Nàng nhìn thấy anh lần đầu tiên vào tối Giáng sinh. Anh ngồi khóc trên miếng bìa các-tông cạnh nơi đổ rác của khu tập thể.
Một lúc nữa là cha nàng phải từ phòng trực về nhà; đã đến giờ mọi người ngồi vào bàn ăn tối Giáng sinh. Nàng không thể chờ thêm được nữa. Tiếng cá chép rán xèo xèo trong chảo – mùi thơm lừng tỏa khắp nhà – những bài thánh ca, cây Noel bên cạnh chiếc bàn phủ khăn trắng tinh. Ấm cúng, tràn ngập không khí gia đình và an lành biết bao. Liệu có một thế giới nào đẹp hơn thế giới của tối Giáng sinh này?
Tại sao chỉ vì không khí vui vẻ của tối Giáng sinh, vì phải giữ ‘hòa khí gia đình” mà nàng không phản đối khi mẹ nàng sai nàng đi đổ rác? Trong chương trình tối Giáng sinh có câu Noel, cá chép rán và đến hiệu làm đầu vào buổi sáng, nhưng không có rác, cái thứ có thể chờ đến ngày mai!
Lại đúng vào lúc này, khi trời đã tối! Ngoài ra nàng không thể chịu nổi các khu đổ rác. Nó bốc mùi, một cái lồng trại giam ghê tởm. Nhưng đối với mẹ nàng, chưa từng có một lý do gì để được phép chệch khỏi cái thời gian biểu đã được ấn định đó. “Cần phải có kế hoạch cho từng ngày” – bà thường nhắc mỗi khi có dịp. Tối Giáng sinh chỉ khác ở kế hoạch, ngoài ra nó còn được đánh dấu đỏ trong bản fax triết học của bà. Jesu, hy vong và đại lễ đêm Giáng sinh, không là gì cả. Hoàn toàn không. Tối Giáng sinh, 11:30, hiệu làm đầu – có một lần nàng vô tình đọc được trong lịch của mẹ nàng ở ngày mười tám tháng Mười. Đăng ký với thợ làm đầu cho Giáng isnh từ giữa tháng Mười! Người Đức ở Bavaria cũng không làm điều đó! Cái bản fax triết học bệnh tật đó của mẹ nàng như một danh sách các hình phạt cho một ngày – đôi khi nàng nghĩ.
Đã có lần nàng nói chuyện với mẹ nàng về tối Giáng sinh. Lúc đó, khi mà họ nói về một cái gì đó quan trọng hơn là danh sách thực phẩm phải mưa trong cửa hàng ở góc phố. Đó là ngay trước dịp nàng thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Nàng đã sống qua thời kỳ say mê trọn vẹn với tôn giáo. Nói cho cùng thì một nửa phần nữ của lớp nàng cũng thế cả. Họ đi nghe giảng ở Viện Thần học – một số thì chắc chắn chỉ vì cảm những chàng tu sĩ đẹp trai – họ học cầu nguyện, họ tham gia vào các buổi cầu nguyện ở trường. Nàng cảm thấy rằng nàng trội hơn, điềm tĩnh hơn và thần bí hơn thông qua mối liên hệ đó với tôn giáo.
Đúng khi đó, vào một ngày nào đó trước lễ Giáng sinh, khi lau cửa kính, họ đã đứng gần nhau đến nỗi như chạm phải nhau, nàng hỏi mẹ liệu bà có khi nào cũng cảm nhận sự chờ đợi “huyền bí” lễ Giáng sinh. Bây giờ thì nàng biết mình đã chọn phải thời điểm xấu cho câu hỏi này. Vì bao giờ mẹ nàng cũng rất khó chịu khi làm công việc dọn dẹp nhà cửa, bà cho rằng đó là sự phung phí vô ích thời gian quý báu và bà không bao giờ hiểu tại sao tất cả các bà nội trợ lại không cảm thấy chán ngán sau một tuần với cuộc sống như vậy. Nàng nhớ mẹ nàng đã để cái giẻ lau lên bậu cửa sổ, lùi lại một bước để có thể nhìn vào mắt nàng và nói bằng một giọng giống như bà vẫn nói với sinh viên:
- Sự chờ đợi huyền bí!? Không. Không bao giờ. Vì rằng trong lẽ Giáng sinh chẳng có bất cứ một sự huyền bí nào cả, con gái ạ.
