Trăm Năm Cô Đơn

Chương 16



Mưa suốt bốn năm mười một tháng hai ngày. Có dạo mưa phùn rả rích đến nỗi hết thảy mọi người ai ai cũng mặc đồ tế lễ và làm ra mặt nghiêm trang để cầu khẩn cho trời tạnh, nhưng chẳng bao lâu người ta đã làm quen với cảnh tạnh ráo tạm bợ báo trước những trận mưa dai dẳng hơn sẽ tới. Bầu trời như vỡ ra trong cơn bão táp sầm sập và từ phương Bắc, những trận cuồng phong ập tới lật tung các mái nhà, quật đổ các bức tường và cuốn phăng những dây nho cuối cùng còn lại trên các cánh đồng. Giống như hồi xảy ra dịch mất ngủ mà lúc này Ucsula đang nhớ lại, dường như tai hoạ này xảy ra là để trừng phạt họ bằng lối sống nhàm chán. Aurêlianô Sêgunđô là một trong số những người chịu làm việc hơn cả để không chịu rơi vào cảnh ăn không ngồi rồi. Ông đã trở về nhà nhận một vài việc vặt trong cái đêm ngài Brao hô phong hoán vũ gây ra cảnh mưa gió và Phecnanđa đã tìm giúp cho ông chiếc ô cũ trong một chiếc tủ. "Không cần", ông nói: "Anh ở lại đây cho đến khi tạnh mưa". Tất nhiên đó không phải là một lời hứa chắc như đinh đóng cột, nhưng ông đã thực hiện đúng như vậy. Vì quần áo ông để cả ở nhà Pêtra Côtêt, nên cứ ba ngày ông thay quần áo ngoài một lần, và mặc quần đùi cho đến khi quần áo giặt khô. Ðể khỏi buồn chán, ông lao vào việc sửa chữa vô số những thứ hư hỏng trong nhà: lúc thì gắn lại cái bản lề, tra dầu vào ổ khoá, lúc thì vặn lại những chiếc đinh ốc, nắn lại những chiếc đinh khuy. Trong vài tháng liền, người ta thấy ông lượn lờ đây đó khắp nhà với bộ đồ nghề của người digan bỏ quên từ lúc sinh thời cụ cố Hôsê Accađiô Buênđya, và không một ai biết rằng ông làm như vậy là do miễn cưỡng phải hoạt động hay vì mùa đông khiến ông buồn chán, hoặc vì ông tự buộc mình phải ăn chơi có điều độ. Ông đam mê làm việc tới mức cái bụng phệ của ông ngày một teo tóp đi, nó cứ nhăn nhúm lại như một tấm da, và khuôn mặt bầu bĩnh rất đẹp như mu rùa của ông dần dán kém sắc, cái cằm sệ của ông cũng ngày một bớt sệ xuống cho đến khi ông đỡ phì nộn hơn và lại có thể cúi xuống buộc được giây giày. Trong lúc nhìn ông gắn lại các bản lề, tháo những chiếc đồng hồ, Phecnanđa tự hỏi lòng phải chăng ông chồng mình cũng đang mắc cái bệnh làm để rồi phá như đại tá Aurêlianô Buênđya làm những con cá vàng, như Amaranta đơm cúc và may tấm vải liệm, như Hôsê Accađiô Sêgunđô đọc những chữ ghi trên tấm da thuộc và như Ucsula nhớ lại những kí ức đời mình. Nhưng không hẳn là như vậy. Ðiều tệ hại hơn cả là mưa đã làm thay đổi tất cả, ngay đến những chiếc máy vốn khô là thế cũng lên meo lốm đốm nếu ba ngày không tra dầu, những sợi dây thép và những tấm lưới đồng han rỉ hết, quần áo ướt mọc rêu xanh. Không khí quá ư ẩm ướt đến mức cá có thể bơi lội trong đó để qua cửa chính vào nhà và khi ra thì qua các cửa sổ. Có một buổi sáng nọ, Ucsula thức dậy cảm thấy mình đang xỉu đi, đã đòi đưa cụ đến cha xứ Antôniô Isaben dù phải đi bằng cáng cũng được, thì cũng lúc ấy Santa Sôphia đê la Piêđat thấy trên lưng cụ đầy những đỉa bám. Người ta phải lấy những mẩu con cháy đỏ than chàm vào chúng để gỡ từng con một trước khi chúng hút hết máu cụ. Phải đào nhiều mương rãnh để tiêu nước trong nhà và quét cho sạch những con cóc, những con ốc, để có thể lau khô sàn nhà, vứt bỏ những viên gạch kê dưới chân giường và một lần nữa được đi giày trong nhà. Mải mê vui thú với biết bao nhiêu công việc nhỏ nhặt đang hấp dẫn mình, Aurêlianô Sêgunđô không biết rằng mình đang già đi cho đến một chiều nọ, ông đã nhận ra mình trong lúc ngồi trên chiếc ghế xích đu ngắm nhìn buổi chiều đến sớm mà lòng dửng dưng nhớ tới Pêtra Côtêt. Không hề có gì cản trở ông trong việc trở về với tình yêu nhạt nhẽo của Phecnanđa, mà sắc đẹp của bà lúc này đã lẩn đi sau vẻ chín chắn của tuổi tác, nhưng mưa đã giải thoát ông khỏi tất cả những cơn hứng tình đột ngột và nó đã truyền cho ông tình yêu điềm tĩnh không háo hức. Ông vui với cơn mưa dầm dề đã gần được một nạm mà nghĩ đến các việc ông có thể làm trong những ngày tháng trước đây ông từng là một trong số những người đầu tiên mang tôn lá về Macônđô, trước khi Công ty chuối biến việc dùng tôn lá thành một cái mốt, và ông chỉ dùng chúng để lợp phòng ngủ cho Pêtra Côtêt và thích thú nằm nghỉ dưới mái tôn trong cảm hứng thân thiết sâu sắc mà thời kì đó mưa rơi gõ lanh canh lên chúng đã gợi cho ông. Nhưng ngay cả đến những kỉ niệm điên rồ của thời thanh niên thác loạn ấy cũng không làm cho ông vui lên được. Trong bữa chè chén gần đây nhất, ông đã để mất đi cái hứng thú dâm bôn của mình. Ở ông chỉ còn lại niềm vui duy nhất là với một thái độ dửng dưng, tổ chức các bữa ăn nhậu. Có thể nghĩ rằng mưa lụt đã tạo điều kiện cho ông ngồi mà ngẫm nghĩ, và công việc lặt vặt với kìm và lọ dầu nhờn đã đánh thức những nuối tiếc muộn màng trong ông về các nghề nghiệp thiết thực ông có thể làm nhưng đã không hề làm trong cuộc đời mình, tiếc rằng không một nghề nào là cụ thể, bởi vì nguyện vọng muốn được ngồi yên và công việc gia đình từng kích thích ông không phải là kết quả của một sự suy nghĩ cũng chẳng phải là một bài học kinh nghiệm đã được ông rút ra. Nỗi hoài nhớ ấy được đào lên bởi mùa mưa đến với ông từ rất xa, từ những ngày ông ngồi đọc ở trong phòng cụ Menkyađêt những câu chuyện huyền thoại về chiếc thảm bay và chú cá voi khổng lồ nuốt chửng cả tàu thuyền. Ðó cũng là những ngày thằng bé Aurêlianô xuất hiện ở ngoài hành lang do một sự sơ suất của Phecnanđa và nhờ đó ông ngoại đã biết được nguồn gốc của nó.

