– Editor: Pianvy Kim –
Năm Chiêu Ninh thứ hai, mười lăm tháng một, thích hợp khai trương, nhập trạch, động thổ, xây nhà; kỵ nhập học, tập nghệ, ký kết, xuất hành.
Đầu giờ Thìn (7-9h), bầu trời sáng trong, sắc vàng óng ánh.
Giao lộ giữa kinh đô và ngoại thành có một bến tàu tên Phong Dương, ở đấy tấp nập những người lao động áo ngắn vải thô đang chuyển hàng hóa trên thuyền và bờ sông.
Bên bờ có không ít lữ nhân vai đeo hành lý đang đứng cò kè mặc cả với chủ thuyền, nhìn kỹ hơn nữa sẽ thấy cảnh tiễn người thân đi xa, nếu không khóc lóc, chiết liễu tặng biệt (1) thì cũng là miễn cưỡng mỉm cười, dặn dò không ngớt.
Các quán nhỏ gần đó ra sức rao hàng, họ bán chút hoa quả theo mùa để mang đi, có thể giữ được vài ngày phòng khi đói.
Ai sống trong kinh thành sẽ hiếm khi được thấy cảnh sinh hoạt sông nước thế này, nơi đây ồn ào náo động, thô phác tầm thường, nhưng cũng lại mộc mạc sung túc, sinh cơ bừng bừng.
Hàn Linh cả đêm rong ruổi trên đường, lúc xuống xe vẫn còn cảm giác khó ở khi vừa tỉnh dậy, song nhìn thấy cảnh tượng tấp nập ồn ào kia, chỗ khó chịu trong lòng bỗng dưng nhẹ nhàng trôi mất.
Ông quay đầu liếc Hạ Uyên.
Cùng là một đêm xóc nảy, hai mắt hắn vẫn thật thanh minh.
Nếu không phải hai tháng trước, chính ông là người đã chữa trị cho hắn, thì bây giờ sẽ thật khó mà tin vị quan nhân mặt mày sáng sủa, khí vũ hiên ngang này chính là Hạ đại nhân từng đẫm máu hôn mê trước mặt mình.
Triệu Kiều lúc này cũng xuống xe, nói với Kết Hương: “Em cùng Kỳ Uy đi hỏi có thuyền nào “thích hợp” không. Nhớ kỹ, nhất định phải “phù hợp”, không có thì hôm nay cũng phải đi, em hiểu ý ta chứ?”
“Dạ rồi ạ.”
Triệu Kiều hài lòng gật đầu, rất quen thuộc chỉ vào một tửu quán đối diện bến tàu: “Vậy đi đi. Ta cùng mọi người ở Xuân Phong chờ.”
Sau đó lại nói với Hạ Uyên và Hàn Linh: “Đi theo ta.”
Nói xong liền cất bước, không thêm một lời dư thừa.
Đến trước cửa quán, một tiểu nhị nhiệt tình ra chào: “Xin mời ba vị vào trong, các vị muốn nghỉ chân hay ở trọ ạ?”
“Chưa biết được. Người nhà ta đang đi hỏi có thuyền không, chưa biết hôm nay đi hay ở.” Triệu Kiều tự nhiên đáp.
Tiểu nhị tỏ vẻ hiểu chuyện gật đầu cười ha hả: “Vâng, hai ngày nay nhiều người cũng hỏi thuyền lắm. Vậy mời các vị vào nhà ăn, trong khi đợi tin thì ăn uống một chút nhé?”
“Nếu không phiền,” Triệu Kiều lịch sự nói, “Làm ơn tìm một nhã gian thanh tĩnh giúp ta, vị này…”
Nàng tiện tay chỉ vào Hạ Uyên nét mặt luôn ngàn năm không đổi, thì thầm với tiểu nhị, “ Ta đang cãi nhau với chàng, ở chỗ đông người có hơi…”
Nói xong, nàng hơi nháy mắt ra hiệu, ánh mắt hơi xẹt qua Hạ Uyên, thấy hắn yên lặng quay đầu, hai tai ửng đỏ.
