Trò Chơi Đuổi Ánh Trăng - Hoài Nam Tiểu Sơn

Chương 47: Chương 47



Đoàn phim nghỉ Tết, Tô Kiến Thanh dự định về Vân Khê một chuyến. Trước khi đi, Lê Oánh mời cô đến nhà chơi một lần. Hôm ấy cũng là sinh nhật của Song Song, vợ chồng Lê Oánh đã chuẩn bị một chiếc bánh kem cỡ vừa cho con gái.

Bữa tiệc sinh nhật này đơn giản hơn nhiều so với tưởng tượng của Tô Kiến Thanh, dù gì thì chủ nhà cũng là người giàu có, tiếng tăm lẫy lừng. Nhưng cách mừng tuổi lại giản dị đến thế, cuối cùng họ chỉ quây quần bên một chiếc bàn ăn bốn người, cùng hát mừng sinh nhật cho cô con gái nhỏ.

Trên bánh cắm bảy cây nến.

Thời gian luôn hiện rõ dấu vết nhất trên những đứa trẻ. Từ lần đầu tiên gặp Song Song đã ba năm trôi qua. Gương mặt bầu bĩnh ngày nào giờ đã dần lộ nét thanh tú. Đôi mắt lanh lợi giống Lê Oánh, khuôn cằm nhọn và bờ môi mỏng lại giống Vệ Minh cha của bé.

Con bé trầm tĩnh, điềm đạm. Khi người lớn trò chuyện, Song Song không chen vào, chỉ yên lặng dùng thìa xúc bánh kem, đôi mắt sáng ngời đảo qua đảo lại.

Vì vấn đề trí tuệ, Song Song đến giờ vẫn chưa thể đi học.

Trong bữa ăn, Tô Kiến Thanh có nhắc đến chuyện này, hỏi họ đã bàn bạc ra sao.

Ý của Vệ Minh là sẽ thuê gia sư về dạy Song Song ngay tại nhà.

Nhưng Lê Oánh lại cho rằng, dù thế nào thì con gái cũng nên ra ngoài, tiếp xúc với môi trường học đường, hòa nhập với mọi người.

Vệ Minh cảm thấy Lê Oánh nghĩ quá đơn giản, với tình trạng hiện tại của Song Song, đến trường chỉ sợ bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt.

Lê Oánh nói: “Trẻ con thì có gì mà tính toán nhiều như vậy? Anh cứ lo cái này cái kia, không cho con ra ngoài, không cho tiếp xúc với ai, vậy tình trạng của con chỉ càng lúc càng tệ, càng khép kín hơn thôi. Anh định nhốt con trong nhà cả đời à? Anh có thể chăm sóc con đến già đến chết được sao? Vệ Minh, rốt cuộc anh muốn tốt cho Song Song hay là đang đẩy con vào đường cùng?”

Lời cô ấy nói nặng nề, giọng cũng vì tức giận mà run rẩy. Tô Kiến Thanh thấy tình hình căng thẳng, bèn bế Song Song lúc ấy đang liếm ngón tay dính kem sang một bên chơi xếp hình.

Vệ Minh bước đến khép cửa phòng ăn lại, khiến âm thanh tranh cãi giữa họ trở nên trầm đục hơn.

Nhưng tiếng động vẫn lọt ra ngoài, va vào tai Tô Kiến Thanh.

“Anh nói sẽ nhốt con bé trong nhà cả đời à? Anh chỉ cảm thấy với tình trạng bây giờ, con bé không phù hợp đến trường. Em nghĩ trẻ con đơn thuần dễ dạy sao? Em đã từng thấy chúng khi chơi xấu chưa? Em tưởng đứa trẻ nào cũng giống Song Song ngoan ngoãn dễ bảo à? Nhỡ, anh nói là nhỡ thôi, nếu như chuyện anh lo thực sự xảy ra, thì chính quyết định của em mới là thứ sẽ hủy hoại con bé, em có biết không?”

Tính cách Vệ Minh và Lê Oánh khác biệt rõ rệt, anh ấy điềm tĩnh, suy nghĩ thấu đáo hơn. Còn cô ấy lại dễ nóng nảy, bốc đồng.

Đôi vợ chồng này người đàn ông lo việc trong nhà, người phụ nữ quán xuyến bên ngoài.

