Sau khi vợ chồng Iida
ra về, Kiyoshi lập tức quay lại với nhịp sống thường nhật. Tôi trở về
nhà mình mà vẫn còn lâng lâng thích thú. Thực tế, với tôi, vụ việc chưa
khép lại – chưa cho tới khi nào tôi thấy những thành tích của Kiyoshi
được công chúng nhìn nhận. Tôi đang mong ngóng đến lúc đó.
Và tôi vẫn không hiểu hết được toàn bộ câu chuyện. Trong đầu tôi đầy rẫy các câu hỏi:
Bằng cách nào Tokiko có được chất độc?
Tokiko trốn tránh ở đâu và bằng cách nào trong suốt bốn mươi năm qua dưới tên gọi Taeko Sudo?
Làm thế nào bà ấy lại có gan làm người mẫu khỏa thân cho cha mình?
Phải chăng bà Tae có dính dáng đến âm mưu này ngay từ đầu?
Làm thế nào Shusai Yoshida biết được rẳng ông Heikichi thuận tay trái?
Tôi quyết định rằng câu hỏi cuối cùng là câu tôi có thể tự mình trả lời
được. Tôi gọi cho Yoshida và hỏi ông ấy. Câu trả lời của ông rất đơn
giản: Tamio Yasukawa đã nói cho ông ấy biết!
Sáng hôm sau, tôi mở báo ra đọc, hồi hộp nghĩ rằng sự kiện chính được đưa tin sẽ là việc các vụ án hoàng đạo ở Tokyo cuối cùng cũng đã được giải đáp bởi thám tử bậc thầy Kiyoshi Mitarai. Nhưng chẳng có gì cả.
Tuy nhiên, tôi thấy
một mẩu tin chấn động, một phụ nữ ở Kyoto có tên Taeko Sudo đã tự tử.
Người ta tìm thấy bà ấy chết vào đêm thứ Sáu ngày 13 ở căn phòng phía
sau cửa hàng của mình tại Sagano. Có lẽ cảnh sát đã đến đó sau khi ông
Iida báo cáo sự việc về văn phòng. Bà tự tử bằng thạch tín, để lại một
bức thư tuyệt mệnh ngắn, một ít tiền và một lời xin lỗi gửi tới hai nữ
nhân viên của mình. Mối liên hệ của bà ấy với các vụ án mạng hoàng đạo
có được nhắc đến nhưng không được giải thích.
Tôi vớ lấy tờ báo và chạy ngay đi gặp Kiyoshi. Đầu óc tôi quay mòng mòng với thêm nhiều câu hỏi:
Phải chăng bà Taeko vẫn giữ một ít thạch tín đã dùng với những phụ nữ nhà Umezawa?
Chắc chắn bà đã sống một cuộc sống rất đơn độc suốt hơn bốn mươi năm. Liệu
bà ấy có tính đến việc tự sát trong thời gian đó không?
Nhưng nếu bà ấy chờ đợi lâu như vậy thì tại sao bà ấy phải chết mà không nói rõ sự thật cho công chúng biết?
Rõ ràng, tờ báo gửi cho tôi là một bản đầu ngày, bởi vì ở ga tàu, các quầy báo còn cả chồng báo cao nghệu với những dòng tít: ÁN MẠNG HOÀNG ĐẠO ĐÃ CÓ LỜI GIẢI và HUNG THỦ LÀ MỘT PHỤ NỮ! Tôi mua vài số báo trước khi
người ta mua hết.
Các bài viết không thỏa mãn
cho lắm. Cùng với lời giải thích qua loa về vụ việc, các bài viết này
chỉ nói rằng vụ việc được giải quyết nhờ nỗ lực không ngừng của các cảnh sát viên điều tra. Không hề có chi tiết gì về việc thủ phạm đã cưa năm
xác người để biến thành sáu như thế nào. Và cũng không nhắc gì đến con
người có vai trò trung tâm trong việc phá án.
Khi tôi tới văn phòng Kiyoshi, cậu vẫn đang ngủ trong phòng. Tôi tiến lại gần, kéo tuột chăn và nói, “Bà Taeko Sudo chết rồi.”
Kiyoshi mở choàng mắt.
