Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 73: Ngôi lầu vàng trong sách



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Số nội thất ít ỏi được trả về căn bản không thể lấp đầy căn nhà mới của nhà họ Phương, song ông Phương cũng không vội sắm sanh đồ đạc. Nhà không thuê thêm giúp việc, giáo sư Mục đã bắt đầu đi làm, chỉ còn mình ông Phương là rảnh rỗi chờ đợi sắp xếp công việc, tuy ông cũng có bản thảo cần chép lại nhưng vì thời gian của ông linh hoạt cho nên việc nhà tự động rơi xuống đầu ông. Dưới tình huống như vậy, ông Phương đương nhiên mong nhà càng ít đồ càng tốt.

Ngày Chủ nhật, Phí Nghê theo Phương Mục Dương đi thăm nhà cha mẹ chồng. Những người nhiều năm không công tác một khi đã có việc làm thì phần đa đều nóng lòng muốn cống hiến hết mình cho công việc, giáo sư Mục vừa đi làm lại, quãng thời gian này cả ngày Chủ nhật bà cũng ở lì trên trường. Sinh viên hiện tại nền tảng quá kém, có những người còn chẳng có cả kiến thức căn bản dạy từ cấp hai, không thể theo kịp việc giảng dạy của bà, cho nên bà đành tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để ép bọn họ học bù.

Những năm qua ông Phương đã không ít lần trả giá cho sai lầm từ miệng mà ra, vất vả lắm mới có thể thu mình, nhưng vừa thấy mặt con trai con dâu thì miệng lại không kìm được: “Mẹ hai đứa lúc nào cũng bảo cha phải thận trọng tuyệt đối từ lời nói tới việc làm, kết quả bà ấy thì sao, vừa mới đi làm không lâu đã bắt sinh viên học bù, cũng chẳng sợ bị người ta gán cho cái mác chuyên trắng(1) điển hình, bị sinh viên đá rớt đài. Nhưng mà dù sao cha cũng hiểu được suy nghĩ của mẹ các con, quá nhiều sinh viên yếu kém, nhiều người thậm chí còn chẳng bằng học sinh trung học, cho dù có cho học bù cũng chẳng thể nào theo kịp bà ấy dạy được. Chế độ tuyển chọn đại học cũng cần phải thay đổi thôi.”

(1) Chuyên trắng: Một thuật ngữ thời Cách mạng Văn hóa chỉ những người chỉ chăm chú làm kinh tế mà không quan tâm đến chính trị. Đối lập với “chuyên trắng” là “chuyên đỏ” – những người không chỉ chú tâm học tập chính trị mà còn tập trung kinh doanh, làm tốt công việc của mình.

Phí Nghê nhịn không được hỏi: “Cha, cha thấy kỳ thi đại học có khả năng khôi phục không?”

Ông Phương vì tự tin con dâu sẽ không ra ngoài nói bậy nên lại kìm miệng không được mà giải thích một phen. Sau vài lần gặp mặt cô con dâu này, ông Phương phát hiện cô là một người rất kín miệng. Còn đứa con trai kia thì càng khỏi cần phải nói, trong khoảng thời gian gian nan nhất, ông hi vọng con trai út sẽ vạch rõ giới hạn với mình để cuộc sống được tốt hơn, nhưng nghịch tử lại không chịu.

Ở phương diện này Phương Mục Dương có lợi thế hơn anh chị của mình, bởi vì người ngoài đều biết cha con bọn họ bất hòa, hơn nữa Phương Mục Dương còn chơi rất thân với con cái gia đình công nhân, thường xuyên lấy tiền trong nhà ra ngoài đãi bạn, cùng nhau “chia giàu sẻ nghèo” với đám trẻ đó, thậm chí thuốc lá Trung Hoa ông thỉnh thoảng mới dám hút cũng bị nó lén đưa cho người gác cổng. Những chuyện ấy Phương Mục Dương đều làm như lẽ đương nhiên. Vì phân rõ ranh giới với giai cấp tư bản nên mẹ của Phương Mục Dương đã quyên góp hết tiền tiết kiệm có lãi suất, vàng bạc, nhà ở cùng với tất cả đồ đạc giá trị mà bà ngoại để lại cho nó, thế nên Phương Mục Dương luôn cho rằng mình cũng có quyền kiểm soát tiền bạc trong nhà y hệt như cha mẹ mình, muốn xài gì thì cứ xài, tiêu nhiều hay ít tùy thích, lúc tiêu xài cũng không cần hỏi ý kiến của cha mẹ.

