Ung Châu nằm ở Bình Thương Đạo của Đại Tùy, hai chữ ‘Bình Thương’ là do tiên đế đặt với ý nghĩa là bình định Thương Quốc. Nếu như Đại Tùy yên ổn thái bình thêm hai trăm năm nữa, thì có lẽ dân chúng Bình Thương Đạo sẽ quên đi nghĩa của hai chữ này.
Nhưng giờ thì chưa.
Đại Tùy diệt Thương mới chỉ hai mươi mấy năm. Lúc ấy người 23 tuổi giờ đã là một người già hoài cựu rồi. Mà những thứ mất đi, thường là những thứ nhớ lâu nhất. Chẳng hạn như người yêu, lúc ngươi buông cái tay đã dắt theo nhiều năm rồi cảm thấy chán ghét, thì có lẽ vào một đêm dài nào đó, ngươi sẽ co rúc vào trong chăn khóc lóc nhớ lại những thứ đẹp đẽ mà ngươi mất đi.
Thường thường vào lúc này, những thứ tốt đẹp sẽ chiếm cứ cả trái tim một người.
Dân chúng Bình Thương Đạo cũng như vậy. Thanh niên dưới hai mươi mấy tuổi không trải qua trận chiến kia, ấn tượng của bọn họ với Thương Quốc chỉ là qua những lời kể lúc trà dư tửu hậu của bậc cha chú. Mà trong hồi ức của những cụ già, Thương Quốc là một nơi tốt đẹp, sánh ngang với thiên đường.
Thứ tình cảm như vậy nghe có vẻ là hoài niệm, nói khó nghe thì là già mồm cãi láo.
Lúc Thương Quốc diệt vong, đã hủ bại đến mức khó mà sửa lại được. Bằng không cho dù quân đôi Đại Tùy có tinh nhuệ hơn nữa cũng không chiến thắng dễ dàng như vậy. Năm đó có bao nhiêu dân chúng Thương Quốc phất cờ hò rò vì quân Tùy? Năm đó có bao nhiêu binh lính Thương Quốc lâm trận phản chiến? Năm đó có bao nhiêu thương nhân xếp thành hàng hoan nghênh?
Mới hai mươi mấy năm, lòng người liền thay đổi.
Bởi vì dân chúng phát hiện ra rằng, điều tốt đẹp mà họ chờ mong không thấy đến. Tuy Đại Tùy có nhiều chính sách khuyến khách dân chúng Tây Nam, nhưng bất kỳ một triều đình nào cũng không thể công bình một cách tuyệt đối. Cho nên tất nhiên có một bộ phận cực đoan thường xuyên nhớ lại quốc gia từng khiến dân chúng lầm than kia. Trong miệng bọn họ, Đại Tùy chỉ là đồ bỏ đi, tất cả thuộc về Thương Quốc mới là xinh đẹp.
Có nhiều người như vậy, thì cần một lang trung chuyên để trị những người như vậy. Dùng con dao cắt đi bệnh trạng, thuận tiện còn cắt luôn cả đầu.
Lang trung này tên là La Diệu.
Có người gọi y là La đồ phu, có người gọi y là La mọi rợ.
Nhưng tất cả mọi người không thể không xưng hô y là, La Đại tướng quân.
Huyện Như Ý, quận Tùy An, Bình Thương Đạo, vào bảy năm trước có một người tên là Truy Thương bí mật cấu kết với dân chúng nơi này, bạo phát lần phản loạn đầu tiên chống đối sự thống trị của Đại Tùy. Những việc như vậy nếu thành công sẽ đổi tên thành khởi nghĩa. Nếu thất bại, dĩ nhiên chỉ có thể là phản loạn.
Cái người tên Truy Thương kia có tố chất của thần côn. Y bí mật hoạt động ở huyện Như Ý ba năm, thuyết phục được rất nhiều dân chúng gia nhập vào Như Ý giáo của y. Mà ngay cả Huyện lệnh và Huyện thừa huyện Như Ý đã trở thành đệ tử của y, hiếu kính cho y một số lượng lớn vàng bạc, châu báu, còn có hai tiểu thiếp như hoa như ngọc.
Bảy năm trước, Truy Thương kiêu ngạo cho rằng mình có thể đứng ở phía đối lập với Đại Tùy. Vì thế y kêu gọi dân chúng cầm lấy tất cả những thứ có thể gọi là vũ khí, như cuốc, xẻng, xoong nồi gì đó…Lúc đầu mấy nghìn tín đồ trung thành của Như Ý giáo chiếm lấy huyện thành. Sau đó đệ tử Như Ý giáo bắt đầu tuyên truyền bốn phía, nói Truy Thương là Chân Mệnh Thiên Tử chuyển thế.
