La Bạch Ái lại không chú ý đến những lời này của Tam Cô lắm, vẫn đắc ý thuật lại cuộc tranh luận giữa hắn và Vương Tiểu Thạch:
- Tôi lại không đồng ý với hắn, hỏi ngược lại “ngươi thứ này không thể giết, thứ kia cũng không thể giết, vậy ngươi sẽ chờ người khác tới giết ngươi sao”.
Tam Cô hỏi:
- Hắn trả lời ra sao?
La Bạch Ái nói:
- Hắn nói “vậy thì không, người khác giết ta, ta cũng sẽ đánh trả. Nếu giết một người có thể cứu muôn dân, chết một người có thể sống thiên hạ, ta làm kẻ giết người cũng không sao”. Tôi thấy chuyện này không làm khó được hắn, liền nghĩ ra vấn đề khác để bắt bí hắn.
Tam Cô nghe được lại cảm thấy hứng thú:
- Ngươi làm sao bắt bí hắn?
La Bạch Ái cười ha hả nói:
- Tôi nói với hắn, nếu như hắn thật sự có đủ phật tâm, đại từ đại bi, vì sao vẫn thường ăn thịt? Không dứt khoát xuất gia làm hòa thượng đi?
Tam Cô lại hỏi:
- Hắn làm sao…
La Bạch Ái cũng không đợi y hỏi xong, đã nói:
- Hắn nói với tôi như sau, Tiểu La, chúng ta lúc này nên bớt đi vài hòa thượng xuất thế, nhiều thêm vài hiệp sĩ nhập thế, như vậy có thể giúp thêm mấy người, cứu thêm vài cái mạng. Ta không phải phật tâm cao, mà là hiệp tâm bất diệt, ngươi đừng hiểu lầm. Ta ăn thịt, nhưng không sát sinh. Thứ đã bị giết bị chém, ta ăn cũng không kiêng kị. Nhưng thứ bị ta giết sống, hết thảy ta đều không ăn. Ta là người tập võ quyết chiến, phải có sức lực, không thể hoàn toàn cai xương thịt. Đại sư, những lời này lại có vẻ, có vẻ không giống như ông.
Tam Cô giống như nghiền ngẫm trầm tư, một lúc sau mới nói:
- Ta cũng nhầm rồi, xem ra hắn quả thật chỉ là hiệp tâm cao, chứ không phải phật tính lớn. Có điều nói như vậy, hiệp tâm phật tâm đều là thứ rất gần. Hắn nói hắn là người luyện võ sát sinh, không ăn máu thịt không được, đó lại là chuyện hoang đường. Con voi đủ khỏe đủ lớn, nhưng chỉ ăn cỏ khô, trái cây. Con trâu sức lực hơn xa người phàm, nhưng cũng chỉ ăn cỏ. Con khỉ có đủ linh hoạt không? Nó cũng chỉ là ăn quả hạt mà thôi.
La Bạch Ái chớp đôi mắt to trong vắt, vẫn hỏi:
- Nhưng mà ăn chay thì thế nào? Trên đời này vốn không có báo ứng. Người ta nói, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Nhưng tôi thường thấy nhất là kẻ ác đắc thế, cho dù có chết cũng là sống thọ và chết tại nhà, hết sức long trọng. Ngược lại người lương thiện, người tốt thì không có kết quả tốt, hơn nữa phần lớn đều chết trong tay kẻ ác. Lại có người nói cái gì, nếu không thấy báo ứng, đó là thời gian chưa tới. Nhưng bọn họ vẫn luôn đắc thế cầm quyền, hưởng hết vinh hoa phú quý, đến khi chết vẫn chưa thấy báo ứng, tôi làm sao biết trên đời có báo ứng hay không? Cho dù bọn họ xuống địa ngục, bị hành hạ, tôi lại không nhìn thấy, làm sao biết được. Đây đúng là “giết người phóng hỏa mang đai báu, sửa cầu lót đường không thi hài”. Nếu như không có báo ứng, hành thiện để làm gì? Hành thiện và hành ác có gì khác biệt? Nếu như có, đó là người hành thiện tự mình chuốc lấy cực khổ, kẻ làm ác sảng khoái cả đời.
Tam Cô nghe được những lời này của hắn, nhíu đôi mày thanh tú, tỏ ra có phần nặng nề và cảm khái:
- Những lời này của ngươi, có từng hỏi Vương Tiểu Thạch hay không?
- Có.
La Bạch Ái thản nhiên nói:
- Cho nên hắn lại lần thứ hai nói với tôi chữ kia.
Tam Cô ngẩn ra, sau đó lập tức nhớ tới:
- Muội?
- Đúng, chính là chữ này.
La Bạch Ái hăng hái nói:
- Hắn nói tám chữ “báo ứng không sai, nhân quả không lầm”.
