Trầm Hương Uyển

Quyển 1 - Chương 4



Ăn cơm tối xong, Trần Uyển về nhà, cậu đang đứng bên bếp lò nấu ăn, lửa trong khoang lò cháy mạnh, gương mặt cậu bị ánh lửa phản chiếu cũng trở nên ửng đỏ. Những ngày thời tiết lạnh, việc buôn bán không tốt lắm, họ có thể làm trễ giờ hơn một chút để cố gắng kiếm thêm thu nhập, cô sắn tay áo lên, đứng một bên xem xét để sáng mai đi mua thêm nguyên liệu làm bữa sáng.

“Ở trường Tiểu Vũ không xảy ra chuyện gì chứ?”, cậu hỏi.

Trần Uyển hồi hộp, tim đánh thình thịch, rửa sạch tay rồi cho xương bò vào nồi nước sôi, khiến mấy giọt nước bắn lên tay. Cô cố chịu đau, không lên tiếng.

“Lúc về trên mặt nó có mấy vết trầy xước, hỏi thì nó nói bị ngã trong giờ Thể dục.”

“Buổi chiều lớp nó có giờ Thể dục, nhưng lúc tan học con đi tìm Phương Tồn Chính, không đi cùng đường với Tiểu Vũ, cũng chưa gặp nó”, cô cố làm ra vẻ thản nhiên nói. Cậu rất nghiêm khắc trong việc dạy con, nếu để cậu biết chuyện Tiểu Vũ đánh nhau ở trường thì e rằng không tránh khỏi một trận đòn.

Cậu quay lại nghiêm khắc nhìn cô: “Lục Chỉ nói với cậu là tối nay con qua nhà Phương gia ăn cơm. Tiểu Uyển, cậu nhắc lại một lần nữa, không nên quá gần gũi với bọn họ”.

“Con biết rồi, vì con có chút việc đi tìm Phương Tồn Chính. Anh ta nói thím Phương nhắc lâu rồi không gặp con nên cứ một mực kéo con tới nhà.” Tên Tiểu Vũ chết tiệt, cứ đợi mà xem chút nữa chị xử lý em như thế nào.

“Thật ra em thấy Tồn Chính không phải người xấu, tính cách thật thà, hiếu thuận với bậc trưởng bối, nghĩa khí với anh em, tại sao anh luôn có thành kiến với nó vậy?”, mợ bưng cái mâm không đến nháy mắt với Trần Uyển, nói an ủi cô.

“Đúng là đàn bà.”, cậu nghiêm mặt, “Mấy người nhà họ mấy ai có kết quả tốt đẹp đâu? Em đừng để con cái mình hư hỏng theo”.

“Nói ai học những điều không tốt thì có thể, nói Tiểu Uyển nhà ta như thế thì sẽ chẳng ai tin.”, mợ vẫn đứng bên cạnh cô. “Ngoài kia vẫn còn vài khách, có lẽ họ cũng ăn xong rồi, chắc là có thể thu dọn được rồi đó. Tiểu Uyển đi làm bài tập đi, ở đây để mợ lo liệu.”

Cậu chẳng muốn tranh luận với mợ nữa, quay đầu tiếp tục nấu ăn.

Quả nhiên trên mặt Tiểu Vũ có mấy vết trầy xước, thái dương bên phải còn có một vết bầm lớn. “Bôi thuốc chưa?”, cô hỏi.

“Rồi.”, thằng nhóc không dám nhìn cô.

Trần Uyển cũng không hỏi nhiều, vẻ mặt lạnh lùng, cô mở cặp ra rồi ngồi xuống một đầu khác của bàn ăn. Củng Tiểu Vũ thấy sắc mặt cô lạnh lùng, trong lòng sợ hãi, nó thà để cha đánh một trận chứ không muốn nhìn vẻ mặt lạnh lùng của chị. Trong lòng nó lúc thì tự an ủi rằng mình có lý, chẳng có gì mà phải hoảng lên cả; lúc lại trách bọn Lục Chỉ đến làm mọi chuyện rùm beng lên; thỉnh thoảng lại ngẩng đầu thăm dò nét mặt của chị. Một tiếng đồng hồ trôi qua mà bài tập chẳng làm được bao nhiêu.