Ông cắt tóc, mặc quần áo cho nó, dạy nó làm quen với đám đông, rồi chẳng bao lâu thằng bé đã có diện mạo của một Aurêlianô Buênđya đích thực: cũng hai gò má cao, cũng ánh mắt nhìn thảng thốt, cũng vẻ cô đơn của mình. Ðối với Phecnanđa đó là một sự nghỉ ngơi. Ðã có lần bà suy tính tới danh dự to lớn của mình nhưng bà vẫn chưa tìm được cách nên lí giải như thế nào, bởi vì càng nghĩ tới các giải pháp bà càng cảm thấy chúng ít thuyết phục hơn. Do biết rằng Aurêlianô Sêgunđô sẽ xử mọi việc như đã xử sự, nghĩa là với tất cả sự thích thú của người ông ngoại, bà đã không theo dõi và ngăn cấm cậu bé khắt khe như trước nữa mà trái lại kể từ năm ngoái bà đã giải thoát nó khỏi nỗi nhục nhã. Ðối với Amaranta Ucsula lúc này đã thay răng sữa, thằng cháu như một thứ đồ chơi biết chạy nhảy sẽ mua vui cho mình trước cảnh mưa dầm dề buồn bã. Lúc này Aurêlianô Sêgunđô nhớ tới bộ bách khoa bằng tiếng Anh để trong phòng ngủ của Mêmê. Trước tiên ông cho bọn nhóc xem tranh ảnh, đặc biệt là tranh ảnh vẽ con vật, sau đó cho chúng xem các bản đồ và ảnh các nước xa xôi và cổ xưa, các vĩ nhân. Vì ông không biết tiếng Anh và vì hầu như ông chỉ biết các thành phố quen thuộc nhất và các nhân vật hay được nói đến nhiều nhất, ông liền phịa ra các tên và chuyện huyền thoại để thoả trí tò mò của đám trẻ.

Phecnanđa thật dạ tin rằng chồng bà đợi cho trời tạnh để rồi trở về nhà nhân tình. Trong những tháng mưa đầu tiên bà sợ rằng ông ta sẽ lần mò tới phòng ngủ của mình và rằng bà sẽ xấu hổ chết được khi phải cho ông biết rằng mình hoàn toàn không còn khả năng để chiều theo ý ông ngay từ khi sinh bé Amaranta Ucsula. Ðó là nguyên nhân của mối quan hệ thư từ tha thiết với các thầy thuốc không thể nhìn thấy, một quan hệ đã bị đường thư thường xuyên thất thường làm cho gián đoạn.

Trong những tháng đầu, khi được biết rằng tàu hoả bị lật bánh vì mưa bão, một bức thư của các thầy thuốc không thể nhìn thấy đã báo cho bà biết rằng thư của bà bị thất lạc hết đã không đến tay họ. Sau đó, khi các quan hệ với những người nhận thư xa lạ bị gián đoạn hoàn toàn, bà nghiêm chỉnh nghĩ đến cách phải đeo tấm mặt nạ con hổ mà chồng mình đã đeo trong vũ hội Cacnavan đẫm máu ấy, với một cái tên mạo xưng để nhờ các thầy thuốc Công ty chuối khám bệnh cho. Nhưng một trong số những người vẫn thường mang đến nhà này đủ mọi tin tức bất hạnh về trận mưa lụt đã báo cho bà biết rằng Công ty chuối bãi bỏ mọi hoạt động của các cơ sở phúc lợi của nó ở Macônđô để chuyển tới vùng đất tạnh ráo. Thế là bà mất hết mọi hi vọng. Bà quyết chí ngồi chờ cho đến khi tạnh ráo và dường thư được lập lại bình thường, và trong lúc đó bằng cách an ủi, bà xoa dịu những cơn đau thầm lặng của mình, bởi vì bà đã thề rằng thà chết chứ không chịu rơi vào tay viên thầy thuốc duy nhất hành nghề ở Macônđô, một người Pháp quái dị chuyên sống bằng các thứ rau cỏ vốn dùng để nuôi lừa. Bà lân la đến gần Ucsula vì tin rằng cụ già trăm tuổi này có thể biết phương thuốc nào đó ngõ hầu làm giảm những cơn đau đến lả người của mình. Nhưng thói quen không gọi tên sự vật bằng chính tên nó đã đưa bà đến việc dùng tráo các khái niệm để đỡ thẹn thò hơn; đáng lẽ nói đằng trước bà lại nói đằng sau, đáng lẽ nói về việc chửa đẻ bà lại nói về việc bài tiết, đáng lẽ nói đến cảm giác choáng váng bà lại nói đến cảm giác nóng rát. Vậy là việc đánh tráo khái niệm trong lúc miêu tả các triệu chứng lâm sàng của bà đã làm cho Ucsula đi đến kết luận đáng tin rằng những cơn đau ấy không phải là đau tử cung mà là đau đường ruột và cụ khuyên bà nhịn ăn để dùng thuốc tẩy. Nếu không phải là thứ bệnh chẳng có gì đáng phải xấu hổ ấy và nếu thư từ của bà không bị thất lạc, thì mưa đối với Phecnanđa chẳng có ý nghĩa quan trọng gì vì rằng cuối cùng cuộc đời đối với bà cũng buồn bã chẳng khác gì trời đang dầm dề mưa. Bà không thay đổi giờ giấc cũng không bỏ bê các buổi cầu kinh. Khi chiếc bàn ăn còn phải kê chân trên những viên gạch xếp chồng lên nhau, và những chiếc ghế ngồi vẫn phải đặt trên những tấm ván để khách ăn khỏi ướt chân, bà vẫn trải những tấm vải lanh và đặt lên bàn bộ đồ ăn bằng sứ Tàu và đến bữa ăn tối bà vẫn thắp sáng những cây đèn cắm nến, bởi vì bà cho rằng không thể lấy tai hoạ để làm cớ cho việc buông lỏng các tập quán. Không một ai thò mặt nhìn ra đường. Nếu bị phụ thuộc vào Phecnanđa thì họ sẽ chẳng bao giờ thò đầu nhìn ra đường, không chỉ từ khi trời bắt đầu mưa mà từ trước đó rất lâu, bởi bà ta cho rằng cửa rả được làm ra là để đóng kín nhà lại, và thói tò mò về những chuyện xảy ra ngoài đường là thói xấu của bọn ớ điếm. Tuy nhiên, chính bà lại là người đầu tiên trong gia đình đã thò đầu nhìn ra đường khi người ta loan báo đám tang của đại tá Hêrinênđô Mackêt đang đi qua, dẫu rằng cái điều bà nhìn thấy qua cửa sổ hé mở đã đưa bà đến tình trạng xấu hổ mà đã từ lâu bà ân hận vì sự hèn yếu của mình.