Kiyoshi ngồi im lặng một lúc. Tôi đợi cậu nói gì đó. Cuối cùng, cậu lên tiếng, “Kazumi, anh có muốn pha một ít cà phê không?”
Trong lúc uống cà phê, Kiyoshi đọc báo rất cẩn thận, rồi bỏ xuống bàn.
“’Nỗ lực không ngừng đã đưa cảnh sát tới thành công.’Anh đọc tin đó chưa?”
Cậu ấy hỏi và cười khùng khục. “Lão Takegoshi Con tìm được gì nếu lão
tiếp tục điều tra thêm một trăm năm nữa? Chà, lão sẽ tiêu rất nhiều tiền mua giày và làm giàu cho các hãng giày, tôi cho là như vậy!”
Dường như tâm trạng Kiyoshi rất thoải mái, cho nên tôi quyết định nêu ra những câu hỏi tôi vẫn còn thắc mắc về vụ việc.
“Bà Tokiko chỉ mới 22 tuổi khi thực hiện các vụ án mạng. Làm thế nào bà ấy kiếm được thuốc độc để sử dụng?”
“Tôi chịu,” Kiyoshi đáp.
“Nhưng anh đã có thời gian trò chuyện với bà ấy ở Arashiyama, phải không nào?”
“Đúng, nhưng chúng tôi không nói gì nhiều.”
“Tại sao lại không chứ? Bà ấy là người chúng ta tìm kiếm cơ mà.”
“Chà, Kazumi, tôi không muốn dính dáng tình cảm với thủ phạm. Mà này, cách
tiếp cận của tôi khác với của một thám tử. Khi tôi nhìn thấy bà ấy, tôi
không cảm thấy như mình vừa trải qua nhọc nhằn để tìm được bà ấy. Tôi
không bận tâm về những gì đã phải bỏ ra để đến được đó. Tôi không bận
tâm về các tình tiết.”
Tôi nghĩ cậu nói dối. Kiyoshi thích hành xử như một thiên tài, che giấu đi những đau đớn của mình khi trò chuyện với tôi.
“Tôi tin chắc anh biết bà ấy có được chất độc như thế nào. Làm ơn nói cho tôi nghe đi!”
“Anh mở lời nghe cứ như cảnh sát ấy! Tất cả mấy thứ đó, tức là bảy – hoặc là sáu – thứ chất khác nhau và vấn đề kinh độ-vĩ độ chỉ là những yếu tố
thêm thắt mà thôi. Bà ấy rất giỏi, chúng ta bị rối bời chính những thứ
trang trí hoa lá cành như vậy. Nhưng điều quan trọng nhất là nhìn ra kết cấu cơ bản. Anh kiểm tra phần trang trí kỹ đến đâu cũng không thành vấn đề, anh phải nắm bắt được kết cấu của công trình kia. Việc làm thế nào
bà ấy có được các chất độc không có gì là bí ẩn cả. Bà ấy cần chúng nên
bà ấy phải tìm ra cách có được chúng. Bàn luận chuyện như thế vào lúc
này thì có gì thú vị nào?”
“Được rồi, tôi đã rõ. Nhưng còn câu
hỏi khác đây. Phải chăng bà Tae và Tokiko đã cùng lên kế hoạch giết
người? Hoặc phải chăng Tae lên kế hoạch và Tokiko thực hiện?”
“Tôi không nghĩ vậy.”
“Anh nghĩ Tokiko tự mình làm tất cả mọi việc ư?”
“Đúng.”
“Tôi đoán có thể như vậy, nhưng làm sao anh dám chắc chứ?”
“Chỉ là cảm nhận thôi.”
“Anh không thể làm thế với tôi được, Kiyoshi! Hãy nói cho tôi biết tại sao anh lại tin như thế đi!”
