Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 131: Chuyến đi của cả gia đình



Ông Phương thấy ông thông gia mãi không đến gặp gia đình mình thì cảm giác đối phương cực kỳ thiếu lễ nghĩa, thực sự không xứng làm thông gia của nhà ông. Ông dĩ nhiên bất mãn với thông gia, nhưng dù vậy thì ông vẫn quý mến con rể. Tiêu chuẩn chọn con rể của tông cao hơn hẳn chọn con dâu, chọn con dâu thì quan trọng nhất chính là nhân phẩm, có thể cùng con trai nâng đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn là được. Hai cô con dâu đều cao hơn tiêu chuẩn của ông rất nhiều, mà hiển nhiên là có thấp hơn thì ông cũng chịu, hai đứa con trai chẳng ai nghe lời ông cả.

Song chọn con rể thì không như vậy, ông có một bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh chẳng khác nào với tuyển chọn quan lại thời Đường. Đầu tiên chính là thân hình cao lớn tướng mạo đoan chính, những tên mặt thô mũi kệch căn bản không nằm trong vòng cân nhắc. Hơn nữa con gái cũng tốt hơn hai thằng con trai, vẫn để những lời người cha này nói trong lòng.

Có một lần đi công tác con rể từng tới đây chào hỏi ông, khí chất có vẻ rất tốt, không hề tủn mủn hèn mọn tí nào. Tuy rằng cậu con rể này không nói nhiều lắm, thậm chí còn rất kiệm lời, nhưng mỗi câu chữ đều đúng trọng điểm, biểu đạt đầy đủ sự tôn trọng với người cha vợ là ông. Ông còn đặc biệt viết cho con gái và con rể mấy chữ, hợp thành bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, thời còn trẻ ông thường viết thơ hiện đại, nhưng càng có tuổi lại càng thích thơ cổ hơn. Bài thơ chứa đựng những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho con gái và con rể, con rể vừa nhận thơ đã bày tỏ ngay mình sẽ đóng khung nó lại, mang về treo trong phòng ngủ. Sự tôn trọng này đến cả hai đứa con ruột cũng còn chưa cho ông, thơ ông đề cho nghịch tử hiện tại vẫn đang đặt trong phòng sách. Qua thư từ con gái gửi, ông cũng biết được cậu con rể này có năng lực chuyên môn xuất sắc, nếu tổng hợp lại thì cũng coi như miễn cưỡng đủ tiêu chuẩn kén con rể ông đề ra.

Cù Hoa chỉ ghé nhà trong thời gian ngắn, lúc đó Phương Mục Dương đang đến vùng nông thôn vẽ tranh nên không gặp được anh rể. Nhưng Phí Nghê đến đưa bản thảo đã sửa cho ông Phương lại vừa lúc gặp được anh.

Phí Nghê hiện giờ rất bận rộn, ngoại trừ việc học ở trường và nhiệm vụ sửa bản thảo cho ông Phương ra thì còn kiêm thêm một công việc biên dịch nữa. Cô đưa bản thảo tới nhà, chỉ chào hỏi anh rể được một câu rồi lại vội đi làm việc của mình.

Phương Mục Dương từ nông thôn về nhà, Phí Nghê rủ anh ra ngoài tiệm ăn tối.

Bây giờ ngoài việc đi học hưởng lương ra thì Phí Nghê còn nhận được ít nhuận bút của việc làm biên dịch nữa, mà Phương Mục Dương thì đã ngừng việc vẽ tranh liên hoàn. Những bức tranh anh muốn vẽ không chỉ không thể chuyển hóa thành tiền mà còn ngốn tiền của anh, anh càng vẽ nhiều thì tiền tiêu cũng càng nhiều. Giải thưởng chỉ có thể mang đến vinh dự cho anh, không thể mang đến tiền bạc. Phí Nghê thấy rất khó hiểu, tiền tiết kiệm trong nhà đều là cô giữ, số tiền hàng tháng cô đưa cho Phương Mục Dương tuy rằng không ít, nhưng cũng không đủ để anh mua quà rồi còn trả tiền mời cô ăn tiệm như thế này.

