Nếu mấy trăm năm sau, Liên Bang xuất hiện một bản ghi chép tường tận về những sự kiện truyền thông mang tính tầm cỡ nổi bật, vậy thì khi lật đến những trang về năm Thượng nguyên 1774, cái tên nhảy ngay vào mi mắt người đọc, đích thị chính là Lăng Vệ.
Khỏi phải nghi ngờ, Lăng Vệ trong năm này, đã trở thành cái tên nổi tiếng gây tranh cãi nhất Liên Bang.
Lăng gia, hay vẫn là Lawson?
Quan chỉ huy Lăng Vệ, rốt cuộc là hoa lạc nhà ai, cống hiến vì ai?
Đây là câu hỏi mà năm đó toàn thể Liên Bang, toàn thể phương tiện truyền thông, ra sức đào bới khai thác.
Vấn đề ấy bao gồm tất cả những yếu tố hàng đầu trong việc kích thích trí tưởng tượng lẫn thôi thúc sự tò mò của bất kỳ ai - gia thế Tướng quân, xung đột giữa con nuôi và người thừa kế, chiến tranh, chiến công, quyền lực, thân tình, phản bội...
Khiến đám phóng viên chẳng nào nào ruồi vớ được máu, cầm micro không quản khổ nhọc, ngày đêm cắm rễ, vây kín bên ngoài trụ sở cùng cổng lớn dinh thự các Tướng quân.
Bởi không thể tiếp xúc với nhân vật chính yếu nhất của câu chuyện - quan chỉ huy Lăng Vệ - khả năng tưởng tượng của cánh nhà báo được thả sức phát huy ở mức tối đa, bọn họ tự ấn theo những quan điểm nhận định riêng của bản thân, suy diễn thành những bản phiên bản khác nhau của câu chuyện, đẩy cái tên Lăng Vệ trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên vô số phương tiện thông tin mà căn bản chính Lăng Vệ cũng không thể tưởng tượng.
Những người ủng hộ gia tộc Lawson, gọi anh là anh hùng dũng cảm, dành hết lời khen ngợi trên khắp các diễn đàn.
"Làm tốt lắm, quan chỉ huy!"
"Đưa ra lựa chọn táo bạo như vậy, nhất định là vì Lăng gia đã đối xử quá o ép bất công với anh, phải không? Em cũng là con nuôi, em hiểu rất rõ cảm giác bị cha mẹ nuôi ghẻ lạnh không quan tâm, bị những người con ruột của cha mẹ nuôi thường xuyên tị nạnh bắt nạt là như thế nào, vậy nên, em hoàn toàn ủng hộ quyết định của anh!"
Trong khi đó, nhóm những người ủng hộ Lăng gia, thì lại vừa thương vừa hận mà gọi anh là đứa con phản bội đáng trách, đồng cũng hết mực lo lắng không ngừng kêu gọi trên mọi phương tiện truyền thông.
"Trở về đi Lăng Vệ, người nhà của em sẽ dang rộng vòng tay đón nhận em trở về mà!"
"Nếu đứa con mình nuôi suốt hai mươi năm, đến khi thăng quan tiến chức chóng vánh lại trở mặt không thèm nhận cha mẹ nuôi của mình nữa, thì tụi tui còn biết tin tưởng điều gì đây?"
"Thật là mất trí nhớ, nên mới đưa ra quyết định điên rồ này hở?"
"Biết đâu do gia tộc Lawson vận quỷ kế cũng nên..."
Bàn tán khắp trong nhà ngoài ngõ xôn xao vô cùng.
Là con dân Liên Bang, ngươi có lẽ không biết Hoàng tộc, có lẽ không biết Quân bộ, không biết ngôi sao nào đỏ rực nhất trên bầu trời, nhưng ngươi, tuyệt đối không thể không biết Lăng Vệ.
Giữa lúc cánh phóng viên ùn ùn đưa tin, lên sóng truyền hình chia thành nhiều luồng ý kiến mở cuộc tranh luận ác liệt, thì Nữ vương bệ hạ tôn quý cũng đồng thời chính thức lên tiếng, gửi một tín hàm Vương tộc tới Tòa án Liên Bang tối cao, nội dung hàm súc đề nghị Pháp viện hủy bỏ điều thứ 230 Hiến pháp quyền tự do của công dân Liên Bang, cũng chính là điều luật đã giúp Al Lawson hợp pháp "sở hữu" Lăng Vệ.
Lý do được Nữ vương đưa ra chính là, "Nhằm đảm bảo công dân Liên Bang được hưởng quyền tự do cá nhân một cách trọn vẹn đầy đủ nhất".
Thời khắc đó, giới truyền thông lẫn nhân dân Liên Bang, sôi trào dữ dội.
Nữ vương!
Cuối cùng Nữ vương bệ hạ cũng đã lên tiếng!
Nữ vương nhẹ nhàng mà khôn khéo giật dây, ngay giữa lúc than đỏ rừng rực, đẩy thêm củi lửa, khiến nó càng ngùn ngụt cháy vượng.
Thế nhưng, hầu hết mọi người lại không biết...
Song song khi ấy, một tín hàm khác cũng được lặng yên gửi tới, đặt trên bàn của Chánh án Tòa án tối cao Liên Bang.
Một tín hàm được gửi tới địa phương mà mỗi ngày tiếp nhận vô số văn kiện, chen lẫn trong chồng cao ngất chứa đến hằng trăm bức thư, dường như chẳng thể khiến ai chú ý.
Khi này, vị Chánh án Tòa án tối cao đang đau đầu vì củ khoai lang phỏng mà Nữ vương nhét vào tay ông, nhờ điều thứ 230 Hiến pháp quyền tự do của công dân Liên Bang mà mỗi ngày đều đỏ mắt mất ăn mất ngủ, không có thời gian xử lý tất cả tín hàm một cách cặn kẽ, chỉ mở ra lướt nhìn sơ bộ, đoạn gạt sang một bên.
Cũng khó trách Chánh án không xử lý kỹ càng.
Dù sao đi nữa, trong tình cảnh mỗi ngày đều là dân luận huyên náo về việc quan chỉ huy Lăng Vệ đáng lẽ nên thuộc về ai, thì một tín hàm chẳng qua cũng chỉ như hạt giống cỏ dại bị trận nổ mạnh bắn văng ra một góc cách hiện trường đến hai ba kilômét, hoàn toàn nằm ngoại phạm vi sát thương.
Thế nên, hạt giống bị bỏ quên ấy, cứ thế vùi mình mảnh đất phì nhiêu, bắt đầu yên lặng chờ đợi thời cơ nảy mầm.
Mà hạt giống này, bức tín hàm không được ngó ngàng tới này, lại mang một cái tên thật dài.