Nàng còn nhớ rằng thậm chí trong cái “con gái ạ” đó không có một chút tình cảm nào. Với lại nàng đã biết điều đó. Thường thì sau “con gái ạ” ở cuối câu, nàng bỏ về phòng, đóng cửa và khóc.
- Bữa tối Giáng sinh và Noel, đó trước hết là một phần của tiếp thị và quảng cáo. Con trai của một ông thợ mộc từ làng Galilei hẻo lánh trở thành một thần tượng thì khác gì so với Madona hay Jackson của con. Toàn bộ cái phần quảng cáo của anh ta, của mười hai tông đồ cơ đốc giáo đó, cùng với Juda, người trung lập nhất, là một trong những cuộc vận động đầu tiên được tổ chức tốt đến thế, nó đã quảng cáo cho một ngôi sao thực sự. Những chuyện kỳ quặc, những lũ con gái sẵn sàng cởi bỏ tất cả chỉ vì một tiếng gọi, lẽo đẽo theo sau một thần tượng từ thành phố này đến thành phố khác, chứng loạn thần kinh tập thể, sự phục sinh và lên thiên đường. Jesu, nếu sống ở thời nay, hẳn phải có văn phòng đại diện, luật sư, địa chỉ e-mail và trang www.
Bị hưng phấn bởi điều kết luận của mình, mẹ nàng tiếp tục đầy phấn khích:
- Họ đã có chiến lược và Kinh thánh đã ghi lại điều này rất tỉ mỉ. Thiếu quảng cáo, người ta không thể làm chấn động một cường quốc và không thể dựng nên một tôn giáo mới.
- Mẹ ơi, mẹ nói gì thế, chiến lược nào – nàng cắt ngang bằng một giọng cầu khẩn – bộ môn quảng cáo nào, họ chỉ nhìn thấy trong anh ta đứa con của Chúa, một đấng cứu thế…
- Vậy sao?! Một số các cô gái vẫn chầu chực hàng đêm cạnh khách sạn của Jackson trong mưa và giá lạnh, cũng nghĩ rằng Jackson là Jesu. Jesu, con gái ơi, chẳng qua là thần tượng của văn hóa pop. Còn cái mà con nói, tất cả chỉ là chuyện cổ tích mà thôi. Giống hệt như truyện về cái máng hài đồng, về những chú mục đồng đang khóc, về trâu và lừa. Bởi sự thật lịch sử là hoàn toàn khác. Không có bất cứ một bản danh sách nào liệt kê những người đã bắt buộc Maria và Josef phải làm một cuộc hành trình đến Bethlehem. Về điều này thì ngay cả những người không theo một tôn giáo nào cũng biết.
Bà châm thuốc, hít một hơi thật sâu rồi lại nói tiếp:
- Mà thậm chí nếu có cái bản danh sách ấy, thì người ta cũng không ghi vào đó những kẻ nghèo khó như ông thợ mộc vùng Nazaret. Cần phải có hoặc là đất hoặc là nô lệ. Ngoài ra hình như bản danh sách đó nằm ở Jerusalem. Khi đó con đường duy nhất từ Nazaret đến Jarusalem phải đi qua thung lũng Jordan. Mà vào tháng Mười hai, ở thung lũng Jordan bùn ngập ngang cổ một người đàn ông cao lớn. Còn Maria thì không thuộc vào những người khổng lồ, lại đang có mang với Jesu, như con nhớ đấy – bà kết thúc với nụ cười diễu cợt.
Nàng không thể tin được. Vì thậm chí nếu đó là sự thật – mà hình như đúng là sự thật, thì mẹ nàng vốn nổi tiếng là người nói thẳng nói thật, nhất là trong khoa học, mà nhờ thế bà đã đạt được bằng tiến sĩ khoa học ở tuổi ba mươi – thì liệu bà có cần phải nói ra vào hai ngày trước lễ Giáng sinh, khi nàng đang có những ngày đẹp đẽ và rất tin vào điều đó? Và nàng chờ đợi ngày này biết bao nhiêu?
