Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 123: Bài giảng



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mục Tĩnh lại bắt đầu mặc những bộ đồ từ mười mấy năm trước. Cô không cảm thấy bản thân có gì giống với những thiếu nữ trẻ tuổi trong tranh, nhưng hình như Cù Hoa cũng không có gì bất mãn với cô cả. Cô cảm thấy như vậy cũng tốt, giả vờ hiền thảo mãi cũng mệt rồi.

Mục Tĩnh không còn cố ý gắp thức ăn cho Cù Hoa trên bàn cơm để bày tỏ sự quan tâm của mình nữa, những khi ở riêng cùng anh cô cũng không còn nói năng khách sáo, lấy lệ với anh. Thi thoảng hai người trò chuyện, Mục Tĩnh sẽ hỏi han một số vấn đề liên quan tới việc phẫu thuật, cho Cù Hoa không gian để thể hiện bản thân mình.

Hiểu biết của cô về đàn ông ban đầu xuất phát từ cha cô, cha cô thích nhất là giảng giải cho mẹ những phát hiện mới cùng với lý luận của mình. Đôi khi giáo sư Mục sẽ vì sự hòa hợp giữa hai vợ chồng mà tỏ ra ngưỡng mộ ông xã một chút, thấy thế ông Phương cha cô sẽ càng bay cao tới tận trời xanh. Tuy nhiên phần lớn thời gian giáo sư Mục đều bận chuyện công việc, không có nhiều thì giờ rảnh rỗi để qua quít với ông, mà ba anh em nhà họ cũng chẳng có ai có hứng thú  với lý luận của ông Phương cả. Cũng may bên ngoài không thiếu người ngưỡng mộ ông, mặc dù đảm nhận công việc hành chính nhưng vì ngứa nghề nên ông cũng dành thời gian để dạy thêm cho các học sinh của mình. Có một khoảng thời gian, Mục Tĩnh thậm chí còn cảm thấy đàn ông đều là những kẻ thích lên lớp người khác, mà phương án giải quyết duy nhất cũng chỉ có thật sự đi làm thầy giáo, học sinh nếu muốn điểm cao thì buộc phải đào sâu nghiên cứu bài giảng của anh ta, bất kể là bài giảng ấy có phù phiếm đến cỡ nào đi nữa. Còn những người đàn ông không đi dạy học, ít nhất một nữa số lý luận không có chỗ tỏ bày sẽ phải trút lên vợ hoặc bạn gái của mình. Anh trai cô phổ cập kiến thức vật lý cho chị dâu, mà bạn trai cũ trước kia mỗi khi ở cạnh cô cũng thích giảng cho cô nghe về những vở kịch đương đại. Duy chỉ có em trai cô là không những ghét bị người ta dạy dỗ mà còn ghét đi dạy lại, nhưng cậu chỉ là đứa trẻ, không thể xem như đàn ông.

Cô cho Cù Hoa cơ hội làm giáo viên ở nhà, những người thích đằm mình trong bệnh viện như Cù Hoa đối với phẫu thuật hẳn là có rất nhiều điều muốn nói. Tuy nhiên phương pháp này lại vô dụng, Cù Hoa lại càng thích nghe Mục Tĩnh nói hơn, trong khi cô nói thì anh sẽ dùng những ngón tay của mình để kiểm tra toàn thân cho cô, những việc ấy tương đối phù hợp với nghiệp vụ ban ngày của họ.

