Tôi sinh ra ở Vân Khê, một thị trấn nhỏ ở miền Nam Trung Quốc.
Cha tôi là giáo viên dạy hí kịch, còn mẹ tôi kinh doanh phòng bài. Tôi lớn lên trong tiếng đánh ồn ào của ván mạt chược, lời lẽ thô kệch của đám đàn ông và cả làn khói thuốc vấn vít trong không gian.
Nước sông dập dềnh cuốn theo đám bèo trôi dạt qua bến tàu, tôi ngồi trong mùa mưa dai dẳng, cặm cụi rửa từng quân mạt chược. Đó là mùa xuân ngay sau tháng Ba rực rỡ, phảng phất mùi gỗ mục ẩm ướt ngai ngái trong không khí.
Giang Nam là thế, mùa hoa rơi cũng là mùa mưa dầm dề không dứt, hòa cùng mùi ẩm mốc của vạn vật mục ruỗng. Tôi đã sống hai mươi năm giữa vùng đất ấy.
Mẹ tôi là một người làm ăn, bà thường xuyên bận rộn, tất bật giữa dòng người qua lại, khó mà tách khỏi mùi tiền và sự xô bồ của cuộc sống. Dù vậy, bà chưa bao giờ là kiểu người khéo léo, giỏi xoay xở. Bản tính bà vốn nóng nảy, ghét những điều chướng tai gai mắt, cũng chẳng bao giờ chấp nhận nhân nhượng.
Còn cha tôi là một người thầy, ông lạc quan, thong dong, nho nhã và trầm tĩnh, suốt ngày chỉ đắm mình trong sách vở, thi ca.
Miệng lưỡi của mẹ sắc bén, mỗi khi có chuyện xảy ra, bà luôn bắt tôi tìm lỗi sai ở chính mình. Vì vậy, tôi không hay tâm sự với bà, cũng dần học cách né tránh con người thực của bản thân.
Còn cha thì luôn động viên tôi. Ông thích khen con gái mình.
Tôi là sự kết tinh của hai con người hoàn toàn đối lập, mang trong mình một nửa tính cách của mỗi người. Thế nên tôi trở thành một kẻ hay mâu thuẫn với chính mình.
Tôi là con một trong nhà, tính cách kín kẽ, nội tâm và điềm đạm. Tôi lớn lên trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, cho đến năm mười tuổi. Khi đó, tôi đã gặp phải một số chuyện.
Mọi việc bắt đầu từ bọn nhóc con ấy.
Năm ấy tôi học lớp bốn, trong một lần chạy quanh sân trường, một quả bóng rổ đã đập vào đầu tôi. Tôi dừng lại, chờ đợi một lời xin lỗi, nhưng thứ tôi nhận được chỉ là những tràng huýt sáo cùng tiếng hò reo vang dội: “Ôi chao, Hứa Gia Huy, mày ném trúng con béo chết giẫm rồi kìa! Hôm nay cho nó làm vợ mày đấy!”
Cậu nhóc tên Hứa Gia Huy từ thẹn thành giận. Khi nhặt lại quả bóng rổ, cậu ta hung hăng lườm tôi rồi quát, xa xa bọn tao ra!
Cậu ta trông rất tức tối, còn tôi thì phải mất một lúc mới nhận ra, cái biệt danh “con béo chết giẫm” mà bọn nó vừa hô lên là đang ám chỉ mình.
Xã hội này luôn khắc nghiệt với những người hướng nội. Nếu bạn là một cô gái nhút nhát, nhạy cảm và thừa cân, thì sự ác ý của thế giới sẽ ập đến như những cơn sóng dữ, nhấn chìm bạn trong những lời lẽ cay nghiệt và những sự sỉ nhục vô cớ.
