Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 316



Song đúng lúc anh tất tả chuẩn bị về Thượng Hải, chiến hạm Nhật lại đột ngột cắt đứt lưu thông ở cảng Quảng Đông. Chính quyền Anh ở Hồng Kông điều hơn trăm chiếc máy bay từ Singapore đến dàn trận, đồng thời phong tỏa mặt biển, thế là chuyện quay về Thượng Hải tan thành mây khói.

Lúc đó tất cả các bạn bè ở Hồng Kông đều cực lực khuyên can anh, sau khi cân nhắc lên xuống mãi thì cuối cùng anh cũng không đi.

Vì lo nghĩ quá độ nên bệnh tình của anh cứ lúc tốt lúc không. Bác sĩ Anh bắt anh phải nằm viện dưỡng bệnh. Ở bệnh viện, anh đã cầm bút viết một lá thư gửi đến Thượng Hải.

Địa chỉ ngoài thư là địa chỉ của Đỗ Hâm, bên trong phong thư lại kẹp một lá thư khác viết rõ là cho Mạnh Thanh. Gửi đi được nửa tháng mà không thấy có tin tức gì, cũng chẳng biết đã nhận được hay chưa.

Đất nước rơi vào tay giặc, dân tị nạn chạy đến Hồng Kông ngày càng đông. Do trước đây quen biết Triệu Vĩnh Kinh với Dương Thu Tâm nên anh cũng có một vài bạn bè trong giới văn hóa, vì bất đồng khuynh hướng chính trị nên bọn họ chuyển đến Hồng Kông, tích cực hoạt động, tổ chức kháng Nhật, gây rất nhiều tiếng tăm. Phó Ngọc Thanh biết cơ quan đặc vụ của chính phủ cũng có rất đông tai mắt ở Hồng Kông nên chỉ âm thầm tài trợ cho bọn họ xuất bản tạp chí liên quan, chụp ảnh mới, chứ không dám công khai thể hiện quan điểm.

Thật ra cuộc sống ở Hồng Kông không thể gọi là quạnh quẽ, ấy nhưng anh vẫn cảm thấy cô đơn vô cùng.

Máy bay Nhật oanh tạc khắp nơi nơi, bất kể là Trùng Khánh hay Diên An, đến cuối năm thậm chí cả Phụng Hóa cũng bị quân Nhật dội bom, trên báo lúc nào cũng thấy tin thương vong, có lúc nhiều, có lúc ít. Dần dần, dường như chuyện có người chết đã trở thành một điều hết sức bình thường.

Lúc này chiến tranh cũng nổ ra ở châu Âu, Adolf Hitler[1] ra quân đánh chiếm Czech rồi đến Ba Lan, tuyên chiến với Anh và Pháp. Đức khơi mào đại chiến ở châu Âu, tình hình thế giới biến động dữ dội. Nửa năm nữa trôi qua, cả Pháp cũng đầu hàng, Anh cho đóng cửa đường Miến Điện[2] rồi kí kết hiệp ước mới với Nhật, công nhận sự chiếm lĩnh Trung Quốc của Nhật Bản, giao thông vào nội địa từ Hồng Kông bị phong tỏa hoàn toàn từ đây.

Ban đầu, châu Âu còn trợ giúp Trung Quốc, Hoa kiều ở nước ngoài cũng quyên góp tài trợ cho chiến tranh kháng Nhật, đường vào trong nước chỉ còn lại đúng Hồng Kông và Vân Nam, thế mà nay cũng đã bị cắt đứt triệt để.

Ba nước Đức Ý Nhật kết thành đồng minh, chiến tranh tựa một cơn bão bất thình lình nổi lên, cuốn tất tần tật mọi thứ chung quanh vào. Có lẽ chính phủ gửi gắm hy vọng vào Anh Mỹ sẽ khai chiến với Nhật để bọn họ có thể tranh thủ kiếm lời một cách bất chính từ đó, song thế đúng là không thể nào vớ vẩn hơn.

Có điều suy nghĩ này rất phổ biến trong nước, có một số người ủng hộ, Phó Ngọc Thanh rất căm ghét những người như vậy. Anh cảm thấy bọn họ là một loại người theo chủ nghĩa đầu hàng khác.

Anh thấy trên báo tin Trì Ly Sơn thoát ám sát mấy lần, đó giờ vẫn sống nhăn răng lành lặn. Tin ấy khiến anh phẫn nộ khôn nguôi. Lũ Nhật trang bị cho gã một con Cadillac lắp kính chống đạn, ra vào luôn có vệ sĩ theo cùng, muốn giết hắn e là khó như lên trời.

Phó Ngọc Thanh biết quân Nhật cũng đang trắng trợn bắt người ở Thượng Hải, tất cả những ai kháng Nhật, diệt phản, cả Cộng sản, trên báo viết rất thường xuyên, đặc biệt là báo của Nhật. Ở Hồng Kông, đến như tờ nhật báo Nam Hoa là báo Hán gian anh cũng còn đọc, song anh cảm thấy làm thế đúng là một kiểu tra tấn. Ngày nào anh cũng phải theo dõi tin tức trên báo, nhưng lại rất sợ đọc phải tin xấu, càng lâu dần anh càng thêm sợ. Anh sợ vẫn không có thư hồi âm, mà cũng sợ lại nhận được thư hồi âm nhưng lại chẳng phải tin mà anh muốn.

Vì tâm trạng luôn buồn phiền nên bệnh tình của anh mãi chẳng khởi sắc. Mỗi lần cơn đau phát tác chẳng khác gì hành hạ, lắm khi anh không kìm được lại nuối tiếc. Lẽ ra lúc đó cứ mặc kệ sự phản đối của Mạnh Thanh, cứng đầu cứng cổ ở lại đi thì hơn. Dù có chết ở Thượng Hải thì chí ít cũng còn tiếng thơm để lại. Dẫu thế nào cũng còn đỡ hơn sống kiểu vô tri vô thức tham sống sợ chết thế này.

Song thư của người nhà gửi đến luôn nhắc anh nhớ rằng, nói đến cùng thì anh không chỉ có một mình.

Anh ghét mình đã hèn hạ thỏa hiệp, cũng không kìm được ghét Mạnh Thanh quyết tuyệt cắt đứt mọi liên lạc.

Gia đình chia ly, nước nhà tan vỡ, hết thảy những nỗi đau ấy chẳng thể thấy điểm cùng.

Đôi khi anh cảm thấy mình chính là những kẻ theo chủ nghĩa đầu hàng trên báo ấy, khi mà đất nước đang lâm nguy, mình không thể tòng quân đánh giặc mà lại trốn ở trên cô đảo, sống thư thả an nhàn, dường như chẳng mảy may dính đến khói lửa.

Nhưng chiến tranh cũng giống một cỗ máy sắt thép rền rĩ, lạnh lùng nghiến nát từng linh hồn trên cõi đời.

Cuối năm ấy, Diệp Lệ Văn đang mang thai bị nổ chết trong đợt không tập ở Trùng Khánh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.