Trung Niên Xuyên Không Ký

Chương 4: Đi học để làm gì?






Trái ngược với Yue, Beer là một đứa trẻ hiếu động và nghịch ngợm. Cậu bé từ nhỏ đã thích chơi với bố Han, tỏ ra đặc biệt thích thú với các hoạt động vận động ngoài trời. Cũng vì thế mà Han và Tia sinh hoạt tương đối thoải mái dù cùng lúc nuôi hai đứa trẻ. Yue theo mẹ đi làm, còn Han thì trông Beer. Đương nhiên, Yue theo Tia không làm ảnh hưởng Tia làm việc, còn Han mang theo Beer đi làm, hiệu suất giảm mạnh.


Han vốn là một thợ săn giỏi hoạt động ở vùng núi Spike. Trong một lần Tia đi thực tập cùng đồng bạn, Han tham gia hỗ trợ kiêm hướng đạo, sau đó hai người đem lòng yêu nhau. Han có nhiều vốn sống, tương đối khéo tay và thực lực khá mạnh. Trái ngược với gia cảnh Tia, Han xuất thân từ một gia đình không hòa thuận. Bố mẹ Han chia tay nhau khi Han còn nhỏ, Han sống cùng bố, sau đó khi bố Han có vợ mới thì chểnh mảng trách nhiệm với con. Mẹ kế thì lại không thích Han, thế là ông quyết định ra riêng sống độc lập từ năm mười hai tuổi. Với bản tính chăm chỉ lại hoạt bát sáng sủa, Han bươn chải sống tốt một mình, làm qua đủ thức việc từ chạy bàn, xây dựng, làm nông ... Sau đó Han theo làm phụ tá cho một thợ săn tài ba. Ông học hỏi được rất nhiều từ vị sư phụ này, rồi cũng trở thành một thợ săn ưu tú. Thỉnh thoảng Han và Tia vẫn đi thăm ông ta, dẫn theo cả Yue và Beer.


Muốn làm một thợ săn giỏi và mạnh mẽ, đương nhiên năng lực sử dụng thần lực phải thật xuất sắc. Khác với năng lực ma pháp, thần lực không dựa quá nhiều vào thiên phú ma pháp cũng như trí tuệ. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự khéo léo trong vận động và rất rất nhiều nỗ lực rèn luyện. Chính vì thế, dù Han không có một nền tảng kiến thức tổng quát tốt, nhưng do từ nhỏ đã lăn lộn làm việc nhiều, nên khi tu tập thần lực vẫn nhanh chóng đạt được thành tựu mạnh mẽ. Thiên hướng của Han là sử dụng lực tinh xảo. Cho nên Han làm việc nhà rất thành thạo, nấu nướng cũng ngon và có thể chế tạo mọi đồ vật dùng thường ngày trong gia đình. Tóm lại, Han là một người đàn ông đảm đang, gì cũng biết làm, mà lại rất chịu khó làm.


Khi vợ chồng Han Tia rời thủ đô về thôn Tuktuk, họ đem toàn bộ tích cóp của mình theo để lập nghiệp. Hai người mua một miếng đất có khung cảnh tương đối đẹp ở rìa thôn Tuktuk với giá vừa phải, sau đó sắm vật tư về và tự xây nhà. Han thi công, còn Tia lên ý tưởng thiết kế. Sau đó Han vừa làm thợ săn bán chuyên nghiệp vừa làm thêm những công việc ngắn hạn trong thôn. Một người tháo vát mạnh mẽ như Han đi đâu cũng được hoan nghênh. Tính ông cũng xởi lởi hay giúp đỡ mọi người, nên có danh tiếng tốt và có cuộc sống thoải mái. Cộng thêm khoản thù lao công việc của Tia ở tòa nhà hội đồng, vốn cũng có thể được coi như quan chức quản lý cấp cơ sở, gia đình nhỏ của Han và Tia sống tương đối sung túc.


