Tiểu Phu Lang Ngoan Ngoãn

Chương 82



Sắp hấp màn thầu và bánh bao, trong lồng hấp còn mười một cái màn thầu, vì trong nhà nhiều người, chỉ ăn sáng thôi đã hết bảy, tám cái rồi. Vệ Lan Hương dậy sớm thấy vậy nói không thì chiên màn thầu đi, mấy năm rồi chưa ăn, lúc trước từng chiên bánh phồng rồi nhưng món đó khác.

Chiên màn thầu phải đổ không ít dầu vào nồi. Lục Cốc chưa từng làm nên Vệ Lan Hương cắt màn thầu thành từng miếng còn y làm trợ thủ, đốt lò đất ngoài bếp dùng bình gốm đun nước nóng.

Trước kia bọn họ gọi lò đất là lò thuốc vì dùng để sắc thuốc, nhưng mấy ngày trước Vệ Lan Hương cảm thấy cái tên này không hay, cả ngày cứ lò thuốc lò thuốc, không may mắn, vì Kỷ Thu Nguyệt đang có thai nên gọi là lò đất.

"Nương, chừng này dầu đủ chưa ạ?" Y đổ dầu vào nồi lớn, không biết cần bao nhiêu nên hỏi.

Vệ Lan Hương nghiêng đầu nhìn, nói: "Múc thêm hai muỗng nữa đi, ít dầu dễ cháy, chiên xong thì phần dầu thừa có thể để nguội rồi rót lại vào bình."

"Dạ." Lục Cốc nghe lời múc thêm hai muỗng.

Dầu nóng đun sôi, lúc chiên trong nồi kêu xèo xèo. Mười một cái màn thầu cắt được không ít miếng, lật bánh chiên tiếp, sau khi chiên xong gắp ra cho vào trong chậu lớn chứ để trong bát thì không đủ.

Bữa sáng hôm nay làm món khác, sau khi chiên xong còn không cần gọi, nhóm người Thẩm Huyền Thanh đã chân trước chân sau vào bếp vừa xem vừa chờ.

Lục Cốc cầm miếng màn thầu vàng óng, cắn một miếng giòn rụm, bên trong màn thầu không giòn nhưng nóng hổi mềm mại, thấy không có vị thì rắc chút muối lên trên, mằn mặn thơm ngon.

Màn thầu chiên ăn nóng là ngon nhất, lại còn có cả dầu cả muối, không cần xào thêm rau gì, khát nước thì uống chút trà nóng hoặc nước nóng là được rồi.

Một chậu màn thầu ăn hết không sót cái nào, đáy chậu còn dầu, Vệ Lan Hương không nỡ rửa hết đi nên nghiêng chậu đổ vào bình dầu một hồi, cuối cùng còn bẻ một miếng đậu phụ lau sạch dầu dưới đáy chậu.

Lục Cốc ăn xong không rảnh rỗi, đang cắt đậu phụ thành miếng và thái lát thịt. Hôm nay muốn làm bát hấp, đậu phụ phải chiên qua trước, cũng bởi vậy nên Vệ Lan Hương mới muốn tiện tay chiên màn thầu luôn.

Mùa đông lạnh, làm việc bếp núc sẽ phải động vào rau thịt lạnh, tay cũng sẽ tê cóng, càng đừng nói tới bị dính ướt. Vậy nên hấp bánh bao một lần phải làm mấy cái lồng hấp lớn, nếu không mấy ngày sau muốn ăn lại phải làm tiếp.

Thẩm Nhạn thêm nước lạnh vào bình gốm bên ngoài để đun, đợi lát nữa trộn bột phải dùng nước ấm. Nàng cũng không nhàn rỗi, vào phòng bếp giúp Lục Cốc thái thịt, dù sao hai người vẫn nhanh hơn chút.

Trong nhà chính, Kỷ Thu Nguyệt dùng đũa vớt rau sam trong chậu gỗ đã ngâm xong ra, nước quá lạnh nên nàng không dám thò tay vào vớt.

Cà tím khô và mộc nhĩ, tảo chuỗi ngọc đều ngâm một ít. Tối qua sợ đêm quá lạnh, nước đặt trong bếp sẽ bị đóng băng nên mang hết vào nhà chính.

Thấy Thẩm Nghiêu Thanh không có việc gì làm, nàng nói: "Đại Thanh, chàng lột lấy một cái bắp cải đi, rửa thêm hai củ cải nữa. Nương và bọn nhỏ không rảnh tay được đâu, còn trộn bột và chiên đậu phụ nữa."

Hôm nay tuy mặt trời đã lên, nhưng sáng sớm chưa ấm áp lắm, làm việc trong bếp phải xắn tay áo lên, nên mau chóng làm xong mới phải.

