Thụy Du Thiên Miên

Chương 123: Ngoại Truyện Đắc Di (4): Thương Tiếc



“Hoàng thượng cho mời Trúc Kim Chi tiệp dư tối nay đến Dưỡng An điện ngự tẩm. Trúc tiệp dư hãy nhanh chóng chuẩn bị.” Tôn công công đến phủ thông báo cho ta.

Ta nghe mà luống cuống chân tay, ta nói với a hoàn thân cận: “Mau, xin gửi công công chút quà tặng.” A hoàn theo phân phó của ta đưa cho Tôn công công một chiếc túi nhỏ có mấy thỏi bạc cất bên trong. Mẫu thân ta đã dặn, đây là luật bất thành văn trong cung.

Tôn công công nhẹ giọng cúi người nói: “Đa tạ Trúc tiệp dư.”

Tôn công công là thân cận hầu hạ bên Hoàng thượng, là người có thể giúp đỡ ta rất nhiều sau này. Ta vừa nhập cung, mọi điều còn mới mẻ, không tránh khỏi ngỡ ngàng. Gia quyến ta lại tầm thường; phụ thân ta chỉ là quan thất phẩm. Vậy nên, ta luôn cẩn thận ghi nhớ những lời mẫu thân dặn dò: “Trong cung biết điều còn hơn là biết nhiều, con phải tự bảo trọng.”

Tôn công công rời đi. Ma ma tổng quản đến tắm rửa và sửa soạn cho ta. Bọn họ liên tục nhìn ta đầy kỳ lạ. Ta không biết liệu có chuyện gì làm họ bồn chồn đến vậy. Ta liền hỏi: “Các ma ma, phải chăng có điều gì cần nhắc nhở ta?”

“Không dám giấu Trúc tiệp dư, đây là lần đầu tiên Hoàng thượng ban lệnh ngự tẩm cho một cung nhân trong hậu cung. Chúng nô tài đã ở trong cung bao năm nay, hậu cung cũng chỉ lác đác vài người, nhưng chưa từng thấy ai được gần gũi với Hoàng thượng bao giờ. Đây là phúc phận của Trúc tiệp dư. Chúng ta xin chúc người mau sớm sinh long tử.” Ma ma nói.

Ta run rẩy ngồi đợi Tôn công công đến đón. Những lời các ma ma nói với ta càng khiến ta lo sợ.

Hoàng thượng đã tại vị mười năm nay, người nổi danh thiên hạ vì đã có công bình định đại cuộc, lập nên thời đại thái bình. Ngay khi người lên ngôi, liền xoá bỏ các điều luật liên quan đến hậu cung. Trong mười năm, mới tuyển chọn tú nữ hai lần. Mỗi lần, chỉ chọn ra ba người. Trong hậu cung rộng lớn chỉ vỏn vẹn có sáu nữ chủ tử.

Vậy mà theo lời các ma ma nói, chưa ai trong số họ có cơ hội được gặp Người. Vậy thì vì lí do gì mà ta mới vào cung được mấy ngày đã có phúc phận này? Đây là hoạ hay là phúc, ta như mộng như sương.

Tôn công công đến cùng hai thái giám khác, quấn ta vào trong chăn, mang ta đến Dưỡng An cung. Ta được bọn họ đặt nhẹ nhàng trên long sang; ta nằm yên hồi hộp chờ đợi.

Một lúc sau, cửa phòng được mở ra, ta nhìn qua tấm rèm mỏng thấy bóng dáng một nam tử, cả người lấp lánh long bào vàng rực, bước chân từ tốn ung dung đi vào. Nam vương một thân oai vệ không lại gần long sàng mà ta đang nằm đợi, Người tới phía sau bàn, ngồi xuống chăm chú duyệt tấu chương. Ta cố im lặng không cử động, cả người căng thẳng.

Một canh giờ trôi qua, ta đau nhức cơ thể vì nằm yên đã lâu, mắt cũng đã nhoè đi vì mệt mỏi. Lúc này Tôn công công đứng hầu hạ Hoàng thượng mới nhẹ giọng bẩm báo: “Hoàng thượng, giờ đã qua canh hai. Trúc tiệp dư ở bên trong đợi Người đã lâu. Người có muốn nghỉ sớm không ạ?”