Nàng còn nhớ. Chính là lúc ấy, cạnh cửa sổ, nàng đã quyết định sẽ không bao giờ nghe bất cứ điều gì mà mẹ nàng muốn nói sau “con gái ạ”. Sau nhiều năm, khi nàng kể chuyện này với đứa bạn gái thân nhất, Marta đã bình luận rất khúc chiết như chỉ có ấy mới có thể:
- Vì mẹ cậu như một cô gái phóng túng thời hiện đại. Ở Hy Lạp cổ người ta gọi đó là những phụ nữ có giáo dục và hiểu biết. Phần lớn họ cô độc, vì không một người đàn ông nào thích họ. Thêm vào đó, mẹ cậu là một phụ nữ phóng túng thích đấu tranh và muốn tự mình giải thích thế giới, trên chính đôi tay mình. Nhưng đó chẳng phải là bất cứ một sự tự lập nào hết. Nếu một gã đàn ông thường xuyên làm điều đó cho bản thân, thì hoàn toàn không có nghĩa ông ta là người tự lập. Mẹ cậu chính là gã đàn ông đó.
- Mặc dù chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi, nhưng nàng luôn nghĩ đế nó vào lễ Giáng sinh. Và về cha nàng. Thỉng thoảng, nhất là thời gian gần đây, nàng ôm ông hoàn toàn không phải vì tình cảm hay nỗi khát khao sự gần gũi hoặc do mong nhớ. Nàng ôm ông, là để đền bù cho ông vì sự lạnh lùng băng giá của vợ ông. Nàng nghĩ rằng bằng cách đó nàng có thể giữ ông gần mình, gần với gia đình hơn. Nếu nàng là chồng của mẹ nàng, thì nàng đã rời bỏ từ nhiều năm trước. Nàng không thể chịu đựng nổi sự lạnh lùng ấy. Vì mẹ nàng có thể lạnh như ni-tơ vị vẩy nước. Còn ông chịu đựng và ở đây. Nàng biết rằng ông làm thế là vì nàng.
Hôm nay ông cũng sẽ làm như vậy. Hôm nay nàng vẫn sẽ ôm ông. Ông sẽ ngạc nhiên như mọi khi, đặt đầu lên vai nàng, xiết chặt nàng, hôn vào cổ nàng và thì thầm “con gái”, và khi hai người rời nhau, mắt ông đỏ hoe và ông sẽ giả vờ rất buồn cười là bị cái gì ấy rơi vào mắt. Và “con gái” này mới ấm áp làm sao. Tình cảm thế. Giáng sinh đến thế.
Nhưng hôm nay nàng làm vậy là do chính nàng. Vì hôm nay nàng cảm thấy xúc động trong không khí ngày lễ. Hơn nữa, nàng không có một người đàn ông nào khác, người có thể giống cha nàng dù chỉ là chút ít. Những người đàn ông như thế giờ đây không còn nữa.
Vì thế, sự hòa thuận, vì để cái bản fax triết học Giáng sinh chết tiệt của mẹ nàng được thực hiện, nàng sẽ đi đổ rác. Ngay bây giờ và ngay lập tức. Thậm chí nàng còn làm ra vẻ như nàng sẵn lòng làm việc đó.
Nàng xách hai xô đầy rác đi ra. Gió và mưa tuyết. Nhìn vào những ô cửa sổ nhấp nháy ánh điện từ những cây thông Noel, nàng mở khóa cửa khi đổ rác. Nàng lấy chân đẩy cánh cửa và nhìn thấy anh. Anh ngồi xổm trên tấm bìa các-tông đã sờn rách bên cạnh một thùng rác lớn ngay lối vào và lấy tay che gió cho ngọn nến trên một cành thông nhỏ. Ánh sáng từ ngọn nến hắt vào mắt anh, vào những giọt nước mắt đang lăn.
