Tôi Và Người Ấy Của Tôi

Chương 15



Edit: Sa

[37] – Bạn học

Chú phải làm phẫu thuật nghiêm trọng nên cần nằm trên giường nghỉ ngơi lâu ngày, nhưng các bác đều bận rộn nên chỉ ở vài ngày rồi lần lượt về quê. Tôi, 187, cô út với anh cả (con của bác cả 187) tiếp tục ở lại bệnh viện cùng cô để chăm sóc chú, thỉnh thoảng đồng chí em họ cũng sẽ tới thăm.

Chú ngay thẳng, cô và cô út tuy ít nói nhưng rất hiền lành, vô cùng quan tâm tới tôi, cậu em họ nhỏ tôi hai tuổi, tính tình hoạt bát sáng sủa, là mẫu chàng trai tươi sáng, anh cả cũng rất hài hước. Tôi và gia đình 187 rất hợp nhau.

Chủ nhật nọ, cậu em họ xin nghỉ phép tới bệnh viện thăm chú, nhân tiện mua bữa sáng cho chúng tôi. Khi ấy chú và hai bệnh nhân còn lại trong phòng đều đang ngủ, ba người trẻ bọn tôi sợ nói chuyện ồn ào đánh thức họ nên ra khỏi phòng, tìm chỗ cửa sổ gần cầu thang ngồi ăn tán dóc.

187 nói với cậu em họ: “Mai đừng tới nữa, chú xin nghỉ nhiều quá không hay đâu.”

“Không sao đâu.” Cậu em họ cười, nhìn tôi nói: “Chị dâu, anh em nói đây là lần đầu tiên chị tới thành phố A, phải vậy không?”

Tôi gật đầu: “Ờ.”

“Sau này nếu rảnh, em sẽ dẫn chị đi chơi.” Cậu em họ rất nhiệt tình, “Hiếm khi có dịp tới đây, phải ghé thăm danh lam thắng cảnh mới không uổng công.”

“Cảm ơn em nha.” Tôi cười, “Chừng nào có cơ hội rồi tính.”

Chúng tôi chuyện trò vu vơ, chợt nghĩ tới một việc, tôi hỏi cậu em họ: “Em đang học đại học ở thành phố A?”

Cậu em họ gật đầu: “Dạ.”

Tôi hỏi tiếp: “Trường đại học XXXXXX?”

Cậu em họ sửng sốt, ngạc nhiên hỏi: “Sao chị biết? Anh em nói ạ?”

Các bạn không biết khi ấy tôi phấn khích nhường nào đâu, thiếu điều muốn vỗ tay bồm bộp. Tôi mừng rỡ đứng lên, hớn hở nói: “Khéo quá! Em là bạn học của Lệ Đằng đó!”

Em họ: “…?”

Cậu em họ hoang mang trước niềm hân hoan lạ thường của tôi, quay đầu nhìn 187, ánh mắt toát lên vẻ cầu cứu.

187 thản nhiên nói: “Lệ Đằng là nam chính trong tiểu thuyết của bả, chú mày là bạn học giả tưởng của anh ta.”

Em họ: “…”

Cậu em họ cười khan: “Ha ha, đúng là khéo quá, quá khéo.”

***

[38] – Tài sản chung

Sức khỏe của chú dần dần bình phục, tôi, 187, cô, cô út và anh cả chia thành nhóm “trực ca”: tôi và 187 một nhóm, cô và cô út một nhóm, anh cả một mình một nhóm, ban ngày thì tôi, 187, cô với cô út cùng chăm sóc chú, buổi tối thì hai đồng chí nam là 187 và anh cả thay phiên nhau trực ca đêm.

Một chiều nọ, tôi và 187 về khách sạn nghỉ ngơi.

Tôi ngồi trên sofa chơi điện thoại, bỗng nhiên có tin nhắn Wechat, tôi mở ra, người gửi là Móng Heo Nhà Em (づ ̄3 ̄)づ╭.

Vị huynh đệ này tự dưng khi không chuyển cho tôi một khoản tiền, lại còn khá nhiều?