Tam Cô thật thà nói:
- Hay cho báo ứng không sai, nhân quả không lầm. Vương Tiểu Thạch có giải thích với ngươi ý nghĩa thật sự của hai câu này không?
La Bạch Ái mơ hồ nói:
- Không có. Hắn chỉ thở dài một tiếng, nói rằng trên đời cho dù chưa chắc đã có báo ứng, nhưng thế sự luôn có nhân quả, không thể xem thường.
Tam Cô hỏi:
- Vậy ngươi hiểu được ý của hắn không?
La Bạch Ái nói:
- Có phần hiểu được, cũng có phần không hiểu.
Tam Cô nói:
- Ngươi hiểu được điểm nào? Không hiểu được điểm nào? Hãy nói nghe xem thử!
La Bạch Ái nói:
- Ý của hắn đại khái là muốn nói, chưa chắc người phàm chúng ta có thể nhìn thấy báo ứng, nhưng không thể vì vậy mà không làm chuyện tốt, làm nhiều chuyện ác.
Tam Cô nói:
- Như thế còn chưa đủ. Đã có nhân quả, chính là có báo ứng. Có người suốt ngày sửa cầu lót đường, bố thí hành thiện, nhưng bất hạnh chết sớm, gặp phải bất trắc, đó chỉ là một mặt mà người phàm chúng ta có thể nhìn thấy. Chúng ta không biết kiếp trước hắn đã gây ra nghiệt gì, đời sau tu thành công đức gì. Cho dù không tin luân hồi, chúng ta cũng không biết có phải hắn đầu này giúp người, đầu kia chém gà giết vịt, cố ý hay vô ý, gián tiếp hay trực tiếp đồ thán sinh linh. Giống như sư phụ ngươi, hắn thử tu phật, vừa gặp kiếp nạn liền sinh sợ hãi, lập tức không tu nữa, như vậy đúng là hỏng chuyện. Thực ra, một người phật duyên sâu, ma chướng cũng đặc biệt nhiều. Phật và ma vốn chỉ cách nhau một đường mà thôi. Loại người này một khi tu phật đạo, tâm ma cắn trả, vùng vẫy u mê, cho nên ứng nghiệm nghiệt kiếp của tương lai trước thời hạn. Thông thường chân phật độ nhân, tự mình cũng phải thay mặt ứng kiếp, không tiếc thân vào địa ngục, khắp người đầy máu, chịu đủ ma xâm, trải qua hạo kiếp, huống hồ là người phàm? Cho nên sư phụ ngươi vừa tu liền gặp họa, đó là ứng nghiệm kiếp vận, có thể ứng mới có thể độ, đó là chuyện tốt, tu đúng đắn sẽ bình an, có thể thành phật, hơn nữa có thể nhìn ra hắn là phật tính chưa tan. Đáng tiếc, hắn vừa gặp tai kiếp đã sợ, vứt bỏ, như vậy công lao đổ biển, về sau e rằng vẫn phải gặp nạn. Giống như người bị bệnh, thầy thuốc cho hắn thuốc, hắn uống vào vừa ói vừa tiêu chảy, đó chính là dấu hiệu trị đúng bệnh. Đáng tiếc bệnh nhân lại sợ, vì không muốn ói không muốn tiêu chảy, cho nên không dùng thuốc, như vậy bệnh này làm sao tốt lên? Làm sao điều trị?
Tam Cô thở dài một tiếng, lại nói:
- Cách nhìn của con người đối với báo ứng, hết sức thiển cận. Cho rằng mắt thấy nên báo lại không báo, nên ứng lại không ứng, vì vậy không chịu tu công đức này. Ai ngờ người người mặc dù chưa lập tức nhìn thấy báo ứng, nhưng nhân quả tuần hoàn, luôn luôn kịp thời. Cho nên nói, người vốn là phật, chỉ là bản thân người muốn thoát ly phật tính; ma không làm hỏng được người, chỉ có người làm hỏng chính mình.
La Bạch Ái nghe Tam Cô nói rõ lí lẽ, cảm thấy rất khoan khoái, nhưng sau khi khoan khoái lại mệt mỏi buồn ngủ. Hắn nhìn khuôn mặt búng thổi là rách của Tam Cô, nói:
- Tôi lại không minh bạch một chuyện.
Tam Cô cười cười nói:
- Trên đời không có chuyện minh minh bạch bạch, chỉ có tâm minh minh bạch bạch. Không minh bạch, dùng tâm hỏi, cho dù vẫn không minh bạch, cũng sẽ rõ ràng hơn một chút.
Lần này La Bạch Ái thành khẩn nói:
- Tôi không đọc nhiều thi thư giống như Phương Hận Thiếu, cũng không danh chấn giang hồ giống như Vương Tiểu Thạch, càng không bằng Đường Thất Muội có gia thế thực lực… tại sao ông lại thường vô tình hay cố tình chỉ điểm tôi?
