không nhận ra ai đang đuổi ai. Đúng vào lúc đó, giữa hai người vụt bốc lên một luồng khói đen, mỗi lúc một đậm đặc, từ giữa khói đen, vụt chớp loé ra một ánh hoả quang, rồi nghe tiếng thét cực to của Địch Hy, màn kim quang mù trời vụt tắt ngấm, thấy Địch Hy hoảng hốt bước ra ngoài, hai mắt nhắm nghiền, thần sắc thống khổ, trên đầu, tóc bắt lửa đang cháy ánh loa loá, nhưng không hiểu sao, hai tay Địch Hy buông thõng, không tìm cách vung lên đầu dập lửa.

Lửa trên đầu Địch Hy gặp gió, mỗi lúc một to, cháy vào tận da đầu, kêu xèo xèo, nhưng hắn trước sau vẫn nhắm nghiền hai mắt, đôi tay run rẩy, tuyệt chẳng động đậy. Mọi người đang còn ngạc nhiên kỳ quái, Cốc Chẩn đã lấy lại nhịp thở bình thường, cười gọi:

- Mang ra đây cho ta một bát nước.

Một gã đệ tử tốt bụng đã nhanh chóng mang đến một bát nước lã. Cốc Chẩn đón bát nước, tiến đến trước Địch Hy, nhưng Địch Hy vẫn hoàn toàn bất động. Cốc Chẩn nâng cái bát, nhắm tạt vào trên đầu Địch Hy, tiếng sèo sèo, nước cạn, lửa tắt, hơi nước và khói bay tản mác trong không trung.

Địch Hy vụt giật mình, đôi chân ẻo lả, hắn ngã lăn trên mặt đất, hai mắt rọi vào Cốc Chẩn, có phần ác độc, có phần phẫn nộ, ra vẻ khó tin những gì đã xảy đến!

Tất cả mọi người trông tình hình như vậy, đều lộ vẻ ngơ ngác, lúng túng. Chợt Địch Hy thở ra một hơi dài, hắn nói chầm chậm:

- Tên họ Cốc kia, võ công ngươi sử dụng quyết không phải là thần thông của Đông Đảo.

Cốc Chẩn "ồ" lên một tiếnh, hỏi:

- Vậy thì là thần thông gì?

Địch Hy toan nói, nhưng ngừng lại, rồi cúi đầu, thở ra, chán nản nói:

- Bỏ đi.. bất kể thần thông gì, Địch mỗ đều đã bại cả rồi!

Lời đối thoại kỳ lạ của hai người, ngoài Thi Diệu Diệu hiểu rõ căn cơ của Cốc Chẩn, không ai khác hiểu họ nói gì, chỉ mình Hiệp Phạm, có cảm giác Cốc Chẩn đã thắng một cách hoạt kê khôn tả, còn Địch Hy bại một cách cực kỳ quái gở.

Địch Hy chợt van vỉ:

- Cốc Chẩn, sao ngươi không một chưởng giết chết ta đi cho rồi?

Cốc Chẩn tiếp tục cười cười, quay sang hỏi:

- Hiệp Lão Phạm, Cửu U tuyệt ngục tầng dưới cùng đã hoàn toàn sửa xong chưa?

Hiệp Phạm vụt nghĩ đến chuyện hắn đã vượt ngục từ ở đấy, lão có phần hổ thẹn, đành gượng cười:

- Sửa xong tốt rồi, lần này đã dùng chấn song thép, so với lúc trước kiên cố hơn nhiều. Dám hỏi phải Đảo Vương đã xử tên này hình phạt "Cửu U địa hình"?

Thi Diệu Diệu nghe lão đổi giọng gọi Cốc Chẩn Đảo Vương, nàng chợt rúng động nhẹ, đưa mắt nhìn Cốc Chẩn, trong lòng nảy sinh một cảm giác là lạ.

Cốc Chẩn nói:

- Hiệp Lão Phạm, Địch Long Vương đây xin giao cho ông quản lý, lần này, nhớ đừng để phạm nhân vượt ngục nữa đấy nhé!

Hiệp Phạm thấy nóng mặt, lão chắp tay, thưa:

- Tuân lệnh.

Địch Hy nghe phán, mắt hắn toé lửa, nghiến răng, hằn học bảo:

- Cốc Chẩn, ngươi hôm nay không ra tay giết ta, sau này đừng có hối hận!

