Tình Yêu Trở Lại

Chương 2



Daisy thổi nhẹ cốc cà phê nóng hổi khi đưa cốc lên môi.

Mặt trời chưa mọc, và mẹ cô còn đang ngủ say trong phòng bà ở cuối hành lang. Ngoài vài dụng cụ được nâng cấp, căn bếp của mẹ cô chẳng mấy thay đổi. Mặt bếp và sàn nhà vẫn mang màu xanh dương đồng bộ, và vẫn là cây hoa chuông Texas được vẽ trên mặt tủ màu trắng.

Lặng lẽ hết mức có thể, Daisy mặc lại chiếc áo mưa được treo cạnh cửa sau từ đêm hôm trước. Cô luồn tay này rồi tay kia vào áo cho tới khi nó che kín bộ đồ ngủ kiểu ngắn. Cô xỏ chân vào đôi guốc làm vườn của mẹ cô rồi lẻn ra ngoài, hòa mình vào bóng tối dày đặc của buổi sớm mai. Không khí lạnh phả vào mặt và đôi chân trần, một ngọn gió nhẹ kéo vài sợi tóc ra khỏi chiếc kẹp tóc sau đầu cô. Không khí Texas lấp đầy phổi và làm cô nở nụ cười. Cô không biết vì sao, hay phải giải thích thế nào, nhưng không khí ở đây rất khác. Dường như nó lắng lại trong ngực cô và lan tỏa ra ngoài. Nó thì thầm trên da thịt cô và thỏa mãn một khao khát thầm kín mà cô thậm chí còn không biết đã ngủ sâu trong tâm hồn mình.

Cô đang ở nhà. Cho dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Mười lăm năm qua, cô sống ở Seattle, Washington. Cô đã trở nên yêu quý nơi đó. Cô yêu cảnh vật rực rỡ màu xanh, những ngọn núi, vịnh biển. Trượt tuyết. Lướt nước. Đội bóng chày Mariners. Vô vàn thứ.

Nhưng Daisy Lee là người Texas. Cả trong tim và trong máu. Cả trong DNA và trong mái tóc vàng của cô. Cũng như trong cái bớt hình dấu hôn nho nhỏ trên ngực trái Daisy vậy. Và cũng như dấu hôn ấy, Lovett không hề thay đổi trong mười lăm năm qua. Dân số đã tăng lên thêm vài trăm người, có vài doanh nghiệp mọc lên và một trường tiểu học mới. Thị trấn mới đây đã tăng thêm một sân golf mười tám lỗ và một câu lạc bộ đồng quê vào quang cảnh của mình, nhưng không như cả đất nước còn lại và những người dân Texas thành thị hơn, Lovett vẫn chuyển động với nhịp bước chậm rãi của riêng nó.

Daisy nhìn vào khoảng tối ở sân sau nhà mẹ mình. Đường nét của chiếc cối xay gió cao một mét rưỡi, bức tượng Annie Oakley, và khoảng một tá con chim hồng hạc hiện rõ trong bóng đêm. Khi lớn lên, gu thẩm mỹ trang trí phong cảnh bên ngoài của mẹ cô lúc nào cũng là nguồn gốc nỗi hổ thẹn của cô và em gái, Lily. Còn bây giờ, bầy hồng hạc khiến môi cô nở nụ cười.

Cô hớp một ngụm cà phê rồi ngồi lên bậc thềm bê tông cạnh một con tatu đá có vài đứa con nằm trên lưng. Đêm qua Daisy ngủ không được ngon. Mắt cô hình như sưng húp và tâm trí thì lờ đờ. Cô rùng mình và đặt cốc lên đầu gối. Trước khi cô gặp Jack tối qua, kế hoạch của cô đã rất rõ ràng. Cô sẽ đến Lovett, định thăm mẹ và em gái trong vài ngày, rồi nói chuyện với Jack và kể cho anh về Nathan. Tất cả trong vòng mười hai ngày. Khoảng thời gian mà, cho tới tối qua, cô vẫn cho rằng quá dư dả.

