Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 3-5





<tbody></tbody>
Tôi bỗng thấy choáng váng khi thấy cả hai chúng tôi nói chuyện với nhau như thế này – một cảm giác hoa mày chóng mặt như lúc đứng trên một độ cao lớn hay khi cảm thấy không an toàn. Chúng tôi đã luôn quá thận trọng với nhau. Giờ đây, khi đã khá muộn, khi tôi có những điều cần bàn với nó, chúng tôi không thể nói chuyện với nhau một cách dễ dàng được nữa.
“Con biết ý mẹ là gì mà,” tôi nói.
Nó nóng nảy ngoảnh mặt đi nơi khác, như thể thứ gì đó ở nơi chân trời phía tay phải của tôi đã thu hút sự chú ý của nó. Và tôi thấy, ngay trước mặt tôi, đang giận dữ lảng tránh ánh mắt tôi, là đứa con trai bốn tuổi tôi từng hiểu rõ hơn cả bản thân mình. Giờ nó đã trở lại, trong hình dạng một người đàn ông trưởng thành với vẻ lầm lì, khinh khỉnh, với một tinh thần hoang mang, suy nhược.
“Mẹ chẳng biết gì cả,” cuối cùng nó nói. “Cuộc sống của bọn con khác nhiều so với những gì mẹ có thể tưởng tượng ra.”
“Mẹ hiểu rõ về phụ nữ,” tôi nói. “Và mẹ có thể nói với con thế này. Người phụ nữ đó sẽ không để con có những quyền bình đẳng trong vai trò làm cha làm mẹ đối với con của cô ta đâu.”
Giờ nó có thể nhìn tôi. Đôi mắt nó gay gắt và rực lửa.
“Rebecca không phải là con của riêng chị ấy. Rebecca là con của bọn con,” nó nói.
“Chỉ là một lối nói thôi.”
“Không. Thực sự là thế. Bobby, Clare và con không biết ai là bố đứa bé. Đó là lý do bọn con quyết định làm như thế.”
Tôi không tin nó. Tôi biết – phần nào – rằng nó và người phụ nữ đó không phải là tình nhân. Nó chỉ đang bịa chuyện, như nó vẫn thường hay làm hồi còn nhỏ. Tuy nhiên, tôi không phản đối.
“Và đó cũng là điều mà Clare muốn chứ?”
“Vâng. Đó là điều chị ấy muốn.”
“Có lẽ đó chỉ là điều mà cô ta nói là cô ta muốn thôi,” tôi nói. “Đó có thể là điều mà cô ta nghĩ là cô ta muốn.”
“Mẹ không hiểu Clare. Mẹ đang nghĩ về một mẫu người khác đấy.”
“Không đâu, con yêu. Con mới là người không hiểu gì. Mẹ biết sẽ thật khó khăn khi nghĩ khác đi về một người mà con đã quen biết, hay tin rằng cuộc đời con sẽ trở nên khác biệt. Và mẹ đang đứng đây để nói cho con hay rằng trên đời này vẫn có những định luật chung. Một người phụ nữ sẽ không chia sẻ đứa con của cô ta với ai cả.”
“Mẹ,” nó nói trong một giọng tỏ ra điềm tĩnh hết mức. “Mẹ à, mẹ đang nói về chính bản thân mẹ thì có. Chính mẹ mới không chịu buông tha con mình.”
“Hãy nghe mẹ. Hãy ra đi và tìm lấy cho chính con một người để yêu thương. Hãy sinh một đứa con cho riêng mình, nếu đó là điều mà con muốn.”
“Con đã có rồi,” nó nói. “Rebecca đích thực là con của con.”
“Số ba là một con số kì cục. Khi có ba người, một người thường bị đẩy ra ngoài.”
“Mẹ, mẹ không biết là mẹ đang nói gì đâu,” nó nói. “Mẹ chẳng hiểu cái quái gì hết.”
“Đừng có ăn nói với mẹ kiểu đó. Mẹ vẫn là mẹ của con đấy.”
“Vậy thì xin mẹ đừng có áp đặt con. Mẹ là người muốn nói chuyện cơ mà.”
Nó đã thắng tôi ở điểm đó. Chính tôi là người muốn nói chuyện. Tôi là người đã chui đầu vào một cuộc hôn nhân, để mình bị cuốn theo những công việc nội trợ lặt vặt đơn giản, nhàm chán. Và giờ đây, trong một rặng cây ở sa mạc, tôi muốn nói chuyện.
“Tất cả những gì mẹ muốn nói,” tôi nói, “là dường như có những giới hạn nào đó. Con người ta sống với nhau theo cặp đôi cũng đã đủ khó khăn rồi.”