Cái gì gọi là Chân Mệnh Thiên Tử?
Như thế nào mới khiến dân chúng tin tưởng y là Chân Mệnh Thiên Tử?
Đơn giản.
Truy Thương sai người chôn một tảng đá có khắc chữ to xuống lòng sông rồi giả vờ đào được. Trên tảng đá có viết y chính là Chân Mệnh Thiên Tử, rồi lừa gạt được rất nhiều người. Sau đó y giả thần lộng quỷ nói mình được truyền thừa của Như Ý Lão tổ, nói ra một số lời tiên đoán lại lừa không ít người. Sau đó y sai người tuyên dương xung quanh rằng y mới là Thái tử điện hạ mai danh ẩn tích của Thương Quốc, vì thế lại lừa được một số lớn người.
Về phần Như Ý Lão tổ là ai, có quỷ mới biết được. Tuy nhiên trong miêu tả của Truy Thương, ngay cả Đại Luân Minh Vương cũng phải thăm viếng Như Ý lõa tổ.
Tiên đoán của thần.
Huyết mạch Hoàng tộc.
Những điều từ trước tới nay có thể khiến ngu dân tin tưởng nhất, khiến bọn họ tin tưởng hơn cả vị Hoàng Đế Đại Tùy mà đã liên tiếp giảm thuế má, lương thức trong bảy năm cho bọn họ. Truy Thương cảm thấy mình đã khống chế được huyện Như Y, có thể bắt đầu khuếch trương ‘Quốc thổ’ sang xung quanh. Y liền không chút do dự hành động. Lập tức phong Như Ý Huyện lạnh làm Đại Thừa Tướng, phong Huyện thừa làm Binh Mã Đại Nguyên Soái, kêu gọi Như Ý giáo đồ tụ tập lại tổ chức và thành lập quân đội.
Lúc ấy chuyện này huyên náo vô cùng lớn.
Mà Đại tướng quân La Diệu chỉ dùng phương thức đơn giản để xử lý việc này, một phương thức khiến người không khỏi hít một hơi khí lạnh.
Lúc ấy La Diệu đang ở trong thư phòng luyện chữ, nghe thuộc hạ báo cáo, y không dừng bút mà tiếp tục viết xong một bài thơ thất tuyệt với bút pháp tinh tế rồi mới đặt bút xuống. Y hỏi thuộc hạ của mình, huyện Như Ý là nằm ở đâu? Thuộc hạ của y mở bản đồ ra sau đó chỉ vị trí của nó. La Diệu nhìn nhìn, rồi cầm cái bút vừa nãy lên, khoanh một vòng tròn vào huyện Như Ý, sau đó chỉ vào đấy, thản nhiên nói một câu.
“Từ bỏ nơi này”
Vì thế hai vạn tinh giáp Tả Tiền Vệ xông vào huyện Như Ý, giết không còn một mống, chó gà không tha. Đại quân xông vào, gặp người liền giết, chẳng quan tâm có phải phản tặc hay không. Giáo chủ Như ý giáo Truy Thương và Đại Thừa Tướng, Đại Nguyên Soái của y vốn đang khí thế bừng bừng sợ tới mức bỏ lại giáo chúng của mình, chật vật chạy trốn. Cái gọi là phản loạn huyện Như Ý chỉ mất ba ngày đã bị Tả Tiền Vệ tiêu diệt.
Số người chết lên tới mười sáu vạn bảy nghìn ba trăm hai mươi người.
Từ đó trở đi Như Ý giáo mai danh ẩn tích. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn nghe nói cái tên Truy Thương hiện thân ở chỗ nào đó tiếp tục tuyên dương mình là Chân Mệnh Thiên Tử được thần linh chỉ định. Tuy nhiên trải qua thất bại đau đớn, người này đã thông minh hơn, tuyệt sẽ không dừng lại ở một chỗ quá hai ngày. Tự cho là sứ giả thần linh, nhưng chẳng khác nào thằng hề tiếp tục sống sót.
Lúc Phương Giải nghe chuyện La Diệu bình diệt phản loạn Như Ý giáo, thì thuyền lớn mới tới Bình Thương Đạo. Người kể cho hắn chuyện này là Tứ Phẩm Lang tướng Diệp Cận Nam. Không ai biết chuyện huyện Như Ý bị tàn sát hơn Diệp Cận Nam. Bởi vì y cũng tham dự vào trận tàn sát năm đó.