Đàn ông đáng sợ đến thế nào? Điều đáng sợ nhất chính là những cậu bé ở độ tuổi thiếu niên. Khi còn chưa bị luật lệ trói buộc, sự ác độc của bọn họ chẳng hề bị kìm hãm, nó ngang nhiên, không có điểm dừng. Đôi ba câu nói cũng đủ đẩy một người rơi xuống vực thẳm.
Tôi chạy theo Hứa Gia Huy, hỏi thẳng cậu ta: “Tại sao cậu không xin lỗi tôi?”
Những đứa con trai đứng hóng chuyện cười ầm lên.
Hứa Gia Huy gắt gỏng: “Đồ phiền phức! Cút đi!” rồi bất ngờ tung một cú đá thẳng vào tôi.
Tôi ngã sõng soài xuống đất.
Không ai chạy đến đỡ tôi dậy. Chính khoảnh khắc đó, tôi mới nhận ra, mình đã trở thành cái gai trong mắt bọn nó từ lâu.
Tôi được cha mẹ bảo bọc rất tốt, luôn ngoan ngoãn, hiền lành. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra thế giới này không chỉ có ánh sáng.
Sau đó, những lời sỉ nhục không còn dừng lại ở miệng lưỡi mà dần biến thành hành động. Ban đầu, chúng giật lấy đồ ăn vặt của tôi, thậm chí là tiền. Về sau, chúng đổ mực lên người tôi trong giờ thư pháp, ném pháo vào tôi. Mọi chuyện xảy ra ngay trước mắt bạn học, nhưng không ai đứng ra bênh vực tôi cả.
Có lần, tôi lấy hết can đảm đi báo với giáo viên. Thầy gọi mấy tên nhóc ấy lên đối chất và yêu cầu bọn nó xin lỗi tôi. Chúng khiên cưỡng cúi đầu rồi tỏ vẻ ăn năn.
Nhưng giáo viên lại chẳng mấy để tâm đến chuyện này. Thầy ấy nói với tôi: “Chuyện trẻ con, sau này các trò lớn rồi sẽ chẳng còn bận tâm nữa. Có biết câu, một nụ cười xóa tan thù hận không? Về tra từ điển đi, tiện thể học thêm một từ mới.”
Lúc đó, những đứa bắt nạt tôi đang đứng ngay sau lưng thầy, cười nhạo tôi.
Giáo viên xem là “chuyện trẻ con”, nhưng với tôi, nỗi đau này không bao giờ có thể chỉ cười một cái là xóa bỏ được.
Trời mưa, tôi ngồi làm bài tập trong phòng bài của nhà mình. Cơn mưa xuân trút xuống dữ dội, nước sông dâng cao, tràn lên mặt đất. Ba mẹ tôi tất bật tìm cách thoát nước cho tầng trệt, đổ ra con sông phía trước. Phòng bài vẫn mở cửa, còn việc bưng trà rót nước thì do tôi phụ trách.
Hứa Gia Huy và một cậu bé khác tên Đồng Viễn đang ngồi trên bàn mạt chược, đập những lá bài xuống mặt bàn như đang chơi đánh cược.
Tôi bảo bọn họ xuống dưới, nhưng chỉ nhận lại những lời lẽ thô lỗ.
Thấy khuyên không được, tôi định rời đi thì Đồng Viễn đột nhiên gọi tôi lại.
Đồng Viễn định mở miệng gọi tôi là “con béo chết giẫm”, nhưng thấy có người lớn ở đó, cậu ta lập tức nuốt lại lời chửi mắng. “Tô Kiến Thanh, tới đây.”
Tôi hỏi: “Có chuyện gì?”
Cậu ta nói: “Tụi này dẫn cậu đến một chỗ hay lắm.”
Ban đầu tôi không định đi, nhưng rồi bọn nó nói muốn mua quà cho tôi, thành tâm nhận lỗi.
Tôi không cần quà, nhưng tôi cần một lời xin lỗi, thế nên tôi đã tin hai tên nhóc đó.