“Thực sự thì tôi không thể giải thích cho rõ ràng được. Nhưng nếu Tae là
người chủ mưu thì tôi không nghĩ Tokiko dám chuyển tới bất kỳ nơi nào
gần Sagano. Tuy nhiên, bà ấy vẫn tới đó, chờ đợi lúc bị phát hiện. Thực
tế, bà ấy thậm chí còn tự sát ở đó. Và nếu Tokiko và Tae cùng nhau làm
mọi việc thì chắc chắn họ sẽ cùng hưởng số tiền mà bà Tae được thừa kế
sau cái chết của ông Heikichi. Nhưng, theo chúng ta biết, không hề có
giao dịch tiền bạc nào cả. Và nếu bà Tae có dính đến kế hoạch thì chắc
chắn bà ấy sẽ chuyển tới Sagano ngay lập tức và thực hiện ước mơ của
mình đúng không nào? Nhưng thậm chí khi đã có tiền, dường như bà ấy cũng chẳng làm gì để cải thiện tình cảnh của mình. Điều đó chắc chắn kiến
Tokiko rất thất vọng. Cho nên bà ấy tự mình chuyển tới Sagano – như tôi
đã kể với anh – để biến giấc mơ của mẹ mình thành hiện thực. Và có lẽ đó là lý do tại sao bà ấy ở đó, bất chấp nguy cơ bị phát hiện.”
“Tôi hiểu...”
“Mặt khác, bà Tokiko cũng có thể rời khỏi Sagano vì chính lý do như vậy.
Nhưng giờ thì bà ấy đã chết, chúng ta không bao giờ biết được nữa.”
“Chúng ta bỏ lỡ mất một cơ hội cả đời rồi!”
“Không, không hề. Chúng ta chỉ để nó trôi qua thôi.”
“Anh có nghĩ bà Tokiko có thể gửi cho anh một lá thư cuối cùng không?” Tôi hỏi đầy hy vọng.
“Không thể nào. Tôi không cho bà ấy địa chỉ, cũng chẳng giới thiệu đầy đủ về
mình. Thêm nữa, tôi không muốn phá hỏng mất thời khắc lịch bằng chính
cái tên của mình”.
Tôi nghe nói mà không cười nổi. “Nhưng bà Taeko, hay Tokiko, có thể kể với anh bà ấy đi đâu sau các vụ án mạng không?”
“Mãn Châu Lý.”
“Mãn Châu Lý ư?... Tôi hiểu. Giống như tội phạm ở Anh bỏ trốn sang Hoa Kỳ.”
“Bà ấy kể với tôi chuyện bà ấy quay lại Nhật Bản và đi trên một chuyến tàu. Bà ấy nói rằng sau khi rời khỏi lục địa châu Á mênh mông, mọi thứ dường như trở nên gần đến mức núi non trông chẳng khác gì đang nhảy bổ lên
tàu vậy. Nghe rất nên thơ. Anh có đồng ý vậy không?”
“Ừm...”
“Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa! Ngày nay, rất nhiều người Nhật chẳng bao giờ còn nhìn thấy đường chân trời.”
“Nhật Bản khá nhỏ, và tầm nhìn của chúng ta cũng vậy. Nhưng hãy nhìn vào
những gì bà ấy đã làm được! Kế hoạch táo bạo đó được thực hiện bởi một
người phụ nữ đơn độc, lúc đó chỉ mới 22 tuổi!”
Kiyoshi ngước nhìn lên trần nhà. “Phải, bà ấy thật giỏi. Bà ấy lừa được cả đất nước suốt
bốn mươi năm. Tôi chưa bao giờ gặp được một phụ nữ như vậy. Tôi phải ngả mũ trước bà ấy.”
“Tôi cũng vậy, nhưng làm thế nào anh nhận ra
được mưu mẹo của bà ấy? Tôi biết rằng cái tờ tiền dán băng dính giúp anh có một manh mối, nhưng chắc chắn anh phải có những manh mối khác nữa.
Lúc đầu, tôi đã nói với anh tất cả những gì tôi biết về vụ việc, nhưng
như thế chưa phải là đủ, đúng không?”
“Anh nói đúng. Anh kể với
tôi về vụ việc từ một giả thiết không chính xác: rằng Azoth đã được tạo
ra. Khi tôi xem xét tất cả các dữ kiện, tôi không sao tìm được ai có đủ
thời gian hoặc không gian để làm việc đó. Nhưng việc Azoth có được tạo
ra hay không không quan trọng. Mấu chốt chính lại là cuốn sổ ghi chép
của ông Heikichi. Nhiều mô tả trong đó không có ý nghĩa lắm với tôi, cho nên tôi thấy nghi ngờ.”
“Ví dụ?”
“Có rất nhiều thứ...
