Tiếng Người

Chương 16



Hà Nội lúc tám giờ tối mùa đông nhoèn nhoẹt ướt. Những bóng người trên đường nhòa trong mưa phùn và ánh đèn cao áp vàng. Hà Nội nhỏ nhoi và xa xôi.

Khi Duy trở về nhà vào buổi tối thứ Sáu thì M đang ở trong bếp. Nàng mặc một cái tạp dề màu xanh nước biển đã cũ. Nàng đứng chống một tay vào sườn, tay kia cầm cái thìa gỗ dài đảo nồi súp. Mùi tỏi và thịt bò thấm đẫm không khí. Ánh đèn điện từ trên trần bếp hắt những ánh vàng ấm lên mặt nàng. Nàng nhìn anh cười tin tưởng. Anh ôm nàng. Rồi anh đi tắm. Và họ ăn tối.

Để chào mừng anh về, M bày biện bàn ăn đầy đủ trong bếp. Nàng trải khăn ăn. Rượu. Nến.

Sống với nhau bốn năm, Duy vẫn còn ngạc nhiên vì những thú vui bất thần hình thành ở M; nàng sẽ tuân thủ nó tuyệt đối; cho đến lúc nàng bất thần dứt bỏ và hăm hở làm một cái mới. Ví dụ như từ lúc M bắt đầu thích nấu nướng, thì nhất định trong nhà bếp phải có những cái lót nằng gỗ ép. Rồi hai cái găng tay lớn màu đỏ để lấy thức ăn nóng từ trong lò. Rồi các loại muôi to nhỏ khác nhau. Những hộp gia vị. Những cái chén thủy tinh để đong bột, sữa, đường hoặc nước.

Chỉ có một thứ không đổi từ lúc anh biết M: Nàng có một đống những lọ muối khoáng dùng để tắm (anh đã nhìn loáng thoáng những chữ Dead Sea và Lust). Hàng tuần, vào tối thứ Sáu, nàng đổ nước đầy buồng tắm và thả những hạt muối này vào để chúng sủi lên như mạch nước khoáng tự nhiên. Nàng đóng cửa, ngâm người trong đó rất lâu. Bận mấy thì tối thứ Sáu cũng phải làm thế.

Những thứ vô thưởng vô phạt nho nhỏ này thường làm cho Duy buồn cười. Chúng là nguồn để anh trêu chọc M. Chúng là những thứ quý giá với anh.

Hồi mới biết M, anh thấy nàng buồn cười vì nàng cứ vớ vớ vẩn vẩn. M rất ít nói nhưng thỉnh thoảng lại thốt ra một câu làm cho anh giật mình. Ngày hôm đầu họ gặp nhau tại bữa tiệc rất đông du học sinh ở New York, nàng giới thiệu nàng học tin học. “Đàn bà con gái cũng tin học!” – anh đã nghĩ thầm. Anh mặc định nàng cũng như những cô gái khác mà anh từng gặp; anh làm bộ cảm thán vớ vẩn với nàng rằng anh gần 30 tuổi đầu rồi mà chẳng làm được việc gì cả.

- Tại sao lại cứ phải làm gì? – nàng nhìn anh bằng con mắt trong trong.

Rồi nàng hỏi tại sao bây giờ nàng mới thấy anh trong hội du học sinh.

- Anh không thích chơi với dân Việt Nam – anh nói – Đàn đúm vô bổ. Mất thời gian.

- Thế một người Việt Nam là em thì anh có chơi không?

- Còn tùy em có xứng đáng không.

Một lúc sau, trong cao trào của câu chuyện gì đó lẫn lộn đủ thứ triết học nhân sinh, khoa học kỹ thuật và sự tán tỉnh ỡm ờ, anh hỏi:

- Thế nào, em học cao thế thì ai dám lấy em?

- Anh có dám không? – M hỏi lại.

- Anh đang có vợ hờ rồi.

- Tội nghiệp anh nhỉ.