Tuy y kể rất bình thản, nhưng lại chân thật khiến cho người ta phải kích động.
Trong đầu Phương Giải vẫn quay quanh bốn chữ mà La Diệu nói. Chuyện xưa vẫn bay lơ lửng trong đầu hắn.
Từ bỏ nơi này.
Phải là người có tâm địa cứng rắn như thế nào mới có thể bình thản nói ra được bốn chữ đó? Hơn mười sáu vạn người bị giết, tử thi chồng chất lên có thể cao bằng một nửa núi Mang Đãng. Nhưng có thể nói bọn họ không đáng chết không? Có thể nói bọn họ vô tội không? Có thể mắng La Diệu là La đồ phu, La mọi rợ, nhưng không cách nào thông cảm với những người đã bị giết.
…
…
- Giờ mới đi vào Bình Thương Đạo, thành Ung Châu còn cách đây 760 lý.
Kể xong chuyện xưa, Diệp Cận Nam uống một ngụm trà, nhìn thuyền lớn rẽ nước mà đi, lẩm bẩm nói:
- Thời gian trôi qua thật nhanh. Mệnh lệnh tới đế đô của Đại tướng quân giống như mới là ngày hôm qua, chớp mắt đã mấy tháng rồi. Tuy nhiên cuối cùng cũng đã trở lại. Tiểu Phương đại nhân tới Ung Châu, nhiệm vụ của ta coi như xong.
Phương Giải cười cười, nhìn bản đồ, hỏi:
- Đường thủy không thể nối thẳng Ung Châu à?
- Không thể, chúng ta tới huyện An Lai là phải đi đường bộ. Tới đó thì phải đi khoảng 500 lý nữa, cưỡi ngựa mất khoảng ba tới năm ngày là có thể tới thành Ung Châu. Ta đã phái người về trước báo tin Đại tướng quân đã chuẩn bị nghênh đón khâm sai.
Diệp Cận Nam nói:
- Con sông này vốn nổi thẳng tới thành Ung Châu, nhưng lúc diệt Thương, Thủy sư của Đại Tùy xuôi nam từ sông Lạc Thủy. Vì để ngăn cản Thủy sư Đại Tùy, Hoàng Đế Thương Quốc không tiếc phái người phá đê. Kết quả là sông Lạc Thủy thay đổi tuyến đường. Nghe nói là mất hơn vạn mẫu ruộng. Biến phía bắc Ung Châu thành một con trạch. Nhưng Hoàng Đế Thương Quốc lại không ngờ rằng, Đại tướng quân lại dẫn theo quân đội vượt qua đầm lầy kia, mặc kệ tổn thất ba thành quân đội, rồi thừa dịp người Thương sơ suất liền tiến sát vào Ung Châu.
Phương Giải có thể hiểu được vì sao La Diệu quyết liệt như vậy. Sông lớn thay đổi tuyến đường, làm ngập cả vạn mẫu ruộng tốt. Nếu muốn đợi cho nước rút thì phải đợi thêm mấy tháng. Nếu là đi vòng cũng tốn không ít thời gian. Nhưng hiểu là hiểu, Phương Giải sẽ không làm như vậy. ba thành tinh nhuệ bị mất trong đầm lầy, bởi vậy có thể thấy được lòng dạ ác độc của La Diệu không chỉ là đối đầu kẻ địch, còn đối với chính người thân của mình.
Ngay cả con trai, người thân mà y đều có thể giết, thì đó có còn là người không?
- Lúc ấy sông Lạc Thủy thay đổi tuyến đường, tất cả người Thương trong thành Ung Châu đều cho rằng Đại Tùy hùng binh sẽ bị ngăn cản. Nghe nói Hoàng Đế Thương Quốc còn vì việc này mà mở đại tiệc chúc mừng. Có trung thần góp lời nói rằng khiến vô số dân chúng chết đuối để ngăn cản quân Tùy cũng phải là một chuyện đáng ăn mừng. Mà kết cục của trung thần đó không cần nghĩ cũng đoán ra được. Một Hoàng Đế hoa mắt ù tai như vậy, một triều đình hủ bại như vậy, sao có thể ngăn cản được đội quân tinh nhuệ của Đại Tùy?
Diệp Cận Nam tự hào nói:
- Mặc dù ta không tham dự đại chiến năm đó, nhưng trong phủ Đại tướng quân vẫn nuôi rất nhiều lão binh. Ta từng nghe bọn họ nói qua, lúc ấy binh mã Tả Tiền Vệ dính đầy bùn đất chợt xuất hiện ở ngoài thành Ung Châu. Khiến tất cả người Thương Quốc đều sợ tới ngây dại. Bọn họ thật không ngờ rằng người Tùy lại dũng mãnh can đảm như vậy. Binh lính trông coi trên thành sợ tới mức ngay cả cung cũng không kéo được.