Không biết Cù Hoa lấy đâu ra một cuốn giáo trình Toán Sinh in ronéo(1), nhờ Mục Tĩnh vừa đọc vừa giảng giải cho mình nghe. Mục Tĩnh cũng sẵn lòng giúp đỡ anh ở phương diện này hơn là ứng phó cho có lệ với anh ở những phương diện khác. Ban ngày Cù Hoa nếu không đứng bên bàn mổ thì cũng là ngồi ở phòng khám, có khi tối đến còn phải trực đêm, về đến nhà rồi anh chỉ muốn nằm dài ra giường để nghe Mục Tĩnh giảng bài. Cù Hoa vừa nghe, vừa dùng ngón tay kiểm tra cơ thể Mục Tĩnh. Mục Tĩnh bảo anh đừng làm vậy, Cù Hoa lại nói không sao, có làm thì cũng không ảnh hưởng gì tới việc nghe giảng của anh, anh vẫn có thể nghe hiểu. Anh là sinh viên ngành Y, cũng có chút nền tảng Toán học, thậm chí hồi học trung học anh còn giành được giải nhất trong kỳ thi Toán toàn thành phố. Cũng bởi vậy mà từ hồi trung học anh đã nghiên cứu giáo trình Toán bậc đại học, song trong quá trình tự học anh lại cảm thấy mình không đủ năng khiếu trong lĩnh vực này, thế nên dứt khoát từ bỏ, khi thi đại học cũng nộp đơn sang bên trường Y. Phần nền tảng này chưa đủ để làm nghiên cứu, nhưng để một công đôi việc mà nghe Mục Tĩnh giảng bài thì cũng xem như vừa đủ. Nửa sau của bài giảng Mục Tĩnh dạy rất gian nan, hiếm khi cô nói được một câu hoàn chỉnh, nhưng cô vẫn kiên trì muốn nói hết, mà Cù Hoa lại luôn đặt câu hỏi để xen ngang. Lớp học của cô bắt đầu rất có chuẩn bị, nhưng kết thúc thì luôn cực kỳ đột ngột. 

(1) Ronéo: Một kỹ thuật in chi phí thấp phổ biến những năm 1960 – 1970. Máy in ronéo hoạt động bằng cách ép mực lên giấy thông qua một tấm khuôn tô.

Để cảm ơn Mục Tĩnh đã giảng bài cho mình nghe, Cù Hoa hỏi Mục Tĩnh có yêu cầu gì không. Mục Tĩnh nói có thể giúp anh là đã thấy thỏa mãn rồi. Cô lại nói thêm mấy câu trời ơi đất hỡi với Cù Hoa, sau đó mới nhắc đến em trai mình. Tuy ông Cù vẫn luôn chủ động nhắc tới việc đón Phương Mục Dương đến nhưng đều chỉ nói qua loa, vấn đề tiếp đến là để cậu ở phòng nào thì ông chưa từng suy xét, tuy rằng cậu tới rồi sắp xếp sau cũng được, nhưng ý nghĩa thì vẫn đôi chút khác nhau. Mục Tĩnh uyển chuyển hỏi trong nhà có phòng thừa không, còn nói em trai cô khi còn nhỏ từng đoạt được giải thưởng lớn của triển lãm tranh thiếu nhi, những năm vừa qua vẫn chưa bỏ việc vẽ tranh, nếu Cù Hoa cần người đàm luận về tranh sơn dầu thì khi nào em trai cô tới, anh có thể giao lưu cùng cậu.

Cù Hoa nhớ đến cuốn tranh trên xe lửa, có lẽ nó được chuẩn bị cho em trai cô.

Cù Hoa không chỉ ra vấn đề trong lời nói của Mục Tĩnh, anh vẫn còn nhớ Mục Tĩnh đã từng nói cậu em vợ anh đến khả năng tự lo cho bản thân cũng không có, hoàn toàn phải nhờ cậy người ta chăm sóc, một người như thế sao có thể đàm luận về tranh sơn dầu cùng người khác? Mà cho dù là có thể, anh cũng chẳng có hứng thú gì với việc trao đổi về tranh sơn dầu với cậu ba nhà họ Phương, anh vẫn cảm thấy hứng thú với bệnh trạng của cậu ta hơn. Anh vẫn luôn chờ Mục Tĩnh thảo luận về căn bệnh của em trai cô với anh, đó từng là một trong những chủ đề lớn mà bọn họ thường nhắc tới trong những lần đầu gặp mặt, nhưng sau khoảng thời gian một tháng cắt liên lạc kia, Mục Tĩnh lại không chủ động đề cập tới nữa, nếu không phải không tin tưởng nhân phẩm của anh thì có lẽ cũng là không tin vào năng lực của anh lắm. Chính bản thân anh cũng không rõ cái nào sẽ khiến anh không vui hơn, có lẽ là cái thứ hai. Tình hình của bà nội ngày càng tốt lên, cho dù Mục Tĩnh không nhắc tới thì anh cũng sẽ chủ động.