Cô đã lường trước chuyện này sẽ khó khăn, nhưng cô biết rõ mình phải làm gì. Cô và Steven đã trò chuyện về nó trước khi anh ra đi. Trong túi, cô vẫn còn giữ bức thư mà Steven viết trước lúc anh mất khả năng đọc và nói. Khi anh chấp nhận rằng mình sẽ chết, sẽ không có phương thuốc nào cho anh, không còn thuốc trong giai đoạn thí nghiệm để uống, không còn phẫu thuật cắt bỏ nào để thử, anh đã cố điều chỉnh mọi việc trở lại tốt đẹp với những người mà anh cảm thấy mình đối xử chưa đúng. Một trong những người đó là Jack. Ban đầu anh nghĩ sẽ gửi bức thư đó, nhưng hai người họ càng nói chuyện nhiều về nó thì họ càng củng cố kết luận rằng nó nên được đưa tận tay. Bởi chính cô. Bởi vì cuối cùng thì, cô sẽ là người phải đối mặt với Jack Parrish, và cô là người đã đối xử không phải với anh nhất.

Thật ra họ chưa bao giờ có ý định giữ kín chuyện Nathan với anh. Mẹ cô biết. Cả em gái cô cũng vậy. Thêm Nathan nữa. Cậu luôn biết rằng mình có một người cha sinh học tên là Jackson sống ở Lovett, Texas. Người lớn đã kể cho cậu nghe ngay khi cậu có khả năng hiểu chuyện, nhưng cậu chưa từng bộc lộ hứng thú muốn gặp Jack. Với cậu, có Steven làm cha đã là quá đủ.

Đó là vấn đề thời gian. Có lẽ là đã qua cái thời điểm cô phải kể với Jack rằng anh có một đứa con trai rồi. Một tiếng rên thoát khỏi môi Daisy và cô hớp một ngụm cà phê. Một đứa con trai mười lăm tuổi với mái tóc Mohawk[8] màu xanh dưa chuột, môi đeo khuyên, dây xích lủng lẳng trên người nhiều đến mức trông cậu cứ như thể vừa đột nhập vào trại nhốt thú hoang.

[8] Kiểu tóc chỉa nhọn giữa đầu, hai bên được cạo sạch tóc.

Hai năm rưỡi qua, Nathan đã trải qua một quãng thời gian vô cùng khó khăn. Khi Steven được chẩn đoán bệnh, họ phỏng đoán rằng anh còn sống thêm năm tháng nữa. Anh kéo dài được gần hai năm, nhưng đó không phải là hai năm dễ dàng. Nhìn Steven tranh đấu để sống đối với cô đã khó khăn rồi, nhưng với Nathan thì là tồi tệ. Và dù ghét phải thú nhận, nhưng đã từng có những lúc cô không mấy để tâm tới con trai mình. Có vài tối cô thậm chí còn không biết cậu đi vắng cho tới khi cậu trở về. Cậu đi vào cửa và cô mắng cậu vì không nói cho cô biết cậu đi đâu. Cậu đã nhìn cô qua đôi mắt xanh dương trong vắt của mình và nói, “Con đã bảo mẹ là con sẽ sang nhà Pete mà. Mẹ nói con được phép.” Và cô phải thừa nhận với mình rằng hoàn toàn có khả năng là con trai đã xin phép cô. Nhưng lúc đó cô quá chú tâm vào việc cho Steven uống thuốc hoặc cuộc phẫu thuật tiếp theo của anh - hoặc có thể đó là ngày mà Steven mất khả năng dùng máy tính, lái xe hay buộc dây giày. Nhìn chồng mình vật lộn để duy trì lòng tự trọng trong lúc cố nhớ lại một việc làm đơn giản mà anh đã thực hiện từ năm bốn hoặc năm tuổi thật đau khổ. Có những lúc cô đã quên hết mọi cuộc nói chuyện với Nathan.

Cái ngày Nathan bước vào nhà với quả đầu Mohawk thật sự đã thức tỉnh cô. Đột nhiên, cậu không còn là cậu nhóc bé xíu chơi bóng đá, yêu bóng bầu dục và cuộn tròn trên tràng kỷ xem “Nickelodeon” với cái chăn đặc biệt của cậu nữa. Không phải màu tóc của Nathan là thứ làm cô hốt hoảng nhất. Mà là ánh mắt lạc lõng của cậu. Ánh mắt trống rỗng, lạc lõng ấy đã làm cô choàng tỉnh khỏi những đau đớn và thương tiếc mà cô thậm chí còn không biết là mình đã rơi vào trong gần bảy tháng sau sự ra đi của Steven.

Steven đã mất. Cô và Nathan sẽ luôn cảm thấy thiếu vắng anh, như một phần bị mất trong tâm hồn của họ. Anh từng là bạn thân nhất của cô và là một người đàn ông tốt. Anh là người chống đỡ, nguồn an ủi, một người khiến cuộc đời cô tốt đẹp hơn. Dễ chịu hơn. Anh đã là một người chồng và người cha đầy yêu thương.

