Đại mạc sở dĩ trở thành đại mạc, không phải trời sinh mà là sau này mới tạo thành.
Chiến trận nhiều năm như vậy, bị muôn vàn vó ngựa đào lên nhiều năm như vậy,
bị trăm họ hai nước vứt bỏ nhiều năm như vậy, thế là trở thành bộ dáng
bây giờ, đất màu bị trôi, cát bụi đầy trời, một chút cũng không hề đáng
yêu.
Nhưng ở một nơi ít dấu chân người sâu trong đại mạc lại có liễu rủ hoa cười, hình ảnh hoàn toàn trái ngược.
Dưới khe núi Thiên Nhận sau Dị Thiên Nhai, một dòng suối nước nóng trong
suốt như ngọc đang bốc hơi nóng nhè nhẹ, xung quanh cỏ xanh hoa đỏ, sắc
xuân tươi đẹp, rất nhiều đóa hoa dâm bụt nở đầy trên cây cao, màu sắc đỏ tươi như lửa.
Bên dòng suối, một con ngựa lớn màu đỏ tía cực kì
thần tuấn đang nhàn nhã nhai cỏ non, ăn rất ngon lành, rất nhập tâm,
chính là con ngựa đầu đàn hôm đó đã so cước trình với con Truy Phong màu đen trên thảo nguyên Dã Tây.
Con ngựa này thân cao chân dài, mắt như chuông treo, cơ bắp toàn thân săn chắc dẻo dai, tuyệt không có một
chút mỡ thừa nào, da dẻ toàn thân bóng loáng, lông bờm dài mượt từng sợi rõ ràng rủ xuống bên cổ, dáng vóc cực tốt, nếu như có một cuộc thi ngựa mẫu thì giành giải nhất cũng không có vấn đề lớn.
Nhưng nếu chỉ có những thứ này thì chỉ có thể nói nó tuấn, không thể nói nó thần.
Thế gian này tuấn mã rất nhiều, thần mã lại rất ít, ngựa vừa thần vừa tuấn ít lại càng ít.
Sở dĩ con ngựa màu đỏ tía này được gọi là thần tuấn, điểm mấu chốt là ở dưới chân nó.
Dưới chân nó có đống đen sì sì mượt như nhung, nhìn kĩ lại thì hóa ra là một con báo đen cực kì hiếm thấy, toàn thân đen tuyền không hề có một sợi
lông khác màu. Tuy nó còn bé, thân hình chưa cao to nhưng nanh vuốt đã
rất sắc bén, lấp lánh ánh sáng lạnh, đủ để xé nát những con mãnh thú to
hơn nó nhiều.
Nhưng lúc này con mãnh thú đó lại đang làm nũng, đối tượng làm nũng chính là con ngựa to đang vùi đầu gặm cỏ như chết đói đó.
Con báo đen thân thiết cọ đầu vào chân ngựa, con ngựa không thèm nhìn, bực
bội giơ chân đá văng ra. Con báo đen lăn mấy vòng dưới đất, lắc đầm ngẫm nghĩ một hồi rồi lại chạy tới cọ tiếp không hề nhụt chí, phong độ càng
đánh càng thua, càng thua càng đánh này thật khiến cho người ta bội
phục.
Đại nghiệp ăn cỏ bị quấy rầy, con ngựa càng phiền muộn, thế là co chân đá con báo càng xa hơn. Báo đen bò dậy, đầu óc choáng váng,
nhe răng nhếch miệng lộ ra nanh vuốt với con ngựa lớn rồi gầm lên mấy
tiếng.
Con ngựa không hề để ý, tiếp tục ăn cỏ, phất đuôi như vừa đuổi được một con ruồi đen kêu vo vo.
Thấy đe dọa không có hiệu quả, con báo nhỏ đành phải lại gần, nhưng không
dám tới gần quá mức, rụt rè đến nằm cách chân ngựa một đoạn, giơ vuốt
lên bắt mấy con bươm bướm.
Làm báo làm đến như thế, báo mẹ có biết thì nhất định sẽ xấu hổ mà chết.
Làm ngựa làm được như vậy, đúng là làm rạng rỡ tổ tông, các thế hệ tiền bối cũng được thơm lây.
Báo đen vô cùng buồn chán dùng chân trái đánh nhau với chân phải một lát,
đột nhiên khịt mũi hú dài một tiếng, hóa thành một vệt đen lao về phía
đứa bé vừa đi vào.