Triệu Kiều hơi kinh ngạc nhướng mày. Quả là người tập võ, nói nhỏ như thế mà cũng nghe được.
Xuất phát từ chiều hôm qua, hắn vẫn không có phản ứng gì với nàng. Mà nàng trong đầu mải suy nghĩ, trên đường cũng không bắt chuyện với hắn.
Có điều nàng cũng không định cố tình gây sự chú ý của hắn làm gì, chỉ là thuận miệng nói thế, để người ta không nghĩ mình quá đáng đòi có nhã gian thanh tĩnh mới chịu vào mà thôi.
Tiểu nhị bừng tỉnh đại ngộ: “Vâng vâng vâng, mời ba vị lên lầu.”
*****
Ba người tiến vào một nhã gian nằm trong góc khuất trên tầng hai, tiểu nhị nhận gọi món xong liền ra ngoài.
Tuy nói Xuân Phong là một trong những tửu quán ngon nhất ở bến Phong Dương, nhưng dù sao khách nhân đều là những người từ bốn phương đổ về, nhiều khi còn có những công nhân đóng thuyền đến đây ăn, bởi vậy các món chủ yếu nhắm đến số lượng, ăn cho no là được, chưa bàn đến trình bày mùi vị.
Ba người nhóm Triệu Kiều gọi một tô sữa đậu nành, sáu cái bánh kẹp thịt, cùng với hai phần cơm sáng.
Triệu Kiều thong thả cầm muôi gỗ cán dài múc sữa đậu nành từ trong tô còn lớn hơn mặt mình, đổ vào trong chén gỗ đỏ, sau đó tự nhiên đưa muôi qua cho Hạ Uyên ngồi cạnh.
Hàn Linh lúc này không nhịn được hỏi: “Triệu nhị cô nương cho ta hỏi, chiều hôm qua người vội vàng xuất thành, đi xe cả đêm đến đây, nhưng bây giờ mới tìm thuyền ư?”
Vốn dĩ Chiêu Ninh đế đề nghị bọn họ đi vào ngày kia, tức là ngày mười sáu, cùng lúc với các quan xuất kinh. Như vậy không làm người khác chú ý, bọn họ cũng có thể ở lại kinh đến hết ngày mười lăm.
Nhưng Triệu Kiều lại kiên quyết muốn xuất kinh sớm, cho ngựa kéo xe suốt đêm đến chỗ Phong Dương này.
Hàn Linh tưởng nàng vội vàng như vậy là do đã đặt thuyền sẵn, sợ đến muộn sẽ mất chuyến, ai biết tới nơi mới đi tìm thuyền.
Trước kia Hàn Linh không mấy khi tiếp xúc với Triệu Kiều, thường nghe người ta nói nhị cô nương Tín vương phủ hay hành sự tùy hứng, lúc đó chỉ cười cười không để ý, nay mới một phen chứng kiến tác phong của nàng.
“Ông nói Triệu nhị cô nương nào? Ta là đại đương gia, mang theo gánh thuyết thư đi mãi nghệ kiếm sống. Còn ông, là Hàn đại phu của nhà ta.” Triệu Kiều buông chén, ngón tay gõ lên bàn mấy lần cảnh cáo, hất cằm một cái, cười liếc Hạ Uyên, “Còn đây là nhị đương gia, Triệu môn Hạ lang, nhớ chưa?” (2)
Hạ Uyên nghe vậy, suýt nữa phun chỗ sữa đậu nành vừa nuốt vào một nửa.
Hắn đứng phắt dậy, nhanh chân chạy đến cửa sổ, đẩy cửa sổ ra ho sặc sụa.
“Nhị đương gia, chàng không sao chứ?” Triệu Kiều không tim không phổi cười đùa, “Có cần thiếp giúp chàng vỗ lưng thuận khí không?”
Hạ Uyên ho đến tê tâm liệt phế cũng không quay đầu lại: “… Không cần, đa tạ.”