Cốc Chẩn cười nụ, cúi sát xuống bên hắn, nói:

- Địch Long Vương ngàn vạn lần bảo trọng, có dịp, ngày nào đó ông thoát ra khỏi Cửu U tuyệt ngục, hãy cố tìm gặp ta, mình lại đấu lực cũng tốt, đấu trí cũng được, dương mưu cũng xong, âm mưu là chấp nhận, chơi gì, Cốc mỗ đều hết lòng vui vẻ phụng bồi.

Cơ bắp trên mặt Địch Hy co rúm lại, hán vùng phát một tràng cười điên cuồng thật dài.

Hiệp Phạm tiến ra vài bước, lão tâm ngoan thủ lạt, lại từng đã cùng Địch Hy nhiều phen tranh hơn thua, cũng đã tích tụ khá nhiều oán hận, lúc này thừa cơ trả hận, lão dang tay xáng cho hắn hai bạt tai, khiến Địch Hy phun máu hoà răng, lão ra tay dợt hắn một chặp nữa, rồi quát lớn:

- Đem nó xuống!

Bọn đệ tử cai ngục ùa tới, trói chân tay Địch Hy lại, điệu hắn đi. Địch Hy miệng mồm máu me chan hoà, vẫn cứ cười ngây dại, tiếng cười đi mỗi lúc một xa dần, cuối cùng bị khoả lấp trong một trận gió to, rồi không còn nghe gì nữa!

Cốc Chẩn mắt nhìn Địch Hy đi tù, hốt nhiên hỏi:

- Hiệp tôn chủ, tỉ như kẻ bại là ta, ông sẽ làm sao?

Hiệp Phạm thản nhiên đáp:

- Trước giờ đối xử tù phạm không phân biệt ai vào ai, Đảo Vương hà cớ phải hỏi riêng rẽ chuyện này?

- Cái vụ ai cũng như ai này hay đấy! - Cốc Chẩn cười ha hả, ánh mắt gã sáng lên, quét qua một vòng, tất cả đảo chúng đều hiểu, bọn họ rùng rùng quỳ xuống, đồng thanh hô:

- Cung hỉ Đảo Vương, chúc mừng Đảo Vương

Cốc Chẩn vụt thu nét tươi cười lại, thở ra một hơi, khoa tay, nói:

- Đứng dậy cả đi!

Rồi gã không nói thêm gì nữa, quay người đi xuống dưới thạch bình.

Gã đi được chừng mười bước, chợt cảm giác một luồng hơi nóng thổi vào người, gã quay nhìn, đôi mắt đẹp của Thi Diệu Diệu mở thật to nhìn gã, nhãn châu sáng long lanh.

Cốc Chẩn vui vẻ nói:

- Diệu Diệu, muội đi với ta chứ?

Thi Diệu Diệu bảo:

- Tất cả mọi người đều chờ huynh đọc diễn văn, sao huynh đã vội vỗ đít ra đi vậy?

Cốc Chẩn đáp:

- Được làm vua, thua làm giặc, có gì hay ho mà phải lắm lời!

Nói xong, gã đi vượt qua dãy hành lang quanh Khúc Lang Các, đến phòng riêng của gã, đẩy cửa bước vào, một mùi thơm thoang thoảng phả vào mũi. Gã nhìn quanh quất, giá sách, bàn ghế, đồ văn phòng tứ bảo, đâu đấy ngăn nắp, trên gường, trướng màn rủ xuống, màn lụa phất phơ như sương khói, chăn gối bằng lụa tuyệt mỹ.

Cách biệt ba năm, mọi vật trong phòng, tất cả dường như đã chẳng đổi thay!

Thi Diệu Diệu đoán đúng tâm tư Cốc Chẩn, nàng buồn rầu nói:

- Là Bình Nhi đấy, cô ấy mỗi ngày đều đến nơi đây, thường ngồi ngơ ngẩn trong phòng, có khi cả giờ không trở ra.

Cốc Chẩn gượng cười, nói:

- Con bé si ngốc quá! Càng nghĩ càng thấy tội nghiệp!

Nói xong, gã hóm hỉnh dòm vào mặt Thi Diệu Diệu, hỏi:

- Muội chắc cũng thường ghé qua, nếu không, muội làm sao biết Bình Nhi mỗi ngày mỗi đến đây, ngồi ngẩn ngơ trong phòng?

