Sau khi công tác giải phóng mặt bằng kết thúc, công việc của Hứa Lập ở văn phòng này cũng đã hoàn thành, hắn một lần nữa quay về văn phòng thị ủy. Vì vậy văn phòng thị ủy xin chỉ thị của lãnh đạo và được đồng ý liền tiến hành phân công lại công tác của các vị phó trưởng ban thư ký. Do trong thời gian này Hứa Lập vẫn đi theo thị trưởng Tằng, thị trưởng Tằng cũng hết sức hài lòng với công việc của Hứa Lập cho nên Tằng Ích đã đưa ra ý kiến với văn phòng thị ủy là yêu cầu Hứa Lập làm thư ký của mình, hỗ trợ công việc của mình. Về phần thư ký trước đó thì điều đi nhận chức khác.
Hứa Lập thoáng cái trở thành thư ký chuyên môn của thị trưởng Tằng. Qua đó Hứa Lập vốn là phó trưởng ban thư ký xếp cuối giờ lại thành đứng đầu, ở trong văn phòng thị ủy hắn chỉ thấp hơn trưởng ban thư ký Lâm Quảng Tiến. Bởi vì chức vị điều động, Hứa Lập càng thêm bận rộn , mỗi ngày chẳng những muốn đi theo Tằng Ích có mặt ở các hội nghị, hắn còn muốn đến các ngành, các đơn vị trong thị xã để kiểm tra công việc. Tóm lại là Tằng Ích đi đâu, Hứa Lập sẽ đi tới đó.
Công việc trọng điểm trong thời gian này của Tằng Ích chỉ có một chính là hạng mục xây dựng của công ty Kang – Tùng Giang. Tằng Ích chẳng những mỗi ngày đều cần phải biết tình hình tiến triển của hạng mục, chỉ cần rảnh là y sẽ ngồi xe đến công trường tiến hành giám sát. Dù sao đây là chuyện lớn quan hệ đến sự phát triển của toàn thị xã Tùng Giang trong tương lai, bất luận là tiến độ công trình hay chất lượng công trình đều không thể có bất cứ sai sót gì.
Tại khu vực rộng hơn 30 ngàn mẫu này có gần 10 ngàn công nhân đang làm việc. Cũng may tiến triển các hạng mục công trình đều khá thuận lợi. Mà phụ trách thi công giúp công ty Kang – Tùng Giang lại là hai công ty xây dựng của thị xã. Bọn họ đương nhiên cũng biết tầm quan trọng của công trình này, hơn nữa tiêu tiền của người nước ngoài nên bọn họ không đau lòng gì. Về cơ bản có vật liệu gì tốt là dùng, như vậy cũng có thể đảm bảo chất lượng công trình.
Một tháng sau khi công trình khởi công, tiến độ và chất lượng công trình đều làm mọi người rất hài lòng.
Trời hôm nay có mưa phùn nên Tằng Ích không đến công trường mà ngồi ở văn phòng ký đống văn bản đã dồn từ vài ngày trước. Hứa Lập cũng ngồi ở văn phòng của mình đọc văn bản.
Đột nhiên máy điện thoại bàn vang lên, Hứa Lập cầm nghe thấy là tổng giám đốc công ty Kang – Tùng Giang – Carlo tới.
- Hứa tiên sinh, xin hỏi thị trưởng Tằng có ở nhà không? Tôi có việc gấp muốn tìm thị trưởng.
- Thị trưởng Tằng đang ở văn phòng, mời tổng giám đốc Carlo lại đây.
Hứa Lập không biết Carlo rốt cuộc có chuyện gì, tại sao giữa trời mưa lại cần tới gặp thị trưởng Tằng Ích. Chẳng qua Carlo là tài thần, tầm quan trọng của y đối với Tùng Giang là không cần phải nói. Cho nên Hứa Lập lập tức báo cáo chuyện Carlo sẽ tới với Tằng Ích.
Không đầy 20 phút sau Carlo đã tới trụ sở ủy ban thị xã. Hứa Lập sớm chờ ở văn phòng, thấy Carlo tới hắn vội vàng đứng lên nói:
- Thị trưởng Tằng đang chờ anh ở trong văn phòng, chúng ta qua thôi.
Sau đó Hứa Lập dẫn Carlo tới văn phòng Tằng Ích.
Tằng Ích đang ký văn bản thấy Carlo liền dừng lại. Y mỉm cười đi lên đón.
- Carlo tiên sinh hôm nay sao lại rảnh rỗi tới chỗ tôi thế này?
Nói xong y mời Carlo ngồi xuống, mình cũng ngồi cạnh đối phương. Hứa Lập thì rót trà cho hai người.