“Còn con,” nó nói, “đang nghiêm túc cân nhắc khả năng rằng những giới hạn đó chính là một lời tiên đoán đã biến thành sự thật. Bobby, Clare và con đang hạnh phúc bên nhau. Bọn con dự định sẽ mãi sống cùng nhau.”
“Lịch sử đã dạy bảo chúng ta một cách khác hẳn.”
“Lịch sử đã thay đổi. Mẹ, đây không còn là thế giới như trước nữa. Thế giới này đang đi tới tận cùng vào bất cứ lúc nào, tại sao chúng ta không cố gắng có được mọi thứ mà chúng ta có thể?”
“Người ta vẫn luôn tin rằng thế giới đang đi đến tận cùng ngay từ ngày thế giới mới bắt đầu, con yêu ạ. Nhưng nó đâu có kết thúc, và nó cũng chẳng thay đổi gì mấy.”
“Sao mẹ lại có thể nói thế được nhỉ?” Nó nói. “Mẹ hãy nhìn vào mẹ xem nào.”
Tôi ý thức được rằng mình đang đứng trên mặt đất bụi bặm và xám đỏ. Tôi ý thức được rằng mình đang mặc quần jean và áo khoác da lộn, dưới bầu trời bao la.
Tôi nói: “Nói thẳng ra thì con nghĩ rằng Bobby sẽ chọn con? Là thế, đúng không? Con nghĩ Clare sẽ rút lui, và con cùng Bobby sẽ nuôi đứa trẻ đó, còn cô ta chỉ đứng làm nền thôi.”
Nó nhìn tôi, và tôi nhìn nó. Tôi nhìn thấu mọi thứ trong nó: cái ham muốn dành cho những người đàn ông, tội lỗi và nỗi thất vọng, cùng sự tức giận. Tôi thấy rằng trong chừng mực nào đó sự giận dữ của nó là sự giận dữ của một phụ nữ. Nó có cái ý thức phản bội của một người đàn bà. Nó tin rằng nó đã bị dồn đến đường cùng một cách bất công, được yêu bởi những con người không thích hợp vì những lý do sai lầm. Trong một thoáng, tôi cảm thấy sợ nó. Tôi sợ con trai mình, ngay tại nơi hoang vu, xa xôi hẻo lánh này. Chúng tôi đã bảo vệ bản thân bằng cách im lặng vì nếu không thì chúng tôi sẽ hét vào mặt nhau, sẽ cào cấu, cắn xé và gào thét. Cả hai chúng tôi đều quá đỗi xấu hổ, khó mà bày tỏ sự giận dữ theo cách thông thường.
“Mẹ chẳng biết mẹ đang nói gì cả,” nó khẽ nói, và tôi thừa nhận rằng có lẽ tôi không biết thật. Chúng tôi đã không còn hiểu nhau, chúng tôi là những người xa lạ theo một nghĩa sâu xa khó hiểu vẫn luôn ẩn dưới sự tận tình và thân mật của chúng tôi như một dòng sông đang chảy. Có lẽ điều đó đã luôn là sự thật.
“Chúng ta nên đi thôi và cố bắt kịp chuyến bay của con,” tôi nói.
“Vâng. Có lẽ thế.”
“Còn về đám tro. Đó là quyền lựa chọn của con. Khi nào con quyết định xong thì hãy báo cho mẹ biết.”
Nó gật đầu. “Có lẽ một ngày nào đó con sẽ trao nó cho Rebecca,” nó nói. “Này, con. Di sản của gia đình ta đấy.”
“Nó cũng sẽ không biết phải làm gì với chúng đâu,” tôi nói.
“Nếu con bảo nó, nó sẽ biết. Con muốn nó lớn lên mà không cần phải băn khoăn về việc cất tro của ông nó ở đâu.”
“Sẽ rất hay đấy. Sẽ rất hay cho nó.”
“Vâng.”
“Đi thôi nào,” tôi nói. “Chúng ta có thể bắt kịp chuyến bay nếu chúng ta đi nhanh.”
Chúng tôi quay trở vào xe, và đi nốt quãng đường còn lại trong im lặng. Jonathan nhét lại hộp đựng tro vào túi và kéo khóa lại. Khi lái xe, tôi định đưa ra vài lời khuyên nhủ với tư cách là một người mẹ, nhưng tôi không biết phải nói thế nào. Tôi muốn nói với nó một điều mà tôi đã mất gần sáu mươi năm mới học được: chúng ta nợ những người sống còn nhiều hơn là nợ những người đã chết, rằng cơ hội hạnh phúc duy nhất của chúng ta – một cơ hội đủ nhỏ - nằm ngay trong sự thay đổi đúng đắn. Nhưng tôi không thể nói ra được.