Ngày đó, bọn nó đưa tôi đến một nghĩa địa nằm phía sau một ngọn đồi hoang. Sau lưng ngọn đồi là một hồ chứa nước. Trên đường đi, tôi bắt đầu cảm thấy bất an, muốn quay lại, nhưng bọn nó đã giữ chặt tôi, ép tôi phải đi tiếp.
Chúng tìm được một chiếc thuyền đánh cá, dùng sào đẩy thuyền tiến về phía trước. Điểm đến là một bãi cát nằm giữa hồ, cách xa bờ nước. Đến nơi, bọn nó ném tôi xuống đó.
Hứa Gia Huy nói: “Mày ồn ào quá trời! Phải dạy cho mày một bài học mới được.” Cậu ta đã bực tức với tôi từ lâu chỉ vì trò đùa độc ác lần trước bị lật tẩy.
Trước lúc bọn nó chèo thuyền rời đi đã để lại một câu: “Đợi đến tối, tụi tao sẽ quay lại đón mày.”
Tôi hoảng loạn vội bám vào thuyền, nhưng Đồng Viễn thẳng chân đạp tôi xuống nước. Cơn mưa bắt đầu rơi, tôi nhìn theo bóng dáng bọn nó khuất dần sau bờ, cuối cùng cũng hiểu rằng sẽ không có ai quay lại nữa.
Tôi không biết bơi. Mưa càng lúc càng lớn, tôi chỉ có thể cầu nguyện, ai đó tình cờ đi ngang và nhìn thấy mình. Nhưng nơi này hoang vắng không một bóng người, tôi bị bỏ mặc giữa cơn mưa, toàn thân ướt sũng, quần áo bết chặt vào da.
Tôi cảm nhận được cái lạnh thấu xương. Không chỉ là lạnh, mà là nỗi cô độc đến tột cùng, một sự lạnh lẽo chẳng khác nào cái chết.
Mười tuổi, mùa xuân năm ấy, tôi thấy cuộc sống của mình dần cạn kiệt. Kêu cứu cũng vô ích, khóc cũng chẳng ai nghe. Mực nước trong hồ ngày một dâng cao, bãi cát tôi đứng chỉ nhỏ bằng một chỗ đặt chân. Tôi không còn mong chờ ai đó đến cứu mình nữa, chỉ hy vọng cơn mưa nhanh chóng ngừng lại. Nhưng ông trời không thương xót tôi, mưa càng lúc càng lớn.
Thời gian trôi qua rất lâu, rất lâu sau, tôi mới nhìn thấy một người đang bơi về phía mình.
Người đó ở rất xa, tôi chỉ lờ mờ thấy được một bóng dáng mơ hồ, không chắc liệu có phải đến cứu mình hay không. Nhưng tôi vẫn cất tiếng kêu cứu.
Người ấy bơi rất nhanh, mái tóc ướt sũng, nước chảy dài xuống khuôn mặt khi anh ngẩng đầu khỏi mặt nước.
Câu đầu tiên anh nói với tôi là: “Sao lại ở đây?”
Tôi sững sờ nhìn khuôn mặt mờ ảo của anh trong làn mưa.
Tôi chưa từng gặp ai đẹp đến vậy, đường nét thanh tú, sắc mặt nhợt nhạt vì kiệt sức sau khi bơi qua dòng nước lạnh. Đôi mắt anh rất đẹp, đôi môi mỏng đến mức khiến tôi có ý muốn chạm vào.
“Xuống đi.” Anh không chờ tôi trả lời, chỉ đưa tay về phía tôi.
Tôi luôn có sự đề phòng đối với con trai, vì vậy tôi do dự rất lâu. Anh lau nước trên mặt, thúc giục tôi: “Nhanh lên, anh đưa em rời khỏi đây.”
Tôi sợ anh cũng như bọn nó, sẽ lừa gạt tôi. Vì vậy, chỉ khi nắm chặt tay anh, tôi mới dám nhảy xuống nước.