Triệu Kiều cười phì một tiếng, thuận tay xé bánh ra làm hai, thần sắc tự nhiên nói với Hàn Linh: “Hàn đại phu, từ khi chúng ta xuất thành, nhiệm vụ đã bắt đầu rồi.”
Hàn Linh biết mình lỡ miệng, lập tức xấu hổ giải thích: “Thật thất lễ. Ta nhất thời chưa thích ứng kịp…”
Chiêu Ninh đế vì chuyến này mà làm cho bọn họ mấy giấy tờ chứng minh thân phận giả, cũng đã thông báo trước cho ông nhiều chuyện.
Dù nhiệm vụ của Hàn Linh chỉ là chăm sóc Hạ Uyên, mấy thứ khác không cần nhúng tay, nhưng đây là lần đầu ông tham gia công tác bí mật, sợ mình mắc sai lầm ảnh hưởng đến người khác, nên đêm qua khi còn trên xe ngựa đã ôn đi ôn lại rất lâu, sau đó tự tin mình đã chuẩn bị kĩ càng lắm rồi.
Chẳng ngờ lại bị Triệu Kiều nhắc nhở, ít nhiều cũng thấy lúng túng.
Cũng may Triệu Kiều không thật sự bắt bẻ, nuốt đồ ăn trong miệng xong, thấp giọng trả lời nghi vấn khi nãy: “Đã muốn giấu thân phận, tất phải tránh giấu đầu lòi đuôi. Không tin ông xem khắp cái bến tàu này, có mấy người giang hồ nào lại không phải tự mình xuống bến để tìm thuyền chứ?”
Hàn Linh nghe xong thấy có lý liền gật đầu, thanh âm cũng trầm xuống theo nàng: “Vậy vì sao chúng ta phải xuất kinh ngày hôm qua? Đợi qua mười lăm rồi đi không phải tốt hơn sao?”
“Ông sống an nhàn sung sướng lâu quá, quên luôn mùi khói lửa nhân gian rồi,” Triệu Kiều buồn cười lườm một cái, “Đợi mười sáu mới xuất phát à, mấy người tránh ngày mười lăm tụ lại một đống ở đây, lúc đó giá thuyền tăng gấp năm lần là ít đấy.”
Hàn Linh vẫn không hiểu lắm: “Chúng ta cũng không thiếu tiền…”
Đừng nói đến Triệu nhị cô nương có tiếng vung tiền như nước, ngay cả bệ hạ chuyến này cũng cấp cho bọn họ một số tiền rất lớn rồi.
“Hàn đại phu, chúng ta chỉ là chủ một gánh thuyết thư nhỏ. Coi như không nghèo khó đi nữa, thì cũng chẳng phải phú thương dư giả gì. Nếu lúc nào cũng vung tiền không tiếc tay, vậy mười mấy người trong gánh chẳng lẽ phải hít gió trời để sống ư?”
Khẩu khí trải đời này của Triệu Kiều khiến Hàn Linh phải lau mắt mà nhìn.
Hạ Uyên cuối cùng cũng ho xong đến ngồi lại, chỉ thấy Triệu Kiều đã buông chén đũa.
Hắn nhăn mặt, thấy trước mặt nàng còn một nửa cái bánh: “Thừa nhiều như vậy?”
Mới bị nghẹn ho nửa ngày, giọng hắn lúc này khàn đặc, nghe không ra vui giận.
Trên đường hắn lúc nào cũng lạnh băng, Triệu Kiều cho rằng hắn cũng như Hàn Linh, bất mãn nàng đòi phải xuất kinh sớm nên bọn hắn mới không thể ở cùng người nhà đến hết ngày mười lăm.
Bây giờ nghe hắn hỏi câu không rõ nghĩa như vậy, qua tai Triệu Kiều liền trở thành ám chỉ nàng lãng phí.
Nghĩ thế nào cũng thấy không thoải mái.
