(Nếu thật sự thích một người, nơi đây là nơi đó, nơi đó cũng là nơi đây. Người đó ở đâu, chân trời ở đó).
Đầu xuân sang năm sẽ đến ngày thế tử Lăng Nam vương làm lễ trưởng thành.
Liên quan đến thể diện hoàng gia, lại là đứa cháu Vũ Định đế thích nhất, tin tưởng nhất, vì vậy buổi lễ trưởng thành này của phủ Lăng Nam vương
không thể không tổ chức long trọng. Thậm chí hoàng thượng đã chỉ định
trực tiếp cho bộ Lễ và Hồng Lư tự phối hợp xử lí việc này, một đại sự
trong thành Thượng Kinh thời gian tới.
Lâu Dự không để ý đến những chuyện này, thậm chí chàng còn quên khuấy
mất, đến tận lúc Lăng Nam vương phi sốt ruột không thể chịu nổi, sai
người mang thư nhà chạy khẩn cấp ba trăm dặm một ngày tới giục con trai
nhất định phải về Thượng Kinh đúng thời hạn.
Cả ngày ở lì trong quân doanh không về nhà cũng đành, ngay cả nghi thức
trưởng thành quan trọng nhất của một người đàn ông cũng định không dự,
người làm mẹ sao có thể không đau buồn cho được? Hoàng thượng cũng đến
dự, nếu nhân vật chính không về thì Lăng Nam vương phủ đâu còn mặt mũi
nào?
Lâu Dự nhận thư, nghĩ đến cảnh mẫu thân nổi giận lôi đình, biết không
chọc được nên đành tập trung tinh thần bắt đầu chuẩn bị chuyện về kinh.
Hành lí đồ đạc đều có Tống Bách Lý chuẩn bị cho hết, Lâu Dự dẫn theo mấy sĩ quan tùy tùng về kinh báo cáo công việc.
Trong danh sách các tướng sĩ về kinh báo cáo, Lâu Dự tự tay ghi tên các
tướng lĩnh trẻ tuổi tinh nhuệ như Lưu Chinh, Triệu Vô Cực, Trần Thiên
Kỳ, còn những người đã có vợ thì không cần đi theo mà được nghỉ dài ngày về nhà thăm vợ con.
Cuối cùng trong danh sách nhân viên tháp tùng, Lâu Dự tự tay điền một cái tên: Thân binh Loan Loan.
Với quân hàm của Loan Loan thì dù thế nào cũng không đến lượt cô bé về
kinh báo cáo, nhưng sau khi Lâu Dự nhận Loan Loan làm thân vệ thì tình
hình đã khác. Thân binh của thế tử đương nhiên phải đi theo bên cạnh
không rời một phút, vì vậy dẫn Loan Loan về kinh đã trở thành chuyện hợp lí.
Lương Châu và Thượng Kinh cách xa nhau ngàn dặm, ra roi thúc ngựa không
ngủ không nghỉ cũng phải mất mười ngày. Thời gian đến khi tổ chức lễ
trưởng thành vẫn còn dài, trong kinh thành cũng không có chuyện thú vị
gì, Lâu Dự liền quyết định chậm rãi mà đi, kéo dài thời gian, trên đường chỉ rong ruổi cưỡi ngựa ngắm cảnh, vào quán uống rượu, xem chim ưng bay lượn, cỏ cây rậm rạp, nghe tiếng suối róc rách, tuyết rơi sàn sạt, cực
kì tiêu dao tự tại.
Lâu Dự xuất thân phú quý, lớn lên trong quân doanh, chuyện ăn mặc đi lại mặc dù không kén chọn nhưng khiếu thẩm mỹ vẫn rất tinh tế. Lại thêm tầm nhìn rộng rãi, đọc vô số sách, biết dân sinh, hiểu quân sự, thông phong tục, khí độ phú quý ngấm sâu vào người, bình thường xắn tay áo ngồi
uống trà lạnh ở quán trà ven đường cũng rất tự nhiên, không hề có gì
không hợp.