"Được." Thẩm Nghiêu Thanh đáp lại một tiếng. Anh thấy dùng đũa quá chậm nên dùng tay bớt cà tím và mộc nhĩ luôn.

"Chàng không lạnh hả?" Kỷ Thu Nguyệt ngẩng đầu trách cứ.

"Ta da dày thịt béo, không sợ." Anh mỉm cười, đứng dậy xách hai cái giỏ đi.

Mấy người Lục Cốc bận rộn trong phòng bếp, sau khi bột nở, Vệ Lan Hương gọi hai đứa con trai đến nhào bột. Hai thanh niên sức lớn lực lớn, chẳng mấy chốc đã nhào xong. Bà nhận lấy bột rồi lăn thành một dải dài. Vì hôm nay muốn gói bánh bao, màn thầu lại không cần phải cán nên dùng dao cắt gọn bột thành từng miếng rồi bỏ vào trong lồng hấp để nhi tử bưng đi phơi nắng một lát là được.

Ba loại nhân bánh bao đã được băm xong. Hai huynh đệ Thẩm Nghiêu Thanh và Thẩm Huyền Thanh đều ngồi vào, đốt chậu than dưới bàn, cả nhà cùng nhau gói bánh.

Bắp cải và củ cải là nhân thường ăn vào mùa đông. Rau sam hơi đen, trộn cùng ít đậu phụ và thịt. Cà tím là nhà trồng, năm nay có tiền nên Vệ Lan Hương mua thêm ít cà tím phơi khô. Mùa hè làm bánh bao cà tím cay rất ngon, vào đông không có ớt xanh nên băm ít mộc nhĩ và tảo chuỗi ngọc vào làm nhân.

Lục Cốc thấy Thẩm Huyền Thanh gói bánh vụng về, bỏ chiếc bánh mình đã gói xong vào trong lồng hấp rồi lấy thêm một cái vỏ bánh, động tác trên tay chậm lại, nhỏ giọng bảo Thẩm Huyền Thanh xem cách y gói.

Vệ Lan Hương vừa cán vỏ bánh vừa cười nói: "Ta cán vài cái bánh nhỏ, có cái loại bánh bao nhỏ chiên đấy thôi, ta cũng muốn thử xem sao."

Có tiền, có thời gian rảnh, chỉ cần không lười biếng, mọi người đều nguyện ý mày mò món mới.

Ba loại bánh bao trộn lẫn một chỗ, gói được ba cái lồng hấp. Nhân cà tím ít nhất, nhân bắp cải và rau sam nhiều hơn. Màn thầu cũng được ba lồng, may mà nhà họ nhiều lồng hấp, không cần đi mượn. Lồng đặt trên nồi lớn nên đều là lồng lớn, sáu lồng hấp này đủ cho bọn họ ăn một khoảng thời gian.

Thẩm Huyền Thanh nhét củi lớn vào đáy bếp, lửa cháy phừng phực.

Sau khi bánh bao được hấp xong, dù chưa đến bữa trưa, cả nhà nhân lúc bánh bao nóng hổi tươi ngon đã ăn trước một bữa.

Rau sam dai dai, thêm cả mùi thơm của thịt băm và đậu phụ, ngon hơn bánh bao gói nguyên rau dại lúc trước Lục Cốc ăn rất nhiều.

Nhân cà tím cũng ngon, vì mùa hè lúc họ làm nhân cà tím đều cho thêm ớt xanh vào, có ớt thêm cay thêm thơm nên Vệ Lan Hương bưng bát dầu ớt tới để cả nhà chấm bánh bao.

Ăn uống xong là hết một buổi sáng.

Mặt trời đã lên nhưng vẫn không ấm lắm, trên bầu trời thỉnh thoảng lại có vài đám mây trôi qua che khuất mặt trời. Hôm nay không có tuyết, Thẩm Huyền Thanh không có việc gì làm nên cõng cái sọt tre lên núi nhặt khúng khéng*. Trong trấn có người gọi đây là chỉ cụ**, sau khi tuyết rơi ngọt hơn chút, đã đến lúc đi nhặt rồi.

(*) nguyên văn là 木拐爪 nhưng tớ không search ra cây này mà chỉ search ra (**) nguyên văn là 拐枣, nghĩa là khúng khéng, chỉ cụ. Cây này có nhiều tên nhưng tớ chỉ lấy hai tên này để thế vào 2 chỗ kia thui. Cụm quả dày, nhiều đường, có thể ăn sống, ủ rượu, nấu mật.

"Vậy mấy đứa đi đi, ta ở nhà cùng a tẩu các con." Vệ Lan Hương thêm hai cành củi nhỏ vào lò đất. Trời lạnh muốn uống trà nóng, nước trong bình gốm sau khi đun sôi thì đun nhỏ lửa trên lò đất, muốn uống thì có thể uống luôn, chứ nếu đợi đến lúc khát mới đun nước thì sẽ cực kỳ khát.

