Tưởng thị vừa thấy Vương Tự Bảo về liền lập tức đứng dậy, đi về phía trước rồi đón lấy Vương Tự Bảo từ tay Vương Dụ Phổ.
Bà sờ trán của Vương Tự Bảo để xem có mồ hôi không. Thấy trán con vẫn khô mát, bà yên tâm rồi nói với giọng trách mắng: "Ta biết ngay là không thể để con ra ngoài mà, vừa đi ra là ham chơi ngay, chẳng còn biết đường về nhà sớm nữa. Ngoan, nói mẫu thân nghe nào, có nhớ mẫu thân không?"
Thấy mẫu thân mình quan tâm đến mình như vậy, Vương Tự Bảo có hơi xấu hổ, cả ngày hôm nay chơi nhiệt tình quá nên chẳng nhớ đến mẫu thân lắm.
Tất nhiên ngoài miệng thì không thể nói thế rồi. Đầu tiên là cô bé ngoan ngoãn hôn mẫu thân mình chụt một cái, sau đó khéo léo trả lời: "Nhớ, nhớ lắm ạ."
Rồi quay đầu về phía sau, chìa chiếc tay mũm mĩm về phía Hương Thảo, nói: "Đưa hà bao đây."
Hương Thảo vội vàng tiến lên, đưa hà bao cho cô bé.
Tưởng thị thấy con gái mình lục lọi trong chiếc hà bao căng phồng một hồi rồi đưa cho bà một viên hồng ngọc to: "Mẫu thân, quà Bảo Muội mang về cho mẫu thân này."
"Bảo Muội cho mẫu thân cái này à?" Khỏi phải nói Tưởng thị xúc động và vui mừng đến mức nào. Con gái mới bé tí mà đã biết tặng quà cho bà, hơn nữa còn là một món quà rất quý và đẹp đẽ nữa. Điều này chứng tỏ con gái của bà không những hiếu thảo mà còn có mắt thẩm mỹ.
"Vâng. Còn có cả của tổ mẫu nữa." Bảo Muội gật mạnh một cái.
Sau đó lại lục hà bao, lấy ra một chiếc vòng ngọc sáng đẹp. Đây là món quà gặp mặt của đích nữ thứ hai Liễu Tư Tư của Lễ bộ Thượng thư, người đi cùng Trương Quân Nhan, tặng cho cô bé.
Tỷ tỷ tên Liễu Tư Tư này dù mới chỉ mười tuổi nhưng đã lộ rõ nét đẹp của mỹ nữ. Nàng có tính cách hoạt bát, rất hay cười, nhất là khi cười còn có lúm đồng tiền như ẩn như hiện nữa.
Vương Tự Bảo tỏ ý muốn mẫu thân mình bế mình đến chỗ tổ mẫu.
"Tổ mẫu, Bảo Muội nhớ người lắm." Nói xong thì cô bé đưa vòng ngọc cho Lý thị bằng cả hai tay.
Lý thị nhận lấy vòng ngọc và luôn miệng khen đẹp, còn nâng lên hạ xuống để ướm một hồi rồi mới đưa cho đại nha đầu Hoàn Thúy cất kỹ càng. Sau đó bà ôm Vương Tự Bảo vào lòng, hôn một lúc rồi nựng cô bé mãi.
Tiếp đến, Vương Tự Bảo mang hết quà nhận được hôm nay để tặng cho mọi người.
Vương Dụ Phổ cứ nghĩ Vương Tự Bảo sẽ tặng mình cây quạt kia, ấy vậy mà Vương Tự Bảo lại tặng cho tổ phụ.
Thế là Vương Dụ Phổ nhìn tổ phụ của mình bằng ánh mắt ai oán, ầy, thôi vậy, tạm biệt cây quạt "Thanh Sơn Vụ Mông".
Trông thấy Nhị ca như vậy, Vương Tự Bảo cười thầm trong lòng. Sau này ca ca phải tự mình đến xin tổ phụ thôi. Nhưng mà tình hình trước mắt thì tổ phụ cực kỳ yêu thích cây quạt đó, nên có lẽ con đường đòi quạt của Nhị ca sẽ rất gian khổ đây, có khi còn xôi hỏng bỏng không nữa chứ.
Vì hôm nay mọi người tập trung khá đầy đủ nên cũng bắt đầu thảo luận về hôn sự diễn ra vào ba tháng sau của đích trưởng tôn Vương Dụ Trạch.
Vì là đích trưởng tôn nên ban đầu, việc chọn cháu dâu cũng khiến mọi người phải hao tâm tổn sức. Đây dù gì cũng sẽ là tông phụ* của dòng họ. Mọi sự tốt xấu của nàng dâu này sẽ liên hệ trực tiếp đến tận mấy đời sau, và cũng phải tính đến tình hình của triều đình nữa.
(*) Tông phụ: vợ cả của con trai trưởng.
Phải cân nhắc chu toàn mọi phương diện mới được.
Qua nhiều lần gặp mặt và hỏi thăm, cuối cùng họ chọn được nàng dâu cho trưởng tôn là Triệu Diệc Như - đích trưởng nữ của Thái phó đương triều.
Mặc dù đã hai năm trôi qua kể từ khi tổ chức lễ vấn danh, nhưng càng gần ngày cưới, những chuyện cần phải chuẩn bị ngày càng nhiều.
Là Hầu phủ, ngoài tài sản của mình ra thì còn có tặng phẩm từ ơn trên, bổng lộc của đàn ông trong nhà mặc dù đều sung vào quỹ chung, nhưng trong một năm qua cũng chỉ có vài vạn lượng bạc mà thôi. Hầu phủ này vẫn chưa phân phủ, người của mấy thế hệ cùng sống với nhau, tiền ăn ở đều tính vào quỹ chung.