Sau đó cô mới biết được, Phương Mục Dương lại có một công việc mới, chính là sửa chữa những chiếc đồng hồ không dùng được rồi đem bán. Phí Nghê bảo Phương Mục Dương không cần sửa đồng hồ nữa, nhà vẫn còn tiền tích cóp, cô cũng có lương, trước mắt không cần anh phải kiếm tiền, đợi đến khi nào nhà họ hết sạch cái ăn rồi thì lại nhờ anh sửa đồng hồ kiếm sống cũng chưa muộn. Song Phương Mục Dương lại nói việc anh sửa đồng hồ không liên quan gì tới chuyện tiền nong, anh chỉ đơn thuần là muốn rèn luyện năng lực quan sát để vẽ tranh cho tốt hơn nữa mà thôi. Vì muốn chứng minh cho cách nói của mình, anh bày ra cho Phí Nghê xem bộ sưu tập linh kiện nhỏ. Phương Mục Dương quả thực không lừa Phí Nghê, sửa đồng hồ một thời gian anh thật sự đã nghĩ vậy, anh luôn có cách tìm được niềm vui ở trong những chuyện vụn vặt.     

Phí Nghê hiện tại chẳng hề tiết kiệm hơn Phương Mục Dương tí nào, cô vừa đi học vừa kiếm được tiền, không chỉ đủ tiêu mà còn để dành được một khoản nhỏ. Phương Mục Dương ăn uống bằng tiền của cô cũng rất yên tâm thoải mái, thi thoảng còn khoe với người khác vợ anh vừa đi học vừa kiếm được tiền nuôi anh, không chỉ cho anh mọi sinh hoạt phí mà còn chu cấp cả tiền mua giấy vẽ, cứ như thể có bà xã cho mình tiền là một niềm hãnh diện cực kỳ lớn lao, cực kỳ đáng để kiêu ngạo. Mọi người lúc bấy giờ đều sống tương đối giản dị, không có tư tưởng lạc hậu là nghệ thuật gia như anh thì nên có người chu cấp, những cô bạn nữ cùng lớp dù biết anh đã có vợ vẫn phải lòng anh cũng nhờ vậy mà biết được bản chất bóc lột của anh. Gia đình Phương Mục Dương và Phí Nghê quả thực là một xã hội tư bản thu nhỏ, nhìn vào chỉ thấy bóc lột và bị bóc lột, đã vậy kẻ đi bóc lột người ta lại còn dương dương tự đắc.

Có những tên đàn ông truyền thống nghe xong thì vừa khinh bỉ Phương Mục Dương vừa thấy tiếc thay Phí Nghê, một cô gái tốt như vậy mà lại lấy phải một thằng con trai sống dựa dẫm vào nhà vợ, cái bọn đi làm nghệ thuật xưa nay vẫn chẳng đáng tin tẹo nào. Đôi khi nghe thấy những luận điệu như thế, Phí Nghê cũng muốn làm sáng tỏ thay Phương Mục Dương, nhưng vì chính bản thân Phương Mục Dương không để tâm cho nên cô cũng cảm thấy thôi thì cứ để mặc người ta nghĩ gì thì nghĩ, vừa hay có thể cản được một ít hoa đào của anh. Một người đàn ông xài tiền của vợ, cho dù có đẹp trai tài hoa đến mấy thì chung quy vẫn bớt đi vài phần hấp dẫn.

Hai người ăn tối xong lại đi xem tiếp hai bộ phim điện ảnh ngoài trời. Dọc theo đường về, ánh đèn của các căn hộ xung quanh gần như đều đã tắt ngúm, chỉ còn lại hai người họ. Phí Nghê ngồi sau xe đạp của Phương Mục Dương, kể cho anh nghe về những vì sao trên bầu trời.

Về tới nhà rồi, bọn họ nằm trên chiếc chăn trong phòng vẽ tranh, vừa nghe nhạc vừa ngắm sao qua giếng trời, thỉnh thoảng lại liếc nhìn nhau một cái. Phí Nghê kể chuyện anh rể một mình tới thăm nhà cho Phương Mục Dương nghe, Phương Mục Dương hỏi cô anh rể trông như thế nào, Phí Nghê nói không thấy rõ. Phương Mục Dương liền lấy giấy ra vẽ cho cô xem, anh vẽ đôi mắt trước nhất, Phí Nghê nhìn xong thì lắc đầu, nói hốc mắt sâu hơn một chút. Phương Mục Dương lại vẽ mũi, Phí Nghê chống cằm suy nghĩ một bận, nói sống mũi phải thẳng hơn. Tiếp theo Phương Mục Dương vẽ miệng, Phí Nghê chỉ và giấy vẽ nói, môi không dày như anh vẽ, khuôn mặt cũng không vuông vức như vậy.

Phí Nghê nhìn bức phác họa của chồng mình, nói: “Anh rể trông đẹp hơn tranh rất nhiều, rất xứng đôi với chị hai.”

Phương Mục Dương hỏi Phí Nghê: “Không phải em bảo không thấy rõ à?”