Tam Cô cười ha hả nói:
- Ta chỉ điểm ngươi? Không phải ngươi cũng thường chỉ điểm ta sao?
Lần này La Bạch Ái xấu hổ nói:
- Nào có chuyện đó… đại sư nói đùa rồi.
Tam Cô nghiêm mặt nói:
- Bởi vì ngươi là người bình thường, cho nên ta mới cùng ngươi nói nhiều mấy câu.
La Bạch Ái mê hoặc nói:
- Người bình thường?
- Không phải tâm bình thường chính là đạo, chính là phật sao?
Tam Cô nói:
- Đương nhiên, ngươi là một người bình thường có ngộ tính rất cao.
La Bạch Ái lặp lại một câu:
- Tâm bình thường?
Tam Cô thấy hắn mơ hồ, liền nhắc nhở một câu:
- Thực ra, tự nhiên chính là chân, chân chính là phật. Chân là phật, mỹ là phật, thiện cũng là phật. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, không thứ nào không phải phật. Chỉ cần có thể ngộ đạo, chính là pháp môn. Ngươi có thể từ trong kiếm ngộ đạo, trong sách ngộ đạo, trong tâm bình thường ngộ đạo. Lần đó ở chùa Lục Long, ngươi nói ta chỉ rác rưởi, phân chó đều có dụng ý, sau đó lại thành túi đeo trên lưng ta, đó cũng xem là một loại đại trí tuệ, cũng là một cách nói chỉ thẳng tâm người.
- Ồ?
La Bạch Ái được khích lệ, lại nhảy nhót, thư thái nói:
- Vậy tôi đã ngộ đạo, chẳng phải cũng có thể xem như cao tăng đắc đạo sao?
- Hừ.
Tam Cô đại sư lại không vui.
- Sao vậy?
La Bạch Ái lại gãi da đầu:
- Tôi lại nói sai rồi sao?
Tam Cô lạnh lùng nói:
- Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành phật, đó vẫn là phải tu hành, không phải vài câu sắc bén, mấy câu dí dỏm là có thể thành phật lên trời.
Lần này La Bạch Ái cẩn thận hỏi:
- Vậy tôi phải làm sao tu pháp, mới có thể đức cao vọng trọng giống như ông?
Tam Cô vừa nghe, liền biết người thiếu niên này lại phạm phải tật xấu nóng lòng gấp gáp. Giống như bình thường chúng sinh niệm kinh tu phật, chính là vì công đức, đổi vận, thiện báo, thậm chí là vì phú quý, công danh, quyền thế. Nếu như chỉ vì những thứ này, không bằng đừng tốn thời gian bái phật tụng kinh, đi làm nhiều chuyện hành thiện là được. Cho nên y bùi ngùi nói:
- Ta không có đức vọng, chỉ có hai cái túi đeo.
La Bạch Ái ngẩn ra, lắc lư nói:
- Vác hai cái túi đeo, có thể thành phật ngộ đạo sao?
- Không phải.
Tam Cô đáp:
- Có hai cái túi đeo, chỉ là hai cái túi đeo.
La Bạch Ái đưa tay nói:
- Vậy ông cho tôi một cái!
Tam Cô phất tay nói:
- Chính ngươi cũng có, sao ta có thể cho ngươi.
Tiếp đó y lại nói:
- Mỗi người bản thân đều có. Vào đến đao lợi thiên, ai không vác bọc vải.
La Bạch Ái không hiểu cái gì là “đao lợi thiên”?
Tam Cô nói:
- Đó chính là tam thập tam thiên, một trong dục giới chư thiên, hoặc còn gọi là đâu suất thiên (1).
La Bạch Ái dường như khuất phục một thoáng, sau đó lại khăng khăng hỏi:
- Nhưng ông vẫn không chỉ điểm tôi, tôi làm sao mới có thể trở thành ông?
Tam Cô nói:
- Ngươi không phải ta, ta không phải ngươi, tại sao ngươi có thể trở thành ta?
La Bạch Ái nói:
- Nếu ông độ tôi, không phải ông chính là tôi sao?
- Muốn người khác độ không phải độ, tự độ mới là độ.
Tam Cô đã có vẻ mất hứng, chỉ niệm một câu:
- Hàn thời hàn sát đồ lê, nhiệt thời nhiệt sát đồ lê. (cao tăng gặp lạnh không tránh, gặp nóng không đi)
La Bạch Ái ngạc nhiên hỏi:
- Cái gì đồ lê?
- Đồ lê là gọi tắt của a đồ lê, chính là chỉ tăng lữ.
Tam Cô mệt mỏi nói:
- Đối mặt đi, nó ở đối diện ngươi, chính giữa không có đường tắt.