Im lặng không có tiếng trả lời. Ta sợ hãi lo lắng liệu Hoàng thượng có đổi ý muốn cho hạ nhân đưa ta về phủ, vậy thì ta còn mặt mũi nào ở trong cung nữa.

Mãi một lúc sau ta mới nghe thấy Hoàng thương cất tiếng nói: “Ngươi lui đi.” Giọng nói uy nghiêm lãnh đạm. Tôn công công khúm núm cúi gầm người lui ra, khép cửa lại. Ta nghe tiếng bước chân lại gần. Cả người ta một lần nữa căng cứng vì sợ hãi.

Rèm được vén lên, ta nhìn thấy Người. Hoàng thượng tuổi còn trẻ, đôi mắt phượng dài quyền uy, sắc bén cùng nghị lực. Khuôn mặt cứng cỏi đầy vẻ nam tính, nhìn vào làm người khác lạc lối.

Người quan sát ta đầy chăm chú, ta cũng không dám cử động, lặng im căng mắt nhìn lại. Ta bất ngờ nhận ra trong mắt Người vương lên vẻ đau thương cực độ. Ta sợ hãi, liệu có phải ta đã làm gì rồi không? Liệu ta có phạm thượng rồi không?

Trái với nỗi lo lắng của ta, Người đưa tay quyệt nước mắt đang tuôn trên khoé mắt ta, dịu dàng nói: “Nàng là Trúc tiệp dư? Nàng đợi ta đã lâu? Đừng sợ, là do ta không để ý.”

Ta ngạc nhiên nghe Người nói. Đây là Hoàng đế lạnh lùng oai vệ sao? Lời Người nói chứa đầy quan tâm chăm sóc. Ta vội lắc đầu, nhỏ nhẹ thưa: “Trúc tiệp dư bái kiến Hoàng thượng. Thần thiếp đợi không lâu, là do Bệ hạ bận chuyện nước nhà. Là diễm phúc của thần thiếp được hầu hạ người.”

Người không nói gì, chỉ gật đầu nhìn ta. Ta cũng không biết phải làm gì tiếp theo, nhớ lại lời các ma ma căn dặn, ta liền vụng về ngồi dậy để hầu hạ Người. Người giữ tay ta lại, nói: “Không cần. Nàng hãy mau đi ngủ, đã muộn rồi.”

Cứ vậy mà ta cùng Hoàng thượng trải qua đêm đầu tiên của chúng ta. Ta nhớ mang máng trong cơn buồn ngủ ập đến, Người đưa tay vuốt ve má ta, nhẹ gọi: “Thuỵ Miên”. Ta mệt mỏi vì đã chịu nhiều căng thẳng, đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Ta được Hoàng thượng thường xuyên giữ lại trong Dưỡng An Cung. Ta ở lại hầu hạ Người mài mực viết chữ, đánh cờ đọc truyện. Hoàng thượng còn thích thú vẽ lên cổ tay ta một cánh hoa màu đỏ trông rất xinh xắn. Ngài cũng rất chiều chuộng ta, nhất là về việc ăn uống, thường xuyên cho Ngự trù làm nhiều món ăn ngon ban thưởng. Người còn không ngại, kiên nhẫn ngồi ngắm nhìn ta dung bữa, trong mắt luôn ánh lên sự chiều chuộng.

Càng ngày Người càng mở lòng với ta, thời gian ở bên ta càng nhiều. Ta được người ban cho đi lại tự do trong Dưỡng An Cung, không cấm kị điều gì. Duy chỉ có một bức tranh Người không bao giờ cho ai lại gần, ta cũng không ngoại lệ. Ta nhiều lần thấy Người bần thần đứng ngắm bức vẽ, thở dài sầu não.

Ta cứ như vậy mà ở bên Người, nhanh chóng được Người ban cho chức danh Quý Phi, lấy hiệu là Miên Quý Phi.

