Các trạm gác ngầm của Mông Nguyên trên núi Lang Nhũ bị quân Tuỳ thanh lý sạch sẽ, quân đội Đại Tuỳ lập tức xuất phát từ thành Phan Cố. Và sở dĩ phía tây dãy núi Lang Nhũ có thành Niết Bàn, còn phía đông dãy núi thì có thành Phan Cố, là vì dãy núi Lang Nhũ kéo dài cả ngàn dặm chỉ có một hạp cốc dưới này có thể thông hành. Cho nên, Mông Nguyên và Đại Tuỳ không hẹn mà đều đặt biên thành ở hai bên hạp cốc này.
Năm xưa Đại Hán Mông Nguyên, Khoát Khắc Đài Mông Ca, và Thiên Hữu Hoàng Đế của Đại Tuỳ, Dương Dịch, gặp nhau ngay tại nơi rộng nhất ở chính giữa hạp cốc này. Địa thế ở đây cực dễ mai phục. Năm xưa khi Hoàng Đế và Mông Ca chọn đây làm nơi gặp mặt, tất cả triều thần đều phản đối, sợ rằng người Mông Nguyên mai phục.
Lúc đó, Hoàng Đế bệ hạ của Đại Tuỳ chỉ cười nhẹ và nói:
- Các ngươi lo người Mông Nguyên mai phục, vậy người Mông Nguyên làm sao mà không lo chúng ta sẽ xuất binh? Nếu đã đều lo lắng, đều e sợ, đều đề phòng, ngược lại là an toàn nhất. Trẫm cứ yêu cầu gặp Mông Ca ở đó, để xem Mông Ca có gan đến không.
Hoàng đế Đại Tuỳ dám đến, Đại Hán Mông Nguyên sao mà không dám? Mặc dù các vị cao quan của Mông Nguyên lúc đó như Ai Cần, Đặc Cần đều khuyên ngăn Mông Ca, nhưng y dùng lí do gần như giống hệt với Hoàng đế Đại Tuỳ từ chối ý tốt của thần tử.
Hơn trăm năm nay, đây là cuộc hội mặt lần thứ hai của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước. Lần đầu tiên là khi Đại Hán Mông nguyên và Thái Tổ Hoàng Đế Đại Tuỳ kí Hiệp ước ngừng chiến, xác định biên cương hai nước.
Cho nên, lần hội đàm này, đôi bên đều rất xem trọng. Ai cũng không muốn mất tôn nghiêm, đương nhiên cũng không muốn thiếu lễ nghĩa. Tuy rằng người Mông Nguyên không có quá nhiều điều phức tạp về lễ nghĩa, nhưng một đế quốc có lịch sự nghìn năm đương nhiên cũng hình thành bộ lễ nghĩa đặc thù của riêng họ. Nói một cách đơn giản dễ hiểu chính là mặt mũi, danh dự, không thể tỏ ra quá keo kiệt trước mặt đối phương được.
Ngày hôm đó, lãnh đạo song phương chỉ đem theo hơn trăm tuỳ tùng đến Thanh Hạp gặp mặt. Đi theo Hoàng Đế Đại Tuỳ là chỉ huy Sở Đại Nội thị vệ La Uý Nhiên, và sứ trấn phủ Tình nha Hầu Văn Cực, Đại Tướng quân Ngu Mãn Lầu suất tám mươi giáp sĩ đi theo. Văn quan thì do Lễ bộ Thượng thư Hoài Thu Công dẫn đầu, còn có hai vị đại học sĩ của Văn Uyên Các và Thư Hoa Các.
Bên Mông Nguyên, hộ vệ của Mông Ca là tám mươi vị võ sĩ Kim Trướng, đệ đệ của Mông Ca – Đặc cần Khoát Khắc Đài Mông Liệt đích thân giơ dù cho ca ca mình, hai người hầu không rõ tên họ, một vị tăng nhân thân mặc tăng y màu xám bên ngoài là áo cà sa màu đỏ, còn có Kỳ chủ mãn Đô Kỳ, Mãn Đô Lạp Đồ đi theo sau.
