Tranh Bá Thiên Hạ

Chương 387: Hoàng Dương Đạo, sông Hoàng Ngưu



Đại quân đã xuất phát được mười ngày thì khâm sai tuyên chỉ mới tới Ung Châu. Dọc theo con đường này, quan địa phương nhiệt tình khiến người ta khó có thể từ chối. Họ nhiệt tình mời ăn mời uống như vậy, từ chối người nào cũng không nên. Lại còn qua cầu, qua sông thiếu thốn thuyền, cho nên tới chậm hơn thời gian dự kiến suốt một tháng. Nên tới nơi chắc chắn là không thấy được La Diệu.

Thánh chỉ điều binh mười vạn chỉ có thể cầm ở trong tay. Sau một hồi suy nghĩ, khâm sai không tiếp tục dừng lại ở Ung Châu, mà mang theo đội ngũ chạy lên phương bắc.

Khâm sai chỉ muốn mau chóng tuyên ý chỉ cho xong chuyện.

Hoàng Dương Đạo cách Sơn Đông Đạo, một trong ba đạo Tây Bắc đã bị phản quân chiếm được một con sông. Con sông này dù chỉ là một nhánh của sông Nghi Thủy, nhưng con sông rất rộng. Dân chúng địa phương gọi là sông Hoàng Ngưu. Trên bản đồ hành chính của Đại Tùy thì gọi là sông Hối Thủy. Cái tên Hoàng Ngưu này được đặt theo một truyền thuyết. Truyền thuyết kể rằng có một con trâu màu vàng thành tinh làm hại một phương. Có một vị Kiếm Tiên hạ xuống phàm trần, đại chiến với con trâu này một trận.

Kiếm Tiên đánh bị thương con trâu. Dưới tình thế cấp bách, con trâu nhảy xuống sông lớn, không chịu đi ra. Kiếm Tiên tạo ra một Thần phù, phong bế con trâu vàng ở sông này.

Về sau có một năm hạn hán lớn, mực nước sông giảm mạnh. Có không ít người thề thốt rằng đã nhìn thấy con trâu kia. Nhưng nó đã biến thành một tảng đá lớn rồi.

Quân tiên phong của La Diệu hành quân khá nhanh. Do Hùng Uy Lang tướng Văn Tiểu Đao dẫn đầu ba quân ngày đêm hành trình, mở đường cho đại quân. Chỉ mất một tháng đã từ Ung Châu tới bờ nam sông Hoàng Ngưu. Tổng Đốc Hoàng Dương Đạo tự mình nghênh đón, mở yến tiệc chiêu đãi, nhưng Văn Tiểu Đao khéo léo từ chối. Tuy Hoàng Dương Đạo cách Ung Châu khá xa, không thuộc về bốn đạo Tây Nam. Nhưng Tổng Đốc Hoàng Dương Đạo Dương Ngạn Nghiệp hết sức quen thuộc với tác phong làm việc của Tả Tiền Vệ. Biết đám binh lính này cực kỳ kiêu ngạo.

Sau khi tới bờ nam sông Hoàng Ngưu, Văn Tiểu Đao liền phái người chọn nơi để dựng doanh trai. Một đại doanh gần bốn mươi vạn người, không phải là một chốc có thể xây xong. Văn Tiểu Đao nhờ Dương Ngạn Nghiệp hỗ trợ, chiêu một một đám thợ thủ công. Đương nhiên, tiền công đừng mong Tả Tiền Vệ trả.

Cho nên trước khi tới Hoàng Dương Đạo, việc đầu tiên mà Văn Tiểu Đao làm là báo cho Dương Ngạn Nghiệp chuẩn bị lương thảo một tháng cho bốn mươi vạn đại quân. Coi việc tiếp tế là điều đương nhiên.

Bốn mươi vạn đại quân, cộng thêm chiến mã, số lượng lương thảo cho một ngày đủ để khiến người ta líu lưỡi. Nhưng Dương Ngạn Nghiệp cũng chỉ có thể phối hợp. Dù sao Tả Tiền Vệ tới là để bình định. Nếu La Diệu dâng tấu chương lên nói rằng y không chịu cung cấp lương thảo cho đại quân, thì phỏng chừng Hoàng Đế sẽ trừng trị y mà không cần nghe giải thích rồi.

