A nương kể, chớm xuân là lúc ta được sinh ra, cả thành Trường An qua một đêm đều ngập trong hoa đào, khắp nơi đều là một mảnh hồng tím nồng đậm. Dưới ánh nắng ban mai, cả con sông như bị nhuộm sắc tím.
Năm đó có một đạo sĩ tới dâng tấu, nói rằng tử khí* giáng xuống, quốc vận hưng thịnh, là điềm báo tốt lành cho cả đất nước. Hoàng thượng vui mừng. A nương lại nói, Trường An lúc đó, mưa phùn lất phất, ca múa an hưởng thái bình, phúc thái dân an, dân chúng ai nấy đều vui vẻ.
*Tử khí: khí màu tím
Mỗi lần a nương kể lại chuyện này, thì đều nở nụ cười, khiến cho gương mặt hốc hác của bà ánh lên nét rạng rỡ mê người. Ta thường hỏi a nương về chuyện quá khứ chỉ để ngắm nhìn vẻ mặt rạng rỡ trong khoảnh khắc đó của bà.
Thiên Bảo năm thứ hai, ta được sinh ra lúc Trường An phồn hoa hỉ lạc nhất. Lúc cất tiếng khóc chào đời, thanh âm vô cùng vang dội, tiếng khóc lanh lảnh, khiến cho cha ta đang đứng ở bên ngoài tưởng ta là một tiểu tử.
Bà đỡ bế ta đưa cho cha, nói: “Lão gia đại hỉ, là một thiên kim.” A nương nằm ở trên giường thấy có chút hổ thẹn, cha ta lại cười lớn nói: “Thiên kim cũng tốt, cân quắc bất nhượng tu mi*.”
*“Cân quắc tu mi” hay “cân quắc bất nhượng tu mi” là một thành ngữ Trung Hoa nói về những bậc nữ nhi có tài thao lược không kém đàn ông, thậm chí hơn cả đàn ông.
Thế là tên ta liền đặt là Thẩm Mi.
Phụ thân ta là Ngự sử trong triều, liêm khiết chính trực, đến cả Hoàng thượng cũng phải nói: “Thẩm khanh ngay thẳng cương trực, ngọc thụ lâm phong, đáng làm gương cho các quan viên trong triều noi theo.” Ngọc thụ lâm phong như thế tự nhiên sẽ có một thê tử dịu dàng mềm mỏng, đó là mẫu thân của ta.
Mẫu thân họ Bùi, xuất thân danh gia, là tiểu thư khuê khác, thấu tình đạt lý. Bà ấy đẹp như một bông mẫu đơn trắng ngần được chăm sóc cẩn thận. Tỷ tỷ của ta giống bà y đúc, bọn họ ngồi im một chỗ giống hệt như một bức họa, lúc di chuyển, lại tựa như có một trận hương hoa thơm ngát thoảng qua.
Tuổi thơ của ta trải qua trong một căn nhà ấm áp phía Đông thành Trường An. Sân vườn có tường cao, cạnh tường có liễu rủ, góc Tây Nam còn có cả một cây hòe lớn, cao to như muốn chọc thẳng tới trời cao vậy. Lúc nhỏ ta thích leo trèo, thường hay tranh đấu với các tiểu đồng trong phủ xem ai trèo cao hơn. Và ta luôn là người đứng đầu.
Khi đó, tỷ tỷ cùng mẫu thân sẽ luôn đứng dưới gốc cây lo lắng gọi tên ta, thuyết phục ta trèo xuống. Ta đứng trên mấy cành cây cao rồi trèo xuống dưới, tà váy trắng hồng của tỷ tỷ tung bay theo gió giống y như cánh bướm vậy.
Náo một hồi, cha sẽ quát một trận, một tiếng hét lớn, lũ trẻ đều lần lượt trượt xuống gốc cây. Cha ngẩng đầu nhìn ta, rõ ràng là vô cùng tức giận, nhưng mà nhìn tới nhìn lui, thế là lại cười rồi nhẹ giọng nói: “A Mi, trèo cao như vậy không sợ sao? Nhanh xuống dưới đi.” Cha mở rộng hai tay, ta liền vui vẻ lao vào vòng tay cha.