Nàng đứng sững lại. Thả hai cái xô, chúng rơi đánh xoảng xuống nền bê tông và lật nghiêng. Nàng muốn quay lại và chạy.
- Xin lỗi, nhưng tôi thực không muốn làm bạn giật mình – anh nói nhỏ, giọng khàn khàn. – Tôi sẽ thu lại rác cho bạn.
Và anh đứng dậy.
- Không! Không! Tôi không muốn! Anh hãy đứng yên đấy, không được đến gần tôi – nàng hét lên.
Nàng nhặt xô lên, đổ rác, đóng sập cánh cổng khu đổ rác và chạy. Nàng chạy thục mạng qua những vũng nước trên bãi cỏ trong khu, nơi mà ngay cả vào mùa xuân cũng không có lấy một ngọn cỏ. Nàng lao vào cầu thang. Cha nàng đang lấy thư từ thùng thư gia đình. Nàng lao phải ông và ôm chặt lấy ông.
- Con gái, sao thế?
- Không có gì. Con bị giật mình. Đơn giản là con bị giật mình thôi mà. Cái người ở đằng kia, trong khu đổ rác…
- Người nào? Hắn ta đã làm gì con?
- Anh ấy không làm gì cả. Anh ấy chỉ ở đấy. Anh ấy ngồi và khóc.
- Con nói gì? Con cứ chờ ở đây. Con không được đi khỏi đây. Để bố ra đó kiểm tra.
- Không! Bố đừng đi đâu. Chúng ta về nhà thôi.
Nàng rời khỏi vòng tay của cha, sửa lại tóc và đi đường cầu thang lên nhà. Cha nàng đỡ lấy hai cái xô và đi theo nàng. Họ có thể đi thang máy, nhưng nàng muốn có thời gian để bình tĩnh lại. Để mẹ nàng không thể nhận ra điều gì. Vì nếu không, bà có thể nghĩ rằng nàng bị tâm thần. Cha nàng thì hiểu ngay lập tức. Không cần một lời. Chính vì thế nên ông cùng nàng leo lên tầng tám, kể cho nàng nghe về ca trực ở bệnh viện và thưởng thức đủ các loại mùi vị bay ra từ các căn hộ mà họ đi qua. Nàng bước vào nhà tươi cười. Mẹ nàng không hề để ý gì.
Nàng đã biết được tên anh, khi anh va chạm với ô-tô của Marta đang trên đường đến lễ cưới.
Nếu Marta có thời gian và làm một trắc nghiệm về chỉ số tri thức của bản thân, hẳn nàng có thể tự hào mà tuyên bố rằng nàng được kết bạn với một phụ nữ trí thức nhất của phần lục địa này của châu Âu. Song Marta không có thời gian cho việc đó, với lại việc đó đối với cô cũng chẳng có nghĩa lý gì. Marta sử dụng vốn hiểu biết của mình chính là để sống với những cảm xúc. Cô gái chân quê ấy – cô lên Krakow học đại học từ vùng Sekowa hẻo lánh, nơi mà “chỉ có cha xứ quản hạt và người tình của ông ta mới có điện thoại”, như chính Marta đã nói – bỗng chốc phát hiện ra thế giới. Sau một năm học tiếng Anh, cô bắt đầu đồng thời học triết học. Cô “ngạt thở” với cuộc sống ở Krakow. Không có bất cứ một sự kiện quan trọng nào ở opera, ở nhà hát bảo tàng, phòng hòa nhạc giao hưởng và câu lạc bộ mà cô không tham dự.
Và chính ở câu lạc bộ cô đã quen với một siêu nghệ sĩ mặc quần da. Hắn ta đang học lại năm thứ ba Đại học Mỹ thuật, nhưng tác phong thì như thể Anddy Warhol đang được hưởng học bổng nhà nước. Như Andy Warhol vẫn chưa đủ, hắn ta còn là dân Vacsava gốc, điều mà mỗi khi có dịp hắn đều nhấn mạnh. Krakow thì không còn biết nói gì. Phát điên lên và phủ phục bởi một tài năng đã tới.
