Tình Yêu Định Mệnh

Chương 6: Ngày lễ của ngài chánh án mina



Không lẽ chúng ta lại để tâm một cách tầm thường tới những sự náo động do sự trở về chậm trễ của ngài chánh án đáng trọng Mina gây ra cho gia đình ngài; có đúng thế chăng, các độc giả thân mến. Như vậy, chúng ta chẳng thu được gì hơn trong chuyện này, do đó chúng ta hãy theo gia đình ngài như gia đình ngài theo chủ nhân của họ có nghĩa là cùng họ vào phòng ăn đã dọn sẵn bữa tiệc. Chúng ta hãy lướt nhìn đám thực khách và lắng nghe câu chuyện trao đổi giữa họ với nhau.

Không một ai trong đám người ngồi vây quanh bàn gây được nhiều thiện cảm với một người quan sát thông minh dù mới thoạt nhìn. Đây là bộ sưu tập mọi bộ mặt vô nghĩa hoặc khờ khạo mà ta gặp trong mọi tầng lớp xã hội.

Mỗi thành viên trong gia đình chánh án Mina mang bộ mặt phản ánh giữa những tư tưởng đang khuâý động nó. Mọi tư tưởng ấy lúc nhúc trong đám sương mù của sự ngu muội hoặc trong những tận cùng của sự tầm thường. Ở trong những người này là quyền lợi, ở trong những người khác là lòng vị kỷ; ở những người này là sự keo kiệt, ở những người kia là sự nô lệ.

Vì vậy, trái ngược với đám dân chúng giống như bầy nô lệ sau cỗ xe của kẻ chiến thắng La Mã,vừa thét lên với ngài chánh án Mina: “ mi hãy nhớ lấy, Mina! Mi phải chết” thì những thành viên của gia đình ngài, tụ họp nhân dịp lễ sinh nhật của ngài chánh án, đồng thời là ngày lễ của ngài; mọi con người ấy chỉ chờ đợi ở ngài pháp quan một lời để chúc tụng ngài về cái phần chói lọi mà ngài vừa giành được trong vụ án xét xử người đồng nghiệp của ngài và để uống mừng kết quả may mắn của vụ án đó, tức là xử tử hình Anơ Đuybuôc, và khi Mina buông mình xuống chiếc ghế bành của ngài, vừa nói vừa đưa chiếc khăn tay lên trán: “A! Ta tin chắc, các bạn, hôm nay chúng tôi đã có một phiên họp náo động” thì mỗi kẻ, như chỉ chờ đợi hiệu lệnh ấy, ùa nhàu hò reo.

- Xin hãy ngừng lơi, vĩ nhân! - Một người cháu thay mặt mọi người lên tiếng nói với ngài – Xin khoan nói, xin bác hãy nghỉ ngơi, vì những nỗi bực dọc của bác, cho phép chúng chau lau mồ hôi đang chảy trên vầng trán cao quý của bác. Hôm nay là ngày sinh nhật bác, cái ngày sinh nhật trọng đại vinh quang đối với gia đình bác và pháp viện mà bác là một trong các ngọn đuốc rực sáng; toàn gia đã tụ họp để chúc mừng ngày vẻ vang này, nhưng xin bác hãy chờ một lát; xin bác hãy lấy lại hơi thở đã; xin bác hãy uống một cốc vang cổ này để lát nữa tất cả chúng cháu sẽ cùng nâng cốc chúc bảo tồn những ngày quý báu của bác; nhưng, nhân danh Chúa trời, xin đừng dừng lại dòng thời gian của những chuỗi ngày đó vì một sự bất cẩn! Gia đình bác khẩn cầu bác hãy để gia đình được bảo vệ bác; để giữ gìn cho nhà thờ một sự ủng hộ kiên quyết nhất, giữ gìn cho nước Pháp một trong những người danh tiếng nhất”.

Về bài diễn từ nhỏ này, ngay thời cổ xưa ấy, thể thức cũng đã lỗi thời; ngài chánh án Mina rơm rớm nước mắt muốn đáp lại nhưng những bàn tay kho khốc của bà chánh án và những bàn tay mũm mĩm của các tiểu thư con gái ngài đã bịt miệng ngài ngăn không cho ngài nói. Cuối cùng, sau vài phút nghỉ ngơi, lời nói đã được trả lại cho ngài Mina và một tiếng “suỵt” kéo dài lan khắp người dự, đến nỗi ngay cả nhưng tôi tớ đứng gác ở cửa đã không bỏ sót một lời những điều mà ngài pháp quan hùng biện nói.