- Kỳ thực đại quân đi xuyên qua đầm lầy đã mệt mỏi không chịu nổi, đâu còn năng lực công thành nữa. Thật không ngờ người Thương Quốc lại tự loạn trận cước trước. Các đại thần trong thành Ung Châu chia làm hai phái, một phái thủ chiến, một phái chủ hàng, cuối cùng hai phái đánh nhau. Chủ chiến là võ tướng, nên nếu xảy ra đánh nhau, bọn họ tất nhiên chiếm phần hơn. Bọn họ phái binh lính giết tất cả các đại thần chủ hàng, sau đó chuẩn bị kêu gọi dân chúng lên thành phòng ngự.
- Nhưng vừa lúc đó, một việc khiến cho quân tâm và nhân tâm của Thương Quốc đại loạn.
Diệp Cận Nam nói:
- Không ngờ vào lúc nên động viên toàn thành, thì Hoàng Đế Thương Quốc lại lặng lẽ định đưa Hoàng hậu và hai đứa con trai rời khỏi Ung Châu. Chuyện này bị quân đội tuần thành của Thương Quốc phát hiện, liền bắt hai đứa con trai lại, Hoàng hậu bị buộc phải tự sát. Hoàng Đế Thương Quốc giận dữ, hạ chỉ giết hết các tướng lĩnh chủ chiến. Dân chúng trong thành Ung Châu lập tức rối loạn, còn người nào sẵn sàng bán mạng cho một Hoàng Đế như vậy nữa?
- Kết quả là đại quân Tả Tiền Vệ mới chuẩn bị công thành, thì quân đội Thương Quốc trên tường thành đã có người dừng cờ trắng đầu hàng rồi. Đại quân phá Ung Châu cơ hồ không mất khí lực gì, chỉ khi tấn công Hoàng thành là gặp chút khó khăn. Phòng thủ hoàng cung chính là cấm quân, cũng chính là cấm quân đã bức tử Hoàng hậu và võ tướng. Cấm quân có số lượng chỉ hai nghìn, nhưng lại tử chiến không lùi. Không những thế, bên cạnh Hoàng Đế Thương Quốc còn có không ít kỳ nhân dị sĩ của người Man.
- Tuy nhiên Đại tướng quân tự mình dẫn binh xông về phía trước. Cấm quân của Hoàng Đế kiên trì không được bao lâu liền bị tiêu diệt.
Diệp Cận Nam uống cạn chén trà trong tay, nói tiếp:
- Nghe lão binh nói, lúc ở hoàng cung Thương Quốc, Đại Tùy một bước giết người, liên tục giết hai mươi mấy cao thủ hộ vệ của Hoàng Đế Thương Quốc, lại một quyền đánh chết Bát Phẩm Phù Sư…Bát Phẩm Phù Sư a, từ bé tới giờ ta chưa từng một thấy một người nào.
Những chuyện xưa này, Phương Giải có nghe qua một ít.
Nhưng không trực quan và rõ ràng như Diệp Cận Nam kể.
Hắn đã nghe qua rất nhiều chuyện về La Diệu, mà mỗi một lần nghe, cảm giác lại khác nhau.
Huyện An Lai.
Trong một ngôi miếu đổ nát đã bỏ hoang từ lâu, một đám người quỳ xuống cúng bái một nam tử mặc áo dài làm bằng vải bố. Nam tử này chừng năm mươi tuổi, thân hình cao lớn. Y mặc áo dài màu trắng, có chút khí thế của tiên nhân. Tóc của y xõa xuống, dài tới tận ngực.
Hai tay của y đặt trước ngực, lòng bàn tay hướng lên trên, tay trái chồng lên tay phải tạo thành một hình trong.
Khuôn mặt của y rất sạch sẽ, ánh mắt rất sáng.
- Ta là sứ gia do thần linh chọn lựa, là Hoàng tộc cuối cùng của Thương Quốc. Cái kẻ đã đổi tên thành Mộ Dung Sỉ kia không biết xấu hổ đã đánh cắp quốc gia và con dân của ta, cũng đã phản bội Thương Quốc vĩ đại. Hiện tại ta quay về, giống như Phương hoàng sống lại từ ngọn lửa, vĩnh viễn không biến mất. Ý chí của ta sẽ hóa thành mưa móc ban cho nhân gian, khiến tất cả mọi người nhìn rõ thế giới này.