Vì chúng tôi không còn nhiều thời gian, nên nó phải nhảy ngay ra lề đường trước nhà đón khách. “Tạm biệt mẹ,” nó nói.
“Tạm biệt. Hãy bảo trọng.”
“Vâng. Con luôn giữ gìn mà.”
“Mẹ không chắc lắm về điều đó. Đi đi, nhanh lên. Con sẽ lỡ chuyến bay đấy.”
Nó ra khỏi xe và đeo túi lên vai. Trước khi chạy hết tốc lực đến chỗ máy bay, nó vòng ra bên đằng lái. “Tạm biệt mẹ,” nó nói.
Nó đang ốm, hay chỉ đơn giản là đang già đi? Sao trông nó lại hơi phờ phạc, mắt nó lại hơi quá to so với đầu nó thế?
“Jonathan? Gọi điện cho mẹ khi con về đến nhà nhé! Để mẹ biết là con đã về nhà an toàn.”
“Vâng. Nhất định rồi.”
Nó cúi xuống trước ô cửa sổ xe để mở và tôi hôn lên miệng nó, thật nhẹ nhưng thật kêu. Tôi hôn tạm biệt nó. Và rồi, không một cái vẫy tay hay một cái nhìn lại, nó bước vội đi.
JONATHAN
Bobby và tôi tới nhà ga vài phút trước khi chuyến tàu của Erich đến. Ở nhà ga của một thị trấn như thế này – nó chỉ là một tòa nhà xây bằng gạch màu hạt dẻ, lớn bằng một kho dụng cụ, trước một sân ga bê tông – bạn thực sự có cảm giác về sự xa xôi hẻo lánh của chính mình. Ở đây, nơi nông thôn và thành thị giao nhau, bạn hiểu được rằng sự kiện quan trọng của một chuyến tàu đang đến chính là việc nó sẽ khởi hành đến những địa điểm tiếp theo. Ngay từ lúc chúng tôi dõi theo hình dáng ngoằn ngoèo của con tàu đang lượn quanh sườn đồi xanh ngát cuối cùng, tôi có thể tưởng tượng đến cơn bão bụi mà nó sẽ gây ra trên đường đi. Bụi bặm và một cái cốc giấy lạc lõng sẽ bay quanh sân ga trong một thoáng rồi lạ hạ xuống, trở về với sự tĩnh mịch vốn có. Một cỗ máy bán hàng tự động màu đỏ bị nghiêng hẳn về một bên, trước đây từng bán báo, đang đứng há hốc miệng giữa những cây hương bồ và tầm ma phía bên kia đường ray.
Tôi đã gọi điện cho Erich vì tôi thấy cô đơn. Không đúng: Tôi nên gọi tình trạng này của mình bằng một cái tên thích hợp hơn mới phải. Khi chúng tôi chuyển đến Woodstock, tôi cứ nghĩ rằng ở đó sẽ có nhiều gã đàn ông đồng tính chưa bị ràng buộc hơn, tôi cứ tưởng rằng sẽ gặp được họ ở các quán bar và những điểm bán đồ cũ. Nhưng, thực tế thì, những gã đồng tính sống ở đó đều đã có đôi có cặp. Vì thế, cuối cùng, tôi đành phải gọi điện cho Bác sĩ Tâm lý và mời anh ta đến chơi vào cuối tuần.
Tôi vỗ nhè nhẹ lên vai Bobby, vì tôi hồi hộp. Tôi đã không gặp Erich hơn một năm rồi. Người duy nhất trên sân ga ngoài chúng tôi lúc này là một phụ nữ lớn tuổi mập mạp, đang càng lúc càng bực bội khi tìm kiếm thứ gì đó trong cái túi rơm màu trắng. Tôi vẫn để tay trên vai Bobby khi con tàu ngoằn ngoèo tiến về phía chúng tôi. Một nhân vật từ cuộc đời cũ thực tế hơn của tôi sắp đến thăm tôi trong cuộc đời mới xa lạ, quê mùa.
Con tàu ầm ầm tiến vào, những cánh cửa của nó từ từ mở ra. Một gia đình xuống tàu, theo sau là một ông hói mặc bộ đồ màu nâu, tiếp đến là một thiếu phụ to béo được người phụ nữ lớn tuổi với cái túi rơm màu trắng đón. Trong một thoáng, dường như Erich không hề có mặt trên tàu. Và rồi anh xuất hiện, tay xách một cái va li màu nâu, trên bậc lên xuống của con tàu.