Cô và Nathan sẽ không bao giờ quên anh, nhưng cô không thể tiếp tục sống trong quá khứ nữa. Cô phải sống vì hiện tại và bắt đầu hướng tới tương lai. Vì Nathan, vì cô. Nhưng để tiến lên phía trước, cô phải xử lý quá khứ của mình. Cô phải ngừng trốn tránh.

Những ngón tay đầu tiên của mặt trời buổi bình minh rón rén bò vào sân sau và chiếu sáng lung linh lên bãi cỏ phủ đầy sương. Ánh mặt trời ban mai tạo ra những vệt sáng dài trên bải cỏ ẩm ướt, bò lên cối xay gió và làm nòng súng bạc của Annie Oakley phát ra những tia sáng lấp lánh. Daisy ước gì mình đã cầm theo chiếc Nikon và ống kính góc rộng. Hai vật đó ở trên phòng cô, và cô biết rằng nếu chạy lên lấy, cô sẽ bỏ lỡ góc hình và vầng mặt trời đang mọc. Trong vòng vài giây, ánh ban mai trùm lên bàn chân, cẳng chân và mặt Daisy, cô nhắm mắt lại và đắm mình trong nó.

Sống ở vùng tây bắc, Daisy không còn giữ được phần lớn thổ âm của mình, nhưng cô chưa bao giờ đánh mất tình yêu dành cho những không gian rộng lớn và bầu trời xanh ngút ngàn kéo dài một mạch đến tận đường chân trời. Cô mở mắt và ước gì Steven ở đây để nhìn nó. Anh hẳn sẽ yêu nó nhiều như cô.

Daisy nhìn xuống đôi guốc đi vườn bằng cao su của mình. Cô ước rất nhiều điều. Như là có thêm thời gian trước khi cô phải đương đầu với Jack một lần nữa. Cô không vội nhìn vẻ giận dữ trên mặt anh. Cô đã biết rằng anh sẽ không chào đón mình quay lại với vòng tay rộng mở, nhưng cô ngạc nhiên vì sau từng ấy năm, rõ ràng anh vẫn ghét cô hệt như lần cuối họ gặp nhau.

Cô gọi thế này là xấu xa hả? Anh đã nói vậy. Thế này chẳng là gì đâu, mao lương ạ. Cứ ở gần đi và tôi sẽ cho cô biết tôi có thể xấu xa đến mức nào.

Cô tự hỏi Jack có nhận ra rằng anh đã gọi cô là mao lương không. Cái tên ngày xưa anh gọi cô. Cái tên mà anh đã gọi cô trong ngày đầu tiên cô đến trường tiểu học Lovett.

Cô nhớ ngày ấy mình rất lo lắng và sợ hãi, cách đây lâu lắm rồi. Cô đã sợ rằng sẽ không ai thích cô, và cô nghi ngờ cái nơ đỏ to đùng kẹp trên đỉnh đầu mình trông thật ngu ngốc. Mẹ cô đã lấy nó từ quai giỏ Welcome Wagont[9] chứa đầy phiếu mua hàng, một móc treo công thức nấu ăn và một hộp ớt của Wick Fowler. Daisy không hề muốn đeo cái nơ đó, nhưng mẹ cô khăng khăng rằng nó trông rất đẹp và hợp với váy của cô.

[9] Tên một công ty của Canada được thành lập năm 1930, cung cấp miễn phí dịch vụ chào đón những gia đình sắp có sự thay đổi trong lối sống, như là chuyển nhà, tổ chức đám cưới, sắp sinh con, v.v...

Cả sáng đầu tiên đó, chẳng có ai nói chuyện với cô. Đến trưa, cô đã buồn đến mức không ăn nổi cái bánh sandwich phô mai ngon tuyệt của mình. Cuối cùng, trong giờ giải lao, Steven và Jack đi tới chỗ cô đang đứng dựa lưng vào hàng rào thép.

“Tên cậu là gì?” Jack đã hỏi vậy.

Cô đã nhìn vào đồi mắt màu lục được đặt giữa hàng lông mi đen dài của anh và mỉm cười. Sau cùng thì cũng có người nói chuyện với cô, và trái tim bé bỏng trong ngực cô nhảy cẫng lên vui sướng. “Daisy Lee Brooks.”