Hai gò má Thi Diệu Diệu ửng hồng, nàng cúi đầu, nói nho nhỏ:

- Nghe đây nè... là muội nghe người ta nói ấy chứ.

Nàng len lén nhìn, thấy ánh mắt Cốc Chẩn thoáng hiện vẻ sắp cười chế giễu lớn, nàng tự hiểu đã không che giấu được tất cả tâm sự của mình, thấy vừa tức vừa ngượng, nàng bèn cung tay đấm gã hai quyền, nhỏ giọng mắng:

- Là huynh thông minh, cái gì cũng rành hết!

Cốc Chẩn kéo Thi Diệu Diệu lại gần, hai người ngồi sánh vai bên mé giường, gã nhẹ nhàng xoa đôi bàn tay ngà ngọc giai nhân, lặng yên, mủm mỉm cười.

Thi Diệu Diệu thấy hắn tuy thoáng cười trên môi, nhưng đầu mày cuối mắt lộ vẻ âu sầu, nàng không nén nổi, cất tiếng hỏi gã:

- Huynh giờ đã làm Đảo Vương, tại sao chẳng thấy chút xíu gì là mừng vui hớn hở hết vậy?

Cốc Chẩn hỏi ngược lại:

- Làm Đảo Vương, có gì vui sướng?

Thi Diệu Diệu không hiểu ý tứ câu nói của gã, nàng dẩu mỏ, bực dọc bảo:

- Ngay đến làm Đảo Vương huynh cũng không thấy sướng, vậy chẳng có gì làm huynh sung sướng được sao?

- Sao lại không có? - Cốc Chẩn nhìn nàng, vui vẻ bảo - Điều làm ta sung sướng nhất, là kiếm một chỗ thanh tịnh, cùng muội sanh một lứa nhóc con.

Thi Diệu Diệu tim đập loạn xạ, nàng hung hăng lườm gã, hai má đỏ bừng:

- Cái gì mà một lứa nhóc con? Muội đâu có phải lợn sề đâu?

Cốc Chẩn cười hỏi:

- Vậy thì muội muốn hay không muốn sanh cho ta một cậu quý tử?

Thi Diệu Diệu đáp cũng khó, mà không đáp cũng khó, thẹn quá hoá liều, gắt om lên:

- Ai mà muốn quý tử, muội chỉ thích nha đầu thôi!

Cốc Chẩn lắc đầu, bảo

- Nha đầu không ngon! Nha đầu rồi sẽ tốn tiền hồi môn, đem của về làm giàu nhà chàng rể, khiến ông bố vợ nghèo đi, buôn bán thua lỗ như vậy, ta là không có dính vô.

Thi Diệu Diệu trong lòng hơi tức tối, nàng bảo:

- Hạng đại phú ông như huynh, làm tài chủ, mà hổng đủ tiền hồi môn, cuối cùng rồi đến chết cũng nghèo mạt rệp thôi!

Cốc Chẩn cười ầm!

Thi Diệu Diệu nguôi giận, chợt hỏi:

- Cốc Chẩn, muội sao cứ thấy kỳ kỳ, huynh đã làm cách nào đánh bại Địch Hy vậy?

Cốc Chẩn đáp:

- Địch Long Vương nội công mạnh hơn ta nhiều, thân pháp giỏi hơn gấp trăm lần, dai sức, kiếm chiêu từ hai tay áo càng đánh càng biến hoá kỳ ảo, mấy bận ta đã suýt thua, chỉ nhờ may mắn, mà đã gắng gượng được...

Thi Diệu Diệu nguýt gã:

- Sao bỗng dưng lại khiêm tốn vậy? Cái kiểu cách phách lối trước đây biến đâu mất tiêu rồi?

Cốc Chẩn:

- Ta đâu có hư trương thanh thế đâu? Về khí thế, ta là thua trọn, hổng có gì để chiến thắng, đã tính quỳ xuống xin thua cho rồi!

Thi Diệu Diệu cười đáp:

- Nói cũng có lý! Vậy mặt nào cũng đánh hổng lại người ta, sao rồi cũng thắng được?

Cốc Chẩn nói:

- Cái đó đừng trách ta, chỉ nên trách hắn, tự hắn đã quá tệ.

Thi Diệu Diệu càng thấy kỳ lạ hơn, nàng trợn tròn mắt, hỏi:

- Cái vụ trách cứ đó, hổng lẽ chính Địch Hy tự mình làm cho mình thua à?