- A! Các bạn thân mến của ta – Ngài bắt đầu nói- Các anh em của ta, thân nhân của ta, gia đình yêu quý và đức hạnh của ta, ta xin cảm ơn các bạn về tình thân ái và những lời chúc tụng của các bạn mà đúng là ta thật xứng đáng như vậy, ôi! Gia đình âu yếm của ta! Bởi vì ta có thể nói không hể kiêu căng, hoặc giả nếu các bạn muốn thế thì, với niềm kiêu hãnh cao cả, ta có thể lớn tiếng nói rằng, không có ta, không có lòng kiên định và nhiệt huyết của ta thì vào giờ đã định, tên tà giáo Anơ Đuybuôc sẽ được tha bổng như bọn tòng phạm của y là Poa, la Fuymê, Đuyfô và Đờ la Pooc; nhưng nhờ ý chí kiên quyết của ta, vụ án đã thắng lợi và ta vừa…- Ngài nói tiếp, mắt ngước lên trời tỏ dấu hiệu cảm ơn – ta vừa tạ ơn Chúa, cho tuyên án tên tà giáo khốn nạn ấy.

- Ô! Hoan hô! -Cả gia đình đồng loạt giơ tay lên trời đông thanh reo hò – Người cha danh tiếng của chúng ta muôn năm! Người không bao giờ sờn lòng muôn năm…Người mà bất kể trường hợp nào cũng đánh bại những kẻ thù của đức tin muôn năm…Chánh án Mina vĩ đại sống mãi!...

Những kẻ đầy tớ đứng sau cửa, mụ nấu ăn trong bếp, tên mã phu trong chuồng ngựa đều nhắc lại:

- Ngài chánh án Mina vĩ đại muôn năm!

- Cảm ơn các bạn, cảm ơn! Chánh án Mina nói giọng thấm thía – Cảm ơn! Nhưng hai con người, hai con người vĩ đại, hai ông hoàng, họ có quyền hưởng phần trong những lời chúc tụng mà các bạn không tiếc lời với ta, không có những sự ủng hộ của họ, không có ảnh hưởng của họ thì không bao giờ ta có thể đưa cái vụ vẻ vang này tới đích được. Hai con người ấy, các bạn ạ, là đức ông quận công Frăngxoa Đờ Ghidơ và đức ngài hồng y giáo chủ Đờ Loren. Sau khi uống chúc sức khỏe các ngài ấy và cầu Chúa giữ gìn những ngày sống của hai vĩ nhân này của Đế chế!

Mọi người nâng cốc chúc sức khoẻ quận công đờ Ghidơ và hồng y giáo chủ Đờ Loren, nhưng phu nhân Mina nhận thấy đức ông chồng đáng yêu của bà chỉ lướt nhẹ môi lên cốc rồi lại đặt xuống bàn, trong khi một kỉ niệm nào đó lướt qua trên đầu ngài chánh án như một đám mây và do bóng râm của nó đã làm tối sầm trán ngài.

- Có chuyện gì thế, bạn thân thiết của tôi – bà hỏi- và cơn buồn đột ngột này do đâu tới vậy!

- Than ôi! – ngài chánh án nói – Không có thắng lợi nào chọn vẹn cả, chẳng có niềm vui nào mà không có sự xáo trộn cả! Đây là một nỗi buồn u uẩn vừa mới tới trong tâm trí tôi.

- Những kỉ niệm u buồn nào có thể tới trong tâm trí mình, ông chông thân yêu của tôi, vào cái lúc tốt đẹp nhất của thắng lợi của mình chứ?- bà chánh an hỏi.

- Vào lúc tôi nâng cốc chúc thọ ngài Đờ Ghidơ và anh ông ta, tôi có nghĩ tới chuyện ngày hôm qua có một người bị ám sát chết khi các ngài ấy cho tôi vinh dự là cử người ấy đến gặp tôi.

- Một người ư?- Toàn thể gia đình ngài kêu lên.

- Một viên lục sự- Mina nói tiếp.

- Thế nào! một người trong số lục sự của các vị bị giết hôm qua à?

- Ôi! Lạy Chúa tôi, phải.

- Đúng thế sao?

- Các người có biết rõ Duyliêng Fretsnơ không?- chánh án Mina hỏi.