Nàng không thể chịu đựng nổi hắn ngay từ lúc Marta giới thiệu họ với nhau trong xe buýt.
Hắn ngồi cấc lấc và nói bô bô về mình đến nỗi cả xe đều nghe thấy. Marta đứng, nàng đứng và một bà cụ ho sù sụ chống gậy cũng đứng. Còn war(c)hol này thì ngồi trong cái quần da đã sờn và diễn giảng về vai trò của mình trong nghệ thuật hiện đại.
Nhưng Marta lại cho đó là rất tuyệt. Cô ta yêu. Hình như chỉ mang tính “hóa học”, nhưng hậu quả thì lại rơi nước mắt. Cô chăm bẵm cho hắn bằng tiền học bổng của mình, mua cho hắn hàng lít rượu từ những đồng tiền tiết kiệm của mình, thậm chí cô còn cho hắn tiền đi lại bằng xe buýt, để hắn có thể ra oai với các nữ sinh phổ thông bằng những bài giảng của mình trên đường tới trường. Với hắn cô dường như không tồn tại. Mà nếu có tồn tại, thì cô đứng sau “tay ba hoa Vacsava” như một con chuột xám và nhìn hắn đầy thán phục, khi hắn nói cho mọi người biết hắn sẽ làm gì trong đời, nếu chỉ toàn “những kẻ bất tài luôn hằn thù những nghệ sĩ đích thực” – đấy là hắn đang nghĩ đến vị giáo sư đã đánh trượt hắn lần thứ hai – “hắn sẽ loại bỏ niềm thù hận truyền kiếp”.
Nàng đã khuyên Marta nên tỉnh táo. Nàng đề nghị, nài nỉ, dọa dẫm. Nhưng Marta không nghe – thời gian đó Marta như đang ở trong một phản ứng hóa học. Cần phải có một cái gì đó xảy ra để cho phản ứng đó ngừng lại.
Và đã xẩy ra. Mười hai giờ kém năm. Gần như chính xác.
Lễ cưới của Marta được ấn định vào mười hai giờ trưa một ngày thứ sáu nào đấy của tháng Mười. Họ đi bằng xe của Marta đến Ủy ban hành chính. Marta, trong bộ váy cưới đi mượn, lái xe. Nghệ sĩ, tức chú rẻ, ngồi bên cạnh vì không có bằng lái xe. Họ đưa hắn lên xe trong trạng thái say rượu. Nàng coi như nhân chứng duy nhất, ngồi ở ghế sau. Marta rất hưng phần và đang say rượu – buổi sáng hai đứa đã uống hết nửa chai conag Bulgari trong lúc dạ dầy trống rỗng, vì Marta không sao nuốt nổi bữa sáng do quá hồi hộp.
Marta nghĩ rằng mình sẽ kịp trước khi đèn vàng chuyển sang đỏ. Nhưng cô đã không kịp. Họ nghe thấy tiếng va chạm mạnh, Marta kêu lên: “Ôi, đồ thổ tả” và tiếp theo là yên lặng. Xe bị húc vào bên phải, phía sau. Lỗi của Marta là hiển nhiên.
Nghệ sĩ lập tức lao ra khỏi xe, cứ để cửa mở. Hắn đi đến chiếc xe kia. Hẳn mở cửa, lôi người lái xe ra và không nói không rằng hắn tung những cú đấm. Marta, với những vết máu đỏ trên mạng và trên váy cưới, chạy đến chỗ nghệ sĩ và lao vào giữa hắn và người lái xe kia. Vào một khoảnh khắc nào đấy, bị một cú đấm ngẫu nhiên vào mặt, cô ngã lăn trên đường nhữa. Vào đúng lúc đó, người lái xe dồn sức đấm vào mặt nghệ sĩ.
Nàng ngồi trong xe và nhìn thấy tất cả, rất chính xác. Khi Marta ngã xuống đường nhựa sau cú đấm ngẫu nhiên của nghệ sĩ, nàng vội vàng mở cửa, ra khỏi xe và chạy đến cô bạn gái đang nằm, quỳ xuống bên cạnh. Người lái xe cũng quỳ xuống.
