Tinh Hà Rực Rỡ, May Mắn Thay

Chương 23



Có thứ chạm vào chân Thiếu Thương, nàng ngẩn ra, đoạn cúi đầu nhìn. Thấy quả tú cầu ấy làm rất khéo, những thanh tre trắng quấn chéo thành hình tròn mỏng, thắt khăn gấm màu xanh mặt hồ ở vài nơi, treo hai ba chiếc chuông nhỏ, những lúc lăn phát ra âm thanh réo rắt êm tai, tựa như chú mèo đang nhẹ nhàng kêu.

“… Vị nữ công tử này, tại hạ thất lễ.”

Một giọng nam trong trẻo cất lên, Thiếu Thương vội ngẩng đầu, một chàng công tử trẻ tuổi đứng cách nàng bảy tám bước chân, cơ thể cao ráo, vai lưng thẳng tắp, mặc khúc cư thâm y màu xanh lam điểm xuyết chỉ vàng, hai tay lồng trong tay áo. Sau lưng chàng là một ngọn đèn lớn, lửa cháy rừng rực, vì chàng đứng ngược chiều sáng nên Thiếu Thương không trông rõ mặt chàng.

Thấy Thiếu Thương ngơ ngác, người kia khẽ cười, chầm chậm bước đến, đứng cạnh vũ tỳ và gia đinh đã đặt tay lên hông. Chàng ta làm như không thấy sự đề phòng ở họ, đi thẳng tới gần Thiếu Thương, cúi người nhặt quả tú cầu lên, thắt lưng dẻo dai, khi thẳng người dậy, chiếc bóng còn bao trùm lên cả Thiếu Thương. Lúc này Thiếu Thương mới trông rõ, mái tóc dài như lông quạ của chàng ta lay động khi chàng ta đứng lên, dưới ánh lửa hừng hực, trông như sợi tơ trôi nổi.

Chàng ta chắp tay chào Thiếu Thương đúng chuẩn văn nhân, sau đó xoay người bước đi, cho tới lúc khuất bóng.

Thế là xong? Thiếu Thương cảm thấy khó hiểu.

Cách bắt chuyện ở thời đại này lạ thật đấy, lẽ nào không phải nên để lại tú cầu cho nàng, rồi sau đó đến đòi à? Bạch Nương Tử người ta là làm vậy với Hứa Tiên mà. Hay người ta chỉ thật sự đến nhặt tú cầu, là nàng tự mình đa tình?

Thiếu Thương lắc đầu, nàng vẫn chưa rèn luyện kỹ ở phương diện này rồi.

Kiếp trước rút khỏi chốn giang hồ sớm quá, trước lép sau phẳng chưa dậy thì nên không ai ngó ngàng, với cả thẩm mỹ của bọn côn đồ trấn trên cũng không ra gì. Rồi sau đó, tuổi thanh xuân rung rinh của nàng đã phải chia đều giữa nam thần ánh trăng nhà bên và kiểu học tập đầy địa ngục.

Không hiểu thì thôi bỏ đi, Thiếu Thương chẳng phải dạng người đa tình, tiếp tục vui vẻ thả bước ngắm đèn hai bên đường.

Có câu xu thế thiên hạ, xa lâu thì hợp, hợp mãi lại xa. Nhóm Trình gia đi tới đầu ngã rẽ thì bề trên bắt đầu phát sinh bất đồng ý kiến.

Trình Thủy nghe bên kia rộ lên tiếng trầm trồ tán thưởng, bèn đề nghị mọi người đến xem biểu diễn đấu kỹ; Tiêu phu nhân lại thấy ở Phượng Thủy lâu nằm gần phía trước đèn đóm sáng trưng, tiếng cười ồn ào, muốn đến nghe các nho sinh luận phú đàm kinh. Hai vợ chồng đứng đối lập nhau, giả bộ ngẩng đầu trợn mắt nhìn đối phương, song lại không giấu được ý cười trong mắt.

Cả nhà họ Trình đứng đầu ngã tư, rất dứt khoát chọn phe: Tang thị, Thiếu Thương, Trình Tụng và hai bé Kiến – Âu đứng sau lưng Trình Thủy; Trình Thừa, Trình Chỉ, Trình Vịnh, Trình Thiếu Cung và Trình Ương đứng sau lưng Tiêu phu nhân.

Hai phe vạch rõ ranh giới, thành lũy rõ ràng.

Chỉ có Trình mẫu là khó xử.

Luận tình cảm, bà chỉ muốn đi với cậu con út chẳng mấy hôm nữa sẽ lại rời nhà nhậm chức, nhưng về lý trí, bà lại muốn xem diễn trò đấu kỹ, sau khi vật lộn giữa lý trí và tình cảm bằng thời gian giải quyết nửa cái đùi gà, bà quyết định đè nén tình cảm, nghe theo lý trí.