Phía bắc bờ sông Hoàng Ngưu chính là doanh trại của phản quân, dùng Thiên Lý Nhãn là có thể nhìn thấy. Xem ra phản quân đã biết được tin Tả Tiền Vệ bắc thượng từ sớm. Nghe nói gần đây bờ bắc liên tục tăng binh. Binh lực đã vượt qua hai mươi vạn. Phản quân đã khống chế kho lúa của ba đạo Tây Bắc. Dân chúng sống không nổi chỉ có thể gia nhập vào phản quân. Trong một thời gian ngắn ngủi, binh lực của phản quân đã bành trướng như một quả cầu tuyết lăn xuống.

Theo tình báo của Dương Ngạn Nghiệp, thì tổng binh lực của phản quân đã vượt qua một trăm năm mươi vạn rồi.

Nhưng Văn Tiểu Đao chỉ cười nhạt với con số này.

Tùy tiện cho dân chúng một thanh đao liền đã được xưng là quân nhân sao? Một trăm năm mươi vạn quân thì thế nào? Chỉ là một đám gà đất chó kiểng mà thôi.

Văn Tiểu Đao dựng xong doanh trại ngày thứ ba thì đại quân của La Diệu tới. Hành trình đã được hơn hai tháng. Khâm sai tuyên chỉ bắt kịp được đội ngũ, sau khi tuyên chỉ xong lại ngựa không dừng vó trở về Trường An. Sau chuyến đi này, y liền biết mình không còn cơ hội truyền chỉ nữa rồi. Nếu may mắn thì Hoàng Đế chỉ mắng một trận. Nếu không may thì mất chức quan chỉ là việc nhỏ, mất đầu mới là việc lớn.

Cùng ngày La Diệu được Dương Ngạn Nghiệp mời tới phủ Tổng Đốc, mở đại tiệc khoản đãi. La Diệu khen ngợi Dương Ngạn Nghiệp quản lý Hoàng Dương Đạo mấy năm có nhiều công lao lớn. Hai người trò chuyện như bạn bè đã lâu không gặp, không khí trên bàn rượu khá hòa hợp. Sau khi từ biệt La Diệu, Dương Ngạn Nghiệp còn chưa lấy lại tinh thần thì ngày hôm sau La Diệu đã phái người thúc giục mang lương thực tới rồi.

Mà Dương Ngạn Nghiệp chỉ có thể nén giận.

Dưới sự giận dữ, y rút toàn bộ dân dũng ở bờ nam sông Hoàng Ngưu trở về, lấy danh nghĩa là trả lại doanh trại cho Tả Tiền Vệ. Mấy ngày này phản quân không ít qua sông quấy rầy. Nếu không phải có quận binh và dân dũng của Hoàng Dương Đạo chống trả quyết liệt, thì phản quân đã xông vào Hoàng Dương Đạo tàn sát bừa bãi rồi.

Đối với điều này, binh sĩ Hoàng Dương Đạo tất nhiên có oán khí.

Trong hai năm qua, bọn họ và phản quân cơ hồ ngày nào cũng giao thủ. Thậm chí còn từng tổ chức đánh đột kích ở bờ sông đối diện. Chết rất nhiều, cũng bị thương rất nhiều, nhưng triều đình chậm chạp không hề có ban thưởng gì, khiến cho lòng người không phục. Quận binh đỡ hơn, dù sao bọn họ cũng thuộc về biên chế của quân đội, quân tiền miễn cưỡng đủ dùng. Còn dân dũng chiến đầu phần lớn dựa vào nhiệt huyết. Hiện tại nói rút lui là rút lui, cũng không giải thích hay là ban cho cái gì.

Hoàng Dương Đạo là khu vực nằm giữa Tây Nam và Tây Bắc, không giàu có như Tây Nam. Hàng năm còn phải tiếp tế lương thực cho dân chúng ở phía bờ bắc sông Hoàng Ngưu. Trong hai năm qua, để nuôi sống dân dũng, nha môn tổng đốc gần như đã vét sạch kho. Hầu như mỗi tháng Dương Ngạn Nghiệp đều dâng tấu xin giảm thuế. Nhưng không biết vì lý do gì, ý chỉ chậm chạp không tới.

Về sau y bất đắc dĩ phải nhờ tới sự trợ giúp của quan viên và thân hào nông thân Hoàng Dương Đạo, góp một số bạc lớn phái người đưa tới kinh thành, bí mật đưa tới phủ của Hoàng Môn Thị Lang Bùi Diễn. Ngày thứ ba bệ hạ liền đồng ý giảm thuế cho Hoàng Dương Đạo. Thậm chí còn phân phối một số binh khí giáp giới. Mọi người nhìn vật tư mà triều đình chuyển tới, ngoại trừ cười khổ ra không thể làm được gì.