- Thật đáng tiếc. Tôi không muốn như vậy. Tôi đã nhìn thấy đèn xanh. Nên tôi đã đi. Thật đáng tiếc. Tôi đã nhìn thấy đèn xanh. Chị hãy tin tôi. Tôi đã nhìn thấy đèn xanh – anh ta nhắc đi nhắc lại liên tục, nghiên người bên Marta.
Nghệ sĩ đứng dậy, dùng hết sức đẩy anh ta ra và quay về phía Marta. Họ nghe thấy tiếng còi hú của xe cảnh sát và tiếng nói:
- Đề nghị bình tĩnh. Tất cả mang giấy tờ lên xe tôi. Tất cả!
Người cảnh sát trẻ chỉ chiếc Polonez của anh ta ở điểm đỗ xe gần bến xe buýt.
- Chúng tôi không có thời gian – nghệ sĩ nói to – mười hai giờ là lễ cưới của chúng tôi!
Marta đứng dậy, đi đến chỗ hắn và nói rất bình tĩnh:
- Không có đám cưới nào hết. Anh hãy xin lỗi anh ấy và đi khỏi đây ngay, đồ thối tha.
Chính xác như thế! Đó lại là Marta trước đấy, Marta bình thường. Rốt cuộc lại là Marta!
Nàng nhớ, rằng vào khoảnh khắc ấy nàng đã nhìn vào mắt của người đàn ông đó và nàng thấy rằng nàng đã biết anh mắt ấy.
Marta giựt tấm mạng trang đầu, dùng nó để chùi máu ở mũi, vò nhầu nó trong tay và vứt xuống đường. Cô chạm vào vai người đàn ông.
- Tôi biết. Thôi, anh khỏi phải xin lỗi. Bảo hiểm của tôi sẽ trả hết. Thậm chí anh không biết được là anh đã vừa làm được gì cho tôi đâu.
Rồi đến bên anh ta, kiễng chân và hôn lên má.
Anh ta ngẩn người không hiểu gì và đứng như trời trồng.
Vào cái khoảnh khắc ấy nàng đã nhớ lại, từ đâu mà nàng biết anh. Bởi chính là anh, người đã ngồi cạnh khu đổ rác vào cái tối Giáng sinh ấy.
Nghệ sĩ lủi mất trong đám đông những kẻ tò mò đã kịp xúm lại trên vỉa hề.
- Tôi sẽ giúp chị kéo xe ra chỗ khác – người đàn ông nói.
Cả ba người đẩy chiếc xe lên vỉa hè.
- Tôi là Andrzej. Còn chị?
- Marta. Còn đây là bạn tôi, Ada. Nghĩa là Adriana.
Anh chăm chú nhìn nàng. Chìa tay cho nàng và nói khẽ:
- Andrzjei. Xin lỗi vì tối Giáng sinh ấy đã làm chị giật mình.
Thế đấy! Cứ như thể Giáng sinh chỉ vừa mới tuần trước. Thực ra thì hai năm đã trôi qua.
Anh cao. Tóc đen và chải ra phía sau. Một vết sẹo lớn bên má phải và hai bàn tay rất mảnh. Nàng chưa từng gặp một người đàn ông nào có làn môi rộng và đầy đặn đến thế. Giọng anh hơi khàn và trầm Một cái gì đó tỏa ra từ anh, nhắc nàng nhớ tới mùi hoa nhài.
- Em là Ada. Anh vẫn còn nhớ chuyện ấy cơ à? Phải đến hai năm rồi còn gì.
- Anh nhớ chứ. Khi đó anh đã tìm em. Anh đã tìm em rất lâu. Nhưng không thấy. Anh muốn xin lỗi em. Mãi đến hôm nay, tai nạn này...
Nàng cười với anh.
- Có gì để xin lỗi đâu. Em ở ngay cái nhà cao tầng cạnh khu đổ rác. Tại sao lúc đó anh lại ngồi ở đấy?