“Tội nghiệp”. Chỉ một chữ đó thôi. Dường như anh là một ngôi nhà bê tông cốt thép và M vừa mới làm sập nó bằng cách lấy một que tăm chọc khẽ – thậm chí nàng không hề chủ ý chọc nó đổ; nàng chỉ nói chính xác điều nàng cảm thấy, tức là “tội nghiệp” cho anh. Tội nghiệp, tội nghiệự sụp đổ làm anh thích thú. Anh nén cười và kể với M rằng về danh nghĩa, anh đang kết hôn với một cô gái người Honduras hơn anh 4 tuổi. Hôn thú chỉ là hình thức. Anh làm thế để giúp cô kia có thẻ xanh vì cô ấy là chị gái của bạn anh. Ngoài ba lần đi chung đến sở nhập cư để làm giấy tờ, anh đi chơi với cô này 4 lần; lần nào cũng là cô ta gọi điện mời anh đi ăn tối, và lần nào anh cũng là người trả tiền.

- Không muốn trả cũng phải trả – anh tặc lưỡi – Kể thì tội nghiệp thật. Anh làm quái gì có tiền.

Bây giờ người vợ trên hôn thú của anh đã có thẻ xanh rồi, thậm chí đang sống chung và có con với một người Mexico, nhưng anh cũng chẳng buồn làm thủ tục li dị.

- Li dị làm quái gì? – anh cười cười – Có vợ thế cũng vui.

M nhìn thẳng vào mặt anh. Nàng đột nhiên nói:

- Miễn vui là được rồi… Rồi sẽ qua hết…

Nàng nói lấp lửng như thế xong thì bình thản nhìn ngó lơ ngơ xung quanh.

Anh suýt phì cười. Bởi vì M mới chỉ có 22 tuổi và vừa mới lúc nãy vẫn còn không định hình được phía nào là Đông và Tây của Manhattan. Ở tuổi đó, anh vừa rời Columbia, đã kiếm được khối tiền và kinh nghiệm. Anh bắt đầu từ bỏ công việc làm lậu nặng nhọc để chính thức vào làm cho New York Empire. Những ám ảnh cũ cũng đã nhạt. Anh đã nghĩ anh bắt đầu nuôi sống mình đàng hoàng. Sẽ sống cuộc sống lớn chỉ có một mình anh. Và lúc đó cũng là lúc anh còn thỉnh thoảng bốc đồng theo đuổi những sắc đẹp bề mặt và làm những trò anh hùng rơm khác. Làm mà vẫn ngấm ngầm khinh mạn mới biến thành thờ ơ; và dần dần thành bình thản. Anh tách dần khỏi chúng mà không quay đầu lại tuy thỉnh thoảng, ở chỗ này chỗ khác, những ham muốn cũ lại bắt kịp anh. Như cái việc thỉnh thoảng đi ăn tiệc đàn đúm này là một ví dụ.

Sau đó, giữa bữa tiệc, bia hết. Anh xung phong đi mua bia để ra khỏi căn phòng ồn ào. Anh rủ M đi cùng. Nàng đồng ý. Anh đậu xe ở vỉa hè, phía bên kia đường của một cửa hàng rượu và để M ngồi lại trong xe. Khi anh đi ra, anh thấy M đang ngồi ở ghế sau, vẫy tay rối rít và cười rất tươi qua cửa kính. Anh ngạc nhiên nhưng cũng vẫy tay rối rít và cười với nàng. Nhưng khi anh vào trong xe rồi, vẫn thấy nàng ngồi đó, vẫy tay, cười thành tiếng. Hóa ra không phải với anh. Rồi nàng trèo lên ghế trước.

- Buồn cười quá – M nói – có một bà già bé tí trong cái xe vàng vàng bên kia đường kìa, anh có thấy không?

- Bà già nào? – anh hỏi nhưng không quay đầu lại mà tiếp tục đeo dây an toàn và nổ máy.

- Em không biết. Tự nhiên em thấy bà ấy cứ vẫy tay với em. Chắc con bà này đi mua rượu, nhốt bà ấy trong xe… Haha, bà ấy cứ vẫy tay với em, thế là em cũng vẫy tay lại. Buồn cười quá.

