Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Chương 12



Họ di chuyển một cách can đảm, dù chậm chạp, trên những con đường hẹp hai bên ánh lên sắc màu tươi non ngời ngời của những chiếc lá táo gai mới nhú. Hoa anh thảo, ướt đẫm và cao nghều, với cuống hoa phơn phớt hồng và những chiếc lá to, nhìn họ từ đám cỏ dại như ánh nhìn của Đức Mẹ.

Xe ngựa phải lùi vào cổng để nhường đường cho xe của họ đi qua, và khi họ đi ra đường chính, bầy ngựa nhảy chồm lên khiến mấy người điều khiển ngựa bị một phen vất vả phải dắt ngựa qua. Hazel rất thích thú trước cảnh đó. Khi người lái xe dừng ở bên ngoài quán trọ nhỏ ven đường, nàng thích nhìn ngó nghiêng vào không gian nâu nâu mờ ảo bên trong, nơi có hàng dãy bình thiếc và bình sứ bóng lộn, và những người chủ quán, với những cốc bia trào bọt, bướt đi trên sàn nhà lát gạch đỏ được lau chùi sạch sẽ.

Bà Marston rất không hài lòng với cung cách của nàng, nhưng bà nghĩ thật không phải chút nào nếu phê bình nàng ngay lúc đó, khi mà nàng đang được hưởng một đặc ân.

Ở Silverton bà Marston dừng lại khá lâu trước bất cứ cửa hiệu nào có các bức tranh thờ được trưng bày. Những bức tranh mà bà dành thời gian ngắm nghía lâu nhất là những tác phẩm trông đặc biệt buồn bã, và những tác phẩm bị cắt xén do tôn giáo hiện đại tạo ra. Hazel, nóng lòng muốn đi mua váy áo, nhìn những bức tranh đó tự hỏi chúng có liên quan gì đến nàng. Có một bức vẽ một người đàn bà bẩn thỉu ngồi trong một vườn hoa ly - rõ ràng là bị bắt buộc phải ngồi ở đó - nói chuyện với một người đàn ông trông xanh xao có mái tóc xõa xượi và cái đầu tỏa hào quang. Hazel không biết gì về phốt pho hay khí halo, nhưng nàng nhớ có một đêm nàng đi xuống bếp và đã rú lên trước cảnh chiếc đầu cừu ở trên bàn phát ra ánh sáng xanh kỳ lạ. Bức tranh này khiến nàng nhớ tới cảnh đó. Nàng vội nhìn sang những bức khác. Nàng thích bức tranh vẽ cừu nhất, chỉ có điều người họa sĩ đã làm cho mấy con cừu giống như những chiếc gối ôm, và tạo cho chúng những con mắt lồi to tướng. Sau đó nàng ngắm bức vẽ Chúa bị đóng đinh câu rút, một chủ đề mà qua đó người họa sĩ đã lột tả mọi bản năng gây đau đớn tiềm ẩn ở rất nhiều người trong chúng ta.

“Ôi! Quà là một bức tranh đáng sợ! Cháu không thích cửa hàng này,” Hazel nói, mắt rớm lệ. “Người ta làm gì với ông ấy thế kia? Ôi, bọn họ là lũ quỷ dữ!”

Có lẽ, theo cái cách rất trẻ con và mơ hồ của mình, nàng đã nhìn thấy sự bạo ngược bất diệt của tính hữu hình đối với tính trừu tượng; của sự hăm dọa đối với sự gan dạ; của sức mạnh đối với cái đẹp; của nhà nước đối với các cá nhân; của giáo hội đối với những linh hồn; của những kẻ săn cáo đối với những sinh vật mà họ ưu ái ban cho sự chú ý.

“Gì thế, cô gái?” Bà Marston nhìn qua cặp kính, và đôi mắt bà giống như hai nửa vầng trăng nhìn qua hai mặt trăng tròn.

“Bức tranh đó! Bọn họ tra tấn Ngài tàn bạo quá. Còn Ngài thì bị trói chặt.”