Lê Oánh từng kể cho Tô Kiến Thanh nghe chuyện lúc trẻ của họ. Vệ Minh từng là giảng viên dạy môn kịch của cô ấy. Khi họ quen nhau, anh ấy chỉ là một giảng viên bình thường, còn Lê Oánh thì đã là ngôi sao được các đạo diễn lớn ưu ái ngay từ trước khi nhập học.

Khoảng cách về địa vị khiến nhiều người từng cho rằng họ sẽ không thể đến với nhau. Nhưng rồi họ vẫn kết hôn, không tổ chức lễ cưới, đó là quyết định chung của hai người.

Lê Oánh sinh ra đã là tiểu thư ngậm thìa vàng, nhưng bất hạnh thay, khổ đau lại đổ lên đầu con gái cô ấy. Ngay cả vì sao sáng nhất cũng có lúc lịm tắt.

Lê Oánh từng nói với Tô Kiến Thanh: “Có lúc chị cũng tự hỏi, có phải chị sai khi chọn anh ấy? Biết đâu con bé là quả báo của chị. Giá mà khi ấy nghe lời cha mẹ…”

“Có giai đoạn hai đứa cứ cãi nhau suốt, liên tục từ ngày sang đêm, ai cũng cứng đầu, ai cũng không chịu nhường.”

“Cãi xong lại chiến tranh lạnh, anh ấy vẫn nấu cơm nấu nước rồi lẳng lặng đi chăm con. Lần cãi vã dữ dội nhất, chị từng nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng nhìn họ trước mắt chị, một đứa bướng kinh khủng, một đứa dạy mãi không biết nói, tại sao con nhà người ta thì bình thường, đến phiên chị lại như thế? Chị từng thấy mình xui xẻo đến mức không thể chịu nổi khi phải gồng gánh cả hai người họ. Nhưng đồng thời, chị cũng biết, đây chính là mái ấm mà chị muốn có nhất.”

“Chị không thể rời xa chồng chị, cũng không thể rời xa con gái chị.”

Cô ấy không nói yêu, nhưng từng chữ đều là yêu.

Vệ Minh cầu hôn bằng một chiếc nhẫn kim cương anh ấy dành dụm suốt nửa năm để mua. Giấu kỹ để tạo bất ngờ. Vậy mà khi Lê Oánh nhìn thấy, chỉ cười: “Cái này em quay một bộ phim là mua được cả trăm cái. Anh cần gì phải khổ sở nhịn ăn nhịn mặc để lãng mạn với em chứ?”

Yêu là khi, anh chỉ có bấy nhiêu, nhưng anh sẽ dâng trọn cho em.

Mỗi lần gặp Lê Oánh, Tô Kiến Thanh đều thấy cô ấy đeo chiếc nhẫn ấy.

Để bảo vệ Song Song, Lê Oánh rất ít khi đề cập chuyện gia đình nơi công khai. Cô ấy phân rõ việc công việc tư, trên màn ảnh là đại minh tinh, sau máy quay lại vất vả vì những chuyện vụn vặt.

Nhưng ngay cả khi đang tranh cãi, Tô Kiến Thanh vẫn thấy được tình yêu không thể tách rời gắn kết ba con người ấy.

Khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm, giọng Vệ Minh cũng lớn hơn: “Được được được, em nói đúng, cái gì em cũng đúng hết!”

Tô Kiến Thanh nghe mà suýt bật cười. Một người đàn ông gần bốn mươi, mà lại nói ra những lời trẻ con bực dọc như vậy, cô có thể tưởng tượng được cảnh Lê Oánh lúc này đang nghiến răng thế nào.

Song Song cầm một mảnh ghép hình định cho vào miệng.

Tô Kiến Thanh lập tức giật lấy.

Song Song tròn xoe mắt nhìn cô, sau đó ngập ngừng nói một câu: “Dì Kiến Thanh, con yêu dì.”

Tô Kiến Thanh hơi ngỡ ngàng: “Hử?”

“Con yêu dì. Mẹ nói, ngày nào cũng phải nói, con yêu người.”

Tô Kiến Thanh bật cười, dịu dàng đáp lại: “Được rồi, dì cũng yêu con.”

