Đới Đạc lại nói: “Tứ gia, thực ra Đới tiên sinh còn có một loại tuyệt kỹ, quả thực là báu vật của Đại Thanh ta.”
“Ồ? Vậy mời hai vị Đới tiên sinh nói tỉ mỉ hơn đi. Ta xin rửa tai lắng nghe.” Dận Chân nói với vẻ đầy hứng thú. Chẳng ngờ, hắn vừa nghe xong, lòng đã thầm thốt lên: “Lần này quả đã nhặt được một thỏi vàng ròng rồi!”
Thì ra, thành tựu quan trọng nhất của Đới Tử là ở phương diện nghiên cứu chế tạo súng ống đạn dược. Ông ta từng nghiên cứu ra thành công nhiều loại súng đạn, trở thành chuyên gia vũ khí nổi danh đương thời. Dưới ảnh hưởng của cha mình, từ thời niên thiếu ông ta đã đam mê chế tạo máy móc, từng nghiên cứu chế ra một loại súng có thể bắn xa hơn trăm bước. Năm Khang Hi thứ mười ba, Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến hưởng ứng theo Ngô Tam Quế khởi binh phản loạn, xâm chiếm Chiết Giang, triều đình phái Khang thân vương Kiệt Thư làm Phụng mệnh đại tướng quân, suất lĩnh quân đội nhà Thanh đi Mân Chiết chinh phạt Cảnh Tinh Trung. Đới Tử bỏ văn theo võ, lấy thân áo vải tòng binh, nói thẳng nguyện cống hiến vì vương triều, đại thế thiên hạ như vật trong lòng bàn tay. Trong quân đội, ông ta dâng cho Kiệt Thư súng liên châu mà mình phát minh. Súng liên châu còn có tên khác là súng liên thanh, là một loại súng kíp nạp đạn từ khóa nòng, nòng trơn, bắn phát một nhưng có thể dự trữ hai mươi tám viên đạn, có trang bị cơ cấu liên động để nạp đạn liên tục, nhờ đó đơn giản hóa thao tác nạp đạn, tăng tốc độ bắn. Dáng súng như tì bà, hộp đạn, đá lửa đặt ở sống lưng của súng, đóng mở bằng cơ cấu. Súng có hai cơ, liên kết với nhau. Khởi động một cơ thì thuốc nổ và đạn sẽ tự động rơi vào nòng, cơ thứ hai cũng tự động đánh cho đá lửa tóe lửa, đạn được bắn ra, liên tiếp hai mươi tám phát. Sau khi dùng hết thuốc nổ thì cần nạp lại. Sau khi trang bị loại súng này vào quân đội, tỉ lệ sát thương tăng vọt, Khang thân vương cũng vỗ đùi bảo sướng, còn rót rượu ra, uống cạn một bát to mừng súng này, sau đó phong Đới Tử làm Tham quân.
Năm Khang Hi thứ mười lăm, hoàng đế xét thấy ông ta có công trong công cuộc thu phục giang sơn, đặc biệt phong Đới Tử hàm tứ phẩm. Sau khi bình định phản loạn Cảnh Tinh Trung, Đới Tử lại theo Kiệt Thư đến Bắc Kinh, được Khang Hi triệu kiến. Khang Hi biết ông ta có thể làm thơ, viết văn, phong ông ta làm thị giảng viện hàn lâm, cùng Cao Sĩ Kỳ vào Nam Thư Phòng. Không lâu sau, lại đổi sang Dưỡng Tâm Điện, có thể theo hầu quân vương. Đới Tử vốn tưởng rằng một lòng báo quốc tha thiết của mình đã có thể thực hiện rồi, nào ngờ, thành cũng vì đây, bại cũng vì đây, vận rủi cũng theo nghiệp chế tạo súng đạn của ông ta mà bắt đầu.