Anh không trả lời. Anh quay lại nói chuyện với Marta. Một lúc sau anh đi về xe của mình, đi đến chỗ góc phố thụt vào rồi quay lại. Marta với những vết máu trên váy cưới đã gây ra ấn tượng mạnh. Đám đông những kẻ tò mò vẫn chưa giải tán.
Sau khi đã giải quyết mọi thủ tục với cảnh sát trong chiếc Polonez, anh hỏi:
- Bây giờ anh phải đưa bọn em về đâu đây?
- Cả hội về chỗ em đi – Marta trả lời – Nhất định bọn mình phải ăn mừng vụ này.
Dọc đường họ rẽ vào khách sạn, nơi Marta đã đặt tiệc cưới. Họ được biết rằng khách khứa gọi điện liên tục, nhưng Marta hầu như không để ý đến chuyện đó. Cô nhờ những người phục vụ gói cho toàn bộ số rượu đã đặt và một nửa chậu đồ ăn. Họ mang tất cả ra xe của Andrzej và đi về căn hộ của Marta. Đã lâu rồi nàng chưa thấy cô bạn mình hạnh phúc như vậy.
Sau vài ly rượu vang họ bắt đầu nhảy. Nàng áp người vào Andrzej và cảm thấy anh gần gũi lạ lùng.
Gần sáng anh mới đưa nàng về nhà bằng taxi. Anh cùng nàng ra khỏi xe và đưa nàng đến tận cầu thang. Khi đi qua khu đổ rác, nàng đưa tay cho anh. Anh nhẹ nhàng nắm lấy và khôi rời ra nữa. Đến chân cầu thang, anh đưa tay nàng lên môi và chạm khẽ.
Nàng đã yêu anh rất lâu trước đó, nhưng nàng đã thực sự bị anh bỏ bùa khi anh nhào lên chiếc ô tô đang lao thẳng vào mình.
Từ buổi chiều và buổi tối sau đám cưới bị hủy bỏ của Marta, hầu như mọi cái trong đời nàng đã thay đổi. Hôm sau, Andrzej đến tìm nàng ở trường; anh chờ trước giảng đương. Đứng sát tường. Có vẻ ngượng ngùng với những bông hoa dấu vụng về sau lưng. Khi nàng đi đến chỗ anh và cười, anh không giấu nổi niềm vui và cảm giác nhẹ nhõm.
Từ buổi ấy họ luôn cùng nhau. Trước Andrzej, mọi cái đều vô nghĩa.
Nàng biết điều đó chỉ sau một tuần .Sự tinh tế và tình cảm của anh ôm trùm lấy nàng. Sau đó là sự tôn trọng bao bọc nàng. Có lẽ vì sự tôn trọng đó mà anh đã chờ đợi rất lâu cái hôn đầu tiên. Mặc dù nàng khiêu khích anh, va chạm anh trong những lần nói chuyện, hôn tay anh trong bóng tối của rạp chiếu phim. Phải một thời gian dài trôi qua, anh mới dám đặt lên môi nàng nụ hôn đầu tiên.
Họ từ chỗ Marta về nhà trên chuyến tàu điện cuối cùng. Họ đã cùng ngồi ở đó sau một buổi hòa nhạc. Ở một khúc quành, bị nghiêng mạnh, anh đã ép nàng vào cửa kính.
- Em quan trọng với anh biết bao nhiêu – anh thầm thì và hôn nàng. Anh ngừng lại khi bác tài nói rằng đã đến bến cuối. Chính ở đó, trong tàu điện, nàng đã thực sự yêu anh.
Anh rất thích thú vì nàng học vật lý. Anh cho rằng đấy là bộ môn khoa học “cơ bản tuyệt đối và gần như sang trọng”, ngoài ra còn đặc biệt khó.
Ngay từ lần đầu tiên anh đã chăm chú nghe nàng. Anh lắng nghe tất cả những gì nàng nói. Anh có thể ngồi hàng giờ trên sàn nhà, đối diện với nàng, say mê nghe nàng nói. Sau đấy, khi họ đã là một đôi và đã ở cùng nhau, anh có thể yêu nàng, dậy khỏi giường và vào bếp, về nhà với một túi nặng đồ ăn và nói chuyện với nàng đến sáng. Thậm chí thỉnh thoảng nàng còn thấy hơi bực, vì họ đã không yêu nhau lần nữa mà chỉ toàn nói chuyện.