Anh đỡ lấy tôi rồi trêu chọc: “Em cũng nặng ghê đó.”
Tôi vốn tự ti, nghe vậy vội vàng nói lời xin lỗi.
“Xin lỗi gì chứ?” Anh nhẹ nhàng cười, dường như muốn làm tôi bớt căng thẳng.
Khi anh cười, đôi mắt cong cong, giống như vầng trăng khuyết.
Tôi tránh ánh mắt anh, vì khi anh cõng tôi, tôi có cảm giác là mình đang khiến anh chìm xuống, cũng do tôi nặng người quá.
“Anh không thể bơi qua được, làm sao bây giờ?” Anh nói, nhưng có lẽ không phải đang hỏi tôi mà là tự mình suy nghĩ cách giải quyết.
Dựa vào cảm giác của mình, tôi đoán anh rất cao, vì chân anh có thể chạm đáy nước.
“Có bị lún xuống không?” Tôi hỏi.
“Dưới này là đá.” Anh đã có quyết định, nói. “Anh sẽ cõng em qua đó.”
Từ đây đến bờ còn rất xa, có lẽ là hai mươi, ba mươi, thậm chí năm mươi mét. Trong màn mưa mịt mờ, chẳng thể nhìn rõ.
Chúng tôi đi trong mưa, tôi ghé sát người vào vai anh, nhận thấy anh rất cao lớn, vì bờ vai anh vô cùng vững chãi.
“Em tên gì?” Anh bắt chuyện với tôi.
“Kiến Thanh.”
“Tên rất đẹp.”
“Cảm ơn ạ.”
“Kiến Thanh.” Anh gọi tên tôi.
“Dạ.”
“Ôm chặt chút đi. Tay anh bắt đầu tê rồi.”
Tôi nặng như một bao cát, làm anh phải vất vả không ít. Tôi ngoan ngoãn siết chặt tay, lén nhìn nghiêng gương mặt anh.
Ở Vân Khê, tôi chưa từng gặp chàng trai nào đẹp đến vậy. Giọng của anh nghe êm tai, không mang chút khẩu âm địa phương nào của người Vân Khê. Tôi lén lút nhìn rồi bị anh bắt gặp. Anh nghiêng đầu, ánh mắt chạm vào tôi, nước mưa lăn dài trên gò má tựa như những giọt nước mắt, hàng mi anh rất dài, giữ lại những hạt mưa lấp lánh.
“Có người chơi xấu em đúng không?” Dường như anh đã đoán ra nguyên do.
Tôi im lặng, xem như ngầm thừa nhận.
“Là ai làm?” Anh hỏi tiếp.
Tôi nói nhỏ: “Mấy thằng nhóc ấy.”
Anh không lên tiếng. Tiếng nước chảy ào ào vang vọng xung quanh.
“Nên làm gì mới phải ạ?” Tôi ném cho anh một câu hỏi khó.
Anh thở hổn hển, cõng tôi nhích lên cao hơn, giọng khẽ trầm: “Đừng ở lại nơi này, hãy đi đến chỗ nào đó cao hơn, rồi mọi thứ sẽ thay đổi.”
“Có ích không?” Tôi hỏi.
“Dù có ích hay không thì con người sống là phải có khí phách. Em chấp nhận để vậy sao?”
Lời nói của anh có phần sâu xa, tôi chỉ hiểu được đôi chút. Nhưng tôi có thể trả lời câu hỏi đó, tôi không thể chấp nhận được.
Sắp lên đến bờ, nước dần cạn đi, tôi thấy anh đang mặc đồng phục của một trường cấp ba, còn là học sinh nhưng nhìn chững chạc như người lớn vậy.
