Ngoài trời mưa phùn lất phất bay, những giọt mưa thấm ướt, loang đậm trên mũi đôi bốt màu đỏ của cô, cô kéo theo vali, co ro ngồi chờ ở bến xe buýt, trên người vẫn mặc độc chiếc váy mỏng tang từ ngày hôm qua.
Những chuyến xe ở bến này dường như không nhiều. Cô có cuộc hẹn lúc 11 giờ 30 với luật sư Đới Đức Lễ.
Xe buýt ơi mau đến đi!
Xe cộ trên đường từng chiếc từng chiếc vụt lướt qua. Cô mông lung nghĩ về khuôn mặt đượm vẻ trầm buồn kia. Người ấy đã chết rồi sao? Vì sao lại chết? Là tự sát chăng? Mà dường như từ trước đến nay cuộc sống của người ấy chỉ toàn một màu muộn phiền u tối. Khỉ bà ấy chết, có phải chỉ cô độc một mình?
Hỷ Hỷ nhớ về lần đầu tiên khi nhìn thấy khuôn mặt đó, không hề giống như vậy, đó là một khuôn mặt tròn trịa, và căng tràn hy vọng.
Năm cô lên sáu tuổi, một ngày nọ bà bảo mẫu dẫn cô vào phòng làm việc của viện trưởng, khuôn mặt ánh lên niềm hy vọng kia khi vừa nhìn thấy cô, liền nở một nụ cười rạng rỡ, khiến cô cảm thấy ấm lòng. Người đàn ông đứng bên cạnh cô, thì dường như chẳng có bất kỳ biểu cảm nào.
Viện trưởng nói với cô rằng, hai người này là ông bà Tân.
Bà Tân ngồi xuống, vuốt nhẹ lên khuôn mặt cô, rồi mỉm cười nói:
“Ôi Hỷ Hỷ! Trông con thật bé nhỏ!”
Một chiếc xe buýt rẽ vào trong bến, cửa xe lạch cạch mở ra, Hỷ Hỷ kéo hành lý lên xe. Trên xe chỉ có mấy người, nhưng cô vẫn ngồi tít ở phía sau, đặt chiếc túi đang đeo trên vai và vali sang bên cạnh. Chiếc xe chầm chậm đi về phía trước, cô tháo chiếc mũ len đang đội, vẩy vẩy nước mưa xuống sàn xe, sau đó lại đội lên. Đôi mắt đen láy dõi ra màn mưa bên ngoài ô cửa một cách vô hồn.
Một buổi sớm đầu tháng 8, người ấy cùng chồng đến cô nhi viện để đón cô về nhà. Cô không nỡ rời xa anh, khóc lóc mãi không chịu lên taxi, họ phải bế thốc cô ngồi vào trong khoang xe.
Chiếc xe đi qua một quãng đường rất xa, rồi dừng lại bên ngoài một tòa nhà cũ kỹ.
Cô khóc nhiều đến nỗi thấm mệt, người ấy bế cô xuống xe. Cô gục đầu trên đôi vai mềm mại của bà, mở to đôi mắt mệt mỏi nhìn về phía căn nhà, chợt thấy trên ban công tầng hai có một khóm nho leo tím rất đẹp leo tràn quanh dãy lan can sắt.
“Đây là nhà của chúng ta!” Người ấy chỉ cho cô thấy.
Nhà mới của cô là một căn hộ chung cư nhỏ được chia làm hai phòng, khu nhà thoải dài, có một chiếc kệ nhét đầy những quyển sách. Những mảnh sứ ghép hình hoa vàng đã úa màu thời gian, và ô cửa kính màu xanh cũng đã chuyển sang màu u tối.
Chiếc giường trong căn phòng được chuẩn bị sẵn cho cô chất đầy những chiếc váy mới và đồ chơi.
Người ấy kéo tay cô nói:
“Hỷ Hỷ, sau này con sẽ ở đây nhé?”
Cô nước mắt lưng tròng, thổn thức hỏi:
“Bác Tân, bác có thể nhận nuôi luôn anh của cháu được không?”
“Nếu như con ngoan, không lâu nữa ta sẽ đón anh con về ở cùng con. Sau này hãy gọi ta là mẹ, được không nào?”
“Mẹ.”
