Tiệc Báo Thù

Chương 15



Mọi người trong phòng họp đều nhìn Ba Du Sinh bằng ánh mắt dò hỏi. Ba Du Sinh nói, “Lại thêm một đề toán khó dành cho mọi người rồi. Cán bộ khám nghiệm hiện trường cho biết: trong túi quần của Yên Vệ Bình có một mẩu ống kim loại bị bẹp. Anh Đường Vân Lãng xác định nó là nòng súng ngắn Glock 9 ly.”

Ba tiếng năm phút sau khi xảy ra vụ án, tại hiện trường khám nghiệm lầu chính Tiêu Tương.

Cát Sơn sắp đeo mặt nạ lên thì ho sặc sụa, chắc là ngứa cổ vì khói, anh ho dữ dội làm rung cả sàn nhà. Nói thế không ngoa, vì sàn tầng hai sau vụ cháy đã trở nên mỏng tang như cánh ve sầu (nói thế này thì đúng là khoa trương), nhiều chỗ đã hõm xuống lộ ra các thanh giằng ở khe giữa sàn và trần bên dưới. Mặt sàn kham nổi trọng lượng của Đường Vân Lãng đã là quá may mắn rồi. Cát Sơn lo mình ho sẽ xảy ra sự cố, bèn bước chầm chậm để giảm lực tác động.

Trong mười mấy phút trước đó, cảnh sát chưa khui ra hết các dấu tích súng đạn của tên cướp, nhưng tìm ra nhiều mảnh cơ thể rải rác đó đây. Cho đến giờ, đã xác nhận ba người tử vong, dù các mảnh cơ thể bị văng tứ tung nhưng căn cứ vào suy đoán về lượng thuốc nổ, quy luật phân bổ các mảnh cơ thể, Đường Vân Lãng xác định rằng ba người đều chết bởi vụ nổ thứ nhất. Đồng thời chứng tỏ rằng vụ nổ thứ hai không gây ra tử vong. Cát Sơn đứng ở vị trí xảy ra vụ nổ thứ hai, cũng tức là ở chính giữa đại sảnh, bàn ghế đã biến thành các mảnh vụn, thành củi thành than, một số đoạn ống dẫn gas nằm rải rác chỏng trơ như những đoạn cành cây, cút nối vào bếp gas đã văng đi đâu mất. Bên tai anh vẫn văng vẳng câu nói của Ba Du Sinh, “Theo các nhân chứng, khu vực giữa đại sảnh không có ai đứng, rất có thể hung thủ mất bình tĩnh ném bọc thuốc nổ lên bàn. Sau vụ nổ thứ nhất, có lẽ một tên khác đang đứng gần cửa gian phòng nhỏ gần đó.” Cát Sơn bước đến cửa gian phòng ấy, thử làm động tác ném bọc thuốc nổ ra đại sảnh xem sao. Nếu mình là thằng cha ấy, đang cuống lên, và không muốn tấn công liều chết vào đám con tin vô tội trong kia, mình sẽ vứt bỏ cái bọc nguy hiểm đó. Anh ngoảnh nhìn, rồi đưa ra kết luận: mình sẽ ném nó vào một góc của gian phòng nhỏ.

Trừ phi hắn cố ý sát hại nhiều người hơn. Cũng không nên loại trừ khả năng này.

Cát Sơn mở cuốn sổ tay nhỏ, ghi lại cách nghĩ của mình, rồi anh bước ra đại sảnh.

Mặt sàn ở gần cửa sảnh la liệt các mảnh thủy tinh. Cát Sơn đi giày cao su đế dày, nhưng vẫn soi đèn pin và bước đi thận trọng, vì hành lang này cũng rất dễ bị sụt lở. Anh băng qua đầu cầu thang, bên trái là một gian phòng khác, bên phải, đi tiếp thì đến một gian nhỏ ở tận cùng hành lang. Ở cửa có một tấm ván cháy đen, một tấm biển vốn treo trên cửa, cũng bị hun đen thui nằm đó, soi đèn pin vẫn có thể đọc được ba chữ “Tô Mạc Già” và bốn chữ nhỏ “Thực Quá Tịnh Duyên”. Cát Sơn vốn rất ghét cái lối chữ nghĩa mù mờ khó hiểu, anh nghĩ một lúc. “Thực quá” thì dễ hiểu, nhưng “tịnh duyên” thì là gì? Là “bút chì sạch sẽ” à? Cuối cùng, anh chợt nhớ đến bốn chữ “tẩy quá tịnh duyên”. “Tô mạc già” cộng với “thực quá tịnh duyên” thì ra khái niệm “nhà vệ sinh” được dùng phổ biến trong sách cổ.