Anh đã đứng nhún lên nhún xuống trên đế đôi bốt khi nhìn cô từ trên xuống dưới. “Chà, mao lương, cậu có cái nơ cài đầu ngu ngốc nhất mà tớ từng nhìn thấy,” anh kéo dài giọng, rồi cả anh và Steven cười rú lên.

Bị bảo rằng cái nơ thật ngu ngốc xác nhận lại những sợ hãi lớn nhất của cô, và mống mắt cô bắt đầu cay xè. “Ừ phải, các cậu thì ngu ngốc đến nỗi cậu phải cởi bốt ra mới đếm được,” cô đáp lại như vậy, tự hào vì mình đã bảo vệ bản thân. Rồi cô phá hỏng tất cả khi òa ra khóc.

Ký ức về ngày hôm đó làm cô cười buồn. Cô đã thề chừng nào mình còn sống thì vẫn sẽ ghét hai tên nhóc đó. Cơn giận kéo dài cho tới ba tuần sau, khi Jack đề nghị cô chơi trong đội bóng chày của họ. Steven là người đã chỉ cho cô cách chơi gôn hai mà không bị bóng đập vào mặt.

Ban đầu, Jack gọi cô là mao lương để trêu cô, nhưng nhiều năm sau, anh đã thì thầm cái tên đó khi anh hôn lên cổ cô. Giọng anh sẽ khàn lại trong khi anh khám phá ra những cách hoàn toàn mới để trêu cô. Đã từng có lúc mà chỉ ký ức về nụ hôn của anh thôi cũng mang đến một cơn run rẩy ấm áp khắp lồng ngực Daisy, nhưng nhiều năm rồi cô chẳng hề cảm thấy gì ấm áp và leng keng với anh hết.

Cô nhớ lại anh trông thế nào tối qua, ở trần và nóng giận cực độ. Mi mắt anh trĩu xuống trên đôi mắt xanh quyến rũ và môi anh cong lên nhạo báng. Anh đã trở nên đẹp trai hơn cả lần cuối cô gặp anh. Nhưng Daisy đã già dặn hơn, thông minh hơn và không còn thấy kích thích trước vẻ ngoài điển trai và thái độ hư hỏng nữa.

Nathan không giống Jack lắm. Có lẽ là trừ thái độ ra. Cậu đang sống cùng chị gái của Steven ở Seattle trong khi Daisy ở Lovett, nhưng cậu biết lý do ẩn sau chuyến đi của mẹ mình. Cô đã học được bài học khi nói dối, bất kể ý định ban đầu có tốt đến đâu, và cô không bao giờ nói dối Nathan. Nhưng cô đã cố tình chọn tuần cuối cùng trong năm lớp chín của cậu để cậu không thể đi theo. Cô không biết Jack sẽ phản ứng thế nào một khi cô kể cho anh về Nathan. Cô không nghĩ anh sẽ tỏ ra độc ác, dẫu sao cũng không phải với Nathan, nhưng cô cũng không dám chắc. Cô không muốn Nathan ở đây nếu Jack thật sự trở nên xấu xa. Nathan đã có đủ nỗi đau trong đời rồi.

Từ trong nhà, cô nghe tiếng mẹ cô đi đi lại lại. Cô đứng dậy và đi vào trong.

“Chào buổi sáng,” cô nói khi treo áo lên. Mùi hương ấm áp của căn bếp lấp đầy mũi cô. Mùi bánh mì nướng và đồ ăn nhà nấu bao quanh cô như một tấm chăn quen thuộc. “Con đã xem mặt trời mọc, và cảnh tượng đó tuyệt đối lộng lẫy.” Cô đá đôi guốc đi vườn ra và nhìn sang mẹ mình, lúc này đang khuấy kem trong cốc cà phê. Bà Louella Brooks mặc một cái áo ngủ bằng vải nylon màu xanh dương. Mái tóc vàng của bà được búi trên đỉnh đầu như một cây kẹo bông.

“Bữa tiệc tối qua của mẹ thế nào?” Daisy hỏi. Mọi thứ Sáu, câu lạc bộ người độc thân Lovett tổ chức một buổi khiêu vũ, và bà Louella Brooks chưa hề bỏ lỡ một buổi nào từ khi bà gia nhập năm 1992. Bà trả năm mươi đô la một năm để tham gia câu lạc bộ đó, và bà muốn sử dụng cho đáng đồng tiền bỏ ra.

“Verna Pearse đã ở đó, và mẹ thề là bà ta trông già hơn tuổi thật đến mười tuổi.” Bà Louella đặt thìa vào chậu rửa bát và đưa cốc lên môi. Đôi mắt nâu của bà nhìn Daisy qua cốc cà phê. “Bà ta chắc chắn là đang chảy xệ, béo ị và ì ạch.”