Anh đặt tôi xuống, cơn mưa cuối cùng cũng ngớt dần. Đúng là anh rất cao, tôi chỉ đứng đến ngang hông anh, nhỏ bé chẳng khác nào một nhánh cỏ, phải ngước lên mới nhìn thấy một cây đại thụ sừng sững.
Anh cởi áo khoác ra, vắt cho ráo nước.
Vì không biết làm gì nên tôi chỉ lặng lẽ đứng nhìn. Tôi hỏi: “Sao anh lại ở đây?” Tôi muốn nói đến ngọn núi này.
“Anh đến thăm mẹ.” Anh chỉ tay về dãy núi phía xa, nói. “Bà ấy yên nghỉ ở đó.”
Tôi quay đầu nhìn về dãy núi mờ sương ấy, nơi tôi sợ hãi không dám đến, lại có người vượt núi băng rừng tìm về.
Anh đưa tôi về khách sạn của mình, chuẩn bị bộ quần áo mới rồi bảo tôi đi tắm. Khi tôi bước ra, anh đang ngồi trên mép giường thay đồ, nửa thân trên để trần, bên hông có một hình xăm.
Đó là một đóa hồng không màu, trên cánh hoa đọng vài giọt mưa, trông như một bông hoa đang hứng mưa rơi.
Làn da anh rất trắng, đường nét thắt lưng cũng vô cùng đẹp, săn chắc lại mạnh mẽ.
Anh là một người trưởng thành, không phải là cậu bé nữa.
Tôi bước tới, đưa tay chạm vào hình xăm của anh, hỏi: “Có đau không ạ?”
Anh không ngờ tôi lại đột nhiên xuất hiện sau lưng, ngạc nhiên nhìn tôi một cái rồi với tay lấy chiếc hoodie sạch sẽ bên cạnh. “Lâu rồi, không đau nữa.”
Tôi đánh bạo hỏi anh: “Nó mang ý nghĩa gì đặc biệt sao?”
Anh trầm tư nhìn tôi: “Chưa từng có ai hỏi anh điều đó.”
“Vậy anh kể em nghe được không?”
Anh suy nghĩ một lúc rồi nghiêng người lại gần tôi, trên người anh tỏa ra một mùi hương thoang thoảng, giọng nói khàn nhẹ như thể đang thì thầm bên tai: “Là một cô gái.”
“Người anh yêu hả?”
“Phải đấy.” Nhắc đến người trong lòng, anh nở nụ cười dịu dàng với tôi.
“Tại sao lại xăm ở đây?”
“Không cởi áo sẽ không có người nhìn thấy.” Anh kéo chiếc hoodie xuống che đi hình xăm đó.
Tôi bỗng nhận ra sự khôn khéo của người đàn ông này.
Anh nói mình phải bay gấp, thế nên thời gian chúng tôi bên nhau rất ngắn ngủi. Tôi và anh ở lại khách sạn, đợi đến khi trời hửng nắng, hoàng hôn buông xuống.
Tôi đứng nhìn anh thu dọn hành lý, ướm hỏi: “Anh… viết tên của mình rồi cho em được không?”
Không chút chần chừ, anh cúi người tìm giấy bút trong ba lô, kết quả lại không thấy, phải lấy tạm tập giấy ghi chú trên đầu giường khách sạn. Nhưng cây bút bi trong tay không chịu ra mực, anh lắc thử hai cái, cuối cùng đành bỏ cuộc.
Có vẻ anh đã thấm mệt, liền ngồi xuống mép giường, gọi tôi: “Lại đây.”
Tôi bước tới, anh nắm lấy tay tôi, nhẹ nhàng mở ra.
“Nhìn cho kỹ, đừng chớp mắt.”
“Dạ.”
Anh dùng đầu ngón tay viết lên lòng bàn tay tôi.
Ba chữ đó, tôi đã khắc ghi suốt rất nhiều năm sau này.
