Trở Về Đời Thanh

Chương 66: Biết đi đường nào (7)



Dịch: Tiểu Băng

Biên: Vivian Nhinhi

Khang Hi nhìn Dận Chân chăm chú: “Nói đi. Trẫm không trách con.”

Dận Chân nói: “Nhi thần nghe các sư phụ nói, văn thần chết vì can gián, võ tướng chết vì chiến đấu, từ xưa tới nay những người đọc sách thánh hiền, không ai không chú trọng tu thân và đều phải có danh tiết dám can gián. Đất nước cần có những triều thần dám can gián, hoàng a mã xưa nay dùng người đều phải đạt tiêu chuẩn thanh liêm. Lần này Quách Tú vạch tội tấu nhi thần, tuy có nói chút quá sự thật, nhưng nhi thần vẫn rất bái phục sự can đảm của ông ta. Nếu không dũng cảm, đã không dám viết sớ vạch tội nhi thần. Hoàng a mã bảo ông ấy chỉ cầu danh tiếng, nhi thần thực không hiểu được, kính xin hoàng a mã dạy bảo.”

Khang Hi kinh ngạc: “Con lại đi cầu tình cho Quách Tú? Tại sao?”

Dận Chân đáp: “Nhi thần chỉ là cảm thấy người này dám nói lên những điều người thường không dám nói, thực là hiếm có, chứ không phải vì ông ấy vạch tội nhi thần.”

“Nếu cho con làm tướng, lúc chọn người tài, con chọn người có gan có trí hay chọn người chỉ có dũng mà thôi?” Khang Hi đột nhiên hỏi.

“Đương nhiên là người vừa có đảm vừa có trí.” Dận Chân sửng sốt, đáp ngay.

“Con vẫn chỉ là lý luận suông, phải đọc thêm nhiều sách hơn, đi rèn luyện thực tế thêm nữa mới được.” Khang Hi cười “Hoàn cảnh khác biệt, lựa chọn cũng sẽ khác biệt. Trị quốc như nấu ăn, có khi phải cho lửa mạnh, có khi lại để nhỏ lửa mà thôi. Tình, lý, pháp cả ba đều không thể thiếu. Theo trẫm thấy, con không đồng tình với kết luận của trẫm về Quách Tú có đúng không?”

Dận Chân ngập ngừng: “Thỉnh hoàng a mã thứ cho nhi thần đần độn, nhưng nhi thần thực có chỗ không hiểu.”

“Ít ra con đã nói thật với trẫm. Trẫm đã nói trẫm không trách tội con. Trẫm có hai kết luận về Quách Tú. Thứ nhất, là người chỉ có dũng khí nhất thời, không biết quan tâm đại cục. Quách Tú thân là đại thần, lẽ ra phải nhìn nhận vấn đề theo hướng đại cục vì triều đình, chứ không phải chỉ nhìn vào một mặt phiến diện. Lấy việc hắn vạch tội Minh Châu làm thí dụ, Minh Châu đúng là kéo bè kết cánh, trừng phạt là đúng tội, nhưng trong bản tấu tội của hắn viết ra hơn mười tội lớn của Minh Châu, tội nào cũng đáng chém đầu. Lại còn vạch danh sách nguyên một bè hơn mười người trong đảng Minh Châu, đề nghị trẫm giao cho các bộ thương nghị xử lý. Minh Châu là trụ cột của triều đình, nếu hắn thực là người không thể nào chịu nổi như thế, mà trẫm lại dùng hắn thời gian dài như vậy, thế trẫm trở thành cái gì? Đây chính là không hợp về lý. Minh Châu làm việc ở Thượng Thư phòng mấy chục năm, công lao rất nhiều, nếu giết đi, triều thần dù không dám nói nhưng trong lòng tất sẽ thấy bất an, cảm thấy lòng đế vương khó dò, đây chính là không hợp lý về tình. Minh Châu đứng trong triều bao lâu, bè đảng kéo cả đống từ quan viên trong kinh thành tới quan viên địa phương, nếu trẫm thực làm theo đề nghị của Quách Tú, giết hết bọn họ, vậy lấy ai để làm việc? Ghế trống ra lại bổ nhiệm ai vào? Quách Tú bị ảnh hưởng của pháp gia quá sâu, lúc nào cũng muốn dụng nghiêm hình, nhưng cái đó chỉ hữu dụng trong thời loạn thế, khác hẳn với hoàn cảnh hiện nay.” Khang Hi nói với Dận Chân mà như đang nói với chính mình.

Dận Chân ngẫm nghĩ, gật đầu. Hắn biết Khang Hi còn có một vướng mắc, chính là nếu thật sự diệt toàn đảng Minh Châu, thì đồng nghĩa để cho đảng Sách Ngạch Đồ một mình độc đại, đó mới là chỗ mẫn cảm thực sự trong lòng Khang Hi.

Khang Hi nói tiếp: “Thứ hai, chắc con cũng đã từng nghe nói: “hữu dung nãi đại, vô dục tắc cương” (tấm lòng bao dung thì mới trở nên vĩ đại, không có dục vọng thì mới giữ được mình cương trực). Quan viên hiện nay, đa số đều tham tiền tham lợi, đua nhau ăn hối lộ, sâu dân mọt nước, điều này trẫm hoàn toàn biết. Nhưng cũng có một số ít những kẻ không ham ích lợi đó, mà ham thanh danh. Nếu đã có dục vọng, thì sẽ dẫn đến bất chính. Trẫm lo lắng rằng Quách Tú chính là kẻ như vậy.”

Dận Chân nói: “Hoàng a mã, Hoàng ngạch nương, sư phụ đều dạy nhi thần phải học được nguyên tắc luôn thành thật với hoàng thượng.”

