Trò Chơi Tìm Kiếm Tình Yêu (Con Đường Đến Bên Em)

Chương 38



Mốc dịch

Thời gian nhanh chóng vào thu, cuối hạ chỉ còn cái nóng cuối cùng. Tuy có cơn gió mát thổi qua, nhưng ban ngày vẫn oi ả.

Bà nội Dư đang chăm sóc cây cỏ ở mảnh vườn trước cửa, những cành hoa nhỏ màu tím bò kín bức tường bên cạnh, loài hoa này khắp đường đều có, không hiếm hoi gì.

Hoa rất nhỏ, thường một nhành ba bông, vẻ ngoài không rực rỡ bắt mắt, nhưng điểm tô thêm sắc màu cho những căn nhà màu trắng, giúp phong cảnh bớt đơn điệu cứng nhắc.

Bà nội là người rất yêu thích cây cỏ, nhờ bà mà Dư Nam cũng thích hoa, mảnh sân nhà cô trồng đủ loại hoa cỏ, để người ta biết rằng cô cũng không quá thô lỗ, cô cũng có đôi phần nữ tính như vậy.

Trước của người qua người lại, hàng xóm đi qua dừng chân chào hỏi bà, bà nội nở nụ cười chào lại.

Trồng cây xong, bà nội ôm bó cỏ dại trên mặt đất lên ném vào cái giỏ bên cạnh, bà ngồi dậy, lưng hơi còng, cả người đứng thẳng, bỗng nhiên trước mắt xuất hiện vô số bông tuyết, ánh nắng chói chang bị phóng to thành gấp nhiều lần.

Cơ thể bà nội lảo đảo, bên tai vang lên ong ong như tiếng côn trùng kêu, bà chỉ kịp hô lên một tiếng, sau đó trước mắt tối sầm...

Lão Hồ cách vách lao ra, xốc lưng bà nội lên bế vào trong nhà, vừa chạy vừa gọi bà, hơi thở bà nội mỏng manh, không thể trả lời lại.

Lão Hồ đặt bà nội lên giường, rồi gọi thêm mấy câu, chỉ nghe thấy tiếng rên rỉ khe khẽ, ông nửa quỳ trước giường, rướn cổ gọi với ra bên ngoài, không bao lâu, một người phụ nữ cường tráng dân tộc Bạch xông vào, là dì Hồ.

Bà cũng sợ đến sững người: "Bà nội Dư bị sao thế?" Ngẩn ngơ trong giây lát, bà chạy tới vớ lấy chiếc điện thoại ở đầu giường: "Mau gọi A Nam và A Dương về, số điện thoại của A Nam là bao nhiêu?"

Lão Hồ bấm nhân trung của bà, rồi trở tay lấy di động trong túi ra.

Cuối cùng bà nội cũng tỉnh táo hơn đôi phần, bà kéo tay lão Hồ, thều thào rằng: "Đừng làm Nam Nam sợ, gọi điện cho A Dương đi."

Chiều ngày hôm đấy Bạch Chấn Dương vội vội vàng vàng trở về, thật ra bà nội bị đường huyết thấp cộng thêm cảm nắng nên mới bị ngất xỉu, hiện giờ đã không còn vấn đề gì lớn.

Bà tựa người vào giường, Bạch Chấn Dương ngồi bên, dịu giọng khuyên: "Đường huyết thấp cũng là bệnh, không thể chủ quan, nội à, con đưa nội đến bệnh viện kiểm tra nhé? Chúng ta đến Đại Lý, con lái xe, đi nhanh lắm ạ."

Bà nội vỗ tay anh ta, cười nói: "Bệnh cũ mà thôi, làm gì mà tốn thêm tiền."

Bạch Chấn Dương không khuyên nổi, bèn rót cho bà cốc nước đun sôi để nguội, nấu bát cháo trắng, bên trong có đường đỏ và táo tàu.

Buổi tối anh ta ở lại, người trong thôn ngủ rất sớm, chưa đến chín giờ mà bên ngoài đã vắng lặng như tờ.

Bạch Chấn Dương nằm bên cạnh bà nội, anh ta được bà nuôi lớn từ bé, hồi nhỏ mỗi lần nhớ mẹ, bà nội đều hát dân ca dỗ anh ta vào giấc ngủ.