- Duyliêng Fretsnơ? - Một thân nhân kêu lên - Chắc chắn chúng tôi biết ông ta.

- Một con chiên sùng tín- Người thứ hai nói.

- Một người trung thực - người thứ ba nói.

- Tôi đã gặp ông ta hôm qua ở Phố Barrow-đuy-Bêch từ lâu đài Đờ Ghidơ tới và theo ông ta nói là đến pháp viện.

- Thế thì đúng rồi: đúng lúc ông ta tới cầu đức bà để mang cho ngài hồng y giáo chủ một công hàm của em ông là quận công Đờ Ghidơ mà công hàm này sẽ phải chuyển cho ta thì ông ta bị giết.

Bà chánh án kêu lên:

-Ôi! Khủng khiếp quá.

- Bị giết ! - cả gia đình nhắc lại - bị giết ư: lại một người tử vì đạo.

- ít ra người ta đã bắt giữ kẻ giết người rồi chứ?- bà chánh án hỏi Mina.

- Người ta không biết nó là ai - người này trả lời.

- Người ta có những nghi vấn chứ? – bà chánh án lại hỏi.

- Còn hơn thế, những sự khẳng định hẳn hoi.

- Những sự khẳng định ư?

- Phải; vậy bà muốn nó là ai, nếu không phải là một bạn thân của Đuybuôc?

- Chắc chắn đó là một bạn thân của Đuybuôc - cả gia đình nhắc lại - vậy bà bác muốn nó là ai nào, quỷ thật! Nếu không phải là một bạn thân của Đuybuôc.

- Người ta đã bắt giữ một ai rồi chứ? – Bà chánh án hỏi.

- Một trăm người, gần như thế. Về phần tôi, tôi chỉ định ba mươi người trong số đó.

- Người ta sẽ rất rủi ro - Một tiếng nói cất lên- nếu kẻ giết người không có trong số đó.

- Nếu nó không có trong số đó – viên chánh án nói - người ta sẽ bắt giữ một trăm, hai trăm, thậm chí ba trăm người khác.

- Bọn ác nhân!- Một tiểu thư trẻ độ tuổi mười tám nói- người ta hẳn sẽ thiêu tất cả bọn chúng.

- Người ta đã nghĩ đến chuyện này- Ngài chánh án trả lời – và cái ngày mà người ta quyết tội chết hàng loạt những kẻ tín đồ đạo giáo Tin lành thì đó là ngày tốt đẹp đối với ta.

- Ôi! Mình thật là con người chính trực xiết bao! Bạn thân thiết của tôi! – Bà chánh án nói, nước mắt lưng tròng.

Hai con gái ngài Mina đến ôm bố.

- Người ta có biết nội dung bức thư của quận công không? – Bà chánh án hỏi.

- Không – Mina trả lời – Và chính điều đó đã làm cho Tối cao pháp viện quan tâm sâu sắc ngày hôm nay, nhưng ngày mai người ta sẽ biết vì chiều nay ngài hồng y giáo chủ Loren sẽ phải tới thăm ông em nổi tiếng của ngài.

- Vậy là bức thư bị đánh cắp ư?

- Chắc thế; cũng có thể gã Duyliêng Fretsnơ khốn khổ bị ám sát chỉ vì gã là kẻ mang bức thư ấy. Kẻ sát nhân đã đoạt bức thư và bỏ trốn, người ta cử các xạ thủ săn đuổi nó; mọi đơn vị cảnh bị và mọi người của ông Đờ Muxi(1) đã tiến hành chiến dịch khủng khiếp lùng bắt từ sáng nay, nhưng đến năm giờ chiều nay, người ta vẫn chưa có tin tức.

- Đúng lúc ấy, một người đầy tớ gái vào báo cho ngài Mina có một người lạ mặt mang lá thư đã bị kẻ sát nhân lấy cắp của Duyliêng Fretsnơ hôm trước khẩn khoản muốn nói với ngài chánh án ngay lúc này.

- Ồ! Cho vào nhanh lên! Ngài chánh án reo lên rạng rỡ niềm vui. Chính Chúa thưởng cho tôi về sự sùng kính của tôi bằng cách cho rơi vào tay tôi bức thư công hàm quý giá ấy do sự thiếng liêng của Người.

Năm phút sau, cô hầu gái đưa người lạ vào và ngài Mina thấy bước vào một người trạc hai mươi bốn hoặc hai mươi

(1) Đờ Muxi: thống chế nước Pháp, tước vị quận công, sinh tại Pari.