“Chăm chỉ học hành, tự tin lên.” Anh khẽ véo má tôi, dịu dàng mỉm cười, cứ như thể một cô bé mười tuổi thì sẽ không đỏ mặt vậy.
Tôi ở lại phòng cùng anh đến giây phút cuối cùng, buồn cười là trong lúc chờ đợi tôi lại ngủ quên trên giường, đến khi tỉnh dậy thì trời đã tối còn anh đã đi mất. Trong phòng chỉ còn cô nhân viên dọn dẹp đang làm việc. Thấy tôi đã dậy, cô ấy tiện tay ném một chiếc áo về phía tôi: “Này bé, đây có phải áo của anh trai em không?”
Tôi mở áo đồng phục ra, trên đó có dòng chữ “Trường Trung học số 3 Yến Thành.”
Tôi không biết anh vô tình để quên hay cố ý để nó lại cho tôi.
Hôm đó, cha mẹ đã tìm tôi suốt nhiều giờ liền, thiếu chút nữa là họ đã đến đồn cảnh sát báo án. Khi tôi về đến nhà, mẹ ôm chặt lấy tôi mà khóc thực lâu, còn cha thì mừng rỡ gọi điện khắp nơi báo tin tôi đã trở về.
Cha mẹ thực sự yêu thương tôi, đến tận giây phút này, tôi vẫn chưa kể với họ về những tổn thương mình đã chịu đựng. Tôi sợ họ sẽ đau lòng vì tôi, họ không làm sai điều gì cả.
Ngày hôm đó thực nguy hiểm, nếu không có anh xuất hiện kịp thời, có lẽ tôi đã bỏ mạng rồi. Tôi biết ơn ông trời vì đã thương xót, đã cho tôi gặp được một người hùng.
…
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tôi và bọn nhóc kia đường ai nấy đi. Nhờ quá trình dậy thì mà tôi bắt đầu cao lên, vóc dáng cũng dần cân đối hơn. Tôi không còn bị bắt nạt nữa mà thay vào đó là nhận được thư tỏ tình. Và tôi cũng sớm nhận ra một điều: Con gái luôn bị định nghĩa bằng ngoại hình.
Kể từ ngày ấy, mùa mưa ở Giang Nam cũng kết thúc, thời gian cứ thế kéo dài, có những lúc tôi chẳng còn nhớ đến buổi trưa xuân năm nào. Thậm chí, khuôn mặt anh cũng dần trở nên mơ hồ trong trí nhớ tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ những lời anh nói: “Sống là để nuôi dưỡng ý chí, đừng chôn chân ở đây.”
Tôi quay lại hồ chứa nước, bãi cát giữa dòng đã bị nhấn chìm, tôi nhìn lên dãy núi xanh, nó vẫn hùng vĩ như thuở nào.
Tôi không biết mẹ anh đang an nghỉ dưới gốc cây nào, nếu có thể tìm thấy, tôi sẽ đến đó thắp hương cầu phúc cho bà.
Có người nào sinh ra đã mang sứ mệnh phi thường không? Tôi không biết. Giữa tôi và anh, thời gian bên nhau chưa đến ba tiếng đồng hồ. Nhưng tôi lại nhớ anh rất lâu, rất lâu.
Kim Dung từng viết về Quách Tương: “Phong Lăng độ khẩu sơ tương ngộ, nhất kiến Dương Quá ngộ chung thân.” [6]
Có lẽ cũng giống như vậy. Tôi rất thích Quách Tương, thế nên tôi muốn thử một lần diễn vai nữ hiệp.
Nhưng nếu có cơ hội, tôi vẫn nguyện được đóng vai Tiểu Long Nữ. Vì nàng ấy là nữ chính, là ánh trăng sáng dịu dàng. Tôi không muốn làm người ôm mối tình đơn phương.
Chú thích:
[6] Tạm dịch: “Lần đầu gặp gỡ ở bến Phong Lăng, một ánh nhìn đã lỡ cả một đời.”