Dương Ngạn Nghiệp giận dữ thu hồi tất cả quận binh cùng dân dũng. Kỳ thực cũng là muốn những người này nghỉ ngơi sau hai năm ra sức vì nước. Phản quân ở bờ bắc không hề kiêng sợ chiếm lấy kho lúa, cướp đoạt phủ kho, nhưng Dương Ngạn Nghiệp không làm được. Y phải bảo vệ Hoàng Dương Đạo, phải nuôi quân đội. Triều đình còn chưa phát ý chỉ xuống, thì y phải thắt lưng buộc bụng đưa đủ số thuế hàng năm lên. Có đôi khi y thậm chí muốn mở nhà kho Hân Khẩu, nhưng đáng tiếc là không có dũng khí đó.

Ông ta biết trong lòng đám dân dũng có oán khí, nhưng ông ta làm gì được?

Rơi vào đường cùng, ông ta đành phải giơ tay mượn lương thực của các phú hộ thân hào nông thôn.

Vị Tổng Đốc không cầu không cao, chỉ cầu không thất bại này, hai năm qua rõ ràng đã già nua đi không ít. Mọi người nói ngồi vào vị trí Tổng Đốc đã là vinh quang tột đỉnh rồi, rất nhiều người hâm mộ bộ quan phục đó. Nhưng chỉ có tự mình biết buồn khổ trong đó, hơn nữa không có chỗ để giãi bầy.





Đứng ở bờ nam sông Hoàng Ngưu, La Diệu dùng Thiên Lý Nhãn nhìn về bờ đối diện. Bờ bên kia phản quân bố trí cọc gỗ dọc theo bờ sông, nhằm ngăn cản thuyền của bờ nam đi tới. Ở ngọn đồi cao cao, có thể nhìn thấy doanh trại mọc san sát cùng với binh lính tuần tra đi qua đi lại, số lượng không ít.

Dân chúng bị phản quân điều động này, đứng trong nước sông ra sức đóng cọc gỗ vào lòng sông. Bọn họ buộc dây thừng ở lưng, phòng ngừa bị nước cuốn đi. Nhưng dù vậy, giờ đang mùa hè, mùa của lũ lụt, năm nay mưa cũng lớn hơn mọi năm, nước sông dâng cao. Mỗi ngày đều có người bị nước sông cuốn đi, không thấy tung tích.

Đứng lâu trong sông, có không ít người bị mục rữa đôi chân.

Không ít thuyền nhỏ tuần tra trên mặt sống. Binh lính phản quân trên thuyền trông coi gắt gao đám dân chúng. Nếu người nào hơi chút lười biếng, sẽ lập tức trút roi xuống, không hề lưu tình.

- Nghe nói một tháng qua, dân chúng bờ bắc bị hành hạ tới chết mấy nghìn người.

Văn Tiểu Đao đứng bên cạnh La Diệu, hạ giọng nói:

- Mấy tháng trước phản quân đã bắt đầu ép dân chúng làm việc, coi mạng người như cỏ rác.

- Ai đứng đầu phản quân bên kia?

- Nghe nói là Ân Phá Sơn, một trong những đại tướng của Lý Viễn Sơn. Được Lý Viễn Sơn phong làm Vô Địch Hầu, thêm vào Đại tướng quân, rất là phong quang. Binh lính thủ hạ của người này phần lớn là nam tử cường tráng bị bắt tới. Không rõ số lượng cụ thể. Cũng không rõ có bao nhiêu chiến binh. Tuy nhiên tổng binh lực chắc không ít hơn hai mươi vạn.

- Ừ.

La Diệu ừ một tiếng, nói:

- Có phải không thấy nhiều thuyền quanh khu vực đó không?

- Vâng.

Văn Tiểu Đao cúi người nói:

- Mấy tháng trước phản quân không ngừng xuôi nam. Mục tiêu chính là thuyền đánh cá ở bờ nam. Hoàng Dương Đạo không có chiến binh đóng giữ, chỉ dựa vào quận binh và dân dũng chống cự. Tuy rằng anh dùng, nhưng vẫn bị hư hại rất nhiều thuyền. Về sau Dương Ngạn Nghiệp hạ lệnh, kéo tất cả số thuyền còn lại lên bờ, số lượng không còn nhiều, không thể đưa cả đại quân sang sông được.

- Không cần vội vã qua sông.

La Diệu nhìn dân chúng bờ bên kia như bị nô dịch, sắc mặt vẫn bình thản.