Lăm, tóc hung nâu, ria hung, mắt nhìn tinh anh sắc sảo nhưng bộ mặt tái xanh. Theo lời mời của chánh án, chàng đến ngồi ở cạnh bàn phía đối diện ngài.

Đây vẫn là người đàn ông trẻ đã nói với những kẻ giết người bạn thân Mêđa của chàng khi rút khỏi bờ sông trong ngày lễ hội Lăngđi rằng, có thể một ngày nào đó người ta được nghe nói tới chàng.

Đó là Rôbơc Stuya.

Chàng trai mỉm cười lịch thiệp, chào tất cả mọi người rồi chàng ngồi vào chiếc ghế, trước mặt là ngài chánh án, sau lưng là cửa ra vào.

- Thưa ngài - Rôbơc Stuya nói với ngài chánh án – có phải tôi được hân hạnh nói với chính ngài chánh án Mina không?

- Vâng, thưa ông – ngài chánh án trả lời hết sức ngạc nhiên thấy làm sao qua nhận diện, người ta có thể ngu ngốc đến mức không đọc được trên bộ mặt ngài là chỉ riêng ngài mới có thể và đang là ngài Mina nổi danh –Vâng, thưa ông, chính tôi là ngài chánh án Mina.

- Rất tốt, thưa ngài - Người lạ nói tiếp - nếu tôi hỏi ngài như vậy ngay từ đầu, có lẽ đối với ngài hầu như bất cẩn, nhưng ngài sẽ thấy đó là do tôi rất mong muốn tránh mọi sự không minh bạch.

- Điều đó quan hệ gì thưa ông?- viên quan toà hỏi- người ta nói với tôi rằng ông muốn trao tôi bức công hàm mà kẻ khốn khổ Duyliêng Fretsnơ mang đi khi gã bị giết chết.

- Có thể người ta đã đi hơi xa, thưa ngài- chàng trai nói với vẻ lẽ độ vô biên- khi báo cho ngài rằng tôi sẽ trao cho ngài bức công hàm ấy.Tôi chưa có một lời hứa nào thuộc loại này, còn tôi có trao cho ngài bức công hàm hoặc giữ nó lại tuỳ thuộc vào câu trả lời của ngài về câu hỏi mà tôi có hân hạnh đưa ra cho ngài ; ngài có hiểu rằng, thưa ngài, để trở thành kẻ có được một tờ giấy thật quan trọng ấy, tôi đã phải liều mạng. Một người sẽ không liều mạng, ngài hẳn biết điều này, thưa ngài, ngài đã quen đọc lòng người ; nếu không có một quyền lợi lớn để buộc phải liều mạng. Vậy tôi hân hạnh nhắc lại với ngài, cũng để tránh có sự không rạch ròi như trên, tức là tôi chỉ trao cho ngài bức công hàm ấy nếu tôi hài lòng về câu trả lời của ngài đối với câu hỏi của tôi.

- Vậy câu hỏi đó thế nào, thưa ông?

- Thưa ngài chánh án, ngài hẳn biết hơn ai hết rằng, trong một cuộc thẩm vấn có trình tự, mỗi việc có lượt của nó.

- Tuy nhiên, ông có trong tay bức công hàm đó chứ?

- Nó đây, thưa ngài .

Chàng trai rút trong túi ra một tờ giấy có dấu ấn, giơ ra cho ngài chánh án Mina.

Ý nghĩ đầu tiên của người này, cần phải thừa nhận là ý nghĩ bất lương: ngài nghĩ rằng sẽ ra hiệu anh em họ và các cháu của ngài đang nghe câu chuyện trao đổi một cách ngạc nhiên, là lao vào người lạ chiếm lấy bức thư công hàm và tống người này vào ngục Xatơlê với trăm người đã bị bắt giữ về tội mưu sát viên lục sự Duyliêng Fretsnơ.

Nhưng nét cương nghị in dấu ấn trên gương mặt chàng trai mang đầy đủ tính cách của ý chí đẩy tới cứng rắn làm ngài chánh án nhụt chí, không đủ sức mạnh vật chất để chiếm lấy tờ giấy, ngài nghĩ rằng với sự khéo léo và sự tinh tế kì lạ của ngài, tốt nhất là dẫn dắt chàng trai bằng mưu kế hơn là bằng bạo lực; vậy là, trước dáng vẻ thanh lịch của chàng trai, cách ăn mặc chải chuốt của chàng, dẫu rằng nghiêm khắc, ngài buộc phải sửa chữa trước, ngài liền mời chàng trai dùng bữa tối với họ để có dư thời gian cần thiết kéo dài cuộc nói chuyện rồi tính nhau.

