Lúc Phó Ngọc Đình bỏ nhà ra đi, đặt chân đến Côn Minh cách trở ngàn dặm, mợ gào khóc bù lu bù loa lên đều có, nhưng con trai của mợ lại cố chấp muốn hoàn thành sự nghiệp học hành ở đại học Lâm thời, nhất quyết không chịu về với mợ. Hết đường xoay sở, lại còn sốt ruột vì thương nhớ, mợ vắt óc nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng học theo phu nhân nhà người khác tập may áo len, may xong thì gửi cho cậu mặc. Phó Ngọc Thanh đến Trùng Khánh làm mợ phấn khởi vô cùng, suốt ngày bảo cũng muốn may một bộ cho anh. Xong mợ còn cằn nhằn ở đây cái gì cũng đắt đỏ, giá một chiếc áo choàng đẹp thì như lên trời, người làm mới chen câu vào rằng ở phòng trà Phức Xuân có một bà bán áo choàng da cũ đẹp lắm, giá cả cũng rất phải chăng.
Diệp Thúy Văn nghe vậy thì chau mày nói một câu bằng giọng Nam Kinh, thím Triệu giúp việc là dân bản xứ nên nghe không hiểu, còn Phó Ngọc Thanh nghe thì không nhịn được phì cười, rồi quay sang bảo thím: “Mợ muốn mua đồ mới cơ, không chịu mặc đồ người ta từng mặc rồi đâu.”
Thím Triệu đi theo nhà Phó mấy năm, đã hiểu tính tình của vị phu nhân này nên cũng chẳng nhiều lời nữa.
Song Diệp Thúy Văn lại chộp được cơ hội để than thở với anh rằng Phó Ngọc Hoa khó quá, tiền ăn tiêu trong nhà có mỗi tí không, lại còn trách Phó Ngọc Hoa đổ dồn hết tâm trí vào nhà máy, trong khi đó cuộc sống của gia đình thì chẳng thèm đoái hoài chi.
Phó Ngọc Thanh đoán anh cả sợ mợ đi đánh bài, cũng chẳng biết nói gì hơn, chỉ cho mợ một tập tiền rồi khuyên mợ cha và Lệ Văn không còn nữa, tính tình Phó Ngọc Hoa như thế, có thể có việc của nhà máy để anh dồn sức vào chưa hẳn đã không tốt. Anh hỏi mợ: “Mợ viết thư cho Ngọc Đình rồi à?” rồi lại nói chuyện về việc học hành của Ngọc Đình ở Côn Minh với mợ, can rằng: “Thanh thiếu niên không nên sống trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, phải chịu khổ một chút cho rắn rỏi mạnh mẽ, thế không có gì là xấu cả.” Anh còn lấy chính bản thân mình ra làm ví dụ, “Hồi trẻ con được sống sung sướng quá nên gặp tí chuyện là đã không chịu được đấy.” Anh nhắc tới Ngọc Đình làm Diệp Thúy Văn không cầm được nước mắt. Song mợ rất lắng nghe lời khuyên của anh, sau khi trò chuyện một hồi thì tâm trạng đã khá lên hẳn. Mợ biết bệnh của anh phát tác lúc ở Hồng Kông nên còn thu xếp chuẩn bị thức ăn dưỡng dạ dày cho anh, sai thím Triệu lên lên xuống xuống bận vắt chân lên cổ.
Đình Ngọc cứ đi học về là sẽ ngoan ngoãn học bài, Phó Ngọc Thanh bèn qua nói chuyện với thằng bé, hỏi câu nào nó đáp câu nấy, anh chỉ có thể cố gắng nghĩ chuyện mà gợi, trong lòng gượng gạo khôn tả.
Diệp Thúy Văn bảo anh hồi mới tới Trùng Khánh chưa được bao lâu, Phó Cảnh Viên từng muốn đổi tên cho Đình Ngọc, đã lựa được một cái tên khác theo gia phả rồi, đặt là Nhược Phỉ. Đình Ngọc vừa ngoan mà tính tình lại vừa kiên cường. Người làm mua một bộ quyển tập mới về, Phó Cảnh Viên tự tay viết tên mới lên cho cậu, nhưng Đình Ngọc lại lén lút xóa tên đi, thay lại bằng ba chữ Mạnh Đình Ngọc nắn nót. Phó Cảnh Viên biết chuyện đã nổi giận lôi đình, ông giấu Đình Ngọc mắng nhiếc Mạnh Thanh là loại tiểu nhân thất tín bạc nghĩa, lúc trả con về đã nói xiên nói xẹo để lừa gạt ông, lời lẽ thì êm tai lắm đấy, hóa ra toàn điêu toa. Cuối cùng Phó Ngọc Hoa phải khuyên ông chớ nóng nảy.
Trước khi về nội địa, Phó Ngọc Thanh từng do dự không biết có nên về Trùng Khánh hay không. Anh thật sự không thích không khí chính trị ở Trùng Khánh cho lắm, anh có đến Trùng Khánh cũng chỉ ăn không ngồi rồi qua ngày thôi, chẳng thà đi Quế Lâm giúp bạn làm báo còn hơn, coi như là có đóng góp gì đó.
Năm ngoái Đảng Quốc dân bảo định tổ chức đại hội quốc dân, song cuối cùng chính phủ lại sụp đổ, ngày nào anh cũng đọc báo, lòng nói trắng ra là chẳng ôm bất kỳ hy vọng nào với chính phủ quốc dân. Có điều cả gia đình đều đang ở Trùng Khánh nên anh vẫn không thể không đến thăm.
Vì biết có Đình Ngọc, anh còn đặc biệt mua bút máy cùng bút mực do Anh sản xuất ở Hồng Kông mang về. Anh cũng chẳng biết trẻ con thì thích món gì nữa, chỉ là lại quên mất mấy năm thấm thoắt thoi đưa, người mà anh muốn gặp đã chẳng còn mang dáng vẻ ngày xưa nữa rồi.
Anh mang món quà từ phương xa trở lại, vậy mà giờ đây chìa tay ra lại thấy hơi ngượng ngùng.
Đình Ngọc thấy anh không nói gì, đợi một lúc rồi tự lấy giấy bút của mình ra. Phó Ngọc Thanh thấy nó viết bằng bút lông thì rất đỗi ngạc nhiên, không kìm được khen nó. Nhưng Đình Ngọc lại đâm ngượng, thằng bé lắc đầu nguầy nguậy, cái miệng cong lên bảo anh: “Không phải không phải đâu, tại mực Tây đắt quá đấy ạ.”
Phó Ngọc Thanh nào có ngờ thằng bé lại hiểu chuyện đến thế, anh không dằn được nỗi xót xa trong lòng, bèn vội bảo: “Đây không phải chuyện to tát, chờ chút cha sẽ đi mua cho con.” Lại hỏi nó ban ngày đến trường nghe giảng những gì, hỏi nó có cần làm bài tập không.
Đình Ngọc xem chừng có vẻ khó xử, nó ấp úng: “Con đang viết thư cho bác với em.”
Nghe thằng bé nhắc đến em trai, trống tim Phó Ngọc Thanh đập thình thịch, Đình Ngọc làm gì có bác đâu, chắc ý nó là cha đấy. Anh dè dặt hỏi, “Con muốn… viết thư cho nhà Chấn Ngọc à?”