Tôi: “???”

Tôi khó hiểu, ngước đầu nhìn 187 đứng gần đó, hỏi: “Anh lên cơn?”

187 nghiêng đầu lườm tôi, hờ hững: “Em ngứa đòn? Ăn nói cho đàng hoàng vào.”

“Chứ không dưng chuyển tiền cho em làm chi?”

Nhân đây thì nói luôn là tôi có thói quen lướt Weibo, thường xuyên nhìn mấy tiêu đề giật gân như “Bạn gái cắm sừng tôi 5 năm, lý do là chê tôi bất lực!”“Sốc! Bạn trai chuyển tiền cho tôi suốt một tháng, sự thật khiến tôi tan nát cõi lòng”, v.v… Thật lòng thì nhìn thấy số tiền này, phút chốc tôi cũng mất bình tĩnh.

Tôi nhìn 187, căm phẫn nói: “Vô duyên vô cớ ân cần. Khai mau, anh làm gì trái lương tâm?”

187: “…”

Theo như tôi quan sát, vẻ mặt khi ấy của đồng chí 187 hẳn là rất muốn há hốc mồm hoặc lao tới đập tôi, nhưng không hổ là anh, rất có phong độ mà kiềm chế.

Im lặng chốc lát, 187 đi tới chỗ tôi, cúi đầu nhìn tôi, thản nhiên nói: “Anh chuyển tiền cho vợ anh thì cần gì lý do.”

Tôi nghẹn lời, trong phút chốc không biết nên nói gì. Sau đó nghĩ kỹ thì lờ mờ đoán ra.

“Em biết rồi, anh thấy em tới thành phố A tốn ít tiền nên anh mới chuyển tiền cho em, không muốn thiếu nợ em chứ gì?”

187 không đáp lại.

“Anh thiệt tình.” Tôi cau mày, lòng hơi giận, trách: “Chỉ mua mấy hộp đạm sữa thôi mà, anh rạch ròi thế với em làm gì?”

187 ngồi xổm xuống trước mặt tôi, nắm tay tôi, chăm chú nhìn tôi: “Không phải là rạch ròi với em.”

Tôi giận: “Chứ là gì?”

“Em đang viết dở truyện. Khoảng thời gian này, đáng lẽ em phải ở nhà viết truyện, vậy mà em lại theo anh tới thành phố A. Em không nói nhưng anh biết chắc chắn việc này ảnh hưởng tới công việc cũng như thu nhập của em.” 187 nói, “Mấy ngày qua em chịu cực chịu khổ chăm sóc bố giúp anh, còn luôn động viên mẹ anh, hằng ngày đưa mẹ anh đi ăn cơm, biết dạ dày mẹ không tốt nên đã cố tìm quán có món vừa dễ tiêu vừa đủ chất. Em đã rất tận tâm.”

Tôi giật thót, không tiếp lời.

187 nói tiếp: “Hai đứa mình vẫn chưa kết hôn, không phải là vợ chồng hợp pháp, em không có nghĩa vụ làm những việc này cho bố mẹ anh. Nhưng em đã làm. Những điều này đều ghi tạc vào lòng anh.”

“… Có gì đâu.” Tôi cực kỳ ngượng ngùng trước những lời anh nói, lúng túng đáp, “Cũng có phải chuyện gì to tát đâu.”

“Em phải nhận số tiền này.” 187 thản nhiên, “Em chăm sóc bố mẹ anh là tấm lòng của em, anh không để em lo chuyện tiền nong là tấm lòng của anh.”

Tôi: “…”

Anh nói rất có lý, khiến tôi không tài nào phản bác.

Bình thường 187 dịu dàng, nhường nhịn tôi thế thôi chứ tính anh rất bướng, đã quyết định thì chín trâu cũng không kéo lại được. Để tránh nảy sinh mâu thuẫn không đáng có, sau một hồi đắn đo, tôi vẫn nhận số tiền.

187 nhoẻn môi cười: “Ngoan lắm.”