Lục Cốc và Thẩm Nhạn cùng nhau lên núi. Tuyết đọng trên núi chưa tan hết, tiền sơn có một cây khúng khéng, cách không xa nên Thẩm Huyền Thanh không dẫn chó theo cùng.

Sau khi bọn họ đi, Thẩm Nghiêu Thanh ra ngoài đi dạo. Anh là con cả trong nhà, trong thôn có chuyện gì vẫn nên đi thăm dò tin tức xem sao. Trương gia vẫn loạn như trước, giờ không tiện đi vào hỏi thăm nên anh đến nhà Toàn tử.

***

Thẩm Huyền Thanh theo trí nhớ tìm được cây khúng khéng, không ít quả rơi trên mặt đất, trong tuyết và cỏ khô đều có, vừa chín đã tự rơi xuống, những chuỗi nhỏ gắn với nhau, nhặt từng cành lên bỏ vào sọt tre.

Quả khúng khéng trông giống đầu mẩu gỗ, nhưng cũng là một loại quả, phải chín mới ngon, nếu không sẽ chát. Cây khúng khéng đã trưởng thành không dễ trèo, huống hồ trên cây đa phần đều là quả chưa chín, cũng không cần kéo cành xuống, nhặt trên mặt đất là được.

Thẩm Nhạn ngắt vài quả trên cành nhỏ nếm thử, nói: "Cốc tử ca ca, ngọt lắm, về rửa sạch là ăn được rồi."

Quả khúng khéng nhặt trong tuyết lạnh vô cùng, Lục Cốc nghe vậy cũng hờ hờ tay ngắt nếm thử, thật đúng là vừa giòn vừa ngọt. Y nhớ quả này còn thể dùng để ủ rượu nữa.

Mùa đông được ăn quả ngọt thật tốt. Ba người hào hứng nhặt quả trong tuyết. Thẩm Huyền Thanh từ nhỏ đã chạy trên núi, nơi nào có cây khúng khéng hắn đều biết cả, ba người đi bộ nhặt nhạnh trên núi gần một canh giờ, sọt tre đã đầy.

Sau này mấy quả trên cây còn có thể chín, đến lúc đó lên nhặt vẫn được, nếu trong nhà không ăn hết thì có thể mang đi bán, vậy nên lúc bọn họ xuống núi cũng gặp được người trong thôn lên núi nhặt.

Lúc đi chỉ cõng một cái sọt tre, đầy rồi thì không nhặt được nữa, hơn nữa trên núi không chỉ có hai ba cây khúng khéng, đi dạo vài nơi khác cũng có.

Sau khi về đến nhà, Lục Cốc và Thẩm Nhạn đều ấp tay lên thang bà tử sưởi ấm, không hẹn cùng nghĩ có thứ này thật sự rất tốt, rất ấm áp.

Vệ Lan Hương và Kỷ Thu Nguyệt cầm kéo cắt bỏ những quả khúng khéng thối đen đi, còn lại nhặt vào trong nia tre. Mùa đông này đụng tay vào nước không dễ chịu gì nên rửa sạch hết để ráo, muốn ăn có thể lấy ăn luôn, không cần rửa nữa.

"Đi nhặt thêm vài lần nữa rồi đem đi hấp chín phơi khô. Năm nay ủ ít rượu, ngọt thanh chúng ta cũng có thể uống. Nếu nhặt được nhiều hơn nữa thì nấu thành nước mật, đến lúc đó có thể làm làm bánh bò*, tô lạc**, ít nhiều có thứ mới mẻ mời khách vào dịp đầu xuân năm mới." Vệ Lan Hương vừa cắt vừa nói.

*Bánh bò (发糕): loại bánh được làm từ bột gạo, đặc biệt thành phần chủ yếu là tinh bột gạo. Bánh bò được xem là món bánh rất phổ biến nhiều nơi ở Việt Nam.

**Tô lạc (酥酪): sản phẩm sữa truyền thống của Trung Quốc, chủ yếu được làm từ sữa dê, sữa bò,...Tớ không tìm được tên tiếng Việt của món này nhưng nôm na nó là hấp sữa với nước gạo hay gạo gì đấy xong để nguội trông núng nính như sữa chua í:333.

Kỷ Thu Nguyệt đáp: "Ý này hay đấy nương, nếu mà nấu được nhiều nước mật thì con ăn củ rễ ngọt không cần chấm mật ong, chỉ cần chấm cái này là được."

Vị ngọt của củ rễ ngọt quá nhạt. Mật ong năm nay Thẩm Huyền Thanh tìm được không bán. Mật ong dù sao vẫn khá đắt, đôi khi không nỡ ăn, nấu được nước rồi thì không cần quá tiết kiệm.