Năm Khang Hi thứ hai mươi lăm, sứ giả vương quốc Hà Lan đến tiến cống cho triều Thanh nhiều vật lạ, trong đó có một loại súng hơi bắn chim. Đới Tử phụng lệnh Khang Hi, nhanh chóng làm ra mười khẩu tương tự để Khang Hi làm quà đáp lễ sứ giả Hà Lan, điều này làm cả triều đình chấn động. Khang Hi cũng vì thế còn thưởng cho Đới Tử một chiếc hoàng mã quái (1). Đại khái đã khiến một vài triều thần ghen tỵ. Dù sao khi đó, những người được ban thưởng hoàng mã quái đều là người có quân công vĩ đại, hoặc cũng là trọng thần, dòng dõi quyền quý, những đại thần khác rất ít được thưởng như vậy, chứ đừng nói chỉ là một viên quan tứ phẩm. Lập tức chuyện này đã dấy lên một hồi bàn tán, nói Đới Tử chẳng qua biết chút kỹ xảo khác người mà thôi, sao xứng đáng được thưởng hậu đến thế. Về sau, mới dây vào Nam Hoài Nhân – một người truyền giáo người Bỉ, giữ chức Giám Chính của Khâm Thiên Giám kiêm hữu thị lang bộ Công, cũng là người được ân sủng nhất trong số tất cả những người phương Tây đến đây. Có một lần, Nam Hoài Nhân khoe với Khang Hi về Pháo trùng thiên do nước lão phát minh ra (còn gọi là Pháo mẹ con). Khang Hi nghe được, thán phục pháo này lợi hại, lập tức lệnh cho Nam Hoài Nhân mô phỏng lại. Nhưng Nam Hoài Nhất mất một năm ròng rã, tiêu phí mấy vạn lượng bạc vẫn không chế tạo được. Đới Tử nghe nói thế, chỉ mất tám ngày đã chế ra. Khang Hi vui vẻ cực kì, tự mình dẫn đại thần ra đại doanh Phong Thời ở ngoại ô kinh thành thử bắn. Lúc thử nghiệm, quả nhiên uy lực to lớn, chỉ thấy pháo con nằm trong bụng mẹ, mẹ đưa con đi, rơi từ trên xuống, vỡ vụn từng mảnh, sắc bén không gì sánh được. Khang Hi lập tức phong khẩu pháo này là Uy Viễn tướng quân, cũng ban thưởng một mảnh áo đỏ, khoác lên thân pháo, còn hạ lệnh khắc tên Đới Tử lên thân pháo làm kỉ niệm.
Chỉ là không thể lường trước, pháo trúc của Đới Tử ra đời cũng đắc tội Nam Hoài Nhân một cách triệt để. Lúc này, vừa khéo xảy ra một chuyện, một viên chức bộ Công tên Trần Hoằng Huân, là con nuôi của Trương Hiến Trung thời cuối thời Minh, sau khi đầu hàng triều Thanh thì vào Tương Lam Kỳ quân Hán, được phong làm tiểu quan từ lục phẩm. Người này cực kì vô sỉ, trùng hợp một lần hắn thấy người Oa cố ý hối lộ Đới Tử muốn mua bản vẽ Pháo trùng thiên, hắn mới nảy sinh lòng xấu xa đòi bắt thóp Đới Tử. Đương nhiên Đới Tử cự tuyệt, thế là hai người xảy ra xung đột.
Mặc dù Đới Tử là quan văn, nhưng tập võ nhiều năm, thân thủ nhanh nhẹn, trận đó Trần Hoằng Huân ăn thiệt lớn, bị đánh cho mặt mũi bầm dập. Về sau, Trần Hoằng Huân càng nghĩ càng cay cú, thế là vu cáo ngược Đới Tử, nhưng bởi vì chức quan nhỏ, không thể tự mình dâng tấu, thế là kẹp vào sổ gấp gửi cho Nam Hoài Nhân. Nam Hoài Nhân vốn đã có ý đồ tìm cơ hội trả thù Đới Tử, đúng lúc cho lão một cơ hội để mưu hại. Dù lão đã bệnh nặng nguy kịch vẫn viết chuyện này vào di tấu, vu hãm Đới Tử tư thông với Đông Doanh. Khang Hi mặc dù không dễ dàng tin lời sàm tấu, nhưng cũng đã nảy sinh lòng nghi ngờ. Lệnh giao Đới Tử cho Lục Bộ điều tra. Cũng may Khang thân vương nhớ công của Đới Tử năm đó, chạy đôn chạy đáo một hồi giúp ông ta không bị tống giam, nhưng vẫn không tránh được kết cục bị cách chức chờ điều tra. Bây giờ, biết mình sắp bị đày đi Thịnh Kinh, Đới Tử tuyệt vọng mới tìm đường chết.