Trong thoáng chốc thời gian như lùi về mười mấy năm trước, anh ta quay lại là đứa bé ấy, nép bên người bà.

Bà nội hỏi: "Công việc gần đây thuận lợi không con?"

Anh ta co tròn người: "Vẫn tốt ạ, triển lãm tranh lưu động cuối tháng này là kết thúc, tháng sau con phải đến Princeton tham gia một triển lãm mỹ thuật."

Bà nội đáp: "Nhớ năm nào con vừa mới tốt nghiệp, gửi bao nhiêu sơ yếu lý lịch nhưng không có tin tức gì, làm giáo viên thì con không muốn, tác phẩm gửi bán ở nhà triển lãm đều bị người ta coi là quà tặng."

Bạch Chấn Dương nhắm mắt: "Đã là chuyện rất lâu trước kia rồi nội."

Bà nội hỏi: "Vậy bây giờ con có được coi là thành công không?"

Bạch Chấn Dương mở choàng mắt, một lúc lâu sau vẫn không trả lời, anh ta nghĩ tới một số chuyện, cuối cùng lẩm bẩm: "Thành công ạ."

Bà nội vui vẻ yên tâm: "Thành công là tốt rồi."

Bàn tay anh ta gác lên người bà, bà nắm chặt lấy: "Có bạn gái chưa? Lúc nào mới đưa về cho bà nội xem đó?"

Giọng anh ta trầm xuống: "Chưa có ạ."

Bà cụ thở dài: "Bà nội không có phúc khí, không biết có được uống trà của cháu dâu không, nếu năm ấy con cố gắng thêm chút nữa, đừng trêu hoa ghẹo nguyệt bên ngoài, có lẽ Nam Nam đã thành cháu dâu của bà từ lâu rồi, không chừng..."

"Nội à, nội còn nhắc tới làm gì nữa."

Trong lòng anh ta đau đớn, cắt ngang câu chuyện, "Con mua nhà mới rồi, gồm hai tầng, rất rộng, phía trước là sân có thể trồng hoa và rau, cách đó mấy trăm mét sẽ xây một chuỗi siêu thị lớn, mua thức ăn rất tiện." Anh ta cọ vào vai bà, "Nội chuyển đến sống với con đi, cũng để chăm sóc con luôn, được không? Nam Nam cũng ở Đại Lý, nội chuyển đến, cô ấy sẽ thường xuyên đến thăm nội."

Mấy năm gần đây, dù anh ta ở đâu cũng đều gửi cho bà rất nhiều tiền, Dư Nam cũng thường mang tiền và thực phẩm dinh dưỡng về, nhưng căn nhà cũ từ trước đến giờ chưa từng đổi, cũng không mua sắm thêm gì, bây giờ vẫn dùng loại bóng đèn kiểu cũ của ngày xưa.

Bà nội không trả lời đi hay không, "Con kể lại cho nội nghe năm xưa đã cứu Nam Nam thế nào đi."

Bạch Chấn Dương ngẩng đầu: "Nội đã nghe mười mấy lần rồi mà."

Bà nội khép mắt: "Vẫn muốn nghe."

Anh ta trong dòng hồi ức, đèn trong căn phòng lờ mờ, chỉ có thể chiếu sáng một góc nhỏ trên đỉnh đầu.

Đêm rất yên tĩnh, bầu trời sao ngoài kia sáng ngời, như ngày hôm ấy.

Bạch Chấn Dương nói: "Năm nhất đại học, trường tổ chức cho chúng con đến ruộng bậc thang Hani Hồng Hà (1) để lấy tư liệu, lấy tư liệu xong, chúng con trở về, trên đường đi qua một thôn nhỏ, con bị hấp dẫn bởi phong cảnh trong thôn, nên dừng chân tìm góc độ, mải mê quên mất thời gian, con bị lạc mất các thầy cô bạn học, tìm họ hết cả một buổi chiều, vừa mệt vừa đói, đúng lúc có khói bếp bốc lên từ một nhà dân gần đấy, con định đến đó xem có gì ăn không..."

Bạch Chấn Dương sẽ mãi nhớ ngày hôm ấy, ra khỏi thôn anh ta đã đi rất lâu, vùng xung quanh đồng không mông quạnh, ở cái thời chưa thịnh hành điện thoại, anh ta không thể liên lạc với người khác.