Nói xong câu này, y liền rũ mắt chắp tay, biểu thị không nói thêm nữa.
La Bạch Ái chưa nắm được mấu chốt, càng không cam lòng, không lâu sau lại mượn cớ tới gần Tam Cô đại sư bắt chuyện, có điều Tam Cô phần lớn đều không trả lời, có trả lời cũng chỉ nói một câu mấy chữ.
Chẳng hạn như La Bạch Ái xin y:
- Ông chỉ dẫn cho tôi đường sáng đi!
Tam Khô không lên tiếng.
La Bạch Ái hỏi gấp, y lại dùng tay chỉ một cái.
Chỉ con đường dưới chân hắn.
La Bạch Ái trầm tư một lúc, lại hỏi:
- Bây giờ tôi nên đi con đường nào?
Tam Cô chỉ chỉ miệng.
La Bạch Ái đương nhiên không hiểu, lại hỏi, Tam Cô mới nói:
- Tham nhiều sẽ không tốt.
La Bạch Ái không lay động được Tam Cô, liền kiếm đề tài mới trêu chọc:
- Ông nguyên hiệu là Tam Khô, tôi gọi ông là Tam Cô, ông có giận không? Nếu giận, tôi đổi lại gọi ông là Tam Khô đại sư, thế nào?
Hắn cho rằng đại sư nhất định sẽ gấp, sẽ thích, sẽ trả lời.
Đại sư chỉ nói một câu:
- Đều như nhau.
- Đều như nhau?
- Đều như nhau.
Đại sư nói:
- Nếu phân chó, rác rưởi đều là thiền, Tam Cô và Tam Khô đều là đại sư như nhau.
Đây là một câu dài nhất gần đây Tam Cô đại sư nói với La Bạch Ái.
Có lẽ y cảm thấy La Bạch Ái quá nóng lòng cầu tiến, tham lam nhiều thứ, y lại nói năng thận trọng, không dạy nữa.
Cho dù La Bạch Ái khổ cực chờ đợi bên cạnh Tam Khô đại sư ba canh giờ, Tam Cô lúc đi đường thì đi đường, lúc tĩnh tọa thì tĩnh tọa, lúc ăn hoa chỉ ăn hoa, lại không để ý tới hắn.
La Bạch Ái không có cách nào.
Ngay cả lần này, lúc này, chợt nghe Ôn Nhu nhảy ra ngoài, hô to gọi nhỏ:
- Hà tỷ, hà tỷ, ta tới rồi, ta tới rồi này…
La Bạch Ái không hiểu ra sao cả.
Ôn Nhu còn đang reo hò:
- Hà tỷ, tỷ đang ở đâu… ta đã tới rồi, ta cái đó tới rồi!
La Bạch Ái thẳng họng la lên một câu:
- Ân bà, cô tới rồi thì tới rồi, gọi Lão Thiên Gia làm gì?
Ôn Nhu liếc hắn một cái, xì một tiếng nói:
- Đồ ranh con, liên quan cái rắm gì đến ngươi!
La Bạch Ái ngẩn ra, le lưỡi nói:
- Chà, thật là thô tục!
Chỉ thấy Hà Tiểu Hà lướt tới, nắm hai tay Ôn Nhu, vui mừng hỏi:
- Là thật?
- Thật.
- Tới rồi?
- Tới rồi.
Hai người đều gật đầu một cái, vô cùng vui mừng, dáng vẻ thoải mái.
La Bạch Ái đứng ngoài quan sát, lại càng không hiểu.
Hắn đành phải đi hỏi đại sư:
- Tới rồi thì tới rồi, hai bà điên bọn họ đang cao hứng gì thế? Đây không phải cũng là thiền chứ?
Tam Cô không đáp.
La Bạch Ái lại hỏi, cũng không đáp.
Hỏi cũng chỉ vô ích.
Chỉ có điều, trên gương mặt nhẵn bóng tinh tế của Tam Cô lại hiện ra một nếp nhăn khó mà phát giác.
Đó là ý cười nhiều hơn nụ cười.
Nụ cười chỉ là biểu tình.
Ý cười là ở trong lòng.
Chú thích:
(1) Trời Đao-lợi (S.Trayastrimsa, P.Tavatimsa, Hán. Đao-lợi thiên, Tam thập tam thiên), là tầng trời thứ 2 trong 6 tầng trời ở cõi Dục.
Theo vũ trụ quan Phật giáo, trời Đao-lợi nằm trên đỉnh núi Tu-di, bốn phía đỉnh núi, mỗi phía đều có 8 thiên thành, thành Thiện kiến hay Hỷ kiến (Sudassana) ở giữa là cung điện của vua trời Đế-thích (Sakka), tất cả gồm 33 nơi nên gọi Tam thập tam thiên.