Sau khi có Beer, do mỗi người chăm một đứa trẻ nên công việc của Han mới bắt đầu chịu sự ảnh hưởng. Ông không còn nhận những công việc đòi hỏi phải đi sớm về trễ, vào rừng săn bắn cũng không đi sâu mà chỉ hoạt động trong ngày, không còn bắt được các con thú lớn có giá trị cao.


Đáng lẽ Beer cũng có thể theo Tia và Yue đi tòa nhà hội đồng, cho Han rảnh tay. Nhưng khi thấy đứa con nhỏ có hứng thú với hoạt động ngoài trời, vợ chồng họ quyết định cho Beer đi theo bố làm việc. Dù sao Yue và Tia đều thuộc trường phái cắm đầu vào sách vở giấy tờ, Beer đi theo sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến họ. Đối với Beer mà nói, tới một nơi không thú vị như tòa nhà hội đồng cũng là điều buồn chán cho nó.


Buổi tối, trước giấc ngủ, Yue thường xung phong lãnh nhiệm vụ kể chuyện cho Beer nghe, để Tia và Han có thời gian ấm cúng riêng tư bên nhau. Điều này làm Han và Tia cực kỳ vui vẻ. Dù họ chỉ đơn giản cho rằng Yue muốn khoe khoang kiểu trẻ con với Beer về những điều hay lạ mà nó biết được qua sách vở, hoặc các câu chuyện thú vị hóng được từ đồng nghiệp cua3 Tia. Với Yue mà nói, hắn rất thích việc dạy dỗ Beer.


Beer rất thông tuệ và sáng dạ, nhưng không đặc biệt đam mê sách vở chữ nghĩa như Yue. Vì vậy, Yue không cố ép Beer học chữ sớm như mình, mà chỉ kể cho Beer nghe nhân tình thế thái, đủ thứ chuyện hiếm lạ hắn biết được. Yue có cách kể chuyện tương đối hóm hỉnh, và thường đưa ra những nhận xét riêng về các câu chuyện hắn kể. Tia và Han nhiều lúc cũng hiếu kỳ và thích thú nghe Yue nói, vì góc nhìn và thái độ đánh giá sự vật sự việc của Yue có nhiều điểm độc đáo (đương nhiên độc đáo, vì Yue còn có trí tuệ của một người trung niên ở một thế giới khác kia mà). Han thì chỉ trầm trồ khen Yue thông minh, còn Tia thì hay suy nghĩ sâu hơn về những nhận xét của Yue. Tuy nhiên bà cũng chỉ nhận định rằng dưới con mắt trẻ con của Yue, nhiều sự vật sự việc có các khía cạnh thật đặc biệt và đáng suy ngẫm.


^_^


Khi Yue tròn năm tuổi, đọc xong toàn bộ sách ở thư viện thôn, hắn bèn đưa ra đề nghị xin đi học. Là một thần đồng, đề nghị đi học của Yue đương nhiên không đơn giản. Yue không chỉ đã biết chữ, mà lượng kiến thức sách vở của hắn thậm chí không kém bất cứ giáo viên nào trong thôn. Mọi người cũng hơi hiếu kỳ, Yue muốn đi học để làm gì? Yue trả lời ngắn gọn, hắn muốn quan sát trẻ con trong thôn Tuktuk học hành bình thường như thế nào, cũng muốn làm quen kết bạn với những đứa trẻ cùng trang lứa.


Phổ cập giáo dục là điều bắt buộc tại đế quốc Si. Bởi vì có tri thức người dân mới dễ dàng tiếp cận giáo lý. Các elf đại năng chính là những người đem lại văn minh cho loài người, đồng thời để lại ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng nhân loại. Trước khi Zel, elf đại năng cuối cùng biến vào hư vô, ngài để lại di sản là lượng tri thức khổng lồ về nhiều mặt. Tất cả được hệ thống thành giáo điển, ma pháp tu luyện, khái quát địa lý và sinh vật thế giới.