Trước hết, một điều sai cơ bản. Trong phần ghi chép, ‘Heikichi’ nói
những ghi chép của ông ấy không nhằm để cho ai đọc và cần được đặt bên
cạnh Azoth ở trung tâm nước Nhật. Mặt khác, ông ấy nói rằng Azoth sẽ đem lại tiền bạc, và số tiền đó phải dành cho Tae. Chứng tỏ ông ấy thực sự
muốn ai đó đọc ghi chép của mình.”
“Thứ hai, lẽ ra hung thủ nên
cầm cuốn sổ theo, nhưng hắn lại không làm vậy. Không có nó, làm sao hắn
có thể chỉ dẫn cho ông Takegoshi? Nếu Heikichi thật sự viết ra phần ghi
chép đó thì hung thủ sẽ cần phải sao chép lại hoặc ghi nhớ toàn bộ.
Nhưng để che dấu tội ác của mình, hung thủ không nên để lại cuốn sổ. Rõ
ràng hung thủ để lại cho công chúng đọc.”
“Thứ ba, tác giả nói
đại loại rằng Azoth tạo ra bộn tiền. Điều đó tôi thấy kỳ cục. Azoth được tạo ra để cứu Đế chế Nhật Bản, không phải để làm lợi cho một cá nhân cụ thể. Và rồi tác giả có nói một phần tiền dành cho Tae. Lẽ ra tôi nên
chú ý đến chi tiết này sớm hơn.”
“Còn nhiều chi tiết khác nữa.
Ông Heikichi là người hút thuốc lá liên tục, nhưng phần ghi chép lại nói ông ấy không thích tới các hộp đêm bởi vì ông ấy không thích khỏi
thuốc. Đó là Tokiko viết về chính mình rồi!”
“Còn gì nữa ư?... Ồ
đúng, phần âm nhạc nữa. Tác giả bản ghi chép nói rằng mình thích Đảo
Capri và Phong lan dưới ánh trăng. Đây là những bài hát đình đám vào
những năm 1934 và 1936. Tôi thường sưu tập nhạc thời kỳ đó, cho nên tôi
biết rất rõ mấy bài này. Một bài nổi tiếng nữa là Yira, Yira của Carlos
Gardel – chậc, thật là vô nghĩa. Năm 1935 là năm trước khi Heikichi
chết. Thời gian đó, ông ấy đã nhốt mình trong xưởng vẽ, và chúng ta biết ông ấy không hề có đài hay máy hát, không có cách nào nghe được những
bài hát đình đám mới nhất cả, ông ấy cũng chưa bao giờ hát chúng. Nhưng
những bài hát đó rất quen thuộc với Tokiko, bởi vì Masako thích chơi
nhạc trong nhà.”
Mọi điều Kiyoshi nói đều rất hợp lý. Tại sao tôi lại không nghĩ ra chi tiết nào trong số này chứ?
“Vậy tại sao bà ấy lại tự sát mà không nói cho ai biết về những tội ác của mình?” Tôi hỏi. “Ý định của bà ấy là gì?”
“Ý định của bà ấy ư? Anh muốn tôi nói gì đây? Chúng ta đọc được gì trên
báo chí nào? Chỉ toàn những mẫu rập khuôn và định kiến! Khi một sinh
viên cần cù tự sát, người ta luôn nói rằng chính sự canh tranh khốc liệt trong các kì thi tuyển đã giết chết cậu bé. Thật vớ vẩn! Mọi người
chẳng bao giờ nghĩ xem sự thật là gì. Hầu hết mọi người đều sống cuộc
đời rất tẻ nhạt, họ cố gắng biện minh cho bản thân bằng cách đặt tất cả
những người khác vào các nhóm phân loại. Bà Taeko Sudo sống sáu mươi năm và rồi bà ấy quyết định kết thúc tất cả. Như tất cả chúng ta đều biết,
có thể bà ấy đã nhiều đêm mất ngủ, với những suy nghĩ quay cuồng... Làm
thế nào bà ấy lý giải được tại sao mình muốn tự sát chứ? Và tại sao bà
ấy cần phải làm vậy? Bà ấy chọn cái chết, có vậy thôi. Anh nói anh quan
tâm đến lý do bà ấy tự sát, nhưng chắc chắn đến giờ thì anh biết tại sao rồi, phải không?”