Nhưng mọi chuyện không như vẻ bề ngoài. Ta không hề thoải mái vui vẻ vì dù là nữ tử duy nhất được ở gần Người, ta và Hoàng Thượng vẫn chưa một lần chính thức thành phu thê.

Mỗi tối người đều cho gọi ta tới, ta hầu hạ người đi ngủ, nhưng hai ta không xảy ra chuyện gì. Buổi sáng, ta lại tự tay chuẩn bị giúp Người mặc long bào, sửa soạn để Người thượng triều.

Có một lần Hoàng Thượng bảo ta vấn tóc cài trâm cho Người. Ta nhanh nhẹn vui vẻ nghe lời. Người cho nô tài mang một cây trâm màu xanh lam được cất giữ trong hộp đến. Nô tài dâng cây trâm lên, ta quan sát thấy so với các đồ trang sức quý giá trong cung, cây trâm trông không có gì đặc biệt; thậm chí chiếc hộp cất giữ nó trông còn quý giá hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng nô tài chân tay vụng về, đánh rơi cây trâm xuống đất; cây trâm mong manh liền gẫy làm đôi.

Cả đời này ta sẽ không quên được cơn thịnh nộ hôm đó của Người. Ta chưa bao giờ thấy người giận dữ đến vậy. Tên nô tài bị quân lính lôi đi, xử trí không tha. Người cuống quýt nâng cây trâm đã vỡ lên, trong mắt ánh lên lo lắng mất mát. Ta không hiểu, chỉ cần Người muốn, bao nhiêu cây trâm như vậy chả có.

Vậy nhưng Người nhanh chóng cho gọi Tôn công công vào, vội vã ra lệnh: “Phải đi tìm ngay nghệ nhân giỏi nhất về đây, sửa bằng được cây trâm này cho ta mới thôi. Nếu cây trâm không được sửa như cũ, người cũng liệu cái đầu của ngươi.”

Ta mới đó còn định nói để ta cho người mang cây trâm khác đến, may mắn là vẫn kín miệng, không lại khiến người càng thêm giận dữ. Ta không ngờ người lại coi trọng cây trâm này đến vậy. Người tức giận, làm ta cũng sợ hãi không dám hỏi nhiều.

Tôn công công mồ hôi đầm đìa cuống quýt rời đi. Đến chiều tối, hắn quay lại, dâng cho Hoàng thượng cây trâm đã được sửa nguyên vẹn. Hoàng thượng cẩn thận nâng niu cây trâm ngắm nghía, một lúc sau mới thở dài nhẹ nhõm nói với Tôn công công đang run rẩy đứng hầu: “Được, cho người lui. May là trâm quý của ta không bị sao.”

Ta muốn lại gần giúp Người cài trâm lên mái tóc, nhưng Người dừng ta lại, tự tay mình làm. Tối hôm đó, Ngươi không giữ ta ở lại, cho ta lui về tẩm điện. Ta trở về nghĩ mãi mà không ra vì sao cây trâm lại quan trọng đối với Người như vậy. Ta đoán nó có thể liên quan đến việc Người hoàn thành đại nghiệp năm xưa, có thể là do cố nhân tặng, trân quý vô ngần.

Trong cung tổ chức tết năm mới, cả cung vui vẻ chuẩn bị nhộn nhịp. Ta được Hoàng thượng ban áo mới, lại được người ban thưởng rất nhiều kỳ trân dị bảo. Tôn công công mang đến phủ của ta, lại dặn dò ta: “Tối nay Hoàng thượng sẽ tổ chức lễ nguyên tiêu bên quần thần sau đó sẽ quay về Dưỡng An điện. Hoàng thượng lệnh cho ta bảo với Quý Phi hãy chuẩn bị đến hầu hạ.”

Ta giữ Tôn công công lại, nói: “Tôn công công, ta có việc muốn hỏi. Năm trước khi ta nhập cung, cũng chưa một lần được gặp gỡ Hoàng thượng, lại nghe nói Người vô cùng lãnh đạm với hậu cung. Vậy tại sao ta chỉ vừa mới vào cung, lại là một tiệp dư nhỏ bé, lại được Hoàng thượng ban cho ngự tẩm? Ta luôn thắc mắc phân vân về điều này.”