Những khi nàng giải thích cho anh về vũ trụ, anh rất khâm phục. Nàng kể cho anh về không gian cong hoặc giải thích tại sao các hố đen lại không hề đen. Những lúc ấy anh nhìn nàng thán phục và hôn tay nàng. Nàng không thể giải thích cho anh rằng biết và hiểu những vấn đề đó chẳng có gì là đặc biệt. Và không có gì đặc biệt hơn việc chuẩn bị tư liệu cho một bài báo.
Andrzej học báo chí. Khi nàng hỏi anh tại sao, anh trả lời:
- Để có thể tác động thông qua sự thật.
Đã có lúc nàng phân vân, không biết nàng đã si mê anh từ bao giờ. Có thể cái dạo, mà trong một tháng anh gầy đi, không chịu tắm gội để giống với những kẻ lang thang cơ nhỡ và anh ở cả tuần trong nhà tình thương?
Bài viết của anh từ nhà tình thương đã được đăng tải và xuất hiện trong phần lớn các tuần báo của khu vực miền trung Ba Lan.
Cũng có thể từ cái lần, sau bài phóng sự về nhà tế bần cho trẻ em, anh đã dành tất cả số tiền tiết kiệm của mình để sửa sang lại ba phòng của những em “ở giai đoạn cuối”, như các chị hộ lý đã gọi? Trong các phòng “giai đoạn cuối” là các em mà cuộc sống chỉ còn tính từng ngày. Anh để ý thấy các em đó thậm chí không có sức để quay đầu, để nhìn những bức tranh và những anh hề trên tường. Chúng yếu đến nỗi hoặc chúng phải dùng các thiết bị y tế khiến chúng chỉ có thể nhìn lên trần nhà. Anh nói điều đó với bác sĩ trưởng. Vị này cười và nói rằng ông ta không có tiền để mua mooc phin, nên những anh hề trên trần nhà đối với ông ta cũng giống như những trò hề. Song đối với Andrzej thì không. Anh đã dùng tất cả số tiền của mình để mua mầu và bút lông và anh đặt vấn đề với trường Đại học Mỹ thuật cho tới khi các sinh viên vẽ những anh hề lên trần của nhà tế bần.
Hay cũng có thể từ cái lần, khi nàng bắt gặp anh cứ cách ngày lại đến trại nuôi những con chó vô chủ và mang theo đồ ăn đã thu thập được?
Andrzej bị ám ảnh về những con chó. Vào mùa hè, khi lũ bạn của anh mải ngoái cổ nhìn theo các cô gái đang khiêu khích bằng những cái mà họ có, hay nói khác đi, thì Andrzej nhìn theo mỗi một con chó mà anh gặp trên đường. Con nào với anh cũng “khác thường”, “đặc biệt”, “em nhìn kìa, đẹp quá” hoặc đơn giản là “đáng yêu”. Nàng thích chó, nhưng không chia sẻ với anh niềm đam mê.
Bây giờ thì nàng yêu mọi con chó. Có thể còn hơn cả anh.
Anh làm nàng ngạc nhiên và nàng ghen kinh khủng về anh. Nàng muốn có anh cho riêng mình. Nàng muốn không có một cô gái nào biết anh kỹ hơn, không một cô gái nào biết được anh là người thế nào. Nàng cảm thấy bất cứ cô gái nào nếu biết anh, cũng sẽ chỉ muốn anh là của riêng cô ta.
Anh sống trong ký túc xá và không bao giờ nhắc đến gia đình hay bố mẹ. Điều đó khiến nàng hơi phân vân và không yên tâm. Anh nói rằng anh đến Krakow từ vừng ... và rằng nhất định có một lúc nào đó “anh sẽ đưa em đến đó, mặc dù đó là một vùng rất chán”. Anh lảng tránh những câu chuyện về quá khứ của mình. Điều này thì có thể nhận thấy ngay từ đầu.