Song phương hội đàm tại Thanh Hạp này trong ba ngày liên tiếp. Đến sau cùng, không ngờ hai vị Đế Vương lại cùng nhau du ngoạn núi Lang Nhũ, cười nói vui vẻ, không thấy mảy may địch ý. Tuỳ tùng hai nước ở phía sau nhìn mà kinh ngạc đến nỗi há hốc mồm miệng. Nói ra, hai vị đế vương này lại có tính cách cực kì giống nhau, Mông Ca hiểu nhiều về điển cố người Hán, Dương Dịch cũng biết tường tận nhiều sự kiện ở Mông Nguyên. Hai vị đế vương đàm cổ luận kim, cùng đeo nón tre ngồi câu cá bên bờ hồ, thậm chí còn có cả ý định cưỡi ngựa tỉ thí tài bắn cung. Nếu không phải thần tử hai nước ngăn cản, chỉ sợ cả hai người sẽ tổ chức một buổi đi săn cũng không chừng.
Chỉ là không biết thứ được săn, sẽ là cái gì thôi.
Trước buổi gặp mặt này, ai cũng chưa từng nghĩ tới hai vị chí tôn tối cao từ khi sinh ra đã được định sẵn là kẻ địch của nhau, lại có thể ở chung với nhau hoà thuận như vậy, viên mãn như vậy, không một lần tranh cãi, mà giống như là hai người bạn lâu năm không gặp. Trong không khí vô cùng nhẹ nhõm như thế, Điều ước Mậu dịch được ký kết, chỉ định Phan Cố làm nơi giao thương của nhân dân hai nước. Địa điểm quyết định rồi, hai vị chí tôn không quan tâm tới nữa, giao cho đại thần hai nước, mặc cho họ tranh cãi gay gắt, không ngừng cò kè mặc cả.
Còn hai vị đó, muốn du sơn thì đi du sơn, hứng chí đi ngoạn thuỷ thì đi ngoạn thuỷ, bỏ lại mọi công việc cho thần tử của mình, trông có vẻ thư giãn thoải mái vô cùng.
Nhưng.
Sau khi hội đàm kết thúc, hai vị đế vương trở về nước, đều không hẹn mà cùng nhau hạ đạt một chỉ ý. Thiên Hữu Hoàng đế Dương Dịch hạ lệnh cho Đại Tướng quân Hữu Kiêu Vệ đang đóng quân tại tây bắc, Lý Viễn Sơn dời quân về phía tây một trăm năm mươi dặm, lại lệnh cho Đô đốc Sơn Đông Đạo gia tăng quân số của Quận binh. Đại Hán Mông Ca hạ lệnh cho kỳ chủ Mãn Đô Kỳ, Mãn Đô Lạp Đồ nhất định phải luôn duy trì năm vạn tinh binh có thể điều động ngay, lại lệnh cho Mãn Đô Lạp Đồ tuyển chọn tướng lĩnh thiện chiến nhất của Mãn Đô Kỳ tiếp thay vị trí tướng quân của Thành Niết Bàn, phòng thủ Thanh Hạp.
Chính vì hai người họ phát hiện, không ngờ đối phương lại có nhiều điểm giống mình đến thế, thông hiểu nhau là điều khó tránh, nhưng lòng kiêng dè kẻ địch vẫn mạnh hơn cả.
Các trạm gác ngầm của Mông Nguyên trên núi Lang Nhũ, lúc nào cũng giám sát Thanh Hạp, chỉ cần quân đội Đại Tuỳ tiến vào Thanh Hạp, họ sẽ lập tức đốt khói báo động (lang yên).
Lữ suất Hữu Kiêu Vệ, Hà Đại Tráng đem quân quét sạch thám báo người Mông Nguyên chỉ trong vòng một đêm. Tinh binh trăm người khi xuống núi, giờ chỉ còn lại sáu mươi bảy người.
Lúc trên núi, họ giấu thi thể của thám báo Mông Nguyên, sau đó vác lấy xác của đồng đội xuống núi. Đây là qui tắc lâu đời của quân nhân Đại Tuỳ, tuy không thành văn, nhưng trăm năm nay chưa hề thay đổi qua. Trừ phi rất bất đắc dĩ, nếu không họ sẽ không bỏ rơi người đồng đội nào hết, cho dù chỉ là cái xác lạnh ngắt.