- Bà ấy có nói gì không? – anh gạt cần số cho xe chạy.

- Không. Bà ấy chắc phải 80 rồi. Bé tí. Bé hơn em. Buồn cười. Bà ấy cứ vẫy rối rít như lâu lắm mới nhìn thấy người.

Nàng bật cười một mình rồi ngoái đầu lại. Anh vòng xe. Khi họ đi ngang qua chiếc xe Mustang vàng đỗ bên kia đường, anh nhìn thấy một bà già da trắng bé nhỏ, da nhăn nheo, tóc bạc trắng, ngồi phía trong xe. Bà ta vẫn đang tiếp tục vẫy tay. M lại vẫy tay với bà ta. Anh cũng giơ tay lên vẫy vẫy.

Cũng hôm đó, trong lúc mọi người ồn ào nói chuyện thể thao, trường lớp, chính trị, du lịch…, thì câu chuyện của anh và nàng như thế này:

- Em ở một mình không buồn à?

- Sao lại buồn?

- Thì ở một mình, nghĩ một mình, nghĩ nhiều quá rồi đâm lẩn thẩn.

- Ha! – nàng thốt ra một tiếng ngắn như thế thay trả lời. Sự khinh miệt thẳng thừng trong tiếng “Ha!” ấy làm anh bật cười.

- Nhỡ trộm vào nhà em thì em làm thế nào?

- Em có chó.

- Chó gì?

- Chó bécgiê Đức.

- Anh cũng thích chó.

- Em rất thích chó!

Rồi M bật ra một tiếng cười ngắn. Nàng bắt đầu nói bằng một giọng đều đều cố tình, như một người đang kể chuyện cổ tích:

- Sau này nếu em là nhà văn, em sẽ viết thế này này: Vào một buổi chiều tháng Tư cách đây nhiều năm ở New York, trong một căn phòng có 31 người Việt Nam ngồi quanh hai chiếc bàn đen kê liền nhau, một bàn cao hơn bàn kia hai xăngtimét, tôi ngồi cạnh một người đàn ông khoảng 30 tuổi. Người này có một khuôn mặt như thể anh ta đang phải nín thở. Anh ta hầu như không hề nói chuyện trong lúc 29 người còn lại ồn ào bàn chuyện thể thao. Câu chuyện giữa tôi và anh đã diễn ra như sau: Em ở một mình không buồn à? Sao lại buồn? Nghĩ nhiều thì buồn! Nhỡ có trộm thì sao? Em có chó. Chó gì? Bécgiê. Anh thích chó…

Trong lúc M nói, anh nghe như thể đang nghe một người đọc truyện đêm khuya trên đài – giống như những khi anh lái xe đêm xuyên các bang và nghe radio rả rích. Những tiếng người xung quanh bỗng lùi ra xa, làm nền cho giọng nói của nàng. Anh nhìn quanh. Đúng là có 31 người thật. Hai chiếc bàn sắt đen để giữa phòng thì có một chiếc cao hơn chiếc kia khoảng hai xăngtimét. Chính xác là hai phẩy ba xăngtimét. Loại bàn rẻ tiền, không có tên nhà sản xuất, chắc mua từ khu Furniture của Wal Mart hoặc Big K. M đã nói gì? “Một người đàn ông có khuôn mặt nín thở, hầu như không nói chuyện trong lúc 29 người còn lại ồn ào bàn chuyện thể thao?”.

Hôm đó, anh ngấm ngầm nghi ngờ rằng M có lẽ giống anh.

Sau đó ba ngày, anh gọi điện rủ nàng đi xem phim với anh vào cuối tuần. Nàng nhận lời. Khi anh lái xe đến cửa, nàng đã đứng sẵn ở đó, cười rất tươi và nói “anh đến muộn ba phút”.