Tôi thở dài, ngượng nghịu nói: “Chẳng lẽ sau này mỗi lần em mua gì cho cô chú thì anh đều chuyển tiền trả lại em? Kỳ cục ghê.”

“Không đâu.” Thanh niên 187 vô cùng thản nhiên nói: “Kết hôn rồi thì sẽ là tài sản chung.”

“…” [ôm quyền].

***

[39] – Con dâu

Bệnh viện XXXX tương đối quá tải, hơn nữa sức khỏe của chú cũng hồi phục tốt nên một thời gian ngắn sau, chú được chuyển đến bệnh viện khác cũng ở thành phố A, tiếp tục nghỉ dưỡng sau mổ.

Làm thủ tục chuyển viện xong, cô gọi 187 tới một góc, nói: “Giờ bố con đỡ nhiều rồi, cũng đã có sức, một mình mẹ chăm sóc ổng được, mai hai đứa về đi.”

187 không yên tâm, nhíu mày nói: “Như vậy sao được?”

“Được chứ sao không.” Cô rất kiên quyết, “Hai đứa tới đây làm trễ nãi nhiều việc lắm rồi. XX (tên thân mật của tôi) còn phải viết văn mà, đâu thể làm mất thời gian của người ta hoài được. Với cả con cũng không nên nghỉ phép lâu thế.”

Cô thực sự nghĩ cho tôi, nắm tay tôi, cười nói: “Cháu xa nhà lâu rồi, nếu còn không về, bố mẹ và bà nội của cháu sẽ lo đấy. Chú cháu mạnh rồi, không sao đâu. Hai đứa an tâm đi.”

Anh cả cũng nói: “Dạo này anh rảnh rang, có thể ở lại phụ một tay. Hai đứa tụi em an tâm về đi.”

187 im lặng, có thể thấy anh đang do dự, mấy hôm trước đơn vị đã gọi điện gọi anh về.

Tôi không nói chuyện, đứng bên cạnh chờ anh quyết định.

Trong khi chúng tôi im lặng, chú đang nằm trên giường bỗng cất tiếng. Lúc ấy chú đang được truyền dịch, hẳn là vừa giật mình tỉnh giấc. Chú nhìn 187, nói: “Hai con về đi, bố khỏe lắm, có mẹ con ở lại với bố là được rồi.”

Vài giây sau, 187 thở dài ngòi xuống cái ghế gần giường bệnh, anh vén mép chăn rớt ra ngoài giường bệnh lại bên cạnh bàn tay đang cắm kim tiêm của chú, nói nhẹ: “Vậy bố hứa đi, sau khi bọn con về, chuyện gì bố cũng sẽ nghe theo bác sĩ và mẹ con, không được làm theo ý mình, cũng không được làm mẹ con giận.”

Chú lườm anh: “Bố có phải con nít đâu, hứa cái gì mà hứa.”

“Tôi thấy ông còn chẳng bằng đứa con nít ấy chứ.” Cô nói bằng giọng địa phương: “Mấy năm trước bảo ông bỏ thuốc lá, bỏ rượu, hại sức khỏe lắm mà ông có nghe không? Đợt này đi khám cũng là tôi ép ông đi chứ ông có muốn đi đâu, lại còn bảo mình khỏe lắm. Nếu tôi không kiên quyết, lỡ để muộn thêm thì cái mạng già của ông chẳng giữ lại được đâu! Sao lại có người cứng đầu như ông vậy chứ!”

Trong giọng nói của cô có sự ảo não và bất mãn, nhưng hơn cả là sợ hãi và thương xót.

Chú không nói nữa, im lặng nghe cô quở trách.

Cô nói xong, căn phòng chợt yên tĩnh cực điểm, không nghe bất cứ âm thanh nào.

Không lâu sau, có lẽ cô nhớ ra ở đây vẫn có đám trẻ, nói nữa sẽ làm chú mất mặt, cô bèn đi ra tới cửa phòng bệnh.

187 nhìn thoáng qua hình dáng phía sau của mẹ mình, không nói gì, sau đó quay lại nhìn bố mình. Chú nằm trên giường, biểu cảm bình tĩnh, vững vàng như núi, tỏ vẻ “mấy người nói sao cứ nói, tôi đây không sai”.