Cù Hoa có vẻ rất ủng hộ chuyện đón em vợ đến đây, anh nói với Mục Tĩnh: “Việc này cứ để anh nói với cha mẹ, em không cần phải lo đâu.” Mẹ Cù Hoa nghe anh trình bày lý do xong, liền bảo làm gì có anh rể nào lại đón em vợ đến nhà để nghiên cứu bệnh tình chứ, cho dù có nghĩ như thế thì cũng không được nói thẳng ra với Mục Tĩnh, sẽ làm tổn thương trái tim con nhà người ta. Bởi vì áy náy với con dâu, mẹ của Cù Hoa cố ý sắp xếp cho em trai của con dâu một căn phòng lớn hướng nắng. Mặc dù mẹ chồng và cha chồng đều đã đồng ý chuyện đón Phương Mục Dương về ở, nhưng nguyên do lại khác nhau, ông Cù là tán thưởng cách sống của Phương Mục Dương, còn bà bạn già của ông thì lại bởi vì đó là em ruột của con dâu mình, cho dù có ở cùng cũng chẳng qua là thêm cái bát và đôi đũa.

Ngay cả chuyện mua vé cũng là Cù Hoa bỏ công, anh mua riêng cho Mục Tĩnh một tấm vé nằm. Trong quá trình chuẩn bị đón Phương Mục Dương về nhà, hai người cũng nói chuyện với nhau nhiều hơn, phần nhiều là Mục Tĩnh nói. Bởi vì em trai cô sẽ sống ở đây một thời gian nên Mục Tĩnh không thể để người ta ghét bỏ em trai mình được, những gì cô nói đều là ưu điểm của cậu.

Những thanh niên trí thức khác chán ghét miền quê nghèo khổ, em trai lại viết thư cho cô nói tất cả dân làng đều sống ở nơi đây cả đời, cậu chỉ sống có vài năm thì có gì mà không được. Cuộc sống của cậu ở nơi ấy cũng rất tốt, có những khi dân làng còn rán trứng gà và làm bánh nướng áp chảo cho cậu ăn.

“Dù có ở đâu thì nó cũng tìm được niềm vui trong cuộc sống. Thật ra cùng lắm thì cả năm nó cũng chỉ ăn được mấy quả trứng gà mà thôi, nhưng trong thư gửi cho em nó kể cứ như ngày nào cũng có trứng để ăn ấy. Nó thích sống ở quê lắm, còn thấy có sống mãi ở đấy cũng chẳng vấn đề gì.” Mục Tĩnh tuy nói vậy nhưng lòng vẫn thấy như nghẹn lại, người ta có khổ cỡ nào thì cũng đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đó, còn cậu đi tới nơi ấy, chẳng khác nào một cụm bèo không rễ lênh đênh. Nhưng cậu không viết vào thư, cũng không phải do những lời này không chính xác. Cô rất hiểu tính cách của em trai mình, nếu chỉ tới miền quê sống vài tháng thì còn có thể cảm giác mới mẻ so với ở nhà, song nếu cứ phải ở miết một chỗ, chẳng di chuyển được đi đâu thì cậu sẽ không chịu nổi. Nhưng ngoài chuyện báo tin vui, cậu có thể nói gì với cô đây? Nói rằng ngay cả việc ăn một miếng bánh nướng áp chảo cậu cũng phải dựa vào lòng tốt của dân làng ư? Mà ngay cả khi cậu than vãn với cô thì liệu cô có thể giúp được gì? Nếu như cậu thực sự muốn sống mãi ở đấy, cũng sẽ không tới mức cắt phép thăm người thân rồi đến tạm nhà người khác vì không có nhà để về. Nếu không cắt phép thăm thân, cũng sẽ không đi cứu người, hiện tại cũng không phải nằm trong bệnh viện.