Chưa hề thấy một đám tang nào buồn bã hơn đám tang này. Người ta đặt cỗ quan tài trong túp lều lá chuối dựng trên một chiếc xe bò, nhưng vì mưa quá nặng hạt và đường sá lầy lội bùn, đến mức cứ mỗi bước đi các bánh xe lại bị sa lầy và cái túp lều ấy xiêu vẹo suýt nữa thì đổ. Những giọt nước buồn bã rơi trên cỗ quan tài dần dẩn làm ướt sũng lá cờ phủ bên trên, và thực tế đó là lá cờ vấy bẩn máu và bụi trường chinh, và nó đã từng bị các cựu chiến binh danh dự nhất từ chối. Trên nắp cỗ quan người ta còn đặt cả thanh kiếm với các tua ngù bằng lụa, chính là thanh kiếm mà đại tá Hêrinênđô Mackêt treo lên giá mắc áo ở phòng khách để bước vào phòng máy may của Amaranta. Ðằng sau chiếc xe bò là những người sống sót cuối cùng sau khi ký hiệp định Neclanđia, có một số đi chân đất còn tất cả mọi người đều xắn quần ngang bẹn, bì bõm lội trong bùn, một tay mang chiếc ba-toong, tay kia mang vòng hoa giấy bị nước mưa làm cho phai màu. Bọn họ xuất hiện như hình ảnh không có thực trên con đường vẫn mang tên đại tá Aurêlianô Buênđya và tất cả đều nhìn vào nhà Buênđya khi họ đi qua, rồi họ rẽ ngoặt qua quảng trường, ở đây họ phải cầu cứu mọi người giúp tay vì xe bị sa lầy. Ucsula đã được Santa Sôphia đê la Piêđat dìu ra tới cửa. Cụ chăm chú theo dõi mọi diễn biến của đám tang đến mức không một ai nghi ngờ rằng cụ đang nhìn, nhất là vì cái cánh tay thánh của cụ cứ chỉ trỏ theo đám tang.

- Tạm biệt nhé, Hêrinênđô con trai ta, - cụ gào. - Hãy thay ta chào những người thân của ta và bảo với họ rằng chúng ta sẽ gặp nhau khi trời tạnh ráo.

Aurêlianô Sêgunđô giúp cụ đi về giường và với thái độ trêu chọc thường có, ông hỏi cụ ý nghĩa của lời từ biệt ban nãy.

- Thật đấy cụ nói. - Ta chỉ đợi cho trời tạnh ráo để chết mà.

Quang cảnh trên các đường phố khiến Aurêlianô Sêgunđô phải tỉnh ngộ. Vì lo lắng quá muộn màng cho số phận của đàn gia súc, nên ông đã đội tấm vải sơn và vội vàng đi đến nhà Pêtra Côtêt. Ông gặp ả ở ngoài sân, ngâm nước tới ngang lưng đang cố đẩy xác chết một con ngựa đi nơi khác. Aurêlianô Sêgunđô cầm lấy một cái thang chèn cửa giúp ả đẩy xác con vật và cái xác chết trương khổng lồ này xoay trong một vòng rồi bị dòng nước ngầu bùn cuốn phăng đi. Kể từ khi trời bắt đầu mưa, Pêtra Côtêt không làm việc gì khác hơn là lùa xác những con vật chết cho nước cuốn đi khỏi sân nhà mình. Trong các tuần đầu, ả nhắn tin cho Aurêlianô Sêgunđô để ông lấy làm trọng mà về, và ông đã trả lời rằng chưa vội gì, rằng tình huống chưa đáng phải lo lắng lắm, rằng khi nào trời tạnh sẽ nghĩ cách khác. Ả nhắn đến tai ông rằng các ruộng cỏ cho ngựa ăn đã bị ngập nước, rằng đàn gia súc đã chạy ráo lên các miền đất cao, và ở đấy chúng đang không có cái ăn và phải làm mồi cho hổ và dịch bệnh. "Không cần phải làm gì cả", Aurêlianô Sêgunđô trả lời ả: "Khi nào trời tạnh ráo chúng lại đẻ ra vô khối, lo gì". Pêtra Côtêt đã nhìn thấy gia súc chết hàng đàn hàng đàn và hầu như ả không đủ sức để xả xác những con còn mắc cạn. Với thái độ bất lực, ả hậm hực nhìn nạn lụt đã phá không thương tiếc cả một gia sản như thế nào, một gia sản từng có thời được coi là lớn nhất và đảm bảo nhất ở Macônđô và giờ đây nó chỉ còn lại một mùi thối khăn khẳn. Khi Aurêlianô Sêgunđô quyết định trở về để xem điều gì đã xảy ra, ông chỉ còn thấy xác chết một con ngựa đực và một con lừa cái gầy còm còn sống đang bị nhất trong cái chuồng ngựa đổ nát. Pêtra Côtêt nhìn ông trở về mà không hề thảng thốt, không hề mừng vui, cũng chẳng rầu rĩ, và hơn nữa, hầu như ả còn nhoẻn một nụ cười khẩy:

- Về đúng lúc nhỉ, - ả nói.