Vì tiết kiệm điện nên buổi tối cả nhà đều ngồi ở gian chính. Mợ thu dọn xong hàng quán, đun lại hai bát bánh trôi rồi bưng vào làm bữa ăn đêm cho hai chị em. Sau đó, mợ đi về phía đối diện mở ti vi, tay đan áo len. Cả nhà tất bật suốt ngày cũng phải có hai tiếng để giải trí chứ, Trần Uyển nghe thấy trong ti vi chiếu đoạn đối thoại khi vua Khang Hy cải trang đi vi hành, nghe thấy tiếng ngáy ngủ của cậu, tiếng Tiểu Vũ ngồi đối diện ăn bánh trôi nóng hổi, tiếng lật giở sách, bên ngoài là tiếng gió thu quét qua cây hạnh già dường như làm rơi rụng vài chiếc lá vàng. Cô ngồi mím môi nhìn vào quyển sách trước mặt, cảm giác ấm áp, mãn nguyện trong hai năm qua không biết đã bao lần thao thức trong cô, đối với việc chưa hiểu chuyện của Tiểu Vũ, cô cũng không tức giận như trước kia nữa.

“Chị, chị làm xong bài chưa? Vẫn còn giận à?” Giữa hai cái giường chỉ có tấm ván ngăn cách, nên giọng nói của Tiểu Vũ trong đêm nghe rất rõ. Cô trở mình không muốn để ý đến nó.

“Không phải là chuyện đánh nhau chứ? Có gì to tát đâu?”, nó lẩm bẩm.

“Học sinh như em đánh nhau là chuyện rất bình thường sao?” Trần Uyển vốn không định đôi co, thấy nó làm sai mà không chịu nhận lỗi, cô không kiềm chế được, lại tức giận đến mức trở mình liên tục, nếu không phải có tấm gỗ ngăn cách thì chắc cô đã đấm cho nó một cái. “Em nghĩ em giống bọn Hầu Tử, Lục Chỉ đó sao, ngày ngày đánh nhau để kiếm ăn hả? Nói em bao nhiêu lần rồi, không được giao du với bọn đó. Em cảm thấy bọn nó rất ngang ngược, rất uy phong, nhưng ai biết rằng ngày nào chúng phải ăn cơm tù chứ?”

Tiểu Vũ ở cái tuổi này quả thật còn có chút sùng bái anh hùng, bị chị mắng mấy câu liền cảm thấy oan ức không chịu được: “Ai bảo mấy thằng đó nói xấu sau lưng, nói rằng chị với anh Chính thế này thế nọ”.

Trần Uyển nghe nó nói thế thì không tiếp lời, ngồi dậy trên giường mới phát hiện gió lùa qua cửa sổ làm bờ vai mát lạnh. Cô biết những lời đồn đại trong trường, không chỉ học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng không ít lần nói cười sau lưng cô. Cô đã sớm quen rồi, Tiểu Vũ tuổi nhỏ, tính khí nóng nảy, không nhẫn nhịn được cũng là chuyện khó tránh khỏi. Nghĩ vậy trong lòng cũng đã thoải mái hơn đôi chút, mới cảm thấy ngữ khí vừa rồi của mình đúng hơi là nghiêm khắc, cô nói: “Miệng họ nằm ngay trên mặt họ, họ muốn nói gì thì nói, em quan tâm nhiều vậy làm gì? Sau này có nghe thấy thì cũng coi như gió thu thổi qua tai là được. Đừng đánh nhau với người ta, chỉ có em là chịu thiệt thôi”.

“Vâng”, Tiểu Vũ trả lời, cũng chẳng biết là nó có nghe lời hay không, một lúc sau lại hỏi: “Chị, sao mọi người lại khinh thường anh Chính, cứ nói anh ấy hư hỏng, anh ấy đâu có hư hỏng như thế? Em chưa bao giờ nhìn thấy cảnh anh ấy làm những việc táng tận lương tâm”.

Phương Tồn Chính không phải hạng người táng tận lương tâm, mà là… Trần Uyển nằm trở lại giường, bàn tay nắm một góc gối bất giác siết chặt lại. “Phương Tồn Chính và chúng ta không đi cùng đường, cậu đã nuôi nấng em lớn thế này rồi, không muốn em đi đến bờ vực. Phương Tồn Chính chưa xảy ra chuyện gì là do hắn thông minh và may mắn hơn anh trai hắn. Không phải ai cũng có vận may như thế đâu.”

Vận may của Phương Tồn Chính thật sự rất tốt, nhưng có thể kiếm được miếng cơm manh áo như thế còn là vì anh ta rất thông minh.