Ông Phương vẫn nhớ, nghịch tử tuy luôn nghĩ cách tiêu tiền của họ, nhưng thật ra không hề có khái niệm gì về vàng bạc lãi suất linh tinh. Biết chuyện nhà bị quyên đi, suy nghĩ đầu tiên của nó chính là chuyện gì sẽ xảy ra với những bông hồng mà khi sống bà thích nhất. Mấy ngày sau ông Phương Nghe nói, nhà cũ của mẹ vợ ông bị trộm đột nhập, tài sản không thiệt hại gì, chỉ có toàn bộ hoa hồng trong vườn là đã bị đào đi mất, mà cũng may là người ta cũng đang có ý định dọn dẹp chỗ hồng kia đi. Ông Phương không nhìn thấy hoa hồng ở trong nhà, nhưng ông vẫn biết chắc là con trai nhỏ gây nên, bởi vì sau ngày hoa hồng bị đào đi thì quần áo của thằng bé cũng vừa bẩn thỉu vừa rách nát. Cả ông lẫn vợ đều không ai truy cứu chuyện kia, chỉ mua thêm một vài bộ quần áo mới cho Phương Mục Dương, dự định đối xử với thằng bé này tốt hơn một tí. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Phương Mục Dương đã lén cầm sổ hộ khẩu đến cửa hàng ủy thác bán hết quần áo của mình. Lại thêm vài ngày sau nữa, cái đài duy nhất trong nhà cũng bị nó mang đi mất. Ông Phương hết cách, đành phải tiếp tục sử dụng lại phương pháp giáo dục trước kia.

Sau khi giải thích một hồi, ông Phương lại nói: “Học tập không nhất định phải giới hạn ở trong trường, ở nhà cũng có thể học. Nếu con và Mục Dương có vấn đề gì thì cứ nói, có thể hỏi cha và mẹ con lúc nào cũng được.”

Phí Nghê tất nhiên rất sẵn lòng, nhưng Phương Mục Dương thì hoàn toàn chẳng có hứng thú gì với việc học hỏi cha mình, cho dù chỉ là bày vẽ ngoài mặt cũng lười giả bộ.

Căn nhà của nhà họ Phương vốn dĩ đã không hề nhỏ, mà bởi vì ít đồ đạc nên trông càng rộng lớn hơn. Ông Phương đưa con trai và con dâu đi tham quan một vòng, khi đến một gian phòng ngủ có ánh sáng tự nhiên, bên trong hoàn toàn trống trải, ông mới chỉ vào trong phòng mà nói: “Về sau hai đứa sẽ ngủ phòng này.”

Ông Phương dù sao cũng là một người cha rất có trách nhiệm, ông bỏ bê việc giáo dục nghịch tử nhiều năm như vậy, khi có cơ hội dĩ nhiên muốn bù đắp lại. Hơn nữa hiện tại ông cũng chưa phải đi làm, vừa hay có thể đốc thúc con trai học tập bất cứ lúc nào.

Cả Phương Mục Dương lẫn Phí Nghê đều không đáp. Phương Mục Dương hiển nhiên là không muốn ở cùng cha mẹ mình, cho dù nhà của bọn họ có tốt hơn nhà anh cả trăm lần thì anh cũng không muốn. Phí Nghê không muốn, là bởi vì một khi đã dọn khỏi căn nhà mà xưởng may mũ phân cho thì cô cũng sẽ mất đi quyền sở hữu hợp pháp với căn nhà đó, và nó sẽ được nhượng lại cho bất cứ công nhân viên chức nào có nhu cầu. Cô bỏ trống nó lâu dài thì có nghĩa là không cần ở, đương nhiên sẽ phải nhường cho người khác. Dọn ra thì rất dễ dàng, nhưng nếu dọn về thì sẽ cực kỳ khó khăn.

Ông Phương cũng không giục bọn họ đến ở nhanh, còn phải đợi sắm đủ đồ dùng trong nhà, dù sao cũng sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa.

Phòng vệ sinh của nhà mới đã được trang bị đầy đủ, có thể tắm được nước nóng, nhưng phòng bếp thì vẫn chưa mua đủ dụng cụ nấu ăn. Phòng sách chỉ kê có mỗi một cái bàn làm việc, bản thảo của ông đều để ở trên đó hết.

Khi viết lách ông Phương thường chỉ lo viết sao cho mình thấy sướng chứ không hề để ý tới tương lai, lo lắng xem mười năm sau những nội dung ấy sẽ như thế nào. Những bản thảo trước kia thất lạc, ông mạo hiểm dựa vào trí nhớ mà viết lại trên giấy bổi, cảm thấy dù sao mình cũng phải lưu lại chút gì đó, cho dù ở giữa có rất nhiều phần gián đoạn nhưng ông vẫn cứ kiên trì. Một mặt giấy bình thường chứa khoảng ba nghìn con chữ, nếu không đeo kính nhìn cẩn thận từng chữ một thì sẽ không thể hiểu nổi trên giấy đang viết cái gì, mà tình hình hiện tại không cho phép ông đọc chữ quá kỹ, thị lực của ông ngày càng kém, bác sĩ vẫn bảo ông không được dùng mắt quá độ. Mấy hôm trước ông đã nổi lên ý định tìm người chép thay, nhưng vẫn chưa tìm được ai đáng tin cậy cho nên đành phải tự mình sửa sang, mỗi ngày một chút.