187 nói: “Trước hết, chờ xuất viện, bố phải bỏ thuốc lá.”

Chú không đáp lời.

“Bác sĩ đã căn dặn rồi, không được động vào thuốc lá và rượu, cũng không thể ăn đồ cay. Sức khỏe của bố, bố không quan tâm thì dẫu tụi con lo lắng đến mấy cũng vô dụng.”

Chú vẫn im lặng.

187 nhíu mày: “Bố có nghe con nói không?”

Bị điểm tên, chú bèn đáp: “Bố biết rồi.”

Một lát sau, 187 nghiêng đầu nhìn tôi, sau đó ngoắt tay gọi: “Em qua đây.”

Tôi thoáng sững sờ: “…”

Tôi:?

Tôi: …?

Chư vị, xin hỏi chư vị có tưởng tượng nổi cảm giác của tôi khi đó không? Tự dưng chứng kiến cảnh cô chú cãi nhau, với thân phận của tôi, bị kẹp giữa hai người, đứng về phe ai cũng sẽ mích lòng với người còn lại, cực kỳ lúng túng. Vì vậy, tôi im thin thít, vừa không nói tiếng nào vừa đứng im không nhúc nhích, hết sức biến sự hiện hữu của mình về con số thấp nhất, thậm chí còn ước mình có thể biến mất cái “bùm”.

Do đó, khi 187 đột ngột cue tôi, tôi câm nín toàn tập!

Nhờ ơn của vị đồng chí này, cô chú và anh cả đều đưa mắt nhìn tôi, thậm chí anh chàng bệnh nhân nằm chung phòng bệnh và mẹ của anh chàng đang “lẳng lặng ăn dưa” cũng nhìn tôi.

Tôi câm nín, sau cùng vẫn đi qua, đứng cạnh đồng chí 187, cố gắng giữ nụ cười lễ phép: “Sao thế anh?”

187 đưa tôi cái ghế, bảo: “Ngồi đi.”

Tôi đoan trang ngồi xuống.

Sau đó, 187 lại nhìn chú Anh nhẹ nhàng nói với chú: “Bố mà không bỏ thuốc lá và giữ gìn sức khỏe, con sẽ không cưới được vợ đâu.”

Chú: “…?”

Cô: “…?”

Anh cả: “…?”

Anh chàng bệnh nhân nằm chung phòng bệnh và mẹ của anh chàng: “…?”

Tôi: “…?”

Tôi ngớ người, đầu đầy dấu chấm hỏi.

Đồng chí 187 nghiêng đầu nhìn tôi, rất thản nhiên hỏi: “Đúng không?”

“..”

Tôi đã hiểu anh muốn làm gì, lại còn chẳng cho tôi cơ hội từ chối. Cũng may tôi phản ứng nhanh, sau một giây sững người, tôi nhìn chú, vô cùng vô cùng nghiêm túc nói: “Chú ạ, xuất viện rồi thì chú phải cai thuốc lá, chú khỏe mạnh mới là phúc khí lớn nhất của cả nhà. Nếu không…” Tôi tạm ngừng, cắn răng, gom góp can đảm nói cho hết câu: “Nếu không cháu sẽ không cưới anh XX (tên đầy đủ của 187) đâu.”

Chú im lặng hồi lâu mới nặn ra câu: “Bỏ thì bỏ, chỉ là bỏ thuốc lá thôi mà, tôi có bảo không bỏ đâu.”

*

Sau đó, tôi hùng hổ chất vấn 187: “Anh quá đáng vừa thôi, sao lại đổ lên đầu em chứ?!”

Đồng chí 187 trả lời: “Từ nay về sau, lời nói của em có giá trị hơn lời anh. Bố anh chắc chắn sẽ nghe em.”

“Tại sao?”

“Chờ bao lâu mới có được con dâu.” Anh thản nhiên nói: “Bố anh không dám làm mích lòng em đâu.”

“…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.