Khang Hi nói: “Đúng vậy. Nếu vẫn giữ tâm tư muốn làm danh thần, thì không còn thành thật với quân vương nữa. Đấy chính là điểm trẫm không chấm Quách Tú. Hắn chuyên đánh những quan to, những người thân cận bên cạnh trẫm, ngay cả hoàng a ca cũng không chừa. Điều này cho thấy rõ ràng hắn có ý đồ riêng, như thể trong triều này chỉ có duy nhất một danh thần là hắn vậy. Còn nữa, nếu theo lời hắn nói thì bên cạnh trẫm toàn là gian thần nịnh thần, ngay cả con trẫm cũng đều là kẻ phạm pháp, vậy trẫm còn thánh minh được ở chỗ nào? Trẫm còn cần một danh thần như hắn để làm gì?”

Dận Chân cảm thấy Khang Hi hơi võ đoán, trong lòng không phục lắm, nhưng ngoài miệng thì vẫn phải “Thưa, dạ, đúng vậy”.

Khang Hi lại nói: “Trẫm đã hy vọng rất nhiều ở Quách Tú, nên mới cho hắn nhiều cơ hội mài dũa, cho hắn có thể hiểu ra mà bước vào con đường đúng đắn. Nhưng qua chuyện lần này, hắn lại cho thấy phẩm chất mình còn kém cỏi, lại dám trả thù cá nhân Tiễn Giác, người quân tử quang minh ai lại làm thế? Sao trẫm không dạy hắn một bài học cho được?”

Dận Chân giờ đã hiểu một chút nông cạn về sự tính toán của bậc đế vương. Có điều, nếu theo lời Khang Hi nói thì hình như ông không có ý định xử nặng Quách Tú nên cũng thấy yên lòng. Quách Tú là người có danh vọng trong phái thanh lưu, nếu vì chuyện này mà bị xử phạt, thì Dận Chân tất sẽ bị phái thanh lưu kia lên án, chi bằng liều mạng ra tay giải vây cho ông ta, vừa cứu được Đới Tử, lại vừa có được hảo cảm của phái thanh lưu. Chuyện Đới Tử nói to cũng chẳng phải to, chẳng liên quan gì nhiều tới Dận Chân, Hiếu Ý Nhân hoàng hậu lại vừa mới mất, dù có thế nào đi nữa, Khang Hi cũng không xử mạnh tay với Dận Chân đâu.

Dận Chân nhân tiện nói: “Theo ý của hoàng a mã thì chỉ định phạt nhẹ Quách Tú, nhi thần khẩn cầu hoàng a mã tha cho ông ta dừng phạt quỳ. Dù sao ông ta cũng là Tả đô ngự sử, quỳ gối ở đó để những đại thần khác nhìn thấy thì cả hai bên đều lúng túng, cũng làm mất mặt Quách Tú. Chuyện này nếu truy cứu nguồn gốc, là do nhi thần thấy Đới Tử là một nhân tài mới nổi lên lòng mến tài, tuy nói không can thiệp gì nhiều, nhưng nếu chiếu theo quốc pháp, thì nói cho cùng cũng có chỗ sai, kính xin hoàng a mã xử phạt. Như thế, vừa bảo vệ quốc pháp, cũng khiến Quách Tú không nảy sinh tâm tư hoàng a mã vì bênh nhi thần mới phạt ông ta, mới khiến ông ta tỉnh lại, cũng hợp với ý muốn của hoàng a mã. Nhi thần nghĩ vậy, kính xin hoàng a mã xem xét.”

Khang Hi cân nhắc một hồi, gật đầu: “Con nghĩ được như vậy là rất tốt. Dù sao trong chuyện này con cũng có chỗ làm chưa thỏa đáng. Thế này đi, trẫm lấy đi một viên đông châu của con, phạt bổng lộc một năm coi như khiển trách. Còn nữa, từ hôm nay, con phải ở trong nhà cấm túc ba ngày, suy ngẫm lại.”

Bị tước đông châu là việc cực mất mặt đối với một hoàng tử, nhưng Dận Chân lại chẳng để ý chuyện ấy, nó đơn giản chỉ là một thứ đồ trang sức, có gì đáng mà so đo? Thưởng hay phạt chỉ cần một ý niệm của Khang Hi mà thôi. Hơn nữa, so với cái lợi đạt được, thế thì cũng đáng. Phạt bổng lộc thì lại càng chẳng thấm tháp gì, một năm mới có sáu ngàn lượng, chỉ có vụ cấm túc có vẻ hơi đau khổ rồi.

Khang Hi nhìn Dận Chân, ông mỉm cười và hỏi: “Thế nào? Phạt nặng quá à?”

Dận Chân sợ hãi vội đáp: “Nhi thần không dám. Nhi thần khấu tạ ân điển của hoàng a mã, hoàng a mã làm thế đã là hết lòng bảo vệ nhi thần rồi.”

Khang Hi gật đầu: “Con biết thế là tốt rồi. Con đợi thêm chút nữa, ra truyền khẩu dụ của trẫm cho Quách Tú, bảo hắn đứng dậy đi. Sau đó đi nói với Đông Quốc Duy, Quách Tú không cần giao cho các bộ xử lý. Còn nữa, bảo cho Đông Quốc Duy biết, sau này đừng có giở trò với trẫm, trẫm không phải kẻ mù.”

Nghe mấy câu đầu, Dận Chân vui vẻ, nghe tới câu cuối, hắn đổ mồ hôi lạnh.

Hắn đang định lĩnh chỉ lui ra thì Khang Hi nói thêm: “Thập tam a ca Dận Tường đã đến tuổi đi học. Trẫm thấy trong các a ca, con là đứa học toán khá nhất. Qua thời gian cấm túc, con bỏ chút công sức dạy thập tam đệ của con học toán đi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.