Trình Thừa do dự: “Âu nhi còn nhỏ, khéo lại thêm chuyện cho Tứ đệ, chi bằng theo bọn huynh đi.” Ở chỗ diễn trò rất đông người, khó mà lo toan hết.

Trình Tiểu Âu sốt sắng, vội ôm lấy cánh tay Trình Trúc, bập bẹ nói: “Không muốn đâu! Đệ muốn đi cùng Tứ huynh cơ!”

Bạn học lớp mẫu giáo nhìn bạn học lớp 1 luôn rất vĩ đại quang vinh. Huống hồ mấy ngày nay, Trình Trúc dẫn cậu đi chơi khắp phủ, nào bắt giun, nào đấu dế, nào đấu kiếm gỗ… Ngày trước Cát thị toàn cái này không được cái kia không cho, bây giờ đa được bù lấp toàn bộ, hai anh em họ gắn bó như keo như sơn, ước gì buổi tối được ngủ chung giường.

Trình Trúc hăm hở, bày ra dáng vẻ của huynh trưởng, ưỡn cao cái bụng nhỏ: “Thế thì đệ phải nghe theo hiệu lệnh của huynh!”

Trình Âu bắt chước động tác ôm quyền trong quân đội, gập cánh tay ngắn ngủn mũm mĩm lại, cao giọng nói: “Vâng!”

Trình Thủy nhìn vợ, ra vẻ đắc ý: “Vị nữ quân này, hình như phe nàng không đông đảo mạnh mẽ bằng phe ta rồi!”

Thiếu Thương rất muốn nhắc nhở ông rằng, thực ra cũng chỉ nhiều hơn một người mà thôi.

Tiêu phu nhân tủm tỉm: “Quân cô cao tuổi, con nhỏ còn thơ, mà phe ta lại ở độ tuổi trẻ trung, nếu lát nữa đại nhân gặp phải xô xát gì thì cứ hô to, nhất định bọn ta sẽ tới cứu.”

Cả nhà họ Trình bật cười sang sảng, sau đó chia nhau đi, chỉ có Trình Chỉ đi một bước là ngoái đầu nhìn Tang thị, lẩm bẩm ‘hay để đệ đi theo trông chừng hai cháu nhỏ…’. Tiêu phu nhân nhìn không đặn dáng vẻ không tiền đồ ấy của ông, bà đánh mắt ra hiệu, gia tướng tùy tùng lập tức đi tới túm lấy Trình Chỉ. Nghe thấy đệ đệ liên tục la oai oái, Trình Thừa đi sau cười nghiêng ngả.

Trình Ương thấy phụ thân rất vui, lần đầu tiên trong đời nảy sinh nghi ngờ vào hy vọng trông mong ngày mẫu thân về nhà. Bởi sự thật là từ khi Cát thị đi, vẻ chán nản thoái chí phụ thân dần biến mất, ngày dần phấn chấn cởi mở.

Nàng chợt lấy làm hâm mộ tính quả quyết và sự thông minh của Thiếu Thương, không bao giờ vướng bận do dự khi gặp bất cứ người hay chuyện gì, giả sử nếu gặp chuyện lớn, muội ấy có thể có chủ trương ngay lập tức, chứ không như mình…

Thiếu Thương được hâm mộ lúc này đang hưng phấn tới nỗi hai má đỏ bừng, nhìn những kỹ nhân bay nhảy qua lại trên dây thừng tít trên cao, lộn nhào tự do giữa không trung, lúc thì xốc chậu khi lại lật lu – nàng chưa bao giờ đứng xem ở khoảng cách gần tới vậy.

Thậm chí có cả biểu diễn phun lửa nhả sương nữa, Trình mẫu chen lên quá gần, suýt sém cả tóc. Trình Thủy lập tức kéo mẹ già lui, gọi vũ tỳ hộ tống tới giữ chặt, còn mình nhấc Trình Tiểu Âu lên ngồi trên vai, Trình Tụng cũng bắt chước theo, nhưng Trình Tiểu Trúc quá nặng, hắn lảo đảo, hai anh em xém tí ngã nhào, khiến Tang thị và Thiếu Thương cười to.

Trong tiếng hô to gọi nhỏ của đám đông, có lẽ chỉ có Tang thị là bình tĩnh nhất, bà cười nói với Thiếu Thương, Thiếu Thương vừa trầm trồ vừa hồ nghi hỏi vì sao bà không đến Phượng Thủy lâu, bởi xét cho cùng Tang thị cũng là người rất có tri thức.