Hình như người đó không thể sinh nở, cho nên đành phải nhận nuôi. Người chồng của bà có bồ nhí bên ngoài nên rất ít khi về nhà. Cứ về đến nhà là hai người lại lao vào cãi vã, lần nào cãi vã ông ấy cũng tức giận nói rằng:
“Ất, cô làm thế này rõ ràng là không muốn tôi về nhà nữa!”
Và quả thật, ông ta không còn quay về nữa.
Từ đó về sau, người ấy không còn quan tâm chăm sóc đến bụi nho leo kia, phó mặc nó mọc um tùm trên ban công.
Cứ mỗi lần, khỉ Hỷ Hỷ nhắc đến chuyện nhận nuôi anh trai là dường như bà lại vờ như không nghe thấy. Cuối cùng có một lần, bà ấy quát ầm lên rằng:
“Mẹ không bao giờ nhận nuôi anh con! Mẹ ghét con trai! Mẹ cũng chẳng bao giờ nhận nuôi ai nữa, con cái thì có tích sự gì cơ chứ!”
Từ đó trở đi, Hỷ Hỷ không bao giờ đề cập đến chuyện ấy nữa.
Khi lên lớp, cô thường nằm mơ giữa ban ngày.
Lúc ở nhà, mặc dù đã từng thử cố gắng biết ơn và thương cảm người phụ nữ ấy, nhưng không hiểu vì sao dường như cô luôn muốn trả thù, thường xuyên nghĩ trăm phương ngàn kế để khiến cho người ấy nổi điên lên.
Người ấy oán thán với cô rằng:
“Ngày hôm đó khi lần đầu tiên nhìn thấy con trong cô nhi viện, trông con thật khổ sở đáng thương biết mấy, như thể nếu mẹ không nhận về thì con hẳn sẽ không sống nổi. Nhưng hãy thử nhìn lại con bây giờ xem, cho dù chỉ còn một hơi thở, con cũng sẽ cứng đầu đối chọi lại với mẹ bằng được. Con đã lừa mẹ!”
Rốt cuộc là ai đã lừa ai chứ?
Người đó thường than thở với bạn bè:
“Nó là đứa vô lương tâm! Nếu sớm biết nó như vậy tôi đã không nhận nó về! Tiền của mình thì mình tiêu, chẳng cần phải nuôi con của kẻ khác!”
Năm đó cô 14 tuổi, một ngày của tháng 11, cô tan học và trở về nhà, phát hiện thấy toàn bộ đồ đạc của mình đều đã bị thu dọn và đặt gọn bên ngoài cửa. Người đó ngồi trên chiếc ghế trong phòng khách, hướng khuôn mặt ra ngoài cửa chính, dường như đã đợi cô từ rất lâu rồi.
“Ta làm xong thủ tục rồi, người của cô nhi viện sẽ đến đón con về, nhanh thôi. Ta bỏ cuộc rồi! Ta chẳng thế nào quản được con.” Người ấy lạnh lùng nói.
Nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt, cô khẩn khoản cầu xin người ấy giữ cô lại.
Người ấy nhìn cô hồi lâu, buông từng lời không chút động lòng:
“Ta không tin con nữa! Dù cho ta có yêu con đến thế nào, thì con vẫn không hề yêu ta! Con cút đi! Cút về đi! Việc gì ta đã quyết sẽ chẳng bao giờ thay đổi được đâu.”
Rồi đột nhiên, từng hồi chuông ở đâu vọng đến, là tiếng chuông ngoài cửa. Mắt ngân ngấn nước, cô bất giác ngoảnh lại nhìn tlần tlần về phía cánh cửa đóng kín.
Người ấy vẫn ngồi trên ghế, lẳng lặng nói:
“Mau ra mở cửa đi, con tự do rồi! Đó là điều con muốn mà.”
Trải qua một chặng đường rất dài, cô lại trở về chốn cũ.
Thế nhưng, anh đã không còn ở cô nhi viện nữa.
Xe buýt cập bến lố nhố người, cô chen xuống xe, kéo hành lý đi xuyên qua con ngõ nhỏ, rẽ sang một con đường, rồi tìm đến một tòa nhà thương mại kiểu cũ, nơi đặt văn phòng của luật sư Đới Đức Lễ.
Ánh mắt cô chầm chậm ngước lên, hướng về phía những khung cửa nâu bám đầy mảng bụi, lúc này đây, cô chợt nhớ về đám nho leo tím mọc tràn ban công từng ùa vào tầm mắt trong trẻo của cô năm ấy.