Cát Sơn tạm thời không cần “thực quá tịnh duyên”, anh nhớ rằng sơ đồ mặt bằng ghi rằng gian bên trái là phòng nghỉ, Ba Du Sinh nói hình như tên cướp đã từng vào đó để “đào kho báu”. Anh tin rằng sau vụ cướp và vụ cháy, thì không đến lượt anh vào đây để “đào” gì nữa, nhưng anh cũng cứ bước vào.

Thoạt trông thấy ngay trong phòng kê hai cái giường và đã bị cháy sập xuống sàn. Tuy nhiên vẫn nhận ra chúng rất dày nặng và tinh xảo chứ không như chiếc giường tầm thường để ngả lưng ngủ trưa. Đầu và cuối giường đều có thể điều chỉnh nâng lên hạ xuống. Trên sàn vẫn còn một chiếc tủ nhỏ mà trước kia hẳn cũng rất tinh xảo, mặt đất rơi vãi thuốc men và kem dưỡng da, chứng tỏ những cái giường có thể dùng làm công cụ để mát xa thậm chí chăm sóc spa.

Vật dụng còn sót lại mà tương đối nguyên vẹn là chiếc ti vi LED chất lượng cao màn hình rộng choán lấy già nửa mảng tường. “Tương đối nguyên vẹn” ở đây là nó đã đổ nghiêng, màn hình nứt vỡ, nhưng chưa chạm hẳn xuống đất và chưa tan xác pháo. Tuy nhiên, tư thế nghiêng của nó lại hé lộ trước mắt Cát Sơn một cái cửa bí mật nằm trên mảng tường đã biến dạng sau đám cháy.

Cửa này không lớn, và không còn vẻ bí hiểm gì nữa, lửa đã đốt trụi khung gỗ và thiêu đen vào sâu trong tường. Có thể dễ dàng hình dung, nếu kéo khít cánh cửa và nhích cái ti vi lên vị trí cũ thì không ai nhận ra một dấu vết gì. Anh thầm nghĩ, hội quán vẫn là hội quán, dù trước ngày khai trương Tiêu Tương có rêu rao rằng mình thuộc hạng đẳng cấp khác hẳn các lò bán dâm hay cờ bạc thì vẫn không tránh được việc giấu giếm những chuyện bẩn thỉu, nếu không, họ thiết kế cái gian kín đáo này làm gì?

Cát Sơn đẩy cửa bước vào, lẩm bẩm “Ngột ngạt quá!” Anh đã chụp mặt nạ rất kín mà vẫn ngửi thấy mùi khói nồng nặc, không khí ở đây rất thiếu oxy. Anh tin rằng lát nữa Hình Thụy An sẽ tuôn ra một tràng lý luận về đối lưu không khí. Đám khói dày đặc đã len vào mật thất này như thế nào, cánh cửa đóng kín thì không khí nóng và lạnh trao đổi kiểu gì, tại sao khói vẫn bị giam kín ở đây không thể tản đi?

Căn mật thất bị hun đen tuyệt đối, nhưng không bắt cháy. Cát Sơn cảm thấy hơi bất ngờ ở chỗ, ở đây không có chi tiết gì đáng gọi là “bẩn thỉu”. Trong không gian khoảng mươi mét vuông này chỉ có một chiếc két bảo hiểm bằng thép, cao ngang đầu người. À, thì ra mục tiêu của “đào kho báu” chính là nó!