Các elf đại năng gọi thế giới này là Ether, cực kỳ rộng lớn. Cho đến tận ngày nay, loài người cũng chỉ quản lý được một phần của lục địa lớn nhất trên Ether, gọi là Grundig. Trên Ether có rất nhiều chủng tộc có trí tuệ sinh sống, và có cả những sinh vật cổ đại cực kỳ mạnh mẽ. Thậm chí các elf đại năng cũng không thể thắng thế trước chúng, tỉ như Pos, Beh, Dra... Vì thế, khi Elf đại năng không còn bảo hộ loài người, nhân loại không có khả năng khám phá toàn bộ thế giới nữa. Thậm chí so với thời còn các elf đại năng tồn tại, nhân loại cũng chưa từng thành công chiếm hữu thêm các vùng địa lý mới. Cho nên kiến thức về địa lý và sinh thái thế giới loài người chỉ có thể học từ những gì Zel truyền lại và dần dần thực địa nghiệm chứng chúng.


Chữ viết và ngôn ngữ ngày nay loài người sử dụng là do kế thừa từ các elf đại năng, kèm theo đó là kiến thức về ma pháp và khoa học kỹ thuật. Nhiều loài sinh vật trên Ether có thể sử dụng ma pháp, trong đó có loài người, tuy nhiên chỉ ở cấp thấp. Zel truyền lại cho nhân loại một hệ thống phân cấp, tu luyện và ứng dụng ma pháp cơ bản dựa theo thể chất đặc thù của loài người, giúp họ trở nên mạnh mẽ vượt bậc so với trước kia. Ít nhất, nhân loại đã đủ khả năng quản lý một phần Grundig, trước những chủng tộc cổ xưa mạnh mẽ hơn.


Giáo điển là một bộ sách quan trọng bậc nhất giúp hình thành văn minh cho loài người. Trong giáo điển, Zel miêu tả cho loài người biết được những khái niệm cơ bản về vạn vật, về tư duy triết học, tư duy khoa học, tư duy trừu tượng ... cũng như đưa ra các khái niệm cơ bản về giá trị đạo đức, xã hội. Tất cả đã đặt nền móng cho việc hình thành các cộng đồng và thể chế nhà nước. Tuy nhiên, với tầm vóc đó thì cá nhân từng người không thể hiểu nổi và hiểu hết. Do đó giáo điển được phân chia ra ba bộ: giáo điển cơ sở, giáo điển trung cấp và giáo điển toàn bản.


Giáo điển cơ sở được sử dụng rộng rãi làm sách giáo khoa để dạy trẻ con nói chung, không chỉ ở đế quốc Si mà còn ở các quốc gia lãnh thổ khác. Để sử dụng làm sách giáo khoa, giáo điển cơ sở được phân thành sáu quyển, ứng với ba cấp học của giáo dục phổ thông. Quyển một cho lớp một, quyển hai ba cho lớp hai, quyển bốn năm sáu cho lớp ba. Với một đứa trẻ bình thường, sáu bảy tuổi chúng sẽ được cho đi học lớp một. Tốn khoảng một năm để hoàn thành chương trình học này. Lớp hai cần khoảng hai năm để hoàn thành và lớp ba thì cần ba năm. Sau khi hoàn thành ba lớp học, nắm giữ hết kiến thức của giáo điển cơ sở, đứa trẻ đã được trang bị kiến thức văn hóa cơ bản đủ để sống và làm mọi công việc. Đây là tiêu chuẩn của một công dân bình thường trong bất cứ quốc gia nào.