Tới bất cứ chỗ nào cũng có thể kể lại được những truyền thuyết điển cố
liên quan, cầm kì thi họa rượu trà ca phú đều nâng lên được hạ xuống
được, đúng là một người đồng hành thông thái cần có khi bôn ba đường
dài.
Không cần nói Loan Loan, ngay cả đám người Lưu Chinh và Triệu Vô Cực
cũng lần đầu tiên nhìn thấy một thế tử Lăng Nam vương như vậy, tất cả
đều cảm thấy lạ lẫm.
Những lần về kinh trước, thế tử chỉ miệt mài lên đường, đừng nói là ngắm phong cảnh mà ngay cả nghỉ ngơi hay ăn cơm cũng ngại phiền phức. Thỉnh
thoảng dừng lại quan sát cũng không phải vì muốn ngắm cảnh mà tám chín
phần mười là sẽ chỉ địa hình nơi này nơi nọ, nói những chuyện không có
gì thú vị như "Ờ, nơi này thích hợp để mai phục, ta thấy khoảng năm trăm người là tốt nhất..." Đâu có lần nào như lần này, ngựa đi còn chậm hơn
lạc đà, nói nhiều không kém một kẻ lắm mồm nào, nhìn thấy nơi nào có
cảnh đẹp liền dừng lại, một đóa hoa, một cây gỗ, một nhánh cỏ, một con
sông cũng có thể nói một hồi lâu, đầu mày khóe mắt đều lộ rõ vẻ hưng
phấn dào dạt.
Mấy người vừa trợn mắt nghẹn lời vừa thầm thán phục trong lòng, thì ra
thế tử của chúng ta cũng có thể phong lưu tao nhã như vậy.
Có một ngày những lời thì thầm này của Lưu Chinh và Triệu Vô Cực bị Loan Loan nghe thấy, cô bé chạy đi hỏi Lâu Dự với vẻ mặt chán ghét: "Bọn họ
ai cũng nói anh phong lưu. Tía nói đàn ông phong lưu nhất định không thể tin được. Thì ra anh là người như vậy".
Lâu Dự thản nhiên mỉm cười: "Anh là người hết sức đứng đắn, có gì phong lưu đâu?"
Loan Loan quay lại nhìn mọi người, ánh mắt Lâu Dự sau lưng Loan Loan bay vù vù như đao, mọi người rùng mình, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, không
ai không gật đầu như đập tỏi: "Loan Loan, ngươi nghe nhầm rồi. Bọn ta
nói là phong độ chứ không phải phong lưu. Thế tử điện hạ có phong độ, có phong thái, có phong tư, có phong vận, chỉ riêng phong lưu là không
có..."
Vì thái độ khác thường của Lâu Dự lần này nên hành trình vốn buồn tẻ đơn điệu lại trở nên cực kì sinh động thú vị.
Từ nhỏ lớn lên trên thảo nguyên đại mạc, dọc đường đi, cô bé Loan Loan
quê mùa chỉ cảm thấy nơi đâu cũng là cảnh đẹp, mọi thứ đều rất lạ lẫm.
Lâu Dự lại là một người giỏi ăn nói, điển cố truyền thuyết vô số kể,
muốn bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Loan Loan nghe mà như mê như say, khi
vui mừng khi sợ hãi, ngay cả đến tối cũng bắt Lâu Dự kể mấy chuyện rồi
mới chịu đi ngủ.
Có một hướng dẫn viên uyên bác và thú vị như vậy, Loan Loan được đại
khai nhãn giới, vui vẻ quên cả trời đất. Hai người, một thích nghe, một
muốn nói, lộ trình mười ngày mà phải đi hơn nửa tháng mới đến.
Lâu Dự mặc dù đã phong hầu nhưng hàng năm đều ở trong quân đội nên chưa
lập phủ riêng ở Thượng Kinh mà vẫn ở vương phủ như trước.