Lúc anh trai bước vào con đường này thì anh ta còn nhỏ, trước đây đám người đi theo Phương Thủ Chính ngoài một số tên nguyện trung thành theo anh anh ta đến chết ra, mấy tên khác là do muốn nhờ hơi anh ta để tạo dựng chút tên tuổi mà tự nguyện gia nhập. Không cần nói đến chuyện gì khác, Phương Thủ Chính đã thu tiền bảo kê các phòng tắm trong vòng mấy năm, sau khi anh ta đi vào thu tiền thì những ông chủ tiệm uốn tóc dọc con đường đều không còn bộ dạng hoạt bát như lúc trước nữa, mà rất có chút phong vị của sự trông ngóng.

Phương Tồn Chính lúc nhỏ rất được anh yêu quý, Phương Thủ Chính không muốn để em mình dính dáng đến mấy chuyện bát nháo kia, nghĩa là không để em trai tiếp tục đi vào con đường này. Có lúc anh trai Phương Tồn Chính uống say, bảo anh ta ráng lo học hành, tương lai nhà họ Phương cũng phải có một người học đại học. Nhưng khi anh trai vào tù, để lại một đám đàn em, anh ta vốn không thích học hành, nếu học tiếp thì cũng chẳng có hi vọng gì. Vấn đề quan trọng là gia đình anh ta không gánh vác nổi, phải lo cơm ăn, lo học phí, tất cả có thể chỉ dựa vào số tiền lương ít ỏi bốn, năm trăm đồng của mẹ thôi sao?

Anh trai Phương Tồn Chính là người rất phóng khoáng, có tiền nhiều là phân phát đủ cho đàn em, có lúc chuyện giang hồ khẩn cấp thì ngay cả đồ trong nhà cũng bị vơ vét để mang cho đối phương. Cho nên lăn lộn bao nhiêu năm, chỉ cần trên đường nhắc tới tên Phương lão đại là mọi người đều đưa ngón tay cái lên thay cho lời nói “trượng nghĩa”. Cái giá của trượng nghĩa chính là Phương Tồn Chính đã bất chấp mọi khó khăn để tiếp quản những thứ mà anh trai để lại. Phải quan tâm đến đám huynh đệ đã theo anh trai mình mấy năm, phải nuôi dưỡng mẹ, phải nuôi sống bản thân. Điều quan trọng nhất là, Phương Tồn Chính không cam tâm học hết lớp Mười hai nhưng thi rớt đại học rồi vào công xưởng làm công nhân, lặp lại con đường của cha anh ta, cuối cùng bị thương trong nhà máy mà ngay cả tiền trị bệnh cũng không được cấp đủ, chỉ có thể nằm trên giường đợi chết.

Mặc dù Phương Tồn Chính không trực tiếp tham gia vào việc của anh trai, nhưng năm rộng tháng dài, cuối cùng cũng có thể nhìn thấy đường đi. Tất cả không nằm ngoài hai từ “minh”, “ám”. “Ám” nghĩa là không trừ thủ đoạn nào, đối phương chặt của bạn một cánh tay, bạn phải đòi lại một mạng; quan trọng là chữ “minh”, nghĩa là bạn phải làm như thế nào để khiến mọi người trên đường biết những gì bạn làm nhưng không thể tìm ra chứng cứ, đây mới là cảnh giới cao nhất.

Cho nên lúc phát hiện mấy tên đàn em rục rịch ngóc đầu định “lật đổ ngôi vị” của mình, Phương Tồn Chính cũng không lo lắng. Anh ta chỉ sai người theo dõi tên ghê gớm nhất trong số đó là Quan Bàn Tử, theo dõi hơn nửa tháng, khi biết Quan Bàn Tử và em vợ hắn có quan hệ mèo mả gà đồng, anh ta chỉ cười mấy tiếng. Mấy ngày sau đó, em đồng hao của Quan Bàn Tử nửa đêm về bắt quả tang, liền chạy vào bếp vớ lấy cây dao nhưng chưa kịp hành động thì ngoài cửa bỗng xuất hiện một nhóm người giống như hung thần ác sát, trên tay đều cầm những ống tuýp sắt nhắm thẳng vào chân Quan Bàn Tử mà nện. Quan Bàn Tử thét lên một tiếng, đến khi bị cơn đau nữa làm cho tỉnh dậy mới phát hiện mình đang trần truồng nằm ở cửa bệnh viện tỉnh, đùi bị gãy, đưa tay sờ vào chỗ máu chảy thì thấy mất một bên tinh hoàn.