“Ồ!” bà Marston nói vẻ ngạc nhiên. “Không việc gì phải bực tức vì điều đó. Cô không biết rằng Chúa Jesus chịu chết để chuộc tội cho chúng ta ư?”

“Không phải cho cháu!” Hazel nổi giận.

“Ôi Chúa ơi!”

“Không, Ngài chịu bị đóng đinh như thế để làm gì chứ? Không ai chết vì cháu hết, không ai phải khổ sở thế.”

“Chúa chết để chuộc tội cho con người,” bà Marston trơn tru trích dẫn một câu trong Kinh Thánh. “Chỉ máu mới có thể rửa sạch tội lỗi.”

“Máu chỉ làm cho mọi thứ bị nhuộm đỏ thôi, không làm sạch được; và nếu ai đó phải chết; thì cháu sẽ chết cho chính mình.”

Nhưng ngôi nhà có đầu hồi cũ kỹ, tối tăm và trang nghiêm với cửa chính làm bằng gỗ sồi nặng trịch, những cánh cửa sổ ghép kính toát lên vẻ sang trọng của các cửa hiệu hiện đại, những tháp chuông nhà thờ vuông vắn và những đỉnh tháp hình nón nhọn - tất cả dường như đang lắng nghe trong kinh ngạc cái người không bằng lòng để người khác chịu khổ chịu nạn để chuộc tội cho mình. Bởi vì nền văn minh hiện nay chỉ dựa trên điều này - sự chịu đựng thay cho người khác. Từ học thuyết trung tâm thuộc tín ngưỡng chủ đạo của nền văn minh đến hệ thống mậu dịch của nó; từ chiếc bàn dùng làm nơi giải phẫu động vật sống đến bậc anh tài bị lao phổi đang hấp hối để đám đông những con người béo tốt có thể có được linh hồn của ông ở dạng rẻ mạt, tất cả những điều đó đều được xây dựng trên sự hy sinh của các sinh vật khác.

“Bà sẽ nói gì nếu như Ed’ard chết vì bà?” Hazel hỏi thẳng thừng.

“Ôi Chúa ơi! Cô hỏi như thế thật khó nghe! Cô hỏi như thế ở giữa phố sao!”

“Cháu sẽ ra sao nếu Cáo Nhỏ chết cho cháu?”

“Hừm, hừm, Cáo Nhỏ chỉ là một con vật.”

“Bà và cháu cũng là động vật mà!” Hazel nói to đến nỗi bà Marston khốn khổ không nén được phải dồn tất cả nỗi tức giận của mình lên khuôn mặt già nua phúc hậu.

“Thật chẳng đoan trang tí nào!” bà lẩm bẩm. “Cô gái,” bà nói, khi bà đã lái được Hazel đi khỏi cửa tiệm bán tranh đó, “chắc hẳn cô muốn uống một tách trà ngon. Và tôi hy vọng rằng,” bà tiếp tục nói bằng giọng nhẹ nhàng, đồng thời cho thêm nhiều kem vào tách trà của Hazel như thể bà phải tra dầu vào một cái máy khâu chạy không được trơn tru cho lắm - “tôi hy vọng theo thời gian cô sẽ giống một người Thiên Chúa giáo hơn.”

“Nếu Cáo Nhỏ chết cho cháu,” Hazel ngang ngạnh nói - bởi vì, mặc dầu nàng cảm thấy biết ơn khi được hưởng bữa trà vui vẻ, nàng không thể để tuột mất nguyên tắc sống cơ bản của mình - “nếu Cáo Nhỏ chết cho cháu thì cháu cũng sẽ chết. Cháu không thể làm khác được.”

“Mọi chuyện bây giờ khác rồi,” bà Marston nói trong bối rối, tức giận và tuyệt vọng, “không còn giống như ngày xưa nữa.”

“Không còn giống như ngày xưa có nghĩa là sao hả, bà Marston?”