Chẳng ngờ Tang thị lại giễu: “Gặp một văn nhân cổ hủ đã đủ mệt, gặp thêm một đống cổ hủ đầy lầu khéo có mà ngất.”

Thiếu Thương che miệng cười.

Trong số những người nhà họ Trình, giờ đây người nàng thích nhất đã có thêm Tang thị. Tuy là trưởng bối nhưng hai người cười đùa nói chuyện như ngang hàng phải vế, ngay tới bạn cùng phòng của nàng kiếp trước cũng chẳng ăn ý như vậy đâu. Hồi mới gặp còn ngỡ Tang thị là kiểu người qua đường, song giờ mới biết bà là người hiền hậu, dí dỏm lại thông minh, thuộc kiểu càng chung đụng lâu thì càng khiến người ta thích. Tam thúc đúng là quá xá may mắn!

Nàng tiến đến bên tai Tang thị, thổi phồng: “Hồi đầu sao Tam thúc nhà cháu cưới được thẩm thế, chắc chắn thẩm là dao mổ trâu rồi, thừa sức xứng với thúc ấy!”

Tang thị cười rung cả tai, gập tay gõ vào trán Thiếu Thương – dám nói Tam thúc phụ nhà mình là gì đấy hả!

Trong gian bên kia, hai anh em chụp ếch cuối cùng đã có xích mích, Trình Tiểu Trúc dỗi Trình Tụng, kéo Tang thị qua phân giải. Thiếu Thương không đi theo, chậm rãi lùi ra khỏi đám đông chen lấn, đứng một bên đợi người nhà xem xong trò vui.

Đứng im bên đường, Thiếu Thương kéo thấp nón rộng vành gắn lông, gò má chạm vào lông thú mềm mại trắng tinh, nhìn cảnh đẹp của phố đèn sáng sủa trước mắt, trong lòng hớn hở vô ngần. Ở kiếp trước, nàng từng thấy ráng chiều ngũ sắc như dệt cửi, từng ngắm pháo bông che kín bầu trời, từng thấy biển người chen chúc và chợ phường phồn hoa hơn thế này nhiều, ấy nhưng lại không có được cảm xúc rung động như ngày hôm nay.

Nàng ngẩng đầu nhìn lên, trời cao lặng yên sâu lắng. Đã chết một lần mới biết sinh mệnh đáng quý nhường nào, nhất định lần này nàng phải phải tận hưởng từng vẻ đẹp trong cuộc sống, cũng sẽ sống hết mình với khoảng thời gian tươi đẹp này.

Đang mải miên man thì bỗng phát giác điểm lạ thường, nàng vội vã ngoái đầu nhìn quanh.

Một chàng trai áo trắng đang đứng dưới những chiếc lồng đèn tròn đỏ son rũ xuống từ mái hiên tòa lầu cách đấy năm sáu trượng, bờ vai như cánh hạc, hai tay chắp sau lưng, dáng người cao ráo, toàn thân trên dưới chỉ có vạt áo và mái tóc là đen nhánh như mực. Giữa dòng người ồn ào tấp nập, chàng cứ đứng im như thế, kể cả bảy tám hộ vệ mặc trọng giáp cũng im lặng đứng nghiêm bên cạnh.

Thiếu Thương đưa mắt nhìn, cảm thấy người này quá cao, chiếc đèn kéo quân treo trên lầu che khuất hơn nửa gương mặt, ánh sáng trôi nổi lửng lơ, ánh đèn muôn sắc nhuộm lấy khúc cư trường bào nhạt màu trên người chàng, đẹp đến tận cùng, lại sáng sủa tao nhã.

Chàng đứng ở nơi mà Thiếu Thương vừa đi qua, nàng nhớ hình vẽ trên chiếc đèn kéo quân kia là câu chuyện cả nhà đoàn viên.

Bỗng vào lúc này, có người vỗ vào vai nàng một cái, Tang thị bước tới, ngạc nhiên hỏi: “Cháu đang nhìn gì vậy?” Thiếu Thương nghi ngờ nói: “… Hình như, hình như có người đang nhìn cháu.” Có phải nhìn nàng không, nàng cũng không chắc.

Tang thị cười bảo: “Niệu Niệu nhà ta xinh xắn thế này, có lang quân nhìn cháu cũng nào lạ?”

Thiếu Thương úp mở mấy tiếng, đến khi ngoái đầu thì chỉ thấy mỗi ngọn đèn đỏ son, bóng dáng dưới đèn đã không còn.

Đúng thật là, một đêm diễm ngộ hai lần, nhưng lần nào cũng không nhìn rõ mặt, vận may của nàng hết sạch rồi.