Ả đã già khọm đi, xương hóc bày ra, đôi mắt xanh như mắt mèo, vì nhìn mưa mà trở nên ủ dột và hiền lành hơn. Aurêlianô Sêgunđô ở lại nhà ả ba tháng liền, không phải vì ở đấy ông thấy dễ chịu hơn ở nhà mình mà vì ông phải cần tới ngần ấy tháng mới quyết định đội lại tấm vải sơn để trở về nhà. "Không có gì phải vội vã", ông nói như trước đây đã nói khi ở nhà mình, "chúng ta đợi trời tạnh trong những giờ tới". Trong suốt tuần đầu ông dần dần làm quen với cái vẻ tàn tạ mà thời gian và cơn mưa dầm dề đã gây nên cho sức khỏe của người tình và dần dần ông lại thấy ả như xưa, qua cách nhớ lại những mềm vui buông thả của ả cũng như tính chất mắn đẻ như điên mà tình yêu của ả đã kích thích đàn gia súc, rồi một tối nọ trong tuần lễ thứ hai, phần vì tình, phần vì thích thú, ông đã cò kè để đánh thức ả dậy. Pêtra Côtêt vẫn thờ ơ, không hào hứng. "Hãy ngủ yên nào", ả nói thầm thì, "Những ngày này chẳng phải là lúc để chúng ta hú hí nữa đâu". Aurêlianô Sêgunđô nhìn mình trong tấm gương gắn trên trần nhà, nhìn sống lưng Pêtra Côtêt giơ những chiếc xương sườn thiểu não, ông hiểu rằng ả có lí, và không phải vì thời gian mà chính vì họ lúc này đã quá thì rồi.

Aurêlianô Sêgunđô xách hòm xiểng của mình trở về nhà mà lòng đinh ninh tin chắc rằng không chỉ một mình Ucsula, mà tất cả dân chúng Macônđô, đang đợi cho trời tạnh ráo để chết. Khi đi ngang qua nhà ông đã nhìn thấy họ ngồi trong các phòng khách với ánh mắt đờ đẫn, hai tay ôm lấy đầu mà lắng nghe thời gian đang qua đi, đó là một thời gian trọn vẹn, một thời gian không hề hao phí, bởi vì thật là vô ích việc chia nó thành năm, tháng và chia ngày thành giờ khi người ta không thể làm gì khác hơn là ngồi ngắm mưa rơi. Bọn trẻ reo mừng đón Aurêlianô Sêgunđô vì ông sẽ chơi cây đàn phong cầm đã long phím cho chúng nghe. Nhưng buổi hoà nhạc không lôi cuốn bọn trẻ như các buổi xem từ điển bách khoa, vậy là cha con, ông cháu họ lại kéo nhau tụ họp tại phòng ngủ của Mêmê, và ở đây trí tưởng tượng của Aurêlianô Sêgunđô đã biến khinh khí cầu thành con voi bay đang tìm chỗ ngủ giữa các đám mây. Có lần ông bắt gặp hình ảnh một người đàn ông cưỡi ngựa mà bất chấp bộ quần áo rất lạ ông ta mặc, ông vẫn nhận thấy cái dáng vẻ thân thuộc và sau khi kiểm tra kĩ ông đã đi đến kết luận đó là chân dung của đại tá Aurêlianô Buênđya. Ông đem nó cho Phecnanđa xem, và bà ta cũng nhận thấy dáng vẻ bên ngoài của chàng kị sĩ không những chỉ giống đại tá mà còn giống tất cả các thành viên của gia đình này, mặc dù đây thực ra là chân dung một chiến binh người Tácta. Rồi cứ thế ông để cho thời gian trôi đi trong lúc xem tượng đài Rôđa(l) và những bức tranh kì thú về loài rắn, cho đến khi bà vợ báo cho ông hay rằng trong kho lương thực chỉ còn lại sáu kilỏ thịt ướp và một tải gạo.

- Bây giờ em muốn anh làm gì nào? - ông hỏi.

- Em không biết, - bà trả lời. - Cái đó là chuyện của đàn ông.

- Thôi được, - Aurêlianô Sêgunđô nói. - Sẽ làm một cái gì đó khi nào trời tạnh.