- Đại khái là như vậy! - Cốc Chẩn cười cười - Địch Long Vương có một mái tóc thiệt đẹp, chẳng cài trâm, chẳng buộc, lúc hắn trổ thân pháp "Long Độn", tóc bay phấp phới, coi thiệt bắt mắt. Nhưng cũng đã có một bằng hữu nói khá đúng, "Mỹ quan tắc bất thật dụng, thật dụng tắc bất mỹ quan" (Coi đẹp mắt sẽ không thực dụng, có thực dụng thì sẽ chẳng đẹp mắt), ngay cả đám mấy đứa lưu manh đánh lộn, tóc trên đầu để dài quá, đưa ra cho người ta túm lấy, cũng khó mà đánh đấm tốt được. Vậy mà trong trận chiến, tới cái chỗ thật khẩn yếu, lúc Địch Long Vương xoay mình, mái tóc dài của hắn bay phất phới thẳng vô tầm tay ta, ta thấy múa may sao đẹp mắt quá, ta dòm qua một cái, mừng ơi là mừng, bèn vội vàng xuất ra một đạo Hoả kình, lắng lặng châm vô đó một mồi lửa coi chơi. Địch Long Vương ra sức hiển lộng thân pháp, coi thiệt tiêu sái, hắn đâu có biết cái trò tinh nghịch của ta, vạt áo hắn múa thiệt lẹ, quạt gió lên quanh mình mỗi lúc một nhiều, lửa gặp gió, càng lúc càng cháy to lên.

Địch Long Vương chỉ cảm giác đằng sau đầu sao thấy nong nóng, lúc cháy vô tới tận da đầu, nhức buốt quá chừng, mà hắn cũng hổng biết chuyện gì đã xảy ra, hắn liền mò tay ra đằng sau ót, lập tức để lộ sơ hở. Ta thừa cơ xáp vô gần, tống vô cơ thể hắn một cấm chế phản ngũ hành, cản trở chân khí trong hắn không chuyển vận được qua ngũ tạng, nhờ đó đã thủ thắng!

Thi Diệu Diệu nghe mà ngẩn ngơ, một lúc lâu sau, mới hỏi:

- Dễ dàng vậy sao?

Cốc Chẩn túm lấy một mớ tóc mỹ miều đen nhánh của nàng, cười hì hì, nói:

- Đúng thế! Coi đây mà làm gương về sau, muội có đánh nhau với người ta, nhớ cho kỹ, phải lo cài trâm buộc tóc cho tốt, nếu không, bị người ta túm được chỗ yếu, thể nào cũng hỏng!

- Huynh mới là hỏng đó! - Thi Diệu Diệu giật mớ tóc trở lại, nổi đoá: - Người ta có lòng tốt thăm hỏi, huynh lại còn nửa đùa nửa thật, chẳng ngừng ba xạo. Vốn chuyện thắng trận đó là chuyện hảo sự, nghe cái miệng huynh bẻo lẻo một hồi, có khi ngược lại là cái âm mưu quỷ kế nào khác đó!

- Vốn đó đúng là âm mưu quỷ kế, nếu đấu đường đường chánh chánh, ta làm sao đánh lại người ta? Cái trò đấu đá đó chẳng phải là chuyên môn của ta, nhưng đẻ một thằng con quý tử, là bản sự của ta, chắc chắn như vậy!

Thi Diệu Diệu vừa mắc cở, và bực tức, nạt gã:

- Ai thèm sanh thằng con quý tử cho huynh?

Nàng dợm đứng lên đi, đã bị Cốc Chẩn vừa cười hì hì, vừa đưa tay tóm vào hai đầu gối nàng, giữ chặt lấy, làm nàng không sao đứng lên được.

Hai đầu gối vừa nắm vào, tay gã cảm thấy chúng tròn trịa, da thịt mềm mại, thêm một chút xíu nữa thì sẽ quá dầy cộm, bớt đi một chút thì lại quá gầy, ngay cách một lần vải váy, cũng thấy nó trơn mịn, mát rượi như ngọc thạch, làm gã nhất thời chẳng nỡ buông ra.

Thi Diệu Diệu gò má đỏ ửng, nghiến răng, nhãn châu đã thấy ươn ướt, nàng trầm giọng quát:

- Huynh... Cái huynh này, thiệt mỗi lúc một hư à! Còn không buông tay ra mau!