Trời vừa sáng, đại quân chậm rãi tiến vào Thanh Hạp như một con rồng khổng lồ một cách quang minh chính đại. Năm ngàn tinh binh Hữu Kiêu Vệ dưới sự lãnh đạo của Lý Hiếu Tông, người đã phục chức Nha tướng ngũ phẩm nhìn hướng tây mà thẳng tiến. Thời khắc bước vào Thanh Hạp, Lý Hiếu Tông không kiềm được giật cương ngựa, quay đầu nhìn Phan Cố. Y biết, chỉ là đem quân bước vào Thanh Hạp này thôi, tên y cũng đã được viết vào sử sách.
Trăm năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên quân đội của Đế quốc Đông phương vượt núi Lang Nhũ, lần đầu tiên vượt qua phòng tuyến Phan Cố. Một canh giờ nữa thôi đại quân sẽ ra khỏi Thanh Hạp này, người Hán sẽ đặt bước chân đầu tiên lên thảo nguyên rộng lớn.
Sắc mặt của Lý Hiếu Tông trông có vẻ rất bình tĩnh, nhưng ai lại biết trong lòng y sớm đã sóng gió dâng trào.
Thời khắc này, y chờ đợi mười năm. Thời khắc này, Đại Tuỳ chờ đợi hết một trăm năm.
…
…
Dãy núi Lang Nhũ tuy rất cao, nhưng nhìn từ xa thì trông không có vẻ nguy nga cho lắm. Thế núi trải dài. Nhưng sự thật là muốn vượt qua núi này hầu như là điều không thể xảy ra. Trông thế núi có vẻ trải dài, không nguy hiểm thế thôi, chứ thật ra là rừng rậm dày đặc, dưới hình dáng dịu dàng tròn trịa như cái vú, núi Lang Nhũ ẩn chứa nguy hiểm chết người vô cùng vô tận.
Khoan chưa nói các mãnh thú như sài lang hổ báo trong núi rất nhiều, vào trong núi rồi mới phát hiện, cái mà bị màu xanh núi rừng che khuất chính là từng cái vách núi tuy không cao nhưng dốc đứng. Núi này, hình dáng rất kì lạ, dưới eo núi thậm chí có thể cưỡi ngựa mà đi, nhưng sau khi đến được eo núi rồi, từng cái vách núi sẽ xuất hiện trước mặt. Đại quân nếu muốn vượt qua, thì nhất định phải xây cầu treo để qua vực, công trình rất lớn, hao phí một lượng lớn sức người sức của để làm cái cầu treo, các binh sĩ phải mất bao lâu mới đi từng người mà qua hết đây?
Những vách núi dựng đứng ở phần trên eo núi này, giống như là bức tường mà ông trời tạo ra, để ngăn cản mối bất hoà giữa hai người con trai mà mình yêu thương; nhưng cũng không muốn hai đế quốc hùng mạnh nhất này mất đi liên hệ, Thanh Hạp chính là cầu nối duy nhất.
Đại Tuỳ và Mông Nguyên, cũng giống như là những người khổng lồ đã không còn có thể trưởng thành hơn nữa trên địa bàn của mình. Họ đã phát triển đến cực hạn những thứ cần phát triển trên vùng đất của mình. Nếu không đi ra ngoài, ai cũng không thể cao thêm một mét nào hết. Kỵ binh của Mông Nguyên, tunh hoành đại thảo nguyên, các bộ lạc sớm đã thần phục và không dám nảy sinh mảy may lòng bất kính nào hết. Cờ Phi Lang đi tới nơi nào, các mục dân ở đó đều cúi đầu tham bái.
Còn bộ binh cỉa Đại Tuỳ, đã lớn mạnh tới mức ở trung nguyên không còn địch thủ. Từ khi Thái tổ Hoàng đế Đại Tuỳ khởi binh, bộ binh Đại Tuỳ đã đi trên một con đường huy hoàng, và không ngừng thẳng tiến. Bất luận là Nam Trần từng độc bá Giang Nam và được xưng là thuỷ sư vô địch, hay Đại Thương ở tây nam binh lính trăm vạn. Những người khổng lồ nguy nga này đều bị người khổng lồ mới nổi dậy này một đấm hạ gục. không còn có thể đứng lên được nữa. Và cho tới bây giờ, người không lồ Đại Tuỳ này trở nên cô độc, không có địch thủ, không có xác của kẻ địch làm bàn đạp, nó không thể vươn cao hơn nữa.