Tôi đã hiểu ngay khi tôi trông thấy anh. Với một người rắn chắc như Erich, ngay cả việc sút mất hai cân cũng đã tạo nên một sự thay đổi rõ rệt. Với vẻ ngoài bây giờ chắc hẳn anh đã sút ít nhất là năm cân. Da anh xám xịt và trông có vẻ bì bì.
Anh cười. Anh lò dò bước xuống những bậc thang, di chuyển như thể anh đang giữ thăng bằng một cái bình vô hình trên đầu. Bobby đỡ lấy khuỷu tay anh khi anh bước từ bậc thang cuối cùng xuống mặt bê tông.
“Chào,” Erich nói. “Tôi đã đến rồi đây.”
“Anh đã đến,” tôi nói.
Sau một thoáng do dự, chúng tôi ôm nhau. Qua lớp quần áo của Erich – chiếc quần jean đen và một cái áo sơ mi vải bông chéo màu xanh – tôi có thể cảm nhận được thân hình gầy yếu thực sự của anh. Như thể tôi đang ôm một bó sậy vậy. Trong vòng tay anh, tôi cảm thấy một nỗi hoang mang dâng trào. Đầu óc tôi choáng váng. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là buông anh ra, bỏ chạy về phía những cây hương bồ. Khi Erich và tôi ôm nhau, thế giới như vỡ vụn thành những đốm sáng lung linh trước mắt tôi, một thứ màu sắc hỗn loạn chói lọi, và trong một thoáng dường như tôi muốn đẩy anh ngã, đá anh lăn xuống bên dưới những bánh xe lửa để anh bị nghiền nát thành hư vô. Để anh không còn tồn tại nữa.
Thay vào đó, tôi nắm lấy đôi vai gầy giơ xương của anh và nói: “Thật tuyệt khi được gặp anh.”
Con tàu lại lăn bánh, từ từ đi xa dần trong lớp bụi bốc lên mù mịt.
“Cảm ơn,” anh gật đầu nói. “Cảm ơn rất nhiều. Thật tuyệt khi được ở đây. Đã lâu lắm rồi tôi chưa được về nông thôn đấy. Chào Bobby.”
Anh và Bobby bắt tay nhau. Khuôn mặt Bobby không thể hiện rằng cậu hiểu được bao nhiêu. Cậu xách va li của Erich đến ô tô với sự chắc chắn bình thản của một vị quản gia già cả. Erich có thế đi khá vững, dù bước đi của anh có phần thận trọng thấy rõ, một sự thận trọng như của người già, như thể xương anh mềm và giòn như sáp.
“Chuyến đi ổn chứ?” Tôi hỏi.
“Vâng, rất ổn. Con tàu đã đi qua vài nơi rất đẹp. Ở đây thực sự, ừm, đẹp quá nhỉ?”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Nếu anh thích cái kiểu này.”
Anh chớp chớp mắt với vẻ ngập ngừng. Erich hiểu được những lời nói đùa thông thường, nhưng không hiểu nổi những lời châm biếm nho nhỏ.
“Chúng tôi thích nơi này,” tôi nói. “Nó yên bình, êm ả và tẻ ngắt như những gì anh từng tưởng tượng về nông thôn.”
“Ồ,” anh nói. “Tuyệt thật.”
Chúng tôi vào trong xe và bắt đầu về nhà. Bobby lái xe, còn Erich ngồi ở cạnh ghế lái. Tôi ngồi phía sau, chỗ của trẻ con. Khi chúng tôi lái xe trên con đường quen thuộc, tôi nhìn ra những đồng cỏ dại và cứ nghĩ đến việc ẩn mình trong đó, chui thật sâu vào trong một đồng cỏ cho đến khi tôi hoàn toàn bị che khuất giữa những lá cỏ nửa xanh nửa vàng đang úa tàn trong tiết giao mùa. Mười bốn tháng trước, khi Erich và tôi làm tình lần cuối, chúng tôi đã cẩn thận với nhau. Nhưng suốt gần một năm trước đó, chúng tôi đã không hề có biện pháp đề phòng. Tôi nhẹ nhàng lướt những đầu ngón tay lên ngực mình, và ngắm nhìn những chiếc lá cỏ đang đung đưa dưới bầu trời cao.
Erich nói: “Bobby, anh có mang theo bộ sưu tập đĩa hát của anh không?”
“Ồ, chắc chắn rồi,” Bobby nói. “Anh biết tôi mà. Bọn tôi có một cái máy quay đĩa và những thứ tương tự như thế.”