Trong ký ức của ta, Trường An của tuổi thơ là một mùa hè vĩnh viễn không bao giờ trôi qua. Đình viện cây cối rậm rạp, cành lá xanh tươi um tùm che đi cái nắng oi ả.
Nương cùng tỷ tỷ đều đổi sang mặc váy rời mỏng nhẹ, ngồi dưới mái hiên tận hưởng bóng râm.
Dưới tàng cây xanh tốt là một chum nước lớn được điêu khắc những hoa văn cổ kính, một nửa được chôn dưới đất, được đậy bằng lá chuối. Cá vàng trong nước đang bơi đầy tự do tự tại, cái đuôi quẫy tung làm bọt nước bắn lên như những viên trân châu.
Từ dưới những cành cây đại thụ, có thể nhìn thấy Trường An bên ngoài tường viện. Tiếng rao của mấy người bán hàng rong vô cùng thu hút lũ trẻ bọn ta. Nhưng mà a nương chưa bao giờ cho ta ra ngoài, bà thường lo lắng sợ sệt mà nhìn chằm chằm ta, bàn tay không ngừng vuốt tóc của ta. Ta của hồi nhỏ không thể hiểu được nỗi lo lắng trong mắt của bà.
***
Ta nhớ mùa hạ năm ta lên sáu, vào ngày Hạ chí, cả một ngày mưa vần gió bão. Chiều tối sau cơn mưa, cầu vồng ló dạng trên bầu trời. Ta cùng mấy tiểu đồng định trèo lên cành cây để xem xem cầu vồng vắt qua nơi nào. Thân cây sau trời mưa rất trơn, ta leo rất chậm, A Tân trèo qua ta lên tới đỉnh ngọn.
Hắn vui mừng nói: “A Mi, ta nhìn thấy rồi! Ta nhìn thấy rồi! Muội mau lên đây đi!”
Ta nói: “Ta tới...”
Ngay lúc ta nói câu đó, thân mình A Tân lắc lư rồi rơi khỏi ngọn cây.
Ta kinh hoàng nhìn xuống dưới, nhưng không thấy bóng dáng hắn trên bãi cỏ.
Tỷ tỷ ta đi tới, cau mày nhìn ta: “A Mi, sao muội lại trèo lên cây rồi, xuống đây nhanh lên.”
Ta lo lắng nói: “Tỷ, A Tân mới vừa ngã xuống dưới đấy!”
Lông mày của tỷ tỷ lại càng nhíu chặt: “Nơi này làm gì có A Tân nào! Muội mau xuống đây, có nghe thấy không hả?”
Ta trượt xuống, tìm kiếm khắp nơi trên bãi cỏ lẫn các bụi cây.
Tỷ tỷ hỏi: “Muội đánh rơi đồ gì sao?”
“Muội tìm A Tân đó!” Ta nói, “rõ ràng muội nhìn thấy A Tân rơi xuống dưới mà.”
Tỷ tỷ trợn mắt nhìn ta không nói lời nào.
Ta ngẩng đầu lên cây nhìn mấy tiểu đồng khác: “Các ngươi có thấy A Tân ở đâu không?”
Bọn họ đưa mắt nhìn nhau, đột nhiên có thanh âm vang lên phía sau lưng ta: “Ta ở đây.”
Ta quay người nhìn A Tân, vui vẻ kéo lấy tay hắn.
Tay của hắn vô cùng lạnh lẽo.
Ta hỏi: “Ngươi ngã tới chỗ nào thế? Có đau không?”
A Tân lắc đầu. Hắn dè dặt nhìn tỷ tỷ của ta, sắc mặt của tỷ tỷ tái nhợt, không nhìn hắn mà lại nhìn chằm chằm ta.
Ta nói: “Đây chính là A Tân a. Tỷ tỷ, tỷ không nhìn thấy hắn sao?” Sắc mặt của tỷ tỷ lại càng nhợt nhạt.
A Tân có chút sợ hãi, hắn rụt tay lại nói: “Ta phải trở về rồi.”
Ta muốn giữ bọn họ lại, nhưng hắn cùng mấy tiểu đồng khác đều đi tới bụi cây rồi biến mất như thường lệ.