Tô Kiến Thanh về nhà ăn bữa cơm tất niên. Mẹ cô là đầu bếp chính, còn cha thì phụ giúp bên cạnh. Hai ông bà vẫn sống ở con phố cũ tại Vân Khê, chịu đựng mùa mưa kéo dài mỗi độ xuân về. Tô Kiến Thanh từng muốn họ chuyển đến nơi nào đó tiện nghi, thoải mái hơn. Cha mẹ cô đã bàn bạc một lần, nhưng cuối cùng vẫn từ chối đề nghị ấy.

Cha nói trường ông làm việc ở ngay đây, nghỉ hưu là chuyện không thể. Ông muốn làm nghề này đến tận bảy tám chục tuổi.

Mẹ thì bảo, bà đã quen với nhịp sống bận rộn ở phòng bài. Bắt bà rảnh rỗi một cái, chắc sẽ sinh bệnh vì quá chán.

Tô Kiến Thanh không ép buộc họ. Cô tôn trọng tình yêu của cha mẹ dành cho cuộc sống đơn giản, bình dị. Người ngoài năm mươi, thường sẽ chọn lấy một chốn yên ổn, từ chối những chuyến phiêu lưu.

“Bộ phim con đang quay là do con tự chọn kịch bản. Chị Oánh không đánh giá cao nhưng vẫn cho con toàn quyền quyết định. Là phim nghệ thuật, không kiếm được bao nhiêu tiền.”

Trong bữa cơm, Tô Kiến Thanh báo cáo tình hình công việc. Bộ phim ấy tên là “Hồng Vũ”.

Cha cô, Tô Quảng Nguyên nói: “Sếp của con là người tốt, sau này có thành công cũng đừng quên ơn người ta.”

Tô Kiến Thanh gật đầu: “Dạ, con biết mà.”

Kỳ Chính Hàn từng nói với cô rằng cha của Lê Oánh không đơn giản. Cô vẫn ghi nhớ trong lòng, nhưng cũng không cố tình đi điều tra tính xác thực, bởi dẫu sao cô cũng chẳng có lý do để nghi kỵ hay đề phòng Lê Oánh. Với cô, không cần thiết phải đổi chủ hay toan tính thêm lần nào nữa, nghĩa tình đáng trân quý hơn bất cứ kế hoạch nào cho tương lai.

Mẹ cô, Lâm Lị lại mắng: “Sườn hầm nhừ quá rồi! Không phải tôi đã bảo ông trông bếp, tắt lửa sớm chút à? Nói bao nhiêu lần mà vẫn không nghe!”

Đêm giao thừa, cha mẹ lại bắt đầu cãi vã.

Ban đầu chỉ là chuyện miếng sườn, mà cãi qua cãi lại, cuối cùng lại nghiêm trọng lên hẳn.

Mẹ hay lôi chuyện cũ ra nói mỗi khi cãi nhau, còn cha thì ghét nhất cái kiểu đó. Hai người lời qua tiếng lại, căng thẳng đến mức Tô Kiến Thanh phải chui vào phòng tránh bão.

Tiếng cãi vã ngoài phòng vẫn không dứt, cho đến khi pháo hoa đêm giao thừa nổ rền vang trời đón năm mới, hai người mới chịu dừng lại, hẳn là mệt rồi.

Sáng hôm sau, tiếng nhạc kịch của Tô Quảng Nguyên vang lên đánh thức Tô Kiến Thanh. Đó là thói quen lâu năm của ông, sáng dậy là mở một đoạn nhạc, luyện giọng hát theo. Hôm nay là vở “Nâng áo cưới” trong tuồng kịch Chiết Giang, nói về ngày Bảo Thoa bị ép gả cho Bảo Ngọc, tay cầm áo cưới, tiến thoái lưỡng nan.

Tô Kiến Thanh rửa mặt xong bước ra khỏi phòng, ngạc nhiên thấy cha mình đang giặt đồ, chà giày ngoài ban công. Tô Kiến Thanh không nhịn được bật cười, người xưa nay chưa từng động vào việc nhà lại thành ra thế này.

Nhưng Tô Quảng Nguyên, dưới “thế lực áp đảo” cũng không còn càm ràm gì nữa. Một đêm trôi qua, chuyện cãi nhau đã tan biến như chưa từng xảy ra. Ông vừa chà giày, vừa rung đùi, thân hình đẫy đà trông lại càng hiền hòa mộc mạc, miệng ngân nga: “Tiết Bảo Thoa ôi, cũng là người đáng thương đấy thôi.”