Cô gái da đen vừa bán vé vừa nói chuyện phiếm trên điện thoại. Mãi cô ta không lấy xong tiền trả lại. M gõ ngón tay vào cửa kính:

- Này chị, nếu chị không làm việc nhanh, tôi sẽ yêu cầu được gặp người quản lý của chị.

Cô gái kia lập tức bỏ ống nghe và nhanh chóng tính nốt tiền. Khi họ ra về hôm đó, anh cười nói với M rằng ngày xưa anh cũng cư xử giống hệt nàng.

- Nhưng mà một mình bảo vệ công lý mãi chán chết – anh nói tiếp – cho nên anh mặc kệ thiên hạ. Anh cóc quan tâm đến thiên hạ nữa. Anh nhổ toẹt vào thiên hạ.

M cười.

- Ừm… em lại nghĩ hôm nay, nếu em không làm trước thì thể nào anh cũng làm. Em chỉ kém nhẫn nại hơn anh.

Ba tuần sau khi gặp M lần đầu, anh gọi điện cho nàng.

- Đi Los Angeles với anh không?

- Ngày nào?

- Mười hai. Lúc nào em muốn về thì cho em tự đi về trước.

- Đi.

M nói đơn giản như thế thôi. “Đi!”. Thế là họ đi.

Anh thuê phòng ở khách sạn La Quinta ngay trên bãi biển Venice, ngoại ô của Los Angeles. Sáng sớm hôm sau, họ xuống bãi biển. Anh tắm, còn nàng lội. M không biết bơi. Khi họ ra đến chỗ nước sâu chừng ngang ngực nàng, anh bắt đầu trêu chọc nàng không biết bơi. Anh trồng cây chuối. Anh biểu diễn trò bơi chó. Anh đập nước tung tóe và thở hổn hển như người sắp chết đuối. M cười sằng sặc. Anh khoe rằng anh lặn rất giỏi. Anh nói từ bé, anh làm cái gì cũng dễ và cũng giỏi. Nếu M không tin thì anh sẽ biểu diễn cho M xem.

Khi ở dưới nước rồi, anh mở mắt nhìn. M dập dềnh trong làn nước xanh nhạt, xa xa gần gần. mọi thứ lục bục, ù ù bên tai anh. Sự sống lắng xuống. Thế giới trôi dạt. Anh lặn sâu thêm xuống dưới tầng nước tối, dầy và im ắng. Đột nhiên, một ý nghĩ không rõ ràng xẹt qua óc anh. Anh lập tức lặn thêm xuống và cố tình lái mình chệch khỏi hướng ban đẩu; anh chờ khi có sóng lên cao thì ngoi lên thở và lén lặn tiếp vào gần bờ. Khi anh đứng lên khỏi mặt nước, anh đã ở sau lưng M một đoạn xa. Không thấy nàng đâu cả. Anh hoảng hốt nhìn. Bất thần, M chui lên khỏi mặt nước ở phía trước anh. Nàng ho và sặc. Nàng lập tức vuốt nước trên mặt và lại hụp xuống. Rồi lại đứng phắt lên, vuốt nước, ho, sặc, và hụp xuống…

Phải mất mấy giây, Duy mới hiểu ra M đang tìm anh. Nàng hẳn nghĩ là anh bị chuột rút chết đuối. Hình như, trong cơn hoảng sợ, M cũng không nghĩ đến việc kêu cứu ai. M bắt đầu tự mình tìm kiếm mà quên rằng nàng không biết bơi. Anh bật cười.

Nhưng cái cười lập tức tắt ngấm, vì M bắt đầu tiến ra chỗ sâu hơn để tìm anh. Nàng gọi tên anh. Những con sóng buổi sớm to, sừng sững lao về phía nàng. Ngọn sóng trắng xóa bọt. Nàng vẫn tiếp tục lao người ra. Nàng lại gọi tên anh và lại bắt đầu chuẩn bị hụp đầu xuống. Mọi con sóng to tạt ngang qua mặt nàng, nuốt chửng nàng trong đám bọt sủi. Khi con sóng đi qua, anh thấy M bị hất ngược lại. Nàng chới với; nhưng lập tức lấy lại thăng bằng và lại tiếp tục tiến ra trong lúc một con sóng to hơn lại lừng lững tiến về phía nàng.