Hồi đó đang là mùa thu, đi giữa đồng ruộng, choáng ngợp tầm mắt là sắc vàng, gió thổi sóng lúa như một biển vàng, cánh đồng bao la bao trùm trời đất, nhưng anh ta không còn lòng dạ nào thưởng thức cảnh đẹp xung quanh.

Phía trước là con đường nhỏ khúc khuỷu, có thể nhìn thấy dấu vết bị chà giẫm.

Ra khỏi ruộng lúa mạch, phía xa xa có một hộ nhà nông đắp bằng cỏ, phía trên tỏa khói bếp, mắt anh ta sáng lên, chạy về phía đó.

Trong sân dựng một chiếc bàn vuông lùn nhỏ, có hai đứa bé sáu bảy tuổi đang ngồi trước bàn, trên bàn là bát cháo loãng đầy rau và bánh bao. Hai gã đàn ông cao lớn ngồi xổm trong góc, một gã cầm bánh bao, bưng bát cháo húp, gã còn lại đặt báo cháo dưới đất, châm thuốc hút.

Bạch Chấn Dương sải bước vào, cảm thấy có gì đó kì lạ, muốn rút chân lại nhưng không kịp nữa.

Gã đàn ông cách cửa gần nhất nhận ra anh ta, gã gầy gò ốm yếu, làn da đen đúa, nổi bật nhất là vết sẹo dài từ trán xuyên qua mắt đến tận gò má, sẹo rất sâu, màu đỏ sậm, thoạt nhìn vô cùng đáng sợ.

Ánh mắt gã đàn ông lộ ra sự dữ tợn: "Tìm ai?"

Động tác của một gã khác đằng sau cũng dừng lại, lặng lẽ đi tới bàn ăn, nhìn chòng chọc Bạch Chấn Dương đầy cảnh giác.

Bạch Chấn Dương đi mấy bước về phía trước, thân thiện hỏi: "Tôi bị lạc đường đi ngang qua đây, vừa mệt vừa đói, không biết có tiện cho tôi nghỉ ngơi một lát, xin chút gì ăn được không?"

Gã mặt sẹo gào: "Không có." Gã đuổi anh ta: "Đi đi, cút mau."

Bạch Chấn Dương bực mình, nhìn hai gã dữ tợn như hung thần cũng không dám nói nhiều, xoay người bước ra ngoài.

"Anh ơi." Bạch Chấn Dương đi đến cửa, chợt nghe thấy một giọng nói trẻ con, anh ta dừng lại, một cô bé chạy ra, gã đàn ông phía sau định túm lấy cô bé, đưa tay quơ hai cái nhưng đều bắt hụt.

Cô bé thoạt nhìn nhiều nhất khoảng sáu bảy tuổi, đầu tóc vàng bủng, cơ thể gầy gò, cả người từ trên xuống dưới đều nhếch nhác bẩn thỉu, khóe miệng còn có vết thương, nhưng đôi mắt lại đen láy sáng trong lạ kì.

Bạch Chấn Dương ngẩn người, cúi đầu nhìn cô bé.

Người đàn ông phía sau gào: "Quay lại đây, ngoan ngoãn ăn cơm."

Cô bé làm như mắt điếc tai ngơ, đôi tay nhỏ bé bẩn thỉu giơ lên, cầm một chiếc bánh bao trắng tinh, không nói gì.

Gã đàn ông phía sau xông tới, bị gã mặt sẹo kéo lại, gã nhìn cô bé, gượng gạo nói một câu: "Cháu gái tôi tốt bụng, lương thực trong nhà không còn nhiều, chỉ có thể cho cậu một cái bánh bao, mau đi đi."

Bạch Chấn Dương nhận lấy chiếc bánh bao, nói cảm ơn, rồi cúi đầu nhìn cô bé, từ đầu tới cuối cô bé khôn nói câu nào, chỉ mím môi, hàng mi cụp xuống, anh ta có thể nhận ra cô bé đang căng thẳng, trong đôi mắt to tròn ấy dường như chất chứa rất nhiều điều không thể nói ra.

Gã đàn ông phía sau kéo cô bé về, Bạch Chấn Dương không nán lại lâu, nhanh chóng sải bước rời khỏi.