Đứa bé đưa tay che ngực, linh hoạt tránh thoát cú vồ tưởng như không thể trượt được của báo đen, vẫy tay chào hỏi con
ngựa: "Xin chào đại Hồng!"
Con ngựa phì mũi mấy cái, bốn vó khỏe
mạnh rung rung, ngẩng đầu quay ra nhìn về phía đám cỏ nước tốt tươi dưới suối, thể hiện rõ ràng sự khinh thường giận dữ đối với cái tên quá tầm
thường này.
Đứa bé lại xua tay với con báo đen dưới đất đang lấy đà lao tới, chào hỏi: "Xin chào tiểu Hắc!"
Con báo đen lập tức khúm núm ghé tới, ôm lấy chân đứa bé, thân thiết vuốt
ve, thể hiện rõ ràng sự hài lòng tuyệt đối với cái tên cũng tầm thường
chẳng kém gì này.
Đứa bé vuốt đầu báo đen, vui vẻ chạy vào ngôi
nhà tranh hơi cũ nát bên suối, hết sức phấn khởi kêu lên: "Tía, tía, con hái được nguyệt dạ liên rồi".
Tía không trả lời, tía không có nhà.
Trong nhà tranh rất sạch sẽ, trên giá sách bày đầy sách thuốc ngay ngắn, còn
có rất nhiều tập tranh vẽ các loại binh khí hình thù kì quái.
Nét mực trên bức tranh đặt trên bàn sách còn chưa khô, hình vẽ là một người đẹp không hề ngoài dự tính.
Tía chưa bao giờ vẽ thứ khác, chỉ vẽ người đẹp, hơn nữa chỉ vẽ cùng một
người đẹp, chính diện, mặt bên, mỉm cười, hờn dỗi, tức giận, muộn sầu,
các loại hình thái biểu cảm trông sống động như thật. Người đẹp trên mỗi bức tranh đều cài một đóa hoa dâm bụt đỏ tươi trên mái tóc, sóng mắt
long lanh, xinh xắn vô ngần.
Từ đó suy ra tía vẽ rất giỏi, hơn
nữa lúc vẽ tranh luôn mang nặng tình cảm, bởi vì muốn vẽ một mĩ nhân đẹp như vậy thì không phải chỉ cần dùng đến tay mà còn phải dùng đến cả
trái tim.
Đứa bé hết sức thận trọng đặt một cái chặn giấy bằng đá lên trên bức tranh để khỏi bị gió thổi bay, sau đó thành thạo cho củi
vào bếp, lấy một miếng thịt gà rừng sấy khô ra thái lát cho vào nồi gạo
đặt lên bếp.
Sau khi bị ốm, tía chỉ có thể ăn cháo. Cháo gà rừng
có dinh dưỡng, bổ nguyên khí, quan trọng nhất là gà rừng rất ngốc, bắt
không hề tốn công, cho nên ngày nào bóng dáng nho nhỏ này cũng cho tía
ăn cháo gà rừng. Nếu có một ngày tía thay đổi khẩu vị, đổi gà rừng thành thỏ hoang thì phiền phức sẽ tăng gấp bội.
May là tía rất dễ nuôi, chưa bao giờ đòi đổi thực đơn.
Nhanh chóng làm xong tất cả những việc này, đứa bé lấy cây nguyệt dạ liên cất trong lòng ra, hết sức thận trọng đặt xuống đầu giường tía, đứng nhìn
hết sức vui mừng.
"Tía nói hái được nguyệt dạ liên, bệnh của tía sẽ khỏi. Sau khi khỏi bệnh, tía sẽ dẫn mình đến thị trấn mua quần áo mới".
Đứa bé cầm chéo áo bằng vải thô vừa cũ vừa rách trên người, gương mặt hơi
đỏ lên. Việc gì tía cũng biết làm, chỉ không giỏi nữ công, may quần áo
rất kì cục, mình lại phải lăn lê bò toài khắp nơi, chưa mặc được bao lâu đã rách nát tả tơi. Thực ra mình cũng không thích quần áo mới cho lắm,
chỉ cần tía khỏi bệnh thì có mặc bộ quần áo rách này mấy năm cũng không
sao cả.
Chỉ là, tía, cháo gà rừng trong nồi đã tỏa mùi thơm rồi, vì sao tía vẫn còn chưa về?