Nói đến bánh bò, Vệ Lan Hương bỗng nhớ tới điều gì đó quay đầu nói với Kỷ Thu Nguyệt: "Lần trước tam thúc con cho ít táo đỏ đúng không? Không phải hôm qua con bảo Đại Thanh là muốn ăn món điểm tâm gì đó sao, mai nương làm bánh táo cho con nhé."

Mấy ngày nay đường không dễ đi, Kỷ Thu Nguyệt không giục Thẩm Nghiêu Thanh lên trấn, chỉ là nhớ tới hương vị của điểm tâm nên nói chơi vậy thôi, không ngờ Vệ Lan Hương cũng biết.

Nàng mím môi cười nói: "Dạ được ạ, mai con làm với nương."

Táo đỏ là lần trước Thẩm Huyền Thanh nhận được khi cho Thẩm Thuận Vượng thịt lửng. Nhà mình không ai thích ăn thịt lửng, nhưng có không ít nên mang đi cho họ hàng thân thích có quan hệ tốt cũng được.

Đang nói chuyện, Thẩm Nghiêu Thanh từ bên ngoài trở về, thấy trong nia tre có không ít khúng khéng nên ngồi xổm xuống nhặt vài quả ăn. Anh không đứng dậy, cứ ngồi xổm ở đó nói: "Chính Tử mất rồi."

Vệ Lan Hương dừng việc trong tay lại, mãi lâu sau mới khẽ thở dài một tiếng. Trương Chính Tử bằng tuổi Thẩm Huyền Thanh, qua năm nay mới mười chín tuổi, bà thở dài rồi hỏi: "Nương nó thì sao?"

"Lúc đầu không biết, vừa biết thì không thở nổi, đã ngất xỉu rồi." Thẩm Nghiêu Thanh đáp.

Nhớ tới Tiểu Trương thị, Vệ Lan Hương lại thở dài, hỏi: "Thế còn Uyển Vân?"

"Choáng váng, không có phản ứng gì, không nói được lời nào. Phu lang Toàn tử rìu nàng vào phòng y ngủ rồi." Thẩm Nghiêu Thanh nói xong, ngược lại cảm thấy Trương Chính Tử ra đi sẽ tốt hơn cho tiểu Trương thị, không ai đánh nàng nữa, nhưng nàng sẽ trở thành một quả phụ góa chồng.

Bất kể là Thẩm Huyền Thanh hay Thẩm Nghiêu Thanh thì đều cảm thấy nam nhân đánh tức phụ và phu lang là những người kém cỏi nhất. Ngày thường họ rất khinh thường Trương Chính Tử, nhưng giờ người chết rồi, không có chuyện khinh thường hay không gì ở đây nữa.

"Không nói bao giờ chôn sao?" Vệ Lan Hương lại cắt khúng khéng nói.

Trương Chính Tử còn quá trẻ, chưa có một đứa con nào. Thôn Thanh Khê bọn họ còn tốt, nếu là ở nơi khác có khi còn không được vào mộ tổ tiên.

"Ở đó nhiều người rối loạn lắm nương. Con chỉ nghe cữu gia nói là dừng ba ngày, mọi thứ đều làm đơn giản thôi." Thẩm Nghiêu Thanh nói xong lại nhặt khúng khéng ăn, bị Kỷ Thu Nguyệt đánh vào tay bảo anh đi rửa sạch.

Thẩm Nghiêu cười khẽ, nắm lấy một nắm khúng khéng, đứng dậy nói: "Rửa nhiều một chút cho mọi người cùng ăn luôn."

Lục Cốc ngồi cạnh nghe, nghe được tin Trương Chính Tử chết thì hơi sửng sốt, lại nhớ tới Lý Uyển Vân, nghe Thẩm Nghiêu Thanh nói nàng đang choáng váng, không nói nổi câu nào, trong lòng hơi khó chịu. Lý Uyển Vân nói chuyện yếu đuối, dù y chưa tiếp xúc nhiều lắm, nhưng y cảm thấy nàng là một người thành thật, tốt bụng.

Vệ Lan Hương Mộc còn chưa cắt xong khúng khéng, bỗng lại nhớ ra điều gì đó, vội vàng vào phòng lấy trong rương ra một miếng vải đỏ, ngồi ở bên giường cắt một đoạn, mang ra cho Kỷ Thu Nguyệt, thấp giọng nói: "Mấy ngày nay con đừng ra ngoài, đi thay cái đai lưng này đi."

Trương gia cách quá gần, sợ đụng chạm, phải lấy vải đỏ chắn lại. Kỷ Thu Nguyệt không nói nhiều, lập tức về phòng đổi đai lưng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.