Chàng trai lễ phép cảm ơn nhưng từ chối lời mời của ngài.

Chánh án liền mời chàng ít ra là dùng nước giải khát nhưng chàng trai lại cảm ơn và khước từ.

- Vậy ông hãy nói đi thưa ông – Mina nói- Vì ông không muốn nhận bất cứ thứ gì thì tôi xin phép ông cho tôi tiếp tục dùng bữa tối của tôi bởi vì , tôi thành thật thú nhận với ông là tôi đói chết đi được.

- Xin ngài cứ tự nhiên thưa ngài- chàng trai đáp – và ăn ngon miệng! Câu hỏi mà tôi đặt ra cho ngài thật hết sức quan trọng mà để hiểu rõ cần có những câu hỏi trước đó. Ngài cư ăn đi, thưa ngài chánh án, tôi sẽ hỏi.

- Xin ông cứ hỏi, thưa ông – tôi ăn đây.

Và thiết thực ra hiệu cho số người của gia đình theo dõi ngài, ngài ăn vẻ ngon lành không hề mâu thuẫn với chương trình dự kiến của ngài.

- Thưa ngài - Người lạ nói chậm dãi giữa tiếng lách cách của dao nĩa, nhưng mọi người dều từ tốn không hề bỏ sót một lời của câu chuyện kể mà họ sắp được nghe.

- Thưa ngài, hẳn với ngữ âm của tôi hẳn phải nhận ra tôi là một người ngoại quốc.

- Đúng thế thưa ông – chánh án nói, miệng phồng lên –trong giọng nói của ông tôi hiểu có cái gì đó của người Anh.

- Đúng thế thưa ngài và sự sáng suốt thường nhật của ngài đã không làm ngài nhầm về quê hương tôi. Tôi sinh ra ở Êcôtxơ, tôi sẽ còn ở đó nếu không có một sự kiện, kể ra với ngài thật vô ích, đã buộc tôi đến nước Pháp. Một đồng hương của tôi, môn đệ nhiệt thành của Knox…(Knox: nhà cách tân người Anh, một trong số người sáng lập ra chủ nghĩa trường lão)

- Một kẻ tà giáo Anh phải không? Thưa ông –chánh án Mina hỏi, vừa tự rót cho mình một cốc vang đầy.

- một người thầy yêu kính của tôi - Người lạ cúi mình trả lời.

Ngài Mina nhìn khắp lượt gia đình ngài với ngụ ý rõ ràng: “Hãy lắng nghe, các bạn thân mến của ta, các bạn sắp được nghe những điều hay ho trong câu chuyện này!”.

Rôbơc Stuya nói tiếp:

- Một đồng hương của tôi, môn đệ nhiệt thành của Knox cách đây vài ngày đã ở trong một ngôi nhà mà bản thân tôi thỉnh thoảng có tới đấy: ở đấy người ta nói tới vụ xử pháp quan Anơ Đuybuôc.

Giọng nói của chàng trai run lên khi thốt ra hai tiếng cuối và mặt chàng vốn tái xanh còn nhợt nhạt hơn.

Tuy nhiên chàng tiếp tục nói nhưng giọng không khớp với dáng mặt chàng và chàng nhận ra mọi con mắt đều quay hướng nhìn chàng .

- Người đồng hương của tôi- chàng nói- chỉ nghe nói đến tên Anơ Đuybuôc đã tái nhợt trông thấy, hệt như tôi lúc này, và anh hỏi mọi người nói tới vụ kết án này rằng pháp viện sao lại có thể mắc một điều bất công đến thế.

- Thưa ông – ngài chánh án kêu lên, nghĩ rằng ngài đã nuốt trệu trạo khi nghe những lời lẽ khác thường này.- ông quên rằng ông đang nói với một uỷ viên pháp viện, có phải thế không?