Giọng Lâm Lị quát từ trong vọng ra: “Ồn gì mà ồn lắm thế! Mới sáng sớm đã lải nhải rồi!”

Tô Quảng Nguyên: “Quan trên thì được đốt lửa, dân đen lại không được thắp đèn à?”

Lâm Lị: “Làm cho nhanh! Giặt xong đem ra phơi, lề mề cái gì hả!”

Thấy Tô Kiến Thanh đi tới, Tô Quảng Nguyên giả vờ bi thương, đưa tay chùi giọt nước mắt chỉ có trong tưởng tượng, chọc Tô Kiến Thanh cười không ngớt.

Hơn hai mươi năm chung sống, ngày ngày sáng tối. Cha dùng sự lạc quan của mình làm mềm những góc cạnh gai góc của mẹ. Sự thấu hiểu và nhường nhịn, như hình với bóng.

Tô Kiến Thanh buộc tóc, ngẩng đầu, chợt thấy trong phòng khách treo một bức thư pháp của cha: Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã [24].

Người ta vẫn bảo, năm tuổi thường vận xui, nhưng Tô Kiến Thanh lại chẳng hề cảm nhận được điều đó. Trái lại, cô thấy mình như đang dần được đẩy lên bởi một luồng sức mạnh âm ỉ nhưng vững vàng.

Chưa đầy vài tháng sau khi “Hồng Vũ” đóng máy, phim thuận lợi ra rạp. Dù kinh phí sản xuất rất thấp, và không ngoài dự đoán, doanh thu phòng vé cũng ảm đạm. Nhưng đến mùa lễ hội điện ảnh cuối năm, hàng loạt giải thưởng bắt đầu đổ về.

Đây là một bộ phim cổ trang huyền huyễn. Tô Kiến Thanh vào vai nữ chính, một ni cô ngây thơ chưa biết sự đời. Nàng vì tìm kiếm một loại linh thảo trong giấc mộng mà xuống núi, dù bị sư phụ người sắp thành tiên kịch liệt ngăn cản. Trải qua bao gian truân, cuối cùng tay trắng trở về. Các nhân vật trong phim ai cũng có kết cục bi thảm riêng.

Đạo diễn khéo léo lồng ghép tư tưởng Đạo gia vào phim, đặt vấn đề xoay quanh mệnh trời và năng lực phản kháng của con người. Biết đời là bể khổ, liệu người ta còn dám bước vào mà trải nghiệm, cảm thấu?

Nếu nhân vật chính trong câu chuyện này có hào quang sáng chói, đánh đâu thắng đó, thì cũng chỉ là một bộ phim thương mại nằm giữa vô vàn sản phẩm đại trà khác. Nhưng kịch bản không đi theo hướng ấy, cuối cùng, nàng ni cô lĩnh ngộ ra một đạo lý đau đớn: Chúng sinh khổ hải trầm luân, muôn việc do mệnh định, chẳng thể cưỡng cầu.

Bộ phim giành được nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan điện ảnh, khiến Lê Oánh mừng rỡ ngoài dự đoán.

Lựa chọn của Tô Kiến Thanh là đúng đắn. Nhờ vậy, cô cũng nhận được vài đề cử Nữ chính xuất sắc. Dù phần lớn chỉ dừng lại ở đề cử, cô cũng không thấy thất vọng, bản thân vẫn còn non nớt, không thể sánh với các tiền bối, cô đón nhận điều đó một cách bình thản.

Cho đến chặng cuối cùng, tại lễ trao giải ở Hồng Kông, Tô Kiến Thanh giành chiến thắng. Vận mệnh cuối cùng vẫn ban cho cô sự ưu ái lớn nhất.

Cô giữ nụ cười điềm đạm, thanh lịch, mặc bộ váy dài màu xanh nhạt được cắt may tinh xảo bước lên sân khấu nhận giải. Khi phát biểu cảm nghĩ, cô cảm ơn rất nhiều người, nhưng những cái tên quan trọng nhất lại chỉ có thể giữ trong tim.

Rất nhiều bạn bè gửi lời chúc mừng:

Thịnh Yến: [Vậy là từ giờ em là em trai nhỏ của ảnh hậu rồi nhỉ. Đáng yêu quá trời!]