Anh giơ đèn pin, từ từ bước lại gần cái két. Trên cửa két có hàng chữ tiếng Anh, Cát Sơn không hiểu nhưng đoán nó là nhãn mác của một thương hiệu quốc tế nào đó. Ở phần ngang trán anh là một màn hình nho nhỏ, không có dấu hiệu gì thể hiện rằng nó còn hoạt động. Cửa két đang đóng kín, nhưng anh vẫn muốn thử vận may, bèn cầm tay nắm và giật mạnh.

Cửa mở ra.

“Khốn kiếp!” Cát Sơn cảm thấy dạ dày ruột gan trào ngược, quá kinh tởm đến nỗi quên cả ho.

Khoảng ba tiếng mười phút sau khi xảy ra vụ án, tại một quán Starbucks đối diện bệnh viên Nhân Dân số 6 Giang Kinh.

Hai tên cướp gặp nhau lần thứ ba sau khi vụ việc xảy ra. Kể từ lúc vụ nổ phát sinh, toàn bộ kế hoạch đã đổ vỡ tan tành. Bất cứ tên kẻ cướp nào có chút đầu óc và ít nhiều chuyên nghiệp cũng đều bỏ chạy, chạy càng xa càng tốt, nhưng chúng lại không thể cao chạy xa bay như kế hoạch đã vạch ra, mà buộc phải quẩn quanh gần khu vực các con tin để giải quyết hậu sự gọn ghẽ, thể hiện “đạo đức nghề nghiệp”. Cho nên, trước hết là phải trao đổi tin tức. Chúng không hề hay biết các cảnh sát hình sự đã đánh số cho chúng rồi, tên cướp A, tên cướp B, tên cướp C, giống như cách liệt kê các nhân vật phụ vô danh theo thứ tự xuất hiện khi kết thúc một bộ phim.

Chính vì sự cố bất ngờ xảy ra vào phần cuối của vụ cướp, nên lúc này ba chỉ còn hai, chúng vốn có ba người, nay bị thiếu một.

“Tình trạng Cát Tam Lạc thế nào rồi?” Một tên hỏi.

“Chưa tiến triển, vẫn ở bên bờ vực thẳm. Đây là mối nguy rất lớn.” Tên kia nói.

“Na Lan đã tỉnh chưa?”

“Nghe nói tỉnh mấy lần rồi lại hôn mê.”

“Thật ra tao lo nhất là cô ta.”

“Cũng không có gì phải lo. Từ đầu đến cuối, cô ta đều là một quân cờ then chốt, kể từ thiết kế ban đầu… lẽ nào bài vở chúng ta làm vẫn chưa đến nơi đến chốn hay sao?”

“Người tính không bằng trời tính, trời tính không bằng có kẻ phá rối. Chúng ta đâu lường được rối loạn ở phút chót? Mẹ kiếp, tất cả nát bét, cứ như đạo diễn đã soạn kịch bản đâu ra đấy, nhưng diễn viên thì diễn bừa!”

“Người soạn kịch bản là biên kịch chứ?”

“Mày hiểu ý tao nói gì là được rồi.”

“Bước tiếp theo nên thế nào?”

Im lặng. Tên cướp kia nhấp một ngụm cà phê, rồi nói, “Thế nào được nữa? Tiếp tục quan sát, nhất là Na Lan. Nếu cần thì đành ra tay trước vậy.”

Khoảng ba tiếng mười phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

Trong khi hai tên cướp hội ý, thì Ba Du Sinh cũng đang hỏi một vấn đề tương tự, “Tình trạng Cát Tam Lạc thế nào rồi?”

“Chẳng ra sao,” một cảnh sát báo cáo, “Cho đến giờ anh ta vẫn chưa nói nổi một câu hoàn chỉnh. Cuộc phẫu thuật đã xong, anh ta ôm đầu gối ngồi ở mép giường và nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt vô hồn, toàn thân run rẩy. Mấy bác sĩ giàu kinh nghiệm nói rằng đó là cú sốc sau khi bị thương, cần mời bác sĩ khoa thần kinh hội chẩn.”

“Ban pháp y có ai đến xem vết thương không?”