Duy lao ra. Anh quên mất cả việc gọi M để nàng biết. Anh chạy. Anh cốước để khỏi bị cản lại. Sóng to và nước xiết mạnh hơn anh tưởng. Tiếng nước ầm ào như thể không phải một cơn thủy triều mà tất cả những con thác lớn trên thế giới đã quây lấy anh. Anh nhào xuống để bơi, chưa bao giờ cảm thấy bất lực như thế trước một thứ chảy trôi, dập dồi dưới cơ thể anh, cứ nâng và đẩy anh ngược vào bờ. Nước thúc vào ngực ran rát. Sóng táp thẳng vào mặt anh. Toàn bộ sức lực và quy luật của vũ trụ muốn đẩy anh quay lại bờ. Cái khoảng cách hơn chục mét giữa nàng với anh tưởng như vô tận.

Khi sau cùng anh cũng ra tới sau lưng M, thì nàng đang đứng ở chỗ cao mấp mé mũi. M sặc nước liên tục, ho, phun phì phì. Mỗi lần có sóng to đánh tới, nàng cố nhảy người lên cao khỏi mặt nước; và khi sóng qua, nàng lại chới với để tìm chỗ đặt chân. Khi nàng chuẩn bị hụp xuống lần nữa, anh lấy đà nhảy lên lao cả người vào nàng. Anh ôm chặt lấy nàng. Một cơn sóng to ập qua làm cả hai chới với. Anh lập tức thả lỏng người cho con sóng đẩy họ vào bờ. Anh đạp chân để nương theo nó. Chân M không còn chạm đất nên nàng cũng bị cuốn theo con sóng. Khi họ đứng lên, hai người đã ở chỗ an toàn. Nước cao ngang bụng M.

Mặt nàng nhợt nhạt, ròng ròng nước. Hai mắt đỏ hoe – vì nước biển chứ không phải vì khóc. Khuôn mặt M cho anh biết nàng vừa mới thực sự quyết tâm cứu anh chết đuối.

Khi M nhìn thấy anh, nàng lấy hai tay đẩy mạnh vào ngực anh rồi xăm xăm đi vào bờ. Nàng đẩy rất mạnh và dứt khoát. Anh loạng choạng lùi lại, ngã xuống. Bản năng bảo anh thả lỏng người. Sóng trào qua mặt anh, đẩy anh trôi dạt. Rồi nước nâng anh nổi lên một thoáng ngắn. Anh ngửa mặt nhìn thẳng. Trời trên đầu bảng lảng mây màu thép của bình minh. Những con mòng biển chấp chới trong gió, kêu lên những tiếng kíu kíu rời rạc. Anh có cảm giác mình là một cái xác cá trương phềnh đang trôi dạt. Anh đảo mạnh người.

Khi đứng được thẳng trở lại trong làn nước, anh mới ý thức rõ cái vừa xảy ra. Anh không thể tin M có thể liều chết vì anh – anh không tin bất cứ ai có thể liều chết vì một người không quen biết mấy mà không có kế hoạch gì. Anh có thể hi sinh cái hôn thú đầu tiên của anh cho một người đàn bà Honduras xa mà không mảy may động lòng. Anh có thể – và đã – hy sinh tiền bạc của anh để bảo lãnh tại ngoại, thuê luật sư, và nuôi cậu cậu bạn Honduras của anh một thời gian khi cậu ta bị bắt vì tội giả mạo giấy tờ. Anh đã quẳng bỏ cả sự nghiệp, cha mạ, và yên ấm. Anh đã cuốn nghiến quá khứ của anh lại, xếp nó vào một căn gác tối. Anh chẳng chờ đợi gì ở tương lai. Nhưng còn cái mạng sống tự do của anh vào chính hiện tại – anh không bao giờ có thể hi sinh nó cho bất cứ ai.