- Xin lỗi ngài – chàng Êcôtxơ trả lời – đó là người đồng hương của tôi nói như vậy, anh ấy đã nói không phải trước một uỷ viên pháp viện mà là trước mặt một viên lục sụ bình thường của pháp viện tên là Duyliêng Fretsnơ là người bị giết hôm qua. Duyliêng Fretsnơ lúc ấy đã bất cẩn nói với người đồng hương tôi như sau:

“Tôi có trong túi mình một bức thư của Đức ông quận công Đờ Ghidơ, trong đó quận công truyền đạt cho pháp viện của nhà vua là cần phải kết thúc việc xử tử người có tên Anơ Đuybuôc và phải thi hành sớm nhất.

“Nghe những lời ấy, người đồng hương của tôi run lên và nét mặt bạn tôi vốn đã tái xanh trở nên xanh trong nhợt nhạt và anh ấy đến gần Duyliêng Fretsnơ, bằng lời lẽ thật cần thiết, đề nghĩ gã đừng đưa thư ấy, chỉ cho gã thấy rằng, nếu Anơ Đuybuôc bị kết án thì một phần cái chết của ông pháp quan ấy sẽ rơi vào tay gã, nhưng Duyliêng Fretsnơ vẫn khăng khăng không chịu trao bức thư.

“Người đồng hương của tôi chào gã và đến chờ viên lục sự ở cửa ra vào nhà gã; tại đây, sau khi để gã đi vài bước, anh ấy tiến sát lại gã nói:

“Duyliêng Fretsnơ – anh ấy nói rất nhỏ với vẻ thanh lịch dịu dàng nhất đồng thời cũng hết sức kiên quyết – anh đã có cả một đêm để suy nghĩ, nếu ngày mai cũng vào giờ hôm nay, anh thực hiện đầy đủ ý định của anh hoặc không thay đổi quyết định đó thì anh sẽ chết!”.

-Ô! Ô! –ngài chánh án kêu lên.

- Và như vậy - người Êcôtxơ nói tiếp -mọi kẻ gần hoặc xa dính líu tới cái chết của Anơ Đuybuôc cũng sẽ chết.

Ngài Mina run bắn bởi vì ngài không thể đoán được rằng, theo cấu trúc của câu này, có thật những lời cuối ấy của người đồng hương Êcôtxơ của người này được nói với Duyliêng Fretsnơ hay nói với chính ngài Mina.

- Người đồng hương của ông quả là một tên cướp thưa ông! –ngài nói với Rôbơc Stuya trong lúc nhìn thấy gia đình ngài chỉ chờ đợi ở ngài một lời để hoà vào sự phẫn nộ của ngài.

- Một tên cướp thực sự! một tên cướp khốn nạn! - cả gia đình ngài chánh án đồng thanh la lên.

- Thưa ngài –chàng trai không hề đồng lòng nói- tôi là người Êcôtxơ và không hiêủ nội dung của cái từ ngài vừa nói và các thân nhân cao quý của ngài vừa nhắc lại. Tôi xin nói tiếp.

Sau khi cúi chào gia đình ngài chánh án và được chào đáp lại nhưng rõ ràng là miễn cưỡng, chàng nói:

- Người đồng hương của tôi trở về nhà anh mà không hề nhắm mắt, anh liền dậy đi dạo trước nhà Duyliêng Fretsnơ.

“ Anh ấy đi dạo quanh đó suốt đêm, cả sáng hôm sau. Anh ấy ở đấy đến tận ba giờ chiều không uống cũng không ăn do trong người anh chất chứa ý muốn được giữ lời anh đã nói với Duyliêng Fretsnơ bởi vì – người Êcôtxơ nói tiếp –các đồng hương của tôi có thể là những kẻ cứơp nhưng họ có hành động xứng đáng được ca ngợi, những lời nói củ họ một khi đưa ra thì không bao giờ không làm tròn.

“Cuối cũng, vào ba giờ, Duyliêng Fretsnơ ra khỏi nhà, người đồng hương của tôi theo và thấy gã đi về hướng lâu đài, anh ấy vượt lên trước gã và ngăn gã lại ở góc cầu Đức Bà:

“-Duyliêng Fretsnơ! – anh ấy nói với gã -Vậy là anh đã không chịu suy nghĩ?”.

Duyliêng Fretsnơ trở nên tái mặt, người Êcôtxơ hầu như từ đất chui lên và có vẻ không thể uy hiếp hơn thế, nhưng cần trả lại sự công minh cho viên lục sự xứng đáng, gã đáp rõ ràng:

- Có chứ, tôi đã suy nghĩ; nhưng kết quả sự suy nghĩ của tôi là tôi phải làm tròn mệnh lệnh của ngài quận công Đờ Ghidơ đã trao cho tôi.