“Đã xem. Họ nhận định là do đạn 9 ly súng Glock bắn. Viên đạn sượt qua cơ ngoài đầu gối phải, vỡ một phần sụn ở khớp gối. Ngoài ra toàn vết xây xát nhẹ. Nhưng rắc rối là trạng thái thần kinh của anh ta.”

Ba Du Sinh gật đầu. Vậy là khớp với miêu tả của Lương Tiểu Đồng. Anh cũng biết, tạm thời không thể ghi bút lục với Cát Tam Lạc. Không còn nhiều lựa chọn, anh quyết định chọn một người may mắn song sót mà anh không muốn ghi bút lục, nhưng đã muốn hỏi chuyện từ đầu, là Quách Tử Phóng.

Dù sao Quách Tử Phóng vẫn là chỗ quen biết cũ. Còn nhớ có lần cùng uống rượu, Quách Tử Phóng đã dốc bầu tâm sự, rằng luôn có một tình cảm đặc biệt đối với tin tức về lĩnh vực pháp chế. Nguyên nhân là vì Quách Tử Phóng từng liên quan đến một vụ án lớn. Sau này, Ba Du Sinh có đọc hồ sơ về vụ trọng án cực kỳ phức tạp ấy, anh công nhận rằng đó là một vụ án rất ly kỳ và tàn khốc, không thể không gây ấn tượng sâu sắc trong đời sống của người đã trải qua nó, tựa như Na Lan sau khi trải qua nhiều vụ án, không tránh khỏi có những thay đổi đáng kể về tính cách và quan niệm.

Sáu bảy năm về trước, Quách Tử Phóng phụ trách tin bài về lĩnh vực pháp chế của tờ báo Tin chiều Tân Giang, anh ta bắt đầu tiếp xúc nhiều với Ba Du Sinh. Xưa nay Ba Du Sinh vốn né tránh giới truyền thông và các phóng viên, nhưng anh cũng nhanh chóng nhận ra Quách Tử Phóng là một nhà báo tài ba thú vị hiếm thấy. Khi phỏng vấn hoặc viết bài, Quách Tử Phóng hầu như không dùng nhãn quan “tôi là phóng viên” để nhìn nhận các vụ án với vẻ cao ngạo, anh thường đứng ở góc độ của các độc giả bình thường với những sắc thái tình cảm tự nhiên để mổ xẻ phân tích, đưa tin về quá trình và kết quả của sự việc đã xảy ra. Ba Du Sinh dần dần nảy sinh thiện cảm với người phóng viên độ tuổi trung niên, cao lêu đêu, trông giống như lạc đà hoặc như ngựa vằn này. Ba Du Sinh không gàn dở tẩy chay giới truyền thông, trái lại anh biết rằng những nỗi gian truân, mồ hôi xương máu của anh em công an cũng cần được nói ra, không nhằm ca tụng công đức nhưng ít ra phải tạo nên một hình tượng đa chiều và sinh động.

Quách Tử Phóng cũng đặc biệt tâm đắc với người đội trưởng trinh sát hình sự có ngoại hình thư sinh này. Xét từ phương diện logic và nhân tình thế thái, thì việc Ba Du Sinh trở thành “tổng bộ đầu” của thành phố Giang Kinh đúng là chuyện thần kỳ hi hữu, tuổi còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, không ai đỡ đầu ở chốn quan trường, đã từng có tin đồn rằng Ba Du Sinh là con người vợ đầu tiên của ông bí thư tỉnh ủy lân cận nào đó, cha mẹ ly hôn, anh theo họ mẹ. Nhưng sau khi đi sâu tìm hiểu, Quách Tử Phóng đã đưa ra kết luận: tin đồn chỉ là tin đồn, vô căn cứ. Đương nhiên, nếu phân tích kỹ thì thấy rằng, anh có vẻ như suôn sẻ thăng tiến trên đường hoạn lộ cũng không phải là chuyện gì quá xa vời. Một là anh có trình độ học vấn tương đối, mà là học vấn thực sự (chứ không như những năm gần đây một số lãnh đạo có được trình độ cao chỉ trong nháy mắt khiến người ta phải kinh ngạc). Anh chỉ huy phá được một số vụ án lớn “bế tắc tồn kho”, ở Sở Công an anh chưa từng theo phe phái nào nên không đứng nhầm chỗ, bên trên cho rằng anh “rất an toàn”. Và từ đó nảy ra một cảnh sát trưởng quái thú đeo kính trắng, không thuốc lá bia rượu, không khệnh khạng bố tướng.