- Mời Carlo tiên sinh dùng trà.
- Thị trưởng Tằng, tôi có chút chuyện muốn nhờ ngài giúp.
Carlo nói chuyện bằng tiếng Trung hơi ngắc ngứ của mình.
- Cần tôi giúp? Tôi không phải đã sớm nói bất luận tập đoàn Kang gặp khó khăn gì thì chúng tôi đều không đứng nhìn, đâu cần các anh nói từ giúp chứ. Nói đi, có gì tôi có thể giúp, chỉ cần không vi phạm pháp luật là tôi nhất định sẽ giúp tới cùng.
Tằng Ích cười nói.
- Thị trưởng Tằng, kỳ thật chuyện này cũng có lợi với quý thị. Công ty chúng tôi muốn vay chút tiền.
Carlo nhìn qua có chút khẩn trương, hai tay nắm chặt lại. Y đầy hy vọng nhìn Tằng Ích đồng thời cũng sợ Tằng Ích nói ra câu trả lời mà mình không muốn nghe.
- Vay? Ngân hàng xây dựng không phải vừa mới cho công ty các anh vay 700 triệu sao? Chẳng lẽ đã tiêu hết rồi ư? Không thể nào? Trong thời gian này chỉ là tiến hành san nền, mua ít vật liệu xây dựng mà thôi, căn bản không thể tiêu hết từng đó tiền.
Hạng mục du lịch của tập đoàn Kang là chuyện quan trọng nhất toàn bộ thị xã Tùng Giang lúc này. Chỉ cần không quá bận là mỗi ngày Tằng Ích sẽ triệu tập các ngành liên quan tới văn phòng mình để nghe báo cáo về tình hình xây dựng hạng mục. Dù là bận thì Tằng Ích cũng muốn nghe nhân viên liên quan gọi điện báo cáo nếu không y không thể ăn ngon, ngủ yên. Vì thế Tằng Ích có khi còn biết rõ tình hình của tập đoàn Kang – Tùng Giang hơn cả Carlo.
- 700 triệu chúng tôi vay từ ngân hàng xây dựng mới chỉ dùng không đến 200 triệu, đều là để mua sắt thép, xi măng… tiền vẫn còn nhiều nhưng lần này chúng tôi vay không phải cho công ty chi nhánh mà là cho tổng công ty ở Đức vay.
Thấy Tằng Ích và Hứa Lập hơi nghi hoặc nhìn mình, Carlo vội vàng giải thích.
- Thị trưởng Tằng, ngài cũng biết tập đoàn chúng tôi có kế hoạch đầu tư vào một vài thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Sau khi đi khảo sát, nghiên cứu cuối cùng xác định có tổng cộng 10 thành phố du lịch là đối tượng đầu tư của tập đoàn Kang chúng tôi, một trong số đó là thị xã Tùng Giang. Tập đoàn cũng đã ký kết các văn bản liên quan với các địa phương khác như với Tùng Giang, trong đó ghi rõ về quy mô đầu tư, tiến độ. Nhưng không ngờ khi chính thức thực hiện thì các địa phương đều nhiệt tình đến thế. Tôi lấy ví dụ như Tùng Giang chúng ta, đến bây giờ mới qua gần hai tháng tập đoàn đã đầu tư 700 triệu cùng với 700 triệu vay của ngân hàng xây dựng. Với tốc độ xây dựng hiện nay thì không đến ba tháng 500 triệu còn lại cũng sẽ không đủ. Mà khoản đầu tư thứ hai theo kế hoạch là phải trong một năm nữa mới chuyển vào tài khoản, như vậy trong lúc nhất thời đương nhiên không thể nào trực tiếp chuyển tới được. Hơn nữa các địa phương khác đều như vậy, nó vượt qứ dự toán của tập đoàn, tiền mặt do tập đoàn chuẩn bị rõ ràng là không đủ.
Tằng Ích nghe vậy cũng hiểu vài phần, xem ra lãnh đạo các nơi phản ứng đều không chậm, cũng không chỉ có mỗi mình là thông minh. Mọi người đều có suy nghĩ giống nhau, đều muốn đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạng mục, tranh thủ để tập đoàn Kang chuyển nhiều tài chính hơn tới địa phương mình. Nhưng không ngờ các địa phương đều làm như vậy lại khiến tập đoàn Kang gặp khó khăn. Lúc này hạng mục du lịch của các địa phương đều toàn diện khởi công, nếu vì vấn đề tài chính mà dừng thi công thì mỗi ngày phải tổn thất hàng trăm ngàn tệ.
- Ý của anh là tập đoàn Kang ở Đức muốn vay tiền của Tùng Giang rồi cấp cho các địa phương khác?