Đã đến giờ giới nghiêm, tiếng chuông từ phía cổng thành truyền đến, người nhà họ Trình phải trở về, mỗi bên đã có được thu hoạch riêng.

Tiêu phu nhân vừa kết giao được với các vị nữ quyến nhà nho sinh ở Phượng Thủy lâu, sau một hồi hàn huyên, bà nhân tiện mời họ đến dự tiệc ở Trình gia hôm sau, xem như gia tăng thành phần trí thức cho buổi tiệc. Trình Thủy nhìn trúng đoàn biểu diễn kia, định mời đến biểu diễn khi mở tiệc, góp phần náo nhiệt.

Thiếu Thương bước đi mà như có bọt dưới lòng bàn chân, vừa lên xe ngựa thì dựa đầu vào vai Tang thị ngủ, Tang thị cũng định nhắm mắt, bỗng vô tình bắt gặp ánh mắt bất mãn của Tiêu phu nhân ngồi đối diện, trong lòng bà hiểu nguyên nhân, cười cười nghiêng đầu đi.

Quả nhiên, sáng hôm sau Tiêu phu nhân đã tìm đến, trách Tang thị vì sao chỉ tặng mỗi xiêm y gấm vóc cho Thiếu Thương.

Tang thị lại thủng thẳng đáp: “Thớ vải gấm đó rất chất lượng. Thợ dệt đất Thục là đệ nhất thiên hạ, nhưng gã bạo chúa tự xưng là Thục đế đã đóng chặt biên giới, thứ tốt thế này rất khó lọt ra ngoài. Đây vốn là quà năm ngoái bên ngoại nhà ta nhận được trong tiệc mừng thọ, tiếc là chỉ có một khổ, màu sắc lại không hợp với ta, Thiếu Thương da trắng, nên mới tặng cho con bé.”

Tiêu phu nhân chợt nói: “Đệ muội đang bên trọng bên khinh đấy!”

Dù trong lòng bà có nghĩ ra sao thì từ xưa tới nay, chuyện ăn mặc của hai cô gái đều cân bằng ngang nhau. Hồi trước bà thiên vị Trình Ương cũng là vì lời nhắn nhủ của Cát gia. Nhìn qua Niệu Niệu có vẻ thua thiệt, nhưng thực chất ngày nào trượng phu và các con cũng chăm sóc hỏi han, hễ thấy gì tốt ở bên ngoài là lại đưa đến chỗ Niệu Niệu. Các nô bộc cũng không phải kẻ mù, sao dám thờ ơ.

Tang thị nói: “Màu sắc này cũng không hợp với Ương Ương.” Trình Ương da màu lúa mạch, còn da bà ngả vàng, con gái Vĩ Vĩ thì da trắng giống chồng đấy, nhưng để đứa bé nhỏ dùng gấm quý như thế làm xiêm y thì lại lãng phí, mà gấm vóc khó bền, khó giữ được lâu.

“Màu phỉ thúy tươi sáng thế này, chỉ có Niệu Niệu là hợp nhất.” Thật ra da Tiêu phu nhân cũng rất trắng, nhưng tuổi đã gần bốn mươi, mặc cũng không hợp. Tình một vòng, quả đúng là trong nhà chỉ có mỗi Thiếu Thương là hợp với khổ gấm ấy nhất.

Tiêu phu nhân: “Muội không nghĩ liệu Ương Ương có buồn không hả?”

Tang thị vờ ngạc nhiên: “Sao tẩu lại nói thế? Ương Ương nhân hậu hiền lành, lý nào lại có suy nghĩ nhỏ mọn như vậy.”

Tiêu phu nhân nghẹn lời. Thôi được, là do bà luôn khen Trình Ương phẩm hạnh trung hậu.

Bà vẫn cố bắt bẻ: “Tặng thì cũng tặng rồi. Nhưng vì sao Niệu Niệu nó lại cứ phải mặc vào tối qua, rõ ràng ta đã chuẩn bị xiêm y giống nhau cho hai chị em nó…”

“Đấy là Niệu Niệu chu đáo còn gì. Hai chị em nó dung mạo khác nhau, nếu còn mặc xiêm y cùng màu, không phải Ương Ương sẽ bị lép vế sao? Mặc đồ không giống nhau mới là mỗi người một vẻ.” Tang thị đáp rất trôi chảy.

Tiêu phu nhân lại bị chặn họng.

Bà trợn mắt với Tang thị, Tang thị cũng nhìn lại, ánh mắt sáng không một gợn sóng. Một lúc sau, Tiêu phu nhân thua trận. Được rồi, mỗi người có sở trường sở đoản riêng, bà chưa bao giờ là đối thủ cãi thắng Tang thị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.