Ba Du Sinh là người trong ngoài như nhất, anh tương đối ít nói, sống nội tâm, không phải do cố ý tỏ ra như thế, mà là anh thường suy nghĩ kỹ rồi mới lên tiếng, lời nói ra đều thực bụng chân thành. Quen biết nhau một thời gian, Quách Tử Phóng bắt đầu từ hiếu kỳ chuyển sang mến mộ rồi kính phục. Ngoài quan hệ công tác, hai người dần trở thành bạn thân thiết. Mấy vụ trọng án xảy ra ở Giang Kinh những năm gần đây, tờ Tin chiều Tân Giang đều đăng bài dài với nội dung sâu sắc, tư liệu chuẩn xác, khiến các tờ báo “anh em” là đối thủ cạnh tranh cũng phải khâm phục ngợi ca. Về điều này nên thấy rằng đó là nhờ may mắn của Quách Tử Phóng và Ba Du Sinh gắn kết cảm thông với nhau.

Quách Tử Phóng đi đi lại lại trong phòng chờ cấp cứu. Ba Du Sinh biết ngoài việc hơi bị ngạt lúc hỏa hoạn, anh ta chỉ xây xước và bỏng nhẹ, tình trạng không có gì đáng ngại so với những người khác. Lúc này Quách Tử Phóng cúi đầu như đang nghĩ ngợi. Cái cổ vốn đã dài, cúi xuống trông cứ như con cò đang tìm thức ăn. Một số bệnh nhân và người nhà sốt ruột chờ đến lượt mình đều tỏ ra khó chịu trước việc anh ta cứ liên tục lượn lờ chóng cả mặt như thế, nhưng anh chẳng bận tâm, hoặc coi như không nhìn thấy. Lúc này anh bỗng ngẩng đầu và nhìn thấy Ba Du Sinh, cứ như là có giác quan thứ sáu.

Anh lên tiếng gọi. Chờ Ba Du Sinh bước lại gần, anh nói, “Tôi vẫn đang đoán… anh sẽ thẩm vấn tôi hoặc đầu tiên hoặc cuối cùng.”

Ba Du Sinh cười, “Anh đoán sai rồi.”

“Hoặc, tôi chỉ có thể làm phóng viên.” Quách Tử Phóng tự chế nhạo mình. “À, còn cả Na Lan nữa. Cô ấy mới phù hợp để thẩm vấn đầu tiên hoặc cuối cùng.”

Ba Du Sinh, “Tôi cần chỉnh lại, không phải thẩm vấn, mà là hỏi, để thu thập thông tin. Bài báo anh đăng không thể có nhầm lẫn.”

Quách Tử Phóng gượng cười, “Bài báo? Chắc anh đã hỏi nhiều người rồi, và hiểu rõ hơn tôi, rằng vụ án hôm nay đầu đuôi ra sao không dễ nắm bắt đâu! Bài báo của tôi đăng lên, chắc chắn sẽ có kha khá dấu hỏi.”

Trong ánh mắt của bệnh nhân và người nhà dõi về Quách Tử Phóng, lúc này ngoài sự khó chịu đã pha thêm ít nhiều tò mò. Ba Du Sinh nói, “Cho nên tôi xin giả vờ khách khí một chút, nói rằng muốn được anh giúp đỡ.”

Quách Tử Phóng cười, “Khách khí đã là giả vờ rồi, khỏi cần nói ‘giả vờ khách khí’ nữa. Tôi bắt được một lỗi ngôn ngữ của anh!” Đoạn nghiêm chỉnh hỏi, “Chỉ có mình anh? Tức là không phải là thẩm vấn và ghi bút lục tôi chứ gì?”

“Bên kia đường có một quán Starbucks, hai ta sang đó uống cà phê uống trà và nói chuyện cho tiện.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.