Trời sắp xế chiều, mặt trời sắp lặn xuống núi, xung quanh vẫn chỉ có ruộng lúa mì, cao gần nửa người, nơi đâu cũng có, xa không nhìn thấy điểm cuối.

Bạch Chấn Dương nằm trên đống cỏ, hai tay gối ra sau đầu, anh ta nheo mắt, nhìn bầu trời xanh vời vợi trên ruộng lúa mạch.

Anh ta thất thần, nhớ tới cô bé ban nãy, thân hình nhỏ bé nhưng không hề yếu đuối khảm sâu trong não anh ta, đôi mắt cô bé mang theo ma lực, rõ ràng không nói lời nào, nhưng hắn có thể nhìn thấy sự kiên cường và cầu xin trong đôi mắt ấy.

Cô bé chắc chắn có lời muốn nói với anh ta.

Bạch Chấn Dương giơ bánh bao cô bé cho lên, xoay tròn, phía dưới chiếc bánh bao có vết rạch, anh ta dừng lại, ngồi phắt dậy, nhìn chằm chằm chiếc bánh bao mấy giây, hai tay tách chiếc bánh bao ra theo vết nứt ấy, bên trong có một tấm hình nhỏ...

* * * * *

Bên trong căn nhà dân.

Hai gã đàn ông uống rượu, cô bé bị nhốt trong chuồng trâu bên cạnh.

Căn nhà rất bừa bộn, bên trái là giường đất xây theo kiểu cũ, trên giường đất để một chiếc bàn nát, bên trên chất một đống lạc, hai quả dưa chuột và một bình Nhị Oa Đầu.

Căn nhà hình như đã rất lâu rồi không có người ở, trên chiếc tủ phủ một lớp bụi, mép vò sứ đã bị tróc sơn, chân tường chất đống củi gỗ và thân cây ngô khô.

Một gã hỏi: "Cái thằng ban ngày liều lĩnh xông vào nhìn thấy chúng nó rồi, sẽ không xảy ra chuyện gì chứ?"

Lưu "sẹo" ném một hạt lạc vào miệng: "Không đâu, đều bình thường, chúng ta không có gì để nghi ngờ cả."

Gã nọ uống một hớp rượu: "Em thấy không yên tâm tí nào."

"Vậy mẹ nó mày còn dám uống rượu à?" Lưu "sẹo" cười mắng, "Một thằng vắt mũi chưa sạch thì làm được chuyện gì?"

Gã đàn ông cười hề hề, "Anh, có anh ở đây, em không sợ gì hết."

Hai gã cụng li với nhau.

Uống rượu xong, Lưu "sẹo" cay nghiệt nghiến răng: "Sắp thành công đến nơi rồi, ngày mai tên họ Lữ sẽ đến đưa một đứa đi, đứa còn lại thì xử lý gọn ghẽ vào."

Gã nọ gật đầu: "Anh, lần này chúng ta được món hời lớn rồi, có thể hưởng thụ một khoảng thời gian, đi theo anh, đúng là không lo ăn không lo uống.

Lưu "sẹo" dí ngón tay vào gã, bật cười thành tiếng.

Đêm sâu yên tĩnh, trong căn nhà vang lên tiếng ngáy như sấm, chốt cài cửa của chuồng trâu bên cạnh được chốt ngược từ phía ngoài, phía cao nhất trên cánh cửa, ở độ cao của một người trưởng thành.

Bên trong có tiếng sột soạt rất nhỏ, không bao lâu sau, một tiếng nhẹ nhàng vang lên, dây sắt duỗi tới để mở chốt cửa.

Hai đứa bé nhảy xuống đống gạch vỡ dính đầy phân trâu, trong sân không có người, hai đứa lặng lẽ chạy về phía cửa, nhưng chợt sững người lại.

Cánh cổng dùng ổ khóa to bằng nắm đấm, cuối cùng cũng hiểu tại sao bọn chúng có thể vô tư ngủ như vậy, dù hai cô bé có thể thoát khỏi chuồng trâu, nhưng không thể bước khỏi mảnh sân này nửa bước.

Trong giây phút nước sôi lửa bỏng, có người thấp giọng gọi một tiếng, cô bé sợ đến run rẩy, nhìn xung quanh bốn phía, bức tường phía đông xuất hiện một cái đầu, nhìn kĩ, chính là anh trai đến lúc ban ngày.