Nhưng bà Marston không thể trả lời nổi câu hỏi đó. Nếu bà biết câu trả lời - rằng sự thay đổi ở trong chính bản thân bà, và rằng thế giới đâu có đổi khác, nó vẫn duy trì cuộc chiến lâu đời giữa tình yêu và sự tôn kính, giữa cái đẹp và tính quần chúng - thì bà hẳn sẽ không thích câu trả lời, và bà cũng chẳng tin nó.

Họ về đến mỏ đá lúc bảy giờ, mỏi mệt và lỉnh kỉnh với những gói bọc, vượt được nửa chặng đường đi bộ tới Núi Nhỏ Của Chúa. Edward đã có mặt ở đó từ trước khoảng hơn một tiếng đồng hồ, bị giày vò bởi cảm giác lo lắng cho sự an toàn của Hazel, giận chính mình vì đã để cho nàng đi. Cả buổi chiều chàng bồn chồn không yên, quấy rầy Martha bằng những gợi ý về bữa trà, để rồi cuối cùng chàng tự đi tới cửa hàng cách đó vài dặm để mua vài cái bánh mà Hazel thích, hoàn toàn quên rằng chàng phải ở nhà để giữ cho ngôi nhà luôn có hơi thở. Kết quả là họ có một bữa trà ngon nhất theo như Hazel nghĩ sau khi họ kẻ đẩy người kéo được bà Marston về đến nhà.

Niềm vui được ở lại đó qua đêm và cảm giác hồi hộp về váy áo mới khiến Hazel hớn hở và chuyện trò ríu rít đến nỗi Edward chỉ còn biết ngồi ngây ra ngắm nàng.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của nàng những khoảnh khắc nàng được vui vẻ và phấn khởi như thế hiếm hoi lắm. Đó cũng là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Edward; bởi vì đối với chàng, lúc ấy nàng trông tựa như những bông hoa trên thiên đường ấm áp, như những con chim mùa đông tìm được một cái cây đầy trái chín. Khi chàng nhìn nàng mở hết gói đồ này đến gói đồ khác với sự ngây thơ chân thật cùng tiếng reo sung sướng vô ngần như tiếng kêu của những con chim nhỏ, chàng biết đến cảm giác ngọt ngào quá đỗi của niềm vui được làm điều gì đó cho người mình yêu - cảm giác ngọt ngào mà chỉ nỗi đau đớn cực độ khi nhìn thấy cơn tuyệt vọng và những nỗi đau không thể xoa dịu trên gương mặt của người mình yêu mới có thể so sánh được.

“Cái đó là gì vậy?” chàng hỏi, giống như một người mẹ đang giúp đứa con của mình chơi trò chơi. Chàng chỉ vào một cái gói chứa áo lót và váy ngủ của phụ nữ.

“Cái đó,” bà Marston nói, cau mày với Hazel, người đã hăm hở xé toang cái gói ra - “đó là những món quần áo hữu dụng khác.”

“Tại sao cháu lại không thể cho Ed’ard xem chúng? Cháu muốn cho anh ấy xem tất cả. Tiền để mua những thứ này là của anh ấy mà.”

Đó là một lời nhắc nhở báo cho Edward biết rằng nàng hoàn toàn thiếu sự e thẹn trước chàng.

“Ôi Chúa ơi! Bày những thứ này ra trước mặt một người đàn ông trẻ sao!” bà Marston thều thào.

Bỗng nhiên, bằng thuật gọi hồn lạ lùng nào đó, trong tâm trí của Hazel hiện lên hình ảnh của Reddin - đầy kích động, ánh mắt không thương xót và vẻ mặt khiến nàng e ngại thậm chí sợ hãi. Nàng đã nhìn thấy gã như vậy trước khi nàng chạy đến cầu cứu Vessons. Trong khi hồi tưởng lại hình ảnh đó mặt nàng đỏ ửng lên đến nỗi bà Marston lấy làm vui sướng trước việc cô con dâu tương lai của bà đã có được chút cảm giác e thẹn cần thiết.