Daisy mỉm cười và rót cà phê cho mình. Bà Verna đã từng làm việc ở nhà hàng Wild Coyote với bà Lonella. Từng có thời hai người họ là bạn bè. Trong hai năm cuối cấp ba, cô cũng đã làm việc ở quán ăn đó, nhưng cô không nhớ chuyện gì đã phá vỡ tình bạn giữa họ. “Chuyện gì đã xảy ra giữa mẹ và bác Verna nhỉ?” cô hỏi.

Bà Louella đặt cốc của mình xuống kệ bếp và lấy một ổ bánh mì từ tủ. “Verna Pearse lả lơi như một cái nút thắt trượt[10] vậy,” bà nói. “Trong một năm trời, bà ta đã bảo mẹ là bà ta được trả nhiều hơn mẹ mười cent một tiếng bởi vì bà ta làm bồi bàn giỏi hơn. Bà ta khoe khoang và dùng chuyện đó đè đầu mẹ, nhưng hóa ra là, bà ta kiếm được tiền bằng cách khác.”

[10] Một loại nút thắt có thể trượt đi trên dây để điều chỉnh độ rộng của vòng dây.

“Bằng cách nào?”

“Với Bob Jenkins Bự.”

Daisy nhớ đến ông chủ nhà hàng, và ông ta không phải vô duyên vô cớ mà được gọi là Bob Bự. “Bác ấy đã ngủ với Bob Bự sao?”

Louella lắc đầu và dẩu môi. “Đút lót bằng miệng ở nhà kho.”

“Thật sao? Thế là phạm tội.”

“Phải rồi. Nó là một hình thức bán dâm.”

“Con lại nghĩ nó giống bóc lột lao động hơn. Verna thổi kèn cho Bob Bự với cái giá là xem nào - tám mươi cent một ngày sao? Thế là không được.”

“Daisy,” mẹ cô cau có khi lấy bánh ra khỏi máy nướng. “Đừng ăn nói bậy bạ.”

“Mẹ đã khơi ra chủ đề đó mà!” Cô chẳng bao giờ hiểu nổi mẹ mình. “Đút lót bằng miệng” thì được, còn không hiểu sao “thổi kèn” thì không.

“Con đã ở miền Bắc quá lâu rồi.”

Có lẽ vậy, bởi vì cô không thể hiểu nổi sự khác biệt. Mặc dù đã từng có thời cô hẳn sẽ không bao giờ thốt ra từ đó trong ngữ cảnh ấy.

Bà Louella mở ổ bánh mì ra. “Con muốn dùng bánh mì nướng không?”

“Con không ăn sáng.” Cô hớp một ngụm cà phê và đi tới góc ăn sáng. Ánh ban mai rực rỡ tràn qua cửa kính và rọi sáng cả bàn ăn màu vàng.

“Tối qua con có đi ra ngoài không?” mẹ cô hỏi khi bà nướng một lát bánh mì.

Nghĩa là, cô có đủ dũng cảm để lái xe tới nhà Jack không? “Có. Tối qua con đã tới nhà anh ấy.”

“Con kể cho cậu ta nghe chưa?”

Daisy ngồi lên một cái ghế băng và nhìn xuống bàn tay đang ôm quanh cốc cà phê của mình. Cô có một vết xước trên nước sơn móng tay màu đỏ. “Không. Anh ấy không ở một mình. Bạn gái anh ấy cũng ở đó, nên đó không phải thời điểm thích hợp.”

“Có lẽ đấy là dấu hiệu cho thấy con nên kệ chuyện đó đi.” Khi cô lớn lên, mẹ cô luôn thích Steven hơn Jack. Mặc dù bà Louella cũng thích Jack. Khi ba đứa họ gặp rắc rối, Jack thường là người bị mắng. Và mặc dù đúng là anh thường đưa ra những hành động sẽ khiến họ vướng vào rắc rối, Daisy và Steven vẫn vui vẻ nghe theo anh. “Con không thể làm thế,” Daisy nói, “Con phải kể cho anh ấy.”

“Mẹ vẫn không hiểu vì sao.” Bánh mì của bà Louella bật lên và bà đặt bánh lên một cái đĩa nhỏ.

“Con đã nói với mẹ lý do rồi.” Daisy không thích thảo luận lại các lý do của mình một lần nữa. Cô mở chai sơn móng tay mà hôm qua mình đã bỏ trên bàn và bắt đầu sửa lại vết xước.