- Ông Đờ Ghidơ không hề là chủ nhân của anh để ra lệnh cho anh -người Êcôtxơ nói tiếp.

- Ngài Đờ Ghidơ không những là chủ nhân của tôi- viên lục sự trả lời –mà còn là chủ nhân của nước Pháp.

- Thế là sao?

- Ông không biết rằng, thưa ông, quận công Đờ Ghidơ mới là vua thực sự của nước Pháp sao?

- Thưa ông -người đồng hương của tôi nói -một sự tranh luận về vấn đề này sẽ đưa chúng ta đi quá Xanh Ăngđrê; tôi không chút nào chia sẻ với những ý kiến của ông và tôi trở lại câu hỏi mà tôi đã đưa ra cho ông chiều hôm qua: hẳn ông luôn giữ ý định đem bức thư tới pháp viện chứ?

- Tôi tới đây vì việc này.

- Đến mức ông đem theo cả bức thư trong người ư?

- Tôi có nó trong người –viên lục sự trả lời.

- Nhân danh Chúa vĩnh hằng -người đồng hương của tôi kêu lên –hãy khước từ mang bức thư này cho những tên đao phủ giết Anơ Đuybuôc!

- Trong năm phút nữa nó sẽ nằm trong tay họ.

Nói xong, Duyliêng Fretsnơ khoát tay để tách khỏi người đồng hương của tôi

- Sự việc đã như thế này- người đồng hương của tôi kêu lên- thì cả mi và bức thư của mi sẽ không tới được pháp đình, Duyliêng Fretsnơ.

- Anh ấy liền rút trong áo choàng ra khẩu súng ngắn ngắm thẳng Duyliêng Fretsnơ bắn và gã lục sự đổ xuống chết thẳng cẳng trên vỉa hè; rồi sau khi đoạt lấy bức thư, nguyên nhân của vụ sát hại này, người đồng hương của tôi an toàn đi tiếp con đường của anh ấy, lương tâm thanh thản vì anh ấy vừa giết chết một kẻ khốn khổ để tìm cách cứu một người vôi tội.

Đến mặt ngài chánh án tái xanh và vàng nhợt thay thế bộ mặt đỏ au trước đó. Hàng ngàn giọt mồ hôi lấp lánh trên trán ngài.

Sự im lặng sâu sắc bao trùm toàn thể những người có mặt.

- Ở đây ngột ngạt quá – ngài Mina nói lần lượt quay nhìn hai phía bàn ăn –các bạn không thấy thế sao, các bạn của tôi.

Người ta đứng lên để mở cửa sổ nhưng người Êcôtxơ xoè hai bàn tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống và nói.

-Xin các vị đừng bận tâm, thưa các vị, tôi là người không ăn, tôi đi mở cửa sổ để ngài chánh án có được không khí, nhưng hai luồng gió lùa có thể làm ngài bị cảm- chàng nói thêm sau khi thực sự mở cửa sổ- tôi đóng cửa ra vào lại.

Sau khi quay một vòng khoá cửa ra vào, chàng trai trở lại chỗ ngồi của mình đối diện với ngài chánh án Mina.

Chỉ có điều, trong các hành động mà chàng buộc phải làm, chiếc áo choàng của người Êcôtxơ xoè ra và ta có thể nhìn thấy chàng mang theo dưới lớp áo choàng ấy, thứ vũ khí tự vệ, một áo chẽn lưỡi thép và thứ vũ khí tấn công là hai khẩu súng ngắn ở thắt lưng và một thanh kiếm ngắn bên sườn. Chàng không hề tỏ ra e ngại về những gì người ta có thể trông thấy hoặc không trông thấy rồi trở lại chỗ ngồi của mình trước mặt viên chánh án giữa hai người chỉ là chiều rộng của chiếc bàn. Chàng hỏi ông ta:

- Vây thì, thưa ngài Mina thân mến, ngài cảm thấy thế nào?

- Khá hơn một chút – ngài chánh án trả lời hoàn toàn trái với ý mình.

Chàng trai nói tiếp:

- Ngài hãy tin rằng tôi cũng dễ chịu về việc này.

Chàng trai tiếp tục câu chuyên kể giữa sự im lặng nặng nề trong đó ta nghe được một cánh ruồi bay nếu như ở đây vào tháng chạp có những con ruồi khác những con ruồi của ngài Muxi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.