Nếu bà biết ai đã khiến má nàng ửng đỏ, ai đã đánh thức cảm giác yêu thích dành cho những bộ quần áo đẹp mà Edward rất hài lòng kia, thì bà đã nghĩ khác, và chắc chắn sẽ cảm thấy đau khổ vô cùng. Bởi tình yêu của bà dành cho Edward đủ sâu sắc để khiến bà ước con trai mình có được những gì chàng muốn, chứ không phải là những gì bà nghĩ chàng buộc phải muốn, miễn là chàng không xung đột với tín ngưỡng của bà. Về phần Edward, nếu biết chuyện, mặc dù chàng mới yêu Hazel chưa được bao lâu, đó sẽ là cơn rung chuyển của thiên đường và trái đất. Ngay cả nàng, với bản chất ngây thơ, cũng hiểu rằng đó là điều không thể chấp nhận được.

“Nhưng mọi chuyện sẽ ổn thôi,” nàng nghĩ, khi nàng nằm co mình trên chiếc giường sạch sẽ và dễ chịu một cách kỳ lạ, “mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúa Trời sẽ phù hộ mình để cái ông Reddin đó chẳng bao giờ ló mặt tới đây; bởi vì bà già kia nói rằng Chúa Trời phù hộ cho những người tốt, mà Ed’ard lại là người tốt. Nhưng mình ước gì có ai đó phù hộ cho những người xấu,” nàng nghĩ trong khi đưa mắt nhìn về phía Bắc nơi có ấp Undern.

“Con yêu, khoan đã!” bà Marston nói với Edward ở dưới nhà, khi chàng thắp nến cho bà. “Mẹ có điều muốn nói với con. Mẹ sợ rằng con sẽ phải mất nhiều công sức đấy.”

“Gì cơ, mẹ?” Edward mỉm cười.

“Hazel không phải là người theo đạo!” Bà nói bằng giọng thầm thì sầu thảm, rồi nhìn chàng, như thể muốn nói, “Đấy, bây giờ thì mẹ đã làm con ngạc nhiên rồi đấy!”

“Sao mẹ biết chuyện đó, thưa mẹ?”

Từ sâu thẳm lòng mình Edward biết rằng việc Hazel có phải là người theo đạo hay không đều không quan trọng đối với tình yêu của chàng dành cho nàng; nó chẳng làm chàng khó chịu.

“Không. Con bé không phải là người theo đạo đâu, con ạ,” bà Marston nói bằng giọng hổn hển; “nó không chấp nhận việc Chúa chết để chuộc tội cho nó!”

Ở trên gác, Hazel đang cầu nguyện bên cửa sổ.

“Nếu có ai ở đó,” nàng lẩm bẩm, nhìn đăm đăm ra đêm tối mênh mông đã nuốt chửng mọi màu sắc, mọi hình dáng, ngoại trừ đường nét lờ mờ của Núi Nhỏ hiện ra trong ánh trăng bàng bạc - “nếu có ai ở đó, tôi sẽ rất biết ơn nếu Ngài để mắt đến Cáo Nhỏ đang cô đơn trong ổ. Dưới mái nhà của Ed’ard tôi được an toàn tuyệt đối.”

Hazel chưa bao giờ được trải nghiệm cái cảm giác giống như một đứa trẻ ở trong lòng mẹ. Mẹ nàng không mang lại cho nàng cảm giác đó. Bà là một người đàn bà lơ đãng lúc nào cũng như đang bối rối, ngơ ngác. Bà nhìn rất lâu ra ngoài cửa - cánh cửa không bao giờ khép, trừ phi Abel khăng khăng đòi khép lại - lâu đến nỗi bà chẳng còn thời gian dành cho Hazel. Chỉ thỉnh thoảng bà mới ôm vai nàng, nhìn vào mắt nàng và kể cho nàng nghe một mẩu chuyện tưởng tượng về chốn thiên thai. Nhưng giờ đây, khi đưa mắt nhìn quanh căn phòng có trần thấp với chiếc ghế nằm và chiếc bàn trang điểm phủ vải trúc bâu màu hồng, nàng cảm thấy mình được chăm sóc. Có một dòng chữ phía trên lò sưởi:

“Đến một sợi tóc trên đầu các ngươi cũng sẽ được an toàn.”[1]

[1] Trích sách Phúc âm Luca.