“Chà, nếu con quyết tâm làm thế, đáng ra con không nên qua đó vào buổi tối.” Bà Louella mở nắp hộp bơ và phết bơ lên bánh mì. “Người ta hay bàn tán về các góa phụ lắm. Người ta nói con tuyệt vọng.”

Cha của Daisy đã mất khi cô năm tuổi, nhưng cô chưa nghe bất kỳ tin đồn nào về việc mẹ cô tỏ ra tuyệt vọng.

“Con không quan tâm,” cô phủ sơn bóng lên móng ngón trỏ rồi vặn nắp chai lại.

“Con nên quan tâm.” Bà Louella cầm lấy đĩa và cốc cà phê của mình rồi ngồi xuống trước mặt Daisy. “Con không muốn người ta nghĩ rằng con ghé qua đó để được quan hệ đâu.”

Daisy thổi vào nước sơn móng tay còn ướt để khỏi phá ra cười. Đã hơn hai năm trôi qua kể từ lúc cô quan hệ, và cô không còn chắc là mình biết phải làm thế nào nữa. Sau khi Steven được chẩn bệnh và trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên, họ đã cố gắng có một cuộc sống hôn nhân bình thường, khỏe mạnh, nhưng sau vài tháng, nó trở nên quá khó khăn. Ban đầu, cô thật sự nhớ việc làm tình với chồng. Rồi cô càng thiếu nó lâu thì cô càng bớt nhớ. Giờ thì, cô thật sự không còn nghĩ nhiều về chuyện đó nữa.

“Kể cho con về bầy hồng hạc ở sân sau của mẹ đi,” Daisy nói để đổi chủ đề.

“Mẹ nghĩ chúng đẹp,” mẹ cô nói. Khi cô lớn lên, bà đã thích Disney. Sân của họ bị chất kín nàng Bạch Tuyết, bảy chú lùn và vài nhân vật khác trong Alice ở Xứ sở diệu kỳ. “Mẹ đã được tặng chú hồng hạc lớn có quyển sách nhỏ kẹp trong mỏ từ Kitty Fae Young. Cháu gái bà ta, Amanda, đã coi chúng là đơn đặt hàng đặc biệt. Con nhớ Amanda chứ?”

Như thể được trở lại tuổi thơ, Daisy cảm thấy mắt mình đờ đẫn. Mẹ cô lúc nào cũng có xu hướng nói dông dài về những người mà Daisy không hề biết, chưa từng gặp và cóc thèm quan tâm. Khi cô lớn lên, cô và Lily đã là những nạn nhân không tình nguyện bị buộc phải nghe những chuyện ngồi lê đôi mách nóng hổi nhất lan đi trong nhà hàng, những câu chuyện mà thường là cũng chẳng nóng hổi lắm. Họ có thường xuyên tỏ dấu hiệu không quan tâm đến chiếc Buick mới, chứng viêm khớp, hay những cái bánh quy tự làm ngon lành đến mấy cũng chẳng quan trọng. Bà Louella giống như cái kim bị mắc vào rãnh đĩa hát và tuyệt đối không thể ngừng lại cho tới khi bà kể đến cuối.

Cô lắc đầu và yếu ớt đáp, “Không.”

“Chắc chắn là có,” mẹ cô khăng khăng. “Con bé có hai cái răng bàn cuốc cực xấu. Trông như một con hải ly nhỏ vậy.”

“À phải,” cô nói mặc dù chẳng biết mô tê gì. Có kha khá trẻ con ở Texas có răng bàn cuốc.”

Daisy lách ra khỏi bàn và đứng dậy. Trong khi mẹ cô huyên thuyên về Amanda và nghệ thuật bố trí sân của cô nàng, Daisy đi tới chỗ chậu rửa và tráng cốc. Cô ngước nhìn khung ảnh thủy tinh màu tía và xanh đang tạo ra hoa văn trên ngưỡng cửa. Cô đã chụp bức ảnh trong cái khung đó. Ảnh chụp Steven và Nathan vào sinh nhật bốn tuổi của Nathan, và cô đã dùng một ống kính góc rộng để bóp méo bức ảnh chụp gần. Cả hai đội mũ sinh nhật và cười toe toét như người điên mới vào nhà thương điên, mắt to vĩ đại. Cô đã chụp nó khi cô mới tham gia lớp học chụp ảnh và đang thử nghiệm các kiểu chụp. Lúc ấy tất cả bọn họ đều thật hạnh phúc.