Ông Phương cũng không hi vọng con trai còn chưa tốt nghiệp cấp hai và con dâu trình độ văn hóa cấp ba có thể hiểu được bản thảo của mình, nhưng vẫn hào phóng đưa bọn họ xem.

Phí Nghê thấy trong bản thảo có rất nhiều từ vô nghĩa, nhưng khi cô nhẩm những từ này trong đầu, cô lại phát hiện chúng đều có ý nghĩa cả, chẳng qua chúng là từ ngữ tiếng Anh nhưng lại được phiên âm một cách vụng về thành từ tiếng Trung mà thôi. Với học vấn của cha chồng cô, đương nhiên có thể dịch sát nghĩa hơn một chút, song lúc viết ông lại quá cẩn thẩn, cho dù là bản thảo chỉ mình mình xem thì cũng vẫn đề phòng người khác xem, không chỉ thường xuyên sử dụng từ vựng tiếng Anh mà còn dùng từ phiên âm thay cho từ tiếng Anh gốc, thậm chí khi phiên âm cũng cố ý chuyển ngữ không chuẩn xác.

Ngày hôm sau, Phương Mục Dương lại đạp xe đến nhà cha mẹ, đi lấy chỗ sách mà Phí Nghê nhờ giáo sư Mục mượn từ thư viện.

Phương Mục Dương không chỉ lấy được sách mà còn nhận thêm được một cái phong bì, bên trong là hai trăm tờ mười tệ Đại Đoàn Kết(2). Ông Phương bảo anh mau cầm tiền đi bù lại phần đã tiêu xài của Phí Nghê lúc trước.   

(2) Đại Đoàn Kết: Bộ tiền giấy mười tệ phát hành lần đầu ngày 10/01/1996 và ngừng lưu hành từ 01/07/2000, bên trên in hình ảnh “những người đại biểu của nhân dân bước ra từ Đại lễ đường.”

“Cứ tiêu tiền của vợ mãi, sau này không ngẩng đầu lên được trước mặt người ta đâu. Số tiền này anh nhất định phải đưa cho Phí Nghê đấy, đừng có tự mình tiêu lấy.”

Phương Mục Dương cười: “Con cao hơn cô ấy, ngẩng đầu lên sao nhìn thấy cô ấy được chứ. Nếu cha đã không tin con như thế thì sao không tự mình đưa cho cô ấy?”

“Nợ là nợ, tấm lòng là tấm lòng, cái này anh vẫn nên tự mình đưa qua thì hơn.”

Phương Mục Dương mua hai lon bào ngư đóng hộp, một lon đưa cho cha mẹ, lon còn lại mang về nhà. Về đến nhà rồi, người đầu tiên anh trông thấy không phải Phí Nghê mà là một người đàn ông, mà người đàn ông này anh còn chẳng quen biết gì.

Mới đầu anh cứ tưởng là bạn bè của Phí Nghê, nhưng nghe cô giới thiệu xong thì mới biết, người kia vốn công tác ở tòa soạn, hôm nay cố ý đến nhà để đặt hàng anh vẽ một bản thảo tranh liên hoàn cho báo của họ.

Phí Nghê pha hồng trà cho khách, khi Phương Mục Dương quay về thì tách trà cũng đã cạn, vậy nên cô lại rót thêm trà cho người ta, đồng thời xếp một ít điểm tâm lên đ ĩa, bày ra bàn, bảo Phương Mục Dương từ từ nói chuyện với khách.

Còn cô thì ngồi xuống bên cái bàn làm việc đóng dưới giường cao, cúi đầu đọc cuốn sách Phương Mục Dương mượn về cho mình.

Lúc đọc sách cô vẫn luôn rất chuyên chú, sách luôn ngăn cách cô với toàn bộ thế giới bên ngoài.

Những ngày này, chuyện tốt liên tiếp xảy đến với nhà họ Phương. Bọn họ ổn định chỗ ở, lấy lại tiền lương phát thiếu, sự nghiệp của Phương Mục Dương cũng càng ngày càng suôn sẻ, thậm chí còn có cả biên tập viên từ tòa soạn chủ động đến nhà hỏi thăm. Phí Nghê đương nhiên vui mừng thay họ, nhưng bản thân cô cả năm nay lại chẳng có tiến triển gì, vẫn cứ làm y hệt một công việc như năm ngoái…

Chẳng bao lâu sau Phương Mục Dương đã nói chuyện với khách xong, còn nội dung công việc cụ thể anh sẽ trao đổi kỹ hơn khi đến tòa soạn.