Cốc Chẩn rụt tay ra, nhưng đã chụp lấy một cái gối, để trên hai bắp đùi, dựa đầu vào đấy, đôi chân dài của gã đem gác lên thành giường, vắt vẻo cẳng chân ra ngoài, đung đưa.

Thi Diệu Diệu cảm giác một luồng khí nóng bốc lên từ hai chân, xông đến tận gò má, toàn thân nàng bỗng dưng cứng đờ, đang định nạt nộ, dã nghe Cốc Chẩn hì hì hỏi:

- Diẹu Diệu, ta có mẩu chuyện xưa tích cũ này, nàng có muốn nghe ta kể không?

Thi Diệu Diệu đáp:

- Huynh trước hết tránh ra đã, rồi hãy kể!

Cốc Chẩn cũng không để ý lời nàng nói, vẫn cười cười:

- Hồi thời nhà Đường, có một người giỏi tên Lý Bí, vốn gốc gác lương y làm đến đại tướng, đã ra sức trợ giúp hoàng đế dẹp loạn An Sứ, công lao thật lớn. Hoàng đế phán hỏi, muốn được thưởng công đó như thế nào? Hắn tâu: "Thần tu đạo, đã đến chỗ hết ham hết muốn, chỉ có một thỉnh nguyện. Chỉ cầu xin, sau này, lúc thu phục lại được thành Trường An rồi, muốn mượn đôi vế của bệ hạ mà ngủ một giấc Hoàng đế nghe vậy, cả cười. Sau đó, có một lần. Lý Bí làm việc cực nhọc quá, đã ngủ gật trên ghế. Hoàng đế gặp lúc ghé thăm, ngài thấy hắn ngủ say quá, không nỡ đánh thức dậy, tiện tay đã nhấc đầu hắn đặt lên trên bắp vế của ngài, để hắn làm một giấc say sưa trên vế đùi của ngài".

Thi Diệu Diệu nghe đến mê mẩn, nàng bảo:

- Cái ông quan đó sướng dữ hén!

Lời nàng còn chưa dứt, đã nghe giọng nhừa nhựa của Cốc Chẩn hỏi:

- Diệu Diệu, bưã nay, công lao của ta như vậy có lớn không?

Thi Diệu Diệu bất giác cười, miệng hả rộng đến mang tai, rồi nàng thò ngón út ra, đáp:

- Lớn cỡ này nè!

Lại nghe Cốc Chẩn hổi:

- Ta cũng có một thỉnh cầu đặc biệt là được muội cho ta đánh một giấc trên bắp vế của muội!

Tiếng nói mỗi lúc một nhỏ đi, tắt dần.

Thi Diệu Diệu cúi nhìn, đôi mi mắt Cốc Chẩn đã khép lại, gã ngủ mất rồi!

Thi Diệu Diệu trong lòng chợt thấy nhẹ nhõm, "Mình ngốc thật! Hắn chẳng phải người sắt, đấu xong trận đó rồi, thể nào cũng mệt mỏi đứ đừ, mình còn đi quấn lấy hắn, hỏi hắn nọ kia, đúng là đần hết cỡ, hèn chi hắn đã chẳng gọi mình là Xoạ Ngư Nhi!"

Chăm chú nhìn, nàng thấy Cốc Chẩn hàng mi rậm đen, diện mạo tuấn tú, góc cạnh rõ rệt, hài hoà, trên môi he hé một nụ cười thơ ngây, giống hệt trẻ sơ sinh nằm ngủ.

- Thiệt không ngờ dáng hắn ngủ dễ thương vậy, - Thi Diệu Diệu ngẩn ngơ nhìn ngắm, nàng chợt thấy hàng lông mày gã nhăn tít lại. Thi Diệu Diệu đang thảng thốt, lại nghe giọng Cốc Chẩn van vỉ: "Bố ơi...", từ khoé mắt gã, một hạt lệ tươm ra, chảy xuống.

Thi Diệu Diệu ngơ ngẩn nhìn mặt Cốc Chẩn, trong lòng đau xé, sau một lúc, lại nghe gã nói mớ:

- Diệu Diệu, đừng xa ta nữa nhé...

Thi Diệu Diệu quặn thắt nơi đáy tim, một khoảnh khắc sau, nàng không gắng gượng được nữa, hai hàng nước mắt đã tuôn trào như suối, lặng lẽ, âm thầm chảy dài xuống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.