Tôn công công cúi người lễ phép tâu: “Là do Hoàng thượng trong lúc đi dạo, gặp Quý phi lúc đấy mới là tiệp dư vừa vào cung đang ngắm hoa tại Hoa Viên. Ta còn nhớ Ngài đã nhìn Quý Phi rất lâu. Hoàng thượng nhất kiến chung tình(1), nên mới ra lệnh cho Quý Phi ngự tẩm ngay đêm đấy. Quý Phi giờ đây độc sủng hậu cung, đứng trên vạn người. Năm mới đã sắp đến gần, ta xin chúc mừng người sang năm phúc hỷ dồi dào, trời ban mưa gió, sớm có thể hạ sinh Long tử.”

(1)    Nhất kiến chung tình: vừa gặp đã yêu

“Đa tạ Tôn công công. Cảm ơn ngươi đã kể chuyện cũ cho ta hay. Ta nhất định sẽ chuẩn bị thật tốt cho tối nay.” Ta tiễn Tôn công công đi.

Buổi tối tết nguyên tiêu, ta được trang điểm kỹ càng, ngồi đợi Hoàng Thượng trở về từ yến tiệc. Hoàng thượng được đám nô tài cung kính nâng đỡ vào Dưỡng An Cung. Người đã uống đến say mềm, hai má ửng hồng cùng phong thái cao quý làm ta dù không uống giọt rượu nào cũng cảm thấy lâng lâng.

Ta chăm sóc cho Người, lấy khăn lau mặt lại thay y phục cho Người. Bất chợt người giữ lấy tay ta, hai chúng ta nhìn nhau thật gần. Trong cơn say, bờ môi Người căng mọng, gương mặt đỏ bừng làm cả người ta nóng rực.

Người nói: “Hãy ở lại với ta. Ta không cho nàng đi đâu hết. Hãy tha thứ cho ta, đừng rời xa ta.”

Ta nhẹ nhàng ôm người vào lòng, nói: “Thần thiếp không đi đâu cả. Thần thiếp ở đây với Người. Bệ Hạ muốn thế nào, thiếp cũng nghe theo.”

“Hãy gọi ta một tiếng Đắc Di.” Hoàng Thượng thổn thức nói.

Ta có chút run sợ khi nghe Người nói. Khi ta mới vào cung, ma ma tổng quản đã dặn dò kỹ càng. Trong cung đủ điều cấm kị, nhưng điều kiêng kị nhất chính là cái tên Đắc Di. Không có bất cứ ai được nói đến cái tên này, nếu phạm phải, nhất định sẽ không được tha thứ. Ta vẫn luôn khắc cốt minh tâm(1).

(1)    Khắc cốt minh tâm: nhớ rõ không quên

Nhưng giờ đây Hoàng thượng bảo ta gọi, ta không thể trái lệnh. Ta thận trọng gọi: “Đắc Di.”

Người ôm chặt lấy ta, trong giọng mang theo niềm vui sướng, tha thiết nói: “Ta yêu nàng, ta chỉ cần một mình nàng, Miên Nhi, Miên Nhi của ta.”

Lần đầu tiên Người đặt nụ hôn lên môi ta, đôi môi Người đầy mùi rượu hoa quế, cả hai chúng ta cùng hoà quyện trong men say. Ta ngất ngây hạnh phúc, cuối cùng cũng được ở bên người nam nhân mà ta ngày đêm mong nhớ. Ta đắm chìm trong vòng tay Người, cảm nhận sự ấm áp của người, đêm xuân mộng ước mãn nguyện.

Sáng hôm sau ta tỉnh dậy một mình trên long sàng. Người đã lên triều từ lúc nào. Ta vui vẻ trong lòng, khúc mắc bao lâu nay giữa ta và Người đã được cởi bỏ.

Thế nhưng trái với suy nghĩ của ta, sau đó Hoàng Thượng tuyệt không cho gọi ta đến nữa. Ta không biết mình đã làm sai chuyện gì. Ta lo lắng mất ăn mất ngủ, trong người khó chịu ấm ức.