Khi nàng chải những lọn tóc dài óng mượt trước tấm gương treo tường, nàng cảm thấy gần như an tâm tuyệt đối. Có một bình hoa anh thảo - màu đỏ, màu tím hoa cà và màu trắng - được đặt trên bệ cửa sổ, và một tấm thiệp đề mấy chữ “Cùng với tình yêu của Edward.”

Hoa đặt trong phòng ngủ là điều gì đó rất mới mẻ. Đối với nàng, cũng như đối với nhiều người nghèo khổ, giường chỉ là nơi để trèo lên khi đêm về và tụt xuống thật nhanh khi trời sáng.

“Ôi! Sống ở đây thật tuyệt,” nàng nghĩ trong cơn ngái ngủ khi đặt mình xuống tấm ga mát lạnh sạch sẽ và lắng nghe chiếc đồng hồ treo tường cỡ lớn ở đầu cầu thang điểm những tiếng tích tắc êm êm trong hoạt động do thời gian làm sâu sắc thêm sự yên bình. Nàng nghe thấy tiếng chân bước rất đặc trưng của bà Marston trong đôi dép bông mềm mại, giống như đang trượt băng. Tiếp đó là tiếng Edward đi lên gác (rõ ràng chàng đi tất không, bởi tiếng bước chân của chàng chỉ khiến cầu thang phát ra những tiếng cọt kẹt). Hazel chưa bao giờ dám mơ chàng lại tháo giày khỏi chân vì nàng.

Vầng trăng, đã thoát ra khỏi mây, hắt bóng những bông anh thảo trên giường - một bó hoa tròn to giống như chiếc bánh pudding của ngày Giáng sinh, với đám lá hoa nổi bật, đen sẫm in hình trên khăn phủ trang trí giường.

Undern dường như thật xa xôi.

“Mình thích nơi này hơn cái chỗ cũ kỹ tối tăm đó, có cái váy xanh ấy cũng tốt mà không có thì cũng chẳng sao,” nàng nghĩ, “và mình sẽ không bao giờ đặt chân đến đó nữa. Cái ông ở quán rượu đó đã nói: ‘Dù cô gái đó là ai, ông ta (Reddin) cũng có được cô ta thôi, chắc chắn thế!’ Ông ta nói không đúng bởi vì mình sẽ sống cùng Ed’ard, và bà già lờ đờ kia sẽ dạy mình làm bánh bột. Bánh bột là hỗn hợp trứng và thứ gì đó được đánh nhuyễn.”

Rồi nàng chìm vào giấc ngủ.

Trong phòng mình Edward đi đi lại lại. Chàng hạnh phúc đến nỗi không thể nào chợp mắt.

“Người yêu bé nhỏ của tôi! Người yêu bé nhỏ của tôi!” chàng thì thầm. Và chàng cầu cho Hazel có được niềm vui và niềm hạnh phúc mãi mãi, luôn được các thiên thần đầy sức mạnh hộ mạng trên con đường trải đầy hoa trong suốt cuộc đời nàng, và cuối cùng nàng sẽ chạy vào cổng thiên đường như một đứa trẻ chạy về nhà.

Làn gió xuân, ẩm ướt và thê lương, mò ra khỏi những nơi hoang vắng trống trải và rền rĩ quanh ngôi nhà như một người đàn ông khóc than cho tình yêu của mình. Cái hang lớn của đêm, rộng mênh mông và không thể xuyên thấu, đầy những tiếng vọng, như thể có một giọng nói nào đó, dữ dội và khủng khiếp, cứ gào lên ở đó rất lâu, thậm chí trước cả khi những tiếng vọng dài lê thê lịm dần, để rồi lại được đẩy lên, như thể đó chính là ý muốn của Sức Mạnh (vô hình nhưng lại tồn tại ở khắp nơi đến nỗi nó ép lên não của con người) trú ngụ trong cái hang tối mơ hồ, lấm tấm sao đêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.