Em đồng hao của Quan Bàn Tử không biết giải thích thế nào, người không phải là do anh ta kêu đến, ngay cả bản thân anh ta lúc đó cũng sợ đến mức choáng váng đầu óc. Đến khi Quan Bàn Tử hiểu ra bản thân xui xẻo thì đàn em dưới anh ta đã bỏ đi quá nửa, con người cũng đã tàn tật rồi, còn làm ầm ĩ lên làm gì.

Những chuyện này Phương Tồn Chính không nói, mà tự nhiên có người giúp anh ta thêm mắm thêm muối truyền ra ngoài, những tên nghe lời đồn đại đều len lén sờ xuống đũng quần đã toát mồ hôi lạnh của mình. Khi địa bàn đã ổn định, anh ta lại suy nghĩ về cách mà anh trai mình trước đi thu tiền bảo kê, cách đó chẳng kiếm được là bao, vì thế khi kiếm được chút tiền, anh liền mở quán bar ngay cửa trước. Quán bar bán rượu giả là quy ước ngành nghề, nhưng anh ta không chỉ bán rượu giả mà còn “thịt cừu”. “Thịt cừu” chính là hễ thấy người giàu có ở vùng khác hoặc là người bản địa nhu nhược đến bar uống rượu thì gọi mấy cô em đến cho họ vui vẻ thoải mái đến khi tính hoá đơn thì đội giá lên thật cao, khiến họ phải lôi hết tiền ra trả thì mới cho về.

Có người bị “chặt chém” sau khi ra khỏi quán bar liền báo cảnh sát, nhưng Phương Tồn Chính không sợ, trong quán có hai bảng giá rượu, anh ta cứ căn cứ vào bảng giá cao hơn mà nói, huống hồ anh ta còn chăm chỉ đi “hiếu kính” đội cảnh sát khu đó.

Ở xã hội này, ranh giới giữa con người với con người có một quy tắc chìm, chỉ cần không đánh nhau bằng binh khí, không dùng thủ đoạn kinh doanh làm cho đối phương đoạn tử tuyệt tôn, chỉ cần giữ được vẻ hoà bình ổn định bề ngoài, thì phần lớn thời gian những viên cảnh sát chỉ mắt nhắm mắt mở đối với bọn anh ta, thậm chí có những thời điểm đặc biệt còn phải dựa vào họ để tìm ra manh mối phá án.

Mấy năm nay, Phương Tồn Chính kiếm được nhiều tiền đến mức hầu bao căng tròn, ngay cả đám đàn em Hầu Tử, Lục Chỉ, Điên Tam cũng được ăn uống đẫy rồi trở nên phương phi. Nhưng anh ta vẫn chưa hài lòng, gần đây lại đi phương Nam một chuyến, tiêu hơn một triệu tệ tiết kiệm để mua máy móc về. Bọn Hầu Tử đều choáng váng, không biết đại ca đang phát bệnh gì. Khi máy móc được lắp ráp trong nhà máy ở trấn Thành Quan đâu ra đấy, tất cả mọi người lập tức tròn mắt há miệng ngạc nhiên.

Hầu Tử hai năm trước cũng từng đi đến phương Nam tìm đĩa “đen” về bán nên biết giá cả thị trường. Đĩa lậu trên thị trường bán ba đồng một đĩa, bây giờ mới biết giá đĩa thành phẩm chỉ có năm hào, tính khấu hao mua đĩa gốc và thuê nhân công cùng lắm cũng chỉ đến một đồng. Máy vừa hoạt động đã đẻ ra bao nhiêu bạc sáng loáng. Hắn cười hể hả để lộ những chiếc răng vàng đầy miệng, mắt nhìn thẳng nhưng nói không ra tiếng.

Lúc này Phương Tồn Chính mới cười híp mắt nói với bọn đàn em: “Số tiền bảo kê thu được thì giao cho đàn em của các chú, chúng ta phải kiếm món lớn hơn”.

Gương mặt anh ta cười nhưng trong lòng lại là cảm giác trống rỗng khó tả. Tiền thì đã kiếm được rồi, nhưng đã bước chân vào con đường này thì càng đi càng lún sâu, e rằng Trần Uyển sẽ ngày càng coi khinh anh ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.