Hai đứa mừng rỡ chạy tới.

Cô bé ngước đầu, sợ hãi gọi: "Anh ơi, cứu chúng em với, mấy chú đó chúng em đều không quen biết, là họ bắt cóc em."

Gáy Bạch Chấn Dương tê rần, mạch máu cả người căng lên, trong lòng sáng tỏ, anh ta đã đoán trúng rồi.

Anh ta nằm sấp trên đầu tường, bức tường cao hai mét, người lớn bò lên bò xuống đã khó, huống chi là hai đứa trẻ.

Bạch Chấn Dương đi vòng xung quanh bức tường, tìm thấy một sợi dây thừng buộc gia súc đã cũ, anh ta lại trèo lên tường, vắt sợi dây thừng qua. Sợi dây ngắn, chỉ lơ lửng giữa không trung, Bạch Chấn Dương chau mày, cô bé lập tức chạy về phía chuồng trâu, chẳng mấy chốc bê hòn gạch vỡ vừa mới kê chân ban nãy ra, cô bé còn lại thấy cô chuyển gạch, cũng chạy theo bê cùng.

Năm sáu hòn gạch chồng lên nhau, độ cao vừa vặn đủ với tới sợi dây thừng cũ phía trên, cô bé trèo lên, chồng gạch lắc lư, kiễng chân lên với lấy sợi dây, phía trên dùng sức, cô bé dùng cả tay lẫn chân, nhanh chóng ngồi lên được bờ tường.

Kéo xong một người, Bạch Chấn Dương kéo người còn lại.

Cô bé phía dưới có hai bím tóc tết, trên mái tóc rối bù còn dính mấy cọng cỏ, cô bé đứng trên đống gạch nhón chân lên, bỗng nhiên rung một cái, không đứng vững, chồng gạch đổ nhào "rầm" một tiếng, cô bé hoảng sợ hét lên, mông chạm phịch xuống đất.

Trong nhà nghe thấy tiếng động, đèn nhanh chóng bật sáng, có người gào: "Ai đấy?"

Bạch Chấn Dương hoảng hốt gọi nhỏ xuống bên dưới: "Nhanh lên, xếp lại gạch đi."

Cô bé ngồi trên đầu tường cũng nói nhỏ: "Mau đứng lên, mấy chú đó sắp ra bây giờ.

Cô bé tết tóc hai bên đứng lên, bắt đầu xếp gạch lại, cô bé nhìn về phía sau, sốt ruột đến nỗi sắp khóc.

Trong nhà vang lên tiếng "cọt kẹt", Lưu "sẹo" mặc áo đi ra, nhìn thấy chuyện trước mắt, bèn gào lên: "Mẹ nó, con nhãi kia, mày xuống cho tao..."

Bạch Chấn Dương không còn quan tâm đến chuyện khác, anh ta bế cô bế trên đầu tường xuống, còn nghe thấy Lưu "sẹo" gọi tên đồng bọn của mình, mấy giây sau, cổng sân mở toang, có người từ bên trong chạy ra.

Ngày ấy trăng tròn, ánh trăng gọi lên con đường nhỏ giữa cánh đồng, hành tung cũng rất dễ bị phát hiện.

Anh ta vác cô bé chạy sâu vào trong ruộng lúa mạch, cô bé giãy giụa trên vai anh ta: "Không thể đi được, mau quay lại đi, em ấy làm sao giờ?"

Bước chân Bạch Chấn Dương không dừng lại, anh ta thở hổn hển: "Anh đưa em đi trốn trước, chúng ta báo cảnh sát, để cảnh sát đến cứu chị ấy."

...

Đêm khuya thanh tĩnh, ánh đèn vàng lờ mờ che phủ căn nhà cũ kĩ.

Bạch Chấn Dương nhẹ nhàng ngồi dậy, định đưa tay tắt điện.

Bỗng bà nội hỏi: "Sau đó thì sao?"

Anh ta tưởng rằng bà nội đã ngủ rồi, động tác dừng lại, anh ta nằm xuống, nhìn chằm chằm trần nhà rồi lại cười một cái.

Sau đó, anh ta vác cô bé chạy rất lâu mới ra khỏi ruộng lúa mạch vàng óng ả.