Tiễn khách đi rồi, Phương Mục Dương bước tới sau lưng Phí Nghê, vừa lật sách vừa hỏi: “Em cảm thấy cuốn sách này thế nào?”

Phí Nghê vừa định đáp lời thì sách đã lật đến một trang có kẹp một tờ mười tệ.

“Ai lại bất cẩn như thế nhỉ? Để quên tiền trong sách này.”

“Anh thấy chắc không chỉ có một tờ đâu, em giở tiếp thử xem.”

Trong một quyển sách, Phí Nghê lấy ra được mười mấy tờ mười tệ.

Phương Mục Dương cười: “Cái thứ gọi là ngôi lầu vàng trong sách, chắc là như thế này nhỉ?”

Từ nụ cười của anh, Phí Nghê có thể lờ mờ đoán ra lai lịch của chỗ tiền đó: “Phí gửi bản thảo à?”

Phương Mục Dương lấy cái phong bì kia ra, mở ra cho Phí Nghê xem.

Hai trăm tờ mười tệ Đại Đoàn Kết chồng thành một xấp. Nhiều tiền như vậy, Phí Nghê chỉ có thể nghĩa đến một loại lai lịch. Cô hỏi Phương Mục Dương: “Cha anh đưa anh à?”

Phương Mục Dương vẫn cười với cô: “Đây không phải là tiền của anh, đây là tiền của em. Ông già bảo anh trả lại tiền cho em.”

“Trả em?”

“Hôm trước em móc hầu bao ra mua quần áo và đồ dùng cho ông ấy, giờ ông ấy trả lại em.”

“Đâu ra nhiều tiền như vậy, chỗ tiền em tiêu còn chưa đến hai trăm tệ.” Phí Nghê nghĩ nghĩ một chút, lại nói: “Tiền này vẫn nên trả lại cho họ thì hơn.”

Phương Mục Dương nhéo má Phí Nghê: “Cái cô nhóc tham tiền này, lúc bảo anh nộp tiền lương cho em sao lại không thấy em phóng khoáng như thế nhỉ?”

Hiện tại hai phần ba tiền lương của Phương Mục Dương mỗi tháng đều phải giao cho Phí Nghê giữ, thậm chí anh còn phải đưa cả bảng lương để chứng minh mình không nói dối. Còn tiền nhuận bút thì vẫn chỉ cần giao một nửa là được.

Phí Nghê cũng cười: “Tiền của anh đâu giống tiền của người khác chứ?”

“Ông già bây giờ không thiếu chút tiền này đâu, em trả lại cho ông ấy, ông ấy cũng chẳng có chỗ mà tiêu. Trên tay ông ấy nhiều tiền như thế mà có sắm thêm được tí đồ đạc nào đâu. Chúng ta không đi tiêu hộ, tiền của ông ấy cũng chỉ xếp xó mà thôi.” Phương Mục Dương đưa xấp tiền cho Phí Nghê. “Thế này đi, em giữ lại một ngàn, phần còn lại anh sẽ đi mua thêm ít đồ cho ông ấy.”

“Thế cũng được.” Phí Nghê chợt nhớ tới chuyện trưa nay anh trai cô nói. “Buổi trưa anh cả có đến tìm em, hỏi xem anh có thể giúp anh ấy vẽ thiết kế sô pha cùng với chạn bát được không. Em nghĩ dù sao mình cũng có sẵn nên đã hứa ngày mai sẽ đưa cho anh ấy rồi.”

“Không vấn đề gì, nhưng không phải nhà em đã có sô pha nhỏ và chạn bát rồi sao? Sô pha to kê vào không vừa được đâu.”

“Em cũng không rõ nữa, để mai em hỏi anh ấy thử xem.”

Phương Mục Dương cũng không có ý định từ từ chọn từng tí một. Anh cầm tiền của cha mình đi ra cửa hàng ủy thác, mua một bộ bàn ghế làm việc, tủ sách và tủ năm ngăn, tất cả đều làm bằng gỗ tử đàn.

Sau vài chuyến đi tới cửa hàng ủy thác, đồ đạc trong nhà đã đầy. Số tiền dư lại, Phương Mục Dương mang đi đổi phiếu kiều hối với giá cao, ra cửa hàng hữu nghị mua thêm hai cái quạt điện. Mùa hè đã sắp đến mà nhà cha mẹ anh vẫn còn chưa có quạt điện, cả nhà anh cũng vậy. Ngoài quạt điện ra, còn có thảm trải sàn và một chiếc chăn mỏng nữa được chuyển đến nhà cha mẹ anh.
Bonus

Tờ 10 tệ Đại Đoàn Kết

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.