Ngự y được gọi đến chuẩn đoán. Sau khi đã bắt mạch xong, hắn quỳ xụp dưới đất, hào hứng nói: “Chúc mừng Miên Quý Phi đã mang thai long bào.”

Ta cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc toàn thân. Vậy là ta và Người đã có hài nhi. Cốt mạch này là sự gắn kết giữa ta và nam nhân của ta. Ta hỉ xuất vọng ngoại(1), cho nô tài đi báo ngay với Hoàng Thượng. Ta đã lâu không gặp Người, nóng lòng chờ Người đến.

(1)    Hỉ xuất vọng ngoại: gặp chuyện vui nên vô cùng cao hứng

Vậy nhưng mấy hôm Hoàng Thượng sau mới đến thăm ta. Ta dù chờ đợi mỏi mỏn, nhưng không giận Người. Chỉ cần Ngươi xuất hiện, ta đã đủ hạnh phúc rồi. Người nhìn ta, ân cần hỏi han, làm ta quên ngay đi bao mệt mỏi và lo lắng trong lòng. Người lại như cũ, chăm sóc ta chu đáo tận tình như trước. Ta cảm thấy mình chính là nữ nhân may mắn nhất thế gian, số phận đã cho ta quá nhiều ưu ái. Dù có là mẫu nghi thiên hạ đứng trên vạn người, cũng không thể so với việc có được một nam nhân của riêng ta.

Hoàng Thái Hậu Hữu Bình Dương trở về cung sau khi lên Phật đường làm lễ trong hai năm. Ta được gọi đến để bái kiến. Khi nhìn thấy Người, ta cung kính thưa: “Thần thiếp là Miên Quý Phi, xin được bái kiến Hoàng Thái Hậu.”

Thái Hậu quan sát ta, trong mắt ánh lên ngỡ ngàng cùng nghi hoặc, làm ta tưởng mặt mũi ta có dính gì, lo lắng thất lễ. Sau một lúc, Người mới định thần hỏi ta: “Luân nhi đặt cho con hiệu danh là Miên Quý Phi?”

“Dạ phải.” Ta lễ phép thưa.

Bà thầm lặng suy nghĩ một lát, rồi mới từ tốn nói: “Ta đã nghe nói con có tin vui. Trải qua hai năm ta không ở trong cung, quả thật đã có nhiều thay đổi. Ta rất vui. Con thấy trong người thế nào? Có bị mệt mỏi ốm nghén? Đã cho truyền Ngự y chưa?”

Ta vui vẻ trả lời, đón nhận sự quan tâm của người.

Chín tháng sau, ta hạ sinh một hoàng tử khỏe mạnh trắng trẻo. Hoàng thượng đặt cho hài tử của chúng ta cái tên là Đình Di cùng ban bố chiếu chỉ lập ta thành Hoàng Hậu.

Từ sau khi hạ sinh hoàng tử, ta vẫn được Người quan tâm chiều chuộng, nhưng mối quan hệ của chúng ta lại quay về như lúc trước. Ta dù có tìm mọi cách, vẫn không thể bước qua lằn ranh giới đó. Người cũng không hề tuyển thêm cung nhân tú nữ nào, không những vậy còn bãi bỏ hậu cung, cùng ta độc phu độc thê, bất chấp sự phản đối của quần thần.

Ta là nữ nhân của Hoàng Thượng, Người lại đối xử với ta thật tốt, trọng dụng gia quyến của ta, cho ta được nở mày nở mặt. Ta chấp nhận thực tại, miễn sao có thể ở bên Người một kiếp, phu thê nghĩa nặng.

Hai mươi năm năm trôi đi như gió thoảng mây bay. Nhi tử của chúng ta trưởng thành kế nghiệp phụ thân, làm một minh quân sáng suốt.

Ngày Hoàng Thái Thượng băng hà, ta tha thẩn ở lại trong Dưỡng An điện của Người lần cuối, ngắm nhìn những vận dụng Người thường ngày vẫn dùng.