Giáo dục phổ cập tại đế quốc Si cũng hướng tới việc người dân hoàn thành ba lớp học giáo điển cơ sở. Đi học có thể coi là việc "công lập", hoàn toàn miễn phí và có tính ước thúc. Trẻ con dưới mười bốn tuổi có thể bị thúc ép đi học giáo dục phổ cập ở các thành thị lớn. Ở các địa phương hẻo lánh hơn, như thôn Tuktuk, điều này cũng ở mức độ tương đối. Luật pháp có quy định, không được phép yêu cầu trẻ em lao động quá nửa ngày làm việc, bởi phải dành nửa ngày còn lại để đi học. Đương nhiên, nếu trẻ em ở những vùng hẻo lánh bản thân không muốn đi học, thì chính quyền cũng lười để ý. Đi học là quyền lợi được bảo hộ, các chú lười chủ động từ chối quyền này thì kệ các chú, sau này lớn thiệt thòi ráng chịu.


Thư viện thôn đương nhiên có giáo điển cơ sở. Cùng với nó là lược sử đế quốc Si và các quốc gia lớn lân cận. Ngoài ra còn có các sách và tạp chí về văn hóa, nghệ thuật, khoa học thường thức, ma pháp phổ thông... Thư viện chỉ có một phần của giáo điển trung cấp, chủ yếu về mục quản lý hành chính, ma pháp nâng cao, tài chính kinh tế và một số ngành kỹ thuật dân dụng cơ bản, như xây dựng, rèn đúc, trồng trọt chăn nuôi...


Yue chỉ tốn hơn một năm để đọc hiểu toàn bộ giáo điển cơ sở, việc mà một đứa trẻ bình thường học mất sáu năm. Riêng điểm này đã đủ để hắn được tất cả mọi người thán phục, tôn là thần đồng. Còn việc Yue đọc hết toàn bộ sách trong thư viện, với mọi người chỉ là dệt hoa thêm gấm. Thực tế thì ngay cả Tia cũng không tin Yue hiểu hết toàn bộ nội dung những sách mình đã đọc. Bởi vì kiến thức trong giáo điển trung cấp là kiến thức chuyên môn cho từng lĩnh vực, và phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó mới hiểu hết.


Lấy ví dụ, Tia là một pháp sư ưu tú. Trước đây Tia theo học tại học viện ma pháp thủ đô, giáo trình Tia học chính là mục ma pháp vận dụng trong giáo điển trung cấp. Nhờ thành tích xuất sắc khi hoàn thành mục này của giáo điển trung cấp, Tia được nhận danh hiệu ma pháp sư. Bà tiếp tục học lên cao hơn nữa, giáo điển toàn bản, phần nội dung về ma pháp vận dụng. Tuy nhiên, nửa chừng trong một lần thực tập, Tia quen Han rồi đi đến kết hôn. Việc học của bà tạm dừng khi họ quyết định về thôn Tuktuk sống ẩn cư. Nói cách khác, Tia nắm rõ kiến thức trong giáo điển trung cấp phần ma pháp nâng cao, nhưng bà không có nhiều kiến thức về kỹ thuật xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi... Riêng phần quản lý hành chính và tài chính, Tia có hiểu tương đối. Phần kiến thức này được bổ sung thêm trong quá trình làm việc tại thôn Tuktuk. Nếu Yue đọc hiểu toàn bộ nội dung trong thư viện thôn, cũng có nghĩa là về mặt tri thức mà nói, hắn giỏi hơn bất kỳ người nào trong tòa nhà hội đồng thôn. Điều này thật vô lý!


Và đương nhiên đã vô lý thì nó không thể xảy ra được. Yue chỉ đọc hết các sách trong thư viện, hắn không nắm vững toàn bộ nội dung các sách đó. Chính vì thế mới xảy ra tình cảnh hắn dí mọi người trong tòa nhà mỗi khi tháy họ có vẻ rảnh, để hỏi han thêm về những điều hắn không hiểu. Và dù được mọi người giải thích, hắn không thể đủ thông thạo về lĩnh vực hắn hỏi so với người được hắn hỏi. Đơn giản Yue chỉ "biết qua", mà không "hiểu rõ".


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.