Có lẽ, một trận chiến giựa hai quốc gia này là không thể tránh khỏi.
Hoàng đế Đại Tuỳ Dương Dịch từng nói, cho dù trẫm không xuất binh đánh Mông Nguyên, ai có thể đảm bảo rằng Mông Nguyên sẽ không ra tay với Đại Tuỳ của trẫm. Tuy trẫm chỉ gặp qua Mông Ca một lần, nhưng trẫm có thể nhìn thấy tham vọng của y đối với trung nguyên từ trong mắt y. Chỉ cần thời cơ chín muồi, y sẽ không ngần ngại đem lang kỵ Mông Nguyên vượt núi Lang Nhũ. KHông lẽ phải đợi đến lúc gót ngựa Mông Ca đến tận Hoàng Hà rồi trẫm mới đánh lại sao?
Từ trước đến giờ, chỉ có Đại Tuỳ đứng cười sung sướng trên lãnh thổ kẻ địch, chứ không có chuyện kẻ địch đặt chân lên đất Đại Tuỳ này.
Lý Hiếu Tông, chỉ là một Lý Hiếu Tông quân chức ngũ phẩm.
Một Lý Hiếu Tông từng phạm phải nợ máu.
Trong ánh mắt nhìn lại thành Phan Cố ấy, ẩn chứa bao nhiêu điều phức tạp. Y từng không chỉ một lần nghĩ, đem theo tám trăm biên quân đó đặt chân lên thảo nguyên phương tây. Những người lính biên quân đó, y hi vọng họ là những cánh tay của y biết bao, vung lấy cây hoành đao Đại Tuỳ trong tay, cùng y kiến công lập nghiệp.
Nhưng. Tất cả đều tan thành mây khói sau trận tàn sát đó.
Đêm hôm đó, người cần giết thực chất chỉ có Ngô Bồi Thắng. Phương Giải… chỉ là một kẻ đáng chết vào lúc thích hợp thôi. Từ lúc bắt đầu, khi Lý Viễn Sơn cho Ngô Bồi Thắng đem người tới Phan Cố giết Phương Giải, chính là một cái bẫy dụ Ngô Bồi Thắng đến Phan Cố. Cho dù không có Phương Giải, cũng sẽ có người như Lý Giải, Tôn Giải, Trần Giải làm cái cớ để dụ Ngô Bồi Thắng. Mà khi Ngô Bồi Thắng tiến vào thành Phan Cố, hai ngàn bá tánh và tám trăm biên quân trong thành đã được định sẵn làm vật hi sinh rồi.
Phương Giải, chỉ là một con cá lọt lưới không đáng kể thôi. Và về sau, con cá lọt lưới này lại trở thành thủ đoạn của kẻ khác.
Xem ra, tất cả những âm mưu và bẫy nhằm vào Phương Giải, thật ra mục tiêu chính là Ngô Bồi Thắng, cái lão hoạn quan đã mất đi phần lớn quyền lực của một Thái Giám Bỉnh bút, người không nên đến tây bắc nhất. Nếu chỉ là giết Phương Giải, thì cần gì phải đồ thành (giết hết tất cả người trong thành)? Cả thành chết hết, chẳng qua chỉ là hoả mù được tung ra vì cái chết của Ngô Bồi Thắng, che đi mắt của rất nhiều người.
Không ai biết, sự thật đằng sau chuyện Phương Giải có thể sống và đến được Đế đô Trường An, đâu phải chỉ đơn giản là vì sự bảo vệ của bọn Đại Khuyển, bản thân hắn cũng khá may mắn?