Người đã cho ta một đời hạnh phúc, dù không trọn vẹn, nhưng ta là nữ nhân duy nhất có được vinh dự đó, ta trân trọng yêu thương Người hết lòng. Tiên Hoàng ra đi, ta cũng không còn thiết ở trong hoàng cung nữa; ta tiễn Người về lăng tẩm, cũng sẽ ở đó với Người, hàng ngày tụng kinh niệm phật.

Ta chợt thấy trên bàn Tiên Hoàng là một cuộn tranh vẽ đã úa màu. Ta nhận ra đó là bức tranh Người giữ gìn như bảo bối lúc xưa, ta tò mò lại gần mở ra nhìn.

Tranh vẽ một người con gái có đôi mắt trong sáng thông minh, mái tóc đen nhánh buộc lên gọn gàng. Nữ tử bên hông có đeo một túi nhỏ, từ miệng túi để hở ra một gói kim trâm dùng để chữa bệnh. Nàng ta đang cầm trên tay một cây trâm cài đầu màu xanh, giống hệt với cây trâm mà năm xưa tiên Hoàng vô cùng trân quý. Trên cổ tay nàng ta nơi góc áo rủ xuống để lộ một hình xăm cánh hoa màu đỏ. Nữ nhân này trông thật quá quen thuộc.

Dưới góc của bức tranh có đề một bài thơ do chính tiên Hoàng viết. Ta nhận ra nét chữ ngay ngắn dũng mãnh của Người.

“Tương tư một bóng hình nàng

Khi xưa ta đã lỡ làng biệt ly

Khẩn mong số phận xoay vần

Kiếp này không trọn kiếp sau chớ lìa.”

Phía dưới bài thơ có viết: “Thuỵ Miên, một đời lỡ làng, ta nguyện kiếp sau trùng phùng, mãi mãi cùng nàng, không xa rời.”

Ta ngỡ ngàng, bủn rủn chân tay, ta cảm tưởng như đất dưới chân mình đang sụt lún. Người thiếu nữ trong bức tranh mà Tiên hoàng lưu giữ bấy lâu nay, không cho ai chạm vào lại có dáng vẻ giống y hệt ta. Ngay cả hình xăm nơi cổ tay nàng ta, cũng chính là hình vẽ mà tiên hoàng yêu thích, năm xưa Người còn tự tay dặm lên cho ta.

Tiên Hoàng gọi người này là Thuỵ Miên. Đây mới là nữ tử mà Người một đời mong nhớ ư? Liệu có phải vì nàng ta mà ta mới có được mọi thứ Người ban cho, cái tên Miên Quý Phi, hoa văn ở cổ tay, sự chiều chuộng của Người, độc sủng của Người, tiếng Người ôm ta vào lòng, gọi tên “Miên Nhi” khi chúng ta đồng sàng lần duy nhất?

Ta càng nghĩ càng thấy sợ hãi, thể hồ quán đỉnh(1). Chính vì ta giống với nữ tử này mà khi Người nhìn thấy ta lần đầu trong Hoa viên năm ấy, Người mới để ý đến ta. Chính vì diện mạo của ta với nữ tử kia như một nên Hoàng Thái Hậu lẫn Cát Uy Thái Uý mới nhìn ta ngạc nhiên như vậy.

(1)    Thể hồ quán đỉnh: bỗng nhiên hiểu rõ

Cả đời này của ta, những tưởng vận mệnh đã an bài, cho ta ở bên người ta yêu thương, làm đôi uyên ương một đời một kiếp. Nhưng giờ ta mới hiểu, ta tồn tại trong lòng Người không phải vì tâm Người có ta, mà vì ta chỉ được xem là vật thế thân cho nỗi thương tiếc về một nữ nhân khác của Người ta thương.

Ta đau khổ, mất phương hướng. Ta ngồi trong Dưỡng An điện tĩnh mịch, không nghe thấy tiếng khóc lóc và tiếng kèn trống tiễn đưa bên ngoài.

Trong cung lúc này là tháng ba lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng xoá một trời. Tuyết lạnh và trống rỗng, như nỗi lòng ta vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.