Nàng chậm rãi đứng dậy, hít sâu một hơi, cười gượng: “Hai người ăn tiếp đi, đừng ra ngoài đi lung tung, cũng đừng tùy tiện nói chuyện với tiểu nhị. Ta đi rửa tay rồi về, ăn bánh này xong tay dính dầu quá.”
*****
Sau khi Triệu Kiều rời khỏi, Hàn Linh vội bưng sữa đậu lên uống một ngụm.
Uống xong thì thở phào một hơi, vỗ ngực hỏi dò Hạ Uyên: “Đúng là dọa người, khi nãy ta còn tưởng tiểu thư sẽ nổi giận chứ. Nhưng con gái sức ăn nhỏ, tiểu thư bình thường cũng chỉ ăn mấy thứ cao lương mỹ vị, nhất thời không quen đồ ở đây, thừa thì cứ thừa đi, ngài trách tiểu thư làm gì?”
Hạ Uyên rũ mi che đi ảo não trong mắt, môi mấp máy đáp: “Ta không trách cô ấy.”
Hàn Linh nheo mắt trông theo ánh mắt của hắn, nhai bánh suy nghĩ nửa ngày.
Đột nhiên linh quang lóe lên, thăm dò hỏi: “Chẳng lẽ ngài thấy tiểu thư ăn ít quá, nên mới đau lòng chăng?”
Bọn họ xuất thành lúc chiều, cơm tối hiển nhiên vẫn chưa ăn, trên đường chỉ có chút trái cây điểm tâm lót dạ mà thôi.
“Ai đau lòng?” Hạ Uyên lạnh lùng liếc ông một cái, đè thấp giọng nói, “Không phải vừa rồi cô ta nói mình là người giang hồ, tiêu một đồng cũng phải tính toán, thế mà cuối cùng lại lãng phí đồ ăn ư?”
“Cũng đúng.” Thấy sự tình có vẻ khác với cái mình suy đoán, Hàn Linh bĩu môi, gật đầu đồng tình với hắn.
Hạ Uyên bưng sữa đậu nành lên, sau vài giây ngắn ngủi đột nhiên hỏi: “Khi nãy ta nói cộc lốc lắm sao?”
Hàn Linh nghĩ nghĩ: “Cũng không phải thế. Chỉ là có hơi lạnh lùng và nghiêm khắc quá thôi.”
Sau đó hai người không nói chuyện tiếp nữa, mạnh ai nấy ăn.
Chờ khi Triệu Kiều rửa tay xong trở lại, nhận ra chiếc bánh mình ăn còn một nửa đã biến đâu mất.
Nàng kinh sợ nhìn hai người Hạ Uyên và Hàn Linh: “Hai người… Là ai ăn trộm bánh của ta?”
Không phải nàng vì nửa cái bánh mà so đo, thực ra lúc đầu nàng ăn cũng không hết. Nhưng nàng kinh ngạc chính là, một trong hai người này lại có thể vứt bỏ mặt mũi, tùy ý ăn đồ thừa của người khác.
Mới sáng sớm đã có chuyện.
Hạ Uyên nhấp một hớp sữa, bình tĩnh đáp: “Không phải ăn trộm, mà là ăn giúp.”
Triệu Kiều nửa mê nửa tỉnh ngồi xuống.
“Nhiệm vụ của một người chồng chính là giúp thê tử ăn hết đồ thừa mà nàng không thích hoặc không ăn hết.” Hàn Linh nhìn Triệu Kiều sắc mặt càng thêm khiếp sợ, trịnh trọng chỉ vào Hạ Uyên, “Ta cảm thấy lời nhị đương gia nói rất có đạo lý.”
“Ồ…” Triệu Kiều ồ một tiếng thật dài, cười như không cười liếc xéo Hạ Uyên, “Thích ứng thân phận nhanh quá nha, Hạ lang.”
- Chiết liễu tương vãn – 折柳相挽: bẻ cành liễu, chỉ sự chia tay hoặc nỗi nhớ nhà. (baike)
- Triệu môn Hạ lang: chồng họ Hạ, ở rể nhà họ Triệu.