Nhưng có kế hoạch hay không không quan trọng. Quan trọng là M có thể đã chết – chết vì một trò ngu xuẩn kinh tởm của anh. Chết vì những thứ tín điều mơ hồ, những trò vè và trật tự của tâm tưởng mà anh tưởng anh đã thoát ra nhưng thực tế vẫn ngấm ngầm bao bọc anh và ở chỗ này chỗ khác lại túm được anh mà xỏ mũi kéo đi.

M vẫn đang xăm xăm rẽ nước đi vào bờ, không ngoảnh lại nhìn anh. Sóng ập vào bờ, liên tục trào qua vai anh. Nước đẩy anh xê dịch trên cát, rồi lại rút anh ra. Duy nhảy lên khỏi những con sóng. Anh khua mạnh hai tay để quạt nước. Anh đuổi theo M vào bờ.

Cái việc M không gọi người kêu cứu mà một mình lao ra trong lúc nàng không biết bơi là một việc làm Duy tò mò. Trong câu chuyện họ nói với nhau những tuần sau đó, anh phát hiện ra nàng có một tuổi thơ buồn. Bố mẹ nàng sống không hòa thuận; nhưng họ không ly dị mà chỉ ly thân. Anh có thể tưởng tượng cái đời sống ấy.

- Khi em thấy bố mẹ em cãi nhau, em có buồn không?

- Hồi bé thì có, về sau thì không – M nói bình thản.

- Sao lại không?

- Tại vì về sau em nhận ra nó chẳng liên quan gì đến em cả. Em ghét thấy người khác cãi nhau, bất kỳ ai cãi nhau em đều ghét… Bố mẹ anh có bao giờ cãi nhau không?

- Không… Chưa bao giờ.

- Anh may thật!

- Ừ, may – anh cười khẽ - Thế em làm thế nào?

- Chẳng thế nào cả. Em có cảm giác trong đầu em có sẵn một cái công tắc. Khi nào có người nổi nóng quanh em, em bật công tắc. Thế là em chẳng nghe thấy gì cả. Haha, em phải bảo vệ em trước thôi.

“Em phải bảo vệ em trước thôi”. Anh biết cảm giác này. Biết rất rõ l

- Mẹ em bảo em vô tâm. Tại vì lúc nào mẹ em nói xấu bố em, em chỉ ậm ừ… Nhưng anh nghĩ kỹ mà xem, nghĩ thật kỹ mà xem, thực ra thì có thể nói gì? Nguyên tắc của em là “khi không thể nói lời tử tế, hãy giữ sự im lặng cao quý”.

M nói rành rọt như đọc một câu kinh thánh. Rồi cười:

- Hay không?

- Hay! – anh cũng cười và nhìn M.

Trông M lúc này chững chạc hơn tuổi 22 của nàng rất nhiều; nhưng nàng cũng lại trẻ hơn tất cả những cô gái 22 tuổi mà anh biết.

Từ Los Angeles, họ đi Las Vegas. Một đêm khuya, sau khi lang thang qua các sòng bạc, họ lái xe về hướng nam của xa lộ I – 15. Ra khỏi thành phố, họ đi lấn xuống sa mạc Nevada. Anh mở nóc chiếc xe Sebring lật mui. Họ ngả ghế nằm nhìn trời. Đêm trên sa mạc trong vắt. Sao kết dày đặc như những mắt lưới của một tấm lưới đen khổng lồ. Bất thần, M đưa tay lên trời, nhấp nhấp ngón cái với ngón trỏ. Anh hỏi M đang làm gì.

- Bắt sao – M cười – trước khi bọn nó chết.

Anh ngã người sang rất nhanh. Một tay anh áp vào một bên má M và khẽ xoay mặt nàng ra phía anh. Anh hôn vào môi nàng.

Khi M lên 15 thì bố mẹ nàng ly dị hẳn. Nàng sống với mẹ.