Mục Tĩnh tận lực kể với Cù Hoa về những điểm tốt của em trai mình. Khi đó Phương Mục Dương còn gửi cho cô vài bức tranh, khung cảnh đều rất vui tươi, hoặc là những cành cao lương trổ bông mập mạp ở quê, hoặc là một con ngỗng lớn vỗ cánh phần phật ở ngay giữa một bầy vịt… Những bức họa ký tên Phương Mục Dương cô đều gửi cho giảng viên bên học viện Mỹ thuật xem, muốn xin cho cậu một chỉ tiêu vào đại học. Song cuối cùng không có bức tranh nào được hồi âm, tranh gốc cũng không trả lại, nếu không cô đã có thể mang đi cho cậu nhìn rồi…

Mục Tĩnh không đề cập tới cuốn tranh ngày đó, Cù Hoa cũng không nhắc tới. Cù Hoa hỏi Mục Tĩnh có muốn anh đi cùng không, Mục Tĩnh đáp rằng cô đi một mình được rồi, đó là khoảng thời gian hiếm hoi chị em hai người có thể lén gặp riêng nhau. Tuy nhiên Mục Tĩnh vẫn thấy rất biết ơn Cù Hoa, khi giảng bài cho anh cũng tỉ mỉ hơn một chút, mặc dù ở trên giường cô không bao giờ có cơ hội nói hết bài giảng của mình.

Trước hôm về quê một ngày, Mục Tĩnh nhận được thư em trai gửi.

Thư nói cậu đã kết hôn, bên trên còn có một bức tranh vẽ cậu và Phí Nghê.

Mục Tĩnh thấy rất vui mừng cho em trai, cậu đã lấy lại được ký ức, vợ cậu cũng đối xử với cậu rất tốt, lại còn xuất thân mầm đỏ chân chính. Trong niềm vui cũng có một chút hụt hẫng, nhưng sự hụt hẫng đó hoàn toàn không đáng kể đến.

Phòng ốc đã sắp xếp xong và tấm vé nằm đã mua đều không còn tác dụng nữa.

Người nhà họ Cù đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp em trai cô, cô dĩ nhiên phải giải thích tình hình với họ. Cô đưa thư Phương Mục Dương gửi cho Cù Hoa đọc, đồng thời cũng kể về Phí Nghê với anh: “Không thể tin được vẫn còn có một cô gái có thể gắn bó keo sơn với nó như vậy.” Cô không phải người như thế, cũng chưa từng gặp được ai như thế. Mục Tĩnh quay đầu nói với Cù Hoa: “Cảm ơn anh nhé.”

Cô chưa bao giờ cho rằng một cặp vợ chồng như cô và Cù Hoa có nghĩa vụ phải giúp đỡ lẫn nhau, mỗi một lần anh giúp cô, cô đều cảm thấy như một niềm vui bất ngờ, tựa như cái lần gặp được anh ở trên xe lửa vậy. Khi ấy là lần đầu tiên họ gặp mặt, về lý mà nói thì nên cảm kích, nhưng cũng chỉ là cảm kích mà thôi.

Buổi đêm hôm đó, Cù Hoa không yêu cầu Mục Tĩnh giảng bài cho mình, nhưng Mục Tĩnh vẫn chủ động giảng. Cuối tuần nào anh cũng phải trực đêm, nếu không tranh thủ giảng ngay bây giờ thì đến khi cô đi rồi, bài giảng sẽ dang dở mãi. Cô không biết việc này có bao nhiêu tác dụng đối với Cù Hoa, nhưng tất cả những gì cô có thể làm cũng chỉ có mỗi như vậy.

Cái hồi cô học chuyên ngành Khoa học Tính toán, nó vẫn còn là một môn học mới nổi ở Trung Quốc, nếu như xuất thân của cô đáng tin cậy thì cô sẽ có cơ hội tham gia vào các dự án quan trọng. Hoặc giả như cô sinh sớm mấy năm, cho dù thành phần gia đình không tốt thì cũng đã gặt hái được ít thành tựu giống anh trai, cũng sẽ vẫn có cơ hội tham gia. Song cả hai cô đều không có. Hiện tại cô đã kết hôn, cũng coi như lấy được nửa tấm vé vào cửa. Cù Hoa hôn lên vành tai Mục Tĩnh, khiến cả người cô run lên, ngay cả giọng cũng run rẩy. Cô hỏi Cù Hoa: “Có thể nghe em nói xong rồi làm sau không?”