Phí Nghê nhìn tranh Phương Mục Dương vẽ anh rể, cười đáp: “Ấn tượng tổng thể thì vẫn phải có chứ, chị hai mà nhìn thấy tranh của anh kiểu gì cũng tức giận cho xem, lại dám vẽ chồng chị ấy thành như vậy.

Phương Mục Dương cố ý đùa giỡn với cô: “Không phải em nói diện mạo với đàn ông chẳng phải thứ quan trọng sao? Ở phương diện này chị gái anh không thể nào nông cạn hơn em được.”

“Những người đàn ông em nói đến không tính đối tượng kết hôn, chỉ cần không kết hôn với em thì bất kể là nam hay nữ, diện mạo của người ta cũng không liên quan đến em.”

“Nhưng anh nhớ có mấy người bạn học em miêu tả được chính xác lắm mà, bình thường hay quan sát bọn họ lắm có phải không?”

Gần đây Phương Mục Dương có một dự án hội họa khác, chính là nhờ Phí Nghê miêu tả lại ngoại hình của các bạn nam trong lớp để anh vẽ lại, có những bức tranh Phí Nghê khen Phương Mục Dương vẽ rất giống. Qua lời miêu tả của Phí Nghê mà Phương Mục Dương nắm rõ cô có ấn tượng sâu sắc với bạn học khác phái nào, anh phát hiện những người cô chú ý nhiều phần đa đều không phù hợp với thẩm mỹ của số đông, thậm chí những người phù hợp với thẩm mỹ của số đông lại khá mờ nhạt trong mắt cô.

“Bình thường gặp nhiều nên tự nhiên nhớ rõ thôi, anh còn không biết xấu hổ mà nói em.” Nói tới đây, Phí Nghê “hừ” một tiếng. “Em đâu có giống như anh, ở sân trượt băng vẫn nhìn người ta chằm chằm, những người không biết còn tưởng anh là yêu râu xanh đó.”

“Yêu râu xanh nào mà lại nhìn chằm chằm đàn ông?” Lại còn là đàn ông hơn bốn mươi tuổi nữa chứ, chẳng qua là kỹ thuật trượt băng của anh ta quá tốt, mà đúng lúc Phương Mục Dương đang muốn làm cho bức tranh tĩnh của mình có cảm giác thật sống động cho nên mới cố tình quan sát anh ta thật kỹ một hồi lâu, cố gắng bắt được một khoảnh khắc dừng đáng giá.

“Đấy chỉ là ở trước mặt em thôi.” Khi không có mặt cô anh từng vẽ không ít nữ y tá, nhưng vì tỏ vẻ bản thân mình không ghen tuông nên Phí Nghê lại nói tiếp: “Đương nhiên là em ủng hộ công việc của anh, có nhìn phụ nữ cũng là bình thường, vẽ chân dung không thể nào không quan sát đối tượng được. Mà lúc trước anh không phải vì muốn được danh chính ngôn thuận ngắm các bạn nữ nên mới đi học vẽ tranh đấy chứ?”

“Anh học vẽ tranh từ trước cả khi quen em cơ mà.” Đối với một đứa con nít chưa học hết cả tiểu học thì súng cao su còn hấp dẫn hơn các bạn nữ nhiều, phải rất lâu sau khi biết Phí Nghê anh mới có ý thức về việc quan sát phụ nữ, khi ấy anh cũng đã vẽ tranh được nhiều năm rồi.

Phương Mục Dương còn chưa kịp vẽ lại một bức chân dung khác cho anh rể thì đã bị Phí Nghê hạ lệnh kéo vĩ cầm cho cô nghe.

Tới tận khi đến thăm nhà chị hai, Phương Mục Dương vẫn chưa vẽ ra được diện mạo chính xác của anh rể mình.

Bởi vì gia đình thông gia lần lữa mãi không chịu đến thăm hỏi mình nên ông Phương không khỏi cảm thấy con gái sống ở bên đó không nhận được sự tôn trọng xứng đáng. Ông vốn đã hy vọng con gái có thể về gần cạnh bên, mà suy nghĩ này lại càng khiến ông quyết tâm hơn trước. Hơn nữa ông cũng khá vừa lòng với con rể, vậy nên ngoài việc tính cách đổi công việc cho con gái, ông cũng bắt đầu tính luôn cả chuyện tìm công việc mới cho chồng cô. Ông Phương rất có năng lực trong vấn đề này, thế nên chẳng bao lâu sau ông đã tìm được đơn vị đồng ý nhận người, chỉ cần con rể của ông nói một lời nữa là được.

Đối với ý tưởng của ông, bà xã không ủng hộ, cũng không phản đối.