Ông vẫn mải mê xem từ điển bách khoa hơn là lo lắng cho cái ăn hàng ngày, ngay cả khi buộc phải bằng lòng ăn thịt cày và một ít cơm vào bữa trưa. "Quả thật là lúc này không thể làm gì được", ông nói: "Nhưng mưa không thể mưa suốt cả đời được". Và trong lúc ông càng chậm trễ lo lắng cái ăn đang thức bách bao nhiêu thì Phecnanđa càng nổi cơn tam bành kịch liệt hơn, kể cả những lời chửi bới, những câu văng tục ít thấy của bà cứ tuôn ra trong một cái thác không thể nào kìm được, nó bắt đầu từ sáng sớm như một khúc dạo đầu đơn điệu của một cây đàn ghita, và nó tiến triển theo kiểu ngày cứ trôi đi thì nó càng cao giọng hơn, mỗi lúc một du dương hơn và hấp dẫn hơn. Aurêlianô Sêgunđô vẫn chưa ý thức được những lời chửi bới như hát hay ấy mãi cho đến ngày hôm sau, sau bữa điểm tâm, khi ông cảm thấy khó chịu bởi tiếng vo ve mà lúc này nghe át cả tiếng mưa rơi và đó là Phecnanđa, người đang đi lại khắp nhà để ta thán rằng cha mẹ bà đã nuôi dạy bà như một bà hoàng để đến nỗi giờ đây bà là con ở trong một cái nhà toàn những người điên, với một ông chồng lười chảy thây, lại trai lơ và buông tuồng, rằng ông ta lúc nào cũng nằm ngửa há miệng chờ sung rơi trong lúc bà phải thẳng da lưng trùng da bụng làm lụng để duy trì một gia đình sắp khánh kiệt, nơi phải làm việc nhiều, phải chịu đựng và phải chỉnh đốn lại kể từ khi trời sáng cho đến khi đi nằm mà lúc lên giường mắt đã cộm lên nhức nhối, thế mà chẳng một ai hỏi đêm qua có ngủ ngon không Phecnanđa lấy một lời, cũng chẳng ai hỏi bà dù chỉ là xã giao thôi vì sao dạo này lại xanh xao thế, vì sao đôi mắt lại thâm quầng thế mặc dù rằng bà không đợi, dĩ nhiên rồi, rằng điều đó lại được thốt lên từ miệng một người nào trong cái gia đình vốn lúc nào cũng coi bà là một trở ngại, là một cái bã lau, là một con khỉ vẽ trên tường, và rằng cả nhà họ thi nhau lên tiếng nói xấu bà ở khắp nơi khắp chốn, để mà gọi bà nào là kẻ làm ra vẻ mộ đạo, là kẻ giả dối, là con thạch thùng, và ngay đến Amaranta, mà lúc này đã yên nghỉ, gay gắt bảo bà là kẻ tôm đội cứt lên đầu, lạy Chúa tha tội cho, ôi ngôn từ gì mà quá thể thế, và bà đã cố gắng chịu đựng hết với sự nhẫn nhục vì ý định của Cha thánh thần, nhưng bà đã không thể chịu đựng được hơn khi Hôsê Accađiô Sêgunđô đểu cáng nói rằng gia đình này khánh kiệt là do đã mở cửa rước mụ gián điệp về, hãy tưởng tượng mà xem, ôi lạy Chúa, một mụ gián điệp độc đoán, ôi lạy Chúa, một mụ gián điệp mang dòng máu hạ đẳng, cùng một bản chất với những tên mật vụ được chính phủ phái tới để bắn giết những người lao động, hãy nói cho bà biết, và điều đó ám chỉ ai nếu không phải là ám chỉ bà, con gái nuôi của nữ công tước Anba, một mệnh phụ trâm anh thế phiệt từng đẻ ra các phu nhân tổng thống, một tiểu thư quý tộc đích thực như bà có quyền kí với mười một tên họ lừng lẫy ở Tây Ban Nha, và rằng bà là người duy nhất ở cái làng của những đứa con hoang cảm thấy hãnh diện trước mười sáu bộ đồ ăn bày trên bàn để cho ngay sau đó con ớ thông dâm với chồng bà cười như nắc nẻ nói rằng nhiều thìa dĩa, dao ăn thế. kia chẳng phải là đồ ăn của các con chiên của Chúa mà là đồ ăn của loài rắn, và bà là người duy nhất nhắm mắt lại đã có thể khẳng định được khi nào thì phục vụ rượu màu, róc ở phía nào, vào cốc nào, chứ không như thói quê mùa của Amarnta, người đã yên nghỉ, lại cứ tưởng rằng rượu trắng uống vào buổi ban ngày còn rượu màu vào ban đêm, và bà là người duy nhất ở cả vùng duyên hải này khi ỉa đái thì ngồi vào bô vàng chứ không ngồi chồm hỗm như những kẻ khác, để đến nỗi sau này đại tá Aurêlianô Buênđya, người đã ngủ giấc ngàn thu, với buồng mật tệ hại của bọn Tam điểm đã dám hỏi bà thói kiêu kì ấy khởi sự từ đâu, làm như thể bà không ỉa ra cứt mà ỉa ra hoa Axtrômêlia(2), các ông các bà hãy nghĩ mà xem, ngài lại nói những từ như thế đấy, và để cho Rênata, chính con gái bà, mà do vô tình đã nhìn thấy phân của bà ở ngay trong phòng ngủ, đã trả lời rằng sự thật cái bô ấy bằng vàng có khảm gia huy nhưng cái có ở bên trong lại là cứt thật, nhưng còn tồi tệ hơn các thứ cứt đái khác, đó là cứt của con mụ gián điệp, các ngài hãy tưởng tượng mà xem, chính là con gái bà đấy, vậy là bà sẽ chẳng bao giờ còn trông mong vào một người nào của cái gia đình này, nhưng dù sao bà vẫn có quyền chờ đợi một chút coi trọng nào đó của chồng mình, bởi vì dù tất dù xấu thế nào đi nữa, ông là chồng bà, là tác giả của bà, là người phán định hợp pháp của bà, là người đã tự nguyện quàng lên cổ mình cái trọng trách dẫn bà ra khỏi nhà bố mẹ bà, vốn là nơi bà đan những chiếc mũ tang bằng lá cây palma, bởi vì cha đỡ đầu của bà đã gửi cho Aurêlianô Sêgunđô một bức thư tự tay người viết có in dấu chiếc nhẫn, chỉ để bảo ông rằng đôi tay cô con nuôi của người được tạo ra không phải để làm những công việc tầm thường ở cõi thế tục này, mà chỉ để đánh đàn tiểu phong cầm thôi, nhưng tuy nhiên, ông chồng gàn dở đã lôi bà ra khỏi nhà cùng với những lời dặn dò ấy nhưng đã đày ải bà vào xứ sở địa ngục nơi không thể thở được vì nóng bức, và trước khi bà làm xong việc kiêng kị trong lễ Hạ trần thì ông chồng đã xách va li và cây đàn phong cầm của những kẻ bợm nghịch đến chung chạ với một ả bất hạnh, người mà người ta đã nói chỉ cẩn nhìn bộ mông, đúng thôi, chỉ cần nhìn ả ngoáy bộ mông ngựa cái non là đã đoán được rằng ả là một, là một người đàn bà hoàn toàn trái ngược với bà - vốn là một mệnh phụ, - dù ở trong dinh phủ hay trong chuồng ngựa, dù ở trên bàn hay trên giường, ở đâu cũng vậy vẫn cứ là một mệnh phụ quốc gia, vốn kính nể Thượng đế và là nô lệ của Người và vâng theo Người, và là người không thể đem so sánh, dĩ nhiên rồi, với các vũ nữ leo dây và cái bọn đàn bà lang thang lêu lổng hiến thân cho người khác, dĩ nhiên, đã hiến thân cho tất cả đàn ông, như những mụ tú bà hành nghề theo mất Pháp, hoặc giả lại còn tồi tệ hơn, xin các ngài hãy nghĩ kĩ mà xem, bởi vì những con điếm theo mốt Pháp này còn chút danh giá đã biết thắp ngọn đèn hồng ngay trước cửa để rước khách, ít ra là như thế, bọn đàn bà ấy không còn thiếu một thứ xấu xa nào, xin hãy tưởng tượng xem, và không thể đem họ so sánh với bà, vốn là người con gái duy nhất và được cưng chiều của đônha Rênata Acgôtê và đông Phecnanđô đen Cacpiô, trước hết là cụ bởi vì cụ là một ông thánh, một con chiên của những con chiên vĩ đại, là công tử được tặng Huân chương Mộ chúa Giêsu, cụ thuộc vào lớp người trực tiếp nhận từ tay Thượng đế đặc ân khi chết thì thi hài được bảo tồn nguyên vẹn trong phần mộ với nước da mịn màng như nước da mỡ màng của cô gái đang thì yêu đương và đôi mắt tươi và sáng như màu ngọc lục bảo.