Cù Hoa nói với Mục Tĩnh: “Đêm nay chưa xong thì sáng mai lại nói tiếp.”

Tới buổi sáng hôm sau, khi đang ngồi bên bàn cơm, Cù Hoa đột nhiên nhắc tới vấn đề hôm qua Mục Tĩnh nói dở. Chuyện này trong mắt người khác thì có vẻ rất đứng đắn, nhưng Mục Tĩnh gắp thức ăn lại trở nên mất tự nhiên.

Lúc này mẹ của Cù Hoa mới xen vào: “Thằng hai ngày xưa còn được giải nhất một cuộc thi Toán học đấy, chỉ suýt chút nữa là đã theo chuyên ngành Toán học rồi. Lúc đó nó còn được lên một tờ tạp chí nguyệt sandành cho học sinh trung học, giờ mẹ vẫn còn giữ đấy. Khi ấy cha hai đứa đã mua tới ba mươi quyển, đều mang tặng người ta hết.”

Ông Cù nghe thế liền bảo: “Trí nhớ của bà có vấn đề rồi, tôi mua nhiều thế bao giờ?” Dù ông đã được giáo dục về tư tưởng giải phóng phụ nữ nhưng trong xương cốt vẫn rất truyền thống, vẫn luôn cảm thấy con trai đã làm sụp đổ tượng đài đàn ông trong cái nhà này. Tuy nhiên hồi đó ông đã rất vui, tuy rằng con trai không được như mong muốn của mình nhưng ít nhất nó cũng có thể vào đại học nhờ năng lực của bản thân, không cần ông phải nâng đỡ, không giống như một người nào đó ông quen, con cái thành tích tệ lậu, ngay cả cái trường đại học hạng bét cũng thi không đỗ, lại còn muốn chiếm mất một chỉ tiêu vào đại học, đúng là mất mặt khôn tả. Nếu ông mà có đứa con không biết phấn đấu như vậy, ông sẽ nhét nó vào cái nơi gian khổ nhất để rèn luyện.

Mục Tĩnh nhớ hồi đó cô cũng thường xuyên có mặt trên tờ tạp chí kia bởi vì đi thi đoạt giải, tất cả đều là giải nhất. Tờ tạp chí đó đưa tin về cô nhiều nhất, lại còn đăng cả ảnh chụp, mà các bài viết về cô cũng là dài nhất, bởi vì trụ sở của tạp chí nằm ở quê nhà của cô, chủ biên cũng tình cờ là người quen với cha cô, cho nên bọn họ luôn tập trung phỏng vấn cô. Khi ấy cô vẫn còn trẻ, chỉ quan tâm tới mỗi hình ảnh của bản thân mình, cảm thấy ảnh chụp in trên tạp chí quá mức giả tạo cho nên cũng chẳng muốn xem, với lại cô vốn không có hứng thú với những người khác trên tạp chí, cho nên cũng không biết được cô và Cù Hoa có xuất hiện ở cùng một kỳ hay không.

Mục Tĩnh không đề cập tới quá khứ ấy trên bàn ăn, đã là chuyện của rất nhiều năm trước rồi. Hơn nữa Cù Hoa học chuyên ngành Y, giành được giải thưởng Toán học quả thực có thể là một đề tài đáng nói. Còn cô học chuyên ngành này, khoe khoang mấy cái giải thưởng lấy được từ hồi đang còn đi học thì đúng là quá tầm thường.