Đôi mày cô chau lại và cô nhìn đi chỗ khác. Hôm nay cô không muốn nghĩ về quá khứ. Cô không muốn mắc kẹt vào bãi lầy cảm xúc của nó. Cô đặt cốc vào máy rửa bát đĩa và đưa mắt nhìn danh sách mua đồ kẹp trong chiếc kẹp kẹp công thức nấu ăn.

“... nhưng tất nhiên là lúc ấy con không sống ở đây,” mẹ cô nói. “Đó là năm một cơn lốc xoáy đã phá hủy cỗ xe di động của Red Cooley.”

“Mẹ định đi tới cửa hàng à?” cô ngắt lời.

“Mẹ cần vài thứ,” mẹ cô trả lời khi bà nhổm dậy khỏi bàn và cất bánh mì đi. “Ngày mai sau khi đi lễ, Lily Xinh đẹp và Pippen sẽ ghé qua ăn bữa tối Chủ nhật, và mẹ nghĩ chúng ta sẽ ăn món thịt giăm bông thơm ngon.”

Lily nhỏ hơn Daisy ba tuổi, và Pippen là cậu con trai hai tuổi của cô. Chồng của Lily đã bỏ nhà đi với một cô nàng cao bồi, và họ đang tiến hành một vụ ly dị lằng nhằng. Em cô đang có một khoảng thời gian khó khăn, và hậu quả là, đàn ông nói chung đều được liệt vào danh sách đáng đánh của Lily. “Con sẽ đến cửa hàng Albertsons hộ mẹ,” cô đề nghị. Như thế thì cô có thể chọn vài thứ khác ngoài thịt giăm bông. Cô chưa bao giờ là người thích thịt lợn, và sau đám tang của Steven, rất nhiều người có lòng tốt đã mang đến thịt giăm bông nướng. Một số trong đó vẫn còn nằm trong tủ lạnh của cô ở Seattle.

Cô tắm rồi mặc quần jeans và áo phông màu xanh dương, sau đó sấy khô tóc và trang điểm đôi chút. Với tờ danh sách nằm trong túi quần sau, cô nhảy vào chiếc Cadillac của mẹ mình. Chiếc xe có vài vết lõm hai bên thân do mẹ cô bị cận thị. Một túi thơm hình hồng hạc treo trên gương chiếu hậu, và chiếc Caddie rên rỉ khi cô rẽ vào góc đường.

Bên trong cửa hàng Albertsons, nhạc nền là bài “Mandy” của Barry Manilow, bài hát bị ghét ở mọi bang, nhưng đặc biệt là ở Texas. Cô ném một hộp túi trà và một hộp cà phê vào giỏ rồi hướng đến quầy thịt. Cô đang có tâm trạng thưởng thức món thịt nướng và cầm lấy một gói ba miếng thịt tròn.

“Này, xin chào, Daisy. Em nghe nói chị đã quay về thị trấn.”

Daisy rời mắt khỏi miếng thịt. Người phụ nữ trước mặt cô trông hơi quen. Tóc cô ta được ghim lại thành những lọn xoăn lớn màu hồng, một tay cô ta cầm một chai gôm xịt tóc Super Hold Aqua Net, tay kia cầm một gói ghim kẹp tóc.

Daisy mất vài giây để đưa ra cái tên đi cùng khuôn mặt đó.

“Em là Shay Brewton, em gái Sylvia.” Daisy và Sylvia sinh hoạt cùng một tổ cổ động ở trường cấp ba Lovett. Họ là bạn tốt nhưng đã mất liên lạc khi Daisy và Steven chuyển đi. “Sylvia thế nào?”

“Chị ấy vẫn ổn. Bây giờ chị ấy sống ở Houston với chồng con.”

“Houston à?” Cô để gói thịt vào lại giá và đặt một bàn chân lên thanh ngang của giỏ hàng. “Chán thật. Chị rất buồn vì chị ấy đã chuyển đi. Chị đã hy vọng sẽ ghé thăm chị ấy trước khi đi.”

“Cuối tuần này thì chị ấy ở thị trấn để dự đám cưới của em.”

Daisy mỉm cười. “Em sắp cưới sao? Khi nào? Với ai vậy?”

“Em sẽ cưới Jimmy Calhoun ở nhà thờ Baptist Whiley. Sáu giờ tối nay.”