- Ðiều đó không đúng, - Aurêlianô Sêgunđô cắt ngang lời bà, - Khi được mang tới đây cụ đã thối ra rồi.

Ông đã đủ kiên tâm nghe bà chửi suốt một ngày cho tới khi túm được một chỗ nói sai làm bà giật mình. Phecnanđa không nghe lời ông, nhưng cũng phải chịu hạ giọng. Ðêm ấy, trong lúc ăn tối, tiếng chửi đinh tai nhức óc của Phecnanđa đã bị tiếng mưa rơi át đi. Aurêlianô Sêgunđô ăn rất ít, đầu cúi gằm xuống và ông đứng dậy lui về phòng ngủ rõ sớm. Trong bữa điểm tâm ngày hôm sau, Phecnanđa run lẩy bẩy với dáng vẻ mệt mỏi vì đêm qua kém ngủ và dường như bà hoàn toàn trơ trẽn vì bực tức. Tuy nhiên, khi chồng bà hỏi liệu có thể được ăn trứng nóng không, thì bà không đơn giản trả lời rằng kể từ tuần trước nhà đã hết trứng rồi, mà lại nói rằng bà đã làm một bài văn tế đả kích kịch liệt đám đàn ông suốt ngày chỉ biết ngắm vuốt cái bụng thế mà lại dám đòi ăn gan chim chiền chiện đấy. Như thường lệ, Aurêlianô Sêgunđô dẫn bọn trẻ đi xem từ điển bách khoa, và Phecnanđa vờ vịt vào phòng Mêmê dọn dẹp đồ đạc để chỉ thầm thì nói cho một mình ông nghe thôi: rõ dơ cái mặt thớt dám bảo bọn trẻ là đại tá Aurêlianô Buênđya được in ảnh trong từ điển bách khoa đấy. Buổi chiều ngày hôm đó, trong lúc bọn trẻ ngủ, Aurêlianô Sêgunđô ngồi ở ngoài hành lang thì Phecnanđa đã theo ông ra tận đấy, bằng lời chửi bới lầm rầm như tiếng nhặng xanh để mà khiêu khích ông, để mà xỉ vả ông, bảo ông rằng trong lúc nhà chẳng còn gì ngay đến cả đá để mà ăn thì chồng bà ngồi như một ông vua Ba Tư để ngắm mưa rơi, chỉ quen sống bám bọn đàn bà và sẵn lòng cưới mụ vợ của thánh Giônat, người ngồi lặng yên nghe câu chuyện cá voi. Aurêlianô Sêgunđô không nhúc nhích, cứ như một thằng điếc nghe bà chửi liền trong hai giờ. Ông không ngắt lời bà, cứ để bà chửi cho đến chiều tà, khi ông không thể chịu đựng hơn nữa cái tiếng kêu bong bong làm nhức nhối đầu ông.

- Làm ơn, có im đi không nào?

Ngược lại Phecnanđa càng cao giọng hơn. "Tôi chẳng việc gì phải im mồm cả", bà nói: "Ai không muốn nghe tôi thì cứ việc cút đi" Thế là Aurêlianô Sêgunđô không tự chủ được nữa. Ông từ từ đứng dậy, làm như thể để giãn gân giãn cốt thôi, rồi với cơn giận dữ nhưng lại rất bình tĩnh và có phương pháp, ông đã bưng hết chậu thu hải đường này đến chậu khác, hết chậu dương xỉ này đến chậu khác, rồi hết chậu kinh giới ô này đến chậu khác, cứ thế ông ném từng chậu một xuống sàn nhà. Phecnanđa hoảng hốt; bởi vì thực ra bà vẫn chưa ý thức được sức mạnh bên trong của những lời chửi bới ấy, nhưng khi nhận ra thì đã muộn, không thể nào sửa đổi được tình huống nữa. Vì điên tiết trước lời chửi bới không ngớt ấy, Aurêlianô Sêgunđô đập vỡ tấm gương của chiếc tủ kính, rồi ông thong thả gỡ từng bộ phận tủ một đập vụn ra, sau đó theo thứ tự, vẫn với vẻ điềm tĩnh và hài hoà mà trước đây ông đã có khi dán những đồng tiền giấy lên tường, ông đập vỡ bộ đồ thuỷ tinh Bôhêmia, những bông hoa giả, những bức tranh vẽ các cô gái đồng trinh đứng trên những con thuyền chở đầy hoa hồng, những tấm gương ghép trong khung thếp vàng, ông đập hết cả những gì có thể đập được từ trong nhà cho đến kho lương thực, cuối cùng ông kết thúc với việc đập vỡ chum nước trong tiếng nổ vang vọng sâu lắng. Sau đó ông lau tay, quàng tấm vải sơn rồi ra đi, và trước lúc nửa đêm ông mang về một số vại thịt ướp, vài tải gạo và ngô cùng mấy buồng chuối. Kể từ lúc ấy, nhà lại không thiếu cái ăn.