Phủ Lăng Nam vương đã nhận được tin hôm nay thế tử sẽ về đến nơi, Lăng
Nam vương phi hết sức phấn khởi đích thân dẫn toàn bộ đầy tớ và hầu gái
dọn dẹp vương phủ sạch sẽ gọn gàng, phòng thế tử được lau chùi sáng như
gương, ngay cả một hạt bụi cũng không tìm được. Nhà bếp nấu những món
thế tử thích ăn, mùi thơm tràn ngập.
Nào ngờ từ sáng sớm đến tận đêm khuya, trăng cũng đã mọc mà vẫn chưa thấy bóng dáng thế tử đâu.
Đám gia nô từ sáng sớm đã bừng bừng hào hứng chờ thế tử về, nhưng sự hào hứng này đã hao mòn dần theo thời gian, đến lúc này đã mỏi mòn héo úa
như lá vàng mùa thu.
Trong lúc mọi người đều cho rằng tin tức thế tử về phủ là giả, một thớt
ngựa chạy vội tới vương phủ, quân sĩ mặc quân phục Hắc Vân kị xuống ngựa báo tin thế tử đã đến.
Phủ Lăng Nam vương không giống những phủ khác, hai cha con đều là đại
tướng tay nắm trọng binh, cho nên tất cả đều tuân theo chế độ trong quân đội. Đám gia nô cũng xem như được huấn luyện kĩ càng, sau khi nhận được tin liền nhanh chóng tập kết, lũ lượt chạy từ các nơi như sương phòng,
nhà bếp, vườn hoa ra ngoài tiền đình.
Khi bọn chúng chạy tới tiền đình, còn chưa đứng vững đã thấy một đội kị
binh Hắc Vân kị đông nghịt thúc ngựa chạy đến. Những người đàn ông đã
quen chinh chiến sa trường này dù có vào thành Thượng Kinh cũng không hề thu lại hào khí máu lửa trên người một chút nào. Khi chạy trên đường
cái còn khống chế tốc độ một chút, khi đến cách cổng phủ trăm mét liền
không còn e dè, thúc ngựa lao tới rầm rập như đạp trăng đuổi sao. Một
con ngựa cao lớn toàn thân đen tuyền, bốn vó trắng như tuyết dẫn đầu lao nhanh tới trước cổng phủ mà tốc độ không hề chậm lại. Đúng lúc sắp lao
vào con sư tử đá ngồi trước cổng phủ, kị sĩ trên ngựa mới ghìm ngựa thu
cương không nhanh không chậm.
Truy Phong đứng thẳng người lên, phát ra tiếng hí dữ dằn, hai móng trước hạ xuống đập vỡ tan một góc bậc cửa bằng bạch ngọc.
Cùng với động tác của Lâu Dự, hơn mười kị sĩ phía sau lần lượt ghìm cương, cúi người, động tác đều tăm tắp giống như một người.
Hơn mười thớt ngựa vững vàng dừng lại trước cổng phủ, khí độ ung dung.
Lâu Dự và các tướng tung người xuống ngựa, gót giày đạp xuống đất phát
ra tiếng vang nặng nề làm tuyết đọng bay lên tán loạn, người xem khí
huyết sôi trào.
Đám gia nô quỳ xuống đất kính cẩn nghênh đón, trong lòng hồi hộp. Mỗi
lần thế tử về phủ đều giống như thu binh từ sa trường về, kẻ hầu người
hạ đều kinh hãi, toát mồ hôi lo lắng thay cho hai con sư tử đá canh
cổng. Bao nhiêu năm nay vẫn hoàn hảo nguyên vẹn, hai con sư tử này quả
nhiên là may mắn.
Loan Loan đứng trước cổng ngẩng đầu nhìn bốn chữ "Phủ Lăng Nam vương"
nạm vàng như rồng bay phượng múa trên cổng, trong lòng cảm xúc lẫn lộn.
Nơi này chính là nhà của anh ấy.
Thấy Loan Loan đứng ngẩn người, Lâu Dự vuốt tóc cô bé theo thói quen, mỉm cười: "Loan Loan, chúng ta về đến nhà rồi"