Chỉ cần Phương Giải không chết, các tai mắt trong Đế đô mới tập trung hết vào hắn. Và Ngô Bồi Thắng quan trọng nhất, lại trở thành người bị lãng quên. Phương Giải sống sót và tiến vào thành Trường An, những người muốn tìm ra chân tướng đằng sau vụ huyết án thành Phan Cố đương nhiên sẽ tập trung hết vào Phương Giải. Gần ba ngàn mạng người trong thành Phan Cố là một lớp hoả mù, Phương Giải… là một lớp khác.
Lý Hiếu Tông từ khi rời khỏi thành Trường An, lần đầu tiên dẫn đầu nhiều binh mã như vậy. Nhưng y không cảm thấy thấp thỏm lo lắng, ngoại trừ ánh nhìn phức tạp về phía thành Phan Cố, còn lại, ánh mắt y chứa đầy sự tự tin. Y xua đuổi những ý nghĩ đâu đâu đó, gạt bỏ hình bóng người thiếu niên thanh tú đột nhiên xuất hiện trong tâm trí y.
- Nhanh lên!
Y hạ lệnh với giọng thanh lạnh:
- Nhất định phải ra khỏi Thanh Hạp trong nửa canh giờ nữa, lập phòng tuyến ở phía đối diện hạp cốc, đặt các chướng ngại vật, nhất định phải giữ lấy cánh cửa này cho đại quân.
- Vâng!
Thủ hạ y vâng một tiếng, rồi lập tức thổi quân kèn ra hiệu di chuyển nhanh hơn. Năm ngàn tinh binh nghe hiệu lập tức tăng tốc, các binh sĩ chạy nhanh đến vùng đất chưa từng được biết đến ở phía đối diện hạp cốc.
Ánh mắt của mỗi người, đều nóng bỏng cực kỳ.
…
…
Phía tây Thanh Hạp, mười mấy kỵ sĩ Mãn Đô Kỳ thúc ngựa phi nước đại về phía Thanh Hạp. Kỵ binh dẫn đầu, Thập phu trưởng lớn tiếng la to:
- Mỗi ngày trước khi mặt trời mọc, các thám báo trên núi đều sẽ báo tin bình yên vô sự. Nhưng hôm nay không thấy tin báo đến, cũng không biết có phải các huynh đệ ấy xảy ra chuyện rồi không. Ở bên kia núi, đại quân người Tuỳ đã bắt đầu tập kết, không được sơ ý. Nhanh hơn nữa, đi nhanh đến Thanh Hạp kiểm tra! Phía đông núi Lang Nhũ là vùng đất yêu ma mà ngay cả Trường Sinh Thiên cũng từ bỏ, mấy người Tuỳ đáng chết đó chuyện gì cũng làm ra được.
- Vâng!
Các kỵ binh phía sau vâng một tiếng chỉnh tề, theo sát sau lưng Thập phu trưởng.
Khi họ chạy đến Thanh Hạp, thì lá cờ lớn màu đỏ rực từ trong Thanh Hạp đi ra như áng mây đỏ lúc chiều tà. Tiếp sau đó, khói bụi từ trong hạp cốc tung bay mà đến, trong đám khói bụi đó, là vô số các bộ binh giáp đen người Tuỳ bước ra.
- Người Tuỳ!
Một kỵ binh Mãn Đô Kỳ khó giấu sự kinh hoàng mà hô lên một tiếng, giọng nói có chút phát run.
- Ba người các ngươi trở về báo tin, nói là người Tuỷ đã xuyên qua Thanh Hạp rồi! Chúng ta yểm hộ cho ba người các ngươi, đi mau đi!
Thập phu trưởng la lớn một câu, sau đó rút loan đao treo ở eo ra.
Bên kia, trong quân đội người Tuỳ cũng đã phát hiện bọn họ, phân ra mấy mươi kỵ binh từ trong đội kỵ binh không nhiều quân lắm, phi ngựa đến bên này.
- Đại Tuyết Sơn ban cho chúng ta sức mạnh vô song, pháp lực của Minh Vương ban cho ta bách chiến bách thắng!
Thập phu trưởng thành tín hô lên một câu, đem theo bảy tám thuộc hạ nghênh đón kẻ thù định mệnh của họ mà không hề chùn bước. Người Đại Tuỳ kiêu ngạo, người Mông Nguyên, chẳng phải cũng thế sao?