Giang Liễm: [Trời ơi, tớ chưa từng thấy cúp Kim Tượng bao giờ, cho sờ thử một cái được không?]

Lộ Trình An: [Chúc mừng em, tiến bộ ghê gớm quá đấy, cô gái nhỏ!]

Thẩm Tu: [Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tuyệt vời!]

Lê Oánh: [Xem ra năm năm đúng là đánh giá thấp em rồi.]

Trên xe trở về, Tô Kiến Thanh lười biếng tựa lưng vào ghế da, lần lượt trả lời từng tin nhắn.

Sau khi trả lời xong, cô vẫn cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Cô nhìn vào màn hình điện thoại một lúc lâu, như đang chờ đợi, mà đến bản thân cũng không rõ là đang đợi gì.

Đúng lúc ấy, tin nhắn của Kỳ Chính Hàn hiện lên: [Chúc mừng.]

Thấy tên anh, cô bỗng có cảm giác mờ mịt. Tô Kiến Thanh nhìn chằm chằm vào hai chữ ấy rất lâu, cuối cùng khẽ cười. Nút thắt trong lòng dường như đã được gỡ ra. Nên nhắn lại thế nào đây? Cô gõ chữ “cảm ơn”, lại không hài lòng, vậy là xoá đi.

Thôi vậy. Đã nói cảm ơn quá nhiều lần rồi. Giữa họ, hai chữ đó giờ đã trở nên nhạt nhòa và vô nghĩa.

Cô lẽ ra nên chủ động báo tin mừng cho anh, vì vai diễn đầu tiên trong bộ phim điện ảnh là nhờ anh phá lệ thêm vào cho cô, vì chiếc vương miện chỉ dành cho người anh thương, vì sau khi cô rút lui, anh đã thay cô gánh vác tất cả. Không ai có thể xóa bỏ vinh quang mà Kỳ Chính Hàn đã mang đến cho cô. Anh là quý nhân trong đời cô.

Tô Kiến Thanh không trả lời nữa.

Khi nhận giải, cô đã nghĩ gì? Nghĩ đến lần đạo diễn từng hỏi đùa, nếu cô là nữ đạo cô trong phim, cô có chọn xuống núi để chịu khổ không?

Khi đó cô không trả lời được.

Song lúc ngồi trong khán phòng, nhìn hình ảnh tiểu đạo cô chiếu lên màn hình, trong lòng Tô Kiến Thanh vang lên một giọng nói rất rõ ràng, rằng cô bằng lòng.

Sau đó, người xướng danh gọi đến tên cô.

Tô Kiến Thanh ngồi thẳng người, cẩn thận chụp một tấm ảnh chiếc cúp, tìm đến khung chat với Vương Doanh Kiều, gửi bức ảnh ấy qua.

Khung chat giữa họ giờ đã thành nơi Tô Kiến Thanh độc thoại, một màu xanh dày đặc.

Tô Kiến Thanh: [Hình ảnh/]

Tô Kiến Thanh: [Tớ đoạt giải rồi đó. Yeah yeah!]


Chú thích:

[24] Đây là nội dung cốt lõi trong Tứ niệm xứ (四念处) – một pháp môn thiền quán trọng yếu trong Phật giáo, đặc biệt là trong Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda). Bốn phép quán giúp hành giả thấy rõ bản chất của thân – tâm – cảm thọ – pháp, từ đó dứt trừ si mê và đạt giải thoát.

  1. Quán thân là bất tịnh (观身不净):
    Quán chiếu thân thể không thanh tịnh, do đất – nước – gió – lửa hợp thành, để giảm lòng tham dục đối với thân.
  2. Quán thọ là khổ (观受是苦):
    Tất cả cảm thọ (vui – buồn – trung tính) đều có bản chất là khổ, vì chúng thay đổi và dẫn đến hệ lụy.
  3. Quán tâm là vô thường (观心无常):
    Tâm luôn biến đổi, không có gì bền chắc – khiến hành giả không chấp trước vào suy nghĩ hay cảm xúc.
  4. Quán pháp là vô ngã (观法无我):
    Mọi hiện tượng (pháp) đều không có “cái ta” cố định – không thể kiểm soát, không sở hữu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.