Dận Chân nghe xong, không khỏi thổn thức. Đương nhiên, lòng hắn cũng hơi mừng thầm. Nếu hắn có thể tẩy thoát tội danh cho Đới Tử, đấy cũng coi như giữ lại một hiền tài cho đất nước. Có điều, ở một mức độ nào đó, vụ án này xem như là bản án do Khang Hi đích thân nhúng tay, nếu công nhiên lật lại bản án, e là không ổn. Vả lại, còn dính dáng đến Nam Hoài Nhân, Khang Hi có tình cảm rất sâu sắc với lão ta, lật lại bản án cũng tương đương phủ định nhân phẩm của Nam Hoài Nhân. Nam Hoài Nhân này làm quan trong triều mấy chục năm, mối quan hệ xã giao không tệ, trong đám thân vương, bối lặc, hoàng thân quốc thích, đại thần có không ít bạn bè của lão, nói về mặt Tây học thì có thể coi như sư phụ của cả thái tử, đại a ca, tam a ca, thậm chí cả của Dận Chân. Nếu thực sự vạch mặt ra thì sẽ là vấn đề mà đến cả chính hắn cũng cần phải cân nhắc.
Lúc đầu Dận Chân định hứa ngay với Đới Tử là sẽ giúp ông ta lật lại bản án, ngẫm lại thấy không ổn mới bảo với Đới Tử là: “Đới tiên sinh, vụ án của ông ta đã biết rồi. Trước ông cứ thả lòng tinh thần, hoàng a mã anh minh, chắc chắn sẽ không để ông chịu oan uổng đâu. Hơn nữa, ta cũng sẽ cố hết sức xem có còn đường cứu vãn hay không. Với cả, những ngày tới, ông đừng ngại qua đây, bất cứ lúc nào mà ông cần gì, cứ việc nói cho Đới Đạc hoặc Niên Canh Nghiêu là được.”
Dận Chân để ý thấy trong mắt Đới Tử lóe lên vẻ thất vọng, Dận Chân mặc dù biết rất rõ tâm trạng của ông ta vào lúc này, nhưng tình hình trước mắt, ngay cả hắn là hoàng a ca cao quý cũng chẳng dám hành động thiếu suy nghĩ. Hắn nhất định phải cân nhắc cẩn thận, xem hành động thế nào mới là kế sách vẹn toàn nhất.
Tiễn Đới Tử đi rồi, Đới Đạc mới thở một hơi thật dài: “Tứ gia, vừa rồi nô tài còn lo ngài sẽ nhận lời giúp hắn lật lại bản án ngay!”
Dận Chân cười nói: “Trong mắt ông, Tứ gia nhà ông vô dụng đến thế thật à?”
Đới Đạc cười: “Nào dám, Tứ gia ngài hiệp nghĩa can đảm, nô tài chỉ sợ Tứ gia nhất thời xúc động. Chuyện này liên đới cực kì sâu rộng, Tứ gia cần bàn bạc kĩ hơn. Có điều, Đới Tử này, quả thực là một người tài có thể dùng.”
Dận Chân bảo: “Mấy chuyện đó sao ta không biết chứ, chẳng qua, ta có một ý tưởng, nhưng còn chưa dám khẳng định.”
=====
Chú giải của dịch giả:
(1) Hoàng mã quái: là áo khoác ngoài của hoàng đế, tay dài hình chữ U, xẻ giữa, cài nút thắt