Có lẽ Amaranta Ucsula và chú bé Aurêlianô sẽ nhớ trận mưa lụt này như một thời kì đầy hạnh phúc. Mặc dù Phecnanđa luôn khắt khe đe nẹt, bọn trẻ vẫn bì bõm lội ở ngoài sân, săn bắt những chú thằn lằn để mổ bụng chúng và chơi trò đầu độc nồi xúp bằng cách bỏ vào đó phấn cánh bướm nếu Santa Sôphia đê la Piêđat không trông nom cẩn thận. Ucsula là một thứ đồ chơi lí thú hơn cả của bọn trẻ. Chúng nó coi cụ như một con búp bê cũ kĩ để trang điểm cho cụ: lấy nhọ nồi và phẩm đỏ bôi lên mặt cụ, buộc các mảnh vải đủ màu sắc lên người cụ rồi khiêng cụ đi lại khắp các xó xỉnh trong phòng, và suýt nữa chúng lấy mũi kéo làm vườn để móc mắt cụ như từng móc mắt những con cóc. Không có gì làm cho chúng thích thú bằng những câu nói lảm nhảm của cụ. Quả thế thật, kể từ năm thứ ba của trận mưa lụt này đã có cái gì đó không bình thường xảy ra trong tâm trí cụ, bởi vì cụ đã dần dần đánh mất ý niệm về thực tại đang sống, và nhầm lẫn thời đang sống với các thời kì xa xưa của cuộc đời mình, cho đến lúc cụ khóc lóc thảm thiết ba ngày liền cho cái chết của Pêtrônila Igoaran, bà cố nội của cụ, từng được chôn cất gần một thế kỉ nay. Cụ chìm sâu trong trạng thái nhầm lẫn hết sức kì quắc đến mức cụ tin rằng chú bé Aurêlianô này là con trai mình, ngài đại tá ấy, vào lúc chàng được cha dẫn đi xem nước đá và anh chàng Hôsê Accađiô đang theo học chuyên đề để trở thành Giáo hoàng ấy là đứa con trai đầu lòng của cụ, kẻ đã bỏ nhà để đi theo bọn digan. Cụ nói đi nói lại về gia đình mình quá nhiều đến mức bọn trẻ thuộc lòng tên người để tổ chức cho cụ những chuyến du chơi tưởng tượng với những người không những là những người đã chết từ lâu rồi mà còn là những người sống ở các thời kì khác nhau. Ngồi trên giường với mái tóc đã xám như tro và một chiếc khăn đỏ che lấy mặt, Ucsula thật là hạnh phúc sống giữa những người thân trong gia đình được bọn trẻ tưởng tượng và miêu tả lại không thiếu một chi tiết, làm như thể chúng thực sự có quen biết họ.

Ucsula nói chuyện với các bậc bề trên của mình về những sự kiện từng xảy ra trước khi cụ chào đời, cụ vui sướng trước những tin tức họ cho cụ biết rồi cụ cùng họ khóc lóc cho những người chết gần đây hơn so với những người chết đang nói chuyện với cụ. Không lâu bọn trẻ biết được rằng trong suốt các buổi đi chơi tưởng tượng ấy, Ucsula luôn luôn nêu một câu hỏi nhằm xác định xem ai là người trong lúc chiến tranh đã mang tới nhà này một bức tượng thánh Hôsê bằng thạch cao to bằng người thực để gia đình trông nom hộ cho qua mùa mưa bão.

Nhờ thế Aurêlianô Sêgunđô nhớ lại kho của được chôn ở một nơi nào đó mà chỉ một mình Ucsula biết, nhưng tất cả các câu hỏi cũng như mọi thủ đoạn ranh ma mà ông nghĩ ra được để dò hỏi Ucsula đều trở nên vô ích, bởi vì trong lúc lang thang trong các ngõ ngách bí hiểm của cơn mê muội, lúc nào Ucsula cũng giữ một điểm sáng trí tuệ để bảo vệ điều bí mật mà cụ vốn rắp tâm sẽ chỉ nói cho một ai đó biết nếu người này chứng minh được rằng mình là người chủ đích thực của số vàng được chôn giấu kĩ càng. Cụ quá ư lanh lợi và khôn khéo đến mức khi Aurêlianô Sêgunđô đạo diễn cho một trong số những người bạn nhậu nhẹt của mình đóng vai người chủ của số của cải bị chôn giấu ấy và đưa y tới gập cụ cố mình, thì y đã phải thất bại trước hàng loạt câu hỏi tỉ mỉ có gài bẫy sẵn của cụ.