“Tôi mang cho anh vài món quà từ thành phố đây,” Erich nói. “Có một cửa hàng băng đĩa rất lớn ngay trên khu tài chính, anh có tin nổi không.”
“Ồ, tôi biết cửa hàng đó,” Bobby nói. “Đúng, trước đây tôi vẫn thường đến đó.”
Chúng tôi lái xe về nhà, với những cuộc đối thoại ngắt quãng. Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy mình không muốn hỏi thăm về sức khỏe của Erich. Không phải sự sợ hãi mà chính nỗi ngại ngùng đã ngăn tôi không đề cập gì đến nó; anh giống như vừa mới trở về từ một cuộc chiến, bị mất tay hoặc chân. Từ chỗ ngồi, tôi có thể thấy mảng da đầu yếu ớt hiện ra qua lớp tóc mỏng của anh – cả da và tóc đều đã mất đi chút sinh khí mà ta chỉ có thể nhận ra sự tồn tại của nó khi nó không còn nữa. Dù Erich chưa bao giờ vạm vỡ, nhưng hiện tại trông tóc anh như sắp rụng ra trong tay bạn. Lớp da đầu bên dưới khô cứng lại. Điều mà tôi làm, khi đối mặt với sự gầy mòn rõ rệt của anh, là nêu ra những quan điểm ưa thích của tôi, bàn tán về những điều kì cục của dân cư địa phương, và kể về chuyến tham dự phiên chợ quê gần đây của chúng tôi, nơi những quả dưa chuột đoạt giải thưởng và những con lợn con của tổ chức 4-H[68]được trưng bày một cách tự hào. Tôi không thể ngừng xoa ngực mình. Chúng tôi băng qua sông Hudson. Bên dưới chúng tôi, những chiếc sà lan đang băng qua mặt nước màu nâu lấp lánh. Những hàng cây ở bờ bên kia đang ngả dần sang màu vàng và đỏ từ những đêm giá rét đầu tiên. Xen giữa những hàng cây, những lâu dài đổ nát của những triệu phú quá cố đờ đẫn trông ra một bầu trời nhạt nhòa và lạnh lẽo.
[68] Một tổ chức thanh niên được đặt dưới sự quản lý của Viện Thực phẩm và Nông nghiẹp Quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Khi chúng tôi tiến đến con đường trải sỏi dẫn đến ngôi nhà, Erich há hốc miệng và nói: “Ôi, thật tuyệt vời. Tôi không thể tin được đây lại là nhà của các anh.”
Tôi chưa bao giờ nghe thấy giọng anh mang vẻ thích thú đến thế - một giọng ngạc nhiên đến mức run rẩy. Tôi không chắc liệu tôi có tin lời anh được không. Nó mang vẻ gì đó vồn vã, giả tạo. Anh có vẻ giống với vợ của một người đàn ông tham vọng, khi được đưa tới ngôi nhà ở nông thôn của sếp anh ta.
“Hãy chờ cho đến khi anh thấy bên trong đã,” tôi nói. “Đường vào khá dài đấy.”
“Ôi, không, nó thật hoàn hảo mà. Thật tuyệt vời,” anh nói. “Dù bên trong nó có như thế nào đi chăng nữa.”
“Anh hãy cứ chờ xem,” tôi nói.
Clare cùng Rebecca đón chúng tôi trên hiên nhà. Rebecca, vừa tắm xong, nhìn chúng tôi với đôi mắt vô cùng ngạc nhiên, như thể trước đây nó chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh của chúng tôi – ba người đàn ông đang bước ra khỏi một chiếc ô tô và leo những bậc thang lên hiên nhà. Clare nói lớn: “Chào mọi người.”
“Chào,” Erich nói. “Ôi, thật, ờ, thật tuyệt khi được gặp lại chị. Ôi, trông con bé này.”
Tôi có thể nhận thấy qua khuôn mặt Clare rằng chị đã ngờ ngợ ra điều gì đó. Tôi gần như có thể nhận thấy cả một chuỗi suy nghĩ của chị, cố khớp Erich này với Erich mà chị từng gặp mấy năm trước. Phải chăng anh ta vẫn luôn tái mét và gầy gò như vậy? Phải chăng da dẻ anh ta vẫn luôn quá xỉn như thế?
“Con bé đây,” một lúc sau, Clare nói, “Anh đang bắt gặp nó trong một ngày dễ chịu đấy, nó vẫn ngoan ngoãn từ lúc nó ngủ dậy sáng nay. Tốt hơn là hãy khen ngợi nó nhanh lên, vì mọi thứ có thể thay đổi bất cứ lúc nào.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.