Biết câu chuyện này, anh thấy thương M và anh ngầm kinh ngạc vào sức mạnh nào đó của nàng. Bởi vì bất chấp những bất hạnh trong quá khứ (hay chính vì những bất hạnh trong quá khứ?), nàng lớn lên thành một người lạc quan, cứng cỏi. Và giàu tình cảm một cách lạ lùng. Đặc điểm cuối cùng này là điều Duy biết ơn nhất. Và anh cứ thấy ở trong sâu, M giống anh lạ lùng. Nàng nhìn cuộc sống giống anh, trân trọng những điều giống anh, và cũng khinh rẻ những điều giống anh. Nàng “sạch” hơn. M “nhẹ” hơn anh nhiều – anh thường mơ hồ nghĩ thế.

Không lâu sau khi biết nhau thì anh chuyển đến sống với M. Anh thuê luật sư giỏi. Anh trả tiền cho cô gái Honduras để làm thủ tục ly dị thật nhanh. Anh ráo riết tìm cách ly dị như người tìm cách rũ một cơn bệnh chết người.

Rồi anh và M cưới.

Một buổi sáng thứ Bảy, hai người đến tòa thị chính của thành phố New York. Họ lấy số rồi kiên nhẫn đứng chờ sau một hàng người dài – chủ yếu là dân bản xứ nghèo và dân nhập cư. Khi số của ược gọi, họ vào một gian phòng nhỏ quét vôi xám. Anh và M đứng song song trước một thẩm phán da đen mặc áo choàng dài ngồi sau một chiếc bàn gỗ cũ. Ông thẩm phán đều đều hỏi hai người câu hỏi thủ tục: “Anh/chị có đồng ý lấy nhau làm vợ chồng nguyện suốt đời chung sống lúc vui cũng như lúc buồn đau ốm cũng như khỏe mạnh?”. Anh nói có. M nói có. “Tôi tuyên bố anh chị là vợ chồng theo luật pháp của bang New York”. Nhân chứng cho đám cưới của họ cũng là một nhân viên của tòa thị chính đứng sẵn trong phòng từ sáng.

Duy viết một lá thư ngắn gửi về nhà. “Con đã lấy vợ”. Chỉ có thế. Không ăn hỏi. Không đám cưới chính thức. Không liên quan đến ai khác ngoài anh và M.

Duy và M. Anh cất cái cuống vé máy bay từ New York đi Los Angeles vào trong ví.

Mùa đông đầu tiên họ sống cùng nhau trong căn hộ trên phố La Salle, họ ở lỳ trong phòng suốt những ngày tuyết lớn. Anh từ chối những lời mời đi làm xa. Có khi anh không rời khỏi nhà trong 2 tuần liền.

Anh đã không bao giờ kể cho M về tai nạn kia. Anh chỉ ngấm ngầm nghĩ rằng mọi việc từ nay ổn rồi. Anh vẫn không dám kéo lưới lên. Nhưng anh biết bên trong ấy có gì.

Từ lúc ấy, cuộc sống của Duy bước vào một khúc khác. Anh thấy mình như con thác cô độc trên núi cao, cuối cùng đã đổ ra đến bể và choáng ngợp trước sự bao la của nó – tình yêu của M, lòng tốt và sự can đảm ở nàng, sự kiên quyết theo đuổi cái đúng và cái công bằng, sự thấu hiểu và vị tha, sự chung thủy tuyệt đối và sự chia sẻ tuyệt đối mà nàng mang lại, thậm chí cả những thói quen lặt vặt của nàng. Anh chưa bao giờ biết rằng con người ta có thể hạnh phúc như thế với một người khác, theo một lối giản dị và tràn đầy như thế. Anh cứ nghĩ chỉ có thể có hạnh phúc tuyệt đối với chính mình, cứ có thêm một người khác nữa là hỏng, là phải nhượng bộ và đánh mất bản thân – điều mà anh không thể chấp nhận. Nhưng anh với M: cái ràng buộc, tin tưởng hoàn toàn khác hẳn. Họ tuy hai mà là một, tuy một mà là hai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.