Cô bé mềm oặt nằm trên vai Bạch Chấn Dương, lưng anh ta ướt đẫm mồ hôi, cảm thấy nhiệt độ khác thường.

Bạch Chấn Dương nghiêng đầu: "Em tên là gì?"

Giọng nói cô bé yếu ớt: "Tưởng Tân Tả."

"Tưởng Tân Tả..." Anh ta đọc theo: "Sao em nghĩ ra cách này? Sao em biết anh sẽ quay lại cứu em?"

"Không biết nữa." Cô bé nằm sấp, giọng nói càng lúc càng bé dần: "Chỉ thử xem sao."

Họ đi tới đường quốc lộ, chặn một chiếc xe đi ngang qua, tài xế là người tốt, may mắn lái xe đi về phía Đại Lý.

Sau khi lên xe, Bạch Chấn Dương mới phát hiện, Tưởng Tân Tả đã sốt đến mê man.

Bà nội cười thành tiếng: "Lúc ấy khi con cõng con bé về, Nam Nam đã sốt không biết trời trăng là gì rồi, làm bà cũng hoảng theo, khuôn mặt nhỏ xíu ấy giống y như quả táo.

Bạch Chấn Dương cũng cười: "Lúc đó con cũng sốt ruột, không đưa cô ấy đến cục cảnh sát mà cõng về nhà luôn."

Anh ta chưa từng gặp phải chuyện như thế, tâm trạng hoảng loạn, chỉ muốn về tìm bà nội, chờ đến khi Tưởng Tân Tả tỉnh lại thì mới báo cảnh sát.

Lúc đó, trong căn nhà cỏ phía sau ruộng lúa mạch đã trống hươ trống hoác từ lâu.

Bà cụ kêu anh ta lấy giúp một chiếc tráp nhỏ, bên trong đặt mấy tấm ảnh cũ đã ngả vàng, phía dưới cùng có một bức hình nhỏ được bà nội dùng vải cẩn thận gói vào.

Bạch Chấn Dương nhận ra món đồ đó, ánh mắt sáng lên: "Nội vẫn giữ lại ư?"

Bức hình nhỏ cũ kĩ đã rạn, bên phải chụp một góc mờ mờ, cô bé phía trên đầu tóc vàng bủng, mắt rất to, nhưng không cười, trước ngực quàng khăn quàng đỏ, bên trái có một dòng chữ, trường tiểu học số hai Tân Hoa thành phố Tế Nam, năm nhất lớp số ba, Tưởng Tân Tả.

Bà nội sờ tấm hình nhỏ: "Nam Nam của bà từ bé đã thông minh, nếu không nghĩ ra cách ấy, con cũng sẽ không cứu con bé."

Cô nhét tấm hình vào trong bánh bao, hành động này tưởng chừng kì quái, khi nhìn thấy địa chỉ ghi ở bên trên là Tế Nam, Bạch Chấn Dương không thể không nghi ngờ.

Lúc đấy như có một suy nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu anh ta, nói với anh ta rằng, không thể đi được, phải quay lại xem thế nào.

Đêm hôm nay kể lại quá nhiều chuyện cũ, ánh trăng gợi nhớ lại kí ức, những mảnh ghép trước đây lấp đầy trái tim.

Bạch Chấn Dương nghẹn ngào, lồng ngực thắt lại, nghe thấy bà nội nói: "Sức khỏe của nội càng ngày càng kém, con là đàn ông đàn ang thì nội yên tâm, sự nghiệp tiền tài bây giờ đều không thiếu, chỉ cần tìm một cô vợ nữa thôi, cũng không có gì để nuối tiếc cả."

"Nội không yên tâm về Nam Nam, con bé là thân gái mà ở Đại Lý không bạn bè không người thân, không ai chăm sóc." Giọng bà run rẩy: "Con bé bơ vơ không nơi nương tựa, nội chết cũng không nhắm mắt."

Bạch Chấn Dương ngăn lại: "Nội à, đừng nói nữa, nội sống lâu trăm tuổi mà."

Bà nội cười cười, đặt tấm hình vào tay anh ta: "A Dương, con nên làm một số chuyện cho Nam Nam."

Hết chương 38

(1) Ruộng bậc thang Hani, Hồng Hà: Phong cảnh nổi tiếng nằm ở Vân Nam, Trung Quốc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.