Do đã tin rằng Ucsula sẽ mang điều bí mật này xuống mồ nên Aurêlianô Sêgunđô thuê một đội thợ đấu với lí do để đào các mương rãnh thoát nước cho sân trước và sân sau và chính bản thân ông dùng cuốc chim và các dụng cụ dò tìm kim loại đã đào bới khắp nơi mà vẫn không thấy gì chứng tỏ có vàng trong ba tháng khai quật vô vọng. Sau đó, tin rằng quân bài nhìn rõ hơn mắt những người thợ đấu, ông vội tìm đến Pila Tecnêra; nhưng bà lão lại cũng báo trước cho ông biết rằng sẽ không tìm thấy nó trước khi trời tạnh mưa và hạn hán liên tục ba năm liền biến bùn lẩy thành bụi đất. Những số liệu có vẻ thâm thuý và không xác thực của lời tiên đoán ấy đã khiến cho Aurêlianô. Sêgunđô có cảm giác nó giống như truyện ngụ ngôn có tính chất thông minh muốn buộc ông dừng công việc của mình lại và phải chờ ít nhất là ba năm nữa để thoả mãn những dữ kiện của lời đoán. Ðiều đầu tiên khiến ông ngạc nhiên đồng thời khiến ông càng thêm bối rối là sự thực này: từ giường Ucsula đến hàng rào ở sân sau rộng một trăm hai mươi hài mét, đúng hệt như lời đoán của Pila Tecnêra. Phecnanđa sợ rằng ông chồng mình lại điên rồ như người anh em sinh đôi khi bà nhìn ông đăm chiêu tính toán, và còn tệ hại hơn thế nữa, khi ông ra lệnh cho bọn thợ đấu đào sâu thêm một mét nữa ở những lòng mương đã đào. Vì đam mê trong các cuộc đào bới đầy hào hứng - sự đam mê này hoàn toàn có thể so sánh với sự đam mê của cụ cố nội khì cụ đi tìm con đường của những phát minh lớn - Aurêlianô Sêgunđô gầy tọp đi và do đó sự giống nhau như đúc với người anh em sinh đôi trước đây lại càng thêm đậm nét hơn, không chỉ do hình hài ông hao gầy đi mà còn do cái vẻ xa lạ và thái độ trầm tư của ông nữa. Ông không lo lắng quan tâm đến bọn trẻ. Ông ăn vào bất cứ lúc nào, ngay cả khi người ông lấm lem bùn đất từ chân lên tận đầu, ông ngồi ăn ngay trong xó bếp và hầu như không trả lời những câu hỏi bâng quơ của Santa Sôphia đê la Piêđat. Vì thấy ông làm lụng trong hình thức khổ cực ấy, mà chưa bao giờ bà dám mơ rằng ông sẽ làm việc hăng say như vậy Phecnanđa tin rằng sự rụt rè của ông lại là sự cẩn thận, rằng tính hám của của ông lại là đức hi sinh, rằng tính ương ngạnh của ông lại là đức kiên trì và tự đáy lòng mình bà ân hận A-rập thuộc thế hệ thứ ba vẫn ngồi ở chính nơi đây và với thái độ của cha ông mình, nghĩa là vẫn trầm tư, hiên ngang, không hề đau đớn trước thời gian và hoạn nạn, vẫn sống và chết như họ đã từng trải qua dịch mất ngủ và ba mươi hai cuộc nội chiến của đại tá Aurêlianô Buênđya. Tâm hồn khoẻ mạnh và kiên trinh của họ trước sự đổ nát của những bàn cờ, những quán ăn, những quán chơi trò bắn súng, và cái ngõ hẻm nơi người ta vẫn đến để xem số và đoán mộng, là hết sức đáng ngạc nhiên đến mức Aurêlianô Sêgunđô với thái độ bông lơn vốn có đã phải hỏi rằng bằng những thủ thuật thần bí nào mà họ không bị chết đuối trong trận mưa lụt vừa qua, cứ y như có bàn tay ma quỷ nào đã giúp cho họ không bị chết chìm, và hết người này đến người khác, từ cửa nhà này sang cửa nhà khác họ đều trả lời ông bằng cái nhìn mơ màng và một nụ cười ranh mãnh, và tất cả không ai bảo ai, đều nói với ông một câu trả lời như sau: Bằng cách bơi. - Có lẽ Pêtra Côtêt là người địa phương duy nhất có trái tim A-rập. Ả tận mắt nhìn thấy những mảnh gỗ cuối cùng của các chuồng gia súc của mình bị nước lụt cuốn đi, nhưng chính ả đã giữ cho ngôi nhà của mình vẫn đứng vững trước mưa sa bão táp Trong năm cuối cùng của thời kì mưa lụt, ả đã nhắc Aurêlianô Sêgunđô phải mau mau trở về, và ông này đã trả lời rằng sẽ không trở về nhà ả đâu, rằng ả hãy quên câu hỏi đến bao giờ ông sẽ trở về nhà ả đi, nhưng thế nào ông cũng mang một hòm tiền vàng về để lát nền buồng ngủ của ả. Thế là ả trằn trọc suy nghĩ tự đào bới lòng mình để tìm một sức mạnh ngõ hầu giúp ả sống qua cái đận khó khăn này, và ả đã tìm thấy một tình cảm hờn giận được nung nấu suy nghĩ kĩ, vừa là thứ hờn giận chân chính và với chính tình cảm hờn giận này ả đã thề với lòng mình là sẽ giành lấy bằng được số tài sản đã bị người tình xài phí và bị mưa lụt làm cho khánh kiệt. Ðó là một quyết tâm không gì phá vỡ nổi đến mức tám tháng sau khi ả nhắn lời cuối cùng, Aurêlianô Sêgunđô trở về nhà và thấy ả xanh rớt, tóc tai bù xù, mắt sâu trũng và da mẩn đỏ loang lổ vì ngứa, thế mà vẫn đang cặm cụi ngồi viết số trên những tờ giấy nhỏ để mở xổ số. Aurêlianô Sêgunđô đứng chết lặng, và vì lúc này ông cũng gầy nhom với dáng vẻ trang nghiêm nên Pêtra Côtêt không thể tưởng được rằng người trở lại tìm ả là người tình suốt đời mà lại tưởng rằng người ấy là người anh em sinh đôi của ông.

- Mình điên rồi sao, - ông nói. - Mình định lấy xương trắng ra mà trả thưởng sao?

Ả vội bảo ông nhìn vào buồng ngủ và Aurêlianô Sêgunđô nhìn thấy một con la cái. Nó gầy guộc, chỉ còn da bọc xương như chủ nhân của nó, nhưng nó linh lợi và kiên quyết như bà chủ.

Pêtra Côtêt đã nuôi nó bằng chính nỗi hờn giận của mình và khi hết nhẵn cỏ, ngô, rễ cây, ả đã mắt nó vào buồng ngủ của mình, cho nó ăn những tấm ga trải giường bằng phin nõn, những tấm thảm Ba Tư, những chiếc chăn dạ, những tấm rêm nỉ, tấm áo thụng thêu chỉ kim tuyến rồi đến cả những chiếc tua bằng lụa trang trí quanh chiếc giường đức Giáo chủ của ả.

Chú thích:

(1) Tượng đài bề mặt trăng được dựng ngay ở cứa vào của Roda (thuộc Hy Lạp) là một trong bảy kì quan thế giới, đã bị động đất làm sập đổ.

(2) Một thứ hoa nhàu vàng có nhiều ở vùng đất Trung Mỹ quanh biển Caribê.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.