Vào kỳ nghỉ hè nghịch tử định đi du lịch cùng con dâu, nhân tiện đến thăm chị gái, hỏi xem ông có quà cáp gì muốn chuyển qua không. Ông Phương quyết định sẽ tự mình mang quà đi, thông gia lề mề không chịu đến thăm, ông đành phải hạ mình mà sang bên đó, thuận tiện bàn chuyện đổi việc với con gái và con rể. Giáo sư Mục cũng tỏ ý muốn đi thăm con gái.

Ông Phương nói: “Bà đừng đi nữa.” Nếu cả bà xã cũng đi thì lại có vẻ quá long trọng. Nhà bọn họ không tới chào hỏi mình, cả nhà mình lại đồng loạt kéo sang bên ấy, cứ như thể vội vàng gấp gáp đi làm thân với gia đình họ Cù vậy.

Đợi đến khi cả con gái lẫn con rể đều đã chuyển về đây, cái mối quan hệ thân thích này cũng không cần thiết phải dây dưa nữa.

Phương Mục Dương lại nói: “Chúng ta đều đi hết đi, cũng không phải là coi trọng nhà bọn họ, mà là coi trọng chị gái của con.”

Ông Phương lại cảm thấy nghịch tử nói cũng có lý.

Ông Phương quyết định để bà xã ngồi máy bay đi thăm con gái, với số tiền tiết kiệm và tiền lương của ông thì vé máy bay tuy rằng đắt đỏ nhưng chưa đến nỗi không kham nổi. Từ sau khi trở lại làm việc, bà bạn già của ông chưa từng để tâm tới chuyện hưởng thụ vật chất, ông có muốn tiêu tiền cho bà cũng không có cơ hội. Đi báy bay tuy không phải loại hưởng thụ gì cao sang nhưng vẫn coi như tấm lòng của ông. Còn đối với ông mà nói, bỏ tiền ra mua vé máy bay thì thà là mua tranh chữ còn có giá trị hơn nhiều. Bà xã cần có một người đi cùng, con dâu đương nhiên là sự lựa chọn tốt nhất, mà tiền vé máy bay của con dâu dĩ nhiên cũng là ông chi. Cho dù hai người không có quan hệ thân thích với nhau thì con dâu cũng đã giúp ông sửa sang bản thảo, chẳng lẽ ngần ấy công sức lại chẳng đáng bằng tiền của một tấm vé.

Còn về phần con trai, hiển nhiên là sẽ ngồi xe lửa cùng với ông, đây cũng là một cơ hội tốt để cha con ở cạnh nhau. Bình thường tuy bọn họ cũng không thiếu dịp gặp mặt nhưng ở gần nhau thời gian lâu như vậy thì vẫn là lần đầu, ông có thể tiến hành một ít công cuộc giáo dục nghịch tử.

Phí Nghê tất nhiên là không đồng ý, nếu cha chồng đã mua hai tấm vé máy bay thì đương nhiên là ông bà nên đi cùng nhau, cô đi cùng với mẹ chồng thì sao coi được. Vé máy bay đối với cô quá xa xỉ, hơn nữa cô muốn được ở bên Phương Mục Dương. Phương Mục Dương cũng cảm thấy ông già nhà mình vô duyên, rõ ràng là anh và Phí Nghê cùng đi du lịch, bây giờ lại đòi sắp xếp lại tổ hợp theo giới tính, anh thực sự không hiểu nổi dựa vào đâu mà cha anh lại đánh giá cao sức hấp dẫn của mình với anh đến thế.

Song anh lại nghĩ tới chuyện Phí Nghê chưa được đi máy bay bao giờ, lần này cũng coi như trải nghiệm một chút, sau này bọn họ vẫn không thiếu cơ hội ở bên nhau, vậy nên đã trực tiếp nhận lời thay cho Phí Nghê. Phương Mục Dương và cha cùng đi xe lửa trước, vì muốn chứng minh là mình giản dị nên ông Phương cũng ngồi ghế cứng với nghịch tử. Phương Mục Dương thường xuyên quan sát cảnh sắc bên ngoài cửa sổ, sau đó vẽ lại trên giấy, còn người cha già của anh thì vẫn ở cạnh tiến hành giáo dục với anh.

Cuối cùng, Phương Mục Dương đành phải đi tìm trưởng xe, tự mình bỏ tiền túi ra mua cho cha anh một tấm vé nằm, còn bản thân thì vẫn ngồi ghế cứng.

Ông Phương rất cảm động, nghịch tử hiện tại không chỉ hiếu thảo mà còn sống giản dị nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.