“Jimmy Calhoun sao?” Cô từng học cùng Jimmy. Cậu ta có mái tóc đỏ rực và một cái răng bạc. Nhà Calhoun có sáu con trai, tất cả đều chuyên gây rắc rối. Nếu phải đặt cược, cô sẽ cá là bây giờ đa số bọn họ đang sống ở Huntsville với hình xăm do đi tù.

Shay bật cười. “Đừng nhìn em như thể em bị mất trí rồi chứ.”

Daisy không hề nhận ra mồm mình đang há hốc và cô ngậm chặt miệng vào. “Chúc mừng, chị chắc chắn là em sẽ rát hạnh phúc,” cô nói.

“Hãy đến buổi tiệc chúc mừng của em tổ chức sau đó ở câu lạc bộ đồng quê nhé. Nó bắt đầu lúc tám giờ.”

“Đột xuất mà đến sao?”

“Đó sẽ là một bữa tiệc lớn. Rất nhiều đồ ăn đồ uống, và bọn em đã thuê Jed and The Rippers chơi nhạc. Sylvia sẽ ở đó, và em biết chị ấy sẽ rất sung sướng khi được gặp chị. Cả cha mẹ em cũng vậy.”

Bà Brewton là người hướng dẫn cho đội cổ động, ông Brewton tự ủ rượu ở nhà kho sau nhà mình. Theo kinh nghiệm, Daisy biết rằng nó có thể ăn một lỗ ở thực quản của bạn. “Có lẽ chị sẽ tới.”

Shay gật đầu. “Tuyệt, em sẽ kể cho chị ấy là em đã gặp chị và chị sẽ đến buổi tiệc chiêu đãi. Chị ấy sẽ thích lắm.”

Daisy không mang gì để mặc tới một bữa tiệc cưới. Bộ váy duy nhất cô mang theo là một cái váy không tay màu trắng, và nó thực sự không phù hợp. Có lẽ cô sẽ chỉ gửi một món quà thôi. “Em có đăng ký thành viên ở đâu không?”

“À, đừng lo về chuyện quà cáp.” Cô ta mỉm cười. “Nhưng có. Gitts on Fifth của Donna.”

Tất nhiên. Mọi người đều đăng ký thành viên ở Donna.

“Gặp chị tối nay nhé,” Shay nói khi rời đi.

Daisy nhìn theo cô ta khuất dạng ở một góc cửa hàng và lại mỉm cười. Shay Brewton bé nhỏ sắp sửa cưới Jimmy Calhound phóng túng. Khi cô lớn lên, thực sự chẳng có mấy cậu nhóc điên khùng hơn Jimmy và anh em nhà cậu ta.

Có lẽ là trừ Jack.

Jack lúc nào cũng điên rồ một cách sung sướng. Lao xe đạp nhanh hết mức có thể chưa bao giờ là đủ với anh, anh còn phải bỏ tay khỏi tay nắm hay đứng lên ghế. Đuổi theo gió xoáy còn chưa đã, anh còn phải chơi ngoài trời khi dự báo thời tiết báo một cơn lốc xoáy cỡ F1[11]. Anh nghĩ mình bất khả chiến bại, như siêu nhân.

[11] Kí hiệu của Thang độ Fujita hay Thang độ Fujita-Pearson, một thang đo sức gió và khu vực ảnh hưởng của lốc xoáy được lập bởi nhà khí tượng học Fujita Tetsuya của Đại học Chicago năm 1971. Chúng gồm 6 cấp độ từ 0 đến 5. Cấp 0 là cấp thấp nhất.

Steven liều mạng hơn Daisy, nhưng kể cả anh cũng không thử đến phân nửa số trò mà Jack làm. Anh không bao giờ nhảy từ mái nhà xuống một ụ lá và làm gãy chân mình. Hay đặt động cơ xe máy vào một cái xe chở hàng tự chế và lái đi khắp thị trấn như thể anh ở đường đua Talladega.

Jack đã kinh qua hết những trò đó, dù thừa biết là cha anh sẽ quật mông anh. Và Ray Parrish đã đánh anh thật, nhưng với Jack, nó đáng giá.

Steven Monroe luôn là người thận trọng - đáng tin cậy - trong khi Jack luôn sống cuộc sống với tốc độ chạy cực đại như thể tóc anh bị cháy.

Chơi bời với cậu bé điên rồ nhất trường học thì cực kỳ vui vẻ. Còn vướng vào chuyện tình cảm với anh ta là một sai lầm lớn.

Một sai lầm mà vì nó, cả cô, Steven và Jack đã phải trả giá đắt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.