- Bờ bắc bên kia có địa hình cao hơn bờ nam, phản quân cũng đã bố trí được mấy tháng. Cho dù là một đám ô hợp nhưng không thể không cần thật. Phái người đi dọc theo con sông điều tra địa hình hai bên bờ.

- Vâng.

Văn Tiểu Đao lên tiếng.

- Cách bốn mươi dặm về phía tây là doanh trại của quận binh và dân dũng Hoàng Dương Đạo. Hiện tại người ở đó đã được rút, doanh trại trống không…Đại tướng quân, có cần phái người của ta tới đó đóng không? Thuộc hạ nghĩ, doanh trại đó được xây dựng khá vững chắc, hơn nữa phản quân chưa chắc dám tùy tiện qua sông, cho nên không cần phái trọng binh tới đó.

- Bảo Lưu Khoát mang theo một đội tới đó đóng…

La Diệu dừng một lát rồi lại phân phó:

- Bảo Sơn Tự Doanh của Phương Giải cũng qua đó.

Văn Tiểu Đao ngẩn ra, không hiểu ý của La Diệu.

La Diệu cũng không nhắc lại, mà là nhìn bờ bắc nói:

- Tuy chúng ta không vội vã qua sông, nhưng vẫn nên hiểu rõ kẻ địch trước. Chọn lựa một đội thám báo tinh nhuệ qua sông tìm hiểu bố trí binh lực của phản quân. Hễ là tin tức liên quan tới phản quân, đều phải điều tra chi tết. Tốt nhất là bắt vài tên mang về. Chuyện này ngươi an bài người đi làm.

- Hay là…

Văn Tiểu Đao bỗng nhiên hiểu ý vừa nãy của La Diệu:

- Hay là phái Tiểu Phương đại nhân phụ trách việc này? Binh lính Sơn Tự Doanh của hắn được huấn luyện bài bản, vả lại Tiểu Phương đại nhân còn có một nhóm thủ hạ là người của Đại Nội Thị Vệ Xử, rất thích hợp đi thăm dò tình báo.

- Cũng được.

La Diệu thản nhiên nói.

Trong lòng Văn Tiểu Đao thở dài một tiếng, không nhịn được nghĩ, liệu Phương Giải có thực là con của Đại tướng quân không? Bằng không sao Đại tướng quân lại thiên vị như vậy?

Y đưa ra chủ ý là đóng quân ở doanh trại mà quận binh Hoàng Dương Đạo đã xây dựng từ trước, là vì doanh trại này đã được dựng hai năm rồi, rất là vững chắc, địa hình cũng hiểm trở. Cho dù phản quân qua sông cũng rất khó tấn công thẳng vào được. Mọi thứ đều có sẵn, binh lính của Sơn Tự Doanh chỉ cần tới đó bảo vệ. Lưu Khoát là một người có nhiều kinh nghiệm, làm việc gì chắc việc đấy. Để Phương Giải và y hợp tác với nhau, sẽ không xảy ra mâu thuẫn. Mà Đại tướng quân muốn phái người sang sông để điều tra tin tức cũng không phải là việc khó khăn cho lắm. Bởi vì phản quân phần lớn là dân chúng, tùy tiện bắt vài người trở về để moi thông tin cũng là một việc dễ dàng. Nhưng đây là công lao, là công lao đầu tiên của Tả Tiền Vệ khi bắc thượng!

Đại tướng quân phân phó như vậy chẳng phải là ban công lao cho Phương Giải đó sao?

Y nhìn trộm La Diệu một cái, trong lòng rất loạn.

Mà lúc này Phương Giải chính đang dẫn theo Sơn Tự Doanh tìm một nơi nghỉ ngơi và chỉnh đốn. Một đường bắc thượng, Phương Giải luôn lo lắng Thích Nguyên sẽ tìm tới. Nhưng đã tới tận đây rồi mà Thích Nguyên vẫn chưa xuất hiện. Hắn thực không hiểu mục đích của lão tăng kia rốt cuộc là cái gì.

- Tướng quân!

Một lính liên lạc cưỡi ngựa chạy nhanh tới, chỉ về phía tây nói:

- Đại tướng quân ra lệnh cho Sơn Tự Doanh tới đại doanh ở phía tây cách đây bốn mươi dặm đóng quân! Mặc khác, Văn tướng quân lệnh cho tướng quân phái người sang sông điều tra tình hình địch.

Phương Giải khẽ nhíu mày, chắp tay nói:

- Tuân lệnh!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.