Ngoài ra còn phải nuôi mấy trăm nô bộc, tính ra cũng tiêu tốn không ít tiền.
Thêm vào đó, mỗi khi có chuyện lớn như ma chay cưới hỏi, rồi đến những dịp tụ họp như sinh thần, mừng thọ, thăng chức,... là số bạc tiêu tốn lại nhiều như nước.
Từ Lý thị đến các chị em dâu đều mang theo của hồi môn khi về nhà chồng, nhưng nếu phủ này phải dùng đến đồ của họ thì cũng cách sự suy tàn chẳng bao xa.
Huống hồ của hồi môn của nữ tử đều sẽ để lại cho con của mình, ai mà bằng lòng đem cho người khác tiêu xài cơ chứ. Nhất là khi sau này chắc chắn sẽ phải phân nhà, nhà ai lại không để dành cho mình đồ dự phòng?
Thế nhưng những món đồ để cho con cái dùng khi thành thân cơ hồ đều phải tặng cả cho những đứa con khác. Chính vì vậy, ở vấn đề này, ai cũng cố gắng tranh thủ cho nhà mình.
Đương nhiên Tưởng thị cũng không ngoại lệ.
Theo lý mà nói, hơn nửa số gia sản trong phủ sẽ thuộc về đại phòng. Nhưng có ai lại chê tiền bạc bao giờ? Lúc tranh được thì sao lại không tranh chứ?
Nếu Vương Dụ Phổ biết mẫu thân mình nghĩ như vậy trong lòng thì chắc chắn sẽ không còn thấy việc Vương Tự Bảo mê của là vấn đề nhức đầu nữa.
Tất nhiên Nhị phòng và Tam phòng cũng nhân cơ hội này để dốc sức tranh giành lợi ích cho nhà mình.
Dù gì thì Vương Dụ Hải - đích trưởng tử của nhị phòng, xếp thứ hai của đời cháu trong Hầu phủ, năm nay cũng đã mười lăm tuổi, tức đến tuổi cần bàn chuyện kết hôn rồi. Đích trưởng tử của tam phòng, xếp thứ năm trong Hầu phủ - Vương Dụ Châu - cũng đã qua tuổi mười một. Lại thêm thứ tử và thứ nữ của nhị phòng, tam phòng, rất nhiều người trong số đó cũng sắp đến tuổi kết hôn.
Lần thảo luận này liền loạn hết cả lên.
Cuối cùng, Vương lão gia quyết định, vì Vương Dụ Trạch là trưởng tôn của đại phòng nên số tiền lấy từ quỹ chung để thành hôn ít nhất cũng phải năm vạn lượng bạc.
Những đích tử khác bất kể có là đại phòng hay nhị phòng, tam phòng, mỗi người sẽ được chi ba vạn lượng.
Với đích nữ duy nhất của phủ, tức là Bảo Muội của chúng ta, của hồi môn ngoài tiền bạc tự tích góp ra, quỹ chung sẽ chi ba vạn lượng.
Sau khi thành thân, thứ tử phải lập tức xuất phủ, mỗi người sẽ được nhận năm ngàn lượng. Quỹ sẽ không phụ trách chi tiền để mua nhà, mỗi phòng phải tự lấy tiền của mình để mua.
Trừ tiền của do mình tích góp ra, thứ nữ khi thành thân sẽ được nhận hai ngàn lượng bạc để làm của hồi môn.
Làm thế này trông thì công bằng nhưng thực ra đại phòng lại khá thiệt thòi. Dù gì chi trưởng cũng không có thứ tử, hiện tại thứ nữ cũng chỉ còn mỗi Vương Tứ nương.
Như vậy so với Nhị phòng và Tam phòng thì bị thiệt rất nhiều bạc. Nhưng Tưởng thị lại không hề để tâm đến điều này.
Không còn bị thứ tử, thứ nữ đến quấy rầy nữa khiến bà vui vẻ vô cùng. Bây giờ lại không còn Nguyệt di nương với Vương Đại nương, Vương Tử Nghĩa cũng không qua đêm ở chỗ di nương ở hậu viện nữa, những lời bên gối cũng chẳng còn. Vô hình trung bà đã bớt đi được rất nhiều rắc rối.
Qua lần họp gia đình này, Vương Tự Bảo cũng đã thấy được sóng ngầm mãnh liệt cuộn trào dưới vẻ ngoài bình lặng của Hầu phủ.
Thời gian trôi đi thật nhanh, thoắt cái đã đến ngày đón dâu của Vương Dụ Trạch.
Đầu tiên là nhà gái phái người đến đo đạc gian phòng trong Hưng Trạch Viện mà Hầu phủ đã chuẩn bị cho hôn sự của Vương Dụ Trạch, từ đó bày biện vật dụng và những món đồ lớn.
Trước hôm đón dâu một ngày, Vương gia sẽ đưa lễ phục, trang sức và son phấn đã chuẩn bị qua Triệu phủ, lại đưa cả gia súc, rượu và bánh ngọt để Triệu gia đãi khách. Đồng thời, Triệu gia cũng đem đồ cưới đến Vương gia rồi bày ra để người bên nhà trai thấy.
Của hồi môn của Triệu thị tổng cộng có một trăm hai mươi tám rương, là đích trưởng nữ của Thái phó đương triều, từ nhỏ Triệu Diệc Như cũng đã bắt đầu tích góp đồ cưới rồi. Giờ đây mối hôn sự với Hầu phủ cũng được coi là cao quý, để con gái mình khi đến nhà chồng không bị người ta coi thường, lần này Triệu gia cũng cố gắng lấy hết đồ tốt trong nhà mình ra để làm của hồi môn mang sang bên đó.