Mục Tĩnh âm thầm gửi riêng cho giảng viên cũ của mình là giáo sư Ngô một phong thư. Hai năm trước cô Ngô đã được điều từ nông trường về phân hiệu, tuy rằng chức vụ không cao nhưng lại là người phụ trách dự án. Mục Tĩnh hỏi thăm sơ lược về tình hình của phân hiệu, đồng thời gửi cho cô Ngô kẹo cưới của cô và Cù Hoa. Cô Ngô trả lời rất mau, cách trả lời cũng rất trực tiếp. Bà bảo rằng mình vốn đang nghĩ cách điều Mục Tĩnh qua bên đó, bởi tổ dự án thiếu người, nhưng nếu Mục Tĩnh đã kết hôn thì bà cũng chỉ có thể chúc cô tân hôn vui vẻ. Mục Tĩnh xem thư thì cười khổ, cho dù có bị số phận xoa tròn bóp dẹt suốt bao năm qua thì cô Ngô nói chuyện vẫn cứ thẳng thắn như vậy, không hề trở nên ghê gớm giống cô. Từ lá thư này cô có thể đọc ra được, cô Ngô cho rằng nếu là trước kia cô sẽ mong được điều đi, dù có khó khăn gian khổ, nhưng hiện tại cô đã kết hôn rồi, sẽ không có chuyện phúc không chịu hưởng mà tới nơi đó làm việc được.

Mục Tĩnh tức khắc viết thư lại cho cô Ngô, bày tỏ với bà quyết tâm muốn được điều chuyển của mình.

Cô Ngô cũng hồi âm ngay lập tức, bên bọn họ đang có người muốn được điều đến thành phố mà Mục Tĩnh ở, nhưng mãi vẫn chưa tìm được người để đổi cùng, nếu như Mục Tĩnh qua đó thì vị trí đã có sẵn. Chỉ cần hai bên đồng ý, thay đổi nhân lực cùng khoa ở hai địa điểm khác nhau không phải chuyện quá khó khăn, hơn nữa vấn đề xuất thân của Mục Tĩnh cũng đã được giải quyết, chỉ cần cô thuyết phục được gia đình mình là được. Tuy rằng cô Ngô đến tuổi ấy rồi mà vẫn chưa kết hôn nhưng khi trao đổi với Mục Tĩnh, bà vẫn khuyên cô nên suy nghĩ kỹ, rốt cuộc gia đình hiện tại có thể giúp cô giải quyết được rất nhiều vấn đề, về sau chưa chắc đã tìm được gia đình nào tốt hơn.

Chuyện điều chuyển công tác, Mục Tĩnh không nói với ai trong nhà, những việc bình thường cần làm cô vẫn làm như thường lệ.

Những khi lên lớp hoặc soạn bài, đôi khi cô vẫn không thể tránh được mà nghĩ tới Cù Hoa. Tuy những khoảnh khắc như thế cũng không nhiều lắm, nhưng lần nào cô cũng không khỏi đỏ mặt, không phải thẹn thùng mà xấu hổ thì đúng hơn, bởi vì chuyên ngành của cô ngày nào cũng bị anh dùng để v3 vãn trên giường. Mà điều càng khiến cô xấu hổ hơn chính là, mỗi khi Cù Hoa đưa ra một vấn đề hoàn toàn đứng đắn với cô, cô sẽ tự nhiên liên tưởng tới những chuyện đó, trong khi anh chỉ đơn thuần muốn thảo luận cùng cô thôi, không có ý gì khác cả. Nền tảng khoa học tính toán của Cù Hoa tốt hơn phần lớn sinh viên trường cô rất nhiều, các sinh viên trong trường hiếm người được trải qua giáo dục trung học bài bản. Đương nhiên trình độ của Cù Hoa còn xa mới đủ để Mục Tĩnh giao lưu một cách bình đẳng, nhưng mà anh là bác sĩ, hơn nữa còn là một bác sĩ với chuyên môn cao, cho nên cô cũng tương đối khoan dung với anh ở phương diện này.

Ban đêm cô vẫn giảng bài cho Cù Hoa nghe, bởi vì cảm thấy thời gian chẳng còn bao nhiêu nên tốc độ nói của Mục Tĩnh cũng nhanh hơn bình thường một chút. Nhưng mà Cù Hoa vẫn chẳng bao giờ để